Thế võ Aikido và những phận đời đặc biệt
SGTT.VN - “Ban đầu, ai cũng nghĩ việc dạy những đứa trẻ khiếm thị học Aikido là chuyện không tưởng, bản thân cô cũng lo lắm, không biết sẽ dạy các em theo hướng nào, vì từ trước tới nay chưa ai làm việc này cả. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ngay cả các vị đại sư đẳng cấp cao đến từ Aikido Nhật Bản cũng đều ngạc nhiên về sự tiến bộ vượt bậc của các em. Theo cô được biết, hiện nay chỉ ở Việt Nam làm được việc dạy Aikido cho những trẻ khiếm thị và tàn tật…”
Võ sư Aikido Nguyễn Thị Thanh Loan và những võ sinh đặc biệt của mình. Ảnh: Hương Vũ
Niềm vui lấp lánh trên đôi mắt võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan khi chia sẻ cùng phóng viên những kỷ niệm về lớp học đặc biệt đầu tiên của mình như vậy…
Từ lớp học đặc biệt đầu tiên…Theo học Aikido từ những ngày đầu môn võ này du nhập Việt Nam vào năm 1958, tới năm 1967, khi mới 20 tuổi, võ sư Thanh Loan đã vinh dự là người phụ nữ thứ nhì ở Việt Nam đạt được tới đẳng Shodan, tức huyền đai quốc tế Aikikai, văn bằng do chính tổ sư sáng lập Morihei Ueshiba – ký. Hơn bốn mươi năm qua, không thể biết được bao nhiêu học trò đã trưởng thành qua sự dìu dắt của nữ võ sư Thanh Loan.
Cơ duyên đưa cô Loan đến với những lớp học đặc biệt, là khi hội Võ thuật dành cho người khiếm thị do cô Trần Hồng Thắm – khi đó còn đương chức phó giám đốc sở Thể dục thể thao TP.HCM sáng lập năm 2005, mời võ sư Thanh Loan đảm trách môn Aikido cho một lớp khoảng 20 em khiếm thị. Cô Loan nhớ lại: “Khi mới nhận lớp, mấy đêm liền cô trằn trọc, suy nghĩ vì lo, và hồi hộp lắm. Phương pháp dạy thế nào là một chuyện, nhưng việc tránh những chấn thương rất dễ xảy đến cho các em trong lúc tập luyện cũng là cả một vấn đề. Các em không thấy đường, nên mình chỉ biết khai thác ở thính giác và xúc giác của các em. Phải giải thích cặn kẽ từng động tác, rồi làm mẫu từng tư thế đòn, sau đó cho các em rờ bằng tay để cảm nhận, bởi vậy việc gì cũng diễn ra rất chậm chạp…”
Nhưng dạy được một thời gian, cô Loan chợt phát hiện ra một chuyện khá thú vị, đó là do không thấy đường, mọi động tác chỉ nhất nhất làm theo lời chỉ dẫn của cô nên các em khiếm thị không bị trạng thái nhát đòn như người bình thường khi quan sát thấy người khác bị té trong mỗi đòn thế, bởi vậy các thế đánh, thế bay người… của các em lại trở nên rất đẹp.
Lớp học đầu tiên ấy tiến bộ ngoài sự mong đợi của chính nữ võ sư cũng như những người quan tâm. Các em khiếm thị nhờ được tập luyện cũng linh hoạt, khoẻ mạnh và lạc quan hơn. Vào những dịp đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật, cô Loan luôn dẫn học trò khiếm thị của mình đi biểu diễn trong sự ngạc nhiên, thán phục của mọi người. Tới nay, lớp học đầu tiên ấy đã đạt tới đẳng cấp đai nâu.
Rèn luyện nhân cáchLớp học Aikido đặc biệt thứ hai của nữ võ sư Thanh Loan ra đời vào tháng 5 năm 2010 dành cho những trẻ bị bệnh down, thứ bệnh quái ác làm cho trí não con người chỉ dừng ở nhận thức của một đứa trẻ nhỏ. Những buổi ban đầu, các em tưởng chừng như không thể làm quen với Aikido được, cô Loan lại phải lựa lời dỗ dành, dạy đi dạy lại những động tác từ đơn giản nhất cho các em. Khi các em mệt, cô lại dạy hát, đọc thơ giữa những giờ học để mọi người cùng thư giãn. Sau vài tháng, các trẻ bị down đã có thể làm được những động tác võ đơn giản. Quan trọng hơn, các em đều trở nên năng động và hoà nhập với cộng đồng rất nhiều theo nhận xét của chính thân nhân trẻ.
Chưa dừng ở đó, tháng 10 năm 2010 cô Loan lại mở thêm lớp học Aikido cho những trẻ khiếm thính đang cư ngụ tại chùa Linh Quang, quận 4. “Lúc đầu cũng chủ quan, nghĩ các em nhìn thấy những động tác của mình dạy một cách thị phạm thì việc học sẽ dễ hơn. Ai dè vì nhìn thấy, lại không nghe được nên các em rất nghịch ngợm. Thông thường với trẻ khiếm thị, cô chỉ cần vỗ tay là các em ấy sẽ làm theo hiệu lệnh, còn với các em khiếm thính, cô phải tới gần từng em vỗ vai, ra dấu. Khi đó mới thấy rằng dạy cho trẻ khiếm thính hoá ra lại vất vả nhất!” cô Loan chia sẻ.
Hiện nay, một tuần võ sư Thanh Loan vẫn miệt mài phụ đạo hoàn toàn miễn phí cho ba lớp học đặc biệt hết năm buổi. Địa điểm của lớp do cô mượn được tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương, quận 3. Nhưng điều cô Loan lo lắng, là có thể lớp khiếm thính sẽ không tiếp tục hoạt động được nữa, do không có kinh phí thuê xe cho các em di chuyển từ nơi ở tại chùa Linh Quang tới lớp học. Trước đây, số tiền đó do cô và nhà chùa cùng đóng góp. Nhưng hiện nay, do điều kiện kinh tế khó khăn, nên nhà chùa không còn khả năng đóng góp nữa. Với một võ sư dành hầu hết thời gian cho việc dạy võ Aikido cho các em khuyết tật miễn phí, khoản tiền mỗi tháng một triệu cũng là quá sức của cô.
Nụ cười lạc quan luôn rạng ngời trên gương mặt đôn hậu của người nữ võ sư, khi cô nhắc tới gia đình, gồm người chồng, con rể và ba người con ruột đều là những võ sư Aikido danh tiếng. Cũng nhờ vậy, nên cô mới có được sự chia sẻ, cảm thông từ gia đình cho những công việc thiện nguyện thầm lặng của mình. Cô Loan còn dự định trong tương lai sẽ đưa được môn võ Aikido – với tình thương là tinh thần, hoà hiệp làm phương châm đạo võ – tới được những trẻ em lang thang đường phố, để tinh thần ấy rèn luyện nhân cách cho các em. Và biết đâu, từ đó sẽ đào tạo được những người kế nghiệp cô làm công việc đưa tinh thần hiệp võ đạo tới cho nhiều hơn những mảnh đời thiệt thòi, cơ nhỡ khác…
bài và ảnh:
Hương VũMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)