Có lẽ, đặc biệt hơn cả là “Khi em thương bước qua đường”, được tác giả sáng tác năm 20 tuổi và sửa chữa trong vòng 3 năm dưới ảnh hưởng của nhiều mối tình câm lặng, để đến giờ độc giả có tới ba dị bản khác nhau. Dưới đây là bản được coi là “chuẩn”, có mặt trong sách giáo khoa môn Văn của học sinh trung học Hungary:
MIKOR AZ UCCÁN ÁTMENT A KEDVES
Mikor az uccán átment a kedves,
galambok ültek a verebekhez.
Mikor gyöngéden járdára lépett,
édes bokája derengve fénylett.
Mikor a válla picikét rándult,
egy kis fiúcska utána bámult.
Lebegve lépett - már gyúlt a villany
s kedvükre nézték, csodálták vígan.
És ránevettek, senki se bánta,
hogy ő a szívem gyökere-ága.
Akit ringattam vigyázva, ölben,
óh hogy aggódtam - elveszik tőlem!
De begyes kedvük szivemre rászállt,
letörte ott az irígy virágszált.
És ment a kedves, szépen, derűsen,
karcsú szél hajlott utána hűsen!
(1925. jún. / 1928)
Dịch nghĩa:
KHI EM THƯƠNG BƯỚC QUA ĐƯỜNGKhi em thương bước qua đường
đàn bồ câu sà vào đám chim sẻ
Khi em nhẹ bước lên hè phố
Gót hài em dễ thương bừng sáng
Khi bờ vai em giần giật nhẹ
một cậu bé ngóng theo em ngạc nhiên
Em bước tung bay - ánh đèn bật sáng
và thiên hạ hứng khởi ngắm nhìn em, cảm phục, tươi vui
Và họ nói cười với em, chẳng ai để tâm
Rằng em là sâu thẳm trái tim anh
Người anh ru, gìn giữ, trong lòng,
anh lo ngại chừng nào - sẽ mất em!
Nhưng rồi, lòng ham muốn tham lam của họ cũng lan sang trái tim anh
ở nơi đó, nó làm gãy cành hoa ghen tức
Và em thương ra đi, vui vẻ, rạng ngời,
làn gió mảnh tươi mát cuốn theo em!
(Tháng 6-1925 - 1928)
“Khi em thương bước qua đường” mang dấu ấn siêu thực và nội dung của nó không hề đơn giản như thoạt đầu người đọc có thể thấy: sự diễn giải thi phẩm này được coi là tương đối phức tạp đối với cả người Hung!
Bốn khổ đầu của bài thơ tràn ngập bầu không khí điền viên, niềm say mê, tình cảm yêu đương mê đắm của chàng thi sĩ. Như những thước phim chầm chậm, nhà thơ ghi lại mọi khoảnh khắc của người mình thương, cùng sự cảm nhận của anh: “khi em thương bước qua đường”, thế giới quanh cô (và anh) lập tức thay đổi, thân thiện, hiền hòa và yêu thương.
Vẻ đẹp, sự nhạy cảm và tinh tế của cô gái được mô tả hòa hợp với thiên nhiên, với những gì diễn ra quanh cô. Khiến trong chàng thi sĩ trẻ, thoáng hiện cảm giác ghen tuông, khi thiên hạ qua đường nói cười với cô, không hề để tâm đến nhà thơ, băn khoăn và khổ sở với cảm giác có thể mất “người tình trong mộng” (khổ thơ 5-6).
Nhưng rồi, cảm giác hứng khởi, ham muốn của mọi người đối với nàng thiếu nữ xinh đẹp, rốt cục cũng lan sang chàng trai, anh hiểu họ và ý thức được rằng người anh thương xứng đáng là tâm điểm sự chú ý của thiên hạ. “Cành hoa ghen tức” - biểu tượng cảm giác ghen tuông của nhà thơ với mọi người - bị bẻ gãy (khổ thơ thứ 7), chàng trai ngầm nhận thấy mình phải tự hào vì có người yêu như thế. Để đến khổ thơ cuối, sự hài hòa giữa cặp trai gái yêu nhau và thế giới quanh họ trở lại yên bình, nhà thơ bằng lòng (và dịu lòng) với cảm xúc của mình và cảm giác ghen tuông đối với những kẻ khác. Khi ấy, hình ảnh gót chân người thiếu nữ trên hè phố, với chàng, cũng nhẹ nhõm hơn, vì trái tim chàng đã được “giải tỏa”…
Nhà nghiên cứu văn học Hungary Szabolcsi Miklós cho rằng hình ảnh thiếu nữ được ca tụng trong thi phẩm trên có thể là ba người phụ nữ khác nhau: Ria (Saitos Valéria, một thiếu phụ xinh đẹp ở vùng Makó), Gitta (tức nữ họa sĩ Gyenes Gitta, vợ ông Wallesz Jenő, một ký giả tờ “Újság”, một tờ báo khuynh hướng tự do ở Budapest) và Luca (chính là Wallesz Luca, ái nữ của bà Gyenes Gitta). Ông Szabolcsi còn có dịp trò chuyện với một trong ba người phụ nữ kể trên và cho dù lúc đó “Khi em thương bước qua đường” không được đề cập tới, nhà nghiên cứu cho rằng có thể rút ra một bài học: trong số những bài thơ tình dạo đó, căn cứ nhiều nguồn hồi tưởng đương thời,nhiều khi không thể biết được József Attila viết cụ thể cho ai. Bởi lẽ, dường như, có một cuộc tranh giành lặng lẽ giữa ba thiếu nữ - thiếu phụ trên, để “chiếm” ngôi vị Nàng thơ của chàng thi sĩ khi ấy mới ở độ tuổi hai mươi.
Gần đây, trong một chuyên luận trên tinh thần “đọc lại József Attila”, nhà phê bình văn học Hermann Zoltán còn đưa ra “nghi vấn”: phải chăng, nhà thơ, khi sáng tác “Khi em thương bước qua đường”, đã chịu ảnh hưởng "When My Sugar Walks Down The Street", một ca khúc Jazz ngoại quốc với hai câu mở đầu: “When my sugar walks down the street - All the little birdies go "Tweet, tweet, tweet"…” Chỉ biết, thi phẩm của József Attila ra mắt lần đầu ngày 11-6-1925 trên tờ “Makói Friss Újság” (Báo mới Makó), tức là vài tháng sau khi bài ca trên được tung ra thị trường Mỹ… Và, có ngẫu nhiên không khi mô-típ “em thương qua đường” còn lặp lại ở một ca khúc khác, cũng rất được ưa chuộng đầu thế kỷ XX: "Oh ain't she sweet, well see her walking down that street….” (“Ain't she sweet?", 1927).
Phải chăng, đây là chuyện “Đông, Tây gặp nhau”?
*
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."