(sưu tầm)Theo Phật giáo, Tứ vô lượng tâm 四無量心 là: Từ [慈], Bi [悲], Hỷ [喜], Xả[捨].I. Tâm TỪ:
Tâm từ là lòng thành thật ước mong tất cả chúng sanh đều sống an vui và hạnh phúc.
Tâm Từ phải rải khắp cho chúng sanh, bao trùm lên vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của người mẹ hiền đối với con cái, săn sóc bảo vệ con, dầu nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng. Lòng thương của bà mẹ đối với đứa con còn có phần ích kỷ, nhưng Tâm Từ thì phải vượt lên trên lòng ích kỷ, chan hòa đều đủ cho mọi loài chúng sanh.
Tâm Từ không phải là tình đồng chí hay tình đồng chủng, không phải là tình đồng hương, cũng không phải là tình đồng đạo, bởi vì các thứ tình cảm đó còn có giới hạn, mà hễ bị giới hạn thì chưa phải là Tâm Từ.
Tâm Từ vượt hẳn lên khỏi các tình cảm có giới hạn đó, vì hoạt động của Tâm Từ là không bờ bến, không có bất cứ một sự kỳ thị nào. Nhờ Tâm Từ, ta xem tất cả chúng sanh đều là bạn hữu, khắp nơi trên thế gian đều là quê hương của mình.
Chỉ có Thượng Đế, Đức Phật mới có được Tâm Từ vô lượng vô biên như thế.
Đối nghịch với Tâm Từ là lòng sân hận, ác cảm, oán thù. Tâm Từ và lòng sân hận không bao giờ phát sanh cùng một lúc. Chỉ có Tâm Từ mới có thể dập tắt được lòng sân hận.
Tình thương yêu thường có tính ích kỷ, hẹp hòi, còn Tâm Từ thì rộng rãi bao la, luôn luôn cố gắng tạo sự an lành cho chúng sanh, không phân biệt giai cấp, người hay vật.
Người có Tâm Từ thì tự đồng hóa mình với chúng sanh, tự mình chan hòa trong toàn thể, thấy vạn vật với mình là một, Tâm không còn vị kỷ, vượt lên mọi hình thức chia rẽ riêng tư, giúp đỡ mọi chúng sanh cùng đi với mình trên con đường tiến hóa đến hạnh phúc an lạc.
II. Tâm BI:
Bi là động lực làm cho Tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, là cái để xoa dịu sự đau khổ của người. Đặc tánh của Tâm Bi là ý muốn giúp người thoát khỏi các cảnh khổ não. Chính do Tâm Bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phụng sự. Người có Tâm Bi không sống một mình, mà sống cho kẻ khác, luôn luôn tìm cơ hội để giúp người, giúp đời, và không bao giờ có ý mong được báo đáp đền ơn.
Việc bố thí là một thể hiện quan trọng của Tâm Bi và phải bố thí đủ ba cách: - Tài thí, - Vô Úy thí, - Pháp thí.
Tâm Bi vô lượng vô biên, bao trùm lên mọi chúng sanh đau khổ về thể xác cũng như về tinh thần.
III. Tâm HỶ:
Đức tánh cao thượng thứ ba của Tứ Vô lượng Tâm là Hỷ. Hỷ là vui mừng, nhưng không phải là sự vui mừng riêng với một người nào mà là sự vui mừng trước hạnh phúc của chúng sanh. Lòng ganh tỵ ganh ghét là đối thủ số một của Tâm Hỷ. Đối với những người thân yêu thì Tâm Hỷ thể hiện rất dễ dàng, nhưng đối với người thù nghịch thì khó mà bộc lộ ra được, đó là thói thường của phàm tánh, chúng ta cần phải cố gắng và can đảm vượt qua.
Tâm Hỷ là đức tánh thành thật chung vui chung mừng và ngợi khen. Tâm Hỷ bao trùm lên toàn cả chúng sanh hữu phước, hoàn toàn loại trừ sự bất mãn hay ganh ghét trước thành công của kẻ khác.
Nếu so sánh với Tâm Từ và Tâm Bi thì Tâm Hỷ khó thực hiện hơn, bởi vì nó đòi hỏi một ý chí mạnh mẽ, một quyết tâm lớn hết sức cố gắng vượt qua lòng ích kỷ và ganh tỵ của mình. Có được như vậy, mới có thể cùng vui với cái vui của mọi người một cách thành thật, không chút gượng gạo.
Tâm Hỷ là hậu quả tất nhiên của Tâm Từ và Tâm Bi, bởi vì người không có Tâm Từ Bi thì nhứt định không thể nào có sự vui mừng cao thượng được.
IV. Tâm XẢ:
Xả là đức tánh thứ tư trong Tứ vô lương tâm, khó thực hiện nhứt, mà cũng rất cần thiết trong bốn đức tánh cao thượng.
Xả là buông bỏ tất cả, không giữ lại trong Tâm điều gì hết. Mục đích của xả là giữ cho Tâm được không không như như. Thế thường, khi thành công hay được ca tụng thì ta vui cười hớn hở; còn khi thất bại, bị chê bai thì ta buồn rầu bực tức. Thật hành Tâm Xả là buông bỏ hết tất cả những sự vui hay buồn đó. Được thua, thành bại, khen chê, đều không làm cho Tâm Xả xao động.
Tâm Xả thì lúc nào cũng bình tịnh như nhiên, không buồn, không giận, không vui. Phật ví Tâm Xả như mặt đất. Người ta có thể vứt bỏ lên mặt đất các thứ đồ vật: sạch, dơ, xấu, tốt, nặng, nhẹ, v.v.... nhưng mặt đất vẫn trơ trơ, thản nhiên như không có sự gì cả.
Tâm Xả cũng được ví như tấm gương bóng láng, mà mọi vật, mọi hiện tượng, mọi tình cảm, như những thứ ánh sáng rọi vào gương, gương phản chiếu đi hết, không giữ lại một thứ ánh sáng nào cả.
Đối thủ của Tâm Xả là sự mê chấp, bởi vì mê chấp là phiền não, là bất tịnh.
Người có Tâm Xả không cảm thấy thích thú trong vui sướng, cũng không bực tức trong phiền não.
Thản nhiên, an tịnh là đặc tính của Tâm Xả.
Tóm lại, Từ Bi Hỷ Xả là bốn đức tánh cao thượng của người tu cần phải đạt đến.
Tâm Từ thì bao trùm lên tất cả chúng sanh dầu an vui hay đau khổ; Tâm Bi thì đối với những chúng sanh đau khổ; Tâm Hỷ thì đối với những chúng sanh hạnh phúc; và Tâm Xả bao trùm lên tất cả việc tốt xấu, việc vui buồn, mừng giận.
Tứ vô lương tâm giúp cho con người trở nên chí thiện, có được một lối sống của bực Thánh nhân.
Tứ vô lượng tâm có khả năng biến đổi con người tầm thường thành bực cao siêu, biến phàm ra Thánh.
Nếu mỗi người cố gắng thực hành Tứ vô lượng tâm, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc,... thì quả địa cầu nầy thành một Thiên đàng, trong đó, tất cả chúng sanh đều được sống an vui hạnh phúc trong tình huynh đệ đại đồng.
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he