Nếu nhắc đến Xuân Quỳnh (XQ) người ta sẽ nghĩ ngay đến những vần thơ rất đời, những bài thơ về biển...Nhưng nếu đã nhắc đến XQ thì không thể không nhắc đến Lưu Quang Vũ (LQV), một tài năng một hồn thơ mà ít người đọc và đưa vào bình luận. LQV cho ra đời 4 tập thơ với con số 166 bài thơ (tập thơ Hương Cây-Năm 1968 sau này in chung cùng Bằng Việt tập Hương Cây-Bếp Lửa, tập Mây Trắng Của Đời Tôi-Năm 1989, Bầy Ong Trong Đêm Sâu-Năm 1993 và cuối cùng là tập Những Bông Hoa Không Chết-Mãi năm 2008 mới xuất bản) có những bài viết như những vở kịch của đời thường cuộc của sống xung quanh, từ những bài thơ về từ thời còn đi lính, hình ảnh những làng quê đã đi qua rồi tái hiện những hình ảnh xóm dệt vải, người khuân vác (một công việc sau này của LQV), viết về tình cảm của một gia đình...Những hình ảnh thường thấy trong thơ LQV như hình ảnh bàn tay của một người phụ nữ (người vợ) đảm đang, hình ảnh về những chuyến đi, những con tàu và sân ga để nói lên sự chật chội ngột ngạt, những bến cảng những con tàu có thêm một chút của hoang vắng ly biệt, những chuyến tàu đông... tuy nhiên đều rất gần gũi và đời thường xung quanh cuộc sống của LQV. Hôm nay trong bài viết này GC chỉ đưa ra những hình ảnh sân ga-con tàu và con tàu và bến trong thơ LQV.
Dẫu chẳng lấy về tất cả cho anh
Em vẫn như sông rộng tốt lành
Em mà ngọn gió chiều nức nở
Em mà ngày xưa run rẩy cả lòng anh
Em đã tới giữa mưa dầm nắng lửa
Dẫu anh mất nhà ga êm đẹp đó
Vẫn còn con tàu chuyển bánh đi xa
Anh đã mất ngôi sao trên mái nhà
Anh vẫn còn ngôi sao ngoài cửa sổ
Và nếu mất em rồi anh vẫn còn đôi mắt của em.
(Trích-Anh đã mất chi anh đã được gì)
Càng đọc thơ LQV càng thấy hồn thơ sâu sắc có những lúc thấy thoáng đãng yên bình, có những lúc ngột ngạt khó thở.
Ðêm như biển không bờ bóng tối rất thẳm sâu
Ðời cũng giống như biển kia anh lại giống con tàu
Tàu anh đi đi hoài trên biển vắng
Mong tìm được một bóng hình bè bạn
Ðến bây giờ anh gặp được tàu em
(Trích-Bầy ong trong đêm sâu)
Khi cách nhau hàng vạn dặm không gian
Anh mới hiểu khoảng cách không đáng sợ
Anh thấy em bên mình, như nghe từng nhịp thở
Anh là cửa sổ con tàu nơi xứ lạ em đi
Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại
Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường
Những ngày tháng bình thường
Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường
Ta biến thành con tàu, thành tấm vé
Những ban mai lên đường.
(Trích-Cho Quỳnh những ngày xa)
Hay mở đầu cho bài thơ “Dù cỏ lãng quên” LQV cũng mượn hình ảnh sự chuyển bánh của một con tàu trước khi nói lên sự xa cách tiễn biệt
Những toa tàu đạp vào nhau dồn dập
Dây xích nặng rên lên rền rẫm
Hơi nước bỏng mù bay
Em đã đi rồi
Cũng mượn hình ảnh về bến cảng là nơi để cập bến cho những con tàu LQV đã viết:
Em làm thay đổi đời anh
Như màu trời đổi thay sắc nước
Như gió bấc, gió nồm đổi mùa nóng lạnh
Như phù sa đằm thắm tạo đồng bằng
Anh vào trong vòng tay em
Như tàu vào bến cảng
(Trích-Em I)
Và có những lúc hình ảnh sân ga con tàu nói lên sự ngột ngạt trong suy nghĩ của người viết:
Em đi, phố ngày mưa
Suốt đường dài không nói
Cánh cửa chiều khép lại
Hoa đầm đìa mưa ướt chói trên cao
Ga ngổn ngang gạch đổ, những toa tàu
Như năm tháng nặng buồn em có nhớ
Em đi nhanh cho kịp chuyến tàu đông
Và anh đứng âm thầm trong bóng tối.
(Trích-Em-Những năm đau xót và hi vọng)
Những ngày qua nào đã xa xôi
Ngỡ năm tháng chẳng mất đi mãi mãi
Như con tàu chúng còn ở đấy
Chỉ ta lên đường, náo nức những ga sau.
(Trích-Em có nghe)
Giữa chúng ta cả một ngày cực khổ
Có nắng gắt buổi chiều, có bụi nóng ban trưa
Có bao nhiêu mệt mỏi và xa lạ
Tôi biết trái tim không có tội gì đâu
Nhưng thuyền có bến rồi không dại dột đi tìm sông nữa
Còn lạ gì khe khắt của người qua
Dẫu chán nản dẫu lỡ rồi đành cứ sống
Cũng chẳng nơi nào khác được thế đâu
(Trích-Gửi)
Rồi ngay cả trong hai bài thơ xuân của LQV cũng hiện lên hình ảnh con tàu chật chội:
Em ơi xuân lại trở về
Cành mận đầu vườn trắng buốt
Lưỡi dao mới trong lò rèn đỏ rực
Hoa lửa hồng quanh chiếc đe xanh
Bàn tay em như gốc cải mềm
Lau sương mù cửa kính
Bát ngát mưa phùn gió mịn
Những chuyến tàu nhanh chở chật người
Chùm bóng màu trên phố tung bay
(Trích-Xuân I)
Đến với bài Mùa Thu Ấy Vẫn Còn Nguyên Ở Đó
Ta sẽ qua bao năm tháng rộng dài
Mùa thu đó vẫn còn nguyên ở đó
Sẽ đến lúc em không còn e sợ
Trước những gì sẽ tới trước tình anh
Ta sẽ qua bao cánh cửa nhọc nhằn
Qua lửa ấm của những mùa đông lạnh
Qua gió ngợp của những bờ sông nắng
Qua sóng bồi cát lở của buồn vui
Cát vô biên che phủ dấu chân người
Thành phố mới chắc ta không kịp tới
Trang giấy hết vầng trăng vừa khép lại
Hết nhà ga chỉ còn có con tàu
Mưa trên sông tóc trắng ở trên đầu
Anh sống hết bài thơ anh đã viết
Em thương ơi khi đó em biết hết
Điều anh không biết nói hôm nay
Ta ngoảnh đầu nhìn lại tháng năm dài
Mùa thu ấy vẫn còn nguyên ở đó.
Hay một hình ảnh bến cảng trong đêm mưa
Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa
Những vòm cây cao và tối.
Chúng ta đã gặp nhau chúng ta đã tới đây
Tất cả chuyện này có vẻ gì không thực
Đến bây giờ anh vẫn còn kinh ngạc
Em
Con tàu về cảng mưa đêm
Hình ảnh một con thuyền cập bến rồi ra đi như nói lên sự tìm kiếm và rời bỏ
Không giấu che sự thật của lòng mình
Chỉ là bờ đê nhiều khói và than
Là con thuyền
Luôn luôn kiếm tìm, luôn luôn từ bỏ
Hình ảnh toa tàu vẫn còn hiện ra trong sự mất mát hi sinh vì cuộc chiến tranh, trong bài Những bông hoa không chết tác giả có viết:
Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
Khói xám phủ những toa tàu mù mịt
Tờ báo cũ rơi trên chồng gạch ướt
Người bẻ ghi râu bạc đứng im lìm
Và ngay cả cảm xúc khi thiếu vắng một bàn tay người phụ nữ (vợ LQV sau này) tác giả vẫn lấy hình ảnh con tàu để rồi như làm nền cho thơ của mình
Những ngày chưa có em
Anh như một toa tàu bỏ vắng
Rất nhiều gió thổi qua cửa lạnh
Nhưng thiếu lửa thiếu tiếng còi không biết lối về ga.
(Trích-Những ngày chưa có em)
Rồi đến cái nóng nực của mùa hè cũng được lấy từ hình ảnh con tàu dồn toa
Mái tôn bỏng như nung
Tiếng rít con tàu dồn toa trước chợ
Những cuộng rau héo tàn
Bầy ong vẫn vo vo ngoài cửa kính
(Trích-Những ngày hè cuối: 8-1974)
Và đã có những lúc LQV là người khuân vác hàng cho những con tàu vì thế hình ảnh con tàu biển cũng xuất hiện trong thơ
Đã bao lần trên chiếc tàu buồm ướt đẫm hơi sương
Tôi đi ra biển rộng
Qua xích đạo nước ầm ầm sôi sục
Những bến tàu trong khói lạnh trong hơi
Những cánh đồng băng tuyết xa xôi
Những xứ sở lạ lùng, những mặt người đỏ rực
(Trích-Những thành phố những xứ xa)
Rồi có lúc tác giả ví mình như những con tàu
Xưa anh như lá thư không địa chỉ
Con tàu không lửa than con thuyền cũ không buồm
Anh nghĩ quá nhiều về những khoảng vô biên
Những đảo lạ trong khói mờ ẩn hiện
Nay anh chỉ tin
Những nhành cây trong tầm hái của con người
Những nguồn suối có thể cho nước uống
Những mảnh ruộng có thể sinh quả ngọt
Những ngôi nhà sống được ở bên trong
(Trích-Suy tưởng-1978)
Rồi những ngột ngạt trong thơ LQV khi phải ly hôn cùng người vợ, trước những vất vả lo toan của đời thường, công việc của LQV không đủ để trang trải cho hạnh phúc của một gia đình, dù rất thương yêu vợ và con nhưng như một lời từ biệt LQV đã viết:
Hai ta không đi một ngả đường dài
Không chung khổ đau không cùng nhịp thở
Những gì em cần, anh chẳng có
Em không màng những ngọn gió anh trao
Chiếc cốc tan, không thể khác đâu em
Anh nào muốn nói những lời độc ác
Như dao cắt lòng anh như giấy nát
Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu
(Trích-Từ biệt-1972)
Có thể nhắc lại một lần nữa hình ảnh con tàu sân kha đã in sâu vào cuộc đời và vần thơ của LQV, dù vui dù buồn dù là lời nhắn nhủ hay hoài niệm đều có một chút ở trong đó:
Giữa chợ búa, bến tàu, trong mỏ tối
Giữa xóm chài và làng dệt vải
Tình yêu ta ở trong thư các bác đưa thư
Trong quầy hàng dầu hoả ở ngã tư
Trên bảng giờ tàu, trên mặt đe sáng chói
Trên nhãn vở học trò, con dao rọc giấy
Trên mỗi thanh ray nóng bỏng ngoài ga
Mũi kim khâu áo, tấm vải che mưa
Giữa bụi cỏ tầm thường, ngọn cây rực rỡ
Mái chèo, cây đàn, bao diêm nhóm lửa
Trên bếp củi hồng, trên đỉnh cột buồm xanh…
(Trích-Với triệu con người)
Phải nói bài thơ Và Anh Tồn Tại-1976 của LQV là một bài thơ rất hay, bài này mình đọc rất lâu rồi tuy nhiên chưa một lần bình luận về nó, sâu sắc và rộng rãi quá, có nói thêm thì cũng bằng thừa.
Giữa bao la đường sá của con người
Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió
Ngày chóng tắt, cây vườn mau đổ lá
Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài
Chỉ một người ở lại với anh thôi
....
Và thi thoảng đâu đó những lúc yên bình nhất vẫn còn có hình ảnh của con tàu
Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu
Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước
Nơi bài hát lên đường ta hẹn ước
Nơi góc vườn ta để quên chùm hoa...
(Trích-Vườn trong phố-1967)
Trong những bài thơ được trích ở trên không xếp theo thứ tự của năm viết và cảm xúc chỉ xếp theo vần tiêu đề của bài thơ. Ngoài hình ảnh về những sân ga con tàu trong thơ LQV mà với thơ LQV còn có cả những triết lý rất đời thường, những dự cảm về tương lai, ẩn sâu là những điều cay nghiệt về tình yêu và hạnh phúc, sự đổ vỡ chia xa. Và thăm thẳm trong đó còn có những điều vô biên nữa. Lần sau sẽ viết về những dự cảm và sự vô biên trong thơ LQV.
Khai bút đầu xuân 2009-Hà Nội ngày mùng 7 âm lịch. GC
Anh biết tình yêu không phải vô biên
Như tia nắng chúng mình không sống mãi
Như câu thơ , chắc gì ai đọc lại
Ai biết ngày mai sẽ có những gì
Người đổi thay , năm tháng cũng qua đi