Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 10

LÝ THƯỜNG KIỆT DÙNG LÍNH THUỶ ĐÁNH BỘ
CHỐNG QUÂN TỐNG


Sau khi hoàn thành cuộc bắc phạt đánh phủ đầu nước Tống và rút quân an toàn về nước, Lý Thường Kiệt – vị chỉ huy tối cao của quân đội Đại Việt đã biết chắc thế nào quân Tống cũng sẽ tiến sang báo thù. Ông đã cùng với triều đình và quân dân cả nước tích cực chuẩn bị để quyết chiến với quân xâm lược. Trai tráng cả nước được tuyển mộ vào đội ngũ, ngày đêm tập luyện chiến đấu.

Ở biên giới, thế phòng thủ của Đại Việt chủ yếu dựa vào các lực lượng thổ binh của các tù trưởng. Tù trưởng Lưu Kỷ giữ châu Quảng Nguyên. Phò mã Thân Cảnh Phúc ở châu Quang Lang đóng quân tại động Giáp giữ ải Giáp Khẩu và ải Quyết Lý. Châu Môn có quân của các tù trưởng Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận Linh án ngữ tuyến đường bộ từ Bình Gia đến Thái Nguyên. Vi Thủ An giữ đường từ Tư Lăng đến Lạng Châu. Trong các đội quân này mạnh nhất là quân của Lưu Kỷ và Thân Cảnh Phúc.

Quân của các tù trưởng châu động trên là những lực lượng người dân tộc thiểu số Tày, Nùng. Họ là những chiến binh can đảm và võ nghệ cao cường, lại thông thuộc địa thế, thạo chiến đấu trên những vùng núi non. Đó là những lực lượng đáng gờm đối với bất kỳ đội quân nào. Tuy nhiên có một yếu điểm là những sắc dân biên cương này không hoàn toàn trung thành với Đại Việt. Họ là những xứ tự trị, đối với vương triều Lý về căn bản vẫn chỉ là một liên minh lợi ích. Các đời vua triều Lý thường cố gắng chiêu dụ các tù trưởng bằng tước vị, tiền bạc và hôn nhân để mong có được sự quy phục và đã mang lại nhiều hiệu quả.

Sự đoàn kết như những người đồng chủng đồng văn giữa người miền đồng bằng trung tâm và người miền thượng du về căn bản vẫn khá lỏng lẻo. Chính vì vậy, khi bố trí một thế trận chống ngoại xâm, Lý Thường Kiệt phải chọn địa bàn châu thổ sông Hồng gần kinh thành Thăng Long làm trọng tâm với lực lượng đóng vai trò then chốt là các đội quân chính quy người Kinh sống ở đồng bằng trung châu nước Đại Việt. Đó là những đạo quân đặc biệt trung thành, có thể chiến đấu tới cùng trong mọi hoàn cảnh để bảo vệ đất nước.

Đặc biệt, vai trò của thuỷ quân là tối quan trọng trong thế trận chống ngoại xâm. Có thể nói đa phần quân chính quy Đại Việt là lính thuỷ đánh bộ hoặc thuỷ quân. Tướng Lý Kế Nguyên nắm giữ một đạo thuỷ quân tinh nhuệ đóng tại biên thuỳ châu Vĩnh An để đề phòng quân Tống dùng thuyền chở quân vượt biển hoặc phối hợp với bộ binh của tướng Quách Quỳ. Lý Kế Nguyên phụ trách che chắn cho cả một vùng bờ biển phía đông bắc Đại Việt, với những tuyến đường thuỷ yếu huyệt là vịnh Đông Kênh, cửa biển Bạch Đằng. Quân số đạo thuỷ quân mà Lý Kế Nguyên chỉ huy ước chừng dưới 2 vạn quân.

Hai hoàng thân Hoằng Chân, Chiêu Văn nắm giữ 2 vạn thuỷ quân với 400 chiến thuyền đóng tại Vạn Xuân. Từ vị trí này, chiến thuyền Đại Việt có thể kiểm soát cả một hệ thống sông ngòi che chắn cho thành Thăng Long từ phía bắc, bao gồm các con sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương, sông Đuống, sông Thái Bình, sông Bạch Đằng … đặc biệt là sông Cầu. Con sông Cầu thời bấy giờ là một con sông lớn, là nơi mà các tuyến đường quan trọng từ bắc xuống nam đều phải đi qua, với bến đò Như Nguyệt gần như là đường độc đạo để cho một đội quân lớn có thể vượt sông. Vào thời kỳ này, bến đò này là một chốt giao thông huyết mạch, cùng với vùng lân cận là điểm khả thi nhất, thậm chí gần như là sự lựa chọn duy nhất cho quân Tống nếu muốn vượt sông Cầu đánh chiếm Thăng Long.

Chính vì đây là yếu địa, Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng ở đây một chiến tuyến quy mô dài gần 30 km, cùng các điểm phụ trợ nằm ở bờ nam. Chiến tuyến Như Nguyệt là một chuỗi những cụm chiến luỹ được làm bằng gỗ, tre, nứa được liên kết bằng vữa đất. Chiến luỹ được đắp theo những nơi được đánh giá là có thể vượt sông. Bên ngoài các đoạn chiến luỹ, lớp lớp những chông tre được cắm kín bờ sông chĩa mũi nhọn về phía bắc. Ngoài ra còn có những hầm chông ngầm được chôn tạo thành những cái bẫy. Những nơi bụi rậm hay bờ dốc cao thì không có chiến luỹ, chỉ có quân mai phục đề phòng.

Quân Đại Việt đóng thành cụm quân lớn ngay tại bến đò. Cùng với đó là một chuỗi liên hoàn các cụm quân dọc theo chiến tuyến để canh chừng và liên lạc, hỗ trợ cho nhau. Có bốn cụm quân lớn dọc sông Cầu là Như Nguyệt, Thị Cầu, Phấn Động, Vạn Xuân được gấp rút chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Quân phòng thủ trên bờ và thuỷ quân dưới sông từ căn cứ Vạn Xuân phối hợp với nhau tạo thành chiến tuyến mang tính chất sống còn đối với Đại Việt. Tống quân số cho chiến tuyến này chừng 6 vạn.

Trong đó, có 2 vạn thuỷ quân cùng 400 chiến thuyền ở căn cứ Vạn Xuân, 4 vạn quân còn lại đóng thành nhiều cụm liên hoàn dọc theo chiến tuyến . Các cỗ máy bắn đá cũng được bố trí ở những trọng điểm dọc bờ sông. Ngay tại bờ nam bến Như Nguyệt còn có 300 chiến thuyền bày trận. Cấm quân tinh nhuệ nhất dùng để bảo vệ kinh thành cũng được điều lên tham chiến. Ngay sau lưng chiến tuyến chính là con đường tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long.

Ở vùng lãnh thổ phía nam, Đại Việt còn chịu sự đe doạ của Chiêm Thành và Chân Lạp. Hiện tại, sử liệu về việc chuẩn bị cho mặt trận phía nam này hầu như không có gì. Chúng ta thấy rằng quân Đại Việt với những đơn vị đông đảo nhất đã tập trung cho mặt trận phía bắc chống quân Tống. Nhưng hẳn là vùng phía nam cũng phải có số quân phòng thủ nhất định để đề phòng liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp. Ngoài số lộ quân (quân địa phương thời Lý) phòng giữ các châu, trấn phía nam, Đại Việt còn sử dụng tù binh Tống để sung làm lính phòng thủ quân Chiêm. Số tù binh sung quân này có đến hàng ngàn, thậm chí gần vạn người. Đây là quân số quan trọng bổ sung cho chiến trường phía nam, đóng giữ tại trấn Nghệ An, Thanh Hoá. Tuy đội quân tù binh này ô hợp, nhưng Đại Việt hầu như không có nhiều sự lựa chọn.

Về sau, diễn biến cuộc chiến sẽ cho chúng ta thấy mặt trận phía nam chịu ảnh hưởng từ kết quả của mặt trận phía bắc. Xét cho cùng hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp tấn công Đại Việt cũng chỉ mang tính chất theo đóm ăn tàn. Họ chờ đợi một thắng lợi của nước Tống để xâu xé Đại Việt chứ chẳng dại gì dành phần khó nhọc về mình. Nhất là nước Chiêm Thành đã nhiều lần nếm mùi thất bại trước Đại Việt nên càng thêm phần thận trọng. Có thể nói rằng, nếu Đại Việt đánh bại được Tống thì hai nước này không đánh cũng tự rút. Bởi nếu quân Đại Việt được rảnh tay chiến đấu trên lãnh thổ của mình thì cho dù hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp liên minh cũng không phải đối thủ.

Cuối năm 1076, khi quân Tống tiến đến biên giới và bắt đầu những hoạt động quân sự đầu tiên, một thế trận liên hoàn trên toàn lãnh thổ nước Đại Việt đã sẵn sàng chờ đón chúng.

Quốc Huy

https://3.bp.blogspot.com/-RgfhuSl5eUE/Wdh50T0RCxI/AAAAAAABJxA/I_8VtFsJE_UO1-FbUmeW1W8mznOUX503gCLcBGAs/s640/10.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 11

LÝ THƯỜNG KIỆT DÙNG GIÁN ĐIỆP
VUA TỐNG HOANG MANG


Nước Tống muốn thôn tính Đại Việt ta, cái họ thiếu nhất chính là thông tin. Ở chiều ngược lại, Đại Việt ở thế bị uy hiếp cũng rất cần nắm rõ tin tức của quân Tống. Từ cách bố trí lực lượng, thành phần tham chiến, vũ khí, thời gian … Tất cả những thứ đó đều rất quan trọng cho việc lập kế hoạch đánh giặc cụ thể, hiệu quả. Chính vì vậy, mặt trận nội gián, phản gián được cả hai bên rất chú trọng và diễn ra khá quyết liệt ngay từ trước khi hai bên khai chiến đến xuyên suốt cuộc chiến.

Muốn hiểu thấu đáo về vấn đề sử dụng nội gián của cả hai phía, trước hết phải nắm rõ về đặc điểm dân cư thời bấy giờ. Đương thời, lãnh thổ và dân tộc không hề được phân định rạch ròi như thời hiện đại. Nước Tống ban đầu lập quốc thì lấy vùng châu thổ sông Hoàng Hà làm trung tâm, dân cư nơi đó được coi là những dân thân thuộc, là người “Hán” chính hiệu. Còn các dân phía nam sông Trường Giang vẫn chỉ là những dân “hạng hai”. Trong đó có những sắc dân Mân, Điền, Ngô … vẫn mang những hồi ức về những nhà nước độc lập xa xưa của họ, phần nào có xu hướng thoát khỏi sự cai trị của đế chế Tống để xây dựng lại nền độc lập. Đó là những cư dân vẫn đang trong quá trình đồng hoá với những người phương Bắc để tạo thành người “Hán”. Những dân này ở vùng ven biển phía đông nam nước Tống rất nhiều.

Thêm vào một điều nữa là dân vùng Lưỡng Quảng có ngoài hình khá giống với dân Việt, sinh ra khó phân biệt, dễ dàng cho nội gián người Việt trà trộn. Dân chài lưới, người đi biển buôn bán cũng được Đại Việt thu nạp để do thám trong lãnh thổ nước Tống, được dân chúng che chở tạo thành cả một mạng lưới gián điệp lợi hại. Từ đây mà những động thái mộ binh phu, chuyển lương, đóng chiến thuyền được phía Đại Việt nắm rõ. Tống Thần Tông cũng biết dân chúng các vùng này không trung thành, mối nguy hiểm từ trinh thám Đại Việt khá cao nên thường xuyên gởi các chiếu chỉ dặn dò các lộ Quảng Đông, Giang Tây, Phúc Kiến phải cẩn thận đề phòng nội gián. Những người Quảng Nam, Phúc Kiến nước Tống sang buôn bán bên Đại Việt thường được trọng dụng, ban cho quan chức nên nhiều người ở hẳn Đại Việt không về nữa.

