Để mọi người biết rõ hơn về hoàn cảnh sáng tác 34 bài thơ tình tang tóc này, mình xin gửi vào đây bài viết lấy từ báo Nhịp cầu thế giới - Hungary:
PETŐFI SÁNDOR VÀ MỐI TÌNH BI THƯƠNG 12 NGÀY(NCTG) Đầu năm 1845, giới trí thức, văn nghệ sĩ Pest (*) xôn xao chuẩn bị cho một tang lễ đặc biệt: ngày 7-1, Csapó Etelke, cô thiếu nữ xinh xắn chưa đầy 15 tuổi đột ngột qua đời. Tên tuổi Etelke được ghi vào văn học sử Hungary vì những ngày cuối đời, số phận đã đưa đẩy cô đến với một chàng trai 22 tuổi, Petőfi Sándor, người về sau được tôn vinh như một anh hùng dân tộc, thi hào bậc nhất của nước Hung thế kỷ XIX (**).*
Csapó Etelke là em vợ Vachott Sándor, một nhà ngôn ngữ, nhà thơ và chính khách đương thời. Mùa đông năm 1843, Vachott Sándor gặp gỡ Petőfi (kém ông 5 tuổi) tại Quốc hội Pozsony (nay là Bratislava), khi đó nhà thơ trẻ đang phải bôn ba kiếm sống, thử sức trên cương vị đưa tin, viết phóng sự cho báo. Lâm vào cảnh thiếu thốn trầm trọng, Petőfi đã được Vachott hào hiệp giúp đỡ.
Vachott Sándor có người anh trai là Vahot Imre, chủ tạp chí "Thời trang Pest" (Pesti Divatlap); thông qua mối quan hệ quen biết này, chàng trai Petőfi Sándor được nhận vào làm trợ lý biên tập tại tờ báo. Ở đây, Petőfi đã sáng tác trường ca lớn “Hiệp sĩ János” (János vitéz) trong vòng 6 ngày!
Cuối năm 1844, Petőfi trở thành một thi sĩ có tiếng. Mùa Giáng sinh năm đó, chàng trai được gia đình Vachott mời đến bữa tối: các đồng nghiệp muốn an ủi Petőfi vì trước đó 3 ngày, anh bị đả kích vì những vần thơ bị coi là quá dân dã, và vì anh hay nhắc đến mình trong đó. Không chịu lùi bước, Petőfi “trả đũa” với bài “Thế giới và tôi” (A világ és én), nhưng hẳn nhà thơ trẻ đã trút hết bực tức và sầu muộn khi được gặp Csapó Etelke, cô em gái dễ thương của gia đình chủ nhà, tại bàn tiệc.
Theo đúng những “thủ tục” thịnh hành đương thời, bà chủ nhà Vahot Sándorné và cô em gái Csapó Etelke đã xin thi sĩ “lưu bút” trong cuốn sổ lưu niệm của họ. Với Vahot Sándorné, Petőfi có một nhận xét vui: anh trách bà chủ nhà đã khiến ông chồng quá hạnh phúc và viên mãn, khiến ông không còn làm được thơ nữa, thậm chí, còn phải vò đầu bứt tai để có cảm hứng cho những bài thơ “mùi mẫn”. Còn trong sổ lưu niệm của cô thiếu nữ Etelke, nhà thơ để lại những dòng lạ lùng, như thể một linh cảm không giải thích nổi:
“Nếu những dòng chữ đen tối mà anh ghi lại sau đây, / Lại trở thành phận hẩm mà em phải chịu: / Anh sẽ cất bút, không viết, dù nếu như vậy / Mỗi nét chữ của anh, có giá là một quốc gia.”Định mệnh thật khắc nghiệt: chỉ 12 ngày sau, Etelke đột ngột qua đời sau một cơn cảm lạnh (có lẽ cô còn bị quá sức vì những chuẩn bị cho ngày vui lớn và linh đinh, dự tính sẽ được tổ chức nhân sinh nhật cô sau đó ít ngày). Thi thể Etelke được người anh rể Vachott Sándor và Petőfi đặt vào quan tài. Nhiều năm sau, bà Vachott Sándorné cho in một số hồi tưởng, ghi lại những tư liệu rất quý cho hậu thế về câu chuyện tình 12 ngày giữa Petőfi và Etelke, cũng như về tình bạn của nhà thơ với gia đình Vachott. Qua đó, chúng ta được biết rằng, hai tuần sau cái chết của Etelke, Petőfi dọn đến ở phòng của cô trong căn nhà gia đình Vachott; tại đây, và tại nghĩa trang ở đường Váci - nơi nhà thơ thường đến trầm tư bên mộ phần của Etelke, bất kể ngày hay đêm -, xúc cảm trước sự ra đi quá sớm của cô gái bạc mệnh, Petőfi đã cho ra đời chùm thơ khóc thương với tựa đề “Những chiếc lá bách từ mộ phần Etelke” (Cipruslombok Etelke sírjáról), gồm 34 bài.
Giới nghiên cứu về cuộc đời và thi nghiệp của Petőfi, cho đến nay, vẫn đặt câu hỏi: có thể có một cuộc tình thực sự trong vòng chưa đầy 2 tuần, giữa nhà thơ và một thiếu nữ 15 tuổi, mà Petőfi có lúc gọi bằng “đứa trẻ dễ thương với những lọn tóc quăn vàng ánh”? Hay đây là một “mộng ước yêu đương bị dồn nén”, theo thi hào Illyés Gyula, người từng tìm tòi và viết sách về Petőfi? Sự nghi ngờ ấy là có cơ sở vì khi làm quen với Etelke, Petőfi đã là một người đàn ông “trưởng thành” 22 tuổi (theo cách đánh giá đương thời), đã trải qua nhiều mối tình “chợt đến, chợt đi” với những Klári, Amália, Emilia, Róza, Matild, Annikó, Zsuzsika (thậm chí, cả tình cảm vô vọng với nữ bá tước Dessewffy), mà mối tình nào cũng để lại những thi phẩm bất hủ.
Ở ngưỡng 20, chàng thi sĩ trẻ giàu cảm xúc Petőfi, ngay sau khi bị “hút hồn” bởi một cô gái dễ mến, đã có thể cho ra đời những vần thơ tình đầu tiên vào buổi tối, như ở trường hợp các thi phẩm “Gửi Zsuzsika” (Zsuzsikához), “Gửi Matild” (Matildhoz), “Biển tình anh thét gầm” (Szerelmem zúgó tenger), v.v... Xuất phát từ nhu cầu nội tại ấy của nhà thơ, GS Horváth János - tác giả cuốn chuyên khảo “Petőfi Sándor” (Budapest, 1926) - đã diễn đạt như sau về mối tình với Etelke: Petőfi phải lòng một cô gái đã qua đời! Nhà nghiên cứu Gyulai Pál (em đồng hao của Petőfi), trong một công trình về Petőfi (năm 1854), thì “nhẹ tay” hơn: „Anh tôi phải lòng Etelke đúng vào lúc cô ấy vừa mất”. GS Horváth János cho rằng nhà thơ chưa đủ thời gian để có một mối tình thực sự, nên tập thơ “Những chiếc lá bách…” thật ra là sự tự kỷ ám thị, là sự mộng tưởng của người thi sĩ, tóm lại, là một tình cảm mang thi vị văn chương thì đúng hơn.
Điều đáng nói ở đây là, nhiều thi phẩm trong số 34 bài thơ đượm màu tang tóc và bi thương của Petőfi, mặc dù bị văn giới đánh giá và nhìn nhận nghiêm ngặt như thế, vẫn chứng tỏ thiên tài của một thi sĩ ngay từ khi ông còn trẻ. GS Horváth János đã chọn ra 4 câu thơ sau trong tập “Những chiếc lá bách…” - được coi là những viên ngọc - để chứng tỏ điều đó:
Có gì đẹp, có gì hay trên chiếc giường tử thần ấy?
Như rạng sáng ban mai, khi cánh thiên nga chói lọi bay lên
Như màn tuyết phủ tinh khôi trên cánh hồng đông giá
Lay động phía bên trên là tử thần trắng.(“Nếu trong đời em...”, Pest, tháng 1/2-1845)
Ghi chú:(*) Khi đó Buda và Pest còn là hai thành phố riêng rẽ hai bên bờ sông Duna (Danube), và chỉ được hợp nhất thành Budapest (vùng Óbuda) vào năm 1873.
(**) Các nhà phê bình văn học cho rằng trong trường phái Lãng mạn thế kỷ XIX, Petőfi thuộc hàng những tên tuổi sáng lạn nhất, cùng Byron, Shelley, Heine, Puskin, Miekiewicz và Victor Hugo. Grimm còn đi xa hơn nữa, khi khẳng định nền văn học thế giới có 5 thiên tài, là Homer, Shakespeare, Goethe, Mistral và Petőfi.
Tác giả: Hoàng Linh, NCTG.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."