Bài thơ đầu tay của Pushkin xuất hiện như thế nào? Khi A.Pushkin kết thúc bài thơ, nhà thơ lão thành Dergiavin đã đòi được ôm hôn thi sĩ trẻ. Pushkin đã bỏ chạy trốn biệt, còn nhà thơ lão thành phải thốt lên: “Cậu ta sẽ lớn vượt che trùm tất cả chúng ta”.
Đã có lần tôi bị một người quen trách khi bản thảo của anh bị nhà xuất bản trả lại. Anh chép miệng buông một câu “Thì vẫn, viết thì phải lách mà”. Tôi giận lắm song cũng chỉ thấy thương cho anh ấy mà thôi. Chẳng qua anh ấy đã không hiểu con đường đi đến với nàng thơ là đâu có dễ dàng.
Thi hào Nga A.Pushkin (1799-1837) ngay từ những bước đi đầu tiên hướng tới đỉnh thi sơn đã quan niệm: “Việc phụng thờ nàng thơ không chấp nhận thái độ lăng xăng hối hả”. Ấy là suy nghĩ của Pushkin, khi đang còn là một cậu học trò trường Lycée (một kiểu trường Quốc tử giám của Nga hoàng mở tại Hoàng thôn vào năm 1813). Pushkin đã viết những lời đó trong bài
Gửi cho người bạn làm thơ. Và bài thơ này chính xác là tác phẩm đầu tay xuất hiện trên thi đàn của Pushkin.
Pushkin làm thơ từ rất sớm. Tám tuổi cậu bé Pushkin đã viết những câu thơ đầu tiên. Mười hai tuổi đã vào học trường Lycée, chẳng bao lâu trở thành cây bút xuất sắc, các thày đều chú ý, bạn bè thán phục. Trong trường, Pushkin được sống bên cạnh nhiều người bạn cũng yêu thích sáng tác văn thơ. Đặc biệt Pushkin thân thiết với Anton Denvig (1798-1831) - lớn hơn cậu một tuổi, sau này cũng trở thành một nhà thơ có tên tuổi. Quan niệm của Denvig về thơ ca rất phù hợp với định nghĩa về thơ của Pushkin - “Thơ là thơ”. Sau này trở thành nhà thơ lớn, vì những bài thơ yêu tự do của mình, Pushkin bị đày xuống miền Nam nước Nga. Khi trở về Pushkin có nhiều sáng tác mới trong đó có trường ca
Đoàn người Zigan. Một lần, nhà thơ bậc thày Giucovxki (1783-1852) hỏi Pushkin về mục đích viết trường ca
Đoàn người Zigan là gì, Pushkin đã trả lời: “Mục đích của thơ chính là thơ”.
Pushkin và Denvig cùng xuất hiện sớm. Sau này nhớ lại, Pushkin đã viết trong một bài thơ: “Hai chúng tôi cùng xuất hiện sớm. Một niềm hân hoan sôi nổi đã đón chào chúng tôi”.
Bấy giờ là năm 1814, Denvig 16 tuổi, Pushkin kém một tuổi. Cả hai đều đã khá nổi tiếng trong trường Lycée và giới thơ ca Nga cũng đã biết đến. Ngay ở Hoàng thôn cũng như ở thủ đô Peterburg, cả hai người đều có thể dễ dàng tìm ra cho mình những người bảo trợ sẵn sàng ngỏ lời giúp giới thiệu với một ông chủ bút nhà xuất bản hay báo chí và "dắt tay" đưa họ vào làng văn. Nhưng đôi bạn ấy thấy như vậy là “lăng xăng hối hả”, là “không thơ" nên đã quyết định đi bằng con đường của chính mình. Họ đã bảo nhau tự gửi bài đến một tờ tạp chí văn học có uy tín, nhưng cùng giấu tên. Đó là tờ
Người đưa tin châu Âu do Izmailov (1773-1830), nhà văn, tác giả của tiếu thuyết
Hồ Roxtov đang nổi tiếng khi ấy, làm chủ bút. Izmailov đã nhận ra ngay giá trị của các tác phẩm không có tên tác giả. Ông cho đăng lên một số báo lời nhắn tin: “Chúng tôi thỉnh cầu tác giả bài thơ có tên Gửi người bạn làm thơ đã gửi tới báo
Người đưa tin châu Âu , cho được biết quý danh, bởi vì chúng tôi đã đặt ra cho mình cái lệ không đăng báo khi mà tác giả không báo cho chúng tôi quý danh và địa chỉ… Chúng tôi xin đảm bảo bí mật”.
Thông báo đăng ở số 8 của tạp chí. Đến số 11 tạp chí Người đưa tin châu Âu đã đăng bài thơ của Denvig không có tên tác giả và tiếp theo là số 12 đăng bài thơ
Gửi người bạn làm thơ với bút danh
Alecxandr NKSP. “En Ka Sê Pê” là chữ cái đảo ngược của tên họ Pushkin.
Tác phẩm đầu tay của Pushkin trên văn đàn rất hoàn mỹ chững chạc ở mức kinh điển như mọi sáng tác khác của Pushkin đã viết và sau này để lại trong di sản của ông cho văn học Nga.
Pushkin đã không vội vã công bố “tên mình”, không khuấy động một ai trong số các cây bút bậc thày, không chờ đợi, không đòi hỏi hay tìm kiếm sự hỗ trợ và ân thưởng của bất cứ một ai, trừ người bạn tin cậy Anton Denvig của mình. Nhà thơ đã hành động một cách tự lập, tin vào chính bản thân.
Tên tuổi Pushkin được công khai một năm sau đó. Năm 1815, trường Lycée tổ chức một kỳ thi lớn, trong đó đặc biệt có thi ngôn từ, tổ chức công khai với sự có mặt của nhiều vị khách danh dự, trong đó có nhà thơ trưởng lão Dergiavin (1743-1816). Cậu học sinh Pushkin đã đọc bài thơ
Những hồi ức về Hoàng thôn của mình vừa sáng tác. Nhà thơ 72 tuổi vẫn ngồi lim dim ngủ gà ngủ gật nghe các thí sinh lần lượt ra mắt trình bày các sáng tác của mình. Đến lượt Pushkin, bỗng cụ già choàng tỉnh và để nghe rõ hơn, đã nhổm dậy nhoài ra trước. Khi Pushkin kết thúc bài thơ, nhà thơ lão thành đã đòi được ôm hôn thi sĩ trẻ. Pushkin đã bỏ chạy trốn biệt, còn nhà thơ lão thành phải thốt lên: “Cậu ta sẽ lớn vượt che trùm tất cả chúng ta”.
Sau đó,
Những hồi ức về Hoàng thôn của Pushkin đã được Izmailov công bố trên tạp chí của mình. Lần này với đầy đủ tên họ tác giả: A.X. Pushkin. Và từ đây, Izmailov luôn luôn quan tâm làm sao cho các sáng tác mới của cậu học sinh Lycée kỳ lạ sẽ không rơi vào tay ai khác, mà chính là tay ông. Bài thơ
Những hồi ức Hoàng thôn do ông chú Pushkin chuyển đến tay Izmailov. Về sau chính Pushkin giữ quan hệ mật thiết với ông. Năm 1826 nhận được thư của Izmailov, lúc đó là chủ bút tạp chí Muzeum văn học, yêu cầu gửi sáng tác mới đến, Pushkin lập tức phúc đáp một cách thịnh tình: “Tôi sẵn lòng, nếu có thể bằng cách nào đó làm vừa lòng người bảo trợ đáng kính đầu tiên của nàng thơ tôi”. Pushkin gọi Izmailov là "người bảo trợ" không theo cái nghĩa thông thường như ta vẫn hiểu, bởi thực ra Izmailov không hề bảo trợ gì cho Pushkin. Mọi bước đi của Pushkin đều là những bước đi tự lập, bằng chính sức lực của mình, trung thành với quan niệm: “sự phụng thờ nàng thơ không chấp nhận thái độ lăng xăng xối xả”, trung thành với định nghĩa “thơ là thơ”.
Làm nghề xuất bản sách ở nước ta hơn 30 năm qua, tôi có dịp quan sát không ít những bước đường của người này người khác đến với văn học. Mỗi lần tôi đều nhớ lại câu chuyện nhà thơ vĩ đại Nga Pushkin lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn như thế nào và lại có dịp chiêm nghiệm cái chân lý mà ngay từ thuở thiếu thời, cách đây gần hai trăm năm, con người ấy đã chọn.
N.B st
(Nguồn: Người Hà Nội số ngày 14/7/2006)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..