2-THẦY ƠICon về lại trường xưa
Tìm thầy
Trên bục giảng, tóc xanh nhoà như mây trắng
Giọng giảng bài giờ đâu còn sang sảng
Mắt cay cay
Con thầm gọi:
Thầy ơi!
Quá vãng như cuốn phim chầm chậm tìm về
Nào bạn, nào bè, nào những giờ thầy lên lớp
Tháng năm bão giông, chúng con đứa còn đứa mất
Nhưng lòng nhớ hoài
Lớp cũ
Thầy xưa.
Con lặng người giữa căn phòng học năm nào
Nghe xôn xao ùa về biết bao kỷ niệm
Bóng phượng sân trường có còn lưu luyến
Một thuở ngu ngơ để ngỏ trái tim lòng
Một thuở dại khờ nhưng biết mấy hồn nhiên
Đùa vui cùng bạn bè, sách vở…
Lắng tai nghe bài giảng của thầy…
…………
Con nhoè mắt chập chờn trong thảng thốt:
Thầy ơi!
Rồi thời gian
E rồi cũng sẽ dần lấp chìm tất cả
Thầy và con có thể không còn gặp lại
Nhưng những lời thầy dạy
Hôm nào vang sang sảng
Giữa phấn trắng bảng đen
Cứ dội trong lòng
Để suốt đời chúng con mãi nhớ
Thuở học trò áo trắng được thầy thương…HANSY*
Ai cũng có một thời đi học, thuở áo trắng học trò có biết bao kỷ niệm thân thương với thầy cô, bạn bè, đó sẽ là hành trang theo ta suốt cuộc đời. Giờ đây, khi đàn chim năm xưa đã lớn khôn, ngoái lại thời cắp sách đến trường lòng ta lại dưng dưng, thầy cô đã già, người còn, người mất, mái tóc bạc phong sương... Có lẽ sau tình ân nghĩa cao quý nhất mà cha mẹ dành cho con cái chính là tình cảm của những người đã dạy dỗ cho chúng ta thành người, không ai khác họ xứng đáng được xã hội tôn vinh, những người thầy chân chính:
“Ân truyền thụ minh tâm khắc trí
Nghĩa sinh thành tạc dạ lưu tâm”Xuất phát từ tình cảm chân thành của học trò dành cho thầy cô giáo của mình, có biết bao bài thơ, bài viết xúc động đã ra đời. Khi những học trò ấy lớn lên, nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy cô năm xưa đã yêu thương, bao dung chúng ta, lòng thầm thốt lên 2 tiếng: THẦY ƠI! cũng là lúc con tim ta rung lên những cung bậc của lòng biết ơn vô hạn, sự kính trọng, tình cảm sâu sắc nhất gửi đến thầy cô giáo của mình. Bài thơ THẦY ƠI của nhà thơ HANSY viết về tình cảm của một học trò cũ khi trở lại thăm mái trường và gặp lại được người thầy năm xưa. Bao nhiêu năm đã trôi qua, bóng thời gian đã in hằn lên mái tóc thầy, quá khứ và hiện tại đan xen như một thước phim, giọng nói của thầy năm xưa nay đã yếu hơn nhưng những lời giảng của thầy vẫn đọng lại trong tâm trí con, giúp con trên mỗi bước đường đời
“Con về lại trường xưa
Tìm thầy
Trên bục giảng, tóc xanh nhoà như mây trắng
Giọng giảng bài giờ đâu còn sang sảng
Mắt cay cay
Con thầm gọi:
Thầy ơi!“Mở đầu bài thơ, với khổ thơ tự do viết rất tự nhiên như đang kể chuyện cho chúng ta về buổi gặp lại thầy giáo năm xưa của mình, tác giả đã thầm thốt lên 2 tiếng “Thầy ơi!” Khi tình cảm trở lên sâu lắng, mỗi chúng ta chỉ cảm nhận được mà khó nói lên thành lời, bởi tất cả câu từ đều trở nên xáo rỗng. “Thầy ơi!” chỉ là một tiếng gọi nhưng ở mỗi hoàn cảnh lại mang một sắc thái riêng, người học trò chỉ thầm thốt lên trong lòng 2 tiếng yêu thương đó bao hàm cả sự kính trọng, thương yêu, tôn quý biết nhường nào. Thầy là sư phụ của chúng con, thầy là trung tâm, là tấm gương cho lũ học trờ năm xưa. Tiếp đến những khổ thơ viết về trường lớp kỷ niệm học sinh nhưng đều là những lời của con nói với thầy. Con đã trưởng thành, một quãng thời gian khá dài “Tháng năm bão giông, chúng con đứa còn đứa mất” thời gian có thể là 10 năm, 20 năm... đủ để con thấm thía hơn những lời giảng và tấm lòng của thầy dành cho chúng con. Những khổ giữa của bài thơ, tác giả dành để tâm sự lại những kỷ niệm xưa cùng Thầy, tất cả hiển hiện lại như những thước phim rõ nét và hình ảnh thầy chính là những gì đẹp đẽ nhất của “Một thuở ngu ngơ để ngỏ trái tim lòng” Ước gì cho thời gian trở lại, được sống lại quãng đời hồn nhiên đó, lại được thầy chỉ bảo, quát mắng khi làm những điều dại dột, để rồi chợt tỉnh mới biết cuộc đời đã sang trang vở mới. Những niềm vui, nỗi buồn và những âu lo của cuộc sống không còn giống với thời cắp sách, bỗng thấy một chút xót xa, để một lần nữa tác giả lại thốt lên 2 tiếng: Thầy ơi!
“Con nhoè mắt chập chờn trong thảng thốt:
Thầy ơi!“Thầy vẫn là sư phụ soi đường cho chúng con trong suốt quãng đời khó nhọc, giúp chúng con có kiến thức làm hành trang cuộc sống, công ơn đó không gì sánh được, như lời người xưa đã nói: “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” Những luyến tiếc trong lòng người học trò về những kỷ niệm xưa, những trăn trở về công lao của thầy mà chúng con vô cùng biết ơn phải chăng đó là phần thưởng quý giá của người thầy. Trong những học sinh ấy có những người thành đạt, cũng có những người chỉ là những con người bình thường, hay có những người còn thiếu may mắn trong cuộc đời nhưng tất cả đều được thầy thương. Như người mẹ hiền với những đứa con của mình, lớp lớp học sinh đã được thầy dạy dỗ bằng tình yêu thương, chính nhờ tình yêu thương đó đã lâng bước cho con vững vàng hơn trong sóng gió cuộc đời, đưa con đến những chân trời ước mơ. Khổ thơ cuối kết lại đầy xúc động, một nốt nhạc trầm xuống, ngân vang:
“Rồi thời gian
E rồi cũng sẽ dần lấp chìm tất cả
Thầy và con có thể không còn gặp lại
Nhưng những lời thầy dạy
Hôm nào vang sang sảng
Giữa phấn trắng bảng đen
Cứ dội trong lòng
Để suốt đời chúng con mãi nhớ
Thuở học trò áo trắng được thầy thương…“Con đò đã sang sông, người lái đò lại cặm cụi chở những chuyến tiếp theo, cứ như vậy không biết bao nhiêu học trò đã trưởng thành lên nhờ công ơn dạy dỗ của thầy. Thầy hôm nay vẫn lên lớp như vậy, hình ảnh thầy đã khắc sâu vào tâm trí mỗi chúng con, dù không gặp lại nhưng “suốt đời chúng con mãi nhớ”. Những tình cảm thân thương đó là động lực để các thầy cô tiếp tục sự nghiệp trồng người đầy vất vả nhưng cũng đầy niềm vui, hạnh phúc. Sự hi sinh, lòng yêu nghề của các thầy cô để lại sự kính trọng của xã hội, mỗi năm đến tháng 11, tháng tri ân các thầy cô giáo, mỗi người học trò lại dành cho người thầy của mình những tình cảm thiêng liêng, tấm lòng biết ơn sâu sắc, những lời thơ cảm động, những bó hoa tươi thắm kính chúc tới các thầy cô.
Bài thơ THẦY ƠI! kết lại nhẹ nhàng, những âm hưởng của từng câu chữ lắng đọng trong tim người đọc. Ai cũng dành một góc trong tâm hồn để nhớ về thầy cô giáo của mình đã gắn bó suốt quãng đời tuổi thơ.
Minh Hien