Trang trong tổng số 3 trang (23 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Lại Duy Bến

Mong được chia sẻ với các bạn những bài viết không phải là thơ ở trang này
Vàng son rồi cũng qua đi
Câu thơ ẩn dật cháy khi bão lòng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nghiêm Diệu Dung

Theo từ điển thì: Tạp văn là một loại tản văn có nội dung rộng, hình thức không gò bó, bao gồm những bài bình luận ngắn, tiểu phẩm, tuỳ bút, v.v.
NGỒI MỘT MÌNH
Ngồi một mình đôi lần thấy quạnh hiu. Bỗng dưng nhớ ồn ào phố thị, nhớ bạn bè và những cuộc chơi… Trên chuyến tàu cuộc đời một chiều phía trước, biết ai sẽ là người bạn đồng hành còn nhớ tới ta khi chia tay về ngã rẽ chuyến đời riêng? Biết ai rồi sẽ phũ phàng quay lưng, xa lạ hận thù? Có những gương mặt thân quen không biết tự bao giờ đã nhạt nhòa theo năm tháng, họ đang ở đâu giữa những trạm dừng?
Ngày vui chóng qua, cùng ngày buồn đọng thành nỗi nhớ…
Ngẩn ngơ lục tìm ký ức, này đây là gương mặt quen thân từng ngỡ mãi chia sẻ, cảm thông với mình; này đây là gương mặt ước không phải chung đụng mỗi ngày, mỗi việc; này đây là gương mặt từng ghi lại trong ký ức mình một chút kỷ niệm buồn vui; và, này đây là gương mặt cho mình niềm vui và cảm giác bình yên; này đây là gương mặt người quen thân mới… Người đến, người đi, có người ở lại. Chắc rồi sẽ còn những gương mặt xa lạ trở nên quen thân, và biết đâu trong những gương mặt quen thân bây giờ cũng có ngày trở thành xa lạ!
Ngồi một mình, thấy mình dẫu sao cũng thật đủ đầy hạnh phúc. Cho dù có còn ít người thôi nhưng mỗi bình minh, mỗi hoàng hôn họ mãi là chốn bình yên cho mình trú ngụ: ba mẹ, anh em, thầy bạn. Những ân tình hòa trong dịp thở, trong máu xương và chẳng chia biệt vì bất cứ gì…

Với mắt có thể nhìn, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi… những hoa lá xinh tươi, những lời tiếng thăng trầm, những hương vị nồng thơm cay ngái… cuộc đời bấy nhiêu thôi đã đẹp. Sá gì chút hơn thua hay thiếu thốn, buồn phiền chẳng thể né tránh được trong đời. Thân xác này của dày công sinh dưỡng; tâm hồn này là của vấn vương từ mấy độ tử sinh… thì thôi dang tay mà đón nhận, mở con mắt nhìn bao vay trả trả vay. Mặc ai thực hư, vẽ vời trần gian lắm nỗi, chi một đời, chi mà oan uổng tấm thân!
Ngồi một mình chợt thấy ra mình cũng chưa thành thật với chính mình. Có một góc thẳm sâu nào đó đè nén những tiếng nói đầy tham vọng: được khen tặng, được yêu thương, được danh tiếng, được giàu có sung túc, được mãi bình yên, được hoài trẻ đẹp… Biết mấy cho vừa mà cứ ngỡ mình đang biết đủ, đang sống trọn vẹn với những gì mình đang có trong vòng tay. Và, hãy còn một góc nào đó giấu kính những tiếng nói của sự chống trái cuồng si: Ai cũng vô thường, cái gì của ai cũng vô thường nhưng không phải là ta hay người thân ta; chẳng ai trên đời là toàn vẹn, nhưng mình là luôn tốt, luôn đúng, luôn chịu thua thiệt, oan ức, còn người khác thì không. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những tiếng nói kỳ lạ ẩn kín thoát ra đằng sau những lời chúc tụng, chia buồn mà chính mình cũng chẳng dám gọi tên, hình như là lòng ganh tỵ, sự hả hê!
Ngồi một mình, chợt nhận ra hơi thở mình củn lủn như người chưa từng biết thở. Những trong lành, những sâu lắng chưa kịp vào thân đã vội hắt ra. “Hít vào thật sâu, thở ra thật dài”. Thở thôi, đã khó. Hơi thở cũng triết lý cao vời. Chớ chi ai cho mình bình tâm và nghị lực khi giận dữ, khi mất mát, âu lo… Hơi thở cũng là sự sáng suốt, vững chãi và bình lặng đến không ngờ. Dường như trong hơi thở nhẹ nhàng sâu lắng đã sẵn có tiếng nói hóa giải sân giận, khổ đau, cho lòng bao dung và khả năng buông bỏ. Còn thở, còn khả năng để trở lại làm chủ bản thân. Trọn vẹn hơi thở cho trọn vẹn nụ cười.
Ngồi một mình, có khi lòng nổi trôi, có khi vô cớ buồn, cũng có khi thật trống trải cô đơn. Nhưng thi thoảng ngồi một mình, chỉ một mình thôi, ta nhìn ra được rằng, mỗi tan hợp, mỗi mất còn, mỗi thành công thất bại… là mỗi nhân duyên mầu nhiệm đưa mình đến những bến lạ đầy thử thách và cũng đầy hứa hẹn của cuộc đời.
Theo: Văn Hóa Phật Giáo số 67
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

@Anh Lại Duy Bến: Em rất vui khi thấy anh mở thêm trang Tạp văn này. Bởi Thơ chưa đủ nói hết nỗi lòng ta muốn nói, những yêu thương cảm xúc trước cuộc đời  bao la rộng lớn này.
Tuy chưa đọc được nhiều, em rất cảm phục những người viết giỏi cả hai thể loại thơ và văn xuôi trên Diễn Đàn như anh Nguyễn Thế Duyên, anh Tường Thuỵ, anh Lý Viễn Giao, anh Đồ nghệ...
Và em tin là anh cũng sẽ viết rất tốt thể loại này như những trang thơ anh viết vậy.

Xin cho em gửi ké một tản văn giao lưu nhé!

@ Bạn Nghiêm Diệu Linh: Mình rất thích tạp văn bạn vừa gửi bởi cảm xúc chân thành, có chiều sâu và gợi nhiều liên tưởng hướng thiện
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

GIỞ TRANG DANH BẠ CŨ

                                 Tản văn

Người bạn  gái của tôi vừa đi  ăn tết ở Điện Biên về, tặng tôi quyển danh bạ đã sờn quăn mép bìa:
- Này, “bà” cầm lấy mà xài, kẻo lúc nào cũng đến hỏi tôi số điện thoại của những người bạn cũ…
Tôi nâng niu  trên tay quyển “DANH Bạ LAI CHÂU - 2002” mà lòng rưng rưng thương nhớ. Do một sơ xuất nhỏ, gần 5 năm rồi tôi không liên lạc được với những người bạn thân thiết, có người  quen từ thuở thiếu thời, cùngtung tăng vùng vẫy trên dòng sông Nậm Rốm hiền hoà, thơ mộng; có người quen từ ngày màu gấc chín nhuộm đỏ hai má thiếu nữ tuổi dậy thì, nhìn thấy bạn trai tay chân như thừa thãi, chẳng biết giấu ở đâu; rồi những người bạn quen trên từng chặng đường công tác… Thấm thoắt đã mấy chục năm trời…
A! Đây rồi: Hoài Anh - Cô bạn gầy đét, cứng quèo như một cây sậy thời con gái thế mà lấy chồng rồi  ngày một mỡ màng  ra. Hai vợ chồng cùng công tác bên ngành văn hoá, cuộc sống không lấy gì làm dư dả nhưng họ rất hạnh phúc bên hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi…
Còn đây: Thanh Bình - cậu  bạn trai thân thiết, hiền lành, có đôi mắt trong veo  của tôi vẫn thuỷ chung với nghề dạy học. Chàng và nàng cùng dạy môn văn, cùng là hội viên hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Họ đã có chung nhau một “công chúa”, một “hoàng tử” và mấy tập thơ tình…
Và đây nữa: Kiên Cường - Cậu học sinh “cá biệt” hay gây gổ đánh nhau với bạn  giờ đã trở thành một sĩ quan quân đội. Cho đến giờ chàng vẫn chưa “cùng ai”, khiến bao cô nàng khắc khoải,đỏ mắt chờ mong vì thương thầm nhớ trộm…
Lật giở từng trang, từng trang danh bạ, tôi xiết bao vui sướng, tự hào vì nhiều  người bạn tôi giờ đã thành đạt. Họ đã trở thành cán bộ chủ chốt từ huyện đến tỉnh. Họ đã cống hiến tài năng. tâm huyết cho sự nghiệp phát triển  hai tỉnh “phên dậu” của Tổ quốc… Họ không bao giờ gọi điện thoại cho tôi, nhưng tôi không trách họ bởi tôi luôn nghĩ  dù bận rộn đến đâu trong tim mỗi người vẫn còn nguyên vẹn  một khoảng trời Mường Thanh huyền thoại…
Có lúc những ngón tay  tôi run lên bần bật khi giở  đến những cái tên thân thiết một thời mà chủ nhân của nó- những người bạn  thơ ấu của tôi giờ đã ra người thiên cổ. Người bạn kiểm lâm của tôi đã ngã xuống dưới nhát rìu oan nghiệt của bọn lâm tặc để bảo vệ cánh rừng nguyên sinh nơi anh cất tiếng khóc chào đời…Người bạn gái có khuôn mặt đẹp như Đức Mẹ Đồng Trinh của tôi đã ra đi vì một tai nạn giao thông bất ngờ ập đến, để lại người chồng thương binh cụt cả hai chân cùng ba đứa con đang học hành dang dở…
Có lúc tôi rơi vào trạng thái chơi vơi, hụt hẫng khi đọc đến những cái tên rất đỗi thân quen  một thời giờ đã trở nên ô danh “tiếng xấu để đời”. Một người con trai hào hoa phong nhã, hát hay, học giỏi, từng là thần tượng của biết bao cô gái, từng thăng tiến nhanh chóng trên con đường công danh sự nghiệp bằng chính tài năng  của mình, giờ đang ngồi “bóc lịch”trong nhà giam vì tham ô hàng tỷ đồng của Nhà  nước trong một công trình xây dựng lịch sử…Một cô bạn hoa khôi nức tiếng thuở xa xưa đã phải “dựa cột” vì buôn bán hêrôin qua biên giới khi sắc đẹp tuổi hồi xuân vẫn tràn trề quyến rũ, nhà cao cửa rộng, chồng con đề huề chẳng kém ai…Một cậu bạn thông minh, hóm hỉnh với chiếc răng khểnh duyên dáng kênh kiệu thuở nào giờ thân tàn ma dại, người quắt lại như cái xác không hồn bởi căn bệnh thế kỷ do ăn chơi đua đòi trác táng…Nghĩ đến họ, tôi thấy lòng quặn thắt, đau xót, giận thương lẫn lộn. Không giận sao được khi họ làm những điều xấu xa, tồi tệ, phụ ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy, tình bạn, làm hại dân hại nước? Nhưng tôi đã từng có một thời sống chung bên họ với biết bao kỷ niệm êm đềm trong sáng của tuổi thơ ấu thời bao cấp nghèo khó mà chan chứa tình người; tôi đã cùng họ lăn lê bò toài chơi đánh trận  giả trên đồi A1, làm sao tôi không khỏi ngậm ngùi thương xót cái quá khứ tốt đẹp họ đã sống?
Cứ thế… cứ thế, trong đêm khuya tôi một mình lật giở từng trang, từng trang danh bạ cũ, lòng thao thức xốn xang. 5 năm – thời gian chưa phải là dài mà có biết bao thay đổi. Tôi lại nghĩ đến những người bạn đã cùng tôi chuyển sang xây dựng tỉnh Lai Châu mới. Tôi mừng cho một số  bạn đã có những bước tiến vượt bậc trên con đường công danh sự nghiệp bởi họ rất xứng đáng đứng ở vị trí tiên phong đó.Với tài năng sẵn có cộng với ý chí, nghị lực vươn lên không ngừng, họ biết hy sinh cái nhỏ cho cái lớn, cái riêng cho cái chung…Phần lớn những người bạn cũ cũng như tôi, sống cuộc sống bình thường và chân chính. Chúng tôi ít có thời gian  tụ tập chơi bời với nhau vô tư như thuở còn son rỗi. Nhưng mỗi khi ai đó có chuyện vui hay chuyện buồn, chẳng ai bảo ai chúng tôi cùng có mặt san sẻ, động viên nhau (nhất là khi ai đó có biểu hiện sa đà). Những người bạn cũ hiểu nhau từ chân tơ kẽ tóc dễ góp ý cho nhau hơn ,thậm chí có thể mắng nhau té tát vì mục đích tốt mà không sợ bạn giận, không cần vòng vo tam quốc, không cần rào đón sợ mếch lòng nhau…
Tôi còn rất, rất nhiều người bạn cũ ở hai tỉnh Điện Biên –Lai Châu. Vì điều kiện gia đình, mặc dù rất thông minh, họ không được học hành đến nơi đến chốn mà vẫn sống một cuộc đời bình dị trong những bản quê xa xôi, heo hút; họ vẫn hay lam hay làm, giàu tình yêu gia đình, quê hương, làng xóm…Họ là những người không có tên trong danh bạ song đã lưu lại trong tôi những ấn tượng đẹp đẽ không bao giờ phai mờ…           
                                 Lai Châu, ngày 15/2/2009.
                                              B.T.S
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

@Anh Lại Duy Bến: Cho em gửi tiếp vào trang anh một tản văn của con gái em - cháu Phùng Hải Yến nhé!



                      CON YÊU MẸ

Con vẫn chưa bao giờ ( kể cả những lúc choàng vai mẹ thỏ thẻ những lời âu yếm ) thốt lên ba tiếng mà tận sâu trong tiềm thức của mình , con luôn ghi khắc.
Con nói "con yêu mẹ "khi những buổi trưa hè ngày con còn bé tí vẫn hay lén theo lũ bạn dưới cái nắng chói chang để tìm cỏ gà hay trèo cây hái phượng , mẹ không đánh mắng nhưng ánh mắt lo âu hằn in trên gương mặt mẹ mỗi đêm trông con bị ốm , rồi sốt mê man . Khoảnh khắc đó con thấy mình có lỗi với mẹ hiền.
Con nói "con yêu mẹ " , trong khi lũ bạn con hè nào cũng chạy nhảy tung tăng tối ngày còn con lúc nào cũng ngồi nhà chờ cha mẹ đi làm về , y hệt như lời tụi nó bảo là " cấm cung" vậy . Cho đến khi mẹ nói với cha mỗi kỳ nghỉ gia đình mình sẽ cùng đi đến một nơi nào đó để thư giãn . Con chợt thấy rằng ở trong mái nhà của chúng ta đã là quá ổn.
Con nói "con yêu mẹ " khi vô tình đọc được dòng nhật ký mẹ viết ngày con còn nhỏ. nỗi nhớ nhung vô bờ vì phải xa con khiến cho con xúc động đến nghẹn ngào , đã bao lần con thầm trách vì ngay từ khi con còn bé xíu mẹ đã vội vàng đi học để con phải ở nhà một mình với bố...............Dòng chữ như thấm tan vào những giọt nước mắt mặn chát , dâng trào trong con nỗi ân hận về những suy nghĩ ngốc nghếch kia.
Con nói "con yêu mẹ " vì trong lớp con đã cố gắng học thuộc bài " mây và sóng " của TAGOR bài thơ mà ngày học lớp 6 con đã nói với mẹ bài thơ nào ông tác giả viết để tặng riêng mẹ con mình í ) . Để khi về đến nhà lại rủ mẹ cùng chơi trò chơi đầy thú vị ấy. tiếng cười của con âm vang khi con giả làm mây , mẹ làm gió và mái nhà ta là bầu trời ; Khi con làm sóng , mẹ làm mặt biển xanh ; Vâng ! Lúc trên lớp con đã nhủ lòng như vậy, thế nên buổi tan học nào con cũng muốn mau chóng về đến nhà chứ không la cà ngoài phố hay rẽ vào đâu đó theo lời rủ rê của bè bạn . Vì con biết mẹ vẫn đang ở nhà chờ cha và con bên những bữa cơm đầm ấm và hạnh phúc.
Con nói " con yêu mẹ " mỗi khi đi học về , ngước mắt lên nhà lại thấy lung linh một màu hoa vàng rực như nắng . Loài hoa bất tử và cái biển mà mẹ đã tỉ mẩn khắc ghi hai tiếng CON YÊU khiến con vô cùng kinh ngạc . Mẹ đã nâng niu các loài hoa ấy trong những chuyến bay từ Nam ra , chỉ vì một câu nói thích sau khi con đọc câu chuyện cổ về các loài hoa ..
Con nói " con yêu mẹ " vì cho đến tận bây giờ ,con mới thực lòng hiểu rõ những ý nghĩa ẩn sâu trong cái tên mẹ đặt cho con thông qua một bài thơ . Bài thơ con đã thuộc từ năm học lớp 2 nhưng đến giờ con mới thực sự " thuộc " nó trong chính tâm khảm của mình . cũng giống như bài "chiếc nôi " của cha vậy , làm sao có thể quên những tình cảm ấm áp đầy gắn bó này ?
Con nói " con yêu mẹ " khi con đi thi cuộc thi " nét đẹp đội viên " lần đầu tiên . Mẹ chăm chút , mẹ lo lắng , mẹ hồi hộp như chính mẹ phải tham dự chú không phaỉ con nhóc lớp 6 kia . Khi nhận giải thưởng , nhìn về hàng ghế khán giả , ánh mắt động viên xen lẫn tự hào của mẹ đã khiến con nghĩ rằng đó chính là giải thưởng cao nhất . Để mai này dù có nhận những giải khác , không có mẹ nơi hàng ghế đó nữa nhưng lúc nào hình ảnh ấy cũng theo con như chính sự vĩnh hằng của nó trong trái tim con vậy ..........
Con nói " con yêu mẹ " mỗi khi con kêu ca , phàn nàn về những cô giáo dạy văn cấp 2 . Mẹ đã phải ân cần chỉ dạy lại cho con toàn bộ phần kiến thức . Con đã từng ghen tị khi nghe các anh chị cấp 3 nói rằng mẹ giảng văn rất hay , con ghen tị vì không được học một tiết nào của mẹ mà quên mất rằng đã bao lần mẹ giải nghĩa cho con một từ khó , hay là hướng dẫn cho con một cách hiểu khác về một thi phẩm hay . Chẳng phải cha đã từng nói nhà mình có một cuốn " từ điển sống " đó sao ???
Con nói " con yêu mẹ " khi căn bệnh cao huyết áp và cả cái bệnh liệt dây thanh thi thoảng vẫn hành hạ mẹ . Con ghét những căn bệnh làm mẹ đau bởi lúc ấy nhà mình ngưng bặt cả tiếng nói cười . Song ngay cả khi ấy mẹ vẫn cố gắng nhắc cha , dù lời nhắc đó thật khó khăn và đầy mệt mỏi :" mai con thi vòng tỉnh đấy ,anh ạ !"
Con nói " con yêu mẹ " khi tình cờ đọc được một câu danh ngôn như thế này :" cuộc đời là một chiếc chăn hẹp , nếu có người kéo nó về phía mình thì sẽ có người phải chịu lạnh ". mẹ đã chăm lo cho con , cho anh , cho cha quá nhiều rồi ! Có bao giờ do vô ý mà chúng con khiến mẹ phải chịu " lạnh " không ??? Khi nụ cười hạnh phúc luôn rạng ngời trên môi mẹ . Con đã tìm thấy quà tặng cuộc đời ngay từ chính nụ cười - niềm tin đó .
Con nói " con yêu mẹ " khi con biết những hy sinh lớn lao của mẹ khi quyết định theo cha đến một chân trời xa lắc thế này . Con nhớ lần các dì đến nhà ta trong một mùa hè , trước lúc lên xe dì hằng đã ôm chầm lấy con mà khóc :" Dì thương mẹ con quá ! ở nơi xa xôi thế này , các con phải nghe lời mẹ nghe chưa ?" . Con nhớ những trăn trở , âu lo hiện hữa trong mẹ mỗi khi dì hà điện ra là do trời trở gió mà ngoại lại ốm . bà vẫn nói mẹ là đứa con tình cảm nhất mà lại phải ở xa bà quá còn gì ???
Con nói " con yêu mẹ " vì con biết mẹ đã hy sinh nhiều hơn thế nữa . Những giảng viên bạn của mẹ khi con đi thi đại học đã nói rất nhiều về cô thủ khoa 12 tỉnh ngày nào để con biết thêm rằng : hạnh phúc nghĩa là phải đánh đổi một điều gì đó quý giá tương tự . Con biết chỉ một lời nói của cha con :"vì anh em đã bỏ tất cả , anh cũng sẽ vì em mà làm tất cả cho gia đình nhỏ bé này " - như vậy -đối với mẹ - đã là tròn vẹn , viên mãn lắm rồi !
Con nói " con yêu mẹ " -trước khi bước vào vòng thi quan trọng nhất đối với con ngày học 12 , mẹ nói với con rằng giải thưởng không quan trọng , chỉ cần con bước vào phòng thi này -với mẹ -đã là cả niềm tự hào lớn lao . Và rồi con biết dù mai sau có thế nào đi chăng nữa con không thể quên những lời khuyên nhủ quá đỗi chân tình như vậy .
Con nói " con yêu mẹ " khi con buồn phiền vì sự học ngoài trường phổ thông qúa đỗi bất công và con mất đi niềm tin , con âu lo vì cuộc sống của người lớn quá đỗi phức tạp chứ không an lành , vô tư như thủa còn thơ ấu . Mẹ đã dạy con điều gì ?"thay vì học để lấy thành tích con -hãy-học -cho-mình . và thế là đủ . Kiến thức quyết định thành công đôi khi không phải vì điểm số ". con đã dứng dậy từ những lời khuyên ý nghĩa đó mẹ à !
Con nói " con yêu mẹ " khi mẹ lắng nghe những lời con tâm sự , về những cảm xúc vu vơ hay những mẩu chuyện bâng quơ song với con nó lại là "chuyện lớn " . Câu hỏi :"mẹ bảo con phải làm sao bây giờ ?" luôn đi kèm với " cái người đáng ghét cứ làm con giận hờn " . Mẹ thủ thỉ dịu dàng trước những tình huống ngốc nghếch con đặt ra . nhưng lúc nào mẹ cũng là người nói câu cuối cùng :" đi học tiếp đi nhóc ! Mẹ không muốn con khoái bay vù vù lên không trung mà không ổn định tư tưởng học hành đâu đấy !" Con biết , vì mẹ yêu con nên mới có thêm câu nói đó mà.
Con nói " con yêu mẹ " khi tất cả những đứa bạn đều nói con có một người mẹ tinh tế đến tuyệt vời . Con nói " con yêu mẹ " vì cuộc sống của con luôn được chở che trong tình thương bao la , hiền hoà từ mẹ .
Con nói " con yêu mẹ " đơn giản chỉ vì mẹ đỡ lời cho con với cha sau câu nói :" vừa ăn vừa đọc là phản khoa học ". Mẹ đã bênh vực con thế nào ấy nhỉ ? "ngày xưa em cũng thế , anh có mắng em đâu ". Nhưng khi chỉ có hai mẹ con , mẹ lại ân cần nói nhỏ:" đọc thì đọc mà con phải chú ý đấy nhé ! mẹ không muốn con chủ quan vậy đâu , nó sẽ bị ảnh hưởng ở tương lai đấy !"
Và dù có trăm ngàn chuyện bé xíu xìu xiu giữa con và mẹ , trong những lúc đó con đều thảng thốt nói " con yêu mẹ ". Tiếng vọng từ trái tim sẽ chỉ đập trở lại khi nó đi ra từ trái tim . phải vậy không mẹ ?
Ngàn lần , ngàn lần con nói YÊU MẸ -giống như con biết dù mẹ không nhấn phím CAPSLOCK thì ngay giữa trái tim mẹ cũng có hình bóng cánh chim nhỏ bé này - bởi nó đã được viết hoa quá đậm và sắc nét .
Con là một con bé cứng rắn và có bề ngoài lạnh lùng , quyết đoán giống cha những trong sâu thẳm tâm hồn lại đa sầu đa cảm & yếu đuối giống mẹ . Con không muốn khác đi , sẽ mãi không khác đi vì con yêu những gì mình đang sở hữu , cũng như tình yêu không nói thành lời của con với cha mẹ vậy .
Mai này cũng sẽ như thế ! Con yêu một câu thơ của Xuân Quỳnh vì nó nói về tâm trạng của một người con luôn hướng về nguồn cội . Dù rằng nếu câu thơ ấy đặt vào hoàn cảnh của con & mẹ se phải đổi một chút về vị trí địa lí .
"Mai con về với biển, với mẹ thôi !
Con không thể làm phù du cánh mỏng .
Và gió hỡi ! Thổi bùng lên khát vọng ,
Núi sẽ thấp dần , mặt trời mọc ..........Mẹ ơi!”

                 Thành phố Điện Biên, ngày 6/3/2005
                          PHÙNG HẢI YẾN
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lại Duy Bến



ĐÔI LỜI PHI LỘ

La Du Be mở trang này để chia sẻ khi thơ chuyển tải khó khăn .chưa kịp viết các bạn đã đáp lời làm tôi xúc động lắm,nay tôimạnh dạn góp vài dòng tâm sự mong  các bạn góp ý nhé

NGÕ QUÊ
 Tản văn

Ông ấy mất dễ đến hơn mười năm.Mười năm sau cuộc chiến tranh bao nhiêu việc phải làm,phải xê dịch.Con người hoạt động,văng ra ngoài cái khuôn khổ bó sẵn nhiều năm...

Tuổi thơ tôi đi qua trong cái ngõ bộn bề kỷ niệm.Hình ảnh đập vào mắt tôi hàng ngày đều đặn,và ước lượng tại nơi chôn nhúm rau để ngẩng mặt nhìn đời...Ông mặc chiếc áo nâu nhuộm kĩ,chiếcquần đùi nâu cũng nhuộm kĩ cứng và bền ,chiếc xe thồ đơn giản như chủ nhân của nó

Tối sẫm mặt người,ông ở cánh đồng trở về,đôi sọt chất ngất cỏ,hoặc lá ngô,lá khoai,không có thứ này sẽ có thứ khác trú ẩn.Tôi kông bao giờ thấy sọt không

Những đêm trăng chúng tôi đánh trận giả chui luồn khắp nơi,nhà ông có cây mít to xụ giáp cổng gần chuồng bò,là nơi ẩn náp lí tưởng cho trò chơi trốn tìm...

Thấy tôi,tay không ngừng chẻ lạt những sợi mềm tuôn ra đều đều,tất cả như một chu kì định sẵn,sợi nào cũng mảnh và mềm.Ông nói trong khi miệng vẫn ngậm sợi lạt:
-Khéo ngã đấy!

Tiếng ông buông lơi,nhẫn nhục và độ lượng.Sức làm việc của ông cực kì bền bỉ.Bao nhiêu năm khi còn đi học đến khi đi bộ đội tôi vẫn thường gặp ông lam lũ và chịu khó.

Đi cầy về có công điểm,ông lại một xe đạp và đôi xọt,dúi 2 củ khoai lang luộc vào túi áo nâu lên đường...Quá trưa về vẫn là độc món khoai lang luộc và mắm tôm mặn đến rụt lưỡi.Mãi sau này khi ông sắp mất tôi mới biết thêm chi tết này:Đời ông có 2 lần được ăn cơm trắng,đó là lần ông cưới vợ và ngày tết

Tôi thường gặp ông gánh một bên là khoai một bên là vợ từ Cổ Loa đến cầu Đuống cách nhà 6 km.Vợ ông,mấy chục năm bà ngày nào cũng sang nhà nói đủ thứ chuyện với mẹ tôi.Bà không làm gì cả mà uy lực nghiêng ngả gia đình.Mọi ý kiến của bà ông thực hiện xuất sắc

Con trai cả đi bộ đội thư từ gửi về bà nhờ tôi đọc,sau đó viết thư hồi âm

Ngõ quê chứa đựng bao cuộc đồi lam lũ tần tảo.Thím tôi là ả đào  khét tiếng vì giọng ngọt và vang đến nỗi chú tôilấy làm vợ lẽ
Ngõ quê với hàng rào lưa thưa hờ hững như gạch đầu dòng phân chia gianh giới.Những đêm trăng sáng lũ trẻ chúng tôi chơi trò trốn tìm nhà nọ sang nhà kia thật lí tưởng

Ngõ quê,con đường lầy lội dính đầy phân trâu nhão nhoét như cháo bà Tư đầu làng.Hũng Ngõ,là trung tâm,nơi có ngôi miếu đen cực kì linh thiêng,có ngôi miếu uốn cong như tổ tò vò mà cha tôi sau khi mua được chức trưởng bạ xây nên.Có cây bàng tán xoè như cái ô mùa quả chín đi học về gặm ngọt và thơm,hạt đập ra ăn bẽo ngậy...

Ngõ quê có chú Phong đánh trống nổi tiếng một vùng,có kèn ông Hô nghe một lần nhớ mãi...Có câu truyền miệng đến ngày nay:"kèn ông Hô ,trống ông Phong"

Ngõ quê,khi hàng xóm cãi nhau xúm vào chia sẻ...mà bây giờ tường mảnh chai,chó dữ chia lìa đôi khi dửng dưng như người thành phố

Con cháu,có đứa nào vô tình đọc những dòng này chúng cười khẩy.Điều đó có quan trọng lắm không.

Với chúng tôi đó là kỉ niệm nằm lòng ,ẩn sâu thầm kín,nuôi dưỡng những tâm hồn hướng thiện.Tôi mãi gọi thầm hai tiếng:NGÕ QUÊ

thư hồi âm
Vàng son rồi cũng qua đi
Câu thơ ẩn dật cháy khi bão lòng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

@Anh Lại Duy Bến: Em xin gửi tiếp vào trang anh bài tuỳ bút của Trai Rừng nhé!



CHIẾC NÔI
                                                                   Tùy bút của Trai rừng
(Kính tặng các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu)

    Hải Yến!Con gái yêu của cha!
    Cha đến thăm con vào một ngày cuối đông. Trống trường điểm giờ ra chơi đã đến. Ôi tiếng trống làm lòng cha xao xuyến, dù bao năm xa trường, cha mãi mãi không quên.
    Các con ùa ra sân như một đàn chim trắng. Cả sân trường bỗng bừng vui xao động. Cha dõi mắt tìm hình bóng của con… Con bé bỏng như một con chim én. Nhớ năm xưa con xa nhà đi học… xe chuyển bánh con bỗng òa lên khóc, mẹ con cũng giàn giụa nước mắt, vì lần đầu tiên con cất bước đi xa.
      Con gái yêu hãy hiểu thấu lòng cha. Ai trong đời chẳng có lúc đi xa, đừng quẩn quanh bên vòng tay cha mẹ, con phải nghĩ được điều xa hơn thế…

***

     Tuổi ấu thơ cha ngập tràn đau khổ: Cha lên ba, bà nội đã qua đời. Ông nội con nghiện thuốc phiện con ơi. Ông đem cha đổi lấy tiền hút thuốc. Cha đi ở địu con cho người khác, lên năm tuổi như mèo tha con chuột. Cũng có lúc cùng trẻ con nô nghịch, cha ngã bươu đầu, con người ta thì khóc, người ta xót con tát mặt cha tới tấp. Cha đau đớn mà không dám khóc vì biết phận mình như cái kiến, con ong. Bẩy tuổi rưỡi cha lại mất nốt ông. Ngày ông mất cha không rơi nước mắt, trái tim cha lạnh cóng tự bao giờ. Không mẹ cha, cha lại sống bơ vơ, nay địu con nhà này, mai chăn trâu nhà khác, quanh năm chỉ bộ quần áo rách, làm cho người mà chả dám ăn no.
  Cha nhớ mãi một sáng mùa thu,có ông Suyền  ở bên huyện ủy,vợ ra đi để lại hai em nhỏ, đón cha về cùng rau cháo nuôi nhau. Là cán bộ xuôi ông lại biết tiếng Dao, ông dạy cha nói tiếng kinh bập bẹ. Ông thương cha như thương hai con đẻ. Có một lần cha thỏ thẻ hỏi ông: “Cháu muốn đi học có được không? Cứ địu trẻ con mãi thế này chán lắm!Cháu chỉ muốn đến khi cháu lớn, được làm cán bộ tốt như ông”. Ông ôm cha xiết chặt trong lòng: “Được, bố hứa sẽ cho con đi học”.

***
       Năm sáu mươi (1960) cha xuống trường ký túc  cùng chú Sơn, chú Páo học vỡ lòng. Ông Cán cho cha hai chín đồng. Ông Suyền cho cha  bộ quần áo mới.
      Ký túc xá đông vui như hội, các bạn học sinh mặc quần áo đủ mầu. Cha lớn hơn các bạn một cái đầu, được thầy giáo chỉ định làm lớp trưởng. Cha thấy mình thật tự hào sung sướng, càng gắng lao động giỏi, học chăm.Bác Mỷ  làm liên đội trưởng nhi đồng (bác nhanh nhẹn, hát hay, học giỏi). Bác thường đưa cha ra sông Đà tắm gội, đơm cho cha từng chiếc áo tuột khuy. Bác Phà  rất đẹp trai lại thảo (mỗi khi bác được mẹ gửi quà,bao giờ cũng chia cha một nửa, khi củ khoai lúc thì cuốn vở, những kỷ niệm này cha mãi mãi không quên)
       Trường chuyển xuống Pá Ham, Phong Thổ rồi chuyển về mảnh  đất Điện Biên. Ký túc xá xưa chuyển thành trường Thiếu niên . Con em các dân tộc đua nhau về học. Những thầy giáo mà cha nhớ nhất là thầy Hoàng Đạo Chúc, thầy Nguyễn Văn Huân, thầy Đào Tiến Minh, thầy Lê công Lựu… Những kỷ niệm cha không kể nổi… suốt đời cha không đáp hết ơn thầy, (từ nét bút thầy cầm tay cha tập viết, đến những đêm cha sốt râm ran, thầy bón cho cha từng thìa đường, viên thuốc). Mỗi thầy cô chuyển đi là một lần cha khóc, như đánh rơi vật báu nhất đời mình. Mái trường này là mảnh đất hồi sinh, tuổi thơ cha đã biết cười, biết hát…
       Mỗi mùa xuân sang, mỗi khi hè đến, các học sinh được về với gia đình. Họ vui lắm,cứ mong hoài , nhắc mãi. Cha tủi thân ra sân đứng một mình… Những ngày đó cha lên rừng kiếm củi hoặc làm nương cho cô bác trong trường. Ai nhìn cha cũng ái ngại xót thương. Họ nuôi cha trong những ngày hè, tết.
   Tục ngữ nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cha giờ không thèm cơm, thịt nữa, vẫn không quên những bữa cơm bí đỏ, bên những ánh mắt yêu thương thấm đậm tình người. Cha nhớ mãi ông Huỳnh, ông Ban, bà Lẩu, ông Lương, bà Sành… nhiều người nữa con ơi! - những công  nhân viên giản dị suốt  đời, lo cơm, thuốc cho con em dân tộc.

***

       Sau bao năm dùi mài đèn sách, cha quyết tâm nối nghiệp cô thầy. Ra trường, cha lại trở về đây, đem cho trường một cô giáo trẻ. Con biết đó là ai không? Đó chính là người mẹ - mẹ của con - người thân nhất của cha. Mái trường này là nơi mẹ sinh ra hai anh và con giữa thời kỳ vất vả. Mẹ gầy nhom, xương nhô đôi gò má, chỉ ánh nhìn vẫn vời vợi sáng trong. Mẹ yêu thương các em nhỏ vô cùng, bao nhiêu đêm miệt mài bên giáo án. Từ cô bé mộng mơ lãng mạn mẹ cùng cha san sẻ đói nghèo. Mái trường này là chiếc nôi mến yêu đã chở che đời cha từ tấm bé. Mái trường này là nơi cha tuyên thệ trước Đảng kỳ lời hứa một Đảng viên...
   Năm bẩy sáu (1976) từ tên gọi Thiếu niên, trường đổi tên thành Phổ thông Dân tộc . Học trò mẹ cha nay trưởng thành khôn lớn, mẹ cha tự hào được góp chút công lao. Mỗi lúc đi đâu học sinh hớn hở chào, mẹ cha thấy hạnh phúc này vô giá.
   Con biết không? Hai anh con cũng thế. Từ chiếc nôi này hai anh đã lớn lên trong vòng tay cán bộ, giáo viên và trong từng luống rau thấm mồ hôi cha mẹ. Thấm thoắt đã mười năm có lẻ, mẹ cha xa trường do tổ chức phân công. Đêm đêm vẫn canh cánh trong lòng nỗi nhớ về chiếc nôi thân thuộc.
   Nay trường con đã khác xa thuở trước, đẹp đẽ khang trang,thầy cô cũng giỏi hơn... song trong cha vẫn vẹn tấm lòng son về mái trường nuôi cha từ tấm bé.
       Hải Yến! Con gái yêu của cha, của mẹ!
     Cha rất vui thấy con khỏe, con ngoan, bạn bè khen con hát hay, học giỏi, thầy  cô khen thật thà nhanh nhẹn, bác cấp dưỡng khen con xinh như con chim én. Nhưng con ơi xin con chớ hợm mình. Sống trên đời con phải biết nghĩ suy, biết khiêm nhường để tiến xa hơn nữa. Con hãy hướng tấm lòng rộng mở đến bạn bè còn nghèo khổ hơn con,như xưa cha thường nhớ công ơn của bao người thương cha côi cút.
  Ở trong trường các thầy cô chú bác đều là người thân những đồng nghiệp của cha. Con hãy yêu như yêu kính mẹ cha nhưng đừng bao giờ nghĩ đó là chỗ dựa bởi mẹ cha không bao giờ muốn  thế. Cha muốn con soi tấm gương của mẹ: Hãy vào đời bằng trí tuệ của mình và lòng bao dung, trái tim biết hy sinh, biết quên mình đấu tranh cho lẽ phải
   Con gái ơi! Hãy nghe cha nhắc lại: Mái trường này là chiếc nôi mến yêu đã nuôi bao người con khôn lớn. Như đàn chim các con tung đôi cánh bay muôn phương hãy nhớ mãi mái trường này...

               
                                                                                                 Sìn hồ, ngày 25/12/2000
                                  PCS
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lại Duy Bến



TRĂNG
Tản văn


Cứ vào những đêm trăng,lòng ta lại xao xuyến bâng khuâng...Một cái gì từ rất xa hiện về lay gọi kí ức những năm tháng đã qua.Con người ngắm trăng,thấy mình như cuồng nộ nhảy múa tung hoành trong không gian bao la tràn trề ánh trăng.Lại thấy mình bất lực vì sự khát khao hiểu biết

 Từ khi có loài người,cũng bắt đầu có thi sĩ.Trăng là vẻ đẹp bí ẩn mà bao nghệ sĩ bất lực không miêu tả nổi.Nói như Ngô Thì Nhậm "thanh cao quá".Nhà văn Nam Cao từng viết:"Trăng như một thiếu nữ cho muôn đời mơn man đắm say.."

  Thiếu nữ,người con gái dậy thì có vẻ đẹp kín đáo quyến rũ thăng hoa.Một vẻ đẹp lộng lẫy trong sáng vô ngần...Người đời trìu mến gọi là Hằng Nga.Nếu ban ngày ánh sáng chói chang,soi rõ những tinh thể nhỏ bé nhất,thì ban đêm trăng lên con người được tắm trong ánh trăng bao la ,vào cõi mộng tưởng.Một cõi trăng

  Trăng non mới nhú đến khi tròn đầy viên mãn,càng về đêm càng trong,lặng im kéo dài ra mãi,tiếng thủ thỉ rì rầm của côn trùng,tiếng của con vạc ăn đêm lẫn vào trong thinh không bao la...

  Ánh trăng nhường nhịn cho những đôi lứa yêu nhau.Lời thì thầm lan toả khắp trái đất trong ánh trăng huyền diệu.Không ai nỡ và cố ý nói lời giận dữ trong đêm trăng.Khi làm việc yêu trong ánh trăng vằng vặc,tất cả tan ra hoà quyện...
  Trăng làm dịu nỗi đau của cõi người,làm vơi đi những lam lũ lo toan luẩn quẩn,những thói đời đe tiện đố kị xấu xa.Trăng đêm nay vẫn đẹp đén muôn đời.Còn đâu những tháng năm tuổi trẻ vô tư trong sáng.Còn đâu
những hẹn hò,bè bạn yêu nhau...

   Đất nước triền miên có chiến tranh Cả tuổi trẻ đi qua chiến tranh.Mỗi bước đi đều in dấu phần đời để lại.Tiếng bom long trời lở đất nhuộm tối ánh trăng.Những bước chân hành quân,khiêng cáng thương binh,tử sĩ.Qua ánh trăng nhìn mặt đồng đội lần cuối.Những giọt nước mắt lóng lánh ánh trăng ngấm dần vào đất...

   Kỉ niệm một thời đã qua và nối tiếp.Những đêm trăng bao giờ cũng đẹp và gợi nhớ như một phép màu nhiệm gột rửa những bụi bặm của kiếp người,làm lụi đi mầm của cái ác để nhân tâm vun trồng đầy lộc biếc
   Thôn quê biến dần lên phố.Ánh điện chế ngự không gian bao la,cho dù có thế nào con người vẫn yêu trăng lắm lắm vì"trăng như một thiếu nữ cho muôn đời mơn man đắm say..."
Vàng son rồi cũng qua đi
Câu thơ ẩn dật cháy khi bão lòng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

khitieu

Có một bài tản văn rất hay của một người bạn không phải là thành viên của Thi viện. Xin Cho được gửi vào đây và xin ý kiến mọi người

CHIỀU.
Tác giả Vũ Hồng.
  Mặt trời lặn xuống đỉnh núi phía xa, chân trời khi thì phơn phớt mầu hồng, khi thì một mầu xanh lục, thỉnh thoảng có những cơn gió nhẹ thổi. Chiều tà đã thực sự đến với nhân gian. Chiều đang xuống dần, cái nóng ban ngày đã dịu bớt. Trên rừng xa, tiếng lá lao xao gọi gió, tiếng mõ lốc cốc giục trâu về chuồng, tiếng chim kêu gọi nhau về tổ… Tất cả như hẹn nhau, như một dàn đồng ca hoàn hảo của thiên nhiên, bất tận…
   Sự thanh bình của trời đất, bao giờ cũng là điều ai chẳng ngợi ca, nó chứng kiến và chia sẻ những nỗi niềm, những tâm sự của con người, buồn, vui lẫn lộn. Chiều xuống, trên cánh đồng đang vào mùa lúa chín, cái màu vàng trải dài, bát ngát, trông đến hết tầm mắt. Chỉ vài ngày nữa, mùa thu hoạch sẽ bắt đầu. Ngày xưa, gặt lúa bằng liềm, hái. Cây lúa dài, nằm đổ nghiêng trên mặt ruộng, người ta dùng hái vớt cho cây lúa đứng thẳng lên, rồi cắt, rồi đặt từng “gồi”, cứ ba gồi là một lượm. Cứ nhìn người nào lượm lúa đẹp như múa, thì biết được người ấy thành thạo nghề nông đến chừng nào. Rồi thì xóc đòn càn vào những bó lúa, gánh về nhà. Ngày nay khác xưa nhiều, nông dân chỉ cấy loại giống lúa “ngắn cây, sây hạt”, gặt ít thì dùng liềm, nhiều thì dùng máy, rồi chở về nhà bằng xe công nông, xe cải tiến… không phải gánh bằng đôi vai nữa. Chiều mát, trên các bến sông là nhộn nhịp nhất, những thanh niên trai tráng, những đứa trẻ con mươi mười hai tuổi, cứ ùa xuống sông tắm táp, bơi lội, những thiếu nữ đang tuổi dậy thì, khỏe khoắn, vui tươi, cứ toòng teng đôi thùng gánh nước nơi bến sông này. Vậy mà nhờ nó, mà nhiều đôi nên vợ, nên chồng, nhiều người coi bến sông là kỷ niệm theo suốt cuộc đời mình, dù có đi bốn phương trời, cũng chẳng thể nào quên được.
  Chiều ở thôn quê, bao giờ cũng thi vị. Mùi thơm của rơm rạ ngày mùa, nồng nồng, dễ chịu. Mùi hăng hăng của hoa đồng nội, của đất mới tinh khôi, dễ làm say lòng người. Những chiều đẹp trời, nhìn dãy núi mờ xa, xanh thẫm, nhớ lời hát được sáng tác từ những ngày kháng chiến chống Pháp:
                       Chiều nay, trên chiến khu trong rừng chiều
                       Bên rừng, tiếng suối reo ngàn thông réo…
Chỉ hình dung những anh vệ quốc quân, chơi vi-ô-lông bên suối, tiếng đàn dập dìu, mà man mác, buồn, mặc tâm hồn tha thẩn với gió, trăng, ngàn để: “Khói những chiều còn vương theo gió. Tiếng ai ru man mác hồn tôi…” Chiều mùa Hè, thường có những trận mưa to, nước nổi bong bóng, tràn cả sân nhà. Cũng chỉ chờ có vậy, khi màn đêm buông xuống, ếch, nhái, côn trùng mới đồng thanh tấu lên những âm thanh nhiều bè, nhiều giọng, lúc trầm, lúc bổng, tổng hòa trong bản nhạc phong phú của thiên nhiên, thật diệu kì.
   Nhắc tới chiều Hè là người ta lại hình dung cảnh, chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, phía trên cao là những cánh diều bay bổng, một khoảng không thanh bình, dịu êm. Mấy ai nhắc tới, có những
chiều, gió, bão đùng đùng, đổ rạp cỏ cây, tốc hết mái nhà. Những cơn mưa “đền cây” làm ngập lụt ruộng đồng, sạt núi, lở đường,  trôi nhà, trôi cửa, mang nhiều nỗi buồn cho con người.
   Chiều mùa Thu, mát mẻ và êm dịu như một khúc tơ lòng. Chiều mùa này, mang những gì của hoài niệm, của nhớ thương, của tiếng lòng thổn thức, cho những người đa cảm. Điều đó, chỉ còn lại với những người “Muôn năm cũ”. Những người của ngày nay, không cho những tư tưởng ủy mị ấy tồn tại. Trong cuộc sống sôi động, hiện thực, đòi hỏi sự vươn lên trong guồng quay chung của xã hội. Tuy vậy, sự ồn ã chốn thị thành, vẫn không làm mất đi cái duyên giáng, bình dị, thanh lịch, của con người, của những con sóng lăn tăn, vỗ bờ, đuổi nhau không dứt trên mặt hồ… Vào những buổi chiều tà, nhiều người là thanh niên, người cao tuổi, vẫn tụ tập quanh hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây vui chơi, giải trí. Cảnh quan của hồ cũng là chủ đề cho các vần thơ, những áng văn chương, những bức ảnh đẹp,  còn lại mãi với thời gian.
   Chiều Thu, nắng vàng như mật, soi qua từng kẽ lá, in bóng người đổ dài trên đường phố. Những mái ngói lô xô, những ngôi nhà cổ, như cố thu lấy chút nắng nhạt cuối ngày, để khoe ra cái mầu son còn sót lại của những viên gạch, tấm ngói rêu phong. Đâu đó, tiếng dương cầm vọng ra từ những ngôi nhà thâm nghiêm, tiếng hát ngân lên cao vút “ Hà nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”
   Chiều Đông ảm đạm, cả bầu trời là một mầu xám xịt, chỉ có gió và gió. Những ngày áp tết, trời càng lạnh, nhưng nhà nông vẫn  ra đồng, họ phải cấy hết ruộng cho kịp thời vụ. Rét cóng, nhìn xuống nước, đã thấy rùng mình, nhưng công việc, đành “rét thì mặc rét… chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non” thôi. Khi công việc đã xong, lên khỏi ruộng, hai bàn chân như tê dại, có cấu vào cũng chẳng thấy đau. Trời mùa Đông mau tối, buổi chiều như ngắn lại, khói bếp ban chiều, cứ quẩn quanh, hình như còn vương vấn hơi ấm của bếp tro, với tình người thôn quê mộc mạc, đậm đà.
   Những người, được xem là khá giả ở thành phố, họ thích mùa Đông, vì được diện nhiều quần áo đẹp, đắt tiền. Họ mặc áo măng tô len, dựng cao cổ lên, vừa đứng vừa nhún nhẩy, ra cái chiều lạnh lắm. Họ ngồi nhâm nhi ly cà phê đen nóng, thưởng thức nhạc Rô bet- ti- nô. Mặc ngoài trời, chiều đã xuống, mưa phùn và gió bấc, chẳng có gì phải quan tâm, cuộc sống cứ bình bình trôi, vô cảm. Nhưng, trời về khuya, gió sẽ mạnh lên, sẽ quét nốt những lá vàng còn sót, chỉ để lại những lá xanh, cho cây khỏe mạnh, vươn cao.  Những người lao động trong các công sở, các nhà máy, công trường, họ không để ý đến sự xoay vần của trời, đất. Họ chỉ quan tâm đến giờ làm việc, đến ca, kíp và lo toan đến cuộc sống đời thường hàng ngày, cũng đủ mệt rồi. Gió vẫn thổi, lá vẫn bay và chiều vẫn xuống dần…
   Chiều Xuân, phơi phới như bay. Gió nhè nhẹ, đem hơi xuân đến với mọi người. Chiều, ngày càng dài ra, hơi ấm của đất trời, càng làm cho con người thêm khỏe khoắn, vui tươi. Những hội làng đông, vui. Những chiều tà vương vấn, chia tay, để hẹn ngày gặp lại. Tuy không còn cảnh “chàng buông vạt áo em ra”, nhưng cái bịn rịn, cái lưu luyến của đôi trai gái, thì đời nào cũng vậy. Cỏ may trên đê, dù có cố gắng mấy, cũng chẳng thể bám nổi vào chiếc quần bò gin. Nói đùa vậy, để trêu cụ Nguyễn Bính chút đỉnh thôi.
  “Trời về chiều, đồi thông thưa bóng…” Câu hát ngân nga, nghe mà man mác, nhớ về một cái gì ấy đã qua, không bao giờ trở lại. Nhưng cuộc sống là vậy, nó phải tuân theo quy luật của trời, đất. Chiều, rồi cũng phải qua đi, nhường chỗ cho trời tối và bình minh sẽ rực rỡ vào ban mai. Một vòng tròn khép kín của đất, trời: Chiều- Tối- Sáng , bao giờ cũng hiện diện cùng con người trên trái đất này…
                                        
                              Hà nội, tháng 7 năm 2010 .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lại Duy Bến



NHỚ VỀ NGƯỜI THẦY
Tản văn


Sau ba mươi năm xa thầy cô,xa mái trường Cổ Loa thân yêu ,chúng tôi có dịp gặp nhau,sống lại kí ức một thời...Tiếng thầy từ tốn,trầm ấm.Người nghe bị cuốn hút.Sức thuyết phục của thầy gợi cho người nghe thấy được khả năng tiềm ẩn ở mỗi người đã bị lãng quên,bị chìm lấp trong cái bề bộn như mơ hồ...Cái phần le lói làm người nghe hưng phấn,muốn reo lên,muốn vùng dậy,muốn làm một cái gì đó để thể hiện khả năng mới phát hiện ở chính mình...

   Chúng tôi cố ghìm nén những cảm xúc đang trỗi dậy,những khát vọng kiếm tìm.Cảm giác vừa giống vừa khác nhau khi được đắm chìm trong hạnh phúc vừa thực,vừa hư,vừa trần trụi và thánh thiện.Đó là sự hưng phấn do thầy khơi đúng ngọn nguồn làm ta tin yêu cuộc sống,thế mà có lúc nào đó ta thờ ơ,dửng dưng...

  Trong lớp có thằng Thi,thằng Ánh nghịch như quỷ sứ đầu têu bao trò làm các bạn gái đỏ mặt...Thầy không đánh mắng sỉ nhục,gặp riêng tâm sự dần dần chuyển biến .Sau này Thi và Ánh đều học giỏi ,đi bộ đội và hi sinh tại chiến trường Lào

 Cám ơn thầy đã khơi đúng nguồn mạch giúp chúng em tự tin hơn ,khát vọng vươn tới.Kiến thức ấy không có trong những trang giáo án,mà nằm chính cuộc đời thầy.Đó là ý chí tự lực không mệt mỏi,từ cuộc đời ấu thơ không may mắn thấm đẫm nước mắt...

 Mỗi bài giảng gợi cho học sinh tính dộc lập sáng tạo.Với thày không có sự vô tâm hời hợt .Bằng tấm lòng vị tha và tình thương yêu con người,mỗi bài giảng học sinh được đắm mình vào mỗi nhân vật văn học bật lên tiếng cười và run lên và căm phẫn với cái ác.Tính nhân văn sâu sắc cứ thế ngấm dần...để hiểu cái cao quý thiêng liêng của tình người,đôi khi vượt lên cái ăn cái mặc-Đó là sự cống hiến sẻ chia cho cộng đồng...

 Chúng tôi xa trường,xa thầy cô vào năm cuối cấp.Phần lớn học sinh nam vào quân ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.Sau ba mươi năm gặp lại phần lớn trưởng thành.Tất cả lặng đi vì bạn bè nằm lại chiến trường xa...

  Ngôi nhà thầy vẫn trên nền đất cũ nhưng đàng hoàng sạch sẽ.Cây nhãn chúng tôi trồng trước ngày nhập ngũ giờ đã cho trái ngọt.Vợ thầy-cô Hạnh niềm nở tiếp chúng tôi.Ảnh thầy vẫn đôi mắt sáng nhân hậu đang nhìn chúng tôi.Không ai bảo ai thắp hương thành kính tưởng nhớ thầy

    Thầy Trí ơi!Thầy không còn để thấy học trò đã trưởng thành.Từ trong sâu thẳm chúng em cám ơn thầy đã dạy chúng em biết làm người,biết khả năng của mình để lượng sức.Gia tài thầy dể lại trong căn phòng này chưa có gì sang trọng đắt giá ,nhưng thầy để lại một gia tài lớn -Đó là thế hệ học trò sống có tình có nghĩa...

    Trong lòng chúng em lưu giữ mãi hình bóng thầy và sống không hổ thẹn với thầy.Thầy Trí ơi !...
Vàng son rồi cũng qua đi
Câu thơ ẩn dật cháy khi bão lòng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (23 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối