Trang trong tổng số 12 trang (112 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vanachi

A2Z đã viết:Ô !! Rất quen thuộc. Hoàn toàn tán thành ý kiến của ĐIỆP. Cả hai bài này đều là cổ phong chứ có "BIẾN THỂ" gì đâu hở MITO ??!! (Xem kỹ lại nhé).
Nhưng xin đính chính lại một chút là "TỬ DẠ" là tên một điệu trong nhạc phủ, xuất xứ từ dân ca; chứ không phải "TỬ DẠ ĐÔNG CA".

Thêm nữa, bài "TỬ DẠ ĐÔNG CA" là phần cuối trong bốn phần của bài "TỬ DẠ TỨ THỜI CA" (Ở Thi viện có đủ 4 bài XUÂN-HẠ-THU-ĐÔNG, nhưng lại tách ra chứ không để chung một bài??).

Lý Bạch viết Tử dạ tứ thời ca để nói lên thời đại ông đang sống từ cảnh thái bình thịnh trị chuyển sang cảnh chiến tranh khốc liệt, sinh linh đồ thán nên theo thiển ý cá nhân tôi thì có lẽ để chung trong một bài sẽ có ý nghĩa hơn.
Thực ra "Tử Dạ ca" và "Tử Dạ tứ thời ca" là khác nhau, nhưng vì nội dung gần với nhau nên nhiều khi dễ bị đánh đồng.

Trong "Nhạc phủ thi tập" có chia ra chép làm 42 bài "Tử Dạ ca" và 75 bài "Tử Dạ tứ thời ca" (trong đó Xuân ca 20 bài, Hạ ca 20 bài, Thu ca 18 bài, Đông ca 17 bài)

Một "điệu" trong nhạc phủ không chỉ đơn giản là luật thơ, mà nó còn bao gồm cả chủ đề nội dung của bài. Như vậy "Tử Dạ đông ca" cũng là một điệu trong nhạc phủ.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Mito đã viết:
Uhm, về Tử dạ tứ thời ca thì cháu có biết hồi trước, cháu chỉ lấy bài cuối ra làm. Nhưng mà cho cháu hỏi, nếu phân tích bố cục và thanh, vần , niêm, đối thì cháu thấy nó khớp với luật của Đường thi (vì thực sự mà nói cháu không hiểu về cổ phong, cháu chỉ biết là loại này dài, và có dùng vần - nhưng ko rõ về luật Nên khi đọc cháu đã bị nhầm). Vậy tiện đây anh ĐLH với bác giải thích rõ hơn điểm khác nhau giữa cổ thể và TĐL, về cổ thể thì dùng luôn 2 bài cháu vừa đưa cho quen thuộc (trong thi viện nhiều quá cháu muốn tìm chắc phải dần dần T_T) với cũng so sánh luôn điểm tương đồng và khác biệt giữa 1 bài cổ phong ngắn và 1 bài đường luật cho cháu hiểu thêm :p
Để phân biệt một bài là cổ thể hay luật thi nhiều khi không đơn giản là dựa vào luật của bài thơ bạn ạ (mặc dù 2 bài trên có thể dựa vào luật vì cả 2 bài này không theo luật ít nhất về số câu, bài "Tử Dạ đông ca" lại không có đối,...)

Đời Đường không chưa có ai tổng kết luật một cách cụ thể như nhừng gì mà ngày nay chúng ta có, quá trình từ cổ thể thành luật thi mang tính lịch sử trong cả một giai đoạn, nên không thể có những căn cứ rạch ròi như 0 và 1 được, nó chỉ có tính tương đối thôi. Ngay cả "Đường thi tam bách thủ" là sách gối đầu giường của các thi sĩ, soạn ra vào đời Thanh (mình muốn nói là khá muộn so với đời Đường) có nhiều bài còn gây tranh cãi trong cách phân loại. Nói chung để phân biệt, người ta phải căn cứ vào: niêm luật, nội dung, hoàn cảnh ra đời (thời gian và không gian),...

