Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 23

NHÀ TRẦN DÙNG THUỶ QUÂN LẤN BIÊN
RA OAI VỚI NHÀ TỐNG


1.
Tình hình đất nước sau cuộc đổi ngôi Lý – Trần

Dưới sự cai trị của vương triều Lý, nước Đại Việt đã có hơn hai trăm năm phát triển mạnh mẽ và ổn định về mọi mặt. Thế nhưng không nằm ngoài quy luật thịnh suy của các triều đại phong kiến, triều Lý xuống dốc thảm hại trong thời kỳ trị vì của các ông vua nhỏ tuổi, kém năng lực. Dưới thời vua Lý Cao Tông, chính sự thối nát, đất nước loạn lạc. Họ Trần nổi lên từ đất Tức Mặc, nhờ công cứu giá vua Lý Huệ Tông và đánh dẹp nội loạn mà dần trở thành thế lực cát cứ hùng mạnh. Thế lực họ Trần nắm vua trong tay, cùng thế lực của Đoàn Thượng ở Hồng Châu, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang tạo thành thế chân vạc. Quyền bính họ Trần ban đầu nằm trong tay Thái uý Trần Tự Khánh. Sau khi Trần Tự Khánh mất, em họ ông là Trần Thủ Độ giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ nằm hết chính sự.

Vua Lý Huệ Tông nhu nhược, lại mắc bệnh điên và không có con trai. Ông đã truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh mới lên 6 tuổi, sử gọi là vua Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ nhân việc này mà thu xếp cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, sau đó sắp đặt việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Năm 1225, Trần Cảnh được vợ nhường ngôi khi mới 7 tuổi, tức là vua Trần Thái Tông (Trần Thừa là cha đẻ vua được tôn làm Thượng hoàng, sau khi mất truy tôn là Trần Thái Tổ). Cuộc đổi ngôi từ họ Lý sang họ Trần được coi là êm thấm hiếm có trong lịch sử Việt Nam.

Bằng nhiều biện pháp từ nhẹ nhàng đến thô bạo, Trần Thủ Độ đã một tay lèo lái giữ vững cơ nghiệp ban đầu của Trần triều. Ông đã bức tử vua Lý Huệ Tông để trừ hậu hoạ. Nhân dịp tôn thất họ Lý tập trung bái tế tổ tiên, Trần Thủ Độ cho đào hố đặt bẫy chôn sống hàng loạt tôn thất triều Lý có ý chí phản kháng. Họ Lý trong cả nước bị bắt đổi thành họ Nguyễn với lý do kỵ huý Trần Lý, vốn là tổ tiên họ Trần. Chế độ hôn nhân trong nội bộ hoàng thất nhà Trần được Trần Thủ Độ đề ra nhằm tránh đi vết xe đổ mất ngôi về tay ngoại thích của họ Lý. Lý Chiêu Hoàng từ ngôi vị hoàng đế sau khi nhường ngôi cho chồng thì được phong làm Chiêu Thánh hoàng hậu, sau lại bị giáng làm Chiêu Thánh công chúa. Tất cả những điều đó đều là kịch bản của Trần Thủ Độ cả.

Đối với thế lực cát cứ bên ngoài, vương triều mới tổ chức đánh dẹp những thế lực nhỏ yếu, hoà hoãn, phong tước cho hai thế lực cát cứ mạnh là Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn. Năm 1228, Nguyễn Nộn đánh giết được Đoàn Thượng, thu phục một phần lực lượng Hồng Châu, thế lực càng mạnh. Trần Thủ Độ một mặt điều quân phòng giữ nơi trọng yếu, mặt khác xin vua gởi thiệp chúc mừng đến Nguyễn Nộn, gia phong tước Hoàng Đạo Hiếu Vũ Vương, gả công chúa Ngoạ Thiềm cho Nguyễn Nộn để kết thân và do thám. Nguyễn Nộn cũng chấp nhận thuần phục triều đình. Chẳng lâu sau đó, năm 1229 Nguyễn Nộn chết vì bệnh tật, lực lượng tan rã nhanh chóng. Bất giờ đất nước mới thực sự quy về một mối. Từ đây, Đại Việt dưới triều đại nhà Trần tiếp tục đà phát triển vững mạnh mà vương triều Lý đã gây dựng.
2.
Sức mạnh của Đại Việt, tiền đề cho công cuộc chống ngoại xâm

Triều đình tập trung vào việc đắp đê trị thuỷ, phát triển nông nghiệp. Các ngành nghề khác cũng có điều kiện phát triển dưới sự thái bình mà triều đại mới mang lại. Tam giáo Nho, Phật, Lão đều phát triển mạnh, bổ trợ cho nhau trong việc định hình một hệ tư tưởng chung cho xã hội. Bình dân đa phần sùng đạo Phật, trong nước nhiều người cạo đầu, nếp sống vì thế mà an phận, thích hoà bình. Giới quan lại, quý tộc thì ngoài đạo Phật còn chăm trao dồi đạo Nho. Nho giáo tốt cho việc khiếu học và giúp giữ vững luân lý của một nhà nước quân chủ. Bên cạnh việc tổ chức đất nước theo phép tắc cũ từ thời nhà Lý, Đại Việt thời Trần có đặc trưng là hình thành một tầng lớp quan liêu quý tộc họ Trần đông đảo. Những vương hầu họ Trần được phân phong các thái ấp.

Mỗi thái ấp là một lãnh địa phong kiến có một số quyền tự trị nhất định như thu tô, tuyển mộ gia thuộc và thân binh. Khi không có việc cần, các quý tộc ở trong thái ấp của mình, khi cần thì vua sẽ triệu họ vào triều. Quan hệ giữa vua với các quan lại cao cấp ngoài nghĩa vua tôi còn có tình cảm thân tộc, gia đình. Vì vậy mà trong triều chính sự dễ dàng thông suốt do có nhiều sự tin cậy lẫn nhau. Ví như Trần Thủ Độ chuyên quyền, uy thế lớn hơn cả vua nhưng vua Trần vẫn hoàn toàn tin tưởng vì là chỗ tình thâm. Thủ Độ cũng hết lòng mà phò tá vua.

Nhà Trần chú ý phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự là lĩnh vực tối quan trọng để bảo vệ đất nước. Quân đội Đại Việt thời này bao gồm cấm quân, sương quân, lộ quân và thân quân của các vương hầu. Cấm quân có quân số chừng 2-3 vạn đóng ở kinh đô là lực lượng nòng cốt tinh nhuệ nhất đất nước, tuyển chọn từ những binh sĩ giỏi nhất trong toàn quân đội, được thích chữ Thiên Tử Binh trên trán, xăm hình rồng cùng hoa văn trên người. Cấm quân đặt dưới sự chỉ huy của Điện tiền chỉ huy sứ. Sương quân là quân được tuyển từ những trai tráng khoẻ mạnh trong nước để đóng giữ ở những vùng phụ cận kinh đô. Sương quân hoạt động theo chế độ luân phiên. Khi đến phiên, quân lính sẽ nhập ngũ để huấn luyện và chiến đấu. Hết phiên thì quân lính về nhà làm ruộng, cứ thế thay nhau tại ngũ. Lộ quân cũng như sương quân nhưng là quân đóng ở các lộ phủ, giữ vai trò phòng thủ tại địa phương và được điều động phối hợp với cấm quân, sương quân khi có chiến tranh lớn. Các quan lại địa phương có quyền tự tuyển mộ lộ quân dưới sự giám sát của triều đình trung ương. Các vương hầu cũng được tuyển thân binh để dùng khi có việc cần. Nhờ chính sách tuyển mộ quân lính linh hoạt và tiếp nối chính sách Ngụ Binh Ư Nông, triều Trần không tốn quá nhiều nguồn lực nuôi quân nhưng luôn có được số quân đông đảo khi cần thiết. Tổng quân số Đại Việt đầu thời Trần trong điều kiện hoà bình có khoảng 10 vạn quân, thay phiên nhau về làm ruộng (trừ cấm quân). Tổng số dân Đại Việt thời này chừng 6 - 7 triệu người. Khi có chiến tranh, quân số sẽ tăng lên nhiều để đủ sức đương đầu với kẻ thù.

Triều đình rất chú trọng giảng day binh pháp và võ nghệ cho các tướng sĩ. Giảng Võ Đường là một trường quân sự cao cấp được thành lập để đào tạo, trao dồi kỹ năng cho các tướng lĩnh. Nhà Trần xây dựng quân đội theo phương châm “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (cần tinh nhuệ chứ không cần nhiều). Quân lính được huấn luyện để tinh thông cả binh pháp lẫn võ nghệ, được trang bị tốt. Thời kỳ này quân chủng mạnh nhất của Đại Việt là thuỷ binh với nhiều loại thuyền tối tân. Kỵ binh, bộ binh, tượng binh cũng là những lực lượng mạnh.

Từ quý tộc đến bình dân, nô tì ai ai cũng có tinh thần thượng võ. Con trai nhà quý tộc đều được đào tạo võ nghệ, sử dụng các loại binh khí, luyện tập cỡi ngựa, bắn cung. Nô tì trong các thái ấp cũng được huấn luyện võ nghệ. Môn thể thao được yêu bậc nhất thời này là môn đô vật. Những ngày lễ hội thường tổ chức đấu vật cho các trai tráng thi thố. Ngoài ra, còn một môn “thể thao” được giới vương tôn ưa chuộng khác là gây sự đánh nhau bằng tay không và một mình đi “ăn cướp” (cướp của là việc phụ, chủ yếu là đánh nhau tranh hơn). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Bấy giờ các vương hầu phần nhiều coi việc đánh nhau bằng tay không và một mình đi cướp là dũng cảm”.

Trong thời vua Trần Thái Tông trước khi quân Mông Cổ xâm phạm thì đất nước tương đối thái bình. Lần động binh lớn nhất trước kháng Mông Cổ chính là lần thân chinh của vua Trần Thái Tông đánh Chiêm Thành năm 1252 để răn đe việc vua Chiêm Thành đòi đất cũ mà Chiêm Thành đã dâng cho Đại Việt từ thời Lý. Lần này Đại Việt toàn thắng, bắt được vợ và nhiều thê thiếp của vua Chiêm Thành, cùng nhiều dân Chiêm rồi rút quân. Ngoài chiến sự Việt Chiêm, lần động binh khác tuy nhỏ hơn nhưng cũng rất đáng quan tâm là việc tuần biên phía bắc của vua Trần Thái Tông năm 1247. Vua Trần Thái Tông tự phụ thuỷ quân của mình tinh nhuệ, sẵn việc tuần biên thì đi cả sang đất Tống. Vua xưng là Trai Lang, cho chiến thuyền đi dọc khắp trại Vĩnh Bình thuộc Ung Châu, rồi đi sang cả Khâm Châu và Liêm Châu nước Tống mà neo thuyền. Dân Tống không hiểu quan quân từ đâu ra, sợ hãi bồng bế nhau mà chạy tán loạn cả một vùng. Sau đó người Tống biết được là quân Đại Việt, bèn dùng xích sắt chặn sông ngăn đường về nước. Vua Trần Thái Tông vẫn ung dung rút quân về, nhân tiện còn sai quân nhổ neo sắt mà đem về nước dùng. Cuộc đi tuần lấn biên này là chứng tỏ sự hùng mạnh cuả quân Đại Việt với người Tống.

Chỉ với quãng thời gian chừng hơn hai mươi năm ổn định và phát triển đất nước sau nội chiến và cuộc đổi ngôi Lý – Trần, nước Đại Việt lại vươn lên mạnh mẽ. Bấy giờ đất nước thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Quân đội Đại Việt thời Trần Thái Tông tỏ ra vượt trội hơn hẳn các nước lân bang, dân chúng thì yêu nước và tin tưởng vào triều đình mới. Đó là những tiền đề quan trọng để đất nước bước qua những thử thách ngặt nghèo phía trước.

QUỐC HUY

https://2.bp.blogspot.com/-HAzFZA3M27o/WgfcXsjmieI/AAAAAAABObw/UuQ0xt9P92QEYH88U9lDx7wlh5atWQn8QCLcBGAs/s640/24.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 24

TRƯỚC KHI QUYẾT CHIẾN VỚI ĐẠI VIỆT
QUÂN MÔNG BÌNH TỐNG, PHẠT NGA


1.
Sự trổi dậy của đế quốc Mông Cổ, đặc trưng của quân Mông Cổ

Vào cuối thế kỷ 12, các bộ lạc du mục ở khu vực thảo nguyên Trung Á, phía bắc Trung Quốc bước vào giai đoạn hình thành một quốc gia thống nhất. Thời kỳ này người Mông Cổ có các liên minh bộ lạc lớn là Khiết Liệt, Mông Cổ, Nãi Man, Thát Đát… Do sự chia rẽ về lợi ích và chịu ảnh hưởng chính sách chia để trị của đế quốc Kim, các bộ lạc Mông Cổ vẫn thường xuyên đánh lẫn nhau. Bấy giờ, một nhân vật kiệt xuất của người Mông Cổ nổi lên, đó là Thiết Mộc Chân (Temujin), thuộc bộ lạc Khất Nhan. Người này đã từng bước lập nên một liên minh lớn, tung quân đánh dẹp các bộ lạc thù địch, thống nhất được Mông Cổ. Năm 1206, hội nghị các quý tộc Mông Cổ đã tôn xưng Thiết Mộc Chân làm Thành Cát Tư Hãn ( Genghis Khan), nghĩa là Vua của thiên hạ. Từ đây, Mông Cổ liên tục có những chiến dịch xâm lược quy mô lớn trên khắp các hướng. Tiến độ bành trướng của đế quốc Mông Cổ là chưa từng thấy trong lịch sử. Ban đầu, Mông Cổ thu phục nhanh chóng các bộ tộc lân cận người Khiết Đan, Đột Quyết. Sau đó lần lượt các đế chế hùng mạnh hàng đầu xung quanh bị đánh bại.

Năm 1206 Thành Cát Tư Hãn dẫn quân xâm lược nước Tây Hạ. Đến năm 1227 thì Tây Hạ vong quốc.

Năm 1219 quốc gia bá chủ Trung Á là Hoa Thích Tử Mô (Khwarezm), một đế chế có tính chất kế thừa đế quốc Ba Tư (bao gồm Iran, Iraq ngày nay và một số vùng lãnh thổ khác) có xung đột với Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tàn phá nước này. Đến năm 1221 thì hầu hết lãnh thổ nước này đã bị Mông Cổ chiếm.

Năm 1211 Mông Cổ tấn công đế quốc Kim, quốc gia của người Nữ Chân lập nên đang thống trị vùng Hoa Bắc. Đến năm 1215 thì chiếm được Trung Đô nước Kim. Nước Kim liên tiếp phải dời đô trốn tránh. Mông Cổ kết liên minh với Nam Tống cùng hội quân diệt Kim. Đến năm 1234 thì nước Kim hoàn toàn bị Mông Cổ thôn tính.

Trong khoảng thời gian từ 1229 đến 1242, một nhánh quân Mông Cổ do cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Bạt Đô (Batu) chỉ huy tiến quân về hướng tây bắc, tàn phá Đông Âu và Trung Âu. Quân Mông Cổ chiếm thành Moscow, tiêu diệt nước Nga Kiev (Kiev Rus), đánh bại quân Ba Lan, Hungari, Áo… Cả Châu Âu kinh hoàng trước sức mạnh quân Mông Cổ. Ở Đức xuất hiện bài cầu nguyện “Chúa cứu vớt chúng con khỏi sự cuồng bạo của Tatar”.

Quân Mông Cổ thời kỳ này đa phần là những kỵ binh cực kỳ tinh nhuệ và tàn bạo. Người Mông Cổ vốn là dân du mục lớn lên trên lưng ngựa, từ nhỏ đã tập tành cưỡi ngựa bắn cung và các kỹ thuật chiến đấu trên ngựa. Những trang bị vượt trội của quân Mông Cổ là cung tên bắn xa và mạnh, áo giáp độn da thú nhẹ và bền chắc, loan đao và gươm, giáo… Mỗi người lính Mông Cổ được trang bị đến bốn ngựa thay phiên nhau. Ngựa Mông Cổ dai sức, chạy nhanh, thích nghi được nhiều điều kiện thời tiết là thứ lợi khí quan trọng của người Mông Cổ. Khi tấn công vào vùng Trung Đông, người Mông Cổ tiếp thu kỹ thuật hoả pháo và máy bắn đá loại Trebuchet. Những vũ khí này dùng để công phá thành trì cực kỳ lợi hại. Sau những cuộc chiến với người Châu Âu, người Mông Cổ bắt đầu xây dựng những đội Thiết kỵ binh với trang bị áo giáp hạng nặng bằng kim loại cho cả người và ngựa. Chúng ta thấy rằng, quân đội Mông Cổ không chỉ thiện chiến và trang bị tốt, mà còn biết tích cực tiếp thu kỹ thuật quân sự của những nền văn minh khác. Ngoài việc tiếp thu kỹ thuật, đế quốc Mông Cổ còn biết tận dụng nhân lực của những quốc gia bị thôn tính để bổ sung quân số. Do đó quân đội của đế quốc Mông Cổ vừa có chất lượng vừa đảm bảo số lượng.
2.
Kế hoạch xâm chiếm Đại Lý, Đại Việt của Mông Cổ trong kế hoạch bao vây Nam Tống từ mọi hướng

Đế quốc Mông Cổ sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời (1227) thì lần lượt các Hãn nối nghiệp là Oa Khoát Đài (Ogodei), Quý Do (Guyuk), Mông Kha (Mongke). Dưới thời Oa Khoát Đài Hãn từ năm 1229 đến năm 1241 là quá trình bành trướng mạnh mẽ. Sang đến thời Quý Do Hãn thì dấu hiệu phân liệt do lãnh thổ quá rộng lớn diễn ra. Đến thời Mông Kha Hãn, trọng tâm chính của đế quốc Mông Cổ là phương Đông. Mông Kha dồn sức tấn công nước Nam Tống để độc chiếm cả hai vùng đồng bằng Hoàng Hà, Trường Giang và mở rộng lãnh thổ về hướng đông nam.

Cuộc chiến giữa Nam Tống và Mông Cổ đã bùng phát ngay sau khi liên minh Tống – Mông diệt xong nước Kim (1234) dưới thời Oa Khoát Đài. Quân Nam Tống bội ước với Mông Cổ, đem quân bắc tiến. Mông Cổ bẻ gãy nhanh chóng cuộc tấn công của Nam Tống và phản công dữ dội. Quân Mông Cổ chiếm được nhiều vùng đất hiểm yếu như Tuỳ Châu, Sính Châu. Tướng Tống là Mạnh Cử cầm quân đánh thắng được quân Mông Cổ một số trận, làm chậm được tiến độ xâm lấn của Mông Cổ. Chiến sự dằn co thì tạm lắng khi vua Oa Khoát Đài qua đời, Mông Cổ xảy ra một số xáo trộn nội bộ.

Cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, con trai của vương tử Đà Lôi là Mông Kha lên ngôi Hãn năm 1251. Sau khi giải quyết xong những xáo trộn nội bộ, ông liền tiếp tục cuộc nam chinh. Trước sức kháng cự còn mạnh của nước Nam Tống, Mông Kha chủ trương đánh chiếm những nước xung quanh Nam Tống để tạo thành thế bao vây từ nhiều hướng, thực hiện nhiều mũi giáp công. Quân Mông Cổ tràn sang Tây Tạng. Mông Kha tấn công chính diện từ hướng bắc biên giới Tống, lệnh cho em trai ông là Hốt Tất Liệt (Kubilai) cùng tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqatai) đem quân thôn tính nước Đại Lý, với ý đồ chiếm xong Đại Lý sẽ tiến tiếp về nam chiếm luôn Đại Việt, nhằm làm bàn đạp tấn công Nam Tống từ phía sau.
3.
Sự sụp đổ của vương quốc Đại Lý. Đại Việt tiếp giáp đế quốc Mông Cổ

Đại Lý là vương quốc của người Di, người Bạch và những tộc người thuộc ngữ hệ Thái khác, nằm ở vùng ngày nay là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đại Lý được coi là quốc gia kế thừa của nước Nam Chiếu. Nước Đại Lý thời bấy giờ là một quốc gia yên bình, sùng đạo Phật, quân sĩ không quen việc chinh chiến. Chính vì vậy, họ đã tỏ ra không phải là đối thủ của quân Mông Cổ.

Ban đầu theo kế hoạch của Mông Kha thì Hốt Tất Liệt là tổng chỉ huy đội quân xâm lược Đại Lý, phối hợp với danh tướng Ngột Lương Hợp Thai. Năm 1252, 4 vạn kỵ binh được xếp vào hạng tinh nhuệ bậc nhất của đế quốc Mông Cổ tràn sang lãnh thổ Đai Lý. Vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của quân Đại Lý tại thung lũng Nhĩ Hải, quân Mông Cổ bị thiệt hại nặng đến hàng ngàn người. Tuy nhiên, quân Đại Lý chỉ làm được đến vậy. Phòng tuyến của quân Đại Lý bị thất thủ trong vài tuần. Năm 1253, thành Đại Lý – kinh đô vương quốc này thất thủ. Năm 1256, vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí bị bắt sống, hàng vạn quân còn lại trong quân đội Đại Lý đầu hàng. Đại Lý vong quốc.

Sự diệt vong của vương quốc Đại Lý đã làm chấn động triều đình Đại Việt. Như vậy là lãnh thổ nước ta đã tiếp giáp với đế quốc Mông Cổ ở phía tây bắc. Chủ trại Quy Hoá tên Hà Khuất chạy trạm cấp báo cho triều đình việc sứ Mông Cổ sắp sang và ý đồ xâm chiếm Đại Việt của Mông Cổ. Triều đình lập tức ráo riết chuẩn bị chống xâm lược, hạ lệnh cho quân dân cả nước sắm sửa vũ khí. Tháng 9.1257, vua Trần Thái Tông lệnh cho Trần Quốc Tuấn lĩnh nhiệm vụ tiết chế quân thuỷ bộ tiến ra đóng ở biên giới để đề phòng.

Vốn từ trước đó, triều đình đã nắm được phần nào về tình hình biến chuyển ở phương bắc thông qua lời những thương nhân và người ở biên giới Tống – Việt báo lại. Tuy nhiên chỉ từ khi nước Đại Lý bị diệt thì mối đe doạ mới trở nên thực sự rõ rệt. Những việc phòng bị trước đó của Đại Việt cũng chỉ là việc thường nhật mà thôi. Quân dân Đại Việt không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Bấy giờ Ngột Lương Hợp Thai tranh thủ nhanh chóng sắp đặt lại lực lượng ở Đại Lý. Chẳng bao lâu nữa, quân Mông Cổ sẽ ồ ạt tiến sang.

Quốc Huy

https://3.bp.blogspot.com/-PhyTAwdLOfE/WhABycsoImI/AAAAAAABPLk/_hy3YHvYJeg17MYWP0x9lRJgbnGTW9JRQCLcBGAs/s640/25.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 25

PHƯƠNG BẮC ÉP ĐẠI LÝ ĐÁNH ĐẠI VIỆT
NHÀ TRẦN TỐNG GIAM 3 SỨ GIẢ DỤ HÀNG


Đạo quân Mông Cổ nhận nhiệm vụ xâm chiếm Đại Lý và Đại Việt là một trong những thành phần tốt nhất mà đế quốc Mông Cổ có được. Cả tướng lẫn quân đều tinh nhuệ. Đó là những tinh hoa của đế quốc Mông Cổ. Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqatai) là một trong những tướng lĩnh lẫy lừng nhất của Mông Cổ thời bấy giờ, được Mông Kha và Hốt Tất Liệt tin tưởng giao cho việc xâm lược Đại Lý và Đại Việt. Viên tướng này là con trai của Tốc Bất Đài (Subotai) – một trong Tứ Dũng của người Mông Cổ, phó tá Thành Cát Tư Hãn từ buổi đầu.

Ngột Lương Hợp Thai đã từng lập nhiều quân công lớn trong các chiến dịch đánh Kim, thôn tính Hoa Thích Tử Mô và tấn công Châu Âu, là một vị tướng bách chiến bách thắng từ Á sang Âu. Ngay cả Hưng Đạo vương về sau dù từng là người đối địch, cũng dành lời khen ngợi và lấy hình tượng của Ngột Lương Hợp Thai để khích lệ tinh thần quân lính trong tác phẩm Hịch Tướng Sĩ nổi tiếng:

“Vương Công Kiên là người như thế nào?... mà giữ thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu, chống quân Mông Kha đông hàng trăm vạn, khiên cho sinh linh bên Tống, đến nay còn đội ơn sâu.
Cốt Đãi Ngột Lang là người như thế nào? Tỳ tướng của ông ta là Xích Tu Tư lại là người thế nào? Mà xông vào lam chướng trên đường muôn dặm, đánh quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay vẫn còn lưu tiếng tốt.
Các ngươi...không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm,...lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười, so với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?”.


Phụ tá cho Ngột Lương Hợp Thai có con trai y là A Truật (Aju), cũng là một tướng tài hiếm có. A Truật bấy giờ chỉ 18 tuổi mà đã trợ giúp đắc lực cho cha mình trong cuộc xâm lược Đại Lý. Tuy trước chiến dịch tấn công Đại Lý, A Truật chưa thể hiện được nhiều nhưng về sau lập được rất nhiều công lớn trong cuộc chiến Tống – Mông, trở thành một trong những tướng trụ cột của đế quốc Nguyên Mông. Ngoài hai danh tướng kể trên, trong đội quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt còn có nhiều tướng lĩnh cao cấp khác của Mông Cổ. Đáng lưu ý là có đến 50 người mang tước vương, có quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân với hoàng thất Mông Cổ cũng được phái sang Đại Việt. Trong số đó có cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Abisca, con trai của Sát Hợp Đài (Chagadai). Với thành phần tướng lĩnh đông đảo, đầy đủ những tướng lĩnh lão luyện và cả hoàng thân như thế, rõ ràng Mông Cổ đặt rất nhiều tâm huyết vào đội quân xâm lược Đại Việt.

Quân Mông Cổ sau khi diệt xong Đại Lý thì cũng chịu tổn thất đến hơn 1 vạn người. Đó là do sức kháng cự của quân dân Đại Lý. Để kiểm soát được lãnh thổ vừa mới chiếm, Ngột Lương Hợp Thai còn phải để lại một số quân chiếm đóng ở Đại Lý, chỉ còn khoảng 2 – 3 vạn quân Mông Cổ được huy động tiếp tục tiến sang Đại Việt. Tuy vậy, Mông Cổ lại có được nguồn bổ sung quân số quan trọng từ hàng binh Đại Lý. Ngột Lương Hợp Thai điều động được thêm 2 vạn quân kỵ bộ người Đại Lý sung vào đội ngũ, tạo thành đội quân đông 4 – 5 vạn người phục vụ cho việc xâm chiếm Đại Việt. Số quân người Đại Lý tuy không tinh nhuệ như kỵ binh Mông Cổ, nhưng cũng là những quân lính có chất lượng tốt, được trang bị tốt và tinh thần chiến đấu không hề kém cỏi. Họ chiến đấu để nhằm bảo vệ tính mạng cho nhà vua của mình cũng như tính mạng những người Đại Lý khác. Bởi bấy giờ vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí cùng nhiều người thuộc hoàng tộc đã bị bắt, trở thành con tin. Sẽ thật sai sót nếu xem nhẹ sức chiến đấu của số quân người Đại Lý này. Mang thân phận là hàng binh, quân Đại Lý được Ngột Lương Hợp Thai bố trí làm “quân tiên phong” để đi đầu nhằm gánh bớt phần thương vong cho quân Mông Cổ. Đoàn Hưng Trí cùng chú mình là Tín Thư Phúc cũng theo quân Mông Cổ làm hướng đạo.

Quân Mông Cổ không như những đạo quân điển hình khác thời bấy giờ là luôn cần phu phen đi kèm để tải lương, khuân vác. Tất cả những gì cần thiết cho việc chiến đấu, sinh hoạt và ăn uống đều nằm trên lưng ngựa. Người Mông Cổ có rất nhiều ngựa, cho nên ngựa theo quân thay phiên nhau vận tải và chiến đấu mà không bị kiệt sức. Chính bản thân loài ngựa cũng là nguồn lương thực dự trữ của quân Mông Cổ (thịt và sữa). Biên chế như vậy ngoài việc tiết kiệm nhân lực tối đa, còn giúp quân Mông Cổ hành quân nhanh với tốc độ kinh hoàng. Quân Mông Cổ đi đến đâu sẽ cướp lương thực của đối phương mà ăn, vừa làm kiệt quệ đối thủ vừa tăng thêm tính cơ động của mình. Tuy vậy nhược điểm của chúng là không có khả năng duy trì một cuộc chiến kéo dài và không có điều kiện cướp bóc, vì khi đó lượng lương thực tiêu tốn trở nên quá lớn vượt quá số lượng lương thực mang theo trên lưng ngựa. Nhược điểm này không hề dễ khai thác, khi mà chiến thuật Tốc chiến tốc thắng của quân Mông Cổ đã làm kinh hoàng khắp thế giới. Chẳng cần có quân số đông, thậm chí rất nhiều lần quân Mông Cổ có quân số ít hơn hẳn đối phương nhưng vẫn giành được chiến thắng.

Khoảng nửa cuối tháng 12/1257, Ngột Lương Hợp Thai sắp đặt xong về nhân sự lập tức cất quân tiến thẳng về hướng Đại Việt. Đến vùng biên giới, quân Mông Cổ hạ trại dừng quân. Để lung lạc tinh thần của phía Đại Việt, Ngột Lương Hợp Thai đã phái sứ giả đến đưa thư cho vua Trần Thái Tông dụ hàng. Thái độ của sứ giả Mông Cổ luôn trịch thượng hống hách, tỏ ý ra oai nước lớn, lời lẽ đe doạ lẫn dụ dỗ vua tôi Đại Việt. Bấy giờ phía bắc Mông Cổ tung hoành dọc ngang, thì phương nam Đại Việt cũng là một nước hùng cường, đâu dễ gì chịu phục. Đại Việt trước giờ đối với nước lớn như Tống vẫn không ngại động binh, đối với Chiêm Thành thì bắt phải xưng thần cống nạp. Đối với Mông Cổ tuy có nể sợ đôi phần về thế lực đang lên mạnh nhưng vẫn có ý coi là man di mà thôi.

Vua Trần Thái Tông vốn tự tin về sức mạnh của quân dân Đại Việt, lại căm tức sự hống hách của sứ giả Mông Cổ, liền hạ lệnh tống giam. Ngột Lương Hợp Thai không thấy sứ giả quay về, tiếp tục tiến quân vào lãnh thổ nước ta. Đến trại Quy Hoá, quân Mông Cổ lại dừng, liên tiếp phái thêm hai sứ giả nữa. Sứ giả mà Ngột Lương Hợp Thai phái tới đều bị giam cả. Phần là vì vua Trần tỏ ý không chịu khuất phục, phần là để đề phòng sứ giả khi trở về được sẽ báo cáo những sự bố phòng của phía ta. Bắt giam sứ giả rồi, vua Trần Thái Tông điều động cấm quân và các lộ quân lân cận chuẩn bị sẵn sàng để nghênh chiến với Mông Cổ. Cả nước hừng hực khí thế chống giặc.

Chờ mãi chẳng thấy sứ giả nào quay về, Ngột Lương Hợp Thai từ sốt ruột đổi sang tức giận, bèn hạ lệnh tiếp tục tiến quân, quyết tâm tiêu diệt nước Đại Việt như người Mông Cổ đã làm ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-Hguwypz6LaE/WhjZbZgMSJI/AAAAAAABQI4/yy7nCpdBBtIGVUoZ4C84hRTWpxCFmDjYwCLcBGAs/s640/68.2.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 26

NGỰA MÔNG CỔ HÝ VANG BIÊN GIỚI
VUA TRẦN THÂN CHINH XUẤT CHIẾN.


1.
Các hướng tiến quân của Mông Cổ

Cuối tháng 12.1257, Ngột Lương Hợp Thai từ trại A Mân sát biên giới Đại Việt rồi tấn công chiếm đóng trại Quy Hoá thuộc lãnh thổ Đại Việt. Quân của trại chủ Hà Khuất không chống nổi, phải lẫn vào rừng mà tránh mũi nhọn của giặc. Sau đó quân Mông Cổ từ trại Quy Hoá tiến quân dọc bờ sông Thao (đoạn sông Hồng chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc) thẳng xuống kinh thành Thăng Long khi chờ không thấy sứ giả nào trở về. Hai đạo kỵ binh được phái đi tiên phong dò đường. Đạo tiên phong thứ nhất do tướng Triệt Triệt Đô (Cacakdu) men theo hữu ngạn sông Thao mà tiến. Đạo tiên phong thứ hai do phò mã Mông Cổ là Hoài Đô (Quaidu) chỉ huy hành quân bên tả ngạn để bảo vệ sườn phải của đại quân Mông Cổ. Viên tướng trẻ A Truật cầm trung quân tiến sau đội tiên phong của Triệt Triệt Đô. Sau cùng là hậu quân do Ngột Lương Hợp Thai trực tiếp chỉ huy.
2.
Quân tình Đại Việt

Bấy giờ về tương quan lực lượng toàn lãnh thổ, quân Đại Việt có quân số đông áp đảo địch. Nhưng vì là bên tấn công, Mông Cổ có lợi thế binh lực tập trung. Trái lại, quân đội Đại Việt cần phải phân chia để phòng thủ nhiều nơi trên đất nước.

Toàn quân thường trực Đại Việt có 10 vạn quân. Trong đó, cấm quân khoảng 2 vạn, sương quân 8 vạn. Các hiệu sương quân ngày thường thay phiên làm ruộng, nay đều đã nhập vào đội ngũ khi có lệnh sẵn sàng chiến đấu. Trong năm 1257, một cánh quân đã được điều động lên trại Quy Hoá gần biên giới dưới quyền chỉ huy của viên tướng trẻ Trần Quốc Tuấn để phòng bị quân Mông Cổ. Tuy nhiên, sử sách cũ của cả hai phía Nguyên Mông và Đại Việt đều không có ghi chép gì về sự giao chiến của Trần Quốc Tuấn với quân Mông Cổ. Có thể Trần Quốc Tuấn đã chủ động rút lui bảo toàn lực lượng, tránh đi cái thế mạnh ban đầu của giặc. Một cụm quân quan trọng khác của Đại Việt đóng ở Thiên Mạc (thuộc Nam Định) – đất thang mộc của họ Trần. Ngoài ra, biên thuỳ phía nam vẫn luôn cần phải có trọng binh đóng giữ để phòng bị nước Chiêm Thành. Dẫu vậy, về vấn đề quân số thì Đại Việt vẫn có thể điều động ngay lập tức một số lượng quân đông hơn hẳn quân địch. Quân số không phải là điều đáng ngại với Đại Việt trong cuộc chiến này.

Theo phép tắc nhà Trần, nhiều vương hầu nắm giữ trọng chức nhưng không thường xuyên ở tại kinh đô mà ở trong các Thái ấp của mình, khi có việc cần vua sẽ cho người gọi đến. Chính vì vậy mà trong nhiều quyết định quan trọng lúc quân Mông Cổ mới sang, nhà vua không có được sự thảo luận kỹ càng từ các đại thần. Đây mới chính là vấn đề khiếm khuyết quan trọng trong việc chuẩn bị kháng chiến. Vua Trần Thái Tông bấy giờ tuy là một vị vua anh minh, thể hiện được tài năng trị nước nhưng xét về kinh nghiệm chiến trường vẫn còn rất ít. Cần biết rằng, tướng Mông Cổ sang Đại Việt lần này là những tên có rất nhiều kinh nghiệm chỉ huy nhiều cuộc chiến lớn, với nhiều hình thái chiến tranh khác nhau, và từng đánh bại nhiều đội quân có sở trường khác nhau. Sự chênh lệch về kinh nghiệm tác chiến, chỉ huy sẽ đóng vai trò rất lớn trong cuộc chiến.
3.
Vua Trần Thái Tông thân chinh, hai đội quân đối mặt

Nhận được tin báo về tình hình quân Mông Cổ và nắm được hướng tiến quân của chúng, vua Trần Thái Tông quyết định thân chinh. Đầu tháng 1.1258, vua điều động sáu quân gồm quân Thiên Thuộc, Thiên Chương, Thánh Dực, Chương Thánh, Thần Sách, Củng Thần cùng sương quân các lộ gần kinh thành. Tổng quân số lên đến chừng hơn 7 vạn người, với tượng binh trợ chiến và nhiều chiến thuyền (căn cứ theo quân số có thể có hơn 1000 thuyền) làm nhiệm vụ chuyên chở quân lính, voi chiến. Số quân binh này đã được lệnh sẵn sàng chiến đấu từ trước, nay chỉ hô một tiếng là lập tức hợp thành đoàn quân. Tháp tùng theo vua có nhiều tướng lĩnh quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vương hầu và các lộ ở xa chưa đến hội quân. Ấy là do vua Trần Thái Tông khá tự tin với quân đông hơn gần gấp đôi và có nhiều tượng binh trợ chiến, ngài sẽ nhanh chóng giành chiến thắng trước quân Mông Cổ. Vua đi đánh trận xa, Thái sư Trần Thủ Độ được giao trọng trách giám quốc, đóng ở kinh đô Thăng Long làm hậu viện.

Binh thuyền Đại Việt từ kinh thành Thăng Long ngược dòng sông Phú Lương (sông Cầu), rẽ vào sông Cà Lồ tiến lên phía tây bắc chặn giặc. Đến vùng Bình Lệ Nguyên (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc ngày nay), vua Trần Thái Tông cho quân đổ bộ lên bờ bắc sông Cà Lồ, tiến về bờ nam con sông Phan, khu vực làng Hương Canh mà dàn trận nghênh địch (1). Còn số thuyền chở quân đổ bộ đóng tại bến Lãng Mỹ, nằm trên sông Cà Lồ, cách Bình Lệ Nguyên không xa, để phòng sự bất trắc sẽ chở quân rút lui về hậu tuyến.

Lại nói quân Mông Cổ từ khi nhổ trại tiến quân đến giữa tháng 1.1258 thì đến bờ sông Lô. Các toán tiền hậu tả hữu của Mông Cổ cùng vượt sông Lô hội quân tại Bạch Hạc (thuộc Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Đoàn quân xâm lược của Mông Cổ do tướng Ngột Lương 6Hợp Thai cầm đầu chỉ còn cách đội quân vệ quốc của vua Trần Thái Tông một con sông Phan (con sông nhỏ thuộc hệ thống sông Cà Lồ). Bên bờ nam con sông nhỏ này, voi ngựa Đại Việt bày trận san sát chờ sẵn. Bên kia bờ bắc, quân Mông Cổ sắp đặt các thê đội chuẩn bị vượt sông. Cuộc quyết chiến giữa Đại Việt và Mông Cổ sắp bắt đầu.

Quốc Huy
------------------
Chú thích:
Nhiều tài liệu cũ cho rằng quân Đại Việt dàn trận ở bờ nam sông Cà Lồ. Xét thấy không hợp lý vì địa danh Bình Lệ Nguyên, nay là huyện Bình Xuyên nằm ở bờ bắc sông Cà Lồ. Nay qua nghiên cứu địa đồ và ghi chép về hướng tiến quân của địch xin phép cải chính lại.

https://4.bp.blogspot.com/-sFWZuXG6PAk/WiNVxq3CeRI/AAAAAAABQ0c/Uss_RykHif8VO-AEoTNYGywQIgcRh4pGACLcBGAs/s640/26.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 27

TƯỢNG BINH ĐẠI VIỆT
HUYẾT CHIẾN VỚI KỴ BINH NGUYÊN MÔNG:
LONG TRANH HỔ ĐẤU


1.
Bối cảnh, kế hoạch, chuẩn bị của hai bên

Bấy giờ là ngày 17.1.1258 (12 tháng Chạp năm Đinh Tỵ 1257 Âm lịch), vua Trần Thái Tông ngự giá thân chinh, bày trận ở Bình Lệ Nguyên (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), tại khu vực làng Hương Canh và phụ cận, bờ nam sông Phan (phụ lưu sông Cà Lồ). Đội hình quân Đại Việt có tượng binh dàn hàng ngang tại tiền quân che chắn cho hàng hàng lớp lớp bộ binh, kỵ binh phía sau. Vua Trần Thái Tông được sự hộ vệ của các hiệu Cấm quân, chọn một điểm cao thoáng để quan sát và chỉ huy. Tháp tùng theo vua có nhiều quan lại và tướng lĩnh trong triều đình. Bất luận quan văn hay võ, ai ai cũng mặc giáp cầm gươm, sẵn sàng xông pha tên đạn.

Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân Mông Cổ tiến sang Đại Việt với ý định sẽ nhanh chóng tiêu diệt đất nước ta. Tốc chiến tốc thắng là sở trường của viên tướng này cũng như những binh lính dưới tay y. Quân Mông Cổ kéo đến vùng Bình Lệ Nguyên thì đụng độ quân Đại Việt bày trận chờ sẵn. Kỳ thực, việc đụng độ quân Đại Việt ở bên ngoài thành trì và chiến luỹ chính là điều mà binh tướng Mông Cổ mong muốn. Quân Mông Cổ có khả năng đánh dàn trận quy ước cực kỳ tốt, đã đánh bại nhiều đạo quân đông đảo và tinh nhuệ, trang bị tối tân trên thế giới. Những cuộc công phá các thành trì đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn là đánh bại đối phương bên ngoài thành. Nhận được tin mà du binh báo về, Ngột Lương Hợp Thai lập tức lên kế hoạch “đánh nhanh, diệt gọn” quan quân nhà Trần. Y chia quân làm ba thê đội để vượt sông tấn công.

Đội thứ nhất do tướng Triệt Triệt Đô chỉ huy lĩnh nhiệm vụ tiên phong, dẫn một đạo kỵ binh nhanh nhẹn nhất tiến về hướng hạ lưu sông Phan để vượt sông, rồi vòng ra phía sau trận tuyến của quân Đại Việt tìm cướp thuyền. Ngột Lương Hợp Thai lệnh cho Triệt Triệt Đô: “Quân ngươi khi đã qua sông, đừng đánh chúng vội, chúng tất đến chống lại ta. Phò mã theo sau cắt hậu quân của chúng. Ngươi rình cướp lấy thuyền. Quân Man nếu tan vỡ chạy ra sông, không có thuyền tất bị ta bắt” (theo Nguyên sử). Cánh quân này ước chừng có khoảng 5000 quân.

Đội thứ hai do chính Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy ước chừng 3 vạn quân, theo kế hoạch vượt sông tấn công mở màn vào chính diện quân Đại Việt. Đội quân này lấy những hàng binh Đại Lý dàn ở các hàng phía trước để hứng chịu nhiều thương vong, kỵ binh Mông Cổ đi sau để hỗ trợ và tung đòn quyết định.

Đội thứ ba do phò mã Mông Cổ là Hoài Đô cùng tướng A Truật con trai của Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, cầm đầu những kỵ binh Mông Cổ giỏi nghề cung tên nhận nhiệm vụ đánh tạc sườn quân Đại Việt, rồi vòng đánh sâu vào hậu tuyến quân Đại Việt để cắt đứt sự liên lạc giữa tiền quân và hậu quân Đại Việt, làm cho quân Đại Việt trước sau không thể tiếp ứng lẫn nhau. Ước chừng đội quân này có hơn 5000 quân.

Kế hoạch của quân Mông Cổ có vẻ khá chu đáo, với mưu toan diệt gọn quân chủ lực Đại Việt, giết hoặc bắt sống vua Trần chỉ trong một trận. Thế trận của quân Đại Việt là thế trận tĩnh của một đạo quân đặc trưng vùng đồng bằng, thế trận của quân Mông Cổ là thế trận năng động của những sắc dân sống bằng nghề du mục và săn bắn.
2.
Diễn biến trận chiến

Bàn định xong xuôi, các cánh quân Mông Cổ theo kế hoạch mà di chuyển. Nhưng thực tế tình hình đã không diễn ra như tướng Ngột Lương Hợp Thai tiên liệu. Tướng Triệt Triệt Đô vượt sông ở hướng hạ lưu, tưởng rằng có thể vượt khỏi tầm quan sát của cụm quân chính phía Đại Việt để tiến đến bến thuyền. Tuy nhiên, quân của Triệt Triệt Đô đã bị phát hiện và đụng độ với một toán hậu quân Đại Việt. Triệt Triệt Đô cùng toàn đội tiên phong Mông Cổ buộc lòng phải quay ngựa lại giao chiến. Mặc dù quân ta bị thiệt hại nhiều hơn khi đánh với quân của Triệt Triệt Đô, nhưng quân tiếp ứng kéo tới ngày một đông. Triệt Triệt Đô mãi đánh với hậu quân Đại Việt, không thể tiếp tục nhiệm vụ cướp thuyền nữa.

Bấy giờ Ngột Lương Hợp Thai từ bên kia sông thấy bên Đại Việt biến trận, lại thấy cát bụi tung mù từ một góc trận tuyến Đại Việt, biết là đã có giao chiến. Y liền lập tức cho trung quân vượt sông tiếp ứng. Chờ cho cánh quân Mông Cổ vừa lên được bờ nam sông Phan, vua Trần Thái Tông hạ lệnh cho đội tượng binh nhất loạt xông lên, theo sau là các hàng quân kỵ và bộ. Quân Mông Cổ cố gắng tiến lên không lùi, toàn đội rốt cuộc cũng qua được sông, làm thành thế tựa lưng vào sông mà đánh. Các hàng quân phía trước của quân Mông Cổ với nhiều binh lính người Đại Lý chịu tổn thất nặng nề trước sức mạnh càng lướt của tượng binh Đại Việt. Kỵ binh Mông Cổ xông lên giáp chiến cũng không chống nổi voi. Binh lính Đại Việt ở trên lưng voi dùng cung tên bắn và dùng kích, câu liêm để đánh giết kỵ binh Mông Cổ, hỗ trợ đắc lực cho bộ binh Đại Việt tấn công trực diện vào chân và bụng ngựa các vũ khí như gươm, đao, rìu, giáo, kích… Không giáp chiến được với tượng binh, kỵ binh Mông Cổ chọn các cụm bộ binh và kỵ binh Đại Việt mà xông vào, rồi di chuyển xung quanh tượng binh mà bắn tên. Với chiến thuật này thì kỵ binh Mông Cổ mới chứng tỏ được sự vượt trội của mình. Thế trận dằn co bất phân thắng bại.

Cánh trung quân Mông Cổ giao chiến với tiền quân Đại Việt không lâu thì hậu quân Mông Cổ vượt sông vừa sang tới. Cánh quân này có nhiều tay kỵ cung thiện xạ. A Truật cho quân nhắm vào vòi và mắt voi mà bắn tên tới tấp, lại nhắm bắn vào quản tượng. Cung tên Mông Cổ bắn nhanh, xa và rất chính xác dù người bắn cung cùng ngựa chiến di chuyển liên tục. Dẫu cho tượng binh Đại Việt đều có chở lính bắn tên trên lưng voi, có lợi thế bắn tên từ trên cao nhưng số lượng rất hạn chế. Vài trăm thớt voi thì cũng chỉ có khoảng ngàn tay cung, không đấu cung tên nổi với kỵ cung Mông Cổ. Nhiều voi chiến bị trúng tên vào chỗ yếu huyệt như mắt, vòi. Voi đau đớn, hoảng sợ quay đầu chạy loạn, giẫm cả vào người ngựa quân Đại Việt. Trận thế của ta do vậy mà lộ ra sơ hở, quân Mông Cổ chớp lấy cơ hội, theo đường voi chạy mà đánh thọc sâu vào trận tuyến Đại Việt. Quân ta kiên cường chống trả, gây cho địch khá nhiều thiệt hại.

Tuy vậy, kỵ binh Mông Cổ dần chiếm thế chủ động nhờ giáp tốt, ngựa khoẻ và di chuyển nhanh. Địa hình Bình Lệ Nguyên lại khá bằng phẳng, nền đất cứng, thuận lợi cho kỵ binh thảo nguyên thi thố hết sở trường. Quân Mông Cổ dùng chiến thuật chia cắt và diệt từng cụm một, khiến cho quân Đại Việt thiệt hại nhiều mà không thể chặn được đà tiến của địch. Chẳng mấy chốc, những tên lính Mông Cổ đã tràn tới giao chiến với quân hộ vệ của vua Trần Thái Tông. Vua lúc này đang quan chiến và điều tiết trận đánh, thấy vậy bèn tuốt gươm xông lên, cùng quân sĩ lăn xả giết địch, khí thế quân Đại Việt do đó mà tăng lên bừng bừng. Các hiệu quân tinh anh của Đại Việt cùng cả những quan chức trong triều đều hăng hái chiến đấu cạnh nhà vua, đánh bật nhiều quân Mông Cổ trở lại. Trận tuyến hai bên nhiều chỗ đan xen vào nhau, cuộc hỗn chiến dữ dội vẫn tiếp diễn…

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-fx30WJ_-0uM/Wityr1d3Y0I/AAAAAAABRU0/M34Yz7ohkTg_YFRgDO396n5b715DlK-xQCLcBGAs/s640/27.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 28

SAU HUYẾT CHIẾN BÌNH LỆ NGUYÊN
TƯỚNG MÔNG CỔ HỔ THẸN TỰ SÁT


1.
Vua Trần chịu muôn phần hiểm nguy

Vua Trần Thái Tông tự mình làm tướng soái cầm quân đánh Mông Cổ, lại tự mình cầm gươm xông pha nơi mũi tên hòn đạn, cùng tướng sĩ chung phần hiểm nguy. Bấy giờ tuy quan quân Đại Việt chiến đấu hăng hái, nhưng quân Mông Cổ lại dai sức và cũng quyết tâm cao độ. Hàng hàng lớp lớp kỵ binh tinh nhuệ Mông Cổ nhắm thẳng vào hướng vua Trần Thái Tông xông tới, quyết giết bằng được quân chủ của Đại Việt. Hỗn chiến dữ dội ngay chỗ của vua Trần, binh sĩ hộ vệ vua ai ai cũng bận tay chống cự giặc. Nhà vua chiến đấu một hồi, nhìn quanh tả hữu không còn ai, chỉ còn thấy mỗi một vị tướng sắc mặt không động, một người một ngựa tung hoành trong muôn trùng vây quân địch, dũng mãnh che chắn cho vua nhiều đòn tấn công. Vị tướng đó là Ngự sử trung tán Lê Tần, người Ái Châu, một người văn võ toàn tài, hậu duệ của vua Lê Đại Hành. Nhờ sự dũng mãnh của Lê Tần, các quan quân hộ vệ mới có thời cơ xốc lại đội ngũ, bảo vệ cho vua. Tuy vậy trận thế của Đại Việt cứ bất lợi dần, quân lính chết càng nhiều do sức mạnh vượt trội của kỵ binh Mông Cổ.

Tình thế lúc ấy muôn phần hung hiểm, có người khuyên vua nên rút lui, kẻ lại xin vua ở lại tử chiến. Vua Trần Thái Tông đang lúc phân vân, ý cũng muốn “liều chết một phen” thì tướng Lê Tần cố sức can rằng: “Nếu bây giờ bệ hạ làm như thế, thì chỉ như người dốc hết túi tiền để đánh nốt tiếng bạc mà thôi. Tôi tưởng hãy nên lánh đi, không nên khinh thường mà nghe người ta được” (theo Cương Mục). Vua nghe xong bừng tỉnh, hạ lệnh toàn quân rút lui về phía bến thuyền. Quyết định như vậy tức là vua Trần đã chấp nhận thua trận để mong bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội phản công về sau. Nghe lệnh vua, hậu quân đổi thành tiền quân rút trước, tiền quân vừa đánh vừa lui chặn hậu. Nhưng hiện tại trên chiến địa quân ta và quân địch đã vào thế đan xen lẫn nhau. Lương Hợp Thai hạ lệnh dốc toàn lực đuổi theo bắt giết vua Trần Thái Tông.

Quân Mông Cổ đuổi rất gấp, tưởng chừng có lúc đã bắt kịp được vua ta. Đến sách Cụ Bản, đang lúc nguy cấp thì một đội quân địa phương kéo tới cứu viện vừa kịp lúc, dưới sự chỉ huy của tướng Phạm Cự Chích. Đội quân này xét về độ tinh nhuệ thì thua cả quân Mông Cổ lẫn quân triều đình mà vua Trần đã điều động, nhưng lòng dũng cảm trung kiên thì có thừa. Phạm Cự Chích cùng quân sĩ dưới trướng kịp thấy vua bị đuổi gấp, cùng nhau nhất tề xông vào chắn ngang đội hình truy đuổi của quân giặc. Từng người một trong số họ ngã xuống trước vó ngựa Mông Cổ, cho đến người cuối cùng. Đội quân của Phạm Cự Chích đã làm chậm nhịp truy kích, giúp vua và nhiều quân chủ lực Đại Việt khác xuống được thuyền rút lui. Quân Mông Cổ truy kích đến bờ sông, dùng cung tên bắn với theo thuyền rồng vua ngự, nhiều quân Đại Việt bị trúng tên. Lê Tần lệnh cho quân lật ván thuyền che cho vua. Nhờ vậy mà vua Trần Thái Tông an toàn rút khỏi trận địa. Thuyền của Đại Việt chèo nhanh về hướng đông, dần bỏ xa kỵ binh Mông Cổ lại phía sau.
2.
Tiên phong quân Nguyên uống thuốc độc tự sát

Trận này, quân Đại Việt bị tổn thất nặng về voi chiến, nhưng phần nhiều binh lực vẫn được bảo toàn nhờ quyết định kịp thời của vua Trần Thái Tông và sự đồng lòng chung sức của quân tướng Đại Việt. Về phía quân Mông Cổ, tuy cũng có một số thiệt hại nhất định nhưng vẫn còn gần nguyên vẹn bộ khung là những binh tướng người Mông Cổ thiện chiến.

Nhận định về trận Bình Lệ Nguyên, chúng ta thấy rằng rõ ràng nếu so sánh về khả năng đối trận đánh trực diện thì quân Đại Việt không phải là đối thủ của quân Mông Cổ. Kể cả việc quân ta đông hơn gần gấp đôi, có tượng binh trợ chiến và là bên đến chiến trường trước thì vẫn không địch nổi. Lý do là bởi quân Mông Cổ đa phần là kỵ binh được trang bị rất tốt và dày dặn kinh nghiệm chiến đấu. Nên biết rằng, ở thời kỳ này một đơn vị kỵ binh thông thường được đánh giá là có thể đấu với số lượng bộ binh đông ít nhất gấp 2 lần trở lên. Trong cơ cấu phân chia chiến lợi phẩm của đế quốc Ả Rập, kỵ binh được chia nhiều gấp 3 lần bộ binh. Tại Châu Âu thời này, trang bị của một kỵ sĩ có giá trị tương đương với tổng tài sản của một làng. Ở một số nước, ngựa của kỵ binh thì bộ binh không có quyền cưỡi, nếu không muốn mang tội bất kính. Điều đó đủ cho thấy kỵ binh được đánh giá cao như thế nào. Huống chi, kỵ binh Mông Cổ lại là loại quân kỵ được đánh giá là hùng mạnh bậc nhất thế giới. Quân Đại Việt cũng có một số kỵ binh, nhưng đa phần là bộ binh hay quân thuỷ đánh bộ. Khi tác chiến ở địa hình bằng phẳng thoáng đản, tất nhiên sẽ gặp nhiều bất lợi. Xét về võ nghệ, quân Đại Việt tuy cũng là một đội quân mạnh vượt trội so với lân lang đương thời như Tống, Chiêm, Đại Lý… nhưng vẫn thua kém quân lính Mông Cổ vốn lớn lên trong chiến đấu.

Thất bại trong trận đầu tiên này là do sự tự tin thái quá của vua Trần Thái Tông, mà nguyên nhân sâu xa là vì sự thiếu thông tin của địch. Việc lựa chọn địa điểm quyết chiến hoàn toàn là một sai lầm. Tuy nhiên, dù bại trận cũng cho thấy nhiều điểm sáng. Đó là tinh thần chiến đấu và kỷ luật tuyệt vời của quan quân Đại Việt. Ở trường hợp tương tự, các đội quân xuất thân từ nông dân khác trên thế giới nhiều khả năng sẽ tan rã trong hoảng loạn, bỏ mặc chủ soái mà vứt vũ khí chạy thoát thân, hoặc giả buông giáo đầu hàng. Vậy mà quân đội Đại Việt lại có thể rút lui một cách có tổ chức, phần đông lên được thuyền để rút lui chứ không bỏ chạy hỗn loạn hay đầu hàng. Để rồi sau đó, lực lượng rút khỏi Bình Lệ Nguyên chính là những nòng cốt cho những trận chiến về sau.

Sau trận chiến, Ngột Lương Hợp Thai không thể mừng chiến thắng. Trái lại y vô cùng tức giận vì đã không thể bắt giết được vua Trần và để phần nhiều quân Đại Việt rút lui an toàn khỏi trận địa. Ngột Lương Hợp Thai đổ hết mọi tội lỗi lên đầu tướng Triệt Triệt Đô vì đã không hoàn thành được nhiệm vụ cướp thuyền, doạ rằng sẽ xử theo quân pháp. Tướng tiên phong Triệt Triệt Đô hổ thẹn, uống thuốc độc tự sát. Sách Nguyên Sử chép lại rằng tướng Triệt Triệt Đô ham đánh mà bất tuân thượng lệnh, nên kế hoạch của Ngột Lương Hợp Thai mới đổ bể. Nhưng đó chỉ là lời lẽ nhằm tô điểm cho hình tượng một Thái Soái “dụng binh như thần” trong mắt người phương bắc mà thôi, và cũng để an ủi rằng một nước như Đại Việt không bị thôn tính chẳng qua nhờ may mắn. Thực tế thì chính ngay kế hoạch của Ngột Lương Hợp Thai đã có vấn đề. Y đã quá tự tin mà coi thường sự bố phòng của quân Đại Việt. Thuyền bè là yếu huyệt của quân ta, đâu dễ gì nói cướp là cướp. Ắt hẳn phải có sự canh phòng và ứng cứu lẫn nhau giữa đội giữ thuyền trên bến Lãng Mỹ với cụm quân chính dàn trận ở làng Hương Canh. Chính việc đánh giá không đúng sức kháng cự của quân Đại Việt đã làm phá sản kế Cầm Tặc Cầm Vương (bắt giặc bắt vua) của Ngột Lương Hợp Thai. Đại Việt bảo toàn được đầu não và lực lượng nòng cốt, có điều kiện áp đặt thế trận mới cho cuộc chiến.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-MIMrH5tuji4/WjSWchHMMeI/AAAAAAABR18/urUcuJ656swKx6ST9Bd1R5w6lGpY1Z68gCLcBGAs/s640/28.png

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 29

THUỶ QUÂN ĐẠI VIỆT
VÀ CUỘC ĐUA NGHẸT THỞ
VỚI KỴ BINH PHƯƠNG BẮC


1.
Trận Phù Lỗ, quân Trần phải rút lui nhường trận địa cho Mông Cổ

Sau trận quyết chiến Bình Lệ Nguyên gặp bất lợi, vua Trần cùng quan quân xuôi theo dòng sông Cà Lồ mà rút về đông. Mặc dù quân Đại Việt có lợi ở thuyền nên bỏ xa kỵ binh Mông Cổ truy kích phía sau, nhưng quân Mông vẫn kiên trì men theo bờ bắc sông Cà Lồ mà truy đuổi không ngừng nghỉ. Kế hoạch rút lui không đơn giản mà đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Số là khi xuất quân, vua Trần cùng đại quân đi đường bộ đến bờ sông Cà Lồ rồi xuống bến đi thuyền ra mặt trận. Đến nay phải lui quân, theo tuyến đường cũ thì phải bỏ thuyền lên bộ mới về được Thăng Long. Ngày 18.1.1258, quân Đại Việt bỏ thuyền lên bộ tại làng Phù Lỗ (nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội), chỉ một ngày sau trận Bình Lệ Nguyên. Địa danh này nằm trên tuyến đường bộ nối vùng trung tâm Đại Việt với vùng tây bắc thời bấy giờ. Thời điểm chuyển quân từ thuyền lên bộ là thời điểm nhạy cảm, cần có thời gian nhất định. Tại Bình Lệ Nguyên, sở dĩ quân Đại Việt xuống thuyền rút nhanh được là nhờ thuyền chiến đã đậu sẵn có trật tự. Nhưng bây giờ khi lui quân, một đoàn thuyền gần ngàn chiếc, chở hàng vạn quân phải cập bến chuyển quân trong thời gian ngắn. Sau đó, thuyền chiến còn phải đi vòng theo đường khác để lui về hậu tuyến.

Trước tình hình đó, vua Trần Thái Tông cho quân phá sập cầu Phù Lỗ để ngăn kỵ binh giặc truy đuổi, đồng thời lập một trận tuyến bên bờ nam Phù Lỗ để chặn hậu. Còn đại quân thì theo vua hành quân bộ về Thăng Long. Các thuyền theo thứ tự chuyển quân lên bộ xong lập tức rút về hướng đông, theo ngã sông Cầu đi vòng về nam, trừ một số thuyền chiến lưu lại Phù Lỗ trợ chiến. Tôn tử Phú Lương Hầu (cháu vua, không rõ tên) được giao phó chỉ huy quân chặn hậu. Trong chốc lát ngay sau khi quân Trần đổ bộ rút lui, quân Mông Cổ đã đuổi tới nơi. Tại đoạn chảy qua Phù Lỗ, sông Cà Lồ bấy giờ có tên gọi là sông Phú Lương tương đối lớn so với đoạn sông ở Bình Lệ Nguyên khiến cho quân Mông Cổ trong nhất thời không tìm được cách vượt sông, giúp cho vua Trần Thái Tông có đủ thời gian dẫn quân rút lui và quân chặn hậu có thời gian sắp đặt thế trận. Quân Mông bèn đi dọc bờ sông, bắn tên lên trời cho mũi tên lao tự do xuống nước. Đó là kỹ thuật đo độ sâu đáy sông độc đáo của kỵ binh Mông Cổ. Nếu mũi tên lao xuống nước rồi nổi lên mặt nước thì nước chỗ đó sâu, kỵ binh không thể qua được. Chỗ nào mũi tên lao xuống nước không nổi lên là chỗ nước nông, kỵ binh có thể lội qua. Lưu ý là thời kỳ này đã có nhiều cách vượt sông khi hành quân. Có các cách như dùng cây giáo buộc dây kết lại thành bè, lột da dê thổi hơi làm phao, dùng người bơi giỏi cắm cọc hai bên bờ sông rồi kéo dây… Nhưng những cách này đều đòi hỏi có thời gian chuẩn bị. Còn cách dùng mũi tên dò tìm chỗ nông của quân Mông Cổ có thể tận dụng chỗ đáy nông mà sang sông ngay lập tức. Vừa đi dọc bờ sông vừa bắn tên một lúc, cuối cùng quân Mông Cổ cũng dò ra được một khúc sông có mực nước nông. Kỵ binh Mông Cổ lập tức nối đuôi nhau vượt sông.

Cách vượt sông độc đáo của quân Mông Cổ làm cho quân ta bất ngờ. Việc quân Mông Cổ vượt sông nhanh chóng khiến cho thế trận Phù Lỗ gần như đã định đoạt. Quân chặn hậu của Phú Lương Hầu không đông nên liều chết cũng chỉ cầm cự được một lúc trước sức mạnh kinh hồn của kỵ binh Mông Cổ. Một số thuyền của Đại Việt bị quân Mông Cổ thu được và đánh đắm. Phú Lương Hầu cùng những quân sĩ dưới trướng hy sinh trong cuộc chiến chặn đường giặc, góp phần kéo dài thời gian quý giá cho đại quân cùng đầu não triều đình rút lui an toàn về Thăng Long.
2.
Rút lui khỏi Thăng Long, thi hành kế “Vườn không nhà trống”

Về đến kinh thành Thăng Long, triều đình thi hành ngay kế “Vườn Không Nhà Trống” để đối phó với thế mạnh ban đầu của giặc. Ngay trong ngày và đêm 18.1.1258, toàn bộ quân đội và tôn thất, cung nhân cùng triều đình Đại Việt xuống thuyền rút về Thiên Mạc (thuộc Hà Nam ngày nay). Nhân dân trong thành Thăng Long cũng được lệnh di tản khỏi kinh thành, mang theo toàn bộ lương thực, thực phẩm. Khó có thể tin được, cuộc di tản chỉ diễn ra trong một ngày mà đại đa số dân chúng thành Thăng Long có thể mang theo hết lương thực khỏi thành. Chỉ riêng việc truyền lệnh trong thời đại chưa có những phương tiện truyền thông hiện đại đến toàn thể dân chúng trong thành cũng phải mất ít nhất hơn một ngày. Ngoài ra, những kho tàng của triều đình cũng không thể nào di tản nhanh chóng trong một ngày được. Nhiều khả năng cuộc di tản khỏi kinh thành đã được tiến hành từ trước cuộc giao chiến ngày 17.1.1258 tại Bình Lệ Nguyên, nằm trong kế hoạch chung của cuộc kháng chiến. Đó quả thực là một kế sách bài bản, không đơn thuần là bỏ thành rút chạy khi bị thua trận.

Việc rút lui khỏi kinh thành Thăng Long để thi hành kế “vườn không nhà trống” thực sự là một chiến dịch di tản khổng lồ. Kinh thành bấy giờ có đến hàng chục vạn dân, để qua được các sông mà di tản khỏi thành cần rất nhiều lượt thuyền bè. Còn đối với việc di tản quân đội và các kho tàng cũng ít nhất cần hơn ngàn chiếc thuyền để vận tải. Trong bối cảnh một phần lớn chiến thuyền giao tranh ở Bình Lệ Nguyên vẫn chưa về kịp (do phải đi đường vòng), hoặc đã bị giặc bắt được mà Đại Việt vẫn có đủ thuyền bè phục vụ cho di tản. Điều đó cho thấy sự hùng hậu của đội thuyền Đại Việt thời Trần như thế nào. Chính cái lợi thế ở thuyền đã làm cho cục diện chiến tranh ở Đại Việt khác biệt hoàn toàn với nhiều nơi mà quân Mông Cổ xâm lược. Lần hiếm hoi trong các cuộc chiến của Mông Cổ, quân Mông Cổ không còn giữ lợi thế về tốc độ. Ngựa Mông Cổ không theo kịp tốc độ của thuyền Đại Việt. Điều đó cũng có nghĩa là quyền lựa chọn đánh hay không đánh, đánh vào lúc nào đã nằm trong tay quân ta. Với thế mạnh ban đầu, quân Mông Cổ muốn đánh nhanh, thắng nhanh để sớm kết thúc chiến tranh. Phía Đại Việt đã buộc chúng phải rơi vào tình thế phải chờ đợi, đến khi nào quân Đại Việt muốn đánh với chúng.

Trong chiến dịch di tản khổng lồ khỏi Thăng Long nổi lên vai trò của vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ. Là trụ cột của triều đình lúc bấy giờ, Trần Thủ Độ đã sắp đặt khá chu toàn mọi chuyện. Quân đội theo vua lui về đóng ở vùng Thiên Mạc. Các làng xã xung quanh Thăng Long cũng được lệnh chôn giấu lương thực, xây rào luỹ tự bảo vệ. Mỗi làng biến thành một cụm phòng ngự ngăn không cho giặc vào cướp lương ăn. Cung thất cùng vợ con các quan lại, thân vương di tản về vùng sông Hoàng Giang (thuộc Lý Nhân, Hà Nam ngày nay) dưới sự sắp xếp của Quốc mẫu Trần Thị Dung. Bà trước là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, sau khi họ Trần thay họ Lý thì gả cho Trần Thủ Độ. Trần Thị Dung vốn là người được vua Lý Huệ Tông tin yêu, là mẹ của Lý Chiêu Hoàng và Thuận Thiên Hoàng Hậu (vợ vua Trần Thái Tông). Họ Trần có được ngôi báu nhờ vào công lớn của Trần Thị Dung nên uy tín của bà trong hoàng tộc rất lớn. Đến đây, Trần Thị Dung đã góp nhiều công lao giúp cho chiến dịch di tản thành công, bà lại tổ chức trưng thu vũ khí trong dân chúng gửi cho quân đội chống giặc.

Quân Mông Cổ sau khi vượt qua chốt chặn ở Phù Lỗ, bèn tiến thẳng đến kinh thành Thăng Long. Ngột Lương Hợp Thai cùng binh tướng dưới trướng dễ dàng chiếm được kinh đô Đại Việt. Đây là điều bất thường ở thời đại bấy giờ. Đại Việt đã không cố thủ tại kinh đô mà nhanh chóng di tản. Và bất thường nhất là cả dân chúng cũng di tản. Thông thường ở nhiều quốc gia trên thế giới, kinh đô là trái tim của một đất nước. Việc thất thủ kinh đô gần như đồng nghĩa với mất nước vì đó là đầu mối giao thông và kinh tế của cả nước, là nơi tập trung sức mạnh lớn nhất, nơi ở của những người lãnh đạo đất nước. Ngoài ra thì thất thủ kinh đô là một đòn gián mạnh vào tinh thần, ý chí chiến đấu của một nước khi đó là một biểu tượng tinh thần của đất nước. Trong suy tính ban đầu của quân tướng Mông Cổ, chúng sẽ đóng quân ở Thăng Long mà chờ đợi một sự đầu hàng của triều đình Đại Việt. Tuy nhiên sự tự tin của đội quân xâm lược sẽ nhanh chóng tiêu tan. Một thế trận mới của quân dân Đại Việt đang chờ đón chúng.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-u4wo8gOwa2g/Wj5E-wJnZ4I/AAAAAAABTFc/_syQW2Zmv3gI12tU5PmeEtTGZepVlpfbACLcBGAs/s640/29.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 30

BẠO QUÂN MÔNG CỔ
LẦN ĐẦU RƠI VÀO CẢNH HOẢNG LOẠN
Ở THĂNG LONG


1.
Quân Mông Cổ ở Thăng Long

Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân xâm lược Đại Việt với một tốc độ nhanh thường thấy của quân Mông Cổ. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần kể từ khi vượt biên giới, quân Mông Cổ đã vào đến Thăng Long. Thế nhưng với kế sách “vườn không nhà trống” mà quân dân Đại Việt bày ra, việc nhanh chóng chiếm giữ kinh đô của quân Mông Cổ trở nên không mấy ý nghĩa.

Chưa kịp đắc thắng khi tiến vào Thăng Long, quân tướng Mông Cổ nhận ra rằng chúng đang ở trong một thành thị hoang vắng, chỉ còn lác đác một vài người dân không kịp di tản. Quân Mông lập tức lục soát khắp thành. Những gì chúng tìm thấy chỉ là ba tên sứ giả đang bị trói chặt bằng dây thừng tre, thoi thóp trong đại lao. Khi cởi trói thì một tên sứ giả đã chết do đói khát. Khắp thành Thăng Long các kho lương thực của triều đình cùng với lương ăn trong nhà dân đa phần đã được đem đi hoặc cất giấu. Quân Mông Cổ không tìm được quân lương, điều mà chúng hy vọng khi chiếm được thành Thăng Long. Tức giận, Ngột Lương Hợp Thai thả cho quân lính đập phá khắp thành, lùng giết bất cứ người nào còn sót lại trong thành. Hành động tàn ác này càng làm cho quân dân Đại Việt quyết tâm tử thủ ở bất cứ nơi nào quân giặc tiến đến.

Trong khi Thăng Long di tản, thì các làng xóm lân cận với kinh thành cũng tổ chức chôn giấu lương thực, đào hào đắp luỹ để tự bảo vệ mình. Quân lệnh của triều đình đã ban xuống rằng nhân dân khi gặp giặc đến phải quyết chiến đến cùng, hoặc liệu thế không chống nổi thì cho phép lẩn trốn vào rừng núi chứ nhất định không hàng giặc. Mệnh lệnh đó được nhân dân các thôn làng tuân theo triệt để.

Như đã phân tích ở những kỳ trước, biên chế thông thường của một đạo quân Mông Cổ điển hình có ưu thế cốt ở việc gọn nhẹ, không tiêu tốn nhiều nhân lực, vật lực cho hậu cần. Phương châm của quân Mông Cổ là mang theo lương thực vừa đủ dùng trong một thời gian ngắn trên lưng ngựa, rồi chúng sẽ cướp bóc trong lãnh thổ đối phương để nuôi quân. Đó là sách lược lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Tuy nhiên lần tấn công Đại Việt, yếu điểm chết người của quân Mông đã lộ ra. Ở trong thành Thăng Long hoang vắng, nguy cơ thiếu lương thực đối với quân Mông tính bằng ngày, bằng giờ. Tình thế buộc Ngột Lương Hợp Thai phải chia quân thành các toán nhỏ, toả ra các làng quanh Thăng Long để cướp bóc. Tuy nhiên giải pháp này lại lợi không bù được hại. Chẳng mấy toán quân đi cướp lương thu về thành quả xứng đáng. Những làng chiến đấu luôn buộc quân Mông Cổ phải trả cái giá đắt về nhân mạng để đổi lấy số lương thực cướp được ít ỏi. Thế nhưng có khi quân Mông Cổ vào chiếm được làng lại chẳng tìm được gì để ăn. Thậm chí có những làng được dân binh dựng luỹ kiên cố, đẽo tre làm chông như những con nhím khiến quân Mông Cổ không thể xuyên thủng nổi.

Sử cũ ghi nhận cuộc chiến đấu của nhân dân làng Cổ Sở (ngoại thành phía tây Hà Nội ngày nay) như một minh chứng điển hình của cuộc chiến tranh nhân dân quanh Thăng Long. Dân chúng của làng đã giăng bẫy, đào hào, cắm chông, dựng chiến luỹ bằng tre để ngăn kỵ binh giặc. Kỵ binh Mông Cổ khi tấn công vào làng thì ngựa bị mắc bẫy khuỵ chân không đi được, binh lính Mông Cổ liều mạng xông vào thì giẫm phải chông tre và bị trúng tên từ trong làng bắn ra. Thừa thế, dân binh trong làng xông ra chém giết, chặt lấy đầu giặc để uy hiếp tinh thần. Cuối cùng toán quân cướp bóc đành phải rút chạy bỏ lại xác đồng đội mà chẳng thu hoạch được gì. Những chiến thắng từ các thôn làng nhỏ như thế là nền tảng ban đầu, là sự báo hiệu cho một chiến thắng lớn mang tính toàn cục. Quân Mông Cổ nhanh chóng lâm vào cảnh đói khát, túng quẫn. Ngột Lương Hợp Thai sợ ở trong thành sẽ bị bao vây bất ngờ nên dẫn quân ra khỏi thành, đóng quân ở bến Đông Bộ Đầu. Quân đội và triều đình Đại Việt thì mất tăm, khiến cho viên chủ tướng Mông Cổ có muốn kéo quân đánh một trận sống mái cũng chẳng được. Xung quanh thành Thăng Long là muôn vàn các nhánh sông lớn nhỏ như những chiến luỹ tự nhiên ngăn cản quân Mông tung hoành. Quân Mông Cổ lúc này vẫn còn gần 4 vạn người, chỉ biết chôn chân chờ đợi.
2.
Đại quân nhà Trần ở Thiên Mạc

Trong khi quân Mông Cổ ở Thăng Long dần rơi vào tình thế túng quẫn thì quân Đại Việt ở Thiên Mạc có cơ hội xốc lại tinh thần sau những tổn thất ban đầu. Dưới sự điều động về hậu cần cực tốt, các kho tàng đủ để nuôi một số lượng quân lính tập trung đông đảo trong một thời gian dài. Ấy cũng là nhờ trong lúc thái bình Đại Việt đã liên tục phát triển nông nghiệp. Cái gốc rễ thịnh vượng trong thời bình là nền tảng cho sức mạnh hậu cần trong chiến tranh. Bấy giờ sương binh các lộ, cùng với gia binh của các vương hầu kéo nhau đến Thiên Mạc hội sư đông đến hơn 10 vạn quân. Chiến thuyền Đại Việt đậu tấp nập ở sông Thiên Mạc. Những vũ khí trong dân ngày thường vẫn lưu giữ nhiều, nay được triều đình tổ chức trưng thu để bổ sung cho quân đội. Về mặt vật chất quân dân Đại Việt vẫn có đủ sức mạnh để đánh bại giặc. Tuy vậy, về mặt tinh thần xuất hiện một số hoang mang nhất định trong hàng ngũ. Bởi kể từ khi Ngô vương nối lại quốc thống nước Việt, trải mấy trăm năm chưa có quân giặc nào vào được kinh thành nước ta. Đến nay ta phải lui binh liên tiếp, bỏ ngỏ kinh đô. Điều đó theo lẽ thường bất cứ người nào cũng sẽ sinh hoài nghi về sức mạnh của đất nước.

Một điển hình cho sự sợ hãi thời bấy giờ, tiếc thay lại đến từ một người đứng đầu hàng quan võ – Thái uý Trần Nhật Hiệu. Ông trước là người có uy vọng rất lớn, từng lập nhiều công lao trong chiến trận, lại là người họ hàng gần gũi với vua (chú của Trần Thái Tông, được gọi là Thúc phụ). Trần Nhật Hiệu ngoài tài điều binh, còn có tài cai trị. Trước kia, vua Trần Thái Tông đi đánh Chiêm Thành đã giao ông làm lưu thủ tại kinh thành và ông đã hoàn thành trọn vẹn trọng trách. Bởi vậy bằng nhiều sự tin tưởng, vua Trần đã đích thân đi thuyền nhẹ đi tận chỗ của Trần Nhật Hiệu để hỏi kế sách chống giặc. Trần Nhật Hiệu lúc ấy đang ngồi thẩn thờ trên một chiếc thuyền nhỏ, nghe vua hỏi không nói nên lời, dùng tay chấm nước viết lên mạn thuyền hai chữ “Nhập Tống”. Tức là Nhật Hiệu khuyên vua bỏ nước chạy sang Tống nương nhờ để bảo toàn mạng cho hoàng gia. Đó là kế dở tệ và vô trách nhiệm. Bởi một là chính nước Tống cũng đang lao đao trước sức tấn công của Mông Cổ, hai là vua bỏ nước đi trốn thì muôn dân biết trông cậy vào ai nữa.

Vua lại hỏi quân Tinh Cương ở đâu. Nhật Hiệu bấy giờ đã bỏ ngũ, không điều quân nghiêm chỉnh nên vua mới hỏi vậy. Nhật Hiệu trả lời: “Không gọi được chúng đến”. Vua thấy Thúc phụ mình bày kế nhảm, lại bỏ quân bản bộ không coi giữ,thất vọng bỏ đi. Thuyền ngự lại sang chỗ Thái sư Trần Thủ Độ hỏi kế sách. Trái với sự yếu hèn của vị Thái uý, Thái sư Trần Thủ Độ khẳng khái đáp lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Lời nói của vị Thượng phụ Thái sư, người đứng đầu bá quan văn võ khiến cho vua Trần Thái Tông lập tức lấy lại được niềm tin. Chẳng những vua Trần vững tin, mà khí khái của Thái sư Trần Thủ Độ còn truyền cảm hứng đến tất cả ba quân tướng sĩ.

Bấy giờ Trần Thủ Độ được mọi thần dân và quan quân Đại Việt coi là một cây đại thụ với rất nhiều sự tin tưởng. Tài thao lược của ông đã được minh chứng trong nhiều năm để làm nên một vương triều Trần vững mạnh. Bằng uy tín của mình, Trần Thủ Độ đã giúp quân Đại Việt có lại được nhuệ khí, có lại niềm tin vào chiến thắng. Với niềm tin đó, quân dân Đại Việt chuẩn bị bước vào trận chiến sống còn với địch.

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-fqk8SqYa6e8/Wkb4AQPzTqI/AAAAAAABTvo/yqz1G6zc2RIuiBE4TFNy5kiH3BPAvFbJgCLcBGAs/s640/30.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 31

ĐẠI VIỆT PHẢN CÔNG
TRÚT SẤM SÉT LÊN ĐẦU QUÂN MÔNG CỔ
Ở THĂNG LONG


1.
Đại Việt phản công, quyết chiến Đông Bộ Đầu

Quân Mông Cổ ở Thăng Long chỉ hơn một tuần thì nhuệ khí và sức chiến đấu suy giảm mạnh so với thời điểm ban đầu mới tiến sang. Một mặt quân Mông lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực, mặt khác chúng bị các làng xóm xung quanh Thăng Long kiên quyết chống cự. Quân Mông Cổ đã mất dấu triều đình Đại Việt nên có muốn tiếp tục cuộc rượt đuổi giữa kỵ binh và thuyền chiến cũng không được. Tình hình đã dần nằm ngoài sự suy tính của Ngột Lương Hợp Thai. Viên tướng được mệnh danh bách chiến bách thắng trong quân đội Mông Cổ lần này phải đối mặt với một thế trận không giống bất cứ nơi đâu mà y từng chinh chiến.

Trong khi đó tại Thiên Mạc, quân Đại Việt hừng hực khí thế phản công. Kể từ sau trận Bình Lệ Nguyên, vua Trần Thái Tông đặc biệt tin cậy Ngự sử trung tán Lê Tần. Hằng ngày Lê Tần đều cùng vua và Thái sư Trần Thủ Độ bàn việc cơ mật, lên kế hoạch chiếm lại kinh thành. Trong lúc đại quân còn đang chuẩn bị ở Thiên Mạc, thì Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đã tự thống lĩnh đội gia binh của mình liên tiếp cơ động ở gần đại doanh của Mông Cổ, tổ chức những trận mai phục nhỏ tiêu diệt những toán quân đi lẻ tẻ cướp bóc. Vị tướng trẻ Trần Khánh Dư bấy giờ đương tuổi thiếu niên[1], với cách đánh xuất quỷ nhập thần cùng đội quân của mình đã làm cho quân địch thêm phần hoang mang, và càng cổ vũ nhuệ khí quân ta dâng cao. Mọi việc bàn định và chuẩn bị xong, cuối tháng 1.1258 binh thuyền Đại Việt nối tiếp nhau xuôi dòng sông Hồng tiến thẳng về thành Thăng Long, quyết chí thu phục lại kinh đô, đuổi giặc khỏi bờ cõi.

Chiến thuyền Đại Việt thời này vừa đông đảo lại vừa đa dạng về chủng loại, với nhiều chức năng chiến đấu khác nhau. Chiếm số lượng nhiều nhất trong hạm đội là những thuyền loại Mông Đồng. Loại thuyền này mạn thấp, mũi thuyền vút cao, có mái che tên, mỗi chiếc chở được khoảng 60 người. Trong đó có khoảng 30 tay chèo, 30 thuỷ binh. Khi lâm trận, tuỳ tình huống mà người chèo thuyền cũng có thể cầm vũ khí tham gia chiến đấu như binh lính. Hoàng thái tử Trần Hoảng (sau là vua Trần Thánh Tông) bấy giờ mới 18 tuổi, được vua Trần Thái Tông giao quyền đồng chỉ huy, trực tiếp thống lĩnh đội lâu thuyền (thuyền chiến có nhiều tầng lầu) đi tiên phong. Vua Trần Thái Tông đích ngự lâu thuyền dẫn toàn quân còn lại theo sau tiếp ứng.

Nửa đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29.1.1258 (24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ 1257 Âm lịch), quân Đại Việt tắt hết đèn đuốc, âm thầm chèo thuyền đến gần bến Đông Bộ Đầu, nơi quân Mông Cổ đóng đại doanh. Ngay sau khi tiếp cận thành công, thình lình trống trận quân Đại Việt nổi lên, đèn đuốc thắp sáng rực một khúc sông. Những làn mưa tên từ những chiến thuyền Đại Việt bắn tới tấp vào các chốt lính canh. Kế đến, hàng lớp chiến thuyền lớn nhỏ nhanh chóng đưa quân đổ bộ lên bờ, đánh sâu vào doanh trại địch. Lợi thế lớn ở chiến thuyền giúp cho quân Đại Việt có thể đổ bộ một cách dễ dàng. Quân Mông Cổ bị tấn công vào nửa đêm, sau những tổn thất ở vòng ngoài và hoảng loạn ban đầu thì gấp gáp định thần, mặc giáp cầm gươm ra chống đỡ. Ngột Lương Hợp Thai ra sức hô hào chỉnh đốn hàng ngũ. Từ các liều trại, quân Mông vội lên ngựa ùa ra kịch chiến với quân Đại Việt. Lúc này Đại Việt đã tấn công sâu lên bờ, mất đi sự yểm trợ đắc lực từ các chiến thuyền.

Tuy vậy với lợi thế áp đảo về quân số, sĩ khí, lại là quân no đánh quân đói nên trận tuyến Đại Việt hoàn toàn áp đảo quân địch. Thái tử Trần Hoảng cùng vua Trần Thái Tông ngự trên lâu thuyền chỉ huy toàn trận đánh. Những chiến tướng Đại Việt như Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Lê Tần… chia quân làm nhiều mũi công kích giặc trên các hướng. Quân Mông Cổ dồn quân chỗ cự mặt này thì lại hở mặt kia do thiếu quân và bất lợi ở trời tối. Trần Khánh Dư quan sát được sơ hở của địch, thúc quân đánh thọc sâu vào trận địa làm hàng ngũ Mông Cổ càng thêm rối loạn và tổn thất nặng nề. Khí thế quân Đại Việt ngút trời, dần hình thành thế bao vây quân địch. Là một tướng lão luyện, Ngột Lương Hợp Thai nhanh chóng nhận ra thế trận đã được định đoạt. Y lập tức hạ lệnh rút lui gấp về hướng bắc để bảo toàn lực lượng. Tính tổng cộng quân Mông Cổ chỉ ở Thăng Long được 9 ngày. Quân Mông Cổ rút theo đường cũ, men theo sông Nhị, sông Thao mà chạy một mạch về biên giới tây bắc Đại Việt.
2.
Quân Mông Cổ tháo chạy, trận Quy Hoá

Thời bấy giờ lưu truyền về khả năng rút quân bảo toàn lực lượng của quân Mông Cổ ấn tượng cũng chẳng kém khả năng tấn công thủ thắng. Hắc Thát Sử Lược của học giả Bành Đại Nhã nước Tống chép về quân Mông Cổ: “… Họ mà thắng thì đuổi theo địch chém giết, không để trốn thoát. Họ mà thua thì chạy rất nhanh, đuổi theo không kịp…”. Sẽ là một chiến thắng không triệt để nếu quân ta chỉ có thể bức rút mà không tiêu diệt được phần lớn sinh lực địch. Với quân số còn đông, quân Mông Cổ hoàn toàn có thể tạm thời lui binh để xốc lại lực lượng. Kỵ binh Mông Cổ “ngày đi vài trăm dặm”, rút lui rồi quay lại cũng sẽ chẳng mấy hồi vì chúng đã có Vân Nam (lãnh thổ Đại Lý thời bấy giờ) làm bàn đạp.

Thế nhưng ở Đại Việt thì cái tiếng tăm “đuổi không ai chạy kịp, chạy không ai đuổi kịp” của quân Mông Cổ một lần nữa bị đạp đổ. Dẫu rằng chiến thuyền và quân đội triều đình Đại Việt bấy giờ hầu hết dồn ở Thăng Long nên khó mà có lực lượng thuyền bè nào truy đuổi được quân Mông Cổ chạy về bắc. Tuy vậy các đạo dân binh ở các địa phương đã tổ chức đón lõng địch trên các tuyến đường mà buộc lòng chúng phải đi qua. Đó là tuyến đường men theo dọc sông Thao, qua ngã trại Quy Hoá (thuộc Lào Cai ngày nay) để về Vân Nam. Bấy giờ có tướng Hà Bổng, sau khi thừa kế quyền trại chủ Quy Hoá từ Hà Khuất (đã chết bệnh hoặc tử trận), ông đã tích cực kêu gọi quân dân khắp các vùng châu động biên giới tập hợp lại để chống giặc. Tin tưởng vào một chiến thắng ở vùng trung châu nước Đại Việt, hàng ngàn quân châu động của Hà Bổng với lực lượng đa phần là người dân tộc Tày, Nùng và các sắc dân thiểu số đã tổ chức sẵn một trận địa mai phục liên hoàn dọc theo tuyến đường ra quan ải tại địa bàn trại Quy Hoá. Họ đã kiên trì chờ đợi địch mấy ngày trời.

Lúc này quân Mông Cổ đã bại trận, sĩ khí tiêu tan, chỉ mong chạy thoát thân trước rồi mọi chuyện về sau mới tính kế. Quân Mông Cổ rút quân theo hàng dọc, người ngựa chạy đường dài chừng đã mệt mỏi, binh thế đứt đoạn, tốp trước tốp sau không liền lạc. Quân Mông chạy lọt vào trận địa dàn sẵn, nhất tề quân mai phục nổi lên tấn công mãnh liệt vào đoàn quân mệt mỏi của địch. Cung nỏ đồng loạt bắn ra, hàng ngàn chiến binh hăng hái xông vào giáp chiến với quân Mông Cổ. Bị tấn công bất ngờ tại địa hình hiểm trở, không kịp tập họp lực lượng chống đỡ nên quân Mông Cổ lại bị thiệt hại nặng nề. Ngột Lương Hợp Thai thúc quân cố chết phi ngựa vượt qua làn tên của đội quân dưới trướng trại chủ Hà Bổng, mạnh ai nấy giữ lấy thân, chẳng buồn đánh trả. Sự chống trả yếu ớt khác hẳn sự hung hăng, cướp phá lúc ban đầu khi tiến vào Đại Việt khiến quân dân vùng biên giới cũng không khỏi ngạc nhiên, mỉa mai gọi quân Mông Cổ là “giặc Phật”. Hà Bổng thúc quân truy kích. Quân của Ngột Lương Hợp Thai chạy đến biên giới thì một toán du binh Mông Cổ từ Vân Nam đến đón. Quân ta ngừng truy đuổi.

Quốc Huy
-------------
[1]Trần Khánh Dư không rõ năm sinh. Ông mất năm 1339 nhưng năm 1258 đã xuất hiện trong các trận chiến ở cuộc kháng chiến chống Mông lần đầu. Các sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí đều có ghi chép. Quãng thời gian 1258 – 1339 cách nhau 8 thập niên. Vì vậy ắt là bấy giờ ông còn rất trẻ

https://2.bp.blogspot.com/-BvWSRjGz61s/WlGr3sG3ubI/AAAAAAABVxQ/ByVfKD4VK_QBx-JUQeRF4xLXzhLLOa9DgCLcBGAs/s640/31.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 32

HÀNG VẠN QUÂN PHƯƠNG BẮC
BỎ XÁC TRÊN ĐẤT VIỆT
TRONG CUỘC CHIẾN 1 THÁNG


Ít lâu sau, Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân hội sư với Hốt Tất Liệt ở Ngạc Châu. Không thể đi con đường từ lãnh thổ Đại Việt vòng lên phía nam nước Tống như dự kiến, đoàn quân của Ngột Lương Hợp Thai phải men theo những con đường núi hiểm trở từ Vân Nam đến Ngạc Châu. Trên đoạn đường này, quân Mông Cổ lại phải chết dần chết mòn do rừng thiêng nước độc. Khi hội quân ở Ngạc Châu, đoàn quân của Ngột Lương Hợp Thai chỉ còn lại 5.000 quân kỵ. Cuộc đời chinh chiến của mình, chưa bao giờ Ngột Lương Hợp Thai thảm bại như thế.

Điều đó khiến sử sách phương Bắc luôn tìm cách nói giảm, nói tránh để gỡ gạc thanh danh cho vị Thái soái của họ. Sách Nguyên sử các phần ghi chép bất nhất về cuộc xâm lược Đại Việt. Trong phần An Nam truyện, Nguyên sử miêu tả quân Mông thắng suốt, vua Trần thì “chạy trốn ra hải đảo” (!?). Cuối cùng An Nam truyện lý giải quân Mông “vì khí hậu khắc nghiệt nên rút quân về”. Cũng trong Nguyên sử nhưng phần Ngột Lương Hợp Thai liệt truyện lại chép rằng: “… Quá bảy ngày, Nhật Cảnh (chỉ vua Trần) xin nội phụ, nên đặt tiệc rượu khao quân sĩ, đem quân quay về…”. Những sự ghi chép gượng gạo, bất nhất này là nhằm tự bào chữa cho thất bại khó nuốt trôi ở Đại Việt. Trong lịch sử không bao giờ có truyện một đội quân hàng vạn người kéo sang nước khác chỉ để nhận lời “xin nội phụ”, khao quân một bữa rồi rút về mà không có sự thay đổi nào về mặt hành chính, cai trị.

Sau chiến thắng,vua cùng triều đình và thần dân về lại kinh thành Thăng Long. Bấy giờ quan cảnh kinh đô đổ nát do sự tàn phá của quân Mông Cổ. Từ vua đến thứ dân trông thấy đều không khỏi đau xót. Quân Mông Cổ tàn bạo tuy ở nước ta không lâu nhưng đã gây ra nhiều mất mát. Trải từ biên giới tới kinh đô, đã có nhiều nhân dân bị chết dưới vó ngựa hung tàn của giặc. Hơn vạn tướng sĩ cũng đã ngã xuống cho chiến thắng cuối cùng. Đó chính là cái giá của chiến tranh. Nhưng vượt trên tất cả, nền độc lập của nước Đại Việt vẫn trường tồn. Tết Nguyên đán năm Mậu Ngọ 1258, người Việt ăn Tết cùng với niềm vui chiến thắng quân xâm lược. Quân dân Đại Việt lại tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước.

Ngột Lương Hợp Thai về đến Vân Nam ít lâu, Mông Cổ lại phái thêm hai sứ giả sang chiêu dụ, ý chừng muốn Đại Việt ngả theo phe Mông Cổ để cùng diệt Tống. Bởi dù bại trận, Mông Cổ vẫn cậy thế hùng cường của một đế quốc đã trải dài từ Á sang Âu. Trần Thái Tông với vị thế của người chiến thắng và căm giận sự tàn ngược của người Mông Cổ, trói cả hai sứ giả rồi đuổi về. Vua lại sai sứ sang Tống tặng quà, toan cùng với Tống dựa lưng vào nhau để đề phòng Mông Cổ. Thế nhưng bấy giờ quốc lực Tống quá yếu, liệu chừng không chống nổi sức tấn công mãnh liệt của đế quốc Mông Cổ. Trong năm 1258, thế lực Mông Cổ nhìn chung vẫn dâng lên mạnh mẽ, thiết lập vị thế bá chủ phương Đông của mình. Mông Cổ lại phái thêm một đoàn sứ giả sang Đại Việt để đòi cống phẩm hằng năm. Qua cơn thịnh nộ, nhà vua nhận thấy thế mạnh của người Mông Cổ đang lên, nay mai sẽ nuốt trọn nước Tống nên phái sứ giả sang kết bang giao với Mông Cổ để giữ hoà khí. Sứ đoàn do Lê Tần làm Chánh sứ, Chu Bác Lãm làm Phó sứ, định lệ ba năm triều cống một lần và yêu cầu giảm bớt những đòi hỏi cống phẩm vô tội vạ của Mông Cổ.

Bấy giờ là niên hiệu Nguyên Phong thứ 8, đời vua Trần Thái Tông. Triều đình luận công ban thưởng. Tướng Lê Tần, người anh hùng trong trận Bình Lệ Nguyên lĩnh công đầu, được ban tên Lê Phụ Trần, tiến phong chức Ngự Sử Đại Phu, lại được vua đem công chúa Chiêu Thánh gả cho (1). Vua ân cần nói với Lê Phụ Trần rằng:“Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau”. Công kế đến là trại chủ Hà Bổng, được vua ban tước Hầu cùng nhiều tặng phẩm với chiến công ở trận Quy Hoá. Tiếp nữa Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được phong làm Thiên Tử Nghĩa Nam nhờ sự mưu trí, dũng cảm của mình trong các lần tập kích quân Mông. Các tướng sĩ khác cũng được xét công mà ban thưởng. Vua lại thấy Thái tử Trần Hoảng tuổi trẻ tài cao, đã đủ sức đảm đương việc nước nên quyết định nhường ngôi cho.

Tháng 3.1258, Thái tử Trần Hoảng lên ngôi hoàng đế, tức vua Trần Thánh Tông. Vua Trần Thái Tông được tôn làm Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế. Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông về ngự ở Bắc cung, cùng giúp nhà vua mới trị quốc an dân. Lệ nhường ngôi sớm cho thái tử rồi làm Thượng hoàng của các đời vua Trần bắt đầu từ đây. Thời trị vì của Trần Thánh Tông tiếp nối thành quả đời trước, trong nước thì nhân tài nảy nở, nông nghiệp phát triển, thành một trong những thời kỳ thịnh trị bậc nhất sử Việt. Sức mạnh của Đại Việt lại được củng cố thêm, đủ sức để đương đầu với những phong ba còn dữ dội hơn những năm sắp tới thuộc vương triều Trần.

Chiến thắng Mông Cổ trong năm 1258 mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho lòng yêu nước, là bài học quý về nghệ thuật quân sự, bài học về sự đoàn kết quân dân truyền cho muôn thế hệ sau. Quân địch dù tinh nhuệ, hay đông đảo, hoặc trang bị tối tân đến đâu thì cũng phải có điểm yếu. Cái mấu chốt của việc giữ nước là biết người biết ta, không vì thấy thế mạnh của giặc mà khiếp sợ, phải biết tìm chỗ yếu của địch mà khai thác, tận dụng chỗ mạnh của ta mà phát huy. Và trên hết là quân dân phải đồng lòng chung sức, muôn người như một, hiệu lệnh thông suốt từ trên xuống dưới. Ấy là nguồn sức mạnh vô địch vậy. Vua Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng hai lần kháng Mông Nguyên nhiều năm sau đó khi thăm lăng mộ Trần Thái Tông, có dịp gặp và trò chuyện với người lính từng tham chiến trong trận này đã cảm khái viết dòng thơ:

Bạc đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong

Dịch:
Còn người lính đầu bạc
Mãi kể chuyện Nguyên Phong


Quốc Huy
--------------.
[1]Công chúa Chiêu Thánh tức là nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng nhà Lý, vợ cũ của vua Trần Thái Tông. Chiêu Thánh làm hoàng hậu chưa kịp sinh con thì bị Trần Thủ Độ gây sức ép với Trần Thái Tông phế đi. Vua Trần đem vợ cũ, lại là nữ hoàng tiền triều gả cho thần tử là việc bị sử gia phong kiến chê cười. Tuy nhiên cuộc hôn nhân giữa Lê Phụ Trần và Chiêu Thánh lại khá viên mãn. Lê Phụ Trần văn võ toàn tài, Chiêu Thánh cũng là một phụ nữ xinh đẹp hiền lành.

https://2.bp.blogspot.com/-M7r19NcF_lY/WlrgZAWt_rI/AAAAAAABWVk/TgKP0jRUE3M8LP1Rk-HvYIRanTxb_fKhgCLcBGAs/s640/32.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối