Chảy máu tài nguyên: tường trình từ điểm nóngBài cuối: Phân chia tài nguyên theo lợi ích nhóm
ANH KHÔI thực hiện phỏng vấn
SGTT - Khai thác khoáng sản hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, từ chính sách đến việc quản lý tài nguyên. Đâu là nguyên nhân xảy ra tình trạng chảy máu tài nguyên? Những kẽ hở pháp luật nào khiến cho nguồn lợi quốc gia thất thoát? Sau loạt bài tường trình từ các điểm khai thác, để kết thúc loạt bài này chúng tôi trao đổi với phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung – người trực tiếp thẩm định dự luật khoáng sản (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội.Thưa ông, báo chí đã phản ánh tình trạng báo động đỏ về loạn khai thác khoáng sản làm thất thoát tài nguyên. Là người trực tiếp thẩm tra dự luật Khoáng sản sửa đổi, ông thấy đâu là những điểm yếu nhất hiện nay mà luật Khoáng sản cần điều chỉnh?Phải nói là chúng ta chưa có chiến lược tầm quốc gia quản lý chung về khai thác tài nguyên khoáng sản. Hệ thống công cụ quản lý chưa hoàn thiện, phân cấp chưa hợp lý. Luật Khoáng sản được xây dựng năm 1996, sửa đổi năm 2005 vẫn còn nhiều sơ hở. Trong khi đó, thị trường khoáng sản Việt Nam còn khai thác tự phát dẫn đến thất thoát, lãng phí là do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, điều tra cơ bản rất hạn chế. Cả nước mới điều tra cơ bản trên 56% lãnh thổ lục địa, ở độ sâu 100m. Còn xuống sâu hơn nữa là chưa làm được, rồi còn thềm lục địa, ven biển. Cả nước mới quy hoạch được 13 loại, chủ yếu do các ngành sản xuất tự lập. Chính phủ tách mảng quy hoạch điều tra cơ bản cho bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), còn quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản lại giao cho bộ Công thương và bộ Xây dựng. Do vậy, các ngành lập quy hoạch dựa trên mục tiêu và chiến lược sản xuất của họ chứ không nhằm mục tiêu quản lý tài nguyên.
Về mặt quản lý, việc phân cấp giữa trung ương và địa phương đang rất tuỳ tiện, không dựa trên quy hoạch chung nào, mà giao toàn quyền cho địa phương. Từ đó, địa phương có quá nhiều quyền cấp giấy thăm dò khai thác trên những diện tích đất chưa hề được điều tra lẫn quy hoạch. Nhiều mỏ to được địa phương chẻ thành mỏ nhỏ để cấp phép và chỉ dựa trên lợi ích của địa phương mình. Chúng ta đang cấp phép tài nguyên như cấp phép cho các dự
án đầu tư công nghiệp thông thường, Nhà nước không thu được gì. Doanh nghiệp chỉ nộp mỗi thuế tài nguyên. Điều này tạo ra động lực ăn chia giữa các nhóm lợi ích. Nhà nước thất thoát, nguồn thu càng thấp thì càng không có kinh phí tái đầu tư cho dân trên địa bàn. Luật hiện hành thì có quy định về việc đấu giá quyền khai thác nhưng nhiều năm qua Chính phủ không hướng dẫn.
Mặt khác, trong luật hiện hành cũng không quy định tỷ lệ phân chia dành lợi ích cho những địa phương, cho người dân nơi có mỏ khoáng sản để đảm bảo đời sống và bảo vệ môi trường, đất đai, nguồn nước. Những vùng khai thác này đang càng ngày càng nghèo kiệt đi rất nhanh. Môi trường bị phá huỷ, đời sống nhân dân không được cải thiện.
Luật sửa đổi lần này sẽ có những điểm mới nào nhằm khắc phục những kẽ hở lâu nay?Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị siết chặt việc cấp phép theo hướng dẹp cơ chế xin – cho. Còn quy hoạch thì phân làm ba loại: quy hoạch điều tra cơ bản, quy hoạch thăm dò khai thác chung thì giao bộ TN&MT lập, trình Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch khai thác khoáng sản thì căn cứ vào nhu cầu của ngành, giao các bộ quản lý về sản xuất lập.
Chính phủ phải xây dựng chiến lược quốc gia về quản lý tài nguyên khoáng sản trong tầm nhìn 10 – 20 năm. Chúng tôi đang đề nghị phải trình chiến lược này ra Quốc hội và Quốc hội ra nghị quyết.
Sắp tới, chỉ phân cấp cho địa phương vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, các mỏ nhỏ lẻ phân tán không quan trọng. Sẽ khoanh định khu vực khoáng sản nào phân cấp cho địa phương, ngoài khu vực đó thì thuộc quyền của trung ương.
Chúng tôi cũng đề xuất rằng bên cạnh thuế tài nguyên môi trường thì các mỏ khoáng sản sau khi thăm dò sẽ cho đấu giá. Những khu vực không đấu giá mà chỉ cấp phép thì cũng sẽ phải định giá để thu một khoản tiền nhất định.
Trên cơ sở đó ta mới phân chia được nguồn thu cho địa phương và phân định trách nhiệm của doanh nghiệp về hoàn thổ và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Đang có một nghịch lý là người dân ở nơi có mỏ khoáng sản phải đối mặt với các nguy cơ như ô nhiễm môi trường, bệnh tật và không được hưởng lợi là bao...Có hai vấn đề khó khăn.
Thứ nhất, dân khai thác tự phát. Hễ nơi nào có mỏ vàng, mỏ quặng, mỏ thiếc là từ trẻ con đến người lớn lao vào nhặt nhạnh, đào bới. Khắc phục điều này phải có đội ngũ quản lý vào cuộc để bảo vệ khoáng sản. Luật sửa đổi sẽ làm rõ trách nhiệm từ cấp xã trở lên.
Thứ hai, luật cũng làm rõ nguồn thu để khi khai thác phải bảo vệ được quyền lợi của dân, từ hoàn thổ, xây dựng hạ tầng, bảo vệ nguồn nước, môi trường.
Lâu nay Nhà nước không thu bao nhiêu, dân cũng không được hưởng lợi. Vậy tài nguyên khoáng sản dồi dào trên lãnh thổ nước ta đang mang lại lợi ích cho ai?Một số doanh nghiệp được cấp phép đang thu được lãi lớn, thậm chí cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Australia giàu khoáng sản là vậy nhưng họ bảo vệ khoáng sản trong nước và đẩy mạnh khai thác bên ngoài. Tại Việt Nam, họ rất chú ý các khoáng sản như vàng, đá quý.
Trong suốt một thời gian dài, chúng ta đã cấp phép không thu tiền. Như vậy có sự phân chia nhóm lợi ích, khiến tài sản thất thoát.
Kiểm soát lợi ích nhóm bằng cách nào?Đây là vấn đề khó. Tuy nhiên, khi chúng ta cấp giấy phép có thu tiền hoặc đấu giá, cộng với thu thuế tài nguyên, với việc phân chia lợi ích nhóm thì chi phí để có được giấy phép sẽ rất lớn. Đến giới hạn nào đó, tình hình này có thể kiểm soát được. Nhưng để kiểm soát triệt để thì rất khó.
Muốn khắc phục, trong luật sửa đổi phải đưa ra yêu cầu về tính công khai, minh bạch. Chẳng hạn, mỏ nào, quy hoạch nào cũng phải được công khai, trên cơ sở đó đấu giá. Làm như vậy sẽ hạn chế được phần nào.
Hơn một năm nữa luật Khoáng sản (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành. Theo ông, cần giải pháp gì để ngăn chặn nguy cơ địa phương cấp phép ồ ạt để “chạy luật”? Có nên đề nghị dừng cấp phép theo quy định hiện hành để chờ thực thi theo luật sửa đổi hay không?Nếu Quốc hội thông qua luật vào kỳ họp tháng 11 cuối năm nay thì luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2011. Nguy cơ cấp phép ồ ạt có thể xảy ra, vì từ sau thời gian đó thì địa phương chỉ được cấp phép cho mỏ nhỏ lẻ. Do vậy, tôi cũng cho rằng nên có một ràng buộc thực tiễn cho giai đoạn chuyển tiếp.
Có một giải pháp là hiện nay khi Chính phủ chưa ra được quy chế về đấu giá thì có thể ban hành văn bản để ngừng cấp phép với một số loại khoáng sản nào đó.
Nhà nước nên có biện pháp tạm thời và năng động như vậy để bảo vệ tài nguyên.
Chúng ta không thể vô cảm.Bùn đỏ bao vây bản làng có hai nhà máy khai thác quặng sắtCuối năm 2009, cử tri của hai xã Thượng Cửu và Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đồng loạt có ý kiến về HĐND tỉnh Phú Thọ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ yêu cầu các cấp chính quyền xử lý việc khai thác mỏ sắt Thượng Cửu do mưa lũ làm xô đất đá xuống ruộng canh tác. Bùn đỏ bao vây đã làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân không chỉ riêng bản Vì (bản có hai nhà máy khai thác quặng sắt) mà ảnh hưởng đến hàng chục hecta đất nông nghiệp dọc con suối mỗi khi có mưa lũ tràn về. Trong ảnh: dòng suối Vì bị bùn đỏ do hai nhà máy khai thác quặng sắt gây ô nhiễm.
Hữu LựcMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)