Bức chân dung người con traiMột gia đình giàu có kia hai cha con cùng chung sở thích sưu tầm các kiệt tác hội hoạ quý hiếm. Họ đã thu thập được tác phẩm của rất nhiều tác giả khác nhau, từ Picasso cho tới Raphael. Hai bố con thường ngồi đàm đạo với nhau và chiêm ngưỡng, thán phục các kiệt tác có được.
Thế rồi khi cuộc chiến nổ ra, người con trai phải lên đường ra trận. Anh đã chiến đấu rất dũng cảm và hy sinh trên chiến trường trong khi đang cố sức cứu một người lính khác. Người ta gửi tin dữ về cho người cha, ông vô cùng thương xót đứa con trai duy nhất của mình.
Khoảng một tháng sau đó, ngay trước lễ Giáng sinh, có tiếng gõ cửa ở ngôi nhà người bố. Một chàng trai trẻ bê chiếc khung lớn được bọc kín trong tay đang đứng bên ngoài.
Anh nói: “Thưa bác, bác không biết cháu nhưng cháu chính là người lính đã được con bác quên mình cứu sống. Hôm đó anh ấy đã cứu sống rất nhiều người, khi anh đưa cháu được tới nơi an toàn thì một viên đạn đã xuyên thẳng vào tim và anh ấy qua đời ngay tại chỗ. Anh ấy thường kể cho cháu nghe về bác, về tình yêu nghệ thuật của bác”. Chàng trai chìa ra chiếc bọc lớn rồi tiếp: “Cháu biết cái này chẳng đáng kể gì. Cháu không phải là một danh hoạ nhưng cháu nghĩ anh ấy sẽ muốn bác có nó”.
Người cha gỡ lớp bọc ngoài. Đó là bức chân dung con trai ông do chính chàng trai vẽ. Ông kinh ngạc nhận thấy trong bức tranh đó, người lính đã bắt được cái thần thái rất đặc trưng trong cá tính con trai ông. Ông xúc động trào nước mắt. Ông cảm ơn chàng trai và đề nghị được trả tiền mua bức tranh. “Ồ, không thưa bác, cháu sẽ không bao giờ trả hết những gì con trai bác đã dành cho cháu. Đây chỉ là món quà của cháu thôi”.
Người cha treo bức chân dung đó ở ngay ngoài phòng khách và mỗi lần có ai tới chơi, ông đều chỉ cho họ thấy bức chân dung con trai mình trước khi dẫn họ đi xem các kiệt tác ông đã sưu tầm được.
Vài tháng sau đó người cha qua đời. Người ta tổ chức một buổi đấu giá lớn để bán các bức tranh của ông. Rất nhiều nhân vật có tầm cỡ đã tới, háo hức muốn xem những kiệt tác hội hoạ và tìm kiếm cơ hội được sở hữu một trong những bức tranh quý hiếm thuộc bộ sưu tập của ông.
Ngay trên sàn đấu giá là bức chân dung người con trai. Người phụ trách phiên đấu giá gõ chiếc búa và nói: “Chúng ta sẽ bắt đầu đấu giá bức chân dung người con trai. Ai sẽ trả giá đầu tiên cho bức tranh này?”.
Im lặng.
Sau đó một tiếng nói vang lên từ phía cuối phòng: “Chúng tôi muốn xem các kiệt tác hội hoạ thôi. Hãy bỏ qua bức tranh này đi”.
Nhưng người chủ trì vẫn lặp lại câu hỏi: “Ai sẽ trả giá cho bức tranh này? Ai sẽ bắt đầu ra giá đây? 100 đô la, 200 đô la?”.
Một giọng nói khác tỏ ra bực tức: “Chúng tôi không đến đây để xem bức tranh này. Chúng tôi đến để xem tranh của Van Goghs, Rembrandts. Hãy bắt đầu cuộc đấu giá thực sự đi!”.
Nhưng người chủ trì phiên đấu giá tỏ ra kiên nhẫn. “Bức tranh người con trai! Bức tranh người con trai! Ai sẽ lấy bức người con trai?”.
Cuối cùng, một giọng nói vang lên từ tít phía dưới phòng. Đó chính là người làm vườn kỳ cựu của hai cha con người quá cố. “Tôi trả 10 đô la cho bức tranh này”. Là người nghèo túng, ông lão chỉ có thể trả được chừng ấy.
“Chúng ta đã có người trả 10 đô rồi, ai sẽ trả 20 đô?”.
“Hãy bán cho anh ta với giá 10 đô đi và để chúng ta được xem các bức tranh của các nhà hội hoạ bậc thầy khác!”.
“Mười đô la chỉ là một mức giá thôi. Chẳng nhẽ không ai khác có thể trả 20 đô ư?”.
Đám đông bắt đầu tức giận, họ không muốn xem bức tranh người con trai. Họ muốn có những đầu tư xứng đáng cho bộ sưu tập của mình. Người chủ trì gõ búa: “10 đô lần một, 10 đô lần hai và quyết định là bức tranh người con trai sẽ được bán 10 đô”.
Một người ngồi ở hàng ghế thứ hai la to: “Bây giờ thì chúng ta sẽ chuyển sang bộ sưu tập tranh đi thôi!”.
Người chủ trì hạ búa xuống nói: “Tôi xin lỗi vì cuộc đấu giá đã kết thúc rồi”.
“Vậy còn những bức tranh khác thì sao?”.
“Tôi xin lỗi. Khi người ta gọi tôi tới tổ chức phiên đấu giá này, người ta đã nói cho tôi biết một điều kiện bí mật của bản di chúc. Tôi sẽ không được phép tiết lộ bí mật đó cho tới giờ phút này. Người ta chỉ đem đấu giá duy nhất bức chân dung người con trai. Bất cứ ai mua bức tranh đó sẽ được thừa hưởng toàn bộ gia sản, kể cả những bức tranh. Người đã lấy bức chân dung anh con trai sẽ nhận được tất cả mọi thứ”.
Đỗ Dương (Dịch từ Internet)
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)