Trang trong tổng số 23 trang (229 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Hoa Mộng - Kỳ tiếp .

Bây giờ ngoài đình không phải chỉ có một lớp học của cụ Giáo Hàn mà tất cả các lớp từ Đồng Ấu , Dự Bị , Sơ đẳng ...của Trường Cơ Bản xã đều tập trung về đây . Năm học này Đình lên học lớp Dự Bị . Đình đã cứng cáp không còn dè dặt như ngày nào Thày dẫn đến nhập học Cụ Giáo . Em đã hòa vào các cuộc chơi khăng , chơi gụ không ngại ngần tranh cãi . Em cũng trèo mái ngói bắt tổ chim , leo cành đa hái quả chín . Em bơi thùm thùm dưới Ao Chạ té nước , dìm nhau đến sặc sụa mỗi chiều hè U phải cho người gọi mới chịu về . Có một lần vào một đêm trăng sáng , Đình cùng bè bạn chơi ẩn tìm quanh Chợ Giải . Trò chơi mở rộng vào cả trong đình . Em lẩn đến tận hậu cung của đình để trốn . Nằm trên bệ gạch mát lưng Đình ngủ đi lúc nào chẳng hay . Ở nhà U tưởng em ngủ ngoài Hiệu với Thày còn thày lại nghĩ em ngủ với U trong nhà . Sáng hôm sau người nhà tá hỏa đi tìm . Lúc được  lay dậy Đình thấy mình vẫn nằm y nguyên như lúc đi ẩn tối hôm trước , tay còn cầm một cành cây .
         Ngoài học và chơi , Đình có hứng thú đặc biệt với ca hát . Anh Cả và anh Chính đều biết âm nhạc và đánh đàn . Các anh có những quyển sách dầy chép bài hát . Nhìn bản nhạc Đình không biết nhưng em cứ đọc chữ và hát theo nên hầu như mọi bài em đều thuộc . Đến nỗi những lời ca yêu đương , tình cảm lứa đôi ngấm vào tuổi thơ làm cho Đình hát cũng biểu cảm lắm . Gần đây Anh Cả còn mang về nhiều bài hát mới như Du kích ca , Nam bộ kháng chiến ...Đình cũng hào hứng hát theo mỗi khi tiếng đàn anh vang lên .
Vì tay còn nhỏ nên Đình chỉ nhờ Anh Chính dậy đàn Măng Đô Lin hay Băng Dô chứ Ghi Ta và An Tô em chưa chạy phím được .
         Đêm nay có cuộc mít tinh ở sân đình . Anh cả bảo Đình theo các anh hát mấy bài . Em mừng lắm , bữa chiều ăn vội vàng rồi cứ chầu chực bám sát anh không dời nửa bước . Trong những khúc đồng ca , giọng của em lanh lảnh một bè cao cứ như trèo trên các giọng ồm ồm , lè rè của người lớn . Đình say sưa nhất khi em đơn ca bài Thiếu Sinh quân . Em hát tự nhiên , cởi mở như vẫn thường hát ở nhà khiến mọi người vỗ tay kéo dài đến hàng phút .

                                                             *
        
         Năm nay Đình lên lớp Sơ Đẳng . Em thấy mình đã lớn , tự nhiên bớt dần việc nhõng nhẽo theo mẹ , muốn bắt chước cử chỉ  lời nói của các anh . Đình có vẻ ngày càng gần gũi Thày hơn . Em có thể ngồi rất lâu xem Thày dùng giấy bóng dán lại những đồng tiền rách hoặc xếp sắp hàng hóa trên kệ , trong tủ . Em cũng bắt đầu thích ngồi nghe Thày cùng bè bạn nói với nhau về những chuyện Hải Phòng , Hồng Gai về Tây , Tầu , Nhật .
         Đình còn một hứng thú riêng nữa mà cả nhà đều biết đó là chơi với Bà . Bà nội Đình khó tính không thích ở chung với Thày U em . Bà ở một mình trong gian buồng đầu phía đông của nhà thờ . Cửa sau buồng có bể hứng nước mưa to tướng dùng cho cả nhà quanh năm và cây mít rất to che mát suốt ngày . Đình có thể ngồi nghe bà kể chuyện , nhổ tóc sâu cho bà cả buổi rồi ăn cơm cùng bà .
         Đình đi học về chưa kịp bước vào trong Hiệu đã thấy mấy người người đàn ông cùng Thày ngồi uống nước nhỏ to trò chuyện . Em nghe loáng thoáng Thày nói với họ rằng Anh Cả tối hôm trước ghé qua nhà cho biết Tây sắp đánh chiếm vùng này . Mọi người tin vì Anh Cả đã chuyển lên huyện làm việc được một năm nay . Anh nói đích thị là Việt Minh nói không phải tin nhảm do bọn Việt Gian tung ra .
      - Nếu Tây nó về , ta tính nước chạy đi đâu ?
      - Còn phải xem xét binh tình đã chứ !
      - Liệu cứ ở lại có được không ?
      -        Tôi e là không được , thế nào chả có đánh nhau !
Lời bàn tán cứ loanh quanh chẳng rõ được điều gì hơn chỉ thấy vẻ mặt mọi người rất lo lắng . Đình thoáng nghĩ nếu tản cư chẳng lẽ phải bỏ học sao .
         Chiều hôm ấy Đình cùng Thày U đứng trước cửa hiệu nhìn mọi người qua lại vội vàng vẻ mặt hớt hải , âu lo . Phía Sông Luộc vọng về tiếng ì ầm của tầu chiến , thỉnh thoảng có tiếng súng nổ . Một lát anh thông tin xã vác loa sắt đi dọc đường làng loan tin :
      - Chú ý ! Chú ý ! Đồng bào chú ý ! Quân Pháp đã từ Hải Phòng kéo về chiếm Hồng Ninh , Bến Mụa , Bến La . Chúng có thể lập đồn chiếm đóng lâu dài . Dân quân du kích tập trung rào làng chiến đấu . Cụ già em nhỏ chuẩn bị gói gém chờ lệnh tản cư !
      - Đích thị rồi ! Loạn rồi ! Cụ Lý tính sao ?   
Cụ Bá Thu dừng lại hỏi Thày Đình .
      - Cách mạng rồi , lại loạn lạc thế này còn lý bá gì nữa cụ ơi ! Tôi cũng chờ xem Anh Cả cháu về để bàn !
      - Có gì cụ cho tôi biết nhé !

                                             *
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Hoa Mộng - Kỳ tiếp

          Thế là Đình phải nghỉ học . Anh Chính đang học thành chung năm  thứ hai ở Nam Định cũng phải nghỉ vì Pháp đã chiếm Thành Nam và đóng bốt dọc theo Sông Luộc , Sông Hồng dầy đặc . Nhà Đình bây giờ phân ba ngả . Bà nội vì quá già cứ ở lại nhà trong cái buồng , giang sơn của Cụ . Bà nói với Đình : “ Cháu phải chạy đi cùng Thày U , anh chị ! Bà già rồi , ngày xưa ông cháu cũng làm cai đội cho Tây chắc nó chẳng làm gì bà ! Mà có chết cũng chỉ chết ở cái nhà này , bà chẳng đi đâu ! ” . Thày , Chị Cả và Anh Chính chạy lên Làng Khê . U với Chị Vân và Đình lên mãi Làng Đông  cách Khê hai cánh đồng rộng .
         Đang đi học vui vẻ bây giờ phải bỏ làng chạy loạn Đình chẳng biết làm gì cho hết ngày tháng . Cứ vài hôm em lại xuống Khê gặp Thày và Anh Chính cho đỡ nhớ . Phần lớn thời gian Đình đi câu với mấy bạn mới quen hoặc rủ nhau ra ruộng lúa bắt cá . Trong những vũng nước đọng dưới chân lúa , cá rô , cá trê cứ lúc nhúc chỉ cần tay không cũng bắt được . Tuy cá không to nhưng nhiều , đủ cho cả nhà làm thức ăn những ngày chạy loạn .
         Niềm vui nho nhỏ không đủ lấp khoảng trống to lớn phải xa quê . Lúc nào Đình cũng thấy như vẳng bên tai tiếng trống trường , tiếng đọc bài ê a đồng thanh , lời ca được giữ nhịp bằng tiếng thước đập lên bàn . Nhớ tiếng đàn Măng đô lin những đêm trăng . Nhớ hương thơm cơm gạo ỏn rưới nước mắm cáy ngấu . Nhớ cả Miu Khoang , Cún Vện ... .Nỗi nhớ cứ cồn lên , Đình chỉ mong được bay ngay về nhà với tất cả .
         Chị Vân vốn bản tính dịu dàng , sống hướng nội . Người làng ít gặp chị ngoài đường , quanh năm ra vào với tằm tơ khung cửi . Vừa làm vừa hát chỉ đủ mình nghe . Khi soi gương chải tóc cũng khép kín cửa . Mấy người trong đám bạn bè Anh Cả đưa tin mai mối chị đều khước từ . Gần đây nhất là anh Tin con Cụ Lang từ trên tỉnh tản cư được Thày Đình cho ở nhờ hẳn một cơ ngơi có cả vườn cây ao cá , nhờ người ướm ý chị cũng lắc đầu . Không biết có phải vì chạy loạn sống kham khổ hay vì nhung nhớ cái không gian nhỏ bé quen thuộc mà chị yếu đi trông thấy . Ít ăn , ít ngủ , da xanh tái . Thỉnh thoảng Thày cũng về nhà tự bốc thuốc hoặc nhờ ông lang Huề ở Khê bắt mạch kê đơn mà bệnh tình cũng không thuyên giảm .
         Một đợt rét mới tràn về . Đêm ấy ngoài trời từng cơn gió bấc gào rú , ngọn đèn Hoa Kỳ leo lét trên bàn mấy lần suýt tắt . Chị Vân ho từng hồi rồi gục tựa vào mép bàn . U đến bên nâng dậy ngồi tựa vào cánh tay mình , tay kia xoa vuốt liên tục trên ngực Chị , miệng không ngớt khấn trời phật . Sau một cơn ho kéo dài , Chị thổ ra huyết lả đi trên tay U . Đình cùng U lay gọi mãi không thấy Chị tỉnh lại , hai người đặt Chị ngay ngắn trên giường rồi đánh thức gia chủ . Đình để mẹ ngồi canh chừng Chị cùng ông bà chủ nhà , em một mình về Khê báo tin cho Thày và anh Chính . Cánh đồng sau vụ gặt chỉ còn trơ lại những gốc rạ trên nền đất nứt nẻ . Đình cứ chiếu hướng Làng Khê mà đi như chạy không để ý đến bờ ruộng , không cần biết trên cánh đồng lờ mờ dưới ánh sáng sao kia có mối hiểm nguy gì rình rập không .
         Thày U nhờ người quen biết và họ hàng tản cư gần đấy đưa Chị về an nghỉ trên mảnh ruộng của nhà trên đồng làng . Đình theo U dời Đông về ở cùng bộ phận dưới Khê . Mấy ngày sau Anh Cả mới ghé qua an ủi gia đình rồi lại đi ngay . Đêm đêm nằm ngủ với U nghe bà thở dài não nuột rồi khóc nấc từng hồi gọi tên chị mà ruột gan Đình như đứt từng khúc . Chẳng biết làm thế nào cho U vơi nguội thương nhớ . Em chỉ biết ôm chặt Người với lòng tin làm như vậy có thể sẻ bớt nỗi đau cho Người .
         Sau một thời gian dài dời nhà cửa , bỏ hoang ruộng vườn chạy quanh lánh giặc đã có người tìm trở lại quê hương . Lúc đầu còn ít sau đông dần . Lúc đầu chỉ về ban ngày , ban đêm lại chạy đến những làng xa bốt giặc hơn ngủ nhờ . Sau rồi họ dựng tạm những túp lều chữ A ngay trên ruộng nhà mình để ngày đêm cấy hái . Cuối cùng mọi người về hẳn nhà sinh sống . Khi giặc ra khỏi bốt càn quét mới chạy , lúc chúng rút lại về làng , về nhà . Thày U Đình hòa cùng cuộc sống theo kiểu du kích ấy cùng làng nước . Bây giờ không cất được hàng mới nên sau một thời gian cửa hiệu phải đóng hẳn . Bà về ăn chung với nhà Đình . Cuộc sống tuy thấp thỏm vì giặc giã nhưng dường như qua đận gian truân vừa rồi gia đình em quần tụ , ấm cúng hơn . U cũng nguôi ngoai dần nỗi đau , trở lại với đồng áng vườn tược .
         Tù và rúc liên hồi từ trạm gác dưới Xóm Bến báo động Tây bốt La đi càn . Dân quân du kích khắp ngả trong làng xách súng trường , mã tấu rầm rập chạy về giao thông hào ven làng phía dưới . Ông bà già cùng trẻ nhỏ lại tay xách nách mang chạy ngược chiều lên đồng trên . Cả làng náo loạn . tiếng hô , tiếng còi xen lẫn tiếng khóc của trẻ con cùng tiếng chó sủa gà giác làm cho cái làng đang yên ắng như muốn vỡ bung ra . Đình cùng Thày chạy ùa ra Cổng Đồng rồi cứ thế theo bờ ruộng một mạch lên tận Đống Vôi . Hai cha con dừng lại dưới gốc đa để thở . Nhìn về phía chân tre mờ xanh không một bóng người chợt nghe tiếng súng rộ lên xen lẫn tiếng lựu đạn và tiếng mìn ùng oàng . Một lát có vài cột khói cao hơn ngọn Cây Si Đình Bến bốc lên nghi ngút . Súng cùng lựu đạn rộ vài lần nữa mới ngừng hẳn . Tù Và báo yên rúc lên . Người từ khắp ngả lại chẩy về làng .
         Chiều nay chỉ có một trung đội Lính Dõng do tên thiếu úy Pháp chỉ huy đi càn . Lực lượng du kích không cho chúng tiến sâu . Trước khi rút chúng phóng hỏa đốt mấy nhà ngoài rìa làng cho bõ tức . Các bốt lẻ trong khu vực chỉ đủ sức tung ra những cuộc vây ráp nhỏ nhằm kiểm soát vùng đệm , kiếm lợn gà lương thực cải thiện và bắt con gái . Có lần bọn giặc khá táo bạo , cải trang như người dân , khoác áo tơi che vũ khí vào đến giữa làng mới nổ súng . Bấy giờ Tù và mới nổi lên , du kích tập hợp đánh nhau ngay trên đường làng . Lại có lần chuyện xảy ra như đùa , khi lính dõng vừa ra khỏi sân , du kích từ cổng bước vào mà không chạm trán nhau , không có súng nổ .
         Làng Giải nằm lọt giữa bốn bề là đồn bốt giặc nhưng không một ngày lập Tề . Đây là vùng địch hậu , còn gọi là vùng “ Da báo ” . Vì vậy địch chẳng những tổ chức càn quét mà còn nã pháo , câu moóc – chi – ê hoặc cho máy bay oanh tạc . Có khi là vu vơ nhưng cũng nhiều lần Việt Gian phát hiện có bộ đội về đóng hay một hội nghị của tỉnh , huyện đang nhóm họp . Nhà nào cũng có một hầm trú ẩn . Trên đường dày đặc hố cá nhân . Bao quanh làng là hào ngoài lũy trong và tre đất giăng kín thành bờ . Các đường chính vào làng có cánh cổng tre đan có thể hạ xuống , chống lên và có người canh gác .
         Đình Giải bây giờ không còn là trường học mà là nơi tổ chức các hội nghị . Có lần đoàn văn nghệ tỉnh về biểu diễn cho lớp chỉnh huấn , cả làng cùng đến xem . Đình mê nhất một anh được giới thiệu là Ngọc Tật . Anh vừa hát vừa đàn lại còn biết làm xiếc , diễn kịch một mình với cả ba vai . Còn chùa làng tuy vẫn có sư cụ nhang khói thỉnh tụng nhưng tượng phật dồn hết vào hậu cung . Chính tòa dành cho du kích làm nơi sinh hoạt . Ngày đêm tiếng hát tập thể ngân vang . Tiếng mõ , tiếng chuông chỉ còn văng vẳng vào những lúc khuya khoắt hay sáng tinh mơ .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Hoa Mộng - Kỳ tiếp

         “ Chú ý ! Chú ý! Đồng  bào chú ý ! Pháp đang tập trung quân ở tất cả các bốt trong vùng . Chúng đưa về Bốt Nạo , Bốt La cả đại bác 105 ly . Trên Gia Kỳ và dưới Hồng Ninh xuất hiện nhiều Xe Cóc bọc thép . Theo Trên cho biết ý đồ của giặc là tiêu diệt Việt Minh , lập tề toàn vùng , củng cố hậu phương rồi tấn công vào vùng tự do của ta . Dân quân du kích và bộ đội địa phương chuẩn bị chiến đấu . Đồng bào chuẩn bị tản cư , thực hiện vườn không nhà trống , thường xuyên theo dõi tin tức không nên hoang mang ...”
         Tiếng loa sắt của ban thông tin phát đi phát lại từ đầu làng đến cuối xóm . Nhà nhà chuẩn bị áo quần tiền gạo vào bị cói , khâu địu để cõng trẻ . Bát đĩa mâm nồi dìm xuống ao . Đồ trang sức , gia dụng quý được chôn xuống góc vườn , dưới nền bếp phủ lá hoặc gio ngụy trang . Cán bộ đào thêm hầm bí mật , kiểm tra những cái cũ rồi đưa sẵn lương khô xuống . Không khí căng thẳng , lo âu hiện rõ trên nét mặt , ánh mắt mọi người . Trừ trẻ nhỏ , không ai có thể chợp mắt , suốt đêm chong chong thì thầm bàn bạc .
         Trời chưa sáng rõ đã nghe thấy súng nổ tứ phía vọng về . Trẻ con hốt hoảng nhìn người lớn tìm lời an ủi . Người lớn lắng nghe , tìm phương không có tiếng súng để chạy . Tiếng loa sắt lại vang lên gấp gáp : “ Đồng bào chú ý ! Hiện nay địch mở cuộc tấn công từ mọi phía . Trên đường 20 có một đoàn xe bọc thép kéo xuống . Dưới Sông Luộc có nhiều tầu chiến đang tiến từ Hồng Ninh về . Các lực lượng chiến đấu về vị trí đã phân công . Bà con dân làng tạm thời xuống hầm trú ẩn đề phòng địch nã pháo , khi nào có lệnh tản cư hãy ra khỏi làng ! ”. Tiếng loa vừa dứt đã nghe ình ịch tiếng nổ đầu nòng của pháo 105 từ bốt La , tiếp đó là tiếng réo u ú của đạn bay và tiếng nổ oàng oàng rung chuyển mặt đất . Trận pháo mở màn kéo dài chừng nửa giờ . Mọi người vừa lên khỏi hầm đã lại nghe từ bờ làng phía nam rộ lên tiếng súng trường , tiểu liên , trung liên nối nhau ròn tan trong sương . Tiếng các loại súng nhỏ dịu đi nhường cho đại liên khạc đạn . Rồi lựu đạn . Rồi mìn . Rồi cả tiếng Tăng Sình ( pháo 37 ly ) từ tầu chiến dưới sông góp lời .
         Đối mặt với lực lượng quá mạnh của của các Trung Đoàn Cơ Động đồng bằng của địch , du kích không chống nổi được lệnh rút khỏi làng và xuống hầm bí mật . Người dân cũng không có cơ hội thoát khỏi làng . Theo kinh nghiệm  , tình huống này chỉ còn cách duy nhất là tập trung lại từng cụm . Với số đông , tâm lý sẽ ổn hơn có thể ngăn chặn được một số hành động tàn bạo của giặc buộc chúng chùn tay .
         Anh Chính đã thoát khỏi làng ngay sau khi chúng nã pháo vì không thuộc diện chiến đấu , cũng không thể tập trung được . Đình cùng cả nhà vào Nhà Thờ với mọi người trong xóm làm thành một điểm tập trung ngay tại nhà mình . Con gái và đàn bà còn trẻ ẩn vào tận trong góc hoặc nấp sau cây cột lim to . Đàn ông trung niên cũng tìm cách quay mặt vào phía trong . Ông bà già và trẻ con dàn phía ngoài thành một hàng rào người che chắn .
         Cái đội hình tự nhiên ấy vừa hình thành xong đã thấy một tốp lính Bảo Hoàng theo sau một tên sỹ quan Tây da trắng xồng xộc vào sân . Đôi mắt xanh lè của thằng Tây nhìn lướt qua mọi người một lượt rồi đi ra xì xồ với tên thông ngôn . Bọn lính tản đi mọi phía lục lọi , đuổi bắt mấy con gà và lấy mấy ổ trứng . Chỉ một lát lại một tốp khác đến . Lần này gồm toàn Tây Đen . Chúng cởi trần trùng trục , da bóng nhẫy như trát mồ hóng . Ba thằng trong bọn bước qua mặt những ông bà già vào tận trong góc lôi ra mấy người con gái và đàn bà dòng dòng kéo đi theo chúng . Mấy người đứng lên giữ lại nhưng không thắng nổi sức vóc như trâu của bọn chúng .
         Du kích hầu hết đã rút ra ngoài và xuống hầm . Giặc chỉ bắt được hai người là Anh Cơi và Chị Lai . Tên quan ba Tây Trắng ra lệnh cho lính tra khảo tìm hầm bí mật và và nơi cất dấu vũ khí của du kích . Không moi được gì nó tức tối hạ lệnh treo cổ cả hai lên cây đa giữa chợ rồi xẻo tai vứt cho chó Béc giê ăn .
         Một số đàn ông chưa già và trẻ con đã cứng cáp bị chúng bắt đi mang đồ cướp được về đồn . Đình cũng nằm trong số đó . Chúng giao cho em con trâu theo đoàn người dắt xuống Bốt La . Con trâu ấy lại của chính nhà em nên việc dắt đi không khó khăn gì . Trên đường , mấy lần em định tìm cách thả trâu ra vì thương nó quá nhưng không biết làm cách nào . Khi buộc trâu vào gốc cây trong bốt giặc , Đình cứ tần ngần đứng vuốt ve nó . Một tên lính quát to đuổi ra em mới chịu dời tay khỏi con vật đã từng gắn bó với gia đình mình bấy lâu .
         Anh Chính vượt qua làn pháo ra khỏi làng , theo con đường mọi khi băng cánh đồng lên Khê . Ai dè mọi nẻo đường đều bị quân chủ lực của giặc bịt kín . Anh bị chúng bắt . Nhờ bộ quần áo không ra dáng du kích , lại biết nói tiếng Pháp , Anh được tên chỉ huy giao cho thằng Đội Tây quản giữ và làm phiên dịch cho nó trong suốt chiến dịch . Sau trận càn , không thấy Anh Chính trở về , cả nhà nhốn nháo cho người đi dò tìm nhưng không thu được tín hiệu gì . Giả thiết xấu nhất đang nghĩ đến , bỗng gia đình nhận được một bức thư ngắn anh viết nguyệch ngoạc gửi người cùng bị bắt được thả trước mang về . Cả nhà mừng rỡ khôn xiết khi biết Anh vẫn còn sống đang bị giam trên tỉnh và được đối xử không đến nỗi nào .
         Sau trận càn , làng xóm xơ xác tiêu điều . Lợn gà trâu bò , thóc lúa vật dụng bị binh lính và dân tề theo chân giặc hôi của cướp đi sạch sẽ . Bọn trẻ vô tư lại thích thú vì khắp nơi vương vãi đồ “ Tây quăng ” . Thôi thì đủ thứ . Từ Pho mát , lương khô đến thuốc lá , súc cù là ... Có những hộp còn nguyên vẹn , bên trong đầy đủ mọi thứ cần thiết cho một tên lính dùng trong ngày , đến giấy vệ sinh , thuốc lọc nước ... đều có cả
         Khi phát hiện có bộ đội Việt Minh ở đâu , nếu chưa có điều kiện tấn công bằng bộ binh , địch thường dùng đại bác hoặc máy bay oanh kích . Quê Đình luôn chịu những trận dội bom đạn như thế . Người ta truyền nhau rằng bọn Việt Gian gián điệp thường dùng một cái gương nhỏ bỏ túi . Trên máy bay  , nếu phi công nhìn thấy ánh gương chiếu lên báo hiệu có bộ đội là lao xuống thả bom . Chuyện ấy chẳng biết có bao nhiêu phần sự thật nhưng đã nhắc các cô gái khi soi gương phải cẩn thận nếu không sẽ vô tình làm chỉ điểm cho giặc .
         Đình đang ngồi trên lưng trâu xem hai con Chèo Bẻo đánh con quạ khoang . Mỗi lần chú Chèo Bẻo cụp cánh lại như mũi tên lao vào quạ , Đình sướng mắt lại tự reo lên một mình . Tự dưng em liên tưởng rồi mơ ước có một thứ gì cũng lao vào máy bay địch mà đánh như thế . Đang mơ mơ thực thực , trước mắt Đình xuất hiện hai chấm đen trên trời từ phía Hải Phòng lại . Tiếp đó là tiếng ầm ì ngày càng nặng . Khi em nhận ra đó là hai chiếc Khu Trục , vừa tụt khỏi lưng trâu chưa kịp xuống hố , chúng đã rẹt qua đầu bổ nhào xuống làng . Từ chỗ vọt lên , chúng để lại mấy cột khói cuồn cuộn bao quanh lưỡi lửa rừng rực . Tối về Đình nghe người lớn kể rằng bốn quả Na Pan máy bay thả chiều nay đã làm cháy hơn chục nóc nhà và thiêu chết bốn người , trong đó có hai du kích . Ông Liễu xã đội trưởng bị thương cháy cả một cánh tay .
         Ắng đi một thời gian sau trận càn lớn của quân chủ lực , hôm nay Bốt La lại lùa lính đi càn . Lần này chúng kéo đến hai trung đội bao vây ba mặt Làng Giải . Đình cùng Thày U chạy một mạch đến tận Đồng Tiêu mới nghe thấy súng nổ giòn phía làng mình . Du kích nhử toàn bộ đội hình hành quân của giặc qua ổ phục kích rồi mới khóa lại , từ dưới hố xông lên đánh giáp lá cà . Địch trở tay không kịp , bắn vung vãi rồi mở đường máu rút chạy , quá nửa quân số biến thành xác chết . Chúng gọi phi pháo oanh tạc trả thù . Thế là cả làng mù mịt trong khói lửa . Từ xa ngóng về , mọi người nóng lòng cầu cho bom ngưng đạn ngớt , chỉ biết nhìn nhau thở dài :
      - Chẳng biết du kích có hy sinh nhiều không ?
      - Cháu nhà tôi mới đẻ không chạy được đành xuống hầm , cầu trời bom đạn tránh mẹ con nó !
      - Tôi còn mấy thúng thóc đã chôn rồi , nếu trúng bom chẳng biết sống bằng gì cho đến mùa !
         Đình về đến cổng làng đã ngửi thấy khét lẹt mùi bom đạn . Trước mắt em ngổn ngang cây cối đổ gẫy ngang đường . Về đến cổng , em không nhận ra nhà mình nữa . Cái Nhà Thờ to là thế bây giờ chỉ còn là một đống lù lù gạch ngói . Cột lim , tầu bẩy , dui , xà...nằm nghiêng ngả , gẫy vụn trên sân . Một hố bom to bằng cái giếng làng nằm sát phía sau tường . Hệ thống nhà ngang , nhà dưới đều đổ sập . Thày Đình đứng lặng nhìn cơ ngơi bỗng chốc tan nát không nói câu nào , mắt chong chong nhìn như nhìn vào cái bóng sâu thẳm vô định đâu đó . Cái ống tre đựng vàng mà mỗi lần có tin giặc càn , Thày nhờ em trèo lên hốc tường dấu vào , bây giờ chẳng biết bay đâu . Liệu có tìm thấy không . Thày Đình buột miệng nói một mình : “ Biết thế này , hồi trước hiến nốt cho chính phủ lại hay ! ” .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Hoa Mộng - Kỳ tiếp .


Anh Chính được thả về sau mấy tháng trời bị giam giữ trên tỉnh . Chúng không quy anh là Việt Minh . Chỉ vì thiếu người làm một số việc vặt nên giữ lại tạm thời sai khiến . Cả nhà mừng rỡ , nhất là Đình , em quấn lấy Anh mấy ngày liền không dời nửa bước . Theo lời bàn của Anh Cả , Thày U Đình bán đi một mẫu ruộng nhất đẳng điền cho Anh Chính vào Vùng Tự Do trong Thanh Hóa học tiếp cấp ba . Đêm anh đi , Đình khóc sướt mướt đòi theo , U em phải dỗ mãi và hứa lớn lên cũng cho đi học theo anh Đình mới nguôi , chịu đi ngủ . Sáng hôm sau ngủ dậy nhớ lại , em lại ra hè đứng một mình mắt đỏ hoe .
         Chiếc máy bay trinh thám vo vo tít trên cao , mắt thường không nhìn thấy , cứ vòng đi vòng lại cả ngày . Mọi người tụ tập bàn tán .
- Lại quây càn gì đây , cấm sai !
- Sức đâu mà quây với càn nữa . Vừa vỡ mặt ở Hòa Bình còn phải thở đã chứ !
- Phải cảnh giác với đòn dẫy chết của chúng , bọn này chưa chịu ngay đâu !
         Chỉ vài ngày sau lại có thông báo của trên  về cho biết địch tập trung  mở cuộc hành quân càn quét lớn nữa . Chúng lấy tên là “ Chiến dịch Trái Chanh ” . Thế rồi lại chạy , lại đánh nhau , lại tập trung , lại tàn sát ...Anh Cả bị giặc bắt khi chúng thuốn trúng hầm bí mật . Trong hầm có cả bí thư huyện ủy Hồng Ninh và một số cán bộ huyện khác . Các anh bị một tên đào ngũ làm ở Phòng Nhì chỉ điểm nên bị chúng dẫn về Căng Đoạn Xá Hải Phòng biệt giam ngay . Cả nhà Đình ai nấy lại một lần nữa lửa cháy trong ruột , ăn ngủ không yên vì biết Anh cả bị bắt không giống trường hợp Anh Chính khi trước . Vài tháng sau Anh gửi thư về từ Phú Quốc qua đường bưu điện trong tề ra , gia đình mới tin là Anh còn sống , nhưng ngày về quá mờ mịt .

                                  *

         Cửa nhà tan nát . Con cái ly tán . Thày Đình đánh ván bài liều , đưa cả nhà trở lại Hồng Gai . Cái bóng dáng vàng son xưa , một thời gian dài chỉ còn thấp thoáng trong ký ức nay bừng dậy thôi thúc . Thế là Ông nhờ vả người trong Tề lấy Tít cho cả bốn người còn lại làm một chuyến “ Hành hương ” bất đắc dĩ .
         Đứng trước ngôi nhà mà một thời mình đã từng làm chủ mở cửa hiệu buôn bán . Thày Đình thở dài rồi quay đi rơm rớm nước mắt . Ông tìm thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ của rạp hát Bạch Tường . U đình sắm đôi quang gánh mua hoa quả ngồi bán trước cửa rạp . Chị Cả xin đi làm than ở Cọc Sáu . Thày chưa biết làm gì cho hợp , cứ lang thang đi tìm những nơi quen thuộc cũ thăm thú , dò hỏi . Đình được theo thày đi mọi nơi . Em thích nhất là ở nhà Chú Tứ dưới Vụng Đâng . Chú là em họ thày , khi Thày về quê chú ở lại sinh sống cho đến giờ . Đình thích được đi câu cùng thằng Từ con chú vào những buổi sáng ở Cống Bẩy Lỗ hay những tối sáng trăng ngay trước cửa khi triều lên . Câu ở biển sướng hơn câu ao . Tha hồ tung lưỡi câu ra xa . Mỗi khi giật được cá , hai đứa lại reo ầm lên như thi với tiếng sóng . Nhất là mỗi lần vớ được một con Dìa Công nặng  hàng ký , cả hai sung sướng , tim  nhẩy múa như muốn bật ra khỏi lồng ngực .
         Mang tiếng sinh ra ở Hồng Gai nhưng Đình đã biết gì về mảnh đất này đâu  . Bây giờ mới khám phá , em thấy cái gì cũng mới . Từ phố xá chen chúc đến bãi biển lô xô . Từ đèo dốc quanh co đen nhẻm bụi than đến những con tầu ăn than đậu bến Cái Lân to như trái núi . Từ những chú Cá Heo khi thở phun lên cột nước cao như cây đa đầu làng đến những bãi cát thoai thoải khi triều lui đầy sò điệp cua cáy ...Tất cả với Đình đều là lần đầu .
         Sau chừng nửa năm trời tìm hướng sinh nhai không thấy hé mở điều gì sáng sủa . Hình ảnh bức tranh xưa mờ dần trong mắt nhìn . Thày Đình quyết định quay về Hải Phòng , nơi có nhiều đầu mối buôn bán quen biết từ lâu , tính bài nhờ vả khởi nghiệp . Đã có lần toan mua một con thuyền để chạy hàng giữa Hồng Gai và Hải Phòng nhưng nghĩ lại thấy không phù hợp với tính cách làm ăn quen thuộc nên lại thôi . Ông đưa gia đình quay lại quê hương . Dẫu sao ở đấy vẫn còn ruộng vườn , nhà cửa  . Còn tình cảm đan dầy trong làng xóm , còn mẹ già và mồ mả ông cha .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Hoa Mộng - Kỳ tiếp


         Giặc Pháp rút bớt một số đồn lẻ , vùng địch hậu nới rộng . Mấy xã Phía Nam huyện được thày giáo Phách về mở lại một Lớp Bốn cho những học sinh bị bỏ dở mấy năm trước . Vậy là Đình lại được cắp sách đến trường cùng bè bạn . Trong làng bây giờ chỉ còn vài người theo học , phần đông mỏi mệt vì loạn lạc nên thôi . Anh Cả viết thư về , lần nào cũng nhắc nhở Thày U bằng mọi giá phải cho Em tiếp tục học khi trường lớp mở lại .
         Lớp học di chuyển nay đây mai đó . Lúc đầu còn học ban ngày , sau chuyển sang học tối vì gần đây máy bay không ngày nào ngưng quần thảo khắp vùng để bảo vệ từ xa cho hệ thống đồn bốt của chúng . Mỗi học sinh tự trang bị một bàn cá nhân mặt rộng khoảng chừng khuôn của tờ báo . Chân bàn có thể gấp lại cùng với sách vở đặt gọn trong lòng bàn rồi đóng nắp dưới , cài chốt như một cái hòm mỏng đeo trên vai . Dân làng nói trêu mấy chú trò nhỏ là “ Thợ cắt tóc ” mỗi khi gặp trên đường . Bảng đen là một tờ bìa quét hắc ín gấp lại do trực nhật luân phiên mang đi . Cây đèn dầu cũng được thiết kế đặc biệt . Bầu gò bằng sắt , trong nhét đầy bông để tránh vỡ và dầu sóng ra ngoài khi đi lại . Bầu đèn gắn quai treo được chụp lên một cái chai nhỏ , dầy đã cắt đáy và cổ rồi mài nhẵn .Trên đường đi không được thắp đèn , tới nơi học phải dùng chao dầy che không cho phát sáng lên phía trên .
         Nếu trời tạnh ráo , lớp học có thể là một cái sân đất hoặc vườn cây . Gặp khi mưa gió , nền chùa hiên đình chính là lớp . Giải lao giữa giờ là lúc vui nhất . Những khúc đồng ca trong trẻo vang lên , những câu “ Hò Lơ ” nhịp nhàng tung hứng giữa người hò và tập thể dễ khiến say lòng .
         Đêm nay trăng tãi sáng đầy đồng . Trong tiết cuối thu se lạnh bởi hơi sương đêm , Trong mùi thơm dịu của hương lúa chớm chín thoang thoảng như hương cốm . Đình cùng Lập , một bạn thân phía cuối làng , rảo bước qua cánh đồng trên đường về học . Họ rủ nhau dừng lại một gò đất cao ngồi  ngắm trăng . Chẳng ai nói gì , cũng có thể họ chưa biết nói thành lời , nhưng chắc rằng những cậu thiếu niên này trong đầu đang lung linh những ý thơ về quê hương , về mơ ước .
         Những hộp sắt đựng lương khô của Tây bỏ lại sau trận càn rất có ích . Nó được phá ra , gò thành hộp để đựng sách vở cất dấu hay chôn xuống đất mỗi khi giặc về càn . Nó được gò thành loa phát thanh cho thông tin dùng hằng ngày . Đình còn nhờ anh thợ khéo tay trong làng gò cho cái đàn , âm thanh tuy không hay nhưng cung bậc khá chuẩn . Đã nhiều lần em mang đến lớp vui cùng bè bạn được Thày Phách và mọi người rất thích .
         Lớp Bốn năm ấy chỉ có hơn ba chục học sinh . Cuối năm học , Thày Phách cho tất cả đỗ hết cấp . Trên lại cử Thày Châu và Thày Hành về mở Lớp Năm nhận toàn bộ số người chuyển sang . Tuy lên lớp mới , cấp mới nhưng mọi thứ vẫn y trang như năm trước , chỉ có thày giáo mới và bài học mới mà thôi .
         Đình được đưa vào “ Ban ấn loát ” . Gọi vậy cho sang , thực ra là mấy người làm cái việc đơn giản , dùng đất sét miết cho mịn mặt , đặt áp vào đấy một tờ giấy đã viết bằng mực tím đặc , bóc ra rồi áp giấy trắng vào lấy chữ . Mỗi tờ viết mẫu có thể in được vài chục bản để phát cho mọi người học .
         Ngoài “ Ban ấn loát ” Đình còn có chân trong “ Ban văn nghệ ” trực tiếp làm quản ca của lớp . Ban này có một cây Măng Đô Lin của Thày Châu và cây Sáo Trúc của Đình cùng năm người cả trai lẫn gái lập thành Tốp Ca . “ Ban văn nghệ ”này nhiều lần được nhờ hát Chào Cờ và góp vui cho các cuộc họp cỡ huyện . Có một lần , hội nghị chiến sỹ thi đua toàn Tỉnh cũng vời đến phục vụ .
         Vùng địch hậu ngày càng mở rộng . Địch co lại thành từng cụm cứ điểm liên hoàn và ít đi càn quét lẻ tẻ . Gần đây du kích được lệnh dùng súng trường , tiểu liên , trung liên bắn máy bay nên những chiếc Bà Già không dám sà xuống ngang ngọn tre để mọi người trông thấy cả đầu tên phi công như trước . Những chiếc phóng pháo , khu trục cũng ngắt bom cao hơn nên thường chệch mục tiêu . Tít trên cao máy bay do thám vẫn ro ro hằng ngày . Thấp hơn một chút là những dàn Đa Cô Ta , B26 nối nhau đi về giữa Hải Phòng và phía trời Tây Bắc .
         Một buổi sớm Đình cùng Thày ra Hiệu thăm Bà , gặp anh thông tin chõ loa vào Ngõ Ngay thông báo :
      - Chú ý ! Chú Ý ! Đồng bào chú ý ! Ta và Pháp đã ký hiệp định đình chiến . Pháp rút khỏi Miền Bắc . Sau hai năm tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc . Từ nay nước ta hòa bình rồi !
      - Hòa bình rồi !
         Mấy người đi đường nhẩy lên reo hò . Đình cũng nhẩy cẫng hô theo như một phản xạ tự nhiên . Thày em chỉ tủm tỉm cười bước nhanh vào trong Hiệu . Hôm ấy cả làng chẳng ai bảo ai đổ xô ra đường . Có người đi làm đồng về , tiện cuốc trong tay bổ mấy nhát xuống nắp Tăng Sê cạnh đường , đùa với mọi người như nói với cái hầm trú ẩn : “ Vĩnh biệt nhé ! ” .
         Anh Cả gửi thư về báo tin đang ở Sầm Sơn học chính trị sau khi chính phủ ta trao đổi tù binh với Pháp . Anh còn cho biết chưa về thăm nhà được vì học xong phải đi nhận nhiệm vụ đặc biệt ngay . Cả nhà mừng rỡ hết chỗ nói , nhất là Chị Cả , vì biết anh vẫn còn sống và chắc chắn sẽ trở về đoàn tụ .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Hoa Mộng - Kỳ tiếp .


         Thày Châu cho nghỉ học mấy ngày để học sinh đi dự “ Hội Mừng Hòa Bình ” do huyện tổ chức . Chưa bao giờ Đình thấy đông vui đến thế . Mấy năm trước Em được theo Chị Vân đi hội Chùa Chành đã thấy ngợp mắt nhưng so với hội này chẳng thấm vào đâu . Cách phố huyện hàng chục cây số mà Đình với Lập cùng các bạn chẳng bỏ buổi nào suốt mấy ngày liền .
         Sau lễ hội , hai Lớp Năm của Nam Bắc huyện cùng chuyển về học ở Đình Cốc lập nên Trường Cấp Hai Thanh Châu . Tỉnh cử về mấy thày nữa , không còn tình trạng một thày dậy nhiều môn như trước . Tuy vẫn phải học trong đình nhưng lớp học đã có bảng đen , bàn ghế cho thày trò đàng hoàng .
         Từ ngày trường về Đình Cốc , Đình và Lập phải trọ học . Hai người trọ chung một nhà , tự nấu ăn . Những hôm về học muộn bà chủ nhà thương tình nấu trước hộ nồi cơm và dành cho đĩa rau luộc . Hằng tuần phải về nhà mang gạo đi còn thức ăn mua ngay Chợ Cao bên rìa đường . Cái Làng Cốc chẳng lấy gì làm to mà có cả đình , chùa và nhà thờ lớn có tiếng trong vùng . Trước cửa nhà thờ là con đường khá rộng , hai bên nhiều hàng quán bán quà bánh . Những tối rỗi rãi hai cậu học trò ngót dạ lại rủ nhau ra đó ăn quà . Họ thường ăn bánh đúc riêu cua , thứ mà họ cho là ngon nhất ở đây .
         Năm Đình lên lớp sáu , trường cấp hai Thanh Châu phát triển thành bốn lớp . Số thày cũng tăng thêm năm sáu người . Trường chuyển về trung tâm huyện cho tiện bề quan hệ với các cơ quan khác . Trong khi đang xây trường , các lớp vẫn phải học nhờ đình chùa và cả nhà dân . Bây giờ từ trường đến nhà , Đình phải đi bộ xa hơn lại qua một con đò , nên mỗi lần về em mang đủ tiền gạo cho cả hai ba tuần lễ liền .
         Hôm nay như thường lệ Đình về thăm nhà . Vừa bước vào cửa Em đã nhận ra không khí lo âu nặng nề trong ánh mắt và lời nói của Thày U . Qua câu chuyện , Đình biết đội cải cách ruộng đất đã về làng . Gia đình mình đã bị quy là địa chủ . Thảo nào ban nãy trên đường Em gặp mấy người , trong đó có cả hàng xóm , họ hàng , họ cứ ậm ờ không bợi tợi như mọi khi . Đình cũng chỉ biết chia sẻ bằng sự im lặng và ánh mắt nhìn đồng cảm , chưa biết nói thế nào để Thày U mình yên lòng . Đêm ấy nằm với U , Đình lại ôm chặt lấy Người để tỏ lòng thương kính như mỗi khi trong nhà có việc buồn
lo . Bà cũng xây người ôm đứa con trai bé bỏng trong lòng như muốn nói với con rằng “ Cứ yên tâm học hành cho tốt , Thày U không sao đâu ! ”.
         Trớ trêu thay , trong khi gia đình lên địa chủ , Anh Cả lại được cử về La Tiêu làm đội trưởng cải cách ruộng đất . Xã này cách nhà chưa đầy ba cây số trên đường đi đến trường cấp hai Thanh Châu . Có lần về nhà lấy gạo , Đình trông thấy Anh đang nhổ mạ ven đường cùng nông dân . Anh dừng tay nhận ra Đình . Hai anh em sững sờ hồi lâu nhưng không dám hỏi nhau . Một người đi tiếp , một người lại cặm cụi nhổ mạ cười nói với những Rễ Chuỗi của mình đang cùng làm .
         Tuy chưa hết gạo ăn nhưng hôm nay Đình quyết định về thăm nhà . Em thấy lòng bứt dứt không yên về Thày U trong những ngày nước sôi lửa bỏng này . Vừa đến cuối Ngõ Ngay , Đình sửng sốt trước khung cảnh đổi khác đến bất ngờ . Cổng nhà mình bị bít lại , phải vòng theo bờ tre một đoạn mới thấy có lối đi nhỏ vừa mở . Căn nhà ngang dựng lại sau trận bom năm ấy trích cửa ra đầu hồi , phía trước có hàng rào chắn ngang . Thì ra khu đất nhà Em đã bị xé nhỏ chia hết cho nông dân . Cửa Hiệu , nơi cất giữ biết bao kỷ niệm ấu thơ của Đình đã chia cho người Mõ Làng khi xưa . Cái bể đá to tướng đựng núi giả và nuôi cá cảnh đặt giữa Vườn Chè không hề hấn gì trước bom đạn giặc . Nay núi bị đập vỡ moi đi , chỉ còn xác bể nằm trơ giữa trời . Nếu không vì quá nặng chắc cũng chẳng còn .
         Đêm ấy , nằm gối đầu lên cánh tay U , Đình nghe Người kể tường tận những gì xẩy ra mấy ngày qua . Khi Thày bị Đội gọi đến “ Nhận tội ” , Lúc đầu còn từ chối những gì không có thực . Khi thấy Ông Đội nói tiếng trọ trẹ đập bàn cao giọng , Thày sợ run lên nhận tất cả những điều người ta đã thu thập từ các Rễ Chuỗi bần cố nông . Trước cái đêm đưa thày ra sân đình đấu tố , từ chiều đã có cuộc diễu hành của nông dân trên khắp nẻo đường làng , hô khẩu hiệu vang trời :
      - Đả đảo địa chủ X ! Đả đảo địa chủ X !
      - Kiên quyết đánh đổ bọn địa chủ cường hào gian ác  giành uy thế chính trị và ruộng đất cho nông dân lao động !
      - Kiên quyết đập tan âm mưu ngóc đầu dậy của bọn phản động Quốc Dân Đảng !
         Khi đứng trước vành móng ngựa , Thày cúi đầu gật liên hồi trong khi miệng không ngớt vâng dạ  . Cũng vào đêm ấy , U còn chứng kiến một cảnh tượng mà hôm nay nằm ôm Đình trên ổ rơm ấm áp Người vẫn rùng mình . Đó là khi đấu đến Ông Liễu xã đội trưởng cũ , Người ta cứ ép ông nhận là bí thư đảng ủy Quốc Dân Đảng . Ông một mực nói không biết Quốc Dân Đảng là gì , chỉ biết chỉ huy du kích đánh giặc giữ làng suốt bao nhiêu năm . Mặc cho ông từ chối , sau lời tuyên ngắn gọn của Đội : “ Tử hình ” , lập tức có mấy người xông lên bịt mắt trói chặt vào cây tre chôn sẵn cạnh bức tường . Ông không kêu được nữa vì miệng bị nhét đầy giẻ và tiếng súng cũng vang lên ngay sau đó .
         U phàn nàn về tính Thày quá nhát . Những thứ bày ra giữa thanh thiên bạch nhật người ta mang đi chia nhau đã đành . Ai đời những bát đĩa , bình lọ cổ đã chôn xuống vườn từ hồi chạy loạn chẳng ai biết cũng tự khai ra để họ lấy đi bằng sạch . U lại thở dài , cái thở dài sâu kèm tiếng rên giống hồi nào Chị Vân mới mất làm Đình cũng nẫu ruột theo .
         Sáng hôm sau vừa thức dậy , chưa tỉnh hẳn vì đêm qua thức khuya , Đình đã thấy người chị họ nhà liền giậu đến trước cửa gọi . Chị là cốt cán , trong nhà có một Ông Đội ở , được cử đến báo cho Đình sang gặp Đội . Em chẳng hiểu vôi vai gì nhưng đã có lệnh cũng cứ theo chị xem sao . Vừa ngồi xuống mép giường chưa yên chỗ đã nghe thấy người đàn ông trung tuổi nói tiếng Phương Nam giật giọng :
      - Tại sao tối qua anh xui thằng Hùng ném đá vào cuộc họp của bà con nông dân ?
      - Hùng nào ? xui bao giờ ? tôi không hiểu gì cả !
      - Đừng vờ vịt nữa ! Sau khi phát hiện ra , nó đã khai hết cả rồi , anh không nhận cũng vậy thôi !
      - Các ông cho tôi gặp nó để làm rõ chuyện , quả thật đây là chuyện bịa !
      - Ai bịa ? Anh nói ai bịa ? Kể từ giờ này anh ra khỏi nhà phải xin phép đội , không được trái lệnh !
         Suốt ngày hôm ấy Đình chẳng muốn ăn . Nghĩ về câu chuyện dựng đứng này em thấy không tài nào chịu nổi . Phải bỏ học ư ? Không thể ! Đình bàn với Thày U đêm nay sẽ trốn đi . U lau nước mắt nhét vào tay em mấy đồng bạc vừa bán cái quần Sồi dấu được , dặn dò : “ Đợi khi yên hàn hãy về nghe con ! ” .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Hoa Mộng - Kỳ tiếp .


         Khóa học của Đình ở cấp hai gặp nhiều điều không may . Vì phải sáp nhập hai hệ thống giáo dục nên năm học kéo dài thành ba học kỳ , coi như chậm một năm . Thi tốt nghiệp lại thí điểm tiến hành tách ra hai bước . Bước một thi viết mấy môn ngay tại trường , bước hai lên tỉnh thi vấn đáp những môn còn lại . Giám thị , giám khảo đổi giữa các   huyện . Thanh tra đổi với tỉnh ngoài cứ như thi quốc gia , tạo nên mệt mỏi căng thẳng suốt mấy tháng .
         Anh Chính học hết cấp ba trong Thanh hóa , theo lớp sư phạm cấp tốc rồi xin về Hồng Ninh dậy cấp hai ngay ở thị trấn . Lúc cải cách ruộng đất Anh không dám về tuy hai huyện chỉ cách nhau vài chục cây số . Anh lấy vợ gia đình cũng không biết . Qua cuộc thi tốt nghiệp năm ấy Đình mới hay anh mình cũng là giáo viên lại dậy học ngay trong tỉnh nhà . Bây giờ Em yên tâm hơn để tiếp tục bước trên con đường học hành vì ngoài Thày U còn có các anh là điểm tựa tinh thần và vật chất .
         Vì bị chậm lại một năm nên so với các bạn khóa trước Đình thiệt thòi đủ điều . Năm ngoái việc học lên cấp ba chỉ cần đến ghi tên . Năm nay thi tuyển căng thẳng không kém gì thi hết cấp vừa diễn ra . Cả huyện Thanh Châu chỉ có bẩy người trúng tuyển vào trường cấp ba Hồng Dương của tỉnh . Số còn lại phải xin vào học trường tư thục Phạm Hồng Thái , trong đó có cả Lập , bạn thân của Đình . Thực ra Hồng Dương gọi là trường của Khu Tả Ngạn mới đúng , vì học sinh cả mấy tỉnh trong khu đều về đây học .Trường dựng tiếp vào khu vực của hội Trí Tri trước đây nên cảnh quan rất đẹp . Khi Đình vào học , trường chỉ có hai lớp tám hai lớp chín nhưng các bộ phận đầy đủ như một trường Tây ngày trước . Có Giám Hộ trông coi học sinh , có Chạy Giấy chuyển thư từ thông đạt ...
         Sau cải cách ruộng đất Thày U Đình tuy chưa già lắm nhưng thực sự đã yếu . Qua bao nhiêu vật lộn , mất mát với giặc với đời nên chưa đầy sáu chục tuổi mà cả hai hom hem , lọm khọm , nhất là Thày Em . Của cải hết sạch sành sanh . Vài sào ruộng được chia lại một mình Chị Cả xoay lộn . U sắm đôi quang thúng ngày ngày ra chợ làng mua đi bán lại mấy mớ rau muống , dăm cái bắp cải , ít củ su hào ... . Đình không về nhà lấy gạo đi ăn nữa . Để bớt gánh nặng cho các anh , nhất là Anh Cả , Đình nhận dậy bổ túc văn hóa cho các cơ quan xung quanh tỉnh . Ai đời mới học Lớp Tám mà dám dậy văn cho Lớp Bẩy . Ấy thế mà học viên cứ ngồi im phăng phắc dỏng tai lên nghe mới lạ chứ . Đôi khi Đình cùng bạn bè còn rủ nhau đến dọn dẹp cho các cơ quan vào những ngày chủ nhật để kiếm thêm tiền  . Việc làm này khiến ai nấy rất vui vì chẳng những có tiền mà còn phù hợp với khẩu hiệu đang tuyên truyền trong học sinh : “ Lao động là vinh quang , là sáng tạo ”
         Tuy không phải về nhà để lấy tiền , gạo như trước đây nhưng thỉnh thoảng Đình vẫn về thăm nhà vì nhớ Thày U . Phải cuốc bộ hơn ba mươi cây số mỏi nhừ chân nhưng khi đến nhà sà vào lòng U là Đình thấy mọi mệt nhọc tiêu biến hết . Trong bữa cơm , Thày ngồi đầu nồi bao giờ cũng xới ấn đầy ụ vào bát em vì sợ con trai đói , nhất là bát cuối . Em nhìn Thày mà tự dưng cổ nghèn nghẹn không nuốt nổi miếng cơm đang nhai trong miệng .  Chỉ cần thế thôi rồi lại cuốc bộ ra đi với tâm trạng nhẹ nhõm , thênh thênh . Sợi dây lớn nhất ràng buộc Đình với quê hương chính là đây . Càng ở xa , nó càng lớn lên biến thành sức mạnh thôi thúc bước chân đi về .
         Cùng lúc với phong trào vận động nuôi lợn bằng phân trâu , nuôi gà bằng phân chó ở nông thôn . Thày trò trường Hồng Dương lao vào chiến dịch luyện gang . Đình cùng các bạn mở cuộc tìm kiếm gang sắt vụn . Thu nhặt trong cái thị xã nho nhỏ này chẳng đủ cho một lò , đoàn quân túa về các xã xung quanh . Những người trọ học , khi về quê xin tiền gạo còn lễ mễ mang từ nhà đến những cái liềm cùn , con dao rỉ đóng góp . Thế rồi trường cũng cho ra lò suôn sẻ hai mẻ gang , được tỉnh tuyên dương .
         Tối nay trường Hồng Dương cùng các cơ quan trong tỉnh phối hợp với nhân dân thị xã tuần hành , biểu tình Phản đối Chính quyền Ngô Đình Diệm đầu độc đồng bào ta ở nhà tù Phú Lợi . Đoàn người kín đặc suốt mấy phố dài, khẩu hiệu hô rung đường phố . Thày Khoa mọi ngày giảng văn trên lớp chỉ thủ thỉ như trò chuyện với học trò . Hôm nay với chiếc loa sắt trên tay , đi bên ngoài hàng nơi đội hình nhà trường , hô đến khản tiếng . Cứ sau lời Thày hô, toàn trường lại thét lên :
      - Đả đảo Mỹ Diệm tàn sát dồng bào ta ở Phú Lợi !
      - Đả đảo ! Đả đảo !
      - Trả thù cho đồng bào bị Mỹ Diệm đầu độc ở Phú Lợi !
      - Trả thù ! Trả thù !
Trong không khí hừng hực ấy , Đình thấy lòng mình sôi sục cũng muốn làm một điều gì đó . Nghĩ lại , Em tự nhủ : “ Phải học thật tốt ” .
         Đình trọ học với mấy bạn cùng lớp ; mỗi người một huyện , một tính cách nhưng có điểm chung là ham học hỏi  . Những buổi tự học ở nhà , mấy cậu học trò làm bài tập xong cùng nhau đi dọc hiên học thuộc lòng  văn thơ . Tiếng đọc râm ran đến nỗi những nhà bên cạnh còn nghe rõ , có nhiều đứa trẻ thuộc lòng theo họ . Chẳng hiểu tự bao giờ , trong nhóm người cùng trọ học này có một cuộc thi không tuyên bố . Thi học thuộc nhiều thơ và đọc nhiều truyện . Thế rồi cứ tối tối họ lại kéo nhau ra thư viện tỉnh đọc đến khuya , lúc về còn ôm theo hàng chồng sách nặng . Để dành thời gian cho học và đọc , nhóm bạn trọ do có người mách đã đến nhờ vợ ông phó ty giáo dục nấu cơm tháng cho . Từ đó họ mới được chia tay với bếp núc , chợ búa .
         Trong nhóm trọ , Đình với Ninh có vẻ thân nhau hơn cả . Ninh hơn Đình hẳn bốn tuổi ; trước khi vào học cấp ba , anh chàng quê gốc Nam Sang Hà Nam này đã là một thợ mộc có hạng , tay cưa tay đục đi ăn cơm khắp thiên hạ . Ninh đã có vợ ; vợ hơn anh ba tuổi được bố mẹ lấy về cai quản việc đồng áng . Cũng vì thế mà Ninh mới lại được cắp sách đến trường .
         Trước cửa nhà chủ trọ có một cô gái rất xinh ; da trắng mịn , tóc dài buông  lững lờ theo dáng đi uyển chuyển , khuôn mặt thanh tú . Cô bé không đi học nữa , ngồi bán dép trước cửa rạp chiếu bóng Hòa Bình . Hằng ngày , khi đi khi về cô đều qua cửa nhà trọ của mấy cậu trai quê ra tỉnh học . Họ không trêu chọc , chỉ xì xào bàn tán và gán ghép cho nhau sau lưng cô . Đình là “ Nạn nhân ” chính trong câu chuyện này . Người hay tếu nhất là Ninh ; Có lần rủ Đình giả vờ mua dép rồi đưa lời ý tứ ; Lại có lần cao hứng làm một bài thơ viết đưa cho cả hai người . Cô gái không có phản ứng gì còn Đình cũng làm như không biết . Ở cái tuổi như Đình , nhiều người đã yêu đương ầm ĩ rồi . Không hiểu sao anh chàng này rất thiếu tự tin trong tiếp xúc với nữ giới . Chẳng thế mà cho đến bây giờ Đình chưa thân với người con gái nào kể cả bạn cùng lớp   
         Mấy hôm nay Đình cứ thấy trong lòng bồn chồn muốn về thăm nhà . Cũng có thể lâu lâu chưa về nên nhớ . Cũng có thể Anh lo lắng sức khỏe và cuộc sống của Thày U . Sau cơn bão tố vừa rồi , hai người trụ lại được là mừng nhưng sức lực giảm sút trông thấy . Lần trước , khi về đến gần nhà , nhìn qua bờ giậu tre thấy Thày đang phơi áo . Người vừa dưới cầu ao lên quần xắn trên đầu gối để trần đôi chân gầy guộc trông mà đứt từng khúc ruột . Vào đến cửa , Đình gặp U suýt không nhận ra Người . Sau một trận ốm rụng hết tóc , U cạo trọc đầu , khuôn mặt gầy rộc đi hốc hác nhìn đến não lòng . Lúc ấy Đình chỉ ước mình đã lớn , làm được tiền nuôi Thày U cho sung sướng . Thực tế mọi lo toan đang dồn nặng lên vai Anh Cả . Lương anh cũng chẳng nhiều nhặn gì mà nào là thuốc men , may mặc cho ba người ở nhà lại còn trích một phần cho Đình nữa . Chị Cả xoay xỏa quanh mấy sào ruộng suốt năm cũng chỉ đủ gạo ăn .
         Chiều nay thứ bẩy , Đình đang chuẩn bị mấy quyển sách mang theo để về thăm nhà đã thấy Anh Cả đứng trước cửa , tay dắt xe đạp gọi với vào bảo về quê cùng anh . Ngồi trên xe đi được một đoạn dài , Anh mới nói nhỏ :
      - Thày mất rồi em ạ ! Mất hôm thứ ba rồi !
      - Anh nói gì ? Thày mất sao em không được biết !
      - Anh cũng định đến báo để em cùng về nhưng nghĩ em đang học , nếu về lại phải nghỉ mấy buổi mà cũng chẳng lấy lại được nên để cuối tuần đưa em về chịu tang cũng được !
         Đình bàng hoàng nhưng cố trấn tĩnh ngồi yên sau xe . Hai anh em không nói gì thêm , mỗi người suy nghĩ theo hướng của mình , chỉ còn tiếng lạo xạo của bánh xe xiết lên cát và tiếng vi vu của gió đồng thổi qua . Lúc đầu Đình cũng có ý trách anh ; nhưng nghĩ lại , chẳng qua anh thương mình , lo cho tương lai của em nên mới hành xử như thế . Gần đến cánh đồng làng, Đình nói với anh cho qua mộ Thày rồi mới về nhà . Đứng trước nấm đất khô mới đắp , nước mắt Em chẩy dài trên má . Từ sâu trong lồng ngực cồn lên từng đợt nấc nức nở . Đình không nói thành tiếng nhưng trong đầu rành rọt từng lời với cha . Từng nét dáng hình Người tự dưng sáng lên , sống lại tuồn tuột lướt qua . Em đứng lặng đấy mà như đang mê . Đình tự hỏi : “ Là thực đây ư ? ”. Anh Cả phải dắt tay Em lên bờ , ghé tai đánh thức “ Thôi ta về ! Về nhà thắp hương cho Thày ! ” . Đình sực nhớ ở nhà U đang mong em nên vội nhẩy lên sau xe theo anh .
         Lại bước vào mùa thi . Thời gian đi thư viện đọc hay mượn sách giảm rõ rệt . Năm nay thi tốt nghiệp tất cả các môn và thi đại học căng hơn năm trước . Nghành giáo dục chủ trương phát triển theo Hình Tháp . Trong học sinh truyền miệng nhau câu nói vần : “ Quân của Ông Giáp thì về phục viên , quân của Ông Huyên thì về sản xuất ” . Tuy biết việc thi cử từ nay rất khó khăn nhưng không ai nản chí bỏ cuộc . Ngoài giờ ôn tập là bàn bạc chọn ngành , chọn trường . Đình và Ninh hay trao đổi với nhau nhiều nhất về chuyện này . Trong sáu trường đại học là Y Dược , Bách Khoa , Tổng Hợp , Sư Phạm , Nông Lâm và Kinh Tài ; tuy học sinh thường nói với nhau : “ Nhất Y nhì Dược ...” nhưng đôi bạn trẻ không ai thích cái nhất cái nhì ấy . Ngay cả cái “ Tạm được ” là trường Bách khoa cũng không phải đích hướng đến . Họ rủ nhau thi vào Trường Tổng Hợp , Khoa Văn . Sức học văn của hai người không lấy gì làm xuất sắc nhưng họ thích ; và họ đã chạy theo ý thích . Ai dè đến giờ phút quyết định ghi vào đơn , Ninh quay ngoắt sang môn hóa có lẽ nhận ra được sự không cân đối giữa sở thích và năng lực . Không có người đồng hành , Đình cũng đổi hướng quay về với cái “ Tạm được ” , Anh thi bách khoa .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Cùng các bạn thân quý của tôi !
Tôi đã đưa lên hai trong số bốn truyện ngắn ( Hoa Mộng và Hoa Núi )trong một chùm truyện có nhan đề̀ :" Thời Như Thế ". Đến đây tôi xin tạm dừng . Cảm ơn các bạn đã đọc và bày tỏ quan tâm ! Tôi chưa nhận được lời nhận xét nào để có thể chỉnh lý . Chúc các bạn vui , hạnh phúc !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Tản mạn : Nên chăng diễn Táo chầu Trời !


         Những năm gần đây , cứ mỗi độ tết đến xuân về mọi người lại được xem diễn tích “ Táo Quân chầu Trời ” trên màn ảnh nhỏ . Lúc đầu ai cũng muốn “ Mục sở thị ” hình ảnh Ngọc Hoàng , Nam Tào , Bắc Đẩu và chư vị Táo quân hiển hiện trên màn hình . Đặc biệt được nghe qua lời Táo những điều chính mình cũng ấm ức trong lòng mà Táo nói ra giúp .
         Chuyện Táo Quân chầu Trời là một huyền thoại pha chút vui vui . Ngay hình ảnh Ông Táo cũng đã Ngồ ngộ “ Đội mũ đi hia chẳng mặc quần ” . Và ngay trong cuộc sống của Táo , tuy có đề cao tình nghĩa nhưng cũng chứa đựng éo le : “ Hai ông một bà ” . Nhưng về căn bản đây là chuyện Tâm linh . Chuyện mà đã ngấm sâu vào cuộc sống trở thành “ Ngày Tết ” , thành tập tục . Về căn bản người ta tâm niệm : Ngày 23 tháng chạp Ông Táo từ mỗi gia đình cưỡi Cá Chép lên Trời tâu Ngọc Hoàng về gia cảnh và nhân tâm mỗi nhà . Bởi vậy nhà nhà đều cúng lễ , sắm Cá Chép cho Táo , cầu mong Táo nói tốt với Trời , xin Trời nhiều lộc cho gia đình trong năm tới .
         Mở ra tầm quốc gia , có lẽ Táo các nghành cũng nên làm việc đó cho đất nước . Gần đây nội dung cáo của các Táo không có gì mới . Đó chỉ là những cái mà báo chí , dư luận đã nói nhiều trong năm , ai cũng biết . Để che đi sự nghèo nàn và nhàm chán đó , các Táo và quan chức Thiên đình phải mượn hình thức mới . Kể từ trang phục đến ngôn ngữ và động tác đều “ Sáng tạo ” hết cỡ . Ngọc Hoàng được gọi là “ Anh Hoàng ” . Lời nói nhiều lúc mượn từ “ Ngoài chợ Trời ”. Còn động tác thì thôi rồi ...“ Hết chỗ nói ! ”
         Vẫn rất cần có “ Chương trình Táo ” mỗi khi đón xuân nhưng nên chăng như hiện nay ? Và nếu thấy cần thiết làm như hiện nay thì nên chăng gọi tên như cũ ?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lý Viẽn Giao

Xin cùng suy ngãm .

Khi ta nhỏ bé , thứ gì trên đời cũng trở nên to lớn !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 23 trang (229 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối