Thắng – thua Vedan
* MỸ LỆ
SGTT.VN - Cuối cùng thì Vedan cũng chấp nhận bồi thường (chứ không phải hỗ trợ) 100% mức thiệt hại gây ra cho nông dân TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và sắp tới là Đồng Nai (?).Từ khi hành vi xả thải chất độc hại của Vedan ra môi trường sông Thị Vải bị phát hiện hồi tháng 9.2008, đến nay đã gần hai năm. Vedan bồi thường cho nông dân, chẳng qua là trả lại những gì đã chiếm đoạt của họ mà không tốn đồng lãi suất nào. Ngoài những khoản phí, phạt đã nộp cho Nhà nước, nếu tính đúng, tính đủ thì đáng ra Vedan phải trả cả những chi phí xã hội cho việc đấu tranh này như một loại “án phí”. Đồng thời, quan trọng, là phải làm sống lại sông Thị Vải.
Gác lại những hỉ nộ ái ố, mới giật mình rằng chúng ta đã phải mất quá nhiều sức để đối phó với một Vedan chưa phải là cây đa cây đề gì cho lắm trên bàn cân lợi ích. Không biết hàng trăm “Vedan” khác trong tất cả các ngành từ phân bón, thuốc trừ sâu, ximăng, thép… đâm đầu chạy theo tăng trưởng nếu “bị lộ” thì cả xã hội sẽ phải nháo nhào ra sao? Chúng ta thiếu sự chuẩn bị đầy đủ cho mình một quan điểm phát triển làm kim chỉ nam, một cơ chế về quản lý, luật pháp và cả kỹ năng hữu hiệu để xử lý sự cố. Cơ chế đó phải có, vận hành trơn tru, phải xử lý được sự cố (mang tính bất thường) theo một thể thức thông thường, ít tốn kém thời gian, tiền bạc mà hiệu quả.
Một xã hội được tổ chức thế nào mà tới sau hai năm mới có hành động đe doạ thực sự đối với Vedan (xem xét điều kiện được tiếp tục đầu tư, kiện ra toà, tẩy chay…), mà khởi đầu cũng chỉ là do tự phát chứ vẫn không được tổ chức một cách chặt chẽ? Thương lượng, hoà giải là cần thiết nhưng đằng sau bàn thương lượng phải chuẩn bị sẵn “vũ khí” chiến đấu đủ mạnh và thông điệp vũ khí đó sẽ được sử dụng.
Sự cù cưa, cò kè của Vedan thời gian quan rõ ràng thể hiện thái độ thăm dò phản ứng, khả năng tổ chức hành động của xã hội ta.
Nếu không phản ứng quyết liệt trong thời gian 1 – 2 tháng gần đây mà cứ để bèo trôi sông như trước kia thì xã hội đó thật bất thường.
Sự bất thường có căn nguyên của nó.Phát triển bền vững đang là khẩu hiệu thời thượng. Nhưng làm thế nào bền vững được một khi tăng trưởng là thước đo gần như tuyệt đối của phát triển, khi các địa phương vẫn ăn gian, “xé rào” vì đua thành tích, khi trong mỗi con người chằng chịt những sợi dây lợi ích. Đánh giá về “tinh thần trách nhiệm” của địa phương Đồng Nai trong câu chuyện Vedan, từ việc cấp phép đầu tư, quản lý về môi trường đến xử lý sau vi phạm cần đặt trong bối cảnh này. Giải đúng bài toán về quan điểm phát triển, chúng ta sẽ có được một tấm lưới bảo vệ từ xa, ngăn không cho những vụ việc tương tự xảy ra.
Giả sử Vedan không đồng ý bồi thường, mấy ngàn vụ kiện vẫn diễn ra, quá trình giải quyết sẽ gặp nhiều khó khăn chứ không riêng gì chuyện án phí. “Vụ án” Vedan chỉ dừng ở đây thôi cũng đủ khoét sâu lỗ hổng pháp lý khiến người dân khó gõ cửa công đường, công lý khó được thực thi. Nếu nhiều “Vedan” xảy ra cùng lúc thì không biết phải ứng trước bao nhiêu tiền từ quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho đủ? Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại cũng như mối quan hệ giữa hành vi xả thải của Vedan với thiệt hại có thể sẽ là rào cản khi nó được đặt lên vai nguyên đơn – những người nông dân chân lấm tay bùn, lép vế hơn về tiền bạc, thông tin, kiến thức.
Đã có những đề xuất theo hướng ngược lại, nên buộc doanh nghiệp chứng minh chất do mình xả thải không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Cũng có tác dụng như tấm lưới phòng ngừa nhưng xử lý hình sự hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với người đứng đầu doanh nghiệp không phải dễ, đối với pháp nhân thì vẫn còn xa lạ. Một điểm quan trọng nữa là cho đến nay, theo luật, không thể tiến hành một vụ kiện tập thể vì lợi ích chung của những người bị thiệt hại, để qua đó cán cân thương lượng nặng ký hơn hay chi phí tiết giảm hơn. Những lỗ hổng hay tình huống mới đặt ra từ thực tiễn cuộc sống này cần phải được xem xét để trám lại một cách kịp thời nhằm nâng cấp hiệu quả của “vũ khí” pháp luật.
Bên cạnh đó, cần ý thức về bảo vệ quyền lợi của mỗi người chúng ta với tư cách là những người tiêu dùng – thành viên quan trọng của thị trường. Suy cho cùng, bồi thường thiệt hại chỉ là việc Vedan trả lại những gì đã lấy. Điều một doanh nghiệp sợ là lá phiếu bất tín nhiệm (tẩy chay) của người tiêu dùng. Nguồn lợi quy ra thành tiền của việc giết hại môi trường có thể được doanh nghiệp sử dụng một phần vào hoạt động sản xuất để giảm giá thành, tạo lợi thế cạnh tranh. Tiền mà chúng ta tiết kiệm (hay nhà phân phối lời được) nhờ mua rẻ sản phẩm có thể tương quan với tiền mà nông dân bị thiệt. Tẩy chay sản phẩm thể hiện thái độ phản đối Vedan, có điều, chỉ tự phát, lẻ mẻ một ít người thì thái độ đó không đủ sức mạnh đối trọng. Không thể tự phát mãi được, xã hội cần được tổ chức lại để tạo nên sức mạnh đám đông – sức mạnh thị trường, bổ sung cho sức mạnh của hệ thống quản lý nhà nước – pháp luật.
Cuối cùng, quan trọng nhất là ý thức công dân của chính những người nông dân bị Vedan làm cho mất kế sinh nhai. Nông dân ở Đồng Nai mặc dù bị nơi này nơi kia “thuyết phục” chấp nhận mức “hỗ trợ” rẻ như bèo, hù doạ không thể có cửa kiện mà thắng nhưng họ đã ý thức được quyền lợi của mình, tự mình chọn cách đấu tranh hữu hiệu nhất. Với sự giúp sức của cơ quan trung ương, hội đoàn, luật sư và giới truyền thông, chính ý thức này của họ đã tạo nên sức mạnh với Vedan, khiến những ai có trách nhiệm cố tình ở ngoài cuộc cũng phải có hành động theo hoặc chí ít cũng không dám, không thể cản trở.
Những sức mạnh có tính chất “thị trường” hay “dân sự” này phát triển đến một mức nào đó, không chỉ góp phần giúp “xử lý” Vedan mà quan trọng hơn nó làm công việc giám sát (thường xuyên hơn so với cơ quan chức năng) để những vụ việc như Vedan không xảy ra, nếu xảy ra thì cũng sớm bị phát hiện. Qua những việc này, xã hội dường như trưởng thành hơn.
Mừng cho những người nông dân, họ đã có “thắng lợi” bước đầu trong mục đích đòi bồi thường thiệt hại. Bước tiếp theo là làm sao để tiền bồi thường đến được tay họ và ổn định cuộc sống. Để “giúp” Vedan khởi động hành trình bồi thường, cần thể hiện cam kết bồi thường thiệt hại trên bàn họp của Vedan dưới hình thức có giá trị pháp lý bắt buộc, càng cụ thể càng tốt. Sắp tới, một khối lượng công việc rất lớn sẽ dồn lên vai các địa phương. Phải đảm bảo đúng người dân bị thiệt hại được hưởng đúng mức đền bù tương xứng và “bình ổn” nông thôn của họ khi đột nhiên một lượng tiền lớn “càn quét” qua. Chúng ta có những bài học về chuyện đền bù giải toả đất đai ở nông thôn (sau những chi tiêu cho nhà mới, xe mới là thất nghiệp, bất ổn cộng đồng) và kinh nghiệm giúp nông dân quản lý đồng tiền của họ.
Xét trên bình diện chung của xã hội, khó có thể nói chúng ta đã thắng trong việc xử lý sự cố môi trường mang tên Vedan. Những gì đã làm trong thời gian qua là bước tập dợt. Còn rất nhiều việc phải tính để đối phó với những “Vedan” khác.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)