Đến mức ở nước Tống thời bấy giờ có tin đồn vua Lý vốn là người Mân sang làm vua nên người Lưỡng Quảng, Phúc Kiến mới được ưu ái như thế. Vua Tống sai người nhà của những người ở lại Đại Việt phải khai báo và chiêu dụ trở về nhằm khai thác tin tức. Tống còn phải đối phó với những quân do thám mà ta để lại dọc đường sau khi đánh Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu. Do thám Đại Việt cải trang thành nhà sư, nạn dân đi khắp nơi do la tin tức. Điều này khiến vua Tống lo ngại, hạ lệnh cho lộ Quảng Tây thôi cấp các bằng sắc cho các nhà sư (bằng sắc là một kiểu chứng nhận đối với các nhà sư đương thời).

Xa hơn một chút về phương nam, lộ Quảng Tây nơi biên thuỳ Tống – Việt và vùng rừng núi phía bắc Đại Việt là vùng của những sắc dân thiểu số, phần lớn là những mảng vỡ của tộc Tây Âu xa xưa. Nước Tống gọi họ là man di, nước Việt cũng bắt chước gọi chung là man. Vùng này gọi chung là vùng khê động, chịu sự cai trị trực tiếp của hàng loạt các dòng tù trưởng. Trên danh nghĩa, những sắc dân khê động này hoặc thuộc về Tống, hoặc thuộc lãnh thổ Đại Việt nhưng thực tế họ rất dễ đổi phe, bởi vì cả Tống và Việt đều không hoàn toàn đồng chủng đồng văn. Ở những trường hợp này, bên nào khéo ứng xử, chiêu dụ hơn sẽ có được sự phục vụ của họ. Chính những sắc dân này là đối tượng mà nước Tống rất tích cực tranh thủ bằng của cải, chức tước trước và trong cuộc chiến. Chỉ cần một vài người thông thuộc địa bàn dẫn đường, Tống có thể dễ dàng công phá những cửa ải hiểm trở nhất.

Tống sai những thám tử lẫn vào trong dân chúng vùng biên giới để kêu gọi dân chúng làm nội ứng cho quân Tống khi giao tranh nổ ra. Những thám tử này cũng là dân khê động vùng biên giới nhưng nằm bên lãnh thổ nước Tống. Vua Tống còn có chính sách chiêu dụ đối với những tù binh, hàng binh Đại Việt, ý đồ dùng những người này làm chỉ điểm, dẫn đường. Mạng lưới gián điệp của quân Tống chỉ phát huy một ít tác dụng ở vùng biên giới và vùng rừng núi phía bắc nước Đại Việt mà về sau trong cuộc chiến chúng ta sẽ thấy rõ. Tuy nhiên thành quả từ việc này không đáng kể so với thành tích dùng nội gián của phía Đại Việt. Nhất là, quân Tống vẫn không thể tiếp cận những tin tức về nội tình triều đình Đại Việt cùng các chính sách, dẫn đến những đoán định sai lầm như là đánh giá thấp sự đoàn kết của nội bộ triều đình Đại Việt.

Về phía quân Đại Việt, những hoạt động do thám đã đem lại những thông tin rất quan trọng để lập ra kế hoạch ứng chiến. Về việc chọn địa bàn quyết chiến, Lý Thường Kiệt đã không sử dụng lợi thế hiểm trở ở các cửa ải phía bắc để lập tuyến phòng thủ ngay tại biên giới mà chọn cách sử dụng các tuyến sông lớn ở vùng đồng bằng làm nơi ngăn cản quân thù. Đó là quyết định không đơn giản. Địa thế vùng biên ải phía bắc là vùng đất thiện hiểm, dễ thủ mà khó công, thuận lợi cho lấy ít địch nhiều. Nhất là, Đại Việt có tượng binh mạnh có thể trấn giữ cửa ải rất tốt. Nếu so về địa thế, vùng đồng bằng trung tâm không thể sánh được với vùng biên giới về thuận lợi cho phòng thủ, lại có phần thuận lợi cho kỵ binh địch.

Tuy nhiên qua phân tích kỹ càng, Lý Thường Kiệt đã chọn vùng đồng bằng làm nơi quyết chiến. Một phần của quyết định này đến từ lý lẽ tự nhiên là vùng đồng bằng gần với hậu cần của quân ta hơn, thuận lợi cho đánh lâu dài và cũng thuận lợi cho dùng thuỷ quân. Một phần là do Lý Thường Kiệt hiểu hiểm hoạ bị nội ứng chỉ điểm sẽ luôn chực chờ nếu đặt giao chiến lớn tại vùng biên giới phía bắc. Đối với việc phân chia lực lượng, nắm được rằng thuỷ binh Tống được thành lập vội vàng, lực lượng ô hợp nên Lý Thường Kiệt đã không giao nhiều quân cho Lý Kế Nguyên đóng giữ châu Vĩnh An. Quân số đạo thuỷ quân của Lý Kế Nguyên tầm khoảng dưới 2 vạn quân, nhưng đều là tinh binh được trang bị những chiến thuyền tối tân đủ sức chiến đấu ở cả vùng sông ngòi và những vùng biển khơi, có nhiệm vụ là ngăn chặn thuỷ quân Tống phối hợp với đạo quân chủ lực của Quách Quỳ.

Qua phân tích thông tin, Đại Việt đã đoán trước được đường tiến của thuỷ quân Tống. Điều này rất quan trọng, giúp thuỷ quân Lý Kế Nguyên bố trí lực lượng hiệu quả. Một đội thuỷ quân khác của Đại Việt khoảng 2 vạn quân, do chính hai hoàng thân Hoằng Chân, Chiêu Văn thống lĩnh đã được bố trí chốt giữ tại căn cứ Vạn Xuân nhằm kiểm soát sông Cầu, bên cạnh chiến tuyến Như Nguyệt, nơi mà Lý Thường Kiệt dự liệu sẽ diễn ra cuộc quyết chiến với đạo quân chủ chốt của nước Tống – đạo bộ binh 10 vạn lính và 20 vạn dân phu. Cũng dựa vào những tin tức tình báo có được, Lý Thường Kiệt hiểu rằng cuộc chiến quyết định sẽ là cuộc đối đầu giữa Tống và Việt. Hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp tuy cam kết tham chiến nhưng chỉ giữ vai trò thứ yếu.

Nhờ những bố trí chính xác dựa trên các phân tích thông tin, thế trận chống ngoại xâm của Đại Việt trở nên vô cùng vững chắc, đủ sức đương đầu với những đạo quân hùng hậu muốn xâu xé đất nước.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-ro1HjCy732k/Wd24Zf5mC7I/AAAAAAABKHs/MmrpxaDjZBQ4698FnfSnQxv0zPkVogKGwCLcBGAs/s640/11.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 12

TƯỢNG BINH ĐẠI VIỆT ĐỐI ĐẦU
VỚI CHIẾN THUẬT ‘BIỂN NGƯỜI’ CỦA QUÂN TỐNG


Mở màn chiến tranh, quân Tống đánh chiếm trại Ngọc Sơn thuộc châu Vĩnh An (Móng Cái ngày nay) để làm hậu thuẫn cho thuỷ quân Tống ở Khâm Châu. Ngay khi đại quân của Quách Quỳ còn ở Đàm Châu, tướng Nhâm Khởi đã dẫn quân tiên phong Tống đánh trại Ngọc Sơn từ cuối tháng 7.1076 và chiếm được trại này vào giữa tháng 8.1076. Với một tiền trạm biên thuỳ như trại Ngọc Sơn mà cầm cự được chừng nửa tháng đã chứng tỏ sức phản kháng của binh lính Đại Việt tại nơi này không hề nhỏ.

Vì vậy mà khi xuống chiếu thưởng công đầu cho Nhâm Khởi để khích lệ tinh thần quân sĩ, vua Tống phải phê vào “Công tuy không to, nhưng cũng đã lần đầu làm phấn khích sĩ tốt”.Sau trận này quân Tống dùng địa bàn trại Ngọc Sơn để kiểm soát châu Vĩnh An, làm bàn đạp chuẩn bị cho cánh thuỷ quân. Mặt trận chính yếu trên bộ nằm ở những hướng khác. Tháng 10.1076 đại quân của Quách Quỳ tiến đóng ở Tư Minh, Bằng Tường giáp địa giới nước ta, chia quân tấn công các cửa ải để thông đường tiến sâu vào nội địa Đại Việt.

Nước Tống muốn chiếm Đại Việt, đầu tiên họ phải đương đầu với hệ thống tiền đồn biên giới và các thế lực dân tộc thiểu số ở vùng giáp biên hai nước. Trước đây, khi quân Đại Việt đánh phủ đầu nước Tống đã tập họp được một liên quân lớn, với hầu hết các tù trưởng phía Đại Việt tham chiến. Sau khi hạ được Ung Châu, còn có những tù trưởng thuộc lãnh thổ Tống theo về với Đại Việt. Nay Tống mang đại quân xuống, dùng nhiều của cải chiêu dụ, các tù trưởng phía Tống lần lượt nhanh chóng trở về phe Tống triều. Tống cũng cho các thuyết khách tới tiếp xúc với các tù trưởng phía lãnh thổ Đại Việt, dùng nhiều lời lẽ vừa dụ dỗ vừa hăm doạ để lung lạc tinh thần các thủ lĩnh người dân tộc thiểu số. Ở phía bên lãnh thổ Đại Việt, phản ứng của các tù trưởng có khác biệt lớn. Có những trường hợp đã chiến đấu rất hăng hái chống quân xâm lược, chỉ đầu hàng khi bị bức bí không thể làm khác. Có trường hợp sắt son một lòng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng vì Đại Việt. Nhưng cũng có vài tù trưởng nhanh chóng đầu hàng, thậm chí làm phản bội chỉ điểm cho quân Tống.

Trong số các tù trưởng, trước tiên phải kể đến là tù trưởng Lưu Kỷ ở châu Quảng Nguyên (Cao Bằng). Triệu Tiết từng nói với Quách Quỳ: “Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc giữ động Giáp, đều cầm cường binh”. Địa bàn Quảng Nguyên là một trong những cửa ngõ đầu tiên để quân Tống tiến vào nước ta theo đường bộ. Chính vì vậy, Lưu Kỷ cùng đội quân của mình là những người sớm phải đối đầu với đạo bộ binh đông đảo quân Tống. Ban đầu, vua Tống còn nhận định rằng có thể dễ dàng chiêu hàng Lưu Kỷ. Bởi vì trước kia vào năm 1073, Lưu Kỷ từng nghe lời xúi dục của quan Kinh lược sứ Quảng Tây là Thẩm Khởi mà xin nội thuộc Tống nhưng bấy giờ Tống không dám nhận vì sợ sớm lộ mưu thôn tính Đại Việt. Nhưng thực tế thì trải qua một thời gian gắn bó với quân dân Đại Việt, cùng chiến đấu chung chiến tuyến Lưu Kỷ đã thay đổi hoàn toàn lập trường, trở thành một thủ lĩnh trung thành với Đại Việt.

Tháng 12.1076, đại quân Tống từ châu Tư Minh phía biên giới Tống tấn công châu Quảng Nguyên. Tướng Yên Đạt, Tu Kỷ dẫn quân nối nhau mà tiến vào địa bàn Quảng Nguyên. Lưu Kỷ cùng 5.000 quân của mình dựa vào địa thế chiến đấu ngoan cường, bao vây tiền quân của Tống, giết và bắt sống giặc tới hàng ngàn tên. Nhưng Yên Đạt dựa vào số đông, thúc trung quân liều chết tới cứu viện, Lưu Kỷ ít quân phải thả lỏng vòng vây và rút lui về căn cứ. Quân Tống tấn công không thủng nổi căn cứ Lưu Kỷ. Yên Đạt bày kế ly gián, sai bọn gián điệp trà trộn trong dân chúng phao tin rằng Lưu Kỷ đã ước hẹn sắp ra hàng quân Tống. Các thủ lĩnh nhỏ ở các động trúng kế, kéo nhau đem quân hàng Tống trước để yên thân. Lưu Kỷ bị bao vây, bất đắc dĩ cũng phải ra đầu hàng ngày 1.1.1077. Quân Tống bắt tù trưởng Lưu Kỷ cùng gia đình và các hàng tướng khác đem về Tống, 5000 quân Quảng Nguyên cũng bị bắt làm tù binh. Quân Tống vào căn cứ Quảng Nguyên cứu lại được 3000 tên bị bắt trước đó. Các động thuộc châu Quảng Nguyên và lân cận bị mất về tay quân Tống, bị ép cung ứng lương thực.

Quân Tống từ châu Quảng Nguyên tiến đánh Môn Châu, tù trưởng Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân ở vùng này đã thông đồng với Tống từ trước, nhanh chóng quy hàng và làm hướng đạo cho Tống. Quân Tống từ châu Tư Lăng tiến đánh Tô Mậu, tù trưởng Vi Thủ An cũng nghe lời dụ hàng của Tống mà hạ khí giới.

Ngày 8.1.1077 cánh quân chính của Quách Quỳ vượt ải Nam Quan tiến đánh huyện Quang Lang. Quân Tống gặp phải quân của phò mã Thân Cảnh Phúc và quân triều đình chặn đánh ở ải Quyết Lý. Tại đây, một trận ác chiến đã diễn ra. Quân Đại Việt có tượng binh giúp sức đã chặn được quân Tống trong thời gian ngắn và gây nhiều thiệt hại, nhưng quân Tống dùng mưa tên bắn vào voi và cho số đông quân cầm mã tấu chém vòi voi nên tượng binh quay đầu chạy, quân Đại Việt do phò mã Thân Cảnh Phúc chỉ huy phải rút lui về ải Giáp Khẩu (tức ải Chi Lăng) đặt sẵn mai phục chờ giặc. Ải này đặc biệt hiểm trở, trước đây các tướng phương Bắc đều phải chịu thương vong lớn tại đây.

Quách Quỳ là một tướng lão luyện, dò biết được có quân mai phục nên không dám tiến vào ải mà chấp nhận đi đường vòng khó nhọc, dựa theo sự dẫn đường của các phần tử phía Đại Việt đầu hàng. Quân Tống vượt dãy núi Bắc Sơn đến Yên Thế, là một con đường tắt lợi hại đánh vào phía sau phòng tuyến của quân Đại Việt. Tại làng Vạn Linh, kỵ binh địch đụng độ đội quân dự bị của triều đình dùng để chi viện cho ải Giáp Khẩu. Sự xuất hiện của quân Tống là một sự bất ngờ lớn với quân Đại Việt tại đây bởi đường đi mà quân Tống chọn rất hẹp và hiểm trở, phải là người thông thuộc mới có thể đi đúng được. Nhưng dù thế nào đi nữa, quân Đại Việt cũng quyết tử chiến, dựa vào thế núi cao bắn nỏ và ném đá về phía quân Tống gây thương vong lớn, lại lùa voi ra đánh giết quân Tống rất nhiều.

Tướng tiên phong Tống là Tu Kỷ phải rất khó nhọc mới qua được nhờ ưu tiên quân số, hết lớp này đến lớp khác tràn lên khiến quân Đại Việt thất thủ. Quách Quỳ theo đường vòng là nằm ngoài kế hoạch tác chiến của quân Đại Việt, toàn bộ đội quân mai phục ở ải Giáp Khẩu đứng trước nguy cơ bị đánh tập hậu và bị tiêu diệt. Lo ngại điều đó, Thân Cảnh Phúc nhân đêm tối lui quân lẫn về giữ rừng núi Động Giáp, chờ cơ hội đánh phục kích sau lưng giặc. Trong khi cánh trung quân của Quách Quỳ phải đụng trận với Thân Cảnh Phúc và một số đạo quân nhỏ thì cánh quân của Triệu Tiết theo hướng Bằng Tường (thuộc Tống) tiến vào Đại Việt, men theo Bình Giã, Vạn Nhai, Nhã Nam mà tiến và hầu như chẳng gặp phải cản trở gì. Các cánh quân Tống men theo ba ngã dọc sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam mà tiến như vũ bão, không còn đội quân nào trong vùng cản nổi bước tiến của giặc nữa.

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, các cánh quân Tống đã đến sông Phú Lương hội quân, tức là gần sát Thăng Long – trái tim của Đại Việt. Để đến được nơi này, đạo quân Tống đã bỏ xác tổng cộng gần 1 vạn quân trên các tuyến biên giới. Quách Quỳ còn trong hơn 9 vạn quân kỵ bộ. Bên kia bờ sông chính là con đường rộng mở tiến vào kinh thành Đại Việt, tiến vào vùng đồng bằng trung châu màu mỡ. Từ bến Như Nguyệt đến Thăng Long chỉ cách chừng 20km. Nếu quân Tống vượt qua được sông, hầu như chắc chắn Đại Việt sẽ vong quốc.

Nhưng tại đây, quân Tống gặp phải một phòng tuyến quy mô chưa từng thấy mà Lý Thường Kiệt cùng quân dân Đại Việt đã cất công dựng lên từ nhiều tháng trước. Đó là phòng tuyến Như Nguyệt chắn ngang đường thiên lý (con đường lớn xuyên bắc nam). Trên bờ, lớp lớp chông tre và chiến luỹ với hàng vạn bộ binh dàn sẵn. Dưới sông, hàng lớp chiến thuyền Đại Việt tuần tra. Lúc này thì quân Tống không còn đường nào để đi vòng né tránh nữa bởi thời bấy giờ đây là nút giao thông gần như duy nhất mà một đội quân có thể đi qua.

Quân Tống đóng trại ở bờ bắc sông Phú Lương, ngay ở đoạn bờ bắc bến Như Nguyệt. Quách Quỳ cho lập một hệ thống trạm chuyển lương dài từ biên giới Tống – Việt đến tận nơi đóng quân. Kế hoạch ban đầu của Quách Quỳ là đóng quân chờ phối hợp với cánh thuỷ binh Tống. Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy rằng, thuỷ chiến chưa bao giờ là điều mà người Việt tỏ ra kém cỏi. Cánh quân thuỷ Đại Việt do tướng Lý Kế Nguyên ở mạn đông bắc lúc bấy giờ cũng đang chiến đấu chặn đường tiến của thuỷ quân địch. Vận mệnh Đại Việt không chỉ phụ thuộc vào cuộc chiến đấu trong nội địa, mà còn phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến giữ các chiến thuyền mạn biển đông bắc.

Quốc Huy

https://4.bp.blogspot.com/-1lVFmOoVRRc/WeL4QTr6pAI/AAAAAAABKhE/z0_7jA345HwmokhpWwhASiHGRDyNFV2kwCLcBGAs/s640/12.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 13

LÝ THƯỜNG KIỆT VÀ CUỘC ĐẠI KHAI
SÁT GIỚI QUÂN TỐNG TRƯỚC CỬA BẠCH ĐẰNG


Thuỷ quân là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ kế hoạch xâm lược của nước Tống. Như các kỳ trước đã nói, thuỷ quân Tống thời kỳ này là một đội quân “thời vụ”, được gây dựng vội vàng chỉ nhằm phục vụ cho cuộc thôn tính Đại Việt. Lính tráng của thuỷ quân Tống đa phần là dân ven biển được tuyển mộ và huấn luyện trong thời gian ngắn, còn chiến thuyền là những thuyền buôn hoán cải. Xét về chất, thuỷ quân Tống kém Đại Việt xa cả về lính lẫn thuyền. Bởi Đại Việt là một nước có cơ sở văn hoá sông biển mạnh, lãnh thổ nhiều sông ngòi và giáp biển, thường xuyên phải dùng đến thuỷ quân cho các cuộc xung đột với Chiêm Thành và đánh dẹp trong nước.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của triều đình Tống cùng tướng Quách Quỳ vào thuỷ quân Tống không phải là viển vông hay thiếu cơ sở. Với tiềm lực của một đế chế rộng lớn và đông dân hơn Đại Việt gấp nhiều lần, nước Tống toan dùng ưu thế số lượng để bù lại sự yếu kém về chất lượng. Các thuyền buôn mà Tống chọn sung công để dùng cho thuỷ quân là các thuyền đi biển cỡ lớn, vừa chở được nhiều quân lính vừa giảm chao đảo khi di chuyển. Thuỷ quân Tống có đến hàng trăm thuyền lớn. Mỗi chiếc chở được hơn trăm lính đến hàng trăm lính.

Quân số đạo thuỷ quân Tống, theo sách Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam thì có đến hơn 5 vạn quân, do tướng Dương Tùng Tiên chỉ huy. Dương Tùng Tiên được vua Tống phong làm An Nam đạo hành doanh Chiến trạo đô giám, phối hợp với một số quan chức khác phụ trách từ tuyển mộ quân, trưng thu thuyền đến vạch kế hoạch tác chiến. Thuỷ quân Tống áp đảo hoàn toàn về số lượng so với thuỷ quân Đại Việt phía mạn đông bắc do Lý Kế Nguyên chỉ huy. Thuỷ quân của Lý Kế Nguyên chỉ có dưới 2 vạn quân theo như sách Danh tướng Việt Nam ước đoán Thậm chí toàn bộ binh chủng thuỷ quân Đại Việt cũng ít hơn quân số đạo thuỷ quân Tống.

Theo kế hoạch ban đầu mà tổng chỉ huy thuỷ quân Tống – tướng Dương Tùng Tiên vạch ra là dùng thuỷ quân đi vòng đường biển để tiến thẳng vào lãnh thổ Chiêm Thành, phối hợp với quân Chiêm đánh ngược lên từ phía nam Đại Việt, tạo thành thế gọng kìm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, kế hoạch này đã tỏ ra quá sức đối với Tống. Bởi việc cho hàng vạn thuỷ quân đi đường biển xa xôi như thế đòi hỏi sự chuẩn bị về hậu cần quá lớn, trong khi thời gian chuẩn bị thì có hạn. Việc chuẩn bị hậu cần như thế vượt ngoài tiềm lực của bất kỳ đất nước nào thời bấy giờ, kể cả Tống. Do sự phá sản của kế hoạch vượt biển vào Chiêm, thuỷ quân Tống phải chuyển sang kế hoạch mới. Đó là men theo ven biển đông bắc Đại Việt để xâm nhập vào nội địa theo ngã sông Bạch Đằng, phối hợp với đạo bộ binh của Quách Quỳ, chở quân sang sông lớn để chiếm kinh thành Thăng Long.

Thuỷ quân Tống tập kết ở Khâm Châu, vào cuối thu 1076 đã vượt biển tiến vào địa giới châu Vĩnh An mà đạo quân của tướng Nhâm Khởi đã chiếm đóng từ trước đó. Tại Vĩnh An, quân Đại Việt rút lui tạm nhường trận địa cho giặc. Lý Kế Nguyên âm thầm cho lực lượng thuỷ quân của mình đặt mai phục ở sông Đông Kênh, tuyến đường huyết mạch mà ông dự liệu chắc rằng thuỷ quân Tống phải đi qua. Vì rằng, đó là cách giải thích hợp lý nhất cho việc quân Tống ra quân chiếm Vĩnh An từ rất sớm. Đông Kênh vốn là một dải nước ven biển giữa đất liền và các hải cảng từ Vĩnh An đến Bạch Đằng.

Đúng như dự đoán, tướng Dương Tùng Tiên cùng thuỷ quân Tống tiến quân vào Vĩnh An mà không hề thấy sự chống cự nào của thuỷ quân Đại Việt, bèn lệnh cho toàn quân xếp hàng dọc theo dòng Đông Kênh tiến gấp về hướng cửa sông Bạch Đằng, lọt ngay vào trận địa mai phục của quân Đại Việt chờ sẵn. Lý Kế Nguyên phát lệnh tấn công, thuỷ quân Đại Việt dốc toàn lực đánh dữ dội vào đội hình thuyền địch. Lúc này thì toàn bộ những nhược điểm của thuỷ quân Tống bộc lộ. Thuyền Tống to lớn cơ động chậm, bị các chiến thuyền thực thụ của Đại Việt nhanh nhẹn bao vây tiêu diệt từng chiếc. Quân lính Tống ô hợp không biết xoay sở thế nào, bị quân Đại Việt tắm máu. Binh thế Tống đứt đoạn không sao cứu vãn nổi, nhưng vì thuỷ quân Tống rất đông nên thuỷ quân Đại Việt giết không xuể.

Dương Tùng Tiên lui thuyền về cửa sông Đông Kênh phía bắc để chỉnh đốn lực lượng cố thủ. Quân Đại Việt truy kích, giao chiến hơn 10 trận lớn nhỏ với quân Tống và luôn dành thế thắng, hàng vạn thuỷ quân Tống bỏ xác nơi đáy nước. Dương Tùng Tiên thế cùng phải lệnh cho thuỷ quân tháo chạy ra biển, lui về tận vùng biển Khâm Châu, Liêm Châu để lập thuỷ trại. Giờ đây chẳng những không tiến quân được, trái lại thuỷ quân Tống còn lo ngại thuỷ quân Đại Việt sẽ tràn sang hải cảng của Tống. Dương Tùng Tiên về chẳng dám về, cho thuyền lượn lờ chiếu lệ trên biển đến hàng mấy tháng trời và gởi thư về đất liền Tống dặn dò phòng bị:“Vừa rồi, tôi gặp quân liên lạc của giặc mang lệnh của viên hành quân chiêu thảo sứ bên giặc là Lý Kế Nguyên. Sau đó nhiều lần tôi đánh chúng, nhưng chúng không có ý khuất phục. Vậy xin hãy ra lệnh phòng bị nghiêm ngặt ở biên giới để tránh sự bất ngờ”.

Hai viên hiệu dụng là Phàn Thực, Hoàng Tông Khánh cùng một tốp nhỏ thuyền được Tùng Tiên sai vượt biển xuống Chiêm Thành để thúc giục Chiêm Thành nhanh chóng tiến quân đánh Đại Việt từ phương nam. Nhưng đây cũng là một việc làm vô bổ. Bởi vì đường thẳng hầu như là không thể đi do sự phong toả của thuỷ quân Lý Kế Nguyên, mà đi vòng ra khơi thì đường biển quá xa xôi, khó mà đưa tin kịp thời cho Chiêm Thành để phối hợp với Tống. Việc này cũng thừa thải, do trước sứ Chiêm Thành sang đã đồng ý tham chiến rồi và thực tế thì Chiêm Thành cũng đã cất quân tấn công Đại Việt.

Như vậy là, thuỷ quân Tống chẳng giúp ích gì được cho bộ binh Tống ngoài việc phân tán một phần binh lực Đại Việt cho mặt trận ven biển đông bắc. Lý Kế Nguyên cùng đạo thuỷ quân dưới trướng tuần tra vững chắc ven biển đông bắc, khống chế hoàn toàn mặt trận và cắt đứt toàn bộ liên lạc giữa thuỷ quân với quân Tống trên bộ. Thảm bại là từ ngữ ngắn gọn để đánh giá về mặt trận đường thuỷ của quân Tống. Đoàn thuyền ô hợp nhếch nhác dưới trướng Dương Tùng Tiên quay trở về bờ nước Tống tận vào cuối tháng 4.1077, khi mà chiến tranh đã kết thúc rồi.

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-3FtagH-ekRQ/Web7WJ5VojI/AAAAAAABKvM/ZtLPOXfYjusCSwN2EptBPJtlVRBJ1FT_gCLcBGAs/s640/13.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 14

LÝ THƯỜNG KIỆT BÀY HIỂM TRẬN
NHÀ TỐNG QUYẾT NƯỚNG QUÂN


Quách Quỳ không phải là nhân vật tầm thường mà là một danh tướng rất lão luyện. Chỉ với việc trong vòng 10 ngày vượt qua được các tuyến phòng thủ mạnh của Đại Việt ở biên giới, đi đường vòng vượt qua cửa ải Giáp Khẩu, khuất phục Lưu Kỷ, chiêu hàng một loạt các tù trưởng cũng chứng tỏ bản lĩnh của viên tướng này. Chẳng những thế, nhiều tướng sĩ dưới trướng trong đội quân xâm lược Đại Việt là tinh hoa của quân Tống. Bấy giờ, Quách Quỳ vượt ngàn dặm đến gần sát Thăng Long, thì gặp phải trước mặt là trùng trùng chiến luỹ, sông lớn ngăn cách. Chiến tuyến Như Nguyệt như một tấm khiên vững chắc chặn ngang mũi giáo của quân địch, che chở cho trung châu Đại Việt.

Quân Tống chia quân lập trại ngay bờ bắc bến Như Nguyệt, tạo thành những cụm quân lớn liên hoàn. Có hai khối quân chính yếu là tổng trại của Quách Quỳ và trại của Triệu Tiết. Trại quân Tống bố trí theo hình tròn, rìa ngoài là quân canh giữ, bên trong là lực lượng tinh binh làm trù bị. Chính giữa đoạn đường nối hai trại của Quách Quỳ và Triệu Tiết là một cụm quân trung gian, và dọc theo đoạn đường giữa hai trại là hàng loạt các khối quân nhỏ nữa. Xung quanh mỗi trại, là các cụm quân làm vệ tinh.

Ban đầu, Quách Quỳ định chờ đợi thuỷ quân Tống tới để phối hợp vượt sông nhưng rất nhanh sau đó, kế hoạch đã được sắp xếp lại. Châu mục Hoàng Kim Mãn, trước là tri châu Môn phía Đại Việt, nay hàng Tống và làm hướng đạo đã chỉ điểm cho giặc một lối thuận tiện để bộ binh vượt sông. Tướng giặc Miêu Lý cùng thuộc hạ đến nơi quan sát sang bờ nam thấy vắng bóng quân Đại Việt, tâu với chủ tướng Quách Quỳ rằng: “Giặc đã trốn đi rồi. Xin cho quân qua sông”. Đầu tháng 2.1077, Quách Quỳ liền hạ lệnh cho quân lính nhân đêm tối gấp rút dùng gỗ bắc cầu phao vượt sông. Kỹ thuật bắc cầu phao gỗ là một trong những phát minh quân sự đắt giá của Tống thời bấy giờ. Đến sáng thì cầu phao bắt xong, đội tiên phong Tống do tướng Miêu Lý chỉ huy ào ào vượt sông, tiến sâu vào bờ phía nam, tướng Vương Tiến cầm quân chốt giữ ngay đầu cầu đón đại quân Tống tràn sang chi viện. Quân Tống quyết liệt đánh gấp vì ngại rằng thuỷ quân ta sẽ kịp kéo tới phá cầu.

Tưởng chừng như quân Tống đã xuyên thủng được phòng tuyến cuối cùng của Đại Việt, thì đến vùng Yên Phụ, tiên phong quân Tống gặp phục binh quân ta thình lình nổi lên đánh giết dữ dội. Các tốp quân Tống nối đuôi phía sau cũng bị quân Đại Việt tấn công tạt sườn. Đội hình quân Tống bị xé đứt thành từng đoạn, sang bao nhiêu bị giết bấy nhiêu nên phải rút chạy về bờ bắc. Quân tiên phong của Miêu Lý trở nên cô thế chống cự không nổi, bị vây kín bốn mặt. Miêu Lý cùng quân sĩ đạo tiên phong dưới trướng liều chết rút về hướng cầu phao thì cầu đã bị tướng Vương Tiến chặt đứt vì sợ quân Đại Việt tràn qua bờ bắc, chúng rơi vào cảnh tiến thoát lưỡng nan, bị giết đến quá nửa và bị đẩy xuống sông chết đuối. Số tàn quân còn lại một phần được bè của quân Tống bờ bắc chèo sang cứu về, số khác may mắn bơi về được bờ bắc. Tướng Miêu Lý thoát chết nhờ nhảy được lên thuyền nhỏ chèo về bờ bắc.

Đợt vượt sông đầu tiên thất bại thảm hại do mắc bẫy mai phục của Lý Thường Kiệt, Quách Quỳ lại muốn chờ đợi thuỷ quân tới phối hợp. Nhưng đợi mãi chẳng thấy bóng thuỷ quân Tống đâu, kể từ khi quân của Quách Quỳ tiến tới được bến Như Nguyệt 18.1.1077, quân Tống đã trải qua cả tháng trời dẫm chân tại chỗ. Quân Tống bấy giờ đã quá xa hậu phương, tải lương đi ngàn dặm, hậu cần dần trở nên thiếu thốn. Vì vậy, Quách Quỳ phải tính kế vượt sông lần thứ hai. Quân Tống điều động phu phen đốn gỗ kết thành những chiếc bè khổng lồ, mỗi chiếc chở được đến hơn 500 quân cùng đầy đủ vũ khí trang bị. Chuẩn bị xong, quân Tống ồ ạt vượt sông bằng bè. Các toán quân Tống đổ bộ lên bờ lập tức dùng hoả khí đốt phá chông tre và chiến luỹ phía Đại Việt, và dùng gươm đao chặt phá chiến luỹ. Tuy nhiên những trò này chẳng ăn thua gì, quân Đại Việt bình tĩnh dựa vào chiến luỹ mà phòng thủ vô cùng hiệu quả. Quân Tống sang bè nào thì bị giết sạch bè nấy, cứ thế lớp này đến lớp khác, thiệt hại đến gần vạn quân. Quách Quỳ đành phải ngậm ngùi hạ lệnh thu quân. Cuộc vượt sông lần thứ hai của quân Tống thất bại hoàn toàn.

Hai bên ghìm nhau ở đôi bờ sông. Đêm đêm, Lý Thường Kiệt ngầm sai người vào đền Trương Hống, Trương Hát ngâm vang bài thơ:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan hủ bại hư


Giọng thơ đọc ngân vang rùng rợn như tiếng quỷ thần, khích lệ sĩ khí quân Đại Việt lên cao tột độ, và làm cho quân Tống nghi ngoặc hoang mang. Đó là đòn tâm lý chiến mà Lý Thường Kiệt đã dùng để vừa nâng cao tinh thần quân ta, vừa uy hiếp tinh thần quân địch.

Quách Quỳ sau hai lần vượt sông thất bại, đành thôi không tổ chức vượt sông nữa. Quân Tống sai quân đốn gỗ, làm máy bắn đá bắn phá các chiến luỹ và thuyền chiến Đại Việt đậu ở bờ nam. Quân Đại Việt cũng có máy bắn đá nhưng không bắn xa được tới bờ bắc. Tuy nhiên, việc dùng máy bắn đá bắn phá của quân Tống cũng không gây thiệt hại đáng kể cho quân Đại Việt do mật độ quá thưa thớt. Quách Quỳ hạ lệnh “ai bàn đánh sẽ chém”. Lý Thường Kiệt nhiều bận khiêu chiến nhưng quân Tống cũng không sang đánh. Thuỷ quân Đại Việt thi thoảng xuôi dòng sông đánh phá rồi lại rút đi. Có lúc thấy thuỷ quân Đại Việt từ Vạn Xuân xuôi dòng tiến tới, quân Tống lại tưởng là thuỷ quân phe mình. Đến khi lại gần chúng mới nhận ra là quân ta đến đánh. Thuỷ quân Đại Việt vừa tấn công vừa ra sức quát tháo mắng chửi để chọc tức, khích quân Tống sang sông.

Quân Tống chia quân giữ kỹ bờ, đặt máy bắn đá phòng thủ, thuỷ quân ta không làm gì được nhiều. Chiến sự Như Nguyệt cứ thế kéo dài chậm chạp, thuỷ quân mà Quách Quỳ trông ngóng mãi vẫn không thấy tới. Quân Tống không biết rằng cánh thuỷ quân của Dương Tùng Tiên đã hoàn toàn thất thế và vô vọng trước thuỷ quân của Lý Kế Nguyên. Càng ở lâu, điểm yếu về hậu cần và không hợp thuỷ thổ của quân Tống càng hiện ra rõ nét. Vùng bắc ngạn sông Cầu thời bấy giờ là vùng thưa thớt, quân Tống không thể cướp phá được lương thực mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự vận chuyển của phu dịch. Dân phu ngoài việc vận chuyển lương thực cho quân lính thì lại phải mang theo số lương thực để nuôi sống chính bản thân mình. Vì vậy mà việc vận lương trở nên vô cùng khó khăn cho quân Tống.

Theo tính toán ban đầu khi chuẩn bị xâm lược, người Tống tính ra phải có 40 vạn dân phu. Tuy nhiên cố gắng lắm Tống chỉ điều động được 20 vạn phu. Nay số phu này phải gồng mình làm việc, bị chết dần do kiệt sức. Hễ có dân phu chết, thì số sống còn lại phải làm luôn việc của người đã chết nhằm đảm bảo hậu cần cho đại quân Tống. Trong hoàn cảnh đó, các đội quân của phò mã Thân Cảnh Phúc vốn chưa bị đánh tan lại hoạt động mạnh ở vùng hậu tuyến giặc, khoét sâu vào điểm yếu của chúng. Quân Tống đóng lâu ngày ở Như Nguyệt, sức chiến đấu cứ yếu dần.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-y23vTRoliYA/WesAV4XVsII/AAAAAAABLCs/6PB1u8agklE0VcQzhd9UclyTeFjtfpmcQCLcBGAs/s640/14.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 15

SỬ TỐNG KỂ CHUYỆN QUÂN TỐNG BỊ LÀM THỊT
KHI SANG XÂM PHẠM ĐẠI VIỆT


Phò mã Thân Cảnh Phúc, biệt hiệu Phò mã áo chàm là tù trưởng động Giáp. Dòng dõi họ Thân nhiều đời hưởng tước lộc của triều đình nhà Lý, được phong làm tri châu Quang Lang. Ba đời dòng họ Thân đều là phò mã của triều Lý. Tù trưởng Thân Thừa Quý lấy công chúa con vua Lý Thái Tổ. Tù trưởng Thân Thiệu Thái con của Thân Thừa Quý lấy công chúa Bình Dương của vua Lý Thái Tông năm 1029. Tù trưởng Thân Cảnh Phúc, con trai Thân Thiệu Thái lấy công chúa Thiên Thành của vua Lý Thánh Tông năm 1066. Nhờ có mối quan hệ thông gia và họ hàng khăng khít như thế, phò mã Thân Cảnh Phúc một mực trung thành với triều đình Đại Việt. Khi quân Tống tràn sang vùng biên ải, hầu hết các tù trưởng vùng khê động phía bắc Đại Việt phải đầu hàng trước sức mạnh quân sự và sự dụ dỗ của Tống.

Thân Cảnh Phúc là số ít những người còn lại vẫn kiên trì chiến đấu. Thân Cảnh Phúc có trên 5.000 quân bản bộ, các đánh giá của nước Tống đều xếp Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Tông Đản là ba nhân vật đáng gờm nhất trong số các tù trưởng khê động phía Đại Việt. Quân của Thân Cảnh Phúc đa phần là giáo binh miền sơn cước, thiện dụng cách chiến đấu nơi rừng núi, giỏi mai phục, đặt bẫy và chiến đấu ở đường hẹp. Các chiến binh này không hề thua kém quân của triều đình nhà Lý cũng như tinh tinh nước Tống về chất lượng. Họ thực sự rất thiện chiến, nhất là khi được chiến đấu trên chiến trường quen thuộc. Thân Cảnh Phúc còn được sự hỗ trợ của quân triều đình cùng đội tượng binh trong cuộc chiến giữ các cửa ải.

Đầu năm 1077, khi Thân Cảnh Phúc đặt phục binh ở ải Giáp Khẩu, bị Quách Quỳ đi đường vòng đánh bọc hậu nên buộc lòng phải lui quân. Quách Quỳ dự tính sẽ cố gắng đánh nhanh thắng nhanh, chiếm kinh đô Thăng Long và tiêu diệt quân đội triều đình sớm thì mọi đạo quân khác của Đại Việt tất sẽ phải đầu hàng hoặc là bị tiêu diệt dễ dàng. Nhưng trong thực tế, phòng tuyến Như Nguyệt quả là quá lợi hại. Quân Tống chôn chân một chỗ hàng tháng trời, hậu cần dần thiếu hụt và binh lính dần yếu sức do không hợp thuỷ thổ. Quân Thân Cảnh Phúc về đến động Giáp, một bộ phận quân chính quy triều đình phải rút về phía nam để hội quân cùng phòng thủ chiến tuyến Như Nguyệt. Thân Cảnh Phúc tổ chức sơ tán lực lượng vào rừng núi, chỉ còn những người già yếu ở lại thôn làng. Với quân bản bộ của mình, Thân Cảnh Phúc chia làm các toán quân nhỏ, rình rập theo dọc đường tiếp tế của quân Tống mà chờ đợi thời cơ. Khi có quân Tống hay dân phu đi riêng lẻ, lập tức bị phục binh của Thân Cảnh Phúc bắt giết.

Cách đánh này, ngày ngay chúng ta quen gọi là chiến tranh du kích, tức là loại hình chiến tranh dựa vào ẩn náu và phục kích bằng lực lượng nhỏ gọn, không có chiến tuyến rõ ràng. Tuy nhiên, để chính xác thì quân Thân Cảnh Phúc dùng gọi là kỳ binh. Về cách đánh, kỳ binh cũng giống như du kích thời hiện đại là lấy chiến thuật phục kích, ẩn náu làm căn bản. Kỳ binh cũng dùng các lực lượng nhỏ, đánh nhanh rút gọn. Điểm khác biệt căn bản giữa hai loại hình khiến ta phải phân biệt chính là kỳ binh tuy chia nhỏ nhưng vẫn có đội ngũ, có tổ chức theo kiểu quân đội thông thường. Du kích thì có thể ở lẫn trong dân vùng địch chiếm, có thể chiến đấu riêng lẻ và khi cần thiết mới tập họp thành đội ngũ. Kỳ binh của Thân Cảnh Phúc lấy núi rừng động Giáp làm căn cứ địa, hoạt động mạnh khắp vùng Lạng Châu. Vùng này nằm trên tuyến đường Thiên lý nối liền từ địa giới nước Tống thẳng tới Thăng Long.

Để vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí thì dân phu của Tống nhất định phải đi qua. Chiến sự kéo dài và sự quấy rối của quân Thân Cảnh Phúc khiến cho quân Tống vô cùng khốn đốn. Sử nước Tống mô tả Thân Cảnh Phúc: “Quân Tống thừa thắng chiếm châu Quang Lang (Lạng Châu), viên Tri châu là con rể nhà vua, bèn trốn vào trong đám cỏ, thấy quân Tống thì ra giết chết hoặc bắt về xẻo thịt ăn. Người ta cho là vị Thiên thần”. Quân Tống phải cắt lính từ chiến tuyến bờ bắc Như Nguyệt ngược lên vùng Lạng Châu để đối phó với Thân Cảnh Phúc, bảo vệ tuyến hậu cần. Dân phu làm nhiệm vụ vận chuyển cũng phải căng mình ra chiến đấu cùng binh sĩ Tống.

Thân Cảnh Phúc thừa thế, càng tung quân hoạt động rộng khắp tới cả vùng Bắc Giang, uy hiếp cả mặt lưng khối đại quân của Quách Quỳ. Tại đây vùng Bắc Giang, ông gặp phải những lực lượng lớn của quân Tống, dẫn đến giao tranh ác liệt. Trong một trận chiến tại Lục Ngạn (Bắc Giang), Thân Cảnh Phúc chẳng may tử trận.

Phò mã áo chàm Thân Cảnh Phúc ngã xuống, nhưng cuộc chiến đấu của ông vẫn được tiếp tục bởi các lực lượng người dân tộc thiểu số châu mục. Thành quả cuộc chiến tiêu hao mà Thân Cảnh Phúc là người khởi đầu và lãnh đạo rất lớn. 20 vạn dân phu Tống chịu không nổi cực khổ, lại bị phục giết thường xuyên sau gần hai tháng trời đã chết đến quá nửa. Số dân phu còn lại vật vờ gồng mình làm việc quá sức, phần lớn cũng bị bệnh tật, ốm yếu. Hậu quả là đại quân của Quách Quỳ đóng ở bờ bắc bến Như Nguyệt bị cạn lương thảo. Từng xuất ăn của quân Tống bị cắt bớt trầm trọng, thuốc thang chữa bệnh thiếu thốn dẫn đến sức chiến đấu suy giảm mạnh. Quân Tống lúc kéo sang có 10 vạn, lúc hội quân ở bến Như Nguyệt còn hơn 9 vạn. Sau khi giao chiến với quân giữ phòng tuyến thì quân Tống hao hụt còn lại hơn 8 vạn. Tuy quân số còn đông như thế, nhưng số quân khoẻ mạnh chỉ còn hơn một nửa. Số quân Tống còn lại bị bệnh tật hoặc suy nhược, hiệu quả chiến đấu kém đi nhiều. Thậm chí có những quân lính Tống chết vì bệnh tật đói khát. Sử sách nước Tống, cũng như các lời tâu trình của tướng lĩnh Tống về nước cũng phải thừa nhận tình cảnh bi đát mà quân Tống phải chịu. Nhưng họ không dám nói thẳng nguyên do mà nói tránh, đổ hết tại “nóng nực, lam chướng”.

Đó là cách mà sử sách các triều đại Trung Hoa vẫn dùng để lý giải cho các thất bại quân sự ở nước ngoài. Thực sự thì, quân Tống lâm vào tình cảnh khốn đốn nguyên do chính là vì thiếu lương thực và thuốc men, mà thiếu lương thực thuốc men là do dân phu bị chết mòn. Dân phu Tống là những dân phía nam nước Tống, quen với thuỷ thổ hơn là binh lính chiến đấu nhưng lại chết nhiều một phần cũng do lao lực, nhưng phần nhiều là do bị Thân Cảnh Phúc và các đội kỳ binh đánh giết. Chiến công này của Thân Cảnh Phúc và quân dân vùng biên thuỳ phía bắc góp phần quan trọng vào cuộc chiến. Nhờ vào đó, Thái uý Lý Thường Kiệt có đủ điều kiện để sớm tung ra những đòn kết liễu quân Tống, trước khi liên quân Chiêm Thành và quân Khmer kịp đánh tới từ phía nam.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-A42OEzt-_Sw/WfFT0o1RJ1I/AAAAAAABLcE/xjYR6yfbv-ogRw5-0r3PrQ3HFTsTeiHuQCLcBGAs/s640/17.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 16

LÝ THƯỜNG KIỆT SIẾT VÒNG VÂY
HÀNG VẠN QUÂN TỐNG CHÔN CHÂN CHỜ CHẾT


Từ khi Quách Quỳ đem quân Tống vượt biên ải, chỉ trong vòng 10 ngày đã tiến đến bờ bắc sông Phú Lương. Vua Tống Thần Tông ban đầu nghe tin báo về trong bụng lấy làm vui mừng, đích thân lấy bản đồ mà chỉ dẫn cho các quan lại Tống triều biết về đường tiến của quân Tống. Thế nhưng niềm vui của vua Tống là quá sớm và cũng nhanh chóng bị dập tắt. Kể từ khi quân Tống bị chặn lại ở bến Như Nguyệt, ngày này qua ngày khác tin tức báo về triều Tống là quân của Quách Quỳ vẫn chôn chân tại chỗ, tiến công đều bị thất bại và chịu tổn thất. Vua Tống rất nóng lòng, sai phát thẻ bài đặc biệt cho lính đưa thư để đi qua các dịch trạm không phải dừng, hàng ngày báo quân tin liên tục về triều đình.

Quách Quỳ biết rằng thế phòng thủ ở bờ nam Như Nguyệt rất vững chắc nên sau hai lần vượt sông thất bại, y nhất quyết án binh bất động. Quách Quỳ bàn với các thuộc hạ giả cách lơ là, nhử quân Đại Việt sang đánh. Nhưng kế này đã bị Lý Thường Kiệt biết thừa. Vì thế, thay vì tung quân đánh lớn, quân Đại Việt chỉ cho thuỷ quân xuôi dòng sông Phú Lương đánh nhử và quấy rối quân Tống. Lúc này thì quân Tống lại phải căng sức ra để tuần ra dọc sông, đặt máy bắn đá bắn các thuyền chiến Đại Việt và bắn sang bờ nam. Quân Đại Việt thấy vậy cũng án binh bất động, giữ kỹ chiến tuyến. Chiến cuộc cứ thế kéo dài gần hai tháng trời. Lúc này thì quân Tống không cần phải giả yếu, mà đã yếu thật. Tình trạng thiếu lương thực, thuốc men, không hợp thuỷ thổ đã làm suy sút tinh thần và và sức chiến đấu của quân Tống rất nhiều. Nắm được thời cơ đó nên vào cuối tháng 2.1077, Lý Thường Kiệt quyết định chủ động tấn công.

Mở màn cuộc tấn công, 400 chiến thuyền chở 2 vạn thuỷ quân Đại Việt dưới trướng của Hoằng Chân, Chiêu Văn từ căn cứ Vạn Xuân được lệnh xuất kích, tấn công quân Tống từ hướng đông. Đại doanh quân Tống lúc này có khoảng hơn 5 vạn quân. Cuộc tấn công của thuỷ quân Vạn Xuân là đòn nghi binh, theo kế dương đông kích tây mà Lý Thường Kiệt vạch ra. Tuy vậy cuộc tấn công này không chỉ là đòn hư, mà là một đòn tấn công thực sự mạnh mẽ. Thuỷ quân Đại Việt đổ bộ lên chân núi Nham Biền, đẩy lui 5.000 kỵ binh địch đóng tại đây.

Sau khi chiếm được núi Nham Biền, quân đổ bộ Đại Việt từ trên núi đánh xuống thật mạnh vào đại doanh của Quách Quỳ. Lớp lớp quân đổ bộ Đại Việt đánh tràn vào khu trung tâm căn cứ của Quách Quỳ, chọc thủng mấy hàng phòng thủ ngoại vi. Quách Quỳ đều toàn bộ các tướng kỵ binh còn lại tung vào trận. Kỵ binh Tống mang sang nước ta chừng 1 vạn, thì nay còn lại 7.000 quân kỵ đều tham chiến. Những tướng giỏi nhất của Tống là Yên Đạt, Tu Kỷ, Nhâm Khởi, Thế Cự, Vương Mãn, Lý Trường, Điền Chưng… đều ra sức chiến đấu.

Một trận giao tranh đẫm máu diễn ra, hai bên đều thương vong lớn. Một phần quân Tống từ hướng bản doanh của tướng Triệu Tiết và quân các cụm trung gian nằm giữa hai khối quân của Quách Quỳ, Triệu Tiết cũng được điều động sang tiếp viện. Trước sức mạnh của kỵ binh Tống, thuỷ quân Đại Việt vốn có khả năng đánh bộ yếu hơn, dần yếu thế. Nhận thấy cuộc tấn công đã gây nhiều thiệt hại và xáo trộn cho địch, hoàn thành nhiệm vụ nghi binh và tiêu hao, thuỷ quân Đại Việt rút lui. Quân Tống dùng máy bắn đá bắn với theo thuyền, làm cho quân ta thiệt hại rất nhiều. Hàng ngàn quân Đại Việt tử trận trong cuộc tấn công này, trong đó có cả hai hoàng thân Hoằng Chân, Chiêu Văn. Hoằng Chân, Chiêu Văn xuất hiện trong sử sách luôn luôn sóng đôi với nhau.

Hai vị này đều là con trai của vua Lý Thái Tông, em trai của vua Lý Thánh Tông và là chú ruột của vua Lý Nhân Tông thời bấy giờ. Hai ông dù địa vị hoàng thất mà không ngại xông pha đầu trận tuyến, xả thân vì đại cuộc, đến đây thì tử trận. Đội thân binh 500 người dưới trướng Hoằng Chân cảm khái trước sự hy sinh của chủ tướng, thà chết không chịu rời thuyền, chiến đấu đến cùng. Mặc cho thuyền bị quân Tống bắn chìm, tay cầm kim bài mà chết theo chủ tướng. Thuỷ quân đổ bộ Đại Việt còn lại hơn 1 vạn, giong thuyền rút lui an toàn.

Đòn tấn công của thuỷ quân Đại Việt tuy rất mạnh nhưng chỉ là đòn nghi binh. Trong lúc bố trí lực lượng của quân Tống bị xáo trộn do cuộc tấn công của thuỷ quân, lợi dụng trời tối Lý Thường Kiệt tung quân đánh đòn quyết định. Toàn bộ 4 vạn quân còn lại ở phòng tuyến Như Nguyệt do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ huy chớp thời cơ đang đêm dùng thuyền vượt sông đánh thẳng vào doanh trại của tướng Triệu Tiết. Lực lượng tại doanh trại của Triệu Tiết lúc này còn khoảng trên 3 vạn quân nhưng sức chiến đấu đã suy giảm nhiều. Quân trong doanh Triệu Tiết đã yếu, quân ở các cụm trung gian gần đó lại đã điều sang tiếp viện cho đại doanh của Quách Quỳ nên gần như cụm quân của Triệu Tiết bị cô lập.

Quân Đại Việt hừng hực khí thế, thình lình tiến công khiến cho quân tướng trong doanh của Triệu Tiết vô cùng bất ngờ, trở tay không kịp. Quân Đại Việt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lý Thường Kiệt nhanh chóng làm chủ hoàn toàn trận địa, thả sức chém giết quân Tống. Hầu như toàn bộ quân trong doanh trại của Triệu Tiết bị tiêu diệt. Tiết cùng một số ít tàn quân chạy thục mạng về đại doanh của Quách Quỳ. Toàn cục trận chiến kép, quân Tống ở cả doanh trại Triệu Tiết và đại doanh của Quách Quỳ tổng số chết đến gần 5 vạn quân. Cộng với quân số đã hao hụt từ trước đó, Quách Quỳ còn trong tay không tới 4 vạn quân mà một số lớn là mệt mỏi ốm yếu. Về phía quân Đại Việt, trải qua giao chiến quân số ở toàn chiến tuyến Như Nguyệt vẫn còn hơn 5 vạn quân, lại hoàn toàn khoẻ mạnh nhờ hậu cần đầy đủ.

Quân Đại Việt chiếm lĩnh doanh trại của Triệu Tiết, đối trận ngay tại bờ bắc Như Nguyệt với khối quân mệt mỏi của Quách Quỳ. Dưới sông thuỷ quân Đại Việt vẫn còn một lực lượng đáng kể dù cho mất đi hai vị hoàng thân Hoằng Chân, Chiêu Văn cùng hàng ngàn quân trong đợt tấn công vào đại doanh Quách Quỳ. Thế và lực hoàn toàn thuận lợi cho quân ta.

Lúc này, quân Đại Việt hoàn toàn có thể thừa thắng dứt điểm luôn số quân tướng còn lại của quân Tống. Nhưng rõ ràng là bấy giờ Đại Việt không chỉ phải đối phó với một kẻ thù. Từ phương nam, đầu năm 1077 liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp do đích thân vua Harivarman IV của nước Chiêm Thành trực tiếp chỉ huy cũng đã bắt đầu tấn công Đại Việt. Hiện tại, sử liệu về mặt trận phía nam quá khiêm tốn để có thể miêu tả chi tiết. Nước Chiêm Thành, Chân Lạp thời này do những hạn chế về hệ thống nhà nước, hậu cần tương đối kém so với nước Tống nên thường khó mà huy động những lực lượng viễn chinh lớn.
Quân số của liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp cộng lại ước chừng dao động từ 1 – 2 vạn quân, trong đó có 7.000 thuỷ quân Chiêm Thành. Liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp đã tiến chiếm được các châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình. Binh lực Đại Việt ở đây khá mỏng nên chỉ trong thời gian ngắn đã không giữ nổi. Quân của hai nước Chiêm Thành – Chân Lạp tràn vào Nghệ An, Diễn Châu. Chiến sự tại những nơi này đã diễn ra khá gay gắt, tin tức chiến trường từ phía nam liên tục báo về triều đình nhà Lý. Quân Đại Việt tại vùng Diễn Châu, Nghệ An gồm có lộ quân (quân địa phương tại các châu, phủ) làm nòng cốt, dân quân (dân trong làng, xã sung quân), cùng với hàng ngàn tù binh Tống bị bắt trong chiến dịch phạt Tống 1076 bị ép sung quân.

Hiển nhiên với lực lượng như thế thì phía Đại Việt chỉ có thể giữ thế phòng thủ để kéo dài thời gian. Tại Chân Lạp, vua Harshavarman III lại chuẩn bị một đạo quân thứ hai gởi sang Chiêm Thành, dự tính sẽ theo đường biển tiếp viện cho liên quân đang tấn công Đại Việt. Chiến sự phía nam đòi hỏi Lý Thường Kiệt phải có một giải pháp vừa nhanh gọn với quân Tống, vừa phải bảo toàn được quân lực để bảo vệ đất nước.

Bấy giờ tuy quân Tống đã khốn quẫn, nhưng nếu bị tấn công rất có thể sẽ tử chiến đến cùng trong thế không còn đường lui. Như vậy sẽ khó tránh đổ máu lớn cho quân Đại Việt để giành phần thắng trọn vẹn. Lý Thường Kiệt hiểu rằng, Đại Việt so với Tống thời bấy giờ là một nước nhỏ hơn hàng chục lần, nếu chiến tranh liên miên ắt khó tránh được nhiều tang thương. Thêm nữa, mối đe doạ của Đại Việt không chỉ có một mình nước Tống. Chiêm Thành, Chân Lạp quốc lực cũng không đến nỗi quá thua kém Đại Việt, có thể thừa cơ đánh úp bất cứ lúc nào. Trước tình hình trên, Lý Thường Kiệt đã chủ động cho sứ giả sang trại của quân Tống để “xin hoà”.

Quốc Huy

https://4.bp.blogspot.com/-GTNOPy5Vm64/WfbA_lh0LPI/AAAAAAABLu4/ZUVeuW6DvcMI9HQ0Ke5bZu8QDb-BxWGswCLcBGAs/s640/19.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 17

VIỆT – TỐNG NGHỊ HOÀ
LÂN BANG KINH HÃI


Sau khi đánh tan tác cụm quân của Triệu Tiết, diệt đến gần sáu phần mười tổng số quân giặc, Lý Thường Kiệt chủ động bàn hoà, mở một lối thoát cho quân Tống, cũng là một lối thoát cho hoà bình để đỡ tốn xương máu của cả hai bên. Bước đi hoà hoãn của Lý Thường Kiệt đã được tính toán rất kỹ. Lý Thường Kiệt bàn với các tướng sĩ: “dùng biện sĩ bàn hoà, không nhọc tướng sĩ, đỡ tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu”. Sứ giả mang thư của triều đình nhà Lý gởi cho Quách Quỳ. Thư viết rằng: “… Xin hạ chiếu rút đại quân về, sẽ lập tức sai sứ sang tạ tội và triều cống…”. Rõ ràng bao nhiêu tâm huyết mà nước Tống đổ vào cuộc xâm lược đâu chỉ để đổi lấy việc cầu hoà suông như thế. Nhưng nay tình thế quá bi đát, việc cầu hoà của Đại Việt như chiếc phao cho Quách Quỳ bám víu, tránh khỏi thảm cảnh toàn quân bị diệt. Quách Quỳ chấp nhận giảng hoà, bàn với các tướng: “Ta không đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức để báo mệnh triều đình. Đó là ý trời! Thôi ta đành liều một thân ta chịu tội với triều đình, để mong cứu hơn mười vạn nhân mạng”. (10 vạn nhân mạng mà Quỳ nói là tính cả quân và phu của Tống cho đến thời điểm này).

Triều đình Đại Việt mang biểu của vua Lý Nhân Tông giao cho Quách Quỳ để chuyển tới vua Tống. Quân hai nước định ngày để cho Tống rút quân. Thế nhưng Quách Quỳ sợ quân ta bội ước mà đánh nên đang đêm đốc thúc quân sĩ lui gấp, hàng ngũ rối loạn giày xéo lẫn nhau mà chạy. Tướng Tống là Đào Bật cùng đội thân binh nhận nhiệm vụ rút sau chặn hậu. Quân Đại Việt không truy kích, chỉ theo sau đường quân Tống rút mà chiếm lại đất đai. Quân Tống rút lui nhưng không về hẳn nước Tống mà lại đóng quân chiếm lấy các châu Quảng Nguyên, Quang Lang, Tô Mậu, Môn Châu, Tư Lang nằm gần biên giới toan chiếm cứ. Lý Thường Kiệt xua quân tiến chiếm lại các châu Quang Lang, Tô Mậu, Môn Châu, Tư Lang. Quân Tống rút về tập trung ở Quảng Nguyên. Triều đình Đại Việt chủ trương dùng biện pháp ngoại giao để điều đình đòi lại vùng Quảng Nguyên. Từ đây chiến tranh Tống – Việt đã kết thúc, nhưng cuộc đấu tranh ngoại giao đòi đất bắt đầu.

Sau khi đánh lui được quân Tống, Đại Việt đã giải toả được thế lưỡng đầu thọ địch. Liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp thiếu đi sự phối hợp của quân Tống như rắn mất đầu. Ưu thế nghiêng hẳn về phía Đại Việt. Chính thế vậy mà ngay sau khi biết tin quân Tống rút lui, vua Harivarman IV cũng lui quân. Quân Chiêm Thành rút lui nhưng vẫn lưu lại chiếm giữ ba châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình. Vào khoảng cuối năm 1077 đến năm 1079, quân Đại Việt quay mũi giáo về phương nam để “hỏi tội” nước Chiêm Thành. Lý Thường Kiệt chính là người chỉ huy cuộc chinh phạt này. Quân Đại Việt chẳng những thu hồi lại nhanh chóng các vùng lãnh thổ mà Chiêm Thành thừa cơ chiếm đóng mà còn tiến chiếm kinh đô Vijaya. Vua Harivarman IV phải rút quân về vùng cao nguyên phía Tây để bảo toàn lực lượng và gởi thư cầu hoà. Lý Thường Kiệt nhân đó chấp nhận hoà đàm và rút lui. Bấy giờ, một cánh quân Khmer (Chân Lạp) gởi sang Chiêm Thành để tiếp viện cho quân Chiêm chống lại quân Đại Việt do hoàng thân Khmer Sri Nandanavarmadeva chỉ huy vẫn đang đóng quân tại địa khu Panduranga của Chiêm Thành. Nhận được tin Chiêm – Việt nghị hoà, Sri Nandanavarmadeva tức giận cho rằng vua Chiêm Thành đã phản bội đồng minh, bèn tung quân chiếm luôn Panduranga, chính thức trở mặt gây chiến với Chiêm Thành.

Như vậy là, sau khi thất bại trong việc liên minh sâu xé Đại Việt thì hai nước này quay sang đánh lẫn nhau. Một lần nữa, Lý Thường Kiệt lại phải đem quân vào Chiêm Thành nhưng khác với những lần trước, ông đem quân giúp đỡ nước Chiêm Thành chống lại quân Khmer theo lời thỉnh cầu của vua Harivarman IV. Có được sự giúp đỡ của Đại Việt, quân Chiêm Thành nhanh chóng đẩy lùi được quân Khmer khỏi bờ cõi, truy kích tận sang đất Khmer. Vua Harivarman IV tấn công kinh thành Angkor, giết chết vua Khmer Harshavarman III, đẩy Khmer vào thời kỳ loạn lạc. Từ đây, quan hệ Đại Việt – Chiêm Thành trở lại hoà thuận.

Về phía nước Tống, sau khi Quách Quỳ rút quân và gởi biểu “xin hàng” của vua Lý về triều đình (3.1077), vua Tống rất tức tối, ý muốn đánh liều dốc thêm quân lính tiếp viện để Quách Quỳ quay lại đánh tiếp, nhưng phân vân vì quốc lực đã hao tổn quá nhiều. Quần thần Tống triều biết vậy, hết sức dùng lời can gián vua Tống. Tể tướng đương nhiệm của Tống bấy giờ là Ngô Sung bấy giờ thay mặt quần thần dâng biểu “mừng công” lên vua Tống. Trong đó có ý chúc mừng vua Tống đã “dẹp yên An Nam, lấy được Quảng Nguyên”. Tống Thần Tông nhận thấy rằng tuy Tống chịu tổn thất nhưng phía Đại Việt đã biết giữ thể diện cho Tống, dâng biểu cầu hoà, bèn hạ lệnh bãi binh, chấp nhận nghị hoà.

Quân Tống đi mười phần thì về chưa được ba phần. Khi kiểm binh, trong số 10 vạn lính chiến đấu đã ra đi chỉ còn 23.400 lính trở về, ngựa chiến thì còn lại 3.174 con. Số dân phu 20 vạn trở về không được một nửa. Phí tổn chiến tranh được người Tống tính ra là 5.190.000 lạng vàng, một con số khủng khiếp. Mọi mục tiêu chiến lược của Tống đề ra trước chiến tranh như sung công của cải, biến Đại Việt thành quận huyện đều không thực hiện được. Nước Tống đã gần như cố gắng ở mức cao nhất để đổ dồn vào cuộc xâm lược Đại Việt nhưng vẫn thất bại. Vì vậy, không còn cách nào khả dĩ hơn là hoà đàm với Đại Việt. Vào khoảng tháng 3.1077, vua Tống gởi thư cho Đại Việt chấp nhận nghị hoà, yêu cầu Đại Việt phải trở lại triều cống và trao trả tù binh. Chiến tranh giữa hai nước chính thức kết thúc trên danh nghĩa.

Đại Việt giao phong với Tống cũng chịu tổn thất nhiều, thiệt hại cũng đến hàng vạn người. Những vùng khê động mà quân Tống đi qua đều xơ xác bởi sự giết chóc và vơ vét của quân giặc. Các thế lực trung thành với triều đình nhà Lý trước đây như họ Thân ở Động Giáp, họ Lưu ở Quảng Nguyên đều chịu tổn thất nặng nề. Tuy đã kết thúc chiến tranh nhưng đất đai Đại Việt bị nước Tống chiếm đóng một phần. Vậy nên chiến thắng của Đại Việt vẫn chưa trọn vẹn. Lý Thường Kiệt trong năm 1077 vẫn đóng quân ở biên giới, chiếm lại các vùng đất đã mất. Lần lượt các châu động trở về với Đại Việt bằng con đường vũ lực. Duy chỉ còn châu Quảng Nguyên là khó có thể dùng quân đánh chiếm bới quân Tống dồn về đây dựng lên những cứ điểm kiên cố. Lý Thường Kiệt đóng quân uy hiếp quân Tống ở châu Quảng Nguyên. Cùng với đó là chính sách đòi đất bằng ngoại giao của triều đình Đại Việt.

Đối với việc ngoại giao với nước Tống, triều đình ta luôn tỏ vẻ khiêm nhường, chấp nhận coi Tống là một nước lớn, mình là nước nhỏ. Nhưng thái độ với đất đai lãnh thổ, nước ta lại rất cương quyết. Mùa xuân năm 1078, sứ bộ Đại Việt do sứ thần Đào Tông Nguyên sang Tống điều đình đòi lại Quảng Nguyên và những tù binh bị Tống bắt. Đại Việt tặng Tống 5 con voi thuần, hứa trả lại các tù binh Tống đã bị bắt trong chiến tranh. Châu Quảng Nguyên trong mắt người Tống là một món lợi bởi ở đây bấy giờ có mỏ vàng. Tuy nhiên sau một thời gian chiếm đóng, nước Tống đã nhận ra việc chiếm giữ vùng này lại hại nhiều hơn lợi. Bởi vì đóng ít quân thì tất quân ta sẽ dễ dàng chiếm lại như các châu Quang Lang, Tô Mậu, Tư Lang mà đóng nhiều quân thì phí tổn lại cao. Châu Quảng Nguyên đối với dân khê động Đại Việt là đất lành, nhưng đối với dân Tống thì lại là đất dữ. Quân Tống đóng giữ tại đây không quen thổ nhưỡng, chết lần chết mòn, hết lớp này đến lớp khác thay thế.

Quân Tống hễ ai có lệnh gọi đi thú ở Quảng Nguyên thì từ biệt vợ con như là đi chết, lính Quảng Nguyên đào ngũ rất nhiều. Tống triều đã chán ngán đất Quảng Nguyên nhưng vẫn không thể vô cớ trả đất, vì sẽ mất thể diện thêm. Nay nhân việc Đại Việt cử sứ giả sang, vua Tống nhanh chóng nhận lời trả đất. Vua Tống nói với những quan lại còn luyến tiếc: “Vì Càn Đức đã phạm thuận, ta mới sai quân đi hỏi tội. Quách Quì đã không đánh lấy được kinh đô nó. Mà nay, Thuận Châu (tên mà Tống đặt cho Quảng Nguyên sau khi chiếm đóng) là đất lam chướng. Triều đình được đất ấy cũng chưa có lợi. Lẽ nào lại còn tự mình xua thú binh vào nơi nước độc. Một người bị chết, Trẫm còn thương xót huống chi mười người chết mất năm sáu”. Những người Tống không hiểu chuyện, vì tiếc nguồn lợi mỏ vàng ở Quảng Nguyên mà đi làm thơ mỉa mai triều đình Tống:

“Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên”
.

Quốc Huy

https://3.bp.blogspot.com/-yNbRwy9w8UE/WfqTKTqrsJI/AAAAAAABNgI/W72NYoZbQggUCgsTfNJuWLHvFT0VcuD7ACLcBGAs/s640/0.4.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 18

THUA TRẬN, NHÀ TỐNG ĐÒI BẮT
LÝ THƯỜNG KIỆT
NHƯ TỘI PHẠM CHIẾN TRANH


Tống hứa trả đất nhưng cũng có kèm theo điều kiện, chính là trả tù binh và xử những “tội phạm chiến tranh”. Việc trao trả tù binh là thường tình sau chiến tranh. Nhưng những “tội phạm chiến tranh” mà Tống yêu cầu xét xử không ai khác chính là những người đã làm nên chiến thắng của Đại Việt, mà đứng đầu chính là Thái uý Lý Thường Kiệt. Đó có thể xem là một động thái ly gián của nước Tống. Tuy nhiên, cả về phía triều đình Đại Việt và Lý Thường Kiệt đều tin cậy lẫn nhau, và bác bỏ yêu sách vô lý này với lời lẽ khéo léo. Đại Việt chỉ chấp nhận trả tù binh, Tống cũng trả đất mà không đòi hỏi gì thêm. Ngoài mặt Tống luôn ra vẻ bề trên, nhưng rõ ràng không thể không ngán ngại Đại Việt. Vua Tống vẫn lo sợ Đại Việt tức giận sẽ xua quân tấn công. Trong năm 1078, Tống chính thức giao lại châu Quảng Nguyên cho Đại Việt. Khi tiếp sứ giả, Tống triều đối xử rất tử tế và sắp xếp tránh cho sứ giả Đại Việt và Chiêm Thành đụng mặt nhau. Bởi sợ rằng Đại Việt sẽ nghi ngờ Tống vẫn ngầm bàn mưu với nước Chiêm Thành.

Đại Việt hứa rằng sẽ trao trả tù binh chiến tranh cho Tống nhưng số tù binh bị bắt ở chiến dịch đánh phủ đầu Tống năm 1075 – 1076 đã bị chết nhiều, chỉ còn lại một số. Nguyên là Đại Việt thiếu nhân lực nên bắt số tù binh đi khai khẩn đất đai và sung quân, điều vào vùng Nghệ An để phòng thủ Chiêm Thành. Đàn ông trên 20 tuổi lớn tuổi bị thích vào trán chữ Đầu Nam Triều, thanh thiếu niên trên 15 tuổi bị thích chữ Thiên Tử Binh. Một số tù binh này đã tử trận trong chiến đấu. Một số khác thì chết do nhiều do bệnh tật, lao động quá sức và nhiều nguyên nhân khác. Lại có số ít đã bỏ trốn. Tù binh Tống là phụ nữ thì bị thích vào tay chữ Quan Khách, phải làm nô lệ cho nhà nước.

Trong năm 1079, Đại Việt gom các tù binh trao trả cho Tống chỉ được còn vài trăm người trong số hàng ngàn người bị bắt. Các tù binh bị nhốt trong những con thuyền bịt kín hết cửa sổ để cho không phân biệt được ngày đêm, không nhìn được cảnh vật. Dân Tống đã được trả về rồi, phía Tống còn đòi thêm nhưng Đại Việt báo rằng chỉ còn bấy nhiêu đó mà thôi. Tống trả Quảng Nguyên cho ta rồi nhưng lại cắt xén những chỗ hiểm yếu thuộc châu này mà sát nhập vào đất Tống. Đó là các động Vật Dương, Vật Ác. Phía Tống lấy cớ rằng đất đó là do tù trưởng dâng cho Tống nên không thể trả lại. Đại Việt vì việc này mà nhiều lần cử sứ giả sang đòi đất. Chúng ta thấy rằng, cuộc chiến ngoại giao để bảo toàn lãnh thổ không hề đơn giản. Chiến tranh kết thúc vào năm 1077, nhưng việc đòi đất của Đại Việt còn kéo dài gần một thập niên sau đó. Năm 1083, sứ bộ Đào Tông Nguyên lại sang đàm phán với sứ Tống ở trại Vĩnh Bình.

Sứ Tống đôi co mãi với sứ ta, không bằng lòng chuyển quốc thư lên vua Tống. Sứ giả Đại Việt bất bình bỏ về. Lý Nhân Tông sai kiểm binh đóng ở biên giới, uy hiếp Vật Dương, Vật Ác để gây thanh thế. Tống triều cũng thêm quân để phòng thủ, di dời những tù trưởng đã dâng đất Đại Việt cho Tống vào ở sâu trong nội địa nước Tống để bảo vệ. Tù trưởng Nùng Trí Hội, Nùng Tông Đán là những người đã phản bội Đại Việt mà dâng đất cho Tống. Những người này là tội nhân khiến Đại Việt rất bất bình nhưng lại được nước Tống hết sức che chở. Quan hệ hai nước lại trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, triều đình Đại Việt dưới chủ trương mềm mỏng, giữ hoà bình để phát triển của Linh Nhân Hoàng thái hậu đã cố gắng dùng ngoại giao để thu xếp. Đến năm 1084, sứ bộ Đại Việt do trạng nguyên Lê Văn Thịnh dẫn đầu lại sang Tống đòi đất. Tống tổ chức hội nghị tại châu Vĩnh Bình. Quan tiếp sứ Tống là Thành Trạc trả lời rằng: “Những đất mà quân nhà vua đã đánh lấy thì đáng trả cho Giao Chỉ. Còn những đất mà các người coi giữ lại mang nộp để theo ta thì khó mà trả lại”.

Lê Văn Thịnh đối đáp: “Đất thì có chủ, các viên coi giữ mang nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Việc chủ giao đất cho mà tự ý lấy trộm đã không tha thứ được thì kẻ ăn trộm hay người tàng trữ vật ăn trộm, pháp luật cũng không dung. Huống chi nay chúng lại mang đất ăn trộm để dâng thì chỉ làm nhơ bẩn sổ sách nhà vua”.

Trước thái độ cương quyết của Lê Văn Thịnh, Tống chấp nhận cắt thêm đất để giao cho ta. Sáu huyện Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng, Can cùng với hai động Túc, Tang giao cho Đại Việt. Phía Tống muốn coi như lấy những vùng đất này để đổi lại Vật Dương, Vật Ác. Đây có thể coi là một thành công về ngoại giao của phái đoàn Lê Văn Thịnh. Tuy Đại Việt nhận những đất này, nhưng coi đây là đất đương nhiên Tống cần phải trả bởi trên thực tế đây là những đất nằm ngoài cửa ải của Tống mà họ hoàn toàn không có điều kiện để chiếm hữu thực địa. Sứ bộ Đại Việt vẫn tiếp tục đòi đất Vật Dương, Vật Ác. Công cuộc ngoại giao này dần trở nên vô vọng. Năm 1085, vua Tống Thần Tông mất. Vua kế vị là Tống Triết Tông lên ngôi, nhận được thư của vua Lý Nhân Tông đã trả lời rằng: “Trẫm đã xét kỹ lời biểu của Khanh xin cương thổ các động Vật Ác, Vật Dương. Đời Tiên đế, Khanh đã bày tỏ việc cương giới. Tiên đế đã giáng chiếu dụ, đầu đuôi rõ ràng. Đã đặc biệt theo lời Khanh cầu, mà cắt đất cho. Nay Trẫm đọc lời tâu, bất ngờ còn thấy Khanh bày tỏ kêu ca điều ấy. Trẫm vừa nối nghiệp, hành động phải theo mệnh trước. Nghị định trước đã rõ, nay khó lòng mà đổi được. Khanh phải trung thuận, nhất nhất phải tuân theo lời chiếu trước.”

Các lần cử sứ sang Tống đưa thư vào những năm 1085, 1086, 1087, 1088 đều không mang lại kết quả gì hơn. Trái lại, Tống còn tăng quân phòng thủ biên giới. Phía nước Tống cho rằng họ đã dứt nợ với Đại Việt vì đã “ban” cho Đại Việt những đất 6 huyện, 2 động để đổi lấy Vật Dương, Vật Ác rồi. Có vẻ như, triều đình Đại Việt cũng không muốn vì việc đòi những vùng đất nhỏ bé này mà khơi màu xung đột, chỉ chuyên tâm vào công cuộc gây dựng lại đất nước sau chiến tranh và dồn sức khôi phục lại thế mạnh ở phương nam. Vả lại, nước Tống bấy giờ đã không còn coi thường Đại Việt như xưa, thường xuyên đóng quân mạnh ở biên thuỳ Đại Việt để phòng thủ. Nếu như Đại Việt muốn dùng vũ lực hẳn sẽ phải có chiến tranh quy mô lớn.

Về sau này, thế lực nước Tống đi xuống thảm hại và bị nước Kim mới nổi ở phía bắc uy hiếp. Trong khi đó, Đại Việt dưới thời Lý Nhân Tông đã đến thời kỳ cực thịnh, binh hùng tướng mạnh, quốc lực dồi dào. Có vẻ như là thời cơ thuận lợi cho Đại Việt bắc tiến. Tuy nhiên, ở phương nam nước Chiêm Thành vẫn luôn thể hiện thái độ “sớm hoà, tối đánh” với Đại Việt. Họ cứ chực chờ cơ hội là đem quân cướp phá. Đặc biệt nghiêm trọng, thời bấy giờ đế chế Khmer (Chân Lạp) cũng phát triển đến mức cực thịnh dưới sự cai trị của vua Suryavarman II.

Lãnh thổ của đế chế Khmer bấy giờ rộng lớn gấp gần mười lần nước Đại Việt, tiếp giáp Đại Việt cả phía tây và phía tây nam. Khmer coi Đại Việt là miếng mồi ngon với tài nguyên và của cải dồi dào bậc nhất khu vực Đông Nam Á lục địa. Nước Đại Việt thời kỳ này dồn trọng tâm về phương nam để phòng bị vì nước Tống đã suy yếu mà Khmer lại nổi lên mạnh mẽ. Quả thực, về sau quân Khmer dưới sự chỉ huy của vua Suryavarman II đã tấn công xâm lược Đại Việt tận 6 lần. Công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc ta lại tiếp diễn song song với tiến trình xây dựng đất nước.

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-HiSIDiTTNp4/WfqX09yCEpI/AAAAAAABNgk/3-lP4aaglusEtiPXFsb_VIwNQ4aJy-eqQCLcBGAs/s640/0.0.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://2.bp.blogspot.com/-_im3rnuYels/WgFjftxPm6I/AAAAAAABN-A/zfL04z1T9iAOV1Yfl6nHODo1TFuEo0Q-wCLcBGAs/s320/32..jpg


CHƯƠNG 2

NHÀ TRẦN
CHỐNG NGUYÊN MÔNG
LẦN THỨ NHẤT



https://1.bp.blogspot.com/-aP_ZoTyD64I/WgFi2JNfq9I/AAAAAAABN94/PZJQUwJJAv8C-ak1DfyYAy8t1pTYxrysgCEwYBhgL/s640/70.1.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối