Trang trong tổng số 18 trang (173 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Khoi Dinh Bang

@ hoai son : Cơ chế thị trường giúp ta hội nhập tiến lên;nhưng mặt trái của nó làm phân hoá giầu nghèo,ô nhiễm môi trường...với bao hệ luỵ :

 KHÚC CA ĐÔ THỊ HOÁ

*1-Đô thị hoá-chia nhau mà cúp điện
Máy nằm trơ,ngồi quạt rã rời tay
-lạy trời mưa,có nước quay Thuỷ điện
"Sắp hết than"...chất đốt tính sao đây ?

*2-Đô thị hoá- nhà nhà xây cao vút
mặc hạ tầng"cống rãnh" tự mà " tiêu "
Mưa đổ xuống ngõ đường thành sông suối
Ngồi trên lầu ngắm "nước thải" trào reo...

*3-Đô thị hoá- xơi toàn đồ Siêu thị
ướp lạnh ư ?-quá "đát" dễ tiểu đường !
Có Ung thư- tại mình đề kháng kém !
"lên bàn thờ" ngồi ngắm Phố khang trang...

*4- Đô thị hoá-hết ruộng vườn canh tác
"tiền đền bù" chót xả láng ăn chơi
-Rồi Xuất khẩu đi Châu Phi sa mạc
Lại còng lưng trả nợ đứt cả hơi

*5-Đô thị hoá- thật vui Đô thị hoá
Có Tivi xem suốt đêm ngày
Film Trung Quốc,Sex... tha hồ tươi mát
Ca nhạc " bùm "...ngỡ mình ở bên Tây ?

 NK mong rằng Sơn La quê tôi tránh được mặt trái của cơ chế thị trường,tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên Xã hội chủ nghĩa đẹp tươi...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

dangthuoc

MIỀN QUÊ TÂY BẮC

Rượu nồng Tây Bắc tôi say thật rồi
Say miền đất lạ sáng ngời
Truyền thống cách mạng bao đời dựng xây
Miền quê Tây Bắc hôm nay
Từng ngày khởi sắc đổi thay đã nhiều
Khi xa tôi nhớ bao điều
Tình quê Tây Bắc, biết bao nhiêu tình
Tình về Thuỷ Điện lung linh
Sơn La thắp sáng mối tình nước non
Còn trời còn nước còn non
Còn Em Gái Thái tôi còn say xưa
Gặp Em gữa nắng buổi trưa
Xa Em vào cuối buổi trưa sang chiều
Trở về tôi nhớ bao nhiêu!
Nhớ đêm Tây Bắc, nhớ chiều Sơn La
Nhớ người nhớ cảnh quê ta
Thiết tha trìu mến đậm đà yêu thương
Cò Nòi, Hát Lót quê hương
Sao Mai điểm hẹn,nhớ thương lại về!
HP;22/6/2010
Đặng Thước
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanui74

CHỢ TÌNH MỘC CHÂU

  Những ngày Tết Độc lập Cao nguyên Mộc Châu ngập tràn trong những bộ váy xoè hoa rực rỡ sắc màu. Đó là ngày duy nhất trong năm cao nguyên Mộc Châu trở thành điểm hẹn của các chàng trai, cô gái người Mông. Cứ đến ngày này, tôi lại chẳng thể ngăn bước chân mình đến với Mộc Châu yêu thương. Để được hoà mình vào dòng người đi chơi chợ tình, được ngắm phố huyện rực rỡ sắc màu người Mông, và để hiểu tại sao nụ cười của chàng trai, thiếu nữ Mông lại rạng rỡ đến thế trong những phiên chợ tình.

  Những năm về trước, khi người ta mới chỉ biết đến những chợ tình Sa Pa, Khau Vai nổi tiếng lâu đời, thì Mộc Châu đã trở thành điểm hẹn của những chàng trai cô gái người Mông; của trẻ em, của người già; của những người hạnh phúc và không hạnh phúc; của những người có vợ chồng và không vợ chồng. Ở cái ngã tư trung tâm thị trấn, nơi những đôi trai gái người Mông dập dìu âu yếm, cuộc sống trở nên giống như một sợi tơ mềm và ngọt, không đau khổ, không lo âu. Ở nơi đó chỉ có niềm vui, không có nỗi buồn. Chỉ có nụ cười vui tươi, nụ cười e ấp chứ không có những giọt nước mắt.

http://www2.vietbao.vn/images/viet2/phong-su/20738593_images1403435_79.jpg

  Người Mông từ trên Điện Biên, Lai Châu xuống; người Mông từ Lào Cai, Hà Giang lặn lội vượt rừng vượt núi sang; người Mông trong Thanh Hoá, Nghệ An cũng háo hức hướng những bước chân về dẻo đất cao nguyên thơ mộng nhất Tây Bắc. Họ đến Mộc Châu, mang theo hương vị đặc trưng của những vùng núi cao: một chút sương mù từ Lai Châu, một chút gió Lào miền Trung hay sự hùng vĩ đến khắc nghiệt của cao nguyên đá Hà Giang. Đó là lúc cao nguyên Mộc Châu vào độ đẹp nhất. Những chiếc váy, áo xanh, đỏ, tím vàng, cùng những chiéc ô sặc sỡ sắc màu... khiến cho thảo nguyên không còn một màu xanh ngút ngàn, mà giờ đây như một cánh đồng hoa rực rỡ khoe sác hương tràn trề sức sống.

  Ngày xưa, người Mông nghèo hơn bây giờ rất nhiều. Họ đi bộ mấy ngày mấy đêm, băng rừng, vượt núi để đến chợ. Nhà nào xuống chợ bằng ngựa đã được gọi là xa xỉ, là giàu có. Hình ảnh một gia đình người Mông cả chồng, vợ và đứa con nhỏ ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa đi trên con đường trung tâm thị trấn là ký ức khiến tôi nhớ nhất trong những phiên chợ tình. Những con đường phố huyện dịp đó ngập tràn sắc màu người Mông, nhưng cũng rải đầy phân ngựa. Ngạc nhiên là chẳng ai khó chịu về điều đó. Nó là một phần của lễ hội người Mông thuở hàn vi.

  Qua năm tháng, chợ tình Mộc Châu thay đổi theo thời gian, cả những người Mông đến chợ cũng lớn lên già đi. Qua năm tháng, người Mông cũng biết cách để trở nên giàu hơn. Họ đến chợ bằng xe máy, bằng ôtô, tay cầm điện thoại xịn. Vẫn biết là phải nên mừng vì những thay đổi đó, tôi vẫn không tránh khỏi đôi phút chạnh lòng.

  Chợ tình Mộc Châu  bây giờ được các cơ quan chức năng quan tâm, phát triển thành cả một tuần lễ văn hoá để thu hút khách du lịch với những quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm văn hoá dân tộc, với hội chợ tấp nập người mua bán, với những đêm diễn ca nhạc sôi động và chan chứa tình người, tình cây, tình núi...

  Không ai biết chợ tình Mộc Châu có từ bao giờ, cũng chẳng ai biết vì sao người Mông ở khắp các vùng núi phía Bắc lại tìm về Mộc Châu vào đúng đêm mùng 1-9. Nhưng lễ hội đêm đó được chờ đợi chẳng kém dịp Tết của người Mông vào tháng Chạp âm lịch hàng năm. Và chợ Tình Mộc Châu hội tụ trọn vẹn những tinh hoa văn hoá của người Mông vùng núi phía Bắc.



  Bất cứ người Mông nào đến chợ chơi cũng phải làm hai việc là ăn phở và chụp ảnh. Những chàng trai cô gái Mông chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc hiếm hoi trong năm họ được mặc áo váy đẹp, được cười thảnh thơi bên bạn trai, bạn gái. Đấy là tôi nghĩ thế. Nhưng vì sao nhất định phải ăn phở mà không phải là bún hay bánh cuốn hay bất cứ một món quà chợ nào khác thì tôi không lý giải được. Tôi hỏi một chàng trai người Mông, cậu ta chỉ cười hiền nói: "Vì chỉ ăn phở ngày hôm nay mới thấy ngon". Thật thú vị với câu trả lời này phải không ạ?

  Đến chợ chơi, sợ nhất là gặp mưa. Mà những ngày đầu tháng 9 năm nào cũng thế, chả biết được ông trời sẽ đổi ý lúc nào. Một cơn mưa rào vội vã cũng khiến chàng trai Mông đứng trú ở vệ đường bần thần lo lắng "mưa thế này thì không sướng rồi". Có lẽ chỉ ai là người Mông mới hiểu được nỗi lo của chàng trai ấy. Vì nếu trời mưa, làm sao có thể xách chiếc đài phát ra toàn những bài hát Mông để đi tìm bạn tình. Nếu trời mưa, làm sao có thể đứng túm năm tụm bảy cùng cất tiếng cười giòn tan quên hết bao nhọc nhằn trên nương rẫy. Làm sao được xúm xít, quấn quít bên những thiếu nữ Mông ánh mắt e thẹn, đôi má đỏ hồng. Trời mưa, sẽ không có những giờ phút tình tự dưới chân dãy núi bao quanh thị trấn của những chàng trai cô gái người Mông đã tìm thấy nhau giữa những con đường dọc ngang trong huyện. Từ đó, rất nhiều nam nữ người Mông đã nên duyên chồng vợ, để rồi những năm sau đó, họ lại váy áo sặc sỡ, dắt díu nhau xuống chợ, với con bồng con bế trên tay.

