Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] [45] [46] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÙI GIÁNG


Có người nhìn Bùi Giáng với một tấm lòng đầy thán phục tinh thần một nhà thơ. Có người nhìn ông như một biến cố, một hiện tượng, hay như một kẻ điên dại. Tôi lại khác hẳn. Vì Bùi Giáng đã như một tầm vóc của tự nhiên. Của một dấu vết đi ngoài bao giới hạn, định chế mà con người áp đặt, nên tôi có những cái nhìn về chiều sâu, chiều rộng của ông trong lòng con người Sài Gòn, trong lòng cuộc đời với đầy dẫy những bất an, cùng những vọng tưởng mà nhân loại đã cưu mang. Bùi Giáng như một hình ảnh để giải thoát tất cả trói buộc, một con người khi tỉnh, khi mê, khi mộng tưởng, khi hoá bướm, khi làm người…

Có thể nói Bùi Giáng đã đi vào con người Sài Gòn với từng ngày một, những chuỗi ngày đó trải dài, khiến cho chúng ta biết về ông còn nhiều hơn về tất cả những hình ảnh khác. Tôi không quen biết Bùi Giáng, thế nhưng tôi đã gặp ông rất thường xuyên trên các đường phố Sài Gòn, hình ảnh đó như một cái gì thân quen, không thể thiếu vắng, nhất là những ngày còn ở Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Không hiểu tại sao? Duyên cớ nào mà Bùi Giáng xuất hiện rất thường xuyên ở trước ngôi trường của chúng tôi, những quãng đời dài miệt mài cùng sơn với cọ.

Một buổi sáng vào năm 1972, tình cờ tôi gặp một người ăn mặc dị dạng, mon men đến bên cạnh một gánh hàng bán xôi, đột xuất ông giật gói xôi trên tay của một khách hàng vừa mới mua. Hành động này làm bà khách hàng tỏ ra bực bội, không ngừng chửi xối xả vào mặt ông. Ông chỉ cười hì hà và nhai một cách ngấu nghiến, nhai luôn cả những mảnh lá gói xôi, đồng thời ông tự nhiên nhảy múa như có vẻ khoái trá lắm. Câu chuyện này làm bao người hiếu kỳ chăm chú nhìn với một con mắt thật khó hiểu. Nhưng sau đó có người bộ hành hoàn trả lại cho khổ chủ mua xôi, ông ấy nói: “Bà xem tôi lớn tuổi như vầy, nhưng ông ấy lại là thầy của chúng tôi, thôi bà đừng phiền hà gì cả...”. Câu chuyện được giải quyết một cách êm thấm. Hôm ấy, khi vào lớp học, trong giờ phối cảnh của kiến trúc sư Huyền Tôn Nữ Quỳnh Như, tôi thuật lại chuyện này, bà giáo tôi cười bảo: “Đó là thi sỹ Bùi Giáng.”

Một thời gian sau đó, tôi lại tìm thấy ông với một “mode” mới. Bùi Giáng lúc đó chẳng ngại cái nóng bức của Sài Gòn, ông mặc chiếc áo dài màu đen, bên ngoài lại thêm chiếc áo bà ba khác, rồi lại vận thêm cái veston Tây phương bên ngoài rõ là Đông Tây Kim Cổ. Lúc ấy ông đang lui cui ôm con gà nòi thật chiến, mon men đến bên một quầy hàng chiên bánh tiêu, bất thình lình, ông xông tới, đổ trọn cái chảo dầu, tiện đó dùng bàn tay vét lọ đen để bôi lên mặt mình. Tiếp đến, ông cũng không quên thoa lên cổ, lên đầu chú “gà độ” và nói thầm điều gì khó hiểu. Tuy vậy, những lần thiệt hại trên đều có người nể phục chi tiền để bồi thường, riêng phần ông, chỉ hì hà cùng nhảy múa một cách tự nhiên.

Cũng từ những lần gặp gỡ, hình ảnh của ông đã ăn sâu vào ký ức tôi. Đôi lúc tôi tự nghĩ, nếu như ông có điên dại, cái “điên” này cũng không phải như bao người điên khác. Chúng tôi đã gặp ông rất nhiều lần, khi ở Lăng Ông Bà Chiểu, khi ở các sạp báo ở đường Lê Lợi. Rồi những ngày đi qua, con người Bùi Giáng đã ăn sâu vào xã hội Sài Gòn, nó như hình bóng thân quen. Thậm chí còn nhiều hơn những tấm bích chương, những khuôn mặt chính trị mà tôi đã thấy nhan nhản trên vách tường ở các đường phố này:

“Ban ngày mặc quần đỏ, áo xanh
Ban đêm mặc quần xanh, áo đỏ…”

Đến những ngày sau 1975, Bùi Giáng vẫn cứ làm con người Bùi Giáng. Con người nhân chứng cho cảnh đời, cho bao bể dâu biến đổi và nếu như cuộc đời ví như một vở kịch thì người thắng cuộc lại là những người đóng trọn vai tuồng một cách xuất sắc.

Có lần Huy Cận và Xuân Diệu về nói chuyện ở Cao đẳng Mỹ thuật, Bùi Giáng lại xuất hiện, đi tới đi lui ở trước cổng trường và chửi đổng: “Mẹ mày H.C, mẹ mày X.D...!..”. Một sinh viên đứng gác cổng trường vào báo cho ban giám hiệu cùng Xuân Diệu, nhưng tất cả đều im lặng.

Có lần vào năm 1977, tôi gặp lại tiên sinh với dáng dấp tiều tuỵ, hốc hác như người từ xa mới về, cũng với chiếc áo gấm đen, lai vãng trước cổng trường. Lúc đó Bùi Giáng quẩy trên vai một bó củi, đầu kia thì đầy nồi niêu soong chảo, hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến các vị tiều phu thời xa xưa hay những người từ vùng “Kinh tế mới” trở lại đô thành. Bao hình ảnh chợt thoáng qua như một đoạn phim ngắn, một bối cảnh, quãng đời mà Sài Gòn đổi khác. Đời trở nên chật vật, trật tự xáo trộn, kinh tế khó khăn.

Tối hôm đó, khi đi ngang qua Lăng Ông, tôi bắt gặp Bùi Giáng toả mình ở giữa “Ngã ba đường”. Chợt một người xích lô hỏi:

- Bác có muốn về nhà không?
Ông liền trả lời:
- Về thì về!

Một mạch ông nhảy lên xe và biến mất. Một con người thật đặc biệt trong ý tưởng của tôi, nó như những câu hỏi, những câu trả lời một cách tự nhiên, cùng những tất nhiên phải đến.

Sau thời gian đi vẽ ở Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Cà Mau, Cần Thơ… trở lại Sài Gòn, bọn tôi kéo ra quán cà phê vỉa hè, ở cạnh ngôi mộ Nguyễn Văn Học. Buổi sáng hôm ấy, tôi lại gặp Bùi Giáng. Ông lúc này hiện thân như người bán thuốc lá, vẫn ăn mặc kỳ dị. Cái kỳ dị đó vẫn không làm chúng tôi thắc mắc mà nó trở thành bao hình ảnh thân thuộc.

Đến cạnh bàn chúng tôi ông mời:
- Mua thuốc không mấy anh?

Chúng tôi ngước nhìn ông và im lặng, thấy vậy ông bèn mở một bao thuốc lá hiệu Hàng Không, loại thuốc này chỉ bán ở phi trường cho những khách ngoại quốc, ông đưa ra một điếu và nói:

- Hút đi, cứ tự nhiên đi.
Chúng tôi bốn người chia nhau điếu thuốc, sau đó ông hỏi:
- Sao, thấy sao?
Tôi gật gù thích thú, ông xoè tay ra nói:
- Một đồng một điếu

Một anh bạn gửi tiền trả cho ông và hỏi:
- Thuốc ngoại phải không bác?
Ông trả lời:
- Liên Xô… Liên Xiếc… Liên Xô… Liên Xiếc...

Kế đó ông ngồi xuống và hỏi:
- Mấy anh là sinh viên mỹ thuật?
Tôi trả lời:
- Đúng như vậy bác à…
Tôi hỏi:
- Bác người miền Trung phải không?
Ông đáp lại:
-Q...u...a...ả...n...g... N...ô...ô...m...!....!...!....

Sau đó ít lâu, tôi ra hải ngoại, không còn gặp lại hình ảnh đó, một hình ảnh gắn chặt trong khoảng thời niên thiếu của chúng tôi. Cuộc sống và người vẫn thay đổi, những đột biến cùng con người Bùi Giáng luôn làm những tín hiệu của thời thế, tôi chợt nhớ lại vài câu lục bát hay của ông mà tôi đã đọc lâu lắm rồi, như bài Phùng Khánh Mẫu thân:

“Mẹ về trong cõi người ta,
Một hôm mẹ gọi con ra bảo rằng
Trần gian vui sướng lắm chăng?
Hay là đau khổ hỡi thằng chiêm bao?”

Ðã bao lần ngồi uống cà phê bên cạnh Nha sỹ Quỳnh Thi, nàng nói: “Nhiều khi thấy tội nghiệp. Mẹ mình mang Cậu về nhà tắm gội cho sạch sẽ, xong xuôi đâu đó, Bùi Giáng đi thẳng một mạch đến sào phơi quần áo, lấy cái quần lót, đội lên đầu rồi một mạch rời khỏi nhà một cách tự nhiên.”

Tôi mỉm cười hỏi:
- Em có biết về bài thơ “Thu Ba ngồi cạnh Thu Bồn” không?
- Biết, ai trong họ hàng của Cậu cũng biết ! (*)

Thực ra, nói cho cùng, những hiện tượng về fetish, pissing ở phương Tây cũng đầy dẫy khắp nơi. Ở Á châu, Trung Hoa, thời nhà Minh, Thanh cũng phổ biến nhiều về những tranh in gỗ nói về dục tính, luôn cả trong văn học. Ở Việt Nam, thời Bùi Giáng cũng chẳng ngần ngại phát biểu lên cho dù dưới dạng thơ ca, ví như: “Cô Kim Cương nó đái trong mày chuồn ơi…” Từ xưa đến nay mọi thứ đều có thể đi đến lỗi thời, duy chỉ có dục tính luôn luôn cập nhật, luôn luôn mới mẻ. One of two things never go out of fashion… Ở nhiều quốc gia tiến bộ người ta đã chẳng ngần ngại nghiên cứu soạn thảo ra hàng khối sách như “Érotisme dans l`art plastique”...

Sau bao ngày xa vắng, Sài Gòn đã thay đổi nhiều, nhưng khi dạo bước trên các vỉa hè, bên những gốc cây, tôi liên tưởng đến một nhà thơ xứ Quảng, một con người Việt Nam chẳng khác như một Van Gogh, một Antonin Artaud vậy.

LA TOÀN VINH
-----------------
Chú thích:
(*) Theo Bùi  Hùng, anh em con nhà chú nhà bác Bùi Giáng kể lại, giai thoại này nghe xong cũng vui vui, vốn là như thế này.
Có một lần sau 1975 Bùi Giáng gặp lại Tố Hữu trong một tiệc trà trò chuyện bên cạnh còn có thi sỹ Thu Ba cùng chồng là Thu Bồn, lúc ấy Tố Hữu giới thiệu đến Bùi Giáng một người tên Minh đi cùng và nói: “Đây là một thi sỹ nổi tiếng Hà Nội…”
Bùi Giáng bèn hỏi Tố Hữu:
“Như vậy thì may quá, tôi có hai câu thơ mà làm hoài không vần điệu xin anh Minh chỉ giúp!...”
“Thì đọc lên đi” - Tố Hữu nói.
Thi sỹ họ Bùi nhìn cặp vợ chồng Thu Bồn và ứng khẩu:
“Thu Ba ngồi cạnh Thu Bồn
Thu Bồn khoái chí sờ ..vai..Thu Ba...”
Đọc xong mọi người đều im lặng, bỗng ông Minh nói:
“Tố Hữu còn sửa không được, thì sao tôi sửa được!...”
Nhìn câu chuyện rất khôi hài nhưng sâu kín như một loại...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CON RUỘT XÁC NHẬN
NHẠC SỸ TRẦN THIỆN THANH
SỬA LỜI CA KHÚC “HOA TRINH NỮ”


Nhạc sĩ Lê Châu khẳng định cha anh chủ động sửa lời ca khúc và phiên bản Đức Tuấn đang sử dụng là đúng theo phiên bản ghi âm gần như cuối cùng của ông.


Giữa cuộc tranh cãi gay gắt không hồi kết về chuyện bị Mỹ Lan – người tự nhận là vợ của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh “tố” hát sai lời ca khúc Hoa trinh nữ trong album mới ra mắt, Đức Tuấn đã tổ chức buổi họp báo chính thức đầu tiên giữa ekip sản xuất và đại diện gia đình cố nhạc sĩ sáng ngày 19/3/2019.

Tại buổi họp báo, nhạc sĩ Lê Châu (tên thật Trần Thiện Anh Châu), con ruột của cố nhạc sĩ khẳng định: “Năm 2014, 5 anh em đã chúng tôi đã đồng ý uỷ quyền cho trung tâm Làng Văn trong thời hạn 10 năm để sử dụng và khai thác tác quyền các ca khúc của Trần Thiện Thanh”.

Anh cho biết: “Vào Gala năm 1987, khi ba tôi được trở lại sân khấu, ba tôi đã chủ động sửa chữ “lính phong trần” thành “khách phong trần” để phù hợp hơn với tình hình lúc đó. Và phiên bản Đức Tuấn đang sử dụng trong album là đúng theo phiên bản ghi âm gần như cuối cùng của ba chúng tôi”.

Nói về album mới của ca sĩ Đức Tuấn, đại diện gia đình cho biết rất thích sự cách tân và màu sắc mới mà Đức Tuấn đã thể hiện.


“Từ nhiều năm nay, chưa thấy ai làm mới các ca khúc của ba tôi một cách đột phá, mang đến màu sắc mới như chàng ca sĩ trẻ này (Đức Tuấn - PV). Em đã thổi một luồng sinh khí mới, áo mới cho âm nhạc Trần Thiện Thanh. Gia đình rất thích và xin cảm ơn em vì tất cả tâm huyết, sự đầu từ kì công mà em đã thể hiện”. – Trần Thiện Thanh Trúc bày tỏ.

Từ Mỹ, chị Trần Thiện Thanh Trúc thẳng thắn bày tỏ: “Bố tôi có 5 người con, trong đó con chung với mẹ tôi là Trần Thị Liên gồm 4 người: Trần Thiện Anh Chương, Trần Thiện Thanh Trúc, Trần Thiện Thanh Trân, Trần Thiện Anh Châu và con với ca sĩ Kim Dung là Trần Thiện Anh Chính. Về mặt pháp lý, đây là 5 người con sở hữu và thụ hưởng hợp pháp nhạc của ba tôi. Cô Mỹ Lan không phải là người thụ hưởng hợp pháp tác quyền của ông và do đó, cô không có thẩm quyền can thiệp, lên tiếng về nhạc Trần Thiện Thanh”.

Trước đó, ca sĩ Mỹ Lan – người tự nhận là vợ cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh bất ngờ tố Đức Tuấn đã tự ý sửa lời ca khúc “Hoa trinh nữ”, ở hai chỗ: “lính phong trần” thành “khách phong trần” trong câu “Tôi chỉ là người lính phong trần” và “nước vua về” thành “rước vua về” trong câu “sau khi tan giặc nước vua về”.

Căng thẳng hơn, Mỹ Lan còn cho biết việc sửa lời làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của bài hát như vậy là “không thể chấp nhận được”. “Về bản quyền thì gia đình Mỹ Lan có quyền yêu cầu phía Việt Nam cấm lưu hành bài hát này và thông báo cho bên Youtube biết lên quan đến tác quyền”, trích chia sẻ của ca sĩ Mỹ Lan trên trang cá nhân.

Album hát nhạc Trần Thiện Thanh của ca sĩ Đức Tuấn được phát hành vào ngày 14/3/2019, gồm 11 sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ như: Mùa đông của anh, Trên đỉnh mùa đông, Khi người yêu tôi khóc, Hàn Mặc Tử, Hoa trinh nữ, Lâu đài tình ái, Chuyện hẹn hò, Tình đầu tình cuối...

Với hai bài Trên đỉnh mùa đông và Chiếc áo bà ba, Đức Tuấn song ca cùng danh ca Hương Lan theo thể loại world music. Album được phát hành trên các trang nhạc số bên cạnh định dạng CD, đĩa than và băng cassette.

Minh Đức
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÙI GIÁNG
NHẤT PHIẾN TÀI TÌNH THIÊN CỔ LUỴ


Bên Trung Quốc gọi nhà thơ Lý Bạch là “trích tiên” có nghĩa là ông tiên bị đày nơi đất Trích. Thì tôi cũng đặt nickname cho Bùi Giáng là… trích tiên, nhưng là ông tiên bị trời đày đoạ.

Tôi bảo vệ quan điểm ấy ngay từ hồi làm cố vấn văn hoá văn nghệ cho hoạ sĩ Ớt tức Huỳnh Bá Thành, thời anh còn sống và làm Tổng Biên Tập báo Công An TPHCM đầu thập niên 1990. Có lần anh hội ý với tôi về kịch bản phim MÊNH MÔNG TÌNH BUỒN (chuyển thể từ tiểu thuyết LUẬT NHÂN QUẢ mà tôi và Huỳnh Bá Thành là đồng tác giả). Anh Thành nói đại khái muốn cho thêm vài phân đoạn về sự có mặt của Bùi Giáng trong phim và hỏi tôi có ô kê không, thì tôi gật đầu cái rụp. Tôi trả lời: “Ô kê, vị trích tiên đó sẽ xuất hiện trong tư thế một đạo sĩ hoặc một nhà hiền triết giả điên để quan sát tấn tuồng đời”. Huỳnh Bá Thành sửng sốt: “Chú mày phong ông Bùi lên hàng trích tiên sao ?” “Đúng. Ông Bùi ra đời để chịu cảnh… nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ”.

Cuộc thí nghiệm của chúng tôi về Bùi Giáng đã làm cho điện ảnh bớt tính … quốc doanh và thêm phần phong phú. Lần đầu tiên lão thi sĩ giang hồ thứ thiệt múa may giữa cõi trần gian ta bà được đưa vào phim đẹp như siêu cao thủ hành khất Hồng Thất Công của kiếm hiệp Kim Dung. Mà so sánh Bùi Giáng là “siêu cao thủ” cũng chẳng sai. Chỉ nội chuyện ông đứng múa may bất chấp trời mưa trời nắng giữa các ngã tư giao lộ để “chỉ đường” xe cộ chạy đúng chiều thay cho đèn xanh đèn đỏ cũng đủ phải… kính nể. Ngày nào cũng làm “cảnh sát giao thông” từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ liên tục như thế chứng tỏ nội công ông quả thật phi phàm.

Mùng 2 Tết Quý Dậu vị “Mạnh Thường Quân” của tôi và ông là Huỳnh Bá Thành chết bất đắc kỳ tử. Tôi và ông mỗi người rơi nước mắt một kiểu. Đúng một năm sau vào ngày giỗ đầu vị cố Tổng Biên Tập, chị Ninh (vợ Huỳnh Bá Thành) nói với tôi: “Anh Ba Ớt hồi còn sinh tiền hay nói họ Bùi có hai kẻ chọc trời khuấy nước là Bùi Giáng và Bùi Chí Vinh. Ông Giáng ghé thắp nhang hồi nãy rồi, bây giờ Bùi Chí Vinh đốt cho anh Ba điếu thuốc trên bàn thờ đi”. Coi, tự nhiên tôi và Bùi tiên sinh dù chẳng họ hàng gì với nhau (tuy cùng họ Bùi) nhưng định mệnh gần như sắp đặt sẵn trên cửa miệng của vị Mạnh Thường Quân Ba Ớt. Thật ra định mệnh sắp đặt từ cách đây 25 năm trước. Cách đây 25 năm tôi và mấy huynh đệ giang hồ ngồi cụng ly nửa đêm ở góc chợ Gò Vấp.

Trong mấy huynh đệ có Lã Văn Cường, Nguyễn Hải, Hồ Lê Thuần (con trai cố bí thư Thành Đoàn Hồ Hảo Hớn)… Chúng tôi nhậu nhằm vào lúc Bùi Giáng rời chùa Long Huê gần đó ra chợ quậy tưng bừng khói lửa với một cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Gọi là ấn kiếm vì Bùi Giáng luôn vỗ ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng. Đêm đó “vua cỏ” Bùi Giáng làm bà con chạy tán loạn và ông múa chổi tiến về phía chúng tôi. Ông vừa đi vừa khạc thơ rồi dòm trừng trừng vào mặt tôi. Trong cơn say xỉn ngất trời, Hồ Lê Thuần xúi tôi đọc thơ đáp lễ. Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thi qua lại liên tục. Không biết Bùi tiên sinh “phê” thơ tôi ra sao, chỉ biết Người tự động quỳ xuống bàn chúng tôi dâng cây chổi rách lên và tuyên bố “Đêm nay Trẫm thay mặt cựu hoàng Bảo Đại giao ấn kiếm cho thế hệ trẻ”. Câu nói đầy tính “chính trị” và đối phó của Bùi Giáng bắt buộc tôi phải nhận cây chổi và làm một bài thơ tặng ông tại chỗ, có chép lại nhét túi ông đàng hoàng, xin mạn phép ghi ra đây để người đọc biết sự tỉnh táo và khôn ngoan của Bùi Giáng. :

CÁCH LẠY CỦA BÙI GIÁNG

“Liên tồn, l… tiên, liền tôn”
Bác Bùi chưa gặp đồng môn đây mà
Ta hăm bảy tuổi đăng khoa
Bác hơn sáu chục mới là Trạng Nguyên
“Bác đi, bi đát” cơn điên
Để mua trí tuệ “l… tiên, liên tồn”
“Riêng ta” thành “ra tiên” con
Lúc say xỉn vỗ hậu môn cười khà
“Bán dùi Bùi Giáng” xót xa
“Bình Chí Vui” ta vốn là “Bùi Vinh”
Bác không màng nhắc triều đình
Có đâu ta nỡ cố tình làm vua
Chi bằng giữa chợ say sưa
Bùi to Bùi nhỏ đi lùa các em
Kìa sao bác lạy như điên
Đợi ta đỡ dậy chiêu hiền nữa sao?!?

Cuộc hội ngộ thứ hai xảy ra khoảng đầu năm 1990 khi tôi chở hiền thê Hương Lan lúc đó mang bầu đứa con đầu lòng ghé chơi nhà Nguyễn Lương Vỵ, thi sĩ kiêm Trưởng phòng Văn Hoá Thông Tin quận Phú Nhuận. Tại phòng khách có mặt sẵn hai dị nhân Bùi Giáng và Joseph Huỳnh Văn. Sau khi làm thủ tục chào hỏi, Bùi tiên sinh hất hàm với tôi: “Phu nhân của Bùi hậu sinh có chữa hả, đặt tên gì chưa?”. Tôi trả lời rằng chưa thì Bùi Giáng vỗ bàn cái rầm: “Trẫm đề nghị đặt tên cho hậu duệ Bùi hậu sinh là Bùi Vương. Bởi họ Bùi chưa có ai làm vua cả”. Phát ngôn của Bùi Giáng làm cả bàn phì cười, lúc đó tôi giả tảng nhắc lại kỷ niệm cùng với Hồ Lê Thuần và mấy huynh đệ hội ngộ ông ở chùa Long Huê, Gò Vấp. Kỷ niệm sâu sắc đến mức tôi ghi lại bằng bài thơ HỌ BÙI đọc ra trước mặt ông, khiến ông hết sức tự hào:

HỌ BÙI
Ta kiếm hoài một gã họ Bùi
Trong lịch sử từng làm hoàng đế
Chỉ thấy họ Đinh, Lê, Trần, Lý
Thay phiên nhau mặc áo long bào
Gượng cười ba tiếng mà rơi lệ
Bùi gia trang tuyệt giống rồi sao?
Không xưng vương thì ắt cường hào
Ta bỏ sử đi tìm kinh sách
Nguyễn Đình Chiểu đui mà thấy hết
Gọi ngay ông Bùi Kiệm đến chào
Chao ôi thuỷ tổ nhà ta lạ
Khinh ngai vàng, mê gái thật sao?
Không xưng vương thì ắt xưng tao
Ta bỏ sách đi lùng tứ phía
Chùa Long Huê có người mũ tía
Trải chiếu rơm viết một chữ Bùi
Ta giả nhà sư đi ngắm nghía
Biết rằng Bùi Giáng ghé am chơi
Thế thì dòng dõi nhà ta quậy
Tửu sắc đều say đến bốc trời
Không lập đế vì ưng rượu đế
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Không lập chúa vì ưng nữ chúa
Thà lên… Bùi mãi, chẳng lên ngôi!

Chỉ cần hai ví dụ có nhân chứng, vật chứng trên đây tôi thiết tưởng độc giả cũng đoán được Bùi tiên sinh điên hay tỉnh. Theo tôi, điên hay tỉnh tuỳ phản xạ và đề kháng của chính ông khi tiếp xúc với người lạ. Gặp kẻ ác, kẻ vô cảm, kẻ ăn hiếp phụ nữ trẻ con và súc vật thì ông điên tới bến. Còn gặp tâm hồn tri âm tri kỷ đồng điệu thì ông tỉnh táo như “trích tiên” Lý Bạch chứ sao.

Thực ra định mệnh còn bắt tôi và Bùi tiên sinh đối tửu đối thơ trong những lần gặp nhau. Tôi nhớ có lần hẹn hò với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (hạ sơn từ núi Đại Lào) tại quán cà phê Hội Văn Nghệ TP 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3 thì trời… sắp mưa. Trong lúc “ngồi đồng” vì Nguyễn Đức Sơn chưa đến, tôi trò chuyện với anh Bùi Bảy và Vũ Ngọc Giao cho đỡ buồn. Ai ngờ đang trò chuyện rôm rã bỗng Bùi Giáng vác một túi vải đi đến. Trong bộ cánh “cái bang” Bùi tiên sinh mở túi vải cho bầy chó con chạy lăng xăng rồi múa may một điệu nhảy bộ lạc quanh bàn chúng tôi, sau đó kéo ghế ngồi gấp bởi… trời trút mưa đột ngột. Bùi tiên sinh chỉ mặt tôi rồi phán: “Bùi hậu sinh xuất khẩu ngay một bài thơ về trú mưa cho Trẫm. Thơ hay lát nữa Trẫm đãi két bia”. Dưới sự chứng kiến của những người cùng ngồi, sau khoảng 15 phút bài thơ HIÊN MƯA của tôi ra đời. Bài thơ khiến ông Bùi rất khinh khoái. Xin phép chép bài thơ ra đây cho các bạn thưởng thức:

HIÊN MƯA
Một hôm lãng xẹt mưa rơi
Giọt thưa giọt nặng khiến đời có hiên
Ta vào trú tuổi thanh niên
Chưa hai thứ tóc đã quên thiếu thời
Một hôm lãng xẹt mưa rơi
Thất thanh ta gọi em ơi đỡ buồn
Ngoài hiên đám trẻ bất lương
Coi thường phụ nữ cởi truồng tắm mưa
Trong hiên người lớn chẳng vừa
Nâng ly kể chuyện ngày xưa đa tình
Ta ngồi nghe ngóng văn minh
Uống một mình thấy hai mình ngất ngư !

Sau bài thơ tôi ứng khẩu, Bùi tiên sinh phun một loạt thi phẩm “tiếng lái” của ông. Thơ ông “độc” và “siêu” đúng trường phái Hồ Xuân Hương và tôi cũng tung hai bài thơ tiếng lái là bài QUỐC KỲ và ĐẢO NGỮ HÀNH đáp lễ. Bùi Giáng khoái chí quá tuyên bố: “Khanh là hậu sinh đối với Trẫm về thơ tiếng lái. Khanh thuộc loại “lái dỏm” bởi Hồ Xuân Hương và Trẫm đã làm trước rồi”.

Tôi bật cười và buộc phải chứng minh trường phái thơ “không giống ai” của mình. Đó là kiểu thơ chơi chữ tối đa nhằm xả stress. Cụ thể tôi bỏ các dấu gồm “dấu huyền, dấu hỏi, dấu sắc, dấu ngã, dấu nặng” xuống các mẫu tự của 24 chữ cái hoặc các từ ngữ để chúng hoá thành thơ. Xin thí dụ một vài đoạn ở đây:

BÃO
Giữa cuộc đời giông bão
Ta ruột xé gan bào
Văn miếu nuôi cường bạo
Triều đình nuôi hổ báo
Mình ta nuôi chiêm bao

QUẬY
Ở biển ta là cá quẫy
Sao ngươi đem bỏ mặt quầy
Giang hồ có câu phải quấy
Lẽ nào ta chịu lăn quay
Lẽ nào ta không dám quậy ?

THƠ
Có con ong thợ
Không thèm hít thở
Khí hậu đền thờ
Cho nên có thớ
Mật thành ra thơ

Cuối cùng chúng tôi kéo rốc qua quán bia đối diện ăn mừng cuộc tao ngộ chiến thành công tốt đẹp.

Ngày Bùi Giáng mất, xác quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm tôi có đến viếng ông. Thức một đêm cạnh quan tài Bùi tiên sinh cùng với bà chị nghệ sĩ Kim Cương (người lo hậu sự cho đám ma Bùi Giáng). Đêm đó chị Kim Cương và điêu khắc gia Phạm Cung đồng ý với tôi rằng sự nghiệp thơ ông Bùi không chỉ nằm trong sáng tác mà còn nằm trong chính cuộc đời của một vị trích tiên. Rằng ông giả điên như một “hành giã”. Thuở còn sống ông chỉ chơi với trẻ con, chuồn chuồn, châu chấu mà không hề quan tâm đến những kẻ hò reo tên tuổi hoặc ăn theo hư danh của mình…

Nhắc về chuyện thương yêu muông thú và bảo vệ môi trường phải nói ông Bùi là người có tình nghĩa số một, ông coi chim chóc cũng như con người. Tôi nhớ có lần gặp ông nằm khóc bù lu bù loa như con nít trước nhà Nguyễn Lương Vỵ bèn ngồi xuống hỏi tại sao thì ông giãy đành đạch mếu máo: “Bùi hậu sinh biết không Trẫm gửi một con chim se sẻ cho Phượng vợ thi sĩ Vỵ chăm sóc nào ngờ con chim sẻ bị con mèo hoang ác ôn mở cửa lồng ăn thịt nên quyết đến đây đòi lại xác con chim để làm đám ma long trọng cho nó”.

Viết đến đây cũng quá đủ để nói về tính cách của ông. Một vị trích tiên “tỉnh trong điên” và “điên trong tỉnh”. Bài viết này dù có muộn màng sau ngày giỗ của ông nhưng cũng là một nén nhang thắp cho bậc tiền bối “nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ”. Chỉ vì một chút tài tình mà vướng luỵ ngàn năm./.

BÙI CHÍ VINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIAI THOẠI VỀ BÙI GIÁNG


Có một hôm nhà thơ Bùi Giáng ghé thăm trụ sở Hội Nhà văn ở Sài Thành. Lúc bấy giờ, nhà thơ Thu Bồn đang đứng trò chuyện với nữ sĩ Thu Ba, trông thấy ông bèn gọi lại nói :

      - Nghe đồn ông có tài xuất khẩu thành thơ, hãy làm một bài cho anh em nghe chơi.....

     Bùi Giáng gãi tai trả lời  :
   - Lâu quá, không làm thơ nên quên tuốt hết rồi.

      Thu Ba năn nỉ :
      - Làm đại một câu lưu niệm đi mà. Từ lâu chỉ được :
            * Kiến văn kỳ thanh,
    Hôm nay mới được :
            * Kiến diện kỳ hình của ngài đó.

      Bùi Giáng cười móm mém :
        Nhưng tui làm dzở đừng có cười tui nghe !

        Thu Bồn giục :
        - Thội đừng khiêm tộn chi mô.....không cọ ai cười răng.

        Bùi Giáng tằng hắng một tiếng ....rồi phọt ra...hai câu thơ
         * Thu Ba khen ngợi Thu Bồn
         * Thu Bồn cảm động sờ vai Thu Ba.

       Thu Ba nhăn mặt :
       - Cha mạ ơi !.. Ông mần thơ lục bát... răng mà không cọ vần điệu chi tề !

       Bùi giáng trả lời :
       - Thì sức của tôi chỉ có vậy, cô muốn cho có vần thì tìm chữ khác thế vô đi.

       Thu Ba bỗng đỏ mặt hứ ....lên một tiếng....Bùi Giáng lại móm mém cười một cách hóm hỉnh rồi quay đi.

                                                                            Theo Thằng Mõ Magazine
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIAI THOẠI BÙI GIÁNG [3]
7)
Ông mê Truyện Kiều, thơ Huy Cận. Có lần ông nói với thi sĩ Trần Tuấn Kiệt là ông viết về triết học, bàn về tư tưởng hiện đại là để cuối cùng nêu lên mấy câu về Kiều hay của Huy Cận chơi! Thế mà không hiểu tại sao ông rất ghét Xuân Diệu! Có lần Xuân Diệu diễn thuyết trong khuôn viên Trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh, ông đi tới đi lui ngoài cổng trường và lầm bầm chửi rủa! (3)
8)
Một hôm, vào khoảng 1980, ông ngồi uống cà phê, mơ màng nhìn sang bên kia là đường Ðặng Thị Nhu, đột nhiên đôi mắt ông sáng lên . Té ra ông nhìn thấy một cuốn sách tiếng nước ngoài, bị chủ quầy đem lót dưới kệ sách thay cho gạch bởi vì từ lâu không có ai hỏi mua. Ông cuống quít móc những đồng bạc cuối cùng nài nỉ mua - vì không đủ tiền - rồi ông ngồi đọc say mê như người bị thôi miên, hoàn toàn không biết gì về mọi chuyện xung quanh!
9)
Một giai thoại chót: Giữa chợ trời đông như hội cuối đường Trương Minh Ký Sài Gòn sau tháng 4/75, đến trước một hàng bán phụ tùng xe đạp cũ, ông nhẩn nha vớ lấy cái “ghi đông” xe rồi tỉnh bơ bỏ đi. Bà chủ quán chạy theo la thất thanh nhờ thiên hạ bắt giùm “thằng ăn cắp”. Chẳng đợi ai bắt, ông quay lại trả cái ghi đông vào chỗ cũ và từ tốn phân bua đại để rằng: “Bà con thấy chưa, mất tất cả . . . mà phải câm, mất có cái ghi đông thì la rầm trời! Kỳ khôi quá!”. Hành động ấy là điên hay tỉnh đây!!  

T. V. Phê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIAI THOẠI BÙI GIÁNG [2]
5)
Nhà văn Hoàng Nguyên Nhuận kể rằng ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn thì ông là người duy nhất mặc đồ trận của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà với quần áo trận và nón nhưa (lớp trong của nón sắt)... Anh nhởn nhơ trong nhung phục ấy với một bầy chó năm bảy con cột dính chùm quanh lưng! Trước ngày đổi đời ông nhận được một số tiền nhuận bút. Ông ra phố rủ đám trẻ đánh giày, đám trẻ cầu bơ cầu bất trôi sông lạc chợ cùng ông ăn nhậu; còn bao nhiêu tiền ông mua chó để . . . phóng sanh!?

Nhà phê bình hội hoạ Huỳnh Hữu Uỷ cho biết có lần ông để quên đàn chó ở nhà nữ hoạ sĩ Bé Ký cả tuần lễ làm bà phải nuôi ăn và chăm sóc rất mệt!
6)
Nhà văn Cung Tích Biền cũng kể thêm có lần Bùi Giáng và ông đang đi long nhong gần nhà thờ Ba Chuông kiếm vài chung “quốc lũi” thì Bùi Giáng bỗng nói: “Cho ta về nhà chút đã!”. Hoá ra ông về để cho heo gà ăn “chớ không sợ tụi nó chết !!!”.  Về nhà trong hẻm gần cổng xe lửa số 6, đã thấy ngay trước hàng hiên có mấy con . . . heo đất, mấy con vịt nhựa, được đặt trong rọ hoặc úp bằng những cái rỗ đàng hoàng. Bên con heo đất hãy còn mấy cọng rau tươi, nơi gà vịt nhựa có gạo vung vãi! Một người bà con tiết lộ: “Phải chăm sóc cẩn thận, ảnh về thấy heo gà không có thức ăn ảnh khóc!”.

T. V. Phê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIAI THOẠI BÙI GIÁNG-[1]


1)
Một người cùng quê hỏi ông: “Thầy thường làm thơ như thế nào ?” Ông mỉm cười: “Qua làm thơ cũng giống như em là kỷ sư mà làm toán lớp ba rứa thôi”.  Ông nói câu đó rất tự nhiên, rất thành thật, chẳng có vẻ gì tự mãn.
2)
Nhà văn Cung Tích Biền, người đồng hương với ông kể rằng: Vào đầu thập niên sáu mươi, có lúc ông đi dạy Việt văn ở một trường Trung học tỉnh ly Một hôm giảng truyện Kiều, đến chỗ nàng Kiều phải hồng trần lưu lạc, thầy Giáng khóc oà! rồi thầy nhảy qua cửa sổ lớp học, băng bộ ra bến xe về Sài Gòn. Học sinh ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi đâu đó sẽ trở lạị Trên bàn sách vở, bao thuốc lá hãy còn. Hỏi lý do, thầy ngậm ngùi nói: “Làm sao mà trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn!”.
3)
Một ngày vào năm 1963, thi sĩ Viên Linh chở Bùi Giáng đi thăm người tình. Ông rất trang trọng trong cuộc đi thăm này Trước khi đi, ông mặc gần một chục chiếc sơ mi chồng lên nhau, áo sạch giặt ủi đàng hoàng. Ra khỏi cửa ông lột chiếc sơ mi đầu tiên ném xuống đường, hối Viên Linh đi, rồi lần lượt ném gần hết áo, tới trước nhà người yêu ông cởi đến chiếc kế chót, còn lại chiếc chót ông mới bước vào nhà người yêu.
Một lúc sau ông trở ra hí hửng. Viên Linh hỏi ông:

- Sao ông mặc nhiều áo thế rồi cứ cởi ra vứt đi vậy ?
- Tau phải làm thế, đến với người yêu thì phải trong sạch từ tâm hồn đến thể xác. Những chiếc áo bận đi đường bị nhuốm bụi hồng trần, tau đến với nàng phải là chiếc áo tinh khiết nhất ... như tâm hồn tau vậy ! (1)
4)
Khoảng năm 1967-1968, độc giả cười nghiêng ngửa khi Ao Thả Vịt (nhật báo Sống - Chu Tử) loan tin rằng thi sĩ Bùi Giáng yêu say đắm kỳ nữ Kim Cương. Ông yêu đến nỗi phải làm thơ gọi Kim Cương là Mẫu thân. Khối tình đơn phương đó vẫn bền bỉ trong Bùi Giáng. Có hôm ông ngất ngưởng ngồi xe xích lô đến tận nhà thăm nàng. Ông sơn móng chân móng tay, đánh phấn thoa son cẩn thận. Gọi cửa nàng không ra, ông lấy đá chọi rầm rầm vào nhà. Nàng phải xuất hiện để ông thấy mặt và nói vài lời rồi đi. Chỉ có thế thôi !  (1)

Sau này trong dịp niệm kinh cho ông, nghệ sĩ Kim Cương - người mà Trung Niên Thi Sĩ chép tặng bài thơ Sầu Ca Sĩ trong tập Ðường Ði Trong Rừng - tâm sự: Tôi may mắn được thi sĩ Bùi Giáng nhắc đến trong thơ và ngoài đường lang thang.

Một khuya đã lâu lắm rồi, chừng hơn 25 năm trước, anh đập cửa nhà tôi và hét: “Mẫu thân, mở cửa!”. Tôi hỏi anh Giáng ở đâu về mà bơ phờ vậy? Anh bảo ở nhà thương Biên Hoà, khi không có một Bồ Tát hiện tới bảo anh phải về Sài Gòn gấp để nhờ “mẫu thân” Kim Cương bảo lãnh mới “an toàn hiện sinh sinh hiện”. Tôi nói không dám nhận mấy tiếng “mẫu thân”. Anh quát: “Ðồ phàm phu tục tử như ái khanh một triệu năm sau chưa hiểu thấu tình yêu của Trẫm!” Tôi chỉ cười và kính anh là tài hoa muôn một (2)

T. V. Phê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ANH DZOANG PHÓNG BÚT LÀM THƠ
TRÊN… PHONG BÌ


Hỏi rằng tiền bạc của Trung niên thi sĩ ở đâu mà ra? Câu trả lời ở giữa lộ trình ngao du: Bỗng nhiên Đại ca xích lô nghe: dừng lại đây đi Đại ca. Điểm dừng là một biệt thự kín cổng cao tường, từ bên trong nghe tiếng chó dữ hực lên.

Đại ca mới nghe đã muốn tháo chạy, nhưng Trẫm thì điềm nhiên, bảo Đại ca cho xe chạy sát vào cánh cổng nơi có nút bấm, tiếng chuông vang lên rền rĩ kèm theo tiếng của chủ nhân lao xao ra mở cửa.

“Ai đó...” - một giọng điệu kéo dài hách dịch. Hắng giọng: “Trẫm đây Đại ca...”. Cửa mở toang và giọng người reo vui: “Trời đất ơi, anh Dzoáng ngọn gió nào đưa anh tới đây”.

Vẫn kẻ đứng người ngồi, Trẫm tỉnh queo: “Thì đi rong chơi, mi có buồn không nếu tao vay mi ít tiền”. Chủ nhân không một chút buồn phiền trái lại còn vui mừng ra mặt vì được cụng phụng cho thi sĩ: “Dạ được được mà anh Dzoáng chờ em một chút!”.

Nói xong, chủ nhân quay thật nhanh vào nhà, và cũng thật nhanh đã quay trở lại, dường như sợ nếu chậm anh Dzoáng sẽ đi mất tiêu, trên tay là một phong bì màu xanh kính cẩn dâng lên.
Thi Sĩ nhét vào lưng quần xong rồi nhàng nhẹ: “Ta viết cho mi một bài thơ hí?”. Nói xong không đợi trả lời anh Dzoáng phóng bút làm ngay một bài thơ ngay trên chính cái phong bì đó. “Đây ta tặng”. Chủ nhân chưa kịp cám ơn thì thi sĩ đã vỗ càng xe “Đi thôi Đại ca ơi...”.

NGUYỄN TẤN CỨ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHI “TRẪM” BÙI GIÁNG
TẶNG THƠ CHO CÁC “ĐẠI CA”


Cân nhắc mãi, rồi tôi thấy không thể không viết về con người có nhiều giai thoại này. Bởi cơ duyên, nhiều câu chuyện về ông tôi được tận mắt chứng kiến, bất ngờ thấy được. Đặc biệt là chuyện ông tặng thơ cho người đời.

Tôi xin gọi ông theo nhiều danh xưng mà người đời đặt cho Bùi Giáng: Bùi tiên sinh, Trung niên thi sĩ, Đười ươi thi sĩ. Còn Bùi Giáng thì ngấm ngầm cà rỡn tự cho mình là Đại Vương nên chỉ yêu những người đẹp nhất trên trần gian, và ông thường tự xưng là Trẫm.

Nhắc đến thi sĩ Bùi Giáng người ta thường hay nhớ đến một gã trung niên sặc sỡ màu sắc xanh xanh vàng vàng đỏ đỏ với đôi mắt sáng quắc sau một đôi kính cận dày cộp.

Khắp Sài Gòn Chợ Lớn người ta thường thấy thi sĩ thoắt ẩn thoắt hiện như một kiếm khách có thân thủ phi phàm với lối phục trang quái dị vá chằng vá đụp nhìn như đệ tử của cái bang trong truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Nhưng nếu ai có một chút thẩm mỹ nhứt định sẽ phải thán phục cho cách chọn màu sắc của thi sĩ vì nhìn kỹ sẽ thấy đây là một mảng màu hội hoạ sạch sẽ cực đẹp.
Đây đúng là một kiểu thời trang của Bùi Giáng từ cái kính cho đến đôi giày rách, cái nón và cái bị, tạo thành một bức tranh kì lạ. Giống như một đạo sĩ của thời Xuân thu Chiến quốc, cái màu sắc ấy cũng thay đổi từng ngày khi người ta chợt bắt gặp Bùi đại ca đang múa may quay cuồng ở chợ Tân Định và chỉ một loáng sau đã thấy thi sĩ đang ngao du ở tận chợ Bà Chiểu.

Ông đi như mây lang thang như gió, hết quận nầy đến quận khác, hết quán nầy đến quán kia. Cung cách ăn uống của Bùi Giáng thì phải nói là đặc biệt, chỉ Bùi Giáng mới có.

Xích lô là phương tiện phổ quát nhất mà Bùi đại ca thường hay dùng để di chuyển khắp Sài Gòn Chợ Lớn, ngoài việc đi bộ. Ông có cả một đội xích lô thân quen.
Nhiều anh em văn nghệ yêu thích ông nên cũng thường hay xin ông cho thơ, việc này không hề khó, thi sĩ luôn sẵn lòng dâng hiến cho những ai yêu thi ca. Nhưng ông luôn đề tặng theo ý mình.
Nghe mấy anh xích lô này kể, mỗi lần chở Trung niên thi sĩ là vui nhất trên đời vì ông luôn luôn cho ăn nhậu no say. Không biết tiền ở đâu ông luôn cho anh em rất hậu, mỗi lần chở “bệ hạ” là có thể sống được ba bốn ngày.

Nói “bệ hạ” vì Bùi Giáng có một lối xưng hô rất ư là phiêu bồng cà rỡn hảo hán Lương Sơn Bạc: “Cho Trẫm về Chợ Lớn đi Đại ca”. Chỉ cần nghe như vậy, đại ca xích lô đã sướng rân lên cười toe và cung kính hạ càng: “Dạ xin mời Bệ hạ an toạ, Đại ca xin hầu ngài”. Với nụ cười an nhiên vi tiếu, Bùi đại vương nhảy tót lên xe một cách điệu nghệ, hai thầy trò bắt đầu cuộc “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”.

Đói thì ăn khát thì uống mệt quá thì nghỉ, gốc cây hè đường công viên ghế đá bất cứ chỗ nào thích là dừng. Nhưng có điều lạ là “Trẫm” vẫn ngự trên xích lô bất cứ nơi đâu, Đại ca thì tuỳ thích nhưng làm ơn đừng cho chiếc xích lô chổng gọng ngã nhào khi Trẫm đang ngự là được rồi.

Trẫm thích lim dim trong cái náo nhiệt ầm ì giữa Sài Gòn hoa lệ. Nếu có mỏi qúa vì phải ngồi lâu, Trẫm sẽ đột nhiên phóng cái ào xuống đường chơi một vài điệu luân vũ của đười ươi rớt hột trước những đôi mắt thảng thốt của con người... Xong rồi, “phóc” lên yên đi thôi Đại ca, hỏi rằng Trẫm sẽ đi đâu/ Thưa rằng Trẫm sẽ đi lâu chưa về.

Đi đâu bây giờ, Đại ca gióng tiếng hỏi... Trẫm trả lời: “Đại ca chở Trẫm về quận 3 đi, vào cái quán bia ấy biết không”. Tất nhiên là phải biết rồi làm sao không. Xe trực chỉ quán 81 (đường Trần Quốc Thảo – trước đây tôi đã có bài viết về những kỷ niệm văn nhân thi sĩ tại quán này – TG).

Từ xa, anh em đã thấy xe của Trung Niên Đười Ươi Thi sĩ xuất hiện cập vào hàng hiên của quán. Vẫn trên xe, thi sĩ quát vào: “Cho hây [hai] chai Soài goòn”.
Bia được đưa ra kèm theo một đĩa đậu phụ. Hai thầy trò ngồi ngay trên xe nhậu khề khà. Ông Bùi nhậu không nhiều, chỉ mới hai ve là mặt đỏ gay mắt sáng rực lên như hai ngọn đèn pha.

Đại ca xích lô muốn uống bao nhiêu thì uống, nhưng nhớ không được say kềnh ra vì còn phải đưa Trẫm về nữa. Bao nhiêu Trẫm thanh toán hết lại còn boa lưng tưng đầu mày cuối mắt cho mấy em phục vụ.Và cũng nhanh như lúc đến hai thầy trò lại ra đi sau một màn nhảy múa ngay trên sân của quán nhậu.

Chuyện đi xe xích lô của Trung niên thi sĩ cũng nhiều cái kỳ quái. Như lần ông đi đường vào giờ cao điểm, làm sao để có thể vượt qua cái đám đông lô nhô lúc nhúc kia đang kẹt cứng sau buổi chiều tan tầm đây?

Chuyện nhỏ đối với Trung niên thi sĩ, không biết từ đâu Anh Dzoáng bỗng có một cái tu huýt thổi lên rầm trời cùng với một chiêu lăng ba vi bộ bay ra giữa ngã tư bắt đầu một cuộc nhảy nhót hoành tráng tả xung hữu đột như phim.

Bùi thi sĩ biến thành một cảnh sát giao thông có một không hai trên cái trần gian lộn xộn hỗn mang này. Lạ thay, dòng xe cộ đang dừng như bị một cái đập ngăn bỗng dưng như được tháo chốt lăn bánh trôi từ từ theo những động tác điều khiển điệu đàng như một nhạc trưởng của Trung niên thi sĩ.

Chưa vội chấm hết cho cuộc trình diễn, thi sĩ tiếp tục múa may theo nhịp điệu tiếng còi thêm một hồi nữa cho đến khi xe cộ lưu thông theo ý muốn rồi tự dưng ông biến mất. Lát sau, người ta đã thấy hai thầy trò thong dong ngao du ca hát cùng bạn bè ở Bà la chân Tân Định kia rồi.

Như đã viết, Bùi Giáng có một lối ngồi ăn uống và cả làm thơ hết sức đặc biệt, nghĩa là chỉ ngồi trên xe xích lô thôi không bao giờ ngồi trên ghế của bất cứ quán nào.
Ngay cả cách xưng hô “Trẫm và Đại ca” cũng là một cách tếu táo thâm trầm nhưng vô cùng cà rỡn của Bùi Giáng. Nhiều anh em văn nghệ yêu thích ông nên cũng thường hay xin ông cho thơ, việc này không hề khó, thi sĩ luôn sẵn lòng dâng hiến cho những ai yêu thi ca. Nhưng ông luôn đề tặng theo ý mình.

Vậy nên mới có chuyện một anh chàng làm thơ nọ được Bùi thi sĩ tặng thơ có lời đề tặng như sau: “Bài thơ này Trẫm tặng cho Đại ca QYZ, kí tên Trẫm, Bùi Giáng”.
Sướng quá, anh này bèn đem khoe với mọi người và toáng lên rằng: “Được Bùi Giáng nể lắm nên mới gọi là Đại ca”.

Nhưng khi nghe một đàn anh phân tích, anh này mới tá hoả vì hiểu ra Trung niên thi sĩ đang cà rỡn la cà chữ nghĩa với mình, nhưng có hề chi chỉ vui vui vì cái kiểu cà rỡn ta bà của thi sĩ.

Không chỉ một mình anh này mà nhiều người khi được Bùi Giáng tặng thơ cũng đều có chung một lời đề tặng như thế không sai một chút nào.

Có một giai thoại do Bùi Chí Vinh kể rằng, anh cũng được Bùi Giáng nâng một cái... chổi truyền lại cho Bùi Chí Vinh như truyền vương trượng sau khi nghe Vinh đọc thơ.
Hư thực không biết nhưng có người bảo rằng Vinh bị Bùi Giáng cà rỡn mà thôi chứ làm gì có chuyện truyền “ngôi báu thi ca”. Vì nói cho cùng thì Bùi Giáng vẫn là Bùi Giáng, không ai có thể là truyền nhân được.

Vì sống điêu linh thơ mộng được như Bùi thi sĩ đã là chuyện vô cùng khó rồi. Còn làm thơ lại càng khó hơn vì cái lối tung hứng chữ nghĩa độc nhất vô nhị đến vô ngôn vô cùng của thi sĩ họ Bùi, lại có vô chừng ngữ nghĩa rập rờn âm thanh trong thơ của ông.

NGUYỄN TẤN CỨ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ DUỆ


Trạng nguyên Vũ Duệ tên thật Vũ Nghĩa Chi. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, ông sinh năm 1468 trong gia đình nghèo ở làng Trình Xá, tỉnh Phú Thọ.

Tương truyền, từ nhỏ, Chi đã nổi tiếng thông minh, ứng đối nhanh. Ngày nọ, cha mẹ đi vắng, một người đến đòi nợ, chỉ thấy cậu bé ở nhà bèn hỏi xem người lớn đi đâu.
Nghĩa Chi đáp: “Bố tôi đi chém cây sống, trồng cây chết. Mẹ đi bản gió, mua que”.
Người kia lấy làm lạ, suy nghĩ mãi mà không hiểu cha mẹ cậu bé đi đâu. Cuối cùng, ông ta dỗ dành, hứa xoá nợ cho gia đình nếu Nghĩa Chi trả lời thẳng.

Thần đồng lém lỉnh yêu cầu chủ nợ ấn tay lên cục đất dẻo làm tin rồi mới cho biết, cha cậu đi nhổ mạ để cấy còn mẹ đi bán quạt.

Hôm sau, người kia đến lúc cha mẹ Chi đang ở nhà. Cậu bé đưa cục đất có in dấu tay chủ nợ và yêu cầu ông thực hiện lời hứa. Ông ta chấp nhận xoá nợ, hy vọng cha mẹ Nghĩa Chi dùng tiền đó mua sách cho cậu đi học.

Còn theo Kho tàng về các ông trạng Việt Nam: truyện và giai thoại của Vũ Ngọc Khanh, nhà nghèo, cha mẹ không đủ tiền cho Vũ Nghĩa Chi ăn học. Hàng ngày, cậu phải trông em, nấu nướng để cha mẹ đi làm đồng.

Gần nhà, một ông thầy đồ mở lớp học. Sáng nào, Nghĩa Chi cũng cõng em, đứng ngoài hiên, học lỏm.

Nhiều bạn ghen ghét nhưng thấy ông đồ không nói gì nên cũng không dám có ý kiến. Hơn nửa năm, cậu vẫn chuyên cần đến lớp.

Một hôm, thầy đồ nảy ý định đuổi khéo cậu học trò học lỏm. Ông ra câu hỏi hóc búa với ý định nếu cậu ta không giải được tất sẽ hổ thẹn rồi tự bỏ đi, còn cậu đáp đúng, ông sẽ tìm cách giúp đỡ về đường học vấn.

Trước hết, thầy đồ lần lượt gọi các học trò trong lớp nhưng hơn nửa không đáp được. Bấy giờ, ông mới nhìn về phía cậu bé đứng ngoài hiên, hỏi liệu có thể trả lời không.

Câu trả lời mạch lạc của cậu bé nhà nghèo khiến thầy đồ tán thưởng. Sau khi biết tên cậu là Nghĩa Chi, ông đề nghị đổi sang Duệ, bày tỏ ý khen ngợi tài năng.

Từ đó, Vũ Nghĩa Chi lấy tên là Vũ Duệ và trở thành học trò chính thức của thầy đồ. Duệ rất thông minh, chỉ cần đọc sách một lần đã nhớ.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), dưới thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Duệ đỗ trạng nguyên khi mới 22 tuổi. Vua Thánh Tông rất tán thưởng tài năng cũng như đức độ của vị trạng nguyên trẻ tuổi.

32 năm làm quan, Vũ Duệ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới các đời vua Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực và Chiêu Tông.

Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm 1522, Mạc Đăng Dung soán quyền, phế truất vua Chiêu Tông, lập vua Lê Cung Hoàng.

Tháng 10 năm đó, Vũ Duệ cùng Lại bộ thượng thư Ngô Hoán và môn đồ là Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo vua Lê Chiêu Tông, nhưng đến Thanh Hoá thì mất liên lạc, không biết vua ở đâu. Sau đó, họ hướng về lăng tẩm nhà Hậu Lê ở Lam Sơn, Thanh Hoá, bái vọng, rồi tự vẫn.

Sau này, tiến sĩ Hà Nhiệm Đại triều Mạc làm vịnh ca ngợi ông:

Tuổi trẻ đỗ đầu các khoá thi
Danh nho sự nghiệp thật là kỳ
Trung, trinh Thiếu Bảo lòng như thép
Không phụ Thuần Hoàng đoán tự xưa.

Năm 1566, vua Lê Anh Tông xếp Vũ Duệ hàng đầu trong 13 vị đại thần tử tiết. Triều đình cho xây dựng đền thờ Vũ Duệ ở xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ. Đền có tên là “Trạng nguyên tiết nghĩa từ”.

Nguyễn Sương tổng hợp
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] [45] [46] ... ›Trang sau »Trang cuối