Thầy giáo của “môn học sống còn”
TT - Tôi thử nhắm mắt, đi bộ dọc đường Nguyễn Chí Thanh hướng ra ngã sáu An Dương Vương (TP.HCM). Chỉ bước được bốn bước chân đã ríu lại.Không thể bước tiếp vì tiếng xe ầm ào trước mặt, còi xe đe dọa sau lưng, tiếng chuyển động từ tứ phía đổ tới, vỉa hè mấp mô bị choán bởi cột điện, xe hàng rong, bảng hiệu...
Thầy Hùng dạy môn “định hướng giao thông” trên bản đồ nổi - Ảnh: Tự Trung
Ấy vậy mà đã nhiều năm nay, những đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự đông đúc này lại đã quen với những em học sinh khiếm thị tay cầm cây gậy trắng đi dọc lề, băng qua đường, qua ngã tư, vòng xoay, đi đến trường, đi siêu thị, đi bơi... Bước chân các em lúc đầu cũng run run, cây gậy dò đường lúc đầu cũng rụt rè, dáng vẻ lúc đầu cũng hoảng hốt. Nhưng rồi tất cả thuần thục dần. Ấy là nhờ bộ môn “định hướng di chuyển” của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, nhờ những giáo viên hết sức kiên nhẫn, hết sức tận tâm tận sức của bộ môn này.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, người dạy “định hướng di chuyển” lâu năm nhất ở trường, vừa được Đài Tiếng nói VN (VOV) vinh danh “Hiệp sĩ giao thông” bởi những đóng góp ấy của mình.
Giờ học sốngTiết “định hướng giao thông” lớp 6A2, đa số các em đã tự băng qua ngã tư thuần thục, chỉ còn Đạt và Dũng. Đạt vừa chuyển trường từ Long An, học những giờ “định hướng” đầu tiên. Dũng thì ngoài khiếm thị còn thêm chứng tay chân yếu. Thầy Hùng dẫn hai em đứng bên vạch sơn trắng dành cho người đi bộ ngay trước cổng trường kiên nhẫn lặp lại: “Tay phải cầm gậy, vẽ cung trước mặt nào. Tay trái giơ cao lên khỏi đầu báo hiệu. Tai lắng nghe, đây không phải ngã tư, không có đèn đỏ. Dòng xe di chuyển liên tục, nghe rõ không. Nhưng vì đầu kia có đèn đỏ nên xe cũng sẽ di chuyển theo đợt, các em chú ý khi nhận thấy ngớt tiếng xe thì bắt đầu đi”. Hai cậu học sinh theo hiệu lệnh dò gậy băng qua đường, thầy bước phía sau hai bước, vừa chăm chú theo dõi từng động tác để nhắc nhở học trò vừa quan sát từng chiếc xe chạy trên đường để đảm bảo an toàn.
Thêm hai vòng nữa mấy thầy trò mới lên lớp ôn lại bài “Băng qua ngã tư không đèn” trên bản đồ nổi. Phân biệt chiều chuyển động của dòng xe bằng thính giác, dùng gậy để dò phân biệt đoạn lề thẳng, lề cong, giữ tâm thế bình tĩnh... Thầy Hùng nắm tay từng em dò trên bản đồ: “Em rõ chưa, đây là đoạn lề cong, lề cong này sẽ hướng thẳng ra giữa ngã tư. Nếu em bắt đầu băng qua từ đây thì sẽ đi thẳng đến giữa bốn dòng xe, rất nguy hiểm thấy không. Tuyệt đối không bao giờ được đi ở đoạn lề cong, phải tìm đến chỗ đoạn lề thẳng... Sao nãy Đạt run vậy? Thực hiện đúng lời thầy dạy thì sẽ qua đường được, không có gì phải run. Nhớ nha”.
Bài học băng qua đường, qua ngã tư này các em bắt đầu học từ lớp 5, và chương trình cũng chỉ dừng ở đó nhưng tại Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, học sinh sẽ được học bộ môn này đến tận lớp 7, đều đặn mỗi tuần bốn tiết, cả lý thuyết lẫn thực hành. Cô Hà Thanh Vân, hiệu trưởng, và thầy Nguyễn Phi Hùng đều bảo không thể quên cái ngày 20-11 cách nay hơn mười năm, một nữ sinh khiếm thị đã ra trường đến thăm, chúc mừng thầy cô. Khi ra về, vì chủ quan em băng qua đường không dùng gậy. Những chiếc xe chạy tới đã không tránh đường vì không biết em là người khiếm thị. Tai nạn xảy ra, em mất trong sự thương tiếc, day dứt của bao nhiêu người. Quyết tâm đẩy mạnh môn học mang tính sống còn mà lại không có trong chương trình chính thức bắt đầu từ đó.
Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn học sinh trong tiết học băng qua đường - Ảnh: Tự Trung
10 em/lớp là quá nhiều rồi“Cứ nghĩ mình sáng mắt, khỏe mạnh thế này mà ra đường ở Sài Gòn có khi còn thấy sợ, có lúc còn lạc đường, các em khiếm thị sẽ còn khó khăn biết bao nhiêu. Bộ môn này đâu thể là phụ với các em được” - thầy Hùng tâm sự giữa lúc chờ các em lớp 4A ôn lại cách xác định các hướng đông, tây, nam, bắc bằng ánh nắng mặt trời. Một cô giáo lớp 3 sang mượn giáo án, thầy vui vẻ gật đầu. Những tập giáo án soạn riêng cho từng lớp, thầy Hùng đã nằm lòng từ bao năm nhưng vẫn soạn lại, bổ sung qua mỗi năm, vẫn mang hàng tập lên lớp mỗi buổi. Trong ấy, tôi thấy những ghi chú bằng mực đỏ, mực xanh: “Chú ý Yến định hướng yếu, nhầm lẫn trái phải, Hùng yếu chân, Hằng khua gậy chưa chuẩn... Chú ý: cảm giác diện thị chỉ có ở các em khiếm thị bẩm sinh”. Giáo án có bài riêng cho từng em là như thế. Thầy Hùng lại cười: “Lớp này có mười em, thế là quá nhiều với tôi rồi”.
Có dự giờ suốt một tiết học “định hướng di chuyển” mới thấy rõ như thế nào là “mười em là quá nhiều”. Với một câu hỏi “Em làm thế nào xác định được bốn hướng chính? Bốn hướng phụ là gì?” phải lặp lại đủ mười lần, phải chắc chắn là cả mười em cùng hiểu rõ, cùng xác định đúng. Hôm trước học bài này, bé Việt Hoa nghỉ ốm, và thầy sẽ phải dạy lại một lần nữa cho Việt Hoa. Ở đây các em không thể mượn bài về chép khi nghỉ học, không thể thị phạm trên một em để cả lớp cùng theo dõi được. Đến khi xuống sân tập đi gậy, ra đường tập đi cặp lề mới lại thấy một lần nữa “mười em là nhiều quá”. Thầy Hùng mướt mồ hôi để theo dõi, nhắc nhở từng cặp đôi một. Qua hai tiết học, giọng thầy khàn đi thấy rõ: “24 năm về trường, mười mấy năm dạy môn này, việc mình làm mỗi ngày chỉ âm thầm vậy thôi, không ngờ lại được chương trình an toàn giao thông để ý tới mà gọi là hiệp sĩ giao thông. Mình chỉ mong luyện được cho các em để thành phản xạ, ra đường tự tin và không bị tai nạn là mừng rồi”.
Nói vậy rồi thầy Hùng lại quay sang cất mớ gậy trắng các em vừa thu lại, tất tả đi vòng quanh sân để gom đủ mười học sinh lên lớp ôn lại lý thuyết, ôn cho đến khi nào mọi bài học biến thành phản xạ.
Nhìn theo bóng thầy Hùng chợt nghĩ ai có thể nói đó là một giáo viên dạy môn phụ. Môn học này là môn học sống còn với các em, đâu thể nào không tận tâm tận sức. Lại không thể không nhớ về những tranh luận ồn ào đã được đặt ra không biết bao nhiêu lần về việc phổ cập học bơi lội trong trường phổ thông. Cũng là chuyện sống còn đó mà, cần thêm nhiều người tận tâm, tận sức.
PHẠM VŨ
Từ dạy đan chiếu đến “định hướng giao thông”Thầy Hùng vốn tốt nghiệp Trường Sư phạm kỹ thuật, về Trường Nguyễn Đình Chiểu để dạy các em đan chiếu. Môn “định hướng di chuyển” khi ấy được thầy Tuấn, cô Phụng dạy bằng kinh nghiệm và các bài học cũ từ những năm 1970 chưa được cập nhật. Trước lúc về hưu, thầy Tuấn dạy lại cho thầy Hùng những bài cơ bản và từ ấy, thầy Hùng giã từ những bài tập dệt chiếu để sang học và dạy định hướng. Thầy bật cười: “Ngày ấy mình mò mẫm dạy các em mò mẫm. Tự bịt mắt lại để đặt mình vào hoàn cảnh học trò, tưởng tượng rồi soạn giáo án dạy. Không phải tất cả các em đều khiếm thị, trong lớp có một số em nhìn kém, mình cũng cho bịt mắt lại để học với các bạn cho đều. Sau này được tập huấn thêm với chuyên viên nước ngoài mới biết làm vậy là... sai bét. Cô giáo bảo các em còn chút khả năng nào về thị giác thì phải tìm cách phát huy tối đa, phải có cường độ bài học, bài tập riêng cho từng em một. Đây là kỹ năng sống còn của từng người mà. Nhớ lại thấy mình bậy thiệt”.
.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)