http://vietnam.vnanet.vn/VNP_Upload/News/2006-11/Images/1106To02L.jpg

  Tôi thích không khí của những đêm chợ tình. Tôi mê những câu hát của người Mông, mê bộ váy xoè hoa sặc sỡ, mê tiếng khèn réo rắt trầm bổng của các chàng trai Mông, mê những điệu múa rộn ràng, tràn trề sức sống và đạm nét văn hoá Mông... những nét văn hoá rất riêng này đã làm nên cái đặc sắc của chợ Tình Mộc châu.

  Vào cái đêm chợ tình, những vỉa hè dọc phố huyện Mộc Châu la liệt người Mông nằm ngủ. Mặc kệ mưa phùn lất phất, mặc kệ khí hậu se lạnh của tiết trời thu trên cao nguyên, vợ chồng người Mông vẫn ôm nhau ngủ ngon lành trên nền xi măng, ở giữa là đứa con chưa đầy tuổi được quấn vội trong miếng vải cáu bẩn. Họ ngủ thế cho đến sáng, ăn nốt bát phở bằng những đồng tiền cuối cùng trong túi, rồi bịn rịn đi bộ về bản. Con đường về bản xa lắm, nhưng dư âm của đêm chợ tình khiến mọi nỗi vất vả tan biến.

  Tôi đã đi qua rất nhiều nẻo đường đất nước, Tiếp xúc với nhiều dân tộc ở các vùng miền, chẳng thấy dân tộc nào sống hồn nhiên hoang dại như người Mông...

  Chợ Tình Mộc Châu ai đã từng đến sẽ không thể quên và ai chưa từng đến xin hãy một lần đến với nơi đây.
"Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanui74



Đường lên phố núi
"Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

dangthuoc

Đường lên phố núi cao cao
Trời xanh mây trắng anh vào thăm em
Về quê đường đẹp êm êm
Đường cua tay áo,anh nghiêng sang mình
Non xanh núi biếc hữu tình
Càng đi càng thấy quê mình đẹp lên
Xa xa phố núi hiện lên
Mai Sơn tuyệt đẹp trên nền núi cao
Chiều thu tháng tám biết bao nhiêu tình
Đặng Thước
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanui74

TIẾNG KHÈN MÔNG ĐẮM SAY LÒNG NGƯỜI

http://www.sonlatrade-tourism.gov.vn/images/anhbai/muahat.jpg

  Khèn là nhạc cụ thổi bằng hơi của người Mông. Khèn Mông có 6 ống trúc dài ngắn khác nhau tượng trưng cho sự đoàn kết tình anh em. Bên trong tất cả các ống trúc đều rỗng. Có một bầu gỗ nối các ống trúc lại với nhau bằng cách nối xuyên các ống trúc qua bầu gỗ. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có một lưỡi gà nhỏ bằng đồng. Bên ngoài bầu gỗ là các lỗ. Muốn thổi ra âm thanh, người thổi phải dùng hai bàn tay giữ khèn và đồng thời các ngón tay bịt các lỗ lại. Hơi thổi vào khèn sẽ xuyên qua lưỡi gà phát ra âm thanh. Thổi vào hoặc hít ra sẽ tạo âm thanh trầm bổng khác nhau.

  Truyền thuyết của người Mông kể rằng, ngày xưa, một gia đình nọ có 6 anh em, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Lúc chưa lập gia đình, tiếng sáo của họ khi thổi cùng nhau lúc vi vút, xào xạc như cây rừng gặp gió, lúc véo von tựa chim trên đỉnh núi cao, lúc lại ào ào như thác đổ. Những dịp hội hè, họ đều đến thổi sáo giúp vui. Sau này, khi họ đều có gia đình, những lúc không hợp đủ cả 6 người, tiếng sáo trở nên lạc điệu. Họ bèn bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, 4 người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả là 6 ống, thay cho 6 anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ… Đó là chiếc khèn Mông ngày nay.


ĐẶC TRƯNG KHÈN MÔNG

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200608/original/images1081139_13.jpg

  Các ống song song sẽ phát âm đôi như nhau. Tùy kỹ năng của người thổi theo hợp âm, hòa âm, đánh chồng âm, vỗ, luyến, ê a, ... mà tạo nên những khúc nhạc thu hút.

  Đây là loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Có nơi người ta thiết kế loại nhạc cụ này gồm 8 hay 9 ống trúc làm cho âm vực rộng hơn nhưng vẫn giữ âm sắc của khèn 6 ống.

  Người Mông sử dụng khèn để đệm hát trong những ngày lễ truyền thống, những ngày vui, tang ma,... nhất là vào mùa con trai và con gái tìm hiểu nhau.

  Nghệ nhân thổi khèn bước chân nghiêng ngã theo âm thanh trầm bổng, in bóng trên nền trời xanh, trên núi đồi ngút ngàn như một tuyệt tác thiên nhiên.

  Tiếng khèn vang dội vào núi, vang vọng vào bản làng, trên các nương rẫy trong những cuộc vui thâu đêm. Tiếng khèn là lời tỏ tình đôi lứa, là sợi nối tâm linh giữa người sống và người đã khuất.

  Khèn hiện nay cũng trở thành vật trang trí trong nhà của người Mông kèm với tranh thổ cẩm của người dân tộc và khèn hiện cũng là hàng thủ công mỹ nghệ ưa thích của khách du lịch.

  Người dân ở vùng núi thường nói : “Hãy nghe tiếng khèn một ngày, để nhớ tiếng khèn một đời”.

http://dulichbinhan.com/upload/thuvienhinh/mocchau4.JPG
"Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanui74

VỀ BÊN NÚI

Người về Ban thắm đầu buôn
Sắc hương hoa núi bản mường rộn vui

Thương nhau chia ngọt xẻ bùi
Trăng vương đầu núi ngậm ngùi nhớ nhung

Người ơi câu hát ru cùng
Xa nhau cách trở vẫn chung một vòng

Tiếng Xường* gửi nhớ gửi mong
Tiếng Đang* dìu dặt trọn lòng yêu thương

Gập ghềnh vượt thác băng đường
Về bên phố núi lời thương còn hoài...

Hoanui-07/09/2010

http://images.danviet.vn/CMSImage/Resources/Uploaded/baogiay1/Muong%20-%20Bui%20Tuan%20.JPG

  Trong các loại dân ca Mường, hát Xường không dễ, nhất là loại Xường gốc “Xường cân” (trừ loại Xường tự do). Bởi vì loại Xường gốc, Xường cân bản thân nó đã có cấu tứ riêng biệt chặt chẽ. Nó đòi hỏi người hát phải tuân theo các bước, các cung và các bậc nhất định. Trong các bậc của Xường lại có “dắt hoa” (cái Wa), “theo tiếng chim” (pẳt siềng chim) đôi khi trong một bậc lại có “rẽ ngang, dán cách” (T,reẻ Zán) hoặc giam bậc, chài ra (xán xa) nghĩa là một bên muốn nhanh lên bậc trên, nhưng một bên lại muốn giữ lại, ghìm lại, đòi hỏi “đôi bạn Xường” phải gỡ, gỡ ra được mới là tay cao Xường. Tương tự như vậy ở cung đầu, mặc dù bên khách đã có thể bằng lòng cùng nhau hát Xường đêm nay “cho vui áng” hát “cùng nhau cho rạng đêm”. Nhưng khi vào cuộc là “đối tác” (nhất là bên nữ) không phải đã dễ hát ngay. Muốn bên nữ (khách) hát thì bên nam phải có Xường chào, hỏi, mời hát. Mời chưa hát thì nài, nài không được thì dỗ, dỗ không được thì khích:

Em có cồng vui sao em không gióng
Em không gióng nhiều cũng nên
gióng ít
Dẫu em tiếc, em kẹt cũng gióng vài dùi
Thử xem âm thanh còn vui hay đã
mất tiếng!?

  Như vậy ta thấy ở các cuộc hát Xường nổi lên ở hai điểm, đó là cuộc sinh hoạt văn hóa: thi hát lời hay giọng tốt, đối đáp thông minh và đôi bạn tình tìm đến nhau bởi cảm mến vì tình và phục vì tài.

  Như trên đã nói, Xường có thể phân làm hai loại. Đó là Xường tự do và Xường cân, còn gọi là Xường bậc. Xường tự do thường là thể hiện sự cảm xúc tản mạn về nhiều mặt của cuộc đời, thân phận con người. Xường bậc có quy mô lớn, dài hơi hơn, có quy củ, căn cốt hơn. Ở đó có các bước, các cung bậc. Có thể thấy ở loại Xường này có hai cung rõ rệt. Cung đầu có thể gọi đó là cung mở đầu để đi vào Xường bậc. Người Mường gọi đó là cung “lượn áng”. Cung này thường thấy có các bước: Xường chào hỏi, Xường mời, nài, Bước chân ra đi, Ngoái trông, Khen đất khen mường, Khen giàu có, Đánh thức Xường, Sự tích Xường, Trồng bông trồng hoa, Trồng Kè, Mở đường. Như vậy ở cung đầu này cũng đã ít nhất có 11 bước, từ Chào hỏi cho đến Mở đường. Mở đường (Phảt Khà) được biểu tượng như là mở đường cho đường vào đêm hát, đường tình, đường nghĩa. Khi đã phát được đường, bắc được cầu: “Nên lối em đi nên đường anh lại” thì Xường chuyển sang cung thứ hai là “lên bậc”.

Xường đã có căn có cốt
Như cây mí đơm hoa đẹp đốt
Như dây vốt xanh cây...
Tìm đặt câu đẹp lời hay
Để đêm nay ta lên chơi Xường bậc.

  Xường có cung có bậc thì đã rõ, nhưng có bao nhiêu bậc? Dân gian bảo rằng có 12? Cũng cần làm quen trong FolKlore con số ít khi là con số số học, phần lớn đều là con số ước lệ. Đừng vội tin rằng con số 3, số 9, số 12, 18 và 36 là con số chính xác. “Mười hai bà mụ”, “mười hai bến nước”, “ba mươi sáu chước”... đó chẳng qua là để nói số nhiều mà thôi. Cho nên nói Xường có 12 bậc cũng theo kiểu cách đó. Nhưng nhiều bậc trong đó thì đã rõ. Tên của các bậc đều là tiếng Mường cổ mang tính tượng hình theo một chiều cao dần phù hợp với cung bậc tình yêu hoặc gợi lên một cái gì cụ thể. Bậc 1 có tên “góp nhặt” (cu nhu cỏp nhỏp), ở đây là sự tìm tòi, gom góp, nhặt nhạnh những ý hay lời đẹp để hát Xường với nhau. Các bậc có tên tiếng Mường mang tính gợi hình: Lêu lao lên lồm, poong soong poót soót, Zờm Zờm, Zằng Zắng... Cách hát, còn có thể gọi là trình diễn ở mỗi bậc đều có gài hoa (cái Wa) theo tiếng chim (pẳt siềng chim) khác nhau. Đôi trai gái hát với nhau đều phải theo “căn cốt” của Xường có đối có đáp nhưng lại phải có vận dụng, sáng tạo “theo nó mà vượt lên nó”. Đó mới là người giỏi Xường. Cung bậc, căn cốt không làm hạn chế sự sáng tạo của người hát Xường.

http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/04/25/36cbieu-dien-nhac-cu.jpg

  Kết thúc cuộc Xường có thể là một đêm có thể là ba đêm. Buổi kết thúc có khi họ đã mê nhau thì họ hát Xường thề, nhưng phổ biến là Xường tiễn biệt với lời thương nhớ quyến luyến, nhắn gửi:

  Xường của người Mường, nhất là Xường bậc có vị trí lớn trong văn hóa dân gian Mường. Nó làm cho tiếng Mường trở nên trong sáng, làm cho tâm hồn Mường trở nên phong phú và nâng cao giá trị nhân văn trong văn học dân gian Mường. Nó có giá trị đóng góp vào nền văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam.
"Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chiec la xanh

Sơn là núi, La là suối. Sơn La có nghĩa là vùng đất bắt nguồn từ con suối trên núi. Cùng với thời gian, con suối ấy vẫn đang tuôn trào bao bọc 12 dân tộc anh em, tạo thành sức mạnh, tỏa sáng như viên ngọc giữa đất trời Tây Bắc.
 Vùng đất Sơn La có vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết của rừng, của núi, của những dòng suối nước trong veo, của những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, và cả tấm lòng chân chất, hiếu khách của người dân bản xứ. Mùa xuân về, hoa ban nở trắng càng tô thêm vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc trong những cuộc hành trình về với Sơn La.
 Đến Sơn La  để ngắm nhìn những cảnh đẹp hùng vĩ mà nên thơ như Hang Dơi, Thác Dải Yếm, hang Trâu… và để tận hưởng không khí trong lành của vùng khí hậu tiểu ôn đới đang quyện hòa cùng hương chè ngan ngát.
 Hang Thẳm Ké (hang Trâu)  dài chừng 1km với 2 cửa hang thông ngang 2 sườn núi. Đây từng là kho chứa vũ khí lớn nhất mà chúng ta tìm được ở Tây Bắc sau khi thực dân Pháp thua trận ở Điện Biên. Hang bia Quế Lâm Ngự Chế - nơi ghi dấu bút tích của Vua Lê Thái Tông năm 1440 với bài thơ được khắc trên vòm hang vách đá thẳng đứng. Dưới lòng hang rộng là rất nhiều thạch nhũ từ vòm hang buông xuống.
Thác nước Bản Vặt, một địa danh gắn liền với lịch sử cư trú rừ rất xa xưa của tộc người Thái ở vùng đất Mường Sang xưa, Mộc Châu ngày nay.Có thể nói đây là một cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cho chủ nhân vùng đất này. Ngoài tên gọi dân dã trên, thác nước này còn có tên gọi khác như thác Nàng, thác Dải Yếm, nhằm ví vẻ đẹp của thác nước như xuân sắc của người con gái tuổi trăng tròn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chiec la xanh

Văn hoá ẩm thực

Ở Sơn La, những món ăn đặc sản từ cây rừng, từ ao vườn, ruộng đồng, được chế biến bởi những bàn tay khéo léo của người con gái bản đảm đang thành những món ăn ngon khó quên.


Cơm lam

Cơm lam vẫn thấy trong các tiệc tùng lễ hội của nhiều dân tộc trên núi rừng Sơn La. Nhưng với người Thái, nó còn có trong từng bữa ăn thường ngày. Cũng là từ hạt nếp nương, nhưng cơm lam là loại cơm đặc biệt ngon vì nó không được nấu theo cách thức thông thường mà được nướng trên rừng rực than củi trong những ống nứa. Gạo nếp ngâm ủ qua đêm được cho vào từng ống nứa non, một loại tre rừng đặc biệt có lớp vỏ lụa mỏng bên trong lòng đốt, thêm nước vừa đủ và nút lại bằng lá chuối khô rồi đưa lên bếp đốt cho đến khi vỏ ống tre cháy sém. Sau đó chẻ tách phần cật nứa chỉ còn lại lớp lụa mỏng bó chặt từng cây cơm trắng nõn nà. Trên lớp vỏ lụa trắng mỏng ấy có thoáng chút mặn, chút hương của rừng và của khói làm cho miếng cơm dẻo thật sự thăng hoa. Ăn cơm lam, ngoài muối vừng, không thể thiếu một loại thức chấm có tên là chẩm chéo. Chẩm Chéo được chế biến từ muối, ớt tươi nướng, hành, rau mùi…, đặc biệt không thể thiếu loại trái rừng có tên là mắc khén, tất cả được đâm nhuyễn. Không có mắc khén không làm ra chẩm chéo, không có chẩm chéo không thành bữa cơm lam. Cơm lam Sơn La thường được bán vào mùa đông. Vì loại ống nứa để nướng cơm lam mùa này mới có. Để thưởng thức được một ống cơm lam.
Hay như món cháo “Mắc nhung” mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi như món “Mọ gà” của đồng bào dân tộc Thái, chỉ 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị, Ngày nay, cháo “Mắc nhung” đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng. Để có món cháo Mắc nhung (tiếng Mường gọi là quả ngố), người chế biến phải biết chọn loại tẻ thơm, nếu được tấm đầu vụ gặt non (như cốm) thì càng tốt. Dùng thịt sương sườn lợn nướng khô hay hun khói, băm nhỏ nấu nhuyễn với cháo tấm. Khi cháo chín tới cho quả Mắc nhung vào, đập thâm củ gừng, ở nướng và xả cả củ bỏ vào đáy nồi cháo, khuấy đều. Vài phút sau, đã có ngay món cháo "Mắc nhung" đặc sản thơm nồng, đặc sánh.

Các món ăn ngày tết của các dân tộc ở Sơn La cũng là một nét văn hoá ẩm thực gây ấn tượng sâu sắc đối với những ai đã từng đặt chân đến đây. Một số dân tộc ở Sơn La từ xưa đã có lệ vào mùa măng (nhất là măng tre, vầu, bương. lay) là làm các loại măng giành cho tết.. Măng chua: Chủ yếu dùng măng vầu, bương thái nhỏ hoặc giã cho vào hũ ủ lên men, càng để lâu càng chua. Măng chua chủ yếu để xào với các loại lòng lợn, gà và xào với thịt mỡ ăn đỡ ngấy. Măng héo: (Nó héo): Bà con Thái Trắng, đồng bào Mông ở Mộc Châu, Bắc Yên thường hay làm loại măng này. Măng héo làm từ măng chua. Măng chua vắt kiệt nước phơi nhiều ngày cho khô quắt lại, đem đồ xôi, rồi lại phơi thật khô, sau đó cho vào ống hay gói lá khô để dùng dần. Nó héo là một đặc sản. Một cân Nó héo tốn hàng hũ măng chua và dùng được nhiều lần. Món lòng xào chỉ cần cho một nắm "Nó héo", sẽ có vị chua ngon và rất thơm. Món canh ULR (còn gọi là lom nhọk): Ngày lễ – tết của người Khơ Mú không thể thiếu được món canh ULR , ULR được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên (cá quả), mắc khén, bột gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến lúc nào nhuyễn thì thôi. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm và ngon.

Món mọk: Món mọk này người Thái, Mường, Khơ Mú…đều hay làm nhưng mỗi dân tộc làm một kiểu khác nhau, ngon nhất vẫn là mọk của người Khơ Mú. Mọk được chế biến từ thịt gà (nếu gà to chỉ lấy cổ, cánh, bộ lòng mề là đủ) băm nhỏ, ớt khô, mắc khén giã nhỏ, củ sả thái nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi sôi lên. Khi chín cũng nhuyễn, sánh sền sệt như món canh ULR.
Bạn hãy thử  một lần lên Tây Bắc, đến với Sơn La, vào một đêm  lạnh dịu ngồi quanh bếp lửa, nhâm nhi rượu cần nồng nàn, ăn một miếng cơm lam, hay một bát cháo Mắc nhung ngọt ngào... thì mới cảm nhận hết được hương vị núi rừng của nền văn hoá ẩm thực nơi đây.

Nét đặc sắc của những làn điệu dân ca và những điệu múa say đắm lòng người
Nếu như hoa ban - hoa đào - hoa ''bó mạ''... là biểu tượng của các dân tộc ở Sơn La, thì những điệu múa của họ cũng làm nên một vườn hoa muôn sắc và ngát hương, mang bản sắc văn hoá độc đáo, vẻ đẹp tâm hồn trong sáng và thấm đẫm tình người...
Sơn La - thủ phủ trước đây của Khu tự trị Tây Bắc - một miền quê được mệnh danh là xứ sở Hoa Ban nổi tiếng với những làn điệu dân ca say đắm lòng người, và đặc biệt là những điệu múa vừa dịu dàng tha thiết, vừa rộn ràng, sôi nổi…

Điệu múa “nhảy khèn” của các chàng trai H’Mông thật độc đáo và hấp dẫn. Trong tiếng khèn lá dập dìu của các cô gái, các chàng trai cất lên tiếng khèn dập dìu, dồn dập… kèm theo những động tác múa thể hiện tài năng, sự khéo léo và cả sức dẻo dai: vừa thổi khèn liên tục, vừa quay tít nhiều vòng hoặc nhảy nhanh với những động tác chân phức tạp, có lúc lại lăn tròn dưới đất mà điệu khèn vẫn không dứt tiếng… Các nghệ nhân kể rằng: trước đây, trai tráng H’Mông còn thi tài quay trên lá chuối mà lá chuối không rách, quay trên đầu ba chiếc cọc gỗ nhỏ mà không ngã, thậm chí còn ly kỳ hơn: quay trên miếng ván bắc qua chảo nước nóng… Điểm độc đáo có một không hai của “nhảy khèn” là các động tác múa đều mang tính ngẫu hứng rất cao với sự sáng tạo phong phú đến bất ngờ của từng cá thể.
Ngày xưa các cô gái H‘Mông không có múa, nhưng ngày nay, từ giao thoa văn hoá và sức cuốn của phong trào các cô gái cũng múa chẳng kém con trai; phổ biến nhất là điệu múa ô nổi tiếng: những chiếc ô màu sắc rực rỡ cứ xoay tròn, lên cao, xuống thấp, quấn quýt ôm lấy thân hình con gái tạo nên vẻ đẹp uyển chuyển và sinh động.

Đến với đồng bào Dao để  thưởng thức điệu múa Chuông. Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp đều đặn, những sợi tua mầu được tung lên, hạ xuống, lượn tròn thật nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt. Xem múa Chuông, ta có cảm giác như những chùm tua mầu tung tăng, nhảy nhót giữa không gian cùng tiếng chuông thôi thúc... như lòng người háo hức, hân hoan. Xem múa Chuông, người am hiểu nghệ thuật cũng phải thán phục vì người Dao Tiền đã tạo nên tiết tấu múa bằng nhịp 5/4 và nhịp 7/4 - đó là loại nhịp ''phức'' của âm nhạc hiện đại. Độc đáo hơn, từng loại nhịp (5/4 hoặc 7/4) lại không kéo dài mà thường đan cài với nhau thành từng cụm: cứ hai nhịp 5/4 lại đến một nhịp 7/4 và thỉnh thoảng lại xen vào một số nhịp 4/4 mở đầu cho các đoạn múa lớn.
Xoè vòng là hình thức múa cộng đồng của dân tộc Thái. Từ xưa đến nay, xòe vòng của dân tộc Thái luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Mỗi khi âm thanh trầm bổng, nhịp điệu của trống xòe nổi lên lại thôi thúc mọi người đến với vòng xòe. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, mọi người xích lại gần nhau, quây quần bên nhau, vui tươi, đầm ấm.  Một vài chục người thì làm một vòng xòe, dăm bảy trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong, vòng ngoài, nhiều nơi còn chia vòng theo lứa tuổi. Tay trong tay, vai kề vai, chân người nọ dịch bước theo chân người kia trong không khí, tình cảm say sưa, đầm ấm của vòng xòe, đêm xòe. Động tác, đội hình xòe đều rất giản dị, các tạo hình và động tác, tính chất nhịp nhàng của độ nhún, bước đi của vòng xoè rất gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Nhịp xòe nhẹ nhàng uyển chuyển, nhưng đôi khi do không khí cuộc vui thôi thúc, mọi người vỗ tay, nhảy lên, hú lên rất náo nhiệt. Cũng có những động tác như người trực tiếp xòe, người đánh trống, đánh chiêng rất uyển chuyển, lúc mạnh, lúc nhẹ và có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Mang trong lòng ấn tượng về vòng Xoè và âm thanh của trống cồng...  chúng ta lại  đến với tiếng ''Cống tốp'' - một loại trống độc đáo của đồng bào Kh'Mú.
Khác với chiếc trống lớn được đánh bằng dùi trong những lễ hội lớn: Tiếng ''cống tốp''- (một loại trống nhỡ, vỗ bằng tay vào hai mặt trống) là tiếng trống đầm ấm của trai gái tộc người Kh' Mú. Bất cứ ở đâu, dù trong đêm trăng sáng hay bên ánh lửa hồng, tiếng trống cứ vang lên là con trai, con gái cùng háo hức bước chân, rạo rực nỗi lòng. Bởi trong tiếng trống đặc biệt ấy, họ tìm được bạn tình qua vũ điệu ''nộc Dung'' (chim Công); Một vũ điệu được cấu tạo qua con mắt thẩm mỹ rất độc đáo của người Kh' Mú từ ngàn xưa truyền tại: Trong vũ điệu, người Kh' Mú không miêu tả vẻ đẹp lộng lẫy bên ngoài của chim Công mà họ tái hiện những cử chỉ của chúng thành những động tác múa sôi nổi, quyến rũ, lôi cuốn và gợi cảm... Để vũ điệu trở thành mê say trong sự giao duyên đầy ý nhị của đầu, của vai, của mông, trong những bước chân nhịp nhàng, lẫn và ánh trăng, hoà vào bóng núi, giữa bản mường quê hương.
Sơn La - phố núi thật giàu bản sắc. Mới chỉ vài nét văn hoá giản đơn trong ăn mặc, ẩm thực, sinh hoạt tinh thần mà đã ấn tượng biết bao,  đã tạo thành thế mạnh vật thể và phi vật thể của vùng sơn cước; thành lời mời gọi, thành cớ giữ chân, thành lời nhắn nhủ, ước hẹn gặp lại với những người đã đến và cả những người chưa đến Sơn La.




Sưu tầm ( Góp cùng Hoa Núi nhé)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

langtunamxua



Đền thờ vua Lê Thánh Tông thị xã Sơn La. Ảnh tự chụp.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 18 trang (173 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối