TÌM SỰ BÌNH YÊN
Muốn trong ta yên lặng,
ngoài ta yên lặng,
trong và ngoài ta yên lặng
của một tia nắng
một cánh chim trời
một áng mây trôi
vạt hoàng hôn trên biển…
nhưng đó là điều khó thực hiện
nếu không dừng bặt được tâm này…
Mọi lỗi lầm cũng từ sự đam mê nào đó,
kẻ biết dừng kẻ mãi đam mê
ngay bậc thầy cũng lạc vào cõi ấy
kẻ tử sinh ta…chất vấn làm gì..!
Nhiếp tâm khép mắt nhìn tâm khảm
mới hay rằng lửa đỏ nước đang sôi
Một tiếng vo ve con muỗi đói
đã mệt “thôi” “xao”* lấn cấn rồi…
Một câu phẳng lặng đời vô sự
Một chữ càn khôn đảo lộn mèo
Giữa hai thái cực tâm điều phục
ta theo…!lnp
* Điển tích: “Thôi” là “đẩy”.
“Xao” là “gõ”.
Giả Đảo là một nhà sư giỏi thơ đời Đường. Một hôm trăng sáng, sư cưỡi lừa thong thả trên con độc đạo, định đến thăm nhà một người bạn. Cảnh vắng, trăng thanh, chim đậu trên cành cây bên bến nước, bóng người chiếu xuống mặt nước đầm, sư thấy lòng thơ lai láng, tức cảnh ngâm:
Điểu túc trì biên thọ.
Tăng thôi (xao) nguyệt hạ môn.
Độc hành đàm để ảnh,
Sác tức thụ biên thân.
Tạm dịch:
Chim đỗ cây bến nước,
Sư đẩy (gõ) cửa dưới trăng.
Mình đi bóng chiếu xuống,
Tựa cây mà thở than.
Giả Đảo ngâm đi ngâm lại, nhận thấy chữ “thôi” trong câu “Tăng thôi nguyệt hạ môn” không được ổn, nên đổi lại “xao”. Nhưng cũng không vừa ý. Ông đọc “thôi” rồi lại “xao”, lại đọc “xao” rồi đọc “thôi”. Rốt cuộc ông phân vân không biết dùng chữ nào cho thích hợp.
Ông tức quá, bước xuống lừa, đứng giữa đường đi, đưa tay đẩy (thôi) rồi gõ (xao), gõ rồi đẩy giả như đứng trước nhà bạn vậy. Ông cứ làm như thế mãi mà không thấy phải dùng chữ nào.
Hàn Dũ vì can vua nên bị giáng chức tại triều ra làm thứ sử ở Triều Châu. Buồn cho thân thế, thấy trăng thanh gió mát nên cũng thong thả dạo chơi. Xa xa thấy một nhà sư đứng bên con lừa, tay lúc đưa tới đưa lui, lúc đưa qua đưa lại như thằng điên thì rất lấy làm lạ. Hàn lần bước đến gần lên tiếng, nhà sư mới giựt mình ngừng lạị Hàn Dũ hỏi thì Giả Đảo thuật lại sự tình. Hàn bật cười và bàn: “Nên dùng chữ “Xao” (gõ) là đúng hơn”.
Giả Đảo đồng ý nên câu “Tăng thôi nguyệt hạ môn” đổi ra “Tăng xao nguyệt hạ môn”.
Hai tiếng “thôi xao”, trong văn chương ngày nay để chỉ là “chọn chữ làm văn thơ”. Đây cũng là một gương sáng cho những người làm thơ, làm văn phải chọn chữ cho xác đáng, thích hợp. Chớ không được dùng từ ngữ “ẩu”!
Ta cũng có thành ngữ: “Nghĩ ra một chữ rụng mấy sợi râu”, cũng đồng một ý nghĩa như trên. Giả Đảo lại có một bài thơ:
Nhị cú tam niên đắc,
Ngâm thành son lệ lưu.
Tri âm như bất thưởng,
Qui ngoạ cố sơn thu.
Dưới đây là bản dịch của Hoài Nam Tử:
Ba năm được hai câu,
Ngâm lên giọt lệ trào,
Tri âm bằng chẳng hiểu,
Về ẩn chốn non cao….
Vậy đấy, vậy đấy…
lnp