Điều này hoàn toàn tương tự việc phân biệt thi và từ vậy. Có nhiều bài xếp vào từ cũng được mà bảo là thơ cũng xong.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Mito

Anh nói vậy tức là việc phân biệt những bài như vậy rất rắc rối vì nó gần gần tương đồng nhau, mà chủ yếu dựa vào nội dung và hoàn cảnh để làm ạ. Nếu nói vậy thì có lẽ cách tốt nhất là chỉ chỉ rõ các loại chuẩn mực như thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, tứ tuyệt làm thơ đường, còn các loại khác ko phải ạ ?
Thu đi, Đông tới, lại Xuân qua
Ngàn sao đan áo đượm sắc hoa,
Dịu dàng ve hát, hè âu yếm
Ngơ ngác đưa tay với bóng xa.
Gió nam nũng nịu, nào quen biết
Cớ sao đòi kể chuyện tháng ba ?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Thế nào là "chuẩn mực" chứ, nếu cứ theo đúng chuẩn thì rất nhiều bài chỉ cần thất niêm hay thất luật một chút lại là không phải thơ luật mất rồi, mà số bài như thế này không nhỏ đâu :-). Chuẩn chỉ là cái tuyệt đối do con người định ra, còn có theo chuẩn hay không lại là vấn đề của tác giả.

Phân biệt đâu là luật thi cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng đâu, vì như trên đã nói, nhiều bài lẫn với cổ thể và nhiều bài lại nhập nhằng với từ phẩm.

Việc phân loại thơ quả thực không đơn giản. Ngay cả vấn đề phân kỳ thời đại cũng tương tự vậy. VD người ta chia Đường thi làm Sơ, Thịnh, Trung và Vãn Đường, nhưng đâu phải cứ xác định năm sáng trong khoảng 713-765 thì gọi là Thịnh Đường một cách chính xác. Cách phân chia như vậy chỉ giúp những người nghiên cứu dễ dàng có cái nhìn hệ thống hơn về tư tưởng trong sáng tác của tác giả mà thôi, và vì vậy cũng chỉ mang tính tương đối.

Thơ ca, và đặc biệt là Đường thi, muôn màu muôn vẻ, trong "Toàn Đường thi" có 50.000 bài thơ của 2.200 tác giả, chỉ riêng số đó thôi đã khiến các nhà nghiên cứu phải đau đầu trong việc phân loại rồi :-). Ngay cả cái "chuẩn mực" tức là luật thơ người ta cũng đã phải là thống nhất đâu. :-)

Chỉ nên hiểu tương đối vậy thôi. Đặt ra luật này luật kia là cái quyền của người đời sau, nhưng dùng nó để quy kết tiền nhân e không phải cho lắm.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

A2Z

Điệp luyến hoa đã viết:
Thế nào là "chuẩn mực" chứ, nếu cứ theo đúng chuẩn thì rất nhiều bài chỉ cần thất niêm hay thất luật một chút lại là không phải thơ luật mất rồi, mà số bài như thế này không nhỏ đâu :-). Chuẩn chỉ là cái tuyệt đối do con người định ra, còn có theo chuẩn hay không lại là vấn đề của tác giả.

Phân biệt đâu là luật thi cũng không phải lúc nào cũng dễ dàng đâu, vì như trên đã nói, nhiều bài lẫn với cổ thể và nhiều bài lại nhập nhằng với từ phẩm.

Việc phân loại thơ quả thực không đơn giản. Ngay cả vấn đề phân kỳ thời đại cũng tương tự vậy. VD người ta chia Đường thi làm Sơ, Thịnh, Trung và Vãn Đường, nhưng đâu phải cứ xác định năm sáng trong khoảng 713-765 thì gọi là Thịnh Đường một cách chính xác. Cách phân chia như vậy chỉ giúp những người nghiên cứu dễ dàng có cái nhìn hệ thống hơn về tư tưởng trong sáng tác của tác giả mà thôi, và vì vậy cũng chỉ mang tính tương đối.

Thơ ca, và đặc biệt là Đường thi, muôn màu muôn vẻ, trong "Toàn Đường thi" có 50.000 bài thơ của 2.200 tác giả, chỉ riêng số đó thôi đã khiến các nhà nghiên cứu phải đau đầu trong việc phân loại rồi :-). Ngay cả cái "chuẩn mực" tức là luật thơ người ta cũng đã phải là thống nhất đâu. :-)

Chỉ nên hiểu tương đối vậy thôi. Đặt ra luật này luật kia là cái quyền của người đời sau, nhưng dùng nó để quy kết tiền nhân e không phải cho lắm.
Ngay khi đọc câu hỏi của Mito, tôi đã nói ngay đây là một câu hỏi hay, vì tôi tiên đoán nó sẽ dẫn ra nhiều vấn đề thú vị.

Đúng là ngay trong việc phân loại Đường thi cũng đã có nhiều tranh luận, vì thực sự trong tứ tuyệt cũng có một loại mà ta hoàn toàn không thể phân biệt với Cổ thể (cách bỏ bớt 4 câu giữa, lấy 2 câu đầu và 2 câu cuối, dẫn đến bài tứ tuyệt không có đối. Thí dụ bài Lương Châu từ của Vương Hàn mà tôi đã dẫn ở trên). Tuy nhiên đến đây tôi lại xin nêu một ý kiến cá nhân trong việc phân loại mà nói thì hơi dài dòng.

Mặc dù ai cũng biết thơ Đường luật có từ đời nhà Đường, nhưng tôi tự hỏi và cho đến nay vẫn chưa có tài liệu cho câu trả lời là TĐL chính xác là xuất hiện vào thời vua nào của nhà Đường (23 đời vua, không kể đời Võ tắc Thiên)? Ai đã đặt ra những luật khắt khe này, và mục đích để làm gì ?? Tôi đặt ra các giả thuyết là :
1/- Luật này do triều đình thời ấy đặt ra như một thử thách các sĩ tử đi thi.
2/- Luật do một nhóm các nhà thơ (một hội tao đàn, thi xã nào đó chẳng hạn) đặt ra để "THÁCH ĐỐ" nhau, để chứng tỏ "KỸ NĂNG" của mình.

Nếu đúng vậy thì các bài THẤT NGÔN...hay ...TỨ TUYỆT có từ sau thời ấy, có thể được coi là TĐL ???

Nhân đây lại nói một chút về cụm từ "BIẾN THỂ" trong thơ văn. Ta chỉ nên nói: "THỂ THƠ X LÀ BIẾN THÊ CỦA THỂ THƠ Y" khi và chỉ khi: thể thơ Y "CÓ TRƯỚC"; thể thơ X được "CỐ Ý" rút ra từ các tính chất của Y, và cuối cùng là "PHẢI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI HƯỞNG ỨNG" hoặc "CÓ NHIỀU BÀI THƠ LÀM THEO CÁCH NÀY". Chứ nếu chỉ một vài bài hoặc do sự tình cờ thì "KHÔNG NÊN" gọi là biến thể. Nhấn mạnh ở chỗ "KHÔNG NÊN" vì chả ai cấm được nếu ta cứ gọi là "BIẾN THỂ" :-)( tựa như có nhiều người vẫn gọi thơ 4 câu là thơ "TỨ TUYỆT" :-)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Úi, bác A2Z nói hay quá. Sáng ra rất nhiều điều. Cảm ơn bác và chú Điệp nhiều.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Bác A2Z đặt một vấn đề hay đó. Em cũng ko rõ lắm về việc này, nhưng theo em hiểu thì luật thơ mà chúng ta vẫn gọi là Đường luật không phải đời Đường mới có, nó bắt đầu được hình thành từ đời Hán rồi, và đời Hán đã có những bài thơ hợp với luật đó rồi. Còn ngay cả đời Đường các nhà thơ cũng chỉ làm một cách tự phát rồi dần dần tự tổng kết ra thành luật thôi. Em không nhớ rõ lắm nhưng sẽ tìm hiểu thêm xem.

Còn về bài Lương Châu từ, đúng ra thì nó cũng là nhạc phủ đấy :-). Điệu này thuộc chủ đề quan tái và cũng có khá nhiều người viết theo.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

A2Z

Điệp luyến hoa đã viết:
Còn về bài Lương Châu từ, đúng ra thì nó cũng là nhạc phủ đấy :-). Điệu này thuộc chủ đề quan tái và cũng có khá nhiều người viết theo.
Ấy thế mới rắc rối.:-). Bài Lương châu từ thì đúng là ngay tựa bài cũng đã chỉ rõ vì "LƯƠNG CHÂU TỪ" được chú thích "là tên gọi của một điệu hát cổ của người Trung Hoa nói về chủ đề trận mạc, biên ải. Trong thơ cổ Trung Hoa, nhiều điệu hát dân gian như các từ, khúc Thượng chi hồi, Chiến thành nam, Tương tiến tửu, Hoàng tước hành, Lạc mai hoa... được rất nhiều nhà thơ ưa chuộng và thường dùng để đặt tên cho tác phẩm của mình, đặc biệt trong Đường thi." Tuy vậy, rất nhiều tài liệu lại cứ xếp loại bài này  là Thơ Thất ngôn tứ tuyệt (ngay cả Thi viện của ta cũng xếp loại như thế !!):-)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Thực ra thì em nghĩ việc đó cũng ko có gì mâu thuẫn cả, "Lương Châu từ" là nhạc phủ đời Đường, nhưng lại cũng theo luật thơ Đường. Nó giống như có những bài thơ lại hát được, người bảo là thơ, người bảo là bài hát. Các bài "Lương Châu từ" của các tác giả khác cũng vậy. Em tra trên mạng thì rất nhiều trang (tiếng Tàu) chú thích bài này là nhạc phủ đời Đường, nhưng vừa tra trong "Đường thi tam bách thủ" xếp bài này vào Thất ngôn tuyệt cú thật.

Nhưng dù sao trong định nghĩa của nhạc phủ thì nó bao gồm cả những bài làm theo đề tài của những bài nhạc phủ đời Hán và không nhất thiết phải hát được, ví dụ như 2 bài "Tương tiến tửu", "Quan san nguyệt" của Lý Bạch thì lời chỉ là thơ thuần tuý nhưng người ta vẫn gọi là nhạc phủ được.

Lại so tiếp với từ phẩm, nhiều bài từ vẫn hợp với luật thơ Đường, ví dụ điệu "Dương liễu chi" chẳng hạn.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Tiện đây copy một bài viết này có liên quan tới Đường luật và thơ Đường:

Về một danh xưng cần được làm sáng tỏ
Nguồn: http://www.toquoc.gov.vn/...n_id=1089&n_muctin=24

Hoạt động thơ đang có xu thế phát triển mạnh mẽ. Hàng trăm câu lạc bộ thơ ra đời, tập hợp các thà thơ, chủ yếu là nghiệp dư, cùng nhau trao đuổi, xướng hoạ, phổ nhạc, biểu diễn thơ. Hơn thế nữa, nhiều câu lạc bộ còn tổ chức lễ hội hoành tráng, thậm chí, làm cả lễ dâng thơ lên quốc tổ.

Ở đây, chúng tôi không dám mạn bàn về nội dung, phong cách, tác dụng và ảnh hưởng của các hoạt động này. Chúng tôi chỉ xin nêu một vài ý kiến theo khía cạnh tính xác thực của một danh xưng. Điều đó thể hiện tri thức của những người trong cuộc. Đảm bảo tính trong sáng của tiếng Việt, tính văn hoá trong mỗi hoạt động, chắc chắn phải là tôn chỉ đầu tiên của các câu lạc bộ thơ.

Trước hết, nói về thuật ngữ thơ Đường. Từ đơn giản này vừa qua đã bị lạm dụng, hiểu lầm, cần nói lại cho rõ. Theo nghĩa thông thường, Thơ Đường là loại thơ do các thi sĩ đời Đường sáng tác. Hiện nay, các hiệu sách có bày bán hàng chục đầu sách viết về thơ Đường, có cuốn đồ sộ gần một ngàn trang. Đó là trước tác của các nhà thơ dịch thơ Đường, hoặc các nhà lý luận viết về thơ Đường. Trong các tác phẩm đó, hoàn toàn không có các tác giả đời khác, ngoài các thi sĩ đời Đường.

Các nhà thơ nước ta trước đây (ta thường gọi là các nhà thơ cổ điển) chủ yếu làm theo thơ Đường luật. Họ sáng tác bằng chữ Hán, gọi là thơ chữ Hán (xem Thơ chữ Hán của Nguyễn Du...). Còn nếu họ sáng tác bằng chữ Nôm, gọi là thơ Nôm. Thi sĩ Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm. Không ai gọi thơ chữ Hán của Nguyễn Du là thơ Đường cả. Cũng không ai gọi Hồ Xuân Hương là bà chúa thơ Đường cả. Nói chung, với các nhà thơ từ Bùi Kỷ, Tú Xương, Nguyễn Khuyến trở về trước, người ta thường không nói là họ làm thơ Đường luật, vì đó là thể thơ chủ yếu họ sáng tác, nên chỉ phân biệt thơ chữ Hán và thơ Nôm thôi, với hiểu ngầm là thơ Đường luật chữ Hán hoặc chữ Nôm.

Khi phong trào thơ mới xuất hiện, có một trào lưu bài xích thơ Đường luật, vì cho đó là loại thơ gò bó, cứng nhắc, chật hẹp, không đủ cho nhu cầu thể hiện cảm xúc bao la, dào dạt, bay bổng của các nhà thơ mới. Một cuộc chiến giữa hai trường phái thơ cổ điển và thơ mới diễn ra cả thập kỷ ba mươi của thế kỷ trước. Kết thúc là sự thắng thế (tương đối) của các nhà thơ mới. Nói là thắng thế tương đối, vì trong các nhà thơ mới, nhiều thi sĩ vẫn sáng tác thơ Đường luật, điển hình là Hàn Mặc Tử. Nhưng đó là thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử. Không ai gọi đó là thơ Đường cả. Quách Tấn, bạn thân của Hàn Mặc Tử, điển hình của thi sĩ chủ trương thơ cổ điển, ghét thơ mới, suốt đời chỉ làm thơ Đường luật, nhưng đó là thơ Quách Tấn, không phải thơ Đường.

Hiện nay nhiều người làm thơ Đường luật lại gọi đó là thơ Đường. Đó là sự ngộ nhận đáng tiếc, cần được đính chính lại. Các bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú tứ tuyệt... gọi chung là thơ thể Đường luật không phải thơ Đường. Hãy vì sự tự hào của một nhà thơ chân chính, không nên xưng là tôi sáng tác thơ Đường. Nên nói, tôi làm thơ theo thể luật thơ Đường, hoặc đơn giản là thơ thất ngôn bát cú, tứ tuyệt... Có người thanh minh rằng thơ Đường Việt Nam phải hiểu là thơ Đường do người Việt Nam sáng tác. Cách nói đó là không chuẩn. Người Việt không thể làm ra thơ Đường, mà chỉ làm thơ theo thể luật thơ Đường.

Mấy năm nay, ở ta có một câu lạc bộ thơ, danh xưng là Thơ Đường. Cái tên này là không chính xác, vì chỉ có các ông Lý Bạch , Đỗ Phủ... mới đủ tư cách tổ chức các câu lạc bộ Thơ Đường. Thực ra, đó là CLB thơ Đường luật. Cần hiểu là nếu bỏ đi một từ (từ luật trong cụm Đường luật) là ý nghĩa của từ thay đổi hẳn. Trong thương mại gọi đó là hàng giả, hàng nhái. Rồi đến việc đem thơ Đường dâng lên quốc tổ Việt Nam. Tổ tiên Lạc Hồng chúng ta cũng cảm thấy áy náy, vì con cháu đem món hàng nhái (thơ làm theo thể Đường luật của người Trung Hoa, gọi là thơ Đường, coi là thơ tuyền thống của Việt Nam) dâng lên quốc tổ. Thiết nghĩ, cái đó cần chấn chỉnh vì sự trong sáng của nền văn hoá Việt Nam.

Tác phẩm xuất bản của câu lạc bộ ấy lấy tên là Thắp sáng Đường thi. Thắp sáng Đường thi là công việc của người Trung Hoa. Vả lại, Thơ Đường sáng cả ngàn năm nay rồi, không ai cần chúng ta thắp sáng. Làm thế chẳng hoá ra quá tự phụ, ngộ nhận sao? Và lại có vẻ thấy người sang bắt quàng làm họ nữa. Thật láng tiếc!

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, ta chỉ nên coi thể Đường luật (thất ngôn bát cú, tứ tuyệt...) là một trong những hình thức thể hiện của nhà thơ. Thể thơ này bình đẳng như thể lục bát, song thất lục bát, thơ tự do có vần và không vần... Nhà thơ tuỳ thi hứng mà vận dụng. Bài thơ Đường luật làm ra cũng bình đẳng chen vai thích cánh trên thi đàn như các bài theo thể thơ khác. Không nên coi nó là một đứa con cưng, gán cho nó đủ mọi tính cách sang trọng, đầu đàn, quốc hồn quốc túy của dân tộc, làm lễ dâng quốc tổ. Vả lại, nó chỉ là một hình thức thơ ta học của mười đời Đường mà thôi, không phải là dòng thơ thuần Việt.

Thanh Hoa (báo Văn nghệ)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 12 trang (112 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối