Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 88

ĐẶNG TẤT ĐEM QUÂN BẮC PHẠT
TIỄU TRỪ QUÂN PHẢN QUỐC


Khi quyết định rút đại quân về nước, Trương Phụ đặt nhiều kỳ vọng vào nguỵ quan Phạm Thế Căng. Thực tế Phạm Thế Căng không làm được gì nhiều ngoài việc tự tung ra oai trong vùng. Y tự xưng là Vũ Duệ Đại Vương, đóng đại doanh ở núi An Đại (thuộc Lệ Thuỷ, Quảng Bình ngày nay), muốn dùng phủ Tân Bình làm chỗ chắn ngang đường nhà Hậu Trần tiến quân của ra bắc. Nhưng với đặt thù của vùng phía nam Đại Việt là hẹp về đường bộ, rộng về đường biển thì sự phòng giữ của Phạm Thế Căng trở nên vô ích. Khi Trương Phụ rút về bắc, Đặng Tất giao hậu phương Hoá Châu lại cho hai người em trai Đặng Đức, Đặng Quý cai quản. Còn bản thân Đặng Tất cùng vua Giản Định đem thuỷ quân vượt biển tiến thẳng ra chiếm lại Nghệ An.

Thành Nghệ An bấy giờ do nguỵ quan Phan Quý Hữu đóng giữ. Tuy quân lực trong thành không bằng quân Hậu Trần, nhưng nếu dựa vào thành trì mà chống giữ thì cũng có khả năng gây thương vong đáng kể cho quân công thành. Biết được điều đó, Đặng Tất một mặt cho quân phô trương thanh thế, mặt khác thảo thư chiêu hàng Phan Quý Hữu. Lời lẽ trong thư chiêu hàng của Đặng Tất hết sức khiêm nhường, được giao cho chính người con trai trưởng của ông là Đặng Dung đem thư chuyển tận tay Phan Quý Hữu. Thư viết:

“… Đệ cùng với đại huynh nguyên là thần tử nhà Trần. Bởi mệnh trời đổi trở thành bề tôi họ Hồ, mới đây mới khuất thân về với Thiên triều (chỉ giặc Minh). Từ đó ngày đêm đau đáu niềm tủi hổ, thân làm quốc sĩ mà phải chịu phận hàng thần, đắc tội với xã tắc, mang tiếng xấu ngàn thu.

Nay đệ quản Hoá Châu, sĩ tốt có hơn 10 ngàn. Nếu được đại huynh dùng tướng hùng binh mạnh của Hoan Châu chung sức chung lòng thì một dải từ Mã Giang đến Hải Vân Sơn lo gì không trở thành đất Ba Thục của nhà Hậu Hán (tức nước Thục của Lưu Bị thời Tam Quốc).

Đệ liều chết dâng thư này, bộc bạch ruột gan, nên chăng thế nào mong đại huynh chỉ giáo.” (theo sử gia Đặng Duy Phúc)

Các nguỵ quan đa phần chỉ là những người xuôi theo kẻ mạnh. Phan Quý Hữu cũng nằm trong số đó. Nhận được thư của Đặng Tất, Phan Quý Hữu ban đầu còn phân vân chưa chịu hàng. Sau lại thấy lực lượng quân Hậu Trần hùng mạnh nên đã cùng con trai là Phan Liêu mở cổng thành ra hàng. Nhờ vậy mà nghĩa quân có được đất Nghệ An dễ dàng, đỡ tốn nhiều xương máu.

Cùng với việc chiêu hàng Phan Quý Hữu, Đặng Tất còn dụ hàng nguỵ quân, nguỵ quan ở các nơi dọc đường tiến quân từ Hoá Châu ra Nghệ An. Hầu hết các nguỵ quan đều buông giáo quy hàng. Duy chỉ có Phạm Thế Căng giữ phủ Tân Bình là ra mặt chống lại. Y trù tính rằng Đặng Tất có sở trường dùng bộ binh, nên đã tăng cường xây đắp thành luỹ ở núi An Đại để phòng thủ, lại bố trí phục binh ở các chỗ hiểm để đón đánh quân Hậu Trần. Thuỷ quân của Phạm Thế Căng thì đóng phòng tuyến ở cửa biển Nhật Lệ, chắn ngang đường đi lại của quân Hậu Trần giữa hai vùng cứ địa Nghệ An và Thuận Hoá. Thái độ của Phạm Thế Căng buộc vua tôi nhà Hậu Trần phải kiên quyết đánh dẹp.

Tháng 7.1408, quân nhà Hậu Trần chia đường thuỷ bộ tiến đánh phủ Tân Bình. Quân thuỷ do Đặng Tất chỉ huy nhân ngày gió thuận căng buồm chèo nhanh đánh thẳng vào khối quân chính của Phạm Thế Căng đang phòng giữ cửa biển Nhật Lệ. Mặc dù đã có phòng bị, Phạm Thế Căng cũng không thể nào chống nổi quân của Đặng Tất có tinh thần chiến đấu cao hơn hẳn. Quân đội của Phạm Thế Căng chỉ giao chiến được một lúc đang thi nhau tan chạy, chỉ có một số ít chống cự và nhanh chóng bị giết. Phạm Thế Căng cùng cháu là Phạm Đống Cao bị bắt sống tại trận. Đặng Tất cho giải Thế Căng và cháu y về Nghệ An, bị vua Giản Định cho xử chém. Phủ Tân Bình được giải phóng. Nghĩa quân thừa thắng kéo xuống Thuận Châu (Quảng Trị ngày nay). Nguỵ quan giữ Thuận Châu liệu thế không thể chống cự, liền mở cổng thành đầu hàng quân nhà Hậu Trần.

Cho đến mùa thu năm 1408, một dải giang sơn từ Nghệ An đến Hoá Châu đã được nhà Hậu Trần khôi phục lại chủ quyền. Sức người sức của trong vùng giải phóng đủ cho Giản Định đế hoàn thành công cuộc đánh đuổi giặc Minh. Quốc công Đặng Tất được giao nhiệm vụ đem lực lượng tiến ra bắc chiếm lại Đông Đô. Tình hình chuẩn bị của toàn quân ta rất khẩn trương. Khắp nơi hào kiệt thi nhau hưởng ứng, quyết cùng chung sức đánh giặc.

Trong bối cảnh đó, Minh triều cố gắng tìm biện pháp đối phó lại sự lớn mạnh của phong trào giải phóng đất nước của quân dân Việt.

Tháng 8.1408, hạm đội quân Minh gồm 1 vạn quân dưới trướng của Đô chỉ huy sứ Tôn Toàn từ Quảng Đông được phái sang nước ta tăng viện cho quân chiếm đóng. Nhưng bấy nhiêu quân đó không thể đủ làm nên sự khác biệt trên chiến trường. Đặng Tất cất quân bắc tiến, đánh chiếm lại được phủ Trường Yên, Phúc Thành (Ninh Bình), các quan thuộc cũ của nhà Trần, nhà Hồ và anh hùng hào kiệt không ai không theo về. Nghĩa quân tiến công đến tận Hàm Tử (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), Bình Than (thuộc Nam Sách, Hải Dương), Thượng Hồng (thuộc Hải Dương). Các toàn quân Hậu Trần tập kích quân Minh ở khắp nơi. Tại vùng Tam Giang (Phú Thọ, Tuyên Quang ngày nay), nghĩa quân chặn đường tải lương của quân Minh từ Vân Nam đến Đông Quan. Ngay xung quanh thành Đông Quan, đã xuất hiện những toán quân tác chiến độc lập của nhà Hậu Trần thừa cơ đánh tỉa quân Minh.

Các tướng Minh gồm Lữ Nghị, Hoàng Phúc, Hoàng Trung hễ cất quân đi đánh là thua, chỉ còn cách đóng chặt cửa thành cố thủ và gởi thư về nước xin thêm viện binh: “Nghịch tặc Giản Định cùng bọn Đặng Tất tụ tập dân chúng làm loạn, xin tăng thêm binh để tiễu bình”. Một thư xin cứu viện khác thẳng thắn thừa nhận: “… thế lực của giặc (chỉ quân ta) mỗi ngày một mạnh. Quan quân nhiều lần đánh không nổi…” (Minh Thực Lục)

Minh Thành Tổ Chu Đệ vốn là một bạo chúa hiếu danh, không thể để yên cho nhà Hậu Trần phá tan “kỳ công” của hắn. Nhận được báo cáo từ bọn tướng Minh ở thành Đông Quan, Chu Đệ liền cử ngay Kiềm quốc công Mộc Thạnh đem quân sang tăng viện. Khoảng đầu tháng 9.1408, Mộc Thạnh lĩnh ấn “Chinh Di tướng quân” đem 5 vạn quân tiến sang nước ta, hội với quân Minh ở thành Đông Quan bấy giờ còn trên dưới 5 vạn tên, trong đó có 2 vạn thuỷ quân. Quân Minh ở thành Đông Quan cả mới lẫn cũ cộng lại có hơn 10 vạn tên, bắt đầu lên kế hoạch phản công lại quân Hậu Trần.

Bên cạnh việc liên tiếp điều quân tăng viện, Chu Đệ còn dùng biện pháp ngoại giao hòng lung lạc tinh thần quân ta. Sứ giả Minh triều đem thư của Chu Đệ đến cho Giản Định để chiêu hàng. Thư viết:

“Mới đây cha con giặc họ Lê (chỉ nhà Hồ) gây việc soán đoạt, buông tuồng bạo loạn, độc hại người trong nước, chiếm đoạt biên cảnh, bèn mệnh xuất sư điếu phạt, bọn ác đầu sỏ bị bắt, dư đảng bị tiêu diệt, rồi thiết lập quận huyện, vỗ về thiện lương, một phương nhân dân đều được yên nghiệp. Chỉ riêng các ngươi ương ngạnh, lập đảng chống cự triều mệnh, cướp bóc dân chúng. Quần thần xin hưng sư tiêu diệt, Trẫm nghĩ dưới lằn tên mũi đạn, sợ liên luỵ đến dân vô tội mà những kẻ bất thiện như các ngươi cũng còn được cơ hội để có thể sửa đổi, nên ban sắc dụ này.

Phàm cử sự cần phải hợp đạo trời, cha con giặc họ Lê tội ác đầy rẫy, trời đã phế thì không thể giữ được. Các ngươi là đám tàn dư, trái đạo, nghịch mệnh trời, thì cũng đợi để tiêu diệt mà thôi! Tuy nhiên vui được sống, ghét chết là sự thường tình của con người ta. Nếu trước đây các ngươi chưa nghĩ kỹ nên làm việc bội nghịch trái đạo, hoặc do bọn quan lại hà khắc phải liều lĩnh mưu đồ tự tồn, lòng muốn hối cải nhưng còn nghi ngờ chưa dám quyết! Phàm con người ai mà không sai, sai mà biết sửa, còn gì tốt bằng. Bọn các ngươi hãy nhân lúc này, minh định lẽ nghịch thuận, xem xét cơ duyên hoạ phúc, tìm yên ổn có lợi cho bản thân, bảo vệ được gia tộc, mưu đồ kế vĩnh cữu.

Hãy dốc lòng thành quy phụ, sự sai lầm trong quá khứ được tha hết không hỏi đến, còn được giao chức quan, trả lại đất để cai trị, con cháu đời đời được thế tập. Lời Trẫm phát xuất từ tâm lòng, thông với trời đất; nếu các ngươi chấp mê không theo, hoạ sẽ đến với bản thân và gia đình, lúc đó hối cũng không kịp!” (theo Minh Thực Lục)

Chu Đệ còn xuống chiếu cho quan lại nước Minh và dân chúng trong nước ta rằng: “Còn nghĩ bọn dư chúng vốn là ngu muội, hoặc vì đói nghèo bức bách, hoặc bị kẻ mạnh bắt ép, hặc bị bọn gian dụ dỗ, việc không thể đừng, tình cũng đáng thương, nếu nhất loạt bắt tội cả, trẫm thực không nỡ. Khi chiếu thư này tới, đều tha cho cả. Quan lại ở các nha môn, quân dân thuộc đất Giao Chỉ hãy thể lòng chí nhân của trẫm phải khoan hồng thương xót, chớ làm ráo riết, chớ vơ vét của dân, hết thảy những việc không cần kíp phải ngừng bỏ cả”. (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Chu Đệ tuy nói lý lẽ nhưng vẫn khoả lấp những lý lẽ cơ bản. Giản Định đế Trần Ngỗi là con cháu hoàng tộc Trần, nếu xét về tình về lý thì quân Minh phải trả nước cho Giản Định làm vua như lời chúng đã rêu rao khi xâm lược nước ta là “phù Trần diệt Hồ”. Nhưng bởi vốn chúng đã manh tâm lừa dối để cướp nước người, nên trước sau vẫn chỉ coi Giản Định là tàn dư “nghịch mệnh trời”. Lời lẽ của quân giặc trước sau bất nhất, mặc dù có đem lợi lộc ra dụ dỗ, đem vũ lực ra răn đe cũng khó mà khiến người ta tin mà nghe theo.

Tất nhiên, vua tôi nhà Hậu Trần đã bỏ ngoài tai những lời dối trá của Chu Đệ. Quân Hậu Trần biết Mộc Thạnh kéo quân sang, đã tích cực chuẩn bị đánh những trận sống mái với giặc.

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-I3bDKe6udcM/XJm_RVz0ApI/AAAAAAACAG0/J6tCtcpY4A877iyaaXqMjXDjVBdkQc_TgCLcBGAs/s640/88.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 89

ĐẶNG TẤT GIĂNG THIÊN LA ĐỊA VÕNG
CHỜ ĐẤU 10 VẠN QUÂN MINH


Về phía quân Minh, Mộc Thạnh rất mong muốn nhanh chóng đánh bại quân ta trong một trận lớn, để chúng có thể tận dụng tối đa ưu thế về quân số, trình độ chiến đấu của một đội quân chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm. Mộc Thạnh hiểu rằng càng kéo dài thời gian, chúng sẽ càng gặp khó khăn khi mà quân Hậu Trần ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ, hướng ứng của nhân dân khắp cả nước. Đó là một nguồn sức mạnh gần như không bao giờ cạn kiệt và khiến quân giặc rất sợ phải đối đầu. Bởi thế, ngay khi đến Đông Quan, Mộc Thạnh đã gấp rút chuẩn bị một cuộc tấn công tổng lực nhắm thẳng vào căn cứ địa của nhà Hậu Trần.

Cho đến cuối năm 1408, nhà Hậu Trần đã xây dựng được một đội quân chính quy đông hơn 3 vạn quân với đầy đủ trang bị, đầy đủ binh chủng bộ binh, thuỷ binh, kỵ binh và một đội tượng binh gồm 20 thớt voi. Cùng sát cánh với lực lượng chính quy là lực lượng trợ chiến đông đảo. Tuy nghĩa quân không có số quân chính quy đông như giặc Minh nhưng bù lại, quân ta có thời sự hỗ trợ đắc lực của nhân dân các nơi. Cụ thể, khi được lòng dân ủng hộ nghĩa là quân Hậu Trần luôn có đủ thông tin về quân Minh, trái lại quân giặc luôn mù mờ về tin tức của quân ta. Với lợi thế trong bóng tối nhìn ra ngoài sáng, quân Hậu Trần có thể thoải mái áp dụng các chiến thuật mai phục, tập kích mà không sợ lộ quân cơ. Có được lòng dân, nhà Hậu Trần có được nguồn nhân lực dồi dào để dùng vào các việc xây thành luỹ, chuẩn bị chiến trường, vận lương, đóng thuyền, đúc vũ khí…

Các trai tráng trong vùng giải phóng là lực lượng dự bị bổ sung vào quân đội. Song song với việc bắc tiến, nhà Hậu Trần cũng chú trọng xây dựng hậu phương, củng cố lực lượng. Cha con nhà họ Đặng đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khâu. Hoá Châu, Thăng Hoa vốn là đất căn bản của Đặng Tất cung cấp rất nhiều sức người, sức của. Các xưởng đúc vũ khí, chiến thuyền hoạt động nhộn nhịp. Các quan lại, hào phú không tiếc của quyên góp cho nghĩa quân. Với tiềm lực có được và khí thế đang dâng cao, vua tôi nhà Hậu Trần không ngần ngại đối đầu với Mộc Thạnh trong một trận chiến lớn để nhanh chóng khôi phục lại chủ quyền toàn bộ đất nước.

Đại bộ phận chủ lực quân Hậu Trần từ Nghệ An kéo ra đã tập kết ở phủ Kiến Bình (Nam Định) và châu Trường Yên (Ninh Bình). Quốc công Đặng Tất sau khi khảo sát hình thế các nơi, quyết định lựa chọn bến Bô Cô thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Vọng Doanh (nay thuộc Ý Yên, Nam Định) làm địa điểm đón đánh quân Minh. Bến Bô Cô thời bấy giờ là một bến đò nhỏ hoang vắng nối hai bờ sông Lộ Bố (sông Đáy chảy qua Ninh Bình và Nam Định), là điểm tiếp giáp giữa phủ Kiến Bình và châu Trường Yên, lại nằm trên trục đường Thiên lý, vốn là con đường nối liền đất nước từ bắc vào nam. Đây là địa điểm mà gần như chắc chắn quân Minh phải đi qua để tiến quân xuống phía nam, dù cho đi bằng đường bộ hay đường thuỷ. Xung quanh bến Bô Cô là một vùng đầm lầy hoang vắng với lau sậy mọc um tùm, cùng với hệ thống các con kênh lạc nhỏ dày đặc. Địa hình nơi đây đặc biệt thuận lợi cho việc đặt phục binh quy mô lớn.

Tại khu vực bến Bô Cô, Đặng Tất đã cho điều động quân dân dựng lên một công trình phòng thủ quy mô. Cọc nhọn được cắm dưới lòng sông để làm chướng ngại vật ngăn cản thuỷ quân giặc. Dọc hai bên bờ đều có chiến luỹ kiên cố. Dưới sông có lực lượng thuỷ quân dưới quyền chỉ huy của Trấn quốc tướng quân Đặng Dung chốt giữ. Thuỷ quân nhà Hậu Trần không dùng các chiến thuyền lớn mà dùng các loại thuyền nhỏ có sức cơ động cao, thích hợp với lối đánh mai phục. Sau khi bố trí các trận địa, Đặng Tất cho người vào Nghệ An đón vua Giản Định đến đại doanh đặt tại Phúc Thành.

Nửa cuối tháng 12.1408, 10 vạn quân Minh chia hai đường thuỷ bộ rầm rộ nhằm vào hướng châu Trường Yên mà tiến. Bộ binh quân Minh gồm 8 vạn đi dọc theo đường Thiên Lý. Thuỷ quân giặc gồm 2 vạn tên xuôi dòng sông Cái (sông Hồng), sông Châu Giang để vào sông Lộ Bố. Mộc Thạnh rất tự tin và nóng lòng tiêu diệt toàn quân ta trong một trận. Ngày 29/12/1408, tiền quân của giặc đã tiến đến gần Bô Cô. Phát hiện ra chiến tuyến kiên cố của quân ta, quân Minh bắt đầu dựng trại tập kết. Quân Minh chia làm ba thê đội. Tiền quân dưới quyền Đô đốc thiêm sự Lữ Nghị, trung quân do chính Kiềm quốc công Mộc Thạnh điều động, hậu quân thuộc quyền chỉ huy của Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn. Ngoài ra, quân Minh còn có các tướng lĩnh chủ chốt khác là Tham chính Lưu Dục, Đô chỉ huy sứ Liễu Tông… Chín phần mười binh lực của nước Minh ở Đại Việt (chưa kể nguỵ binh) đã đổ dồn vào trận, cho thấy quyết tâm cao độ của tướng lĩnh quân Minh trong việc tiêu diệt nhà Hậu Trần.

Với binh lực mạnh trong tay, Mộc Thạnh cùng các tướng lĩnh quân Minh dự định sẽ nhanh chóng dùng sức mạnh kỵ bộ đánh thủng các chiến luỹ của quân Hậu Trần ở bờ bắc, rồi cùng với cánh thuỷ quân phối hợp vượt sông đánh thẳng vào Phúc Thành, bắt giết vua Giản Định. Tuy nhiên, Quốc công Đặng Tất đã chuẩn bị những đòn không ngờ tới dành cho quân giặc. Mặc dù quân Minh hành quân rất quy củ, luôn có du binh do thám kỹ càng để tránh việc bị mai phục nhưng đã không lường trước được toan tính của quân ta. Đặng Tất đã tận dụng lợi thế địa hình lau sậy mọc um tùm, không đặt phục binh ven đường mà cho quân mai phục đóng cách xa con đường, đủ để vượt ngoài tầm do thám của quân Minh. Quân mai phục cùng với quân đóng ở chiến luỹ làm thành một trận địa lợi hại như một cái bẫy lớn chờ quân giặc chui vào để tiêu diệt.

Ở dưới sông, thuỷ quân ta cũng dựa vào bãi cọc và hệ thống kênh rạch nhỏ mà đặt mai phục sẵn sàng chặn thuỷ quân giặc, không cho chúng phối hợp với bộ binh. Đặng Tất cùng bộ chỉ huy nghĩa quân đóng trên núi Dục Thuý, một ngọn núi cao trong vùng để quan sát trận địa. Xét về mức độ tinh nhuệ, quân ta lúc này vẫn thua kém quân Minh. Nhưng toàn quân trên dưới đều một lòng xả thân giết giặc. Tinh thần đó hoàn toàn khác hẳn với sự bạc nhược của quân đội Đại Ngu của nhà Hồ. Chính tinh thần quyết tử đã làm nên một sức mạnh phi thường mà quân Minh sẽ phải đối đầu.

Quốc Huy

https://4.bp.blogspot.com/-gAcceKMOPvk/XJ8QyAbiUcI/AAAAAAACAIE/o4_NjFG5LIkb675YtDuijnFh5iNkmQJLACLcBGAs/s640/89.1.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 90

CHA CON ĐẶNG TẤT, ĐẶNG DUNG
TIÊU DIỆT 10 VẠN QUÂN MINH


Tướng lĩnh quân Minh đổ rất nhiều tâm huyết vào trận Bô Cô với hy vọng nhanh chóng dập tắt phong trào khởi nghĩa của quân dân Đại Việt. Sau những bước chuẩn bị, hừng sáng ngày 14 tháng Chạp năm Mậu Tý (30.12.1408), quân Minh bắt đầu tấn công vào trận địa quân Hậu Trần. Ở trên bộ, Đô ty Lữ Nghị chỉ huy tiền quân bắn hoả pháo rồi thúc bộ binh ào lên bắt thang mây tấn công chiến luỹ. Do có thời gian chuẩn bị khá dài nên chiến luỹ của quân Hậu Trần đã vững, đủ để chịu đựng những loạt pháo của địch. Khi bộ binh giặc tràn đến cận chiến, quân Hậu Trần bình tĩnh dựa vào chiến luỹ cố thủ.

Gần như đồng thời với cuộc tấn công trên bộ, các chiến thuyền của quân Minh cũng từ sông Châu Giang tiến vào sông Lộ Bố đánh phối hợp với cánh bộ binh. Quân Minh liệu rằng khi bộ binh phá xong chiến luỹ ở bờ bắc thì thuỷ quân cũng làm chủ được khúc sông, bộ binh giặc sẽ lên thuyền vượt sông để dứt điểm quân Hậu Trần ở bờ nam. Trước sức tấn công của thuỷ quân nước Minh, thuỷ quân Hậu Trần dưới sự chỉ huy của Đặng Dung cũng xuất quân nghênh địch, ngăn chặn từ xa không cho thuỷ quân giặc tiếp cận trận địa chính của quân ta ở Bô Cô. Mọi chuyện diễn ra theo như dự tính của Đặng Tất, thuỷ quân ta cầm cự đợi cho thuỷ triều lên che đi bãi cọc ngầm đã cắm ở gần Bô Cô.

Chiến sự dằn co kéo dài hàng giờ liền. Trung quân của Mộc Thạnh dần kéo đến nối sau đội tiền quân của Lữ Nghị nhưng không thể phối hợp dàn trận do đường hẹp không đủ không gian cho số quân Minh đông đúc. Đội hình quân Minh vì vậy mà bị dồn ứa lại dọc theo đường đi. Đặng Tất quan sát tình hình, phất cờ mật lệnh ra dấu hiệu cho lực lượng mai phục ở hai bên đường Thiên lý lặng lẽ di chuyển áp sát đội hình quân Minh.

Trong lúc đó, các lực lượng đóng ở chiến luỹ bờ bắc bến Bô Cô vẫn kiên cường chống trả quân địch công phá luỹ. Quân Minh lăn xả tấn công, tử trận rất nhiều nhưng vẫn không thể qua được chiến luỹ quân Hậu Trần. Kỵ binh giặc tinh nhuệ cũng không thể thi thố trước chiến luỹ của quân ta. Khi đó quân mai phục đã tiếp cận đến gần ven đường, nơi mà số đông quân Minh đang đứng chôn chân chờ đợi tiền quân hoàn thành nhiệm vụ. Đặng Tất ở trên cao quan sát, cho bắn pháo phất cờ phát lệnh tổng công kích. Từ trong những hàng lau sậy hai bên đường, hàng vạn quân mai phục của nhà Hậu Trần hò reo xông vào đánh tạt sườn quân Minh, ai nấy đều mang khí thế hùng hồn, giáp chiến dữ dội với quân Minh. Mộc Thạnh bị bất ngờ hoàn toàn.

Dù có số quân đông hơn và tinh nhuệ hơn, đòn tấn công thình lình khiến quân Minh không kịp dàn trận đối phó. Mọi sự phản kháng của địch đều rời rạc trước sức tấn công như bão táp của quân ta. Quân Minh chết như rạ, từng tên một bị hạ trước mũi giáo của quân Hậu Trần mà không thể phối hợp với nhau. Các tướng Minh ra sức quát tháo chỉnh đốn hàng ngũ, nhưng âm thanh chiến trường lúc này bị khoả lấp bị tiếng hò reo vang trời của quân ta. Đội hình địch đứt đoạn, bị xé nát thành từng cụm, không thể liên lạc với nhau và bị quân Hậu Trần lăn xả chém giết. Các chiến binh Việt vốn ít hơn, đã đặt mình vào thế không còn đường lùi và ra sức tử chiến với giặc với một quyết tâm không gì cản nổi.

Bấy giờ đã vào buổi trưa, thuỷ triều đã lên cao che khuất bãi cọc ngầm. Thuỷ quân Hậu Trần ở dưới sông cũng theo kế hoạch giả vờ thua và rút lui. Thuỷ quân Minh hăm hở đuổi theo sau. Đoàn thuyền giặc to lớn tưởng chừng có thể phá được thuỷ trận của quân ta, tiến nhanh vào bãi cọc ngầm chờ sẵn. Thuyền của quân Hậu Trần là loại thuyền nhẹ, dễ dàng lướt qua bãi cọc. Thuyền quân Minh theo sau, vì to lớn, đáy chìm sâu dưới nước nên vướng cọc hàng loạt, nối đuôi nhau chìm đắm.

Đoàn thuyền quân Hậu Trần đang rút lui thừa cơ đánh ập lại. Cùng lúc đó pháo lệnh phát ra, các đội thuyền nhỏ mai phục trong các kênh rạch, các đám lau sậy ven sông nhất tề đổ ra vây kín hạm đội quân Minh. Thuyền giặc lớp bị cọc đâm chìm, lớp va vào nhau, lớp khác bị thuỷ quân ta tiêu diệt. Chẳng mấy chốc đa số thuyền giặc đã bị loạt khỏi vòng chiến với thương vong lớn. Số thuỷ quân còn lại của giặc Minh hốt hoảng toan quay đầu chạy nhưng đã quá muộn. Cán cân lực lượng nhanh chóng nghiêng hoàn toàn về phía quân ta. Các chiến thuyền nhỏ của quân Hậu Trần xiết vòng vây, lần lượt tiêu diệt gần như toàn bộ 2 vạn thuỷ quân nước Minh.

Đến chiều, chiến sự trên bộ vẫn diễn ra đẫm máu. Trung quân và tiền quân giặc Minh đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Đang lúc đó thì hậu quân Minh dưới trướng của Lưu Tuấn tiến đến cứu viện, cố gắng giải nguy và lật ngược thế trận. Có quân tiếp viện, số quân tướng Minh bị trúng mai phục từ trước định thần lại cố gắng phản kích quân Hậu Trần. Quân ta quần nhau với giặc hồi lâu, cơ hồ cũng đã mỏi mệt nên hơi núng thế. Lúc này Đặng Tất mới ra đòn kết thúc. Quân từ chiến luỹ mở cửa xông ra đánh trực diện vào giặc. Các lực lượng dự bị của quân Hậu Trần từ bờ nam đồng loạt phất cờ gióng trống dùng thuyền nhỏ vượt sông tiếp ứng với bờ bắc. Vua Giản Định từ trên núi cao thẳng tay đánh trống thúc quân. Được sự cổ vũ to lớn của nhà vua, các cánh quân ta dẫu mệt mỏi cũng phấn chấn tinh thần mà cố sức đánh mạnh.

Nắng chiều tắt dần, quân Minh dù có tiếp viện cũng không chống nổi khí thế quân Hậu Trần. Cầm cự được một hồi thì quân Minh vỡ trận hoàn toàn, quân tướng nối nhau bỏ chạy. Quân Hậu Trần quyết truy kích đến cùng, giết gần hết giặc. Chỉ có Mộc Thạnh lợi dụng trời nhá nhem tối cùng đám thân binh dẫm bừa lên xác đồng đội cố chết phá vòng vây chạy thoát được về thành Cổ Lộng, toà thành cũ ở gần Bô Cô. Kết thúc trận đánh, cả thảy gần 10 vạn quân Minh bỏ thây trong trận chiến. Các tướng Minh gồm Thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, Tham chính Lưu Dục, Đô chỉ huy Liễu Tông… cùng với hàng loạt tướng lĩnh chủ chốt khác đều bị giết tại trận. Về phía quân Hậu Trần dù thắng trận cũng tổn thất hơn vạn quân.

Trận Bô Cô là một trong những chiến thắng hào hùng của dân tộc Việt Nam, cũng là một trong những trận chiến đẫm máu bậc nhất. Chưa trong chưa đầy một ngày, 10 vạn quân giặc cả quân cũ lẫn quân mới bị đánh tan tác không còn manh giáp. Không ít trong số này đã gây nhiều tội ác trên đất nước ta trong quá trình xâm lược và đô hộ. Nói về thuật dùng binh, Đặng Tất đã áp dụng tư tưởng tử chiến đến cùng với quân giặc. Đây là điều mà binh pháp đời trước rất thận trọng khi dùng. Để thắng được quân địch đông mạnh, quân Hậu Trần đã chẳng tiếc thân mình trong chiến đấu và cũng chịu đựng những mất mát lớn. Sau đại thắng bến Bô Cô, vận mệnh của dân tộc lại trở nên sáng sủa. Giản Định đế và nhà Hậu Trần đứng trước thời cơ lớn để hoàn thành nghiệp trung hưng nước Đại Việt.

Quốc Huy

https://4.bp.blogspot.com/-ZaE0kG2tvH4/XK6UOMQFbEI/AAAAAAACANo/q_wvFFv6UU4trG6BYwY4t85qAPuR6fJxgCLcBGAs/s640/90.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 91

MUỐN THẮNG GIẶC MINH
THÌ CẦN TƯỜNG SĨ MỘT LÒNG PHỤ TỬ


Chiến thắng Bô Cô mở ra một cơ hội lớn cho vua tôi nhà Hậu Trần khôi phục hoàn toàn chủ quyền đất nước. Sau trận này, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có thay đổi rất lớn. Số quân thiệt mạng tại Bô Cô chiếm gần chín phần mười lực lượng quân Minh trên đất nước ta. Quân Minh chỉ còn lại không quá một vạn tên, cố thủ ở thành Đông Quan. Tại các thành trì khác trên lãnh thổ Đại Việt, Minh triều chỉ còn trông cậy vào lực lượng nguỵ binh. Vốn đã có tinh thần chiến đấu yếu kém, nguỵ binh các thành lại càng hoang mang tột độ sau khi quân chủ lực nước Minh đại bại ở Bô Cô. Trong khi đó, quân Hậu Trần dù cũng chịu tổn thất nặng ở trận Bô Cô những lần đầu tiên đã có quân số đông vượt trội so với chủ lực quân Minh tại Đại Việt. Sĩ khí của toàn quân cũng dâng cao, nhân dân các nơi cũng nô nức chờ đợi đoàn quân của Giản Định đến để hưởng ứng.

Thế nhưng trước những điều kiện thuận lợi như vậy, nội bộ nhà Hậu Trần lại xảy ra bất đồng. Sau trận đại chiến, vua Giản Định và Quốc công Đặng Tất đã có chủ trương khác nhau về chiến lược. Giản Định mong muốn thừa thế thắng xông lên, nhanh chóng giải phóng đất nước. Vua bàn với các tướng: “Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch, như sét đánh không kịp bịt tai, tiến đánh thành Đông Quan thì chắc chắn phá được chúng”.

Trái với nhận định của vua Giản Định, Đặng Tất lại cho rằng nên triệt để đánh dẹp các thành trì khác trước khi đánh chiếm Đông Quan. Ông tâu rằng: “Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau”. Đặng Tất nói đến “mối lo về sau” là nguy cơ quân Minh sẽ điều quân tiếp viện. Trương Phụ với hàng vạn quân Minh vẫn luôn sẵn sàng vượt biên giới tiến sang. Nếu khi đó ở trong nước vẫn còn nhiều thành trì chưa bị hạ, thì quân ta dù có chiếm được Đông Quan sẽ rơi vào thế bị bao vây. Vả lại quân ta vừa hao tổn ở Bô Cô không ít, quân lính bên cạnh nhà vua chủ yếu là quân Thanh Nghệ, còn quân ở các nơi khác chưa kịp tập họp. Tại vùng kinh lộ (đồng bằng sông Hồng), đa số nhân dân vẫn còn bị giặc kìm toả chưa thể hưởng ứng theo quân ngay được. Còn lương thực theo quân cũng chưa tập họp được đủ dùng trong thời gian dài.

Mâu thuẫn giữa hai chiến lược của vua Giản Định và Đặng Tất chính là giữa chớp thời cơ đánh nhanh thắng nhanh hay đánh chắc từng bước một. Vua tôi tranh luận hồi lâu chưa quyết được vì mỗi bên đều có lý của mình. Quân Minh ở Đông Quan tranh thủ thời gian đến thành Cổ Lộng đón được Mộc Thạnh về. Lúc này tuy uy quyền của vua Giản Định là tối cao, nhưng Đặng Tất cầm quân đã lâu, kinh nghiệm có thừa. Bởi vậy mà lời của Đặng Tất được quân tướng rất tin tưởng.

Rốt cuộc Giản Định đành theo lời của Đặng Tất. Quân Hậu Trần chia quân vây các thành trì còn lại của quân Minh tại các châu, phủ. Đặng Tất gởi hịch cho các lộ khắp cả nước, kêu gọi cùng góp quân đánh thành. Hào kiệt khắp nơi rủ nhau kéo đến cửa quân góp sức. Nguỵ quân các thành khiếp vía, thấy bóng quân Hậu Trần kéo đến là nhanh chóng bỏ chạy hoặc quy hàng.Khí thế của quân ta vô cùng mạnh mẽ, tưởng như việc đánh đuổi giặc Minh chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đặng Tất lúc này là linh hồn của cuộc khởi nghĩa. Có thể nói, ngay từ đầu chính ông là người góp công lao nhiều nhất cho tất cả các khâu từ xây dựng hậu cần lực lượng đến điều quân đánh trận. Bên cạnh Đặng Tất còn có Nguyễn Cảnh Chân là người dự trù kế sách trong quân, xếp đặt các việc nội bộ, đóng góp tuy thầm lặng nhưng cũng rất quan trọng. Hai người một là đại tướng, một là mưu thần hàng đầu. Tuy nhiên, cũng vì thế mà ánh hào quang của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đã làm lu mờ vị vua của họ. Điều đó đã trở thành tai hoạ cho vị Quốc công nhà Hậu Trần cũng như toàn bộ phong trào khởi nghĩa.

Vua Giản Định dù theo chủ trương của Đặng Tất thực hiện tiễu trừ quân giặc ở các thành trì nhỏ trước khi tiến đánh Đông Quan, nhưng trong lòng nhà vua đã sinh lòng đối kỵ. Trong lúc đó, bọn nịnh thần bên cạnh vua Giản Định đã buông lời sàm tấu. Hoạn giả Nguyễn Quỹ và học sinh Nguyễn Mộng Trang là hai kẻ hầu cận vua Giản Định vì ghen ghét đã tâu kín với vua rằng: “Tất và Cảnh Chân chuyên quyền bổ dụng người này, cất chức người khác, nếu không liệu tính sớm đi, sau nàykhó lòng mà chế phục được”. (theo sách Cương Mục)

Lẽ thường thời bình, quan tướng trong triều đình muốn cất nhắc người nào đều phải tâu lên vua để phong chức tước. Nhưng bấy giờ là thời loạn lạc, việc quân rất gấp. Quốc công Đặng Tất cùng Đồng tri khu mật viện Nguyễn Cảnh Chân mới phải dùng biện pháp thời loạn để có thể chống được giặc mạnh. Đó là do việc quân cần phải như thế. Hai ông không ngờ được rằng điều đó đã trở thành cái cớ cho bọn tiểu nhân đâm sau lưng mình. Vua Giản Định u tối và đối kỵ, đã tin theo lời tâu của bọn hầu cận. Giản Định lập mưu giết hại công thần, điều quân hộ vệ đem chiến thuyền đến đóng trên sông Hoàng Giang, rồi gởi chiếu thư triệu Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân tới. Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân chẳng chút nghi ngại, cùng đến thuyền ngự của vua để hầu kế sách.

Hai ông không ngờ rằng vị vua mà mình hết lòng phò tá lại nhẫn tâm ám hại mình. Tất và Cảnh Chân lên thuyền, Giản Định ra hiệu cho lực sĩ vây giết. Đặng Tất bị lực sĩ bóp cổ chết. Nguyễn Cảnh Chân cố chạy thoát lên bờ, lực sĩ đuổi theo kịp chém chết. Bấy giờ là vào khoảng tháng 3/1409, vua Giản Định vì tin lời kẻ xu nịnh mà tự tay đống đi hai cây cột chống trời của nhà Hậu Trần. Các sử gia hầu hết lên án rất kịch liệt sự u tối và độc ác này của Giản Định, và thanh danh cả đời của vị vua này cũng tiêu tan theo hành động này.

Ngô Thì Sĩ trong sách Việt Sử Tiêu Án đã có lời cảm thán, đồng thời phân tích cơ mưu tài tình của Đặng Tất mà vua Giản Định đã không bì kịp lại sinh lòng ghen ghét công thần:

“Bô Cô ở sông Thanh Quyết, theo thuỷ triều, đi thuyền 3 trống canh có thể đến Lạc Tràng, đi thẳng lên Đông Đô không đến một ngày, thừa trận được to ấy, mà không tán thành lời quyết định của vua Giản Định, ai chả tiếc là thất cơ[tức bỏ lỡ cơ hội].

Nhưng mà Tất đã vất vả ở Bố Chính, bị Trương Phụ đuổi ở phía sau, Thế Căng ngăn ở mặt trước, mà phá được Thế Căng, lấy lại Tân Bình, mới điều động được quân ở các trấn Thuận, Quảng, Hoan, Ái, để có quân tiến đánh Đông Đô, lặn lội hàng tuần đến được Bô Cô. May mà bẻ gãy được gươm giáo của quân Điền [chỉ quân Minh vùng Giang Nam] và Kiềm [chỉ Mộc Thạnh, tước Kiềm Quốc công], trương thanh thế quân Thanh Nghệ, còn một bước nữa thì đến Thăng Long, còn xa gì nữa mà phải dùng dằng không tiến.

Tất đã trù tính kỹ lắm rồi, Mộc Thạnh mới sang, xa xôi nghìn dặm, quân bị đói khát mỏi mệt, thoát chết ở Bô Cô là may lắm. Còn Trương Phụ là tay cáo già, như con hổ ngồi nhìn Đông Đô. Bây giờ toán quân cô độc của ta xa xôi kéo đến, chưa dễ thủ thắng. Vạn nhất trước mặt, sau lưng đều có quân địch, ta không có quân, lương cứu viện, có phải là dẫn thân đến chỗ chết không? Cho nên thà nghỉ ngơi để mà điều độ, mới là kế vạn toàn. Tất cũng là trí tướng đấy chứ. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông thì người Minh cũng phải có phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta không có người. Tiếc thay! Vua Giản Định tự phá huỷ bức trường thành của mình đó!”

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên cũng gay gắt không kém, và ngụ ý chỉ trích sự vong ân của Giản Định: “Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước. Được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình, thì làm sao nên việc được!

Cho nên đức của người làm vua quý ở chỗ cương quyết, sáng suốt. Cương quyết thì có thểxử đoán được, sáng suốt thì có thể xét rõ được. Ôi! nếu lúc đó vua gọi hai đại thần đến, dẫn hai đứa ấy kể rõ tội gièm pha vu hãm hại đại thần rồi chém ngay chúng đi thì uy lệnh được thi hành và bọn Tất dũng cảm càng tăng, cảm kích càng sâu, giả sử có manh tâm chuyên quyền chả lẽ không sợ uy mà phải tự bỏ, sợ gì khó kiềm chế nữa. Đã không làm được như thế thì chỉ có long đong rồi đến chết chìm mà thôi!”

Đó là hai nhận xét điển hình, sâu sắc bậc nhất trong sử sách dành cho việc giết hại đại tướng giữa lúc cao trào chiến sự của vua Giản Định. Còn những lời chê trách vị vua này thực không thể nào kể hết ra được. Cái chết của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân là một trong những án oan khuất nổi tiếng nhất trong sử Việt. Nhưng sự nghiệp và tên tuổi của hai ông mãi mãi được muôn dân tưởng nhớ đến với lòng biết ơn và ngưỡng mộ. Sau sự việc này, phong trào khởi nghĩa của nhà Hậu Trần xảy ra những chuyển biến lớn.

Quốc Huy

https://3.bp.blogspot.com/-7wC3UYNJSlQ/XLv1UJUQJ7I/AAAAAAACAUM/8nOKkTzEgVs4n6jbIyrLiOH7ksv9Whe9ACLcBGAs/s640/91.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 92

HAI VUA TRẦN
BAO VẬY QUÂN MINH TẠI ĐÔNG QUAN


Tháng 3.1409, nhà Hậu Trần theo đang trên đà thắng lợi thì Giản Định lại nhẫn tâm giết đi hai vị đại tướng của mình là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Tin ấy truyền ra, ba quân nhiều người thương tiếc không cầm được nước mắt. Lòng quân lung lay đến cực độ. Các chiến binh dưới trướng Giản Định bị giằng xé giữa một bên là tình cảm dành cho hai vị chỉ huy đã nhiều phen cùng họ vào sinh ra tử, dẫn dắt họ qua gian nguy với một bên là luân lý phải trung thành với nhà vua trong hệ tư tưởng phong kiến đương thời. Đó là nói chung tất cả quân đội Hậu Trần, còn riêng những tướng sĩ cũ từng ở dưới trướng Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân trước khi hai ông đem quân đón rước vua Giản Định thì hầu hết đều cực kỳ phẫn nộ.

Các tướng sĩ Hoá Châu, Thuận Châu, Nghệ An đã từng cùng Đặng Tất nuốt nhục theo về quân Minh để chờ thời cơ, rồi cùng chiến đấu với ông gây dựng những nền tảng vững chắc cho phong trào khởi nghĩa. Hơn ai hết họ hiểu rõ vua Giản Định có thể đã sớm bỏ thây dưới lưỡi gươm của quân Minh nếu như không có công lao phò tá của Đặng Tất, cũng như khó mà có được thành tựu phi thường nếu không có tài thao lược của Nguyễn Cảnh Chân.

Với sự bất mãn và phẫn nộ tột cùng, Đặng gia tướng với hàng loạt tướng lĩnh tài ba đứng đầu là Đặng Dung, con trai trưởng của Đặng Tất cùng các tướng Đặng Chủng, Đặng Thát, Đặng Liên, Đăng A Thiết đã bàn với Nguyễn Cảnh Dị, người con trai của Nguyễn Cảnh Chân đem quân bản bộ các xứ Hoá Châu, Thuận Châu, Nghệ An… rời bỏ vua Giản Định rút về Nghệ An, tìm một tôn thất khác của họ Trần để lập làm vua, tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa chống Minh. Thực ra với quân lực của hai họ Đặng và họ Nguyễn hợp lại, họ hoàn toàn có thể làm binh biến giết chết vua Giản Định để báo thù. Nhưng họ đã không làm vậy vì để tránh tội giết vua, bảo tồn tính chính danh cho cuộc kháng chiến.

Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị rút quân, nhiều binh sĩ thuộc quyền các tướng khác, các binh lính mới tuyển cũng rút theo, một số khác bất mãn rời đội ngũ. Số quân còn lại dưới trướng Giản Định trở nên cực kỳ yếu ớt, hầu như không còn tinh thần chiến đấu. Sự nghiệp của Giản Định có lúc đã tiến rất gần tới vinh quang tột đỉnh, chỉ vì nghe theo lời nịnh, đi một bước sai lầm mà tiêu tan tất cả, thanh danh cũng bị huỷ đi trong phút chốc.

Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị cùng các tướng tìm được tôn thất họ Trần là Trần Quý

Khoáng lúc này đang ở ẩn tại Thanh Hoa, rước vào Nghệ An tôn làm vua. Trần Quý Khoáng có thân thế là cháu nội vua Trần Nghệ Tông, con thứ của Mẫn vương Trần Ngạc. Trong thời Trần, Trần Quý Khoáng từng giữ chức Nhập nội thị trung. Ngày 2.4.1409, Trần Quý Khoáng lên ngôi ở huyện Chi La (Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay), lấy hiệu là Trùng Quang Đế. Đặng Dung được vua phong làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Cảnh Dị lãnh chức Thái bảo, Nguyễn Suý làm Thái phó, Nguyễn Chương làm Tư mã, Nguyễn Biểu làm Điện tiền thị ngự sử.

Trên thực tế, sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh dưới ngọn cờ khôi phục vương triều Trần đã chuyển giao về tay vua Trùng Quang. Các lực lượng trước đây theo vua Giản Định thì nay đa số theo về với Trùng Quang Đế. Bộ khung lãnh đạo mới dưới trướng vua Trùng Quang có ba trụ cột chính là Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý. Nghĩa quân đắp thành Chi La, lấy đất Nghệ An làm căn bản.

Trong khi đó, Giản Định đế đóng quân ở thành Ngự Thiên (thuộc Thái Bình) cùng một số quân tướng trung thành còn lại, lực lượng cô độc ít ỏi, vô phương tiến thoái. Quân Minh thừa cơ hội kéo đến vây đánh, thế bại vong của Giản Định chỉ còn tính bằng ngày. Để tránh việc một nước hai vua cũng như không để cho quân Minh đánh bắt được vua Giản Định, Trùng Quang Đế theo lời các tướng bàn đã quyết định ra quân bắt sống Giản Định trước. Tướng Nguyễn Suý nhận lệnh vua Trùng Quang, kéo quân tinh nhuệ đóng giả làm thường dân rồi trà trộn vào thành Ngự Thiên, nhanh chóng đánh úp bắt gọn được vua Giản Định và các cận thần giải về Nghệ An giam lỏng.

Lúc này mẹ của Giản Định là Hưng Khánh Hoàng thái hậu vẫn chưa bị Nguyễn Suý bắt, họp cùng các tướng cũ của Giản Định là Lê Tiệt, Lê Nguyên Đĩnh khởi binh ở Hát Giang (Quốc Oai, Hà Nội ngày nay), lập mưu đánh úp vua Trùng Quang để khôi phục lại quyền lực cho Giản Định. Có người hầu cận thái hậu là Nguyễn Trạo người Nghệ An đem mưu ấy báo với Trùng Quang. Vua Trùng Quang sai tướng đến Hát Giang đánh bắt gọn quân phản loạn, xử tử Lê Tiệt và Lê Nguyên Đĩnh, còn lại thuộc hạ đồng mưu đều được tha chết. Hưng Khánh hoàng thái hậu cũng không bị xử tội, nhưng ít lâu sau thì bệnh chết.

Sau khi bắt được vua Giản Định, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã bàn với vua Trùng Quang, vì đại nghĩa mà dẹp bỏ tư thù, lấy lễ hoàng thân mà tiếp đón vua Giản Định. Trùng Quang đích thân đi thuyền đến sông Tam Chế (thuộc Nghi Xuân, Hà Tĩnh ngày nay) đón Giản Định về thành Chi La, tôn làm Thái thượng hoàng. Trên danh nghĩa Giản Định vẫn cùng vua Trùng Quang trông coi việc nước để cho nhân tâm không bị hoang mang. Việc tôn Giản Định làm Thượng hoàng đã thể hiện sự bao dung của hai vị Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị cũng như sự thức thời của vua Trùng Quang. Nhờ hành động này, hàng ngũ nhà Hậu Trần đã quy về một mối.

Tuy nhiên, kể từ khi vua Giản Định giết hại Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân đến khi nội bộ nhà Hậu Trần ổn định trở lại như cũ đã phải mất hàng tháng trời. Các tin tức về sự chia rẽ nội bộ của quân ta đã được tướng lĩnh nước Minh nắm được thông qua do thám. Mộc Thạnh biết Trùng Quang lên ngôi, đã sai Hoàng La đến dụ hàng. Trùng Quang đế sai người tiếp Hoàng La ở Nỗ Giang (sông Mã chảy qua Hoằng Hoá, Thanh Hoá), nói về việc không đầu hàng và yêu cầu quân Minh trả nước cho họ Trần như lời hứa khi xưa.

Sau nhiều thời gian trì hoãn do biến cố nội bộ, cho đến tháng 7.1409, quân Hậu Trần mới bắt tay vào chiến dịch tấn công thành Đông Quan, lúc bấy giờ do Mộc Thạnh cùng một số quân tướng nước Minh còn sót lại sau trận Bô Cô cố thủ. Thành Đông Quan tuy ít quân nhưng là một toà thành mà quân Minh đổ nhiều công sức để xây dựng rất kiên cố, trên thành có đặt súng lớn, rất khó công phá. Quân Hậu Trần thiếu kinh nghiệm đánh thành trì lớn như thế, nên phải dùng kế bao vây. Vua Trùng Quang cùng các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị đem quân đóng ở Bình Than (Chí Linh, Hải Dương).

Nguyễn Suý cùng thượng hoàng Giản Định đem quân đóng ở Hạ Hồng (thuộc Hải Dương). Trùng Quang một mặt vây thành Đông Quan, sai quân cứ cách 4 – 5 ngày tuần tra một lần. Mặt khác vua gởi hịch kêu gọi hào kiệt các vùng Kinh lộ cùng góp sức người và của cải, người người nô nức hưởng ứng. Chỉ có Tri phủ Tam Giang (Phú Thọ ngày nay) là Đỗ Duy Trung vẫn không chịu theo về.

Có thể thấy quân Hậu Trần dưới thời kỳ vua Trùng Quang vẫn chiếm thế thượng phong trước quân Minh. Các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị đều tỏ rõ tài năng của con nhà tướng. Bên cạnh còn có Nguyễn Suý, nhân vật bật dưới thời vua Trùng Quang cũng là một tướng tài. Lực lượng nhà Hậu Trần vẫn rất vững mạnh.

Thế nhưng, cái mất quan trọng nhất cho cuộc đổi ngôi chính là thời cơ chiến lược. Sau hàng tháng trời tranh thủ, nước Minh cho đến tháng 7.1409 đã chuẩn bị được một đạo viện binh đông đảo dưới sự chỉ huy của Trương Phụ, viên tướng lão luyện của giặc Minh. Khi quân Hậu Trần cất quân bao vây thành Đông Quan, Trương Phụ cũng bắt đầu tiến sang Đại Việt. Vua tôi nhà Hậu Trần chưa diệt được hoàn toàn sức kháng cự của quân Minh ở trong nước, lại sắp phải đối phó với viện binh đông mạnh của giặc sắp tới.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-GSDcja_AWMk/XMcQsk1M_QI/AAAAAAACBX8/nv-fsWtbRY4UIulQlhVvzlRMoyGwTpRiQCLcBGAs/s640/92.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 93

BẠI TRẬN, NHÀ MINH KHỞI QUÂN
10 TỈNH NHÒM NGÓ NƯỚC TA


Cuộc chuyển giao quyền lực từ vua Giản Định sang vua Trùng Quang đã may mắn không trở thành một cuộc chiến tương tàn tai hại, dù cũng có một số mất mát nhất định. Nhưng điều tai hại nhất là chính là quân ta đã lãng phí quá nhiều thời gian lẽ ra nên dành cho việc tiếp tục đà thắng lợi để đánh đuổi hoàn toàn quân Minh. Tranh thủ lúc nội bộ nhà Hậu Trần lục đục, Minh triều đã có những bước đi quan trọng để đảo ngược tình thế.

Trong lúc Mộc Thạnh vẫn cố gắng tử thủ tại thành Đông Quan và tận dụng lực lượng nguỵ binh của chúng ở Đại Việt kéo dài thời gian thì ở nước Minh, một kế hoạch tăng viện quy mô đã được tiến hành. Khi tin tức bại trận ở Bô Cô về đến triều đình nước Minh, tháng 2.1409 Chu Đệ ra lệnh tập họp binh mã 10 tỉnh là Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Quảng, Tứ Xuyên, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Quí Châu, Vân Nam, Trấn Giang tất cả cộng lại gồm 13 vệ quân, tổng quân số là 78.400 người (Minh Thực Lục chép giảm còn 4 vạn, không khớp với số quân biên chế cho 13 vệ, mỗi vệ 5.600 quân).

Ngoài số quân này, còn có 7.000 quân hộ vệ tinh nhuệ. Tổng số quân Minh tăng viện dưới trướng Mộc Thạnh là khoảng 85.400 tên. Số quân này đông hơn gấp đôi quân đội nhà Hậu Trần, lại hầu hết là quân đã được huấn luyện kỹ, trang bị tốt và giàu kinh nghiệm chiến đấu. Đồng thời với việc lãnh nhiệm vụ chỉ huy quân tiếp viện, Trương Phụ cũng thay thế Mộc Thạnh lãnh chức Tổng binh. Còn Mộc Thạnh vì đã để thua trận thảm hại ở Bô Cô nên bị gián xuống làm Phó tổng binh.

Tháng 3.1409, vừa lúc Trương Phụ sắp ra quân cũng là lúc Quốc công Đặng Tất và Đồng tri khu mật viện Nguyễn Cảnh Chân bị ám hại. Các tin tức này đều được vua Minh theo dõi sát sao. Chu Đệ đã gởi chiếu thư cho Trương Phụ :

“Từ khi Kiềm quốc công Mộc Thạnh ra quân thất luật, bọn giặc trở nên giảo hoạt. Nay nghe rằng tên Đặng Tất thuộc đảng giặc đã chết, mà bọn Lão Qua, Bát Bách vẫn còn cung cấp lương thực, vậy cung cấp cho ai? Nghe giặc rêu rao rằng có đến 50.000 con voi, và bảo tướng soái ta dễ đánh. Đó là do tướng soái ta trước đây thiếu mưu kế, để cho man di khinh lờn. Các ngươi phải lấy đó làm răn, cùng đồng tâm hiệp lực dẹp đám giặc này, để được yên một phương”.

Qua lời chiếu của Chu Đệ một lần nữa cho thấy rằng nước Minh vẫn có lòng khinh thường dân ta. Chiếu thư cũng phản ánh được việc hư trương thanh thế của quân Hậu Trần. Quả thực quân ta có đội tượng binh khá mạnh đã góp công không nhỏ vào các trận chiến, nhưng số lượng chỉ có khoảng hàng trăm mà thôi.

Tháng 7.1409, hai vua nhà Hậu Trần chia quân vây thành Đông Quan và phủ dụ nhân dân vùng Kinh lộ cùng hưởng ứng chống Minh. Lúc này Trương Phụ đã kéo quân sang nước ta rồi nhưng vẫn chưa tung quân đánh ngay mà đang đóng ở Bắc Giang, vào rừng đốn gỗ đóng chiến thuyền. Vì hắn đã nhìn thấy được sức mạnh của thuỷ quân Hậu Trần thông qua các thông tin tình báo, nên muốn xây dựng một đội thuỷ quân hùng hậu để giành lợi thế.

Trương Phụ chưa xuất quân là vì muốn chuẩn bị cho thật kỹ càng. Còn về phía quân ta, phong trào kháng Minh do nhà Hậu Trần phát động đã lan rộng, xuất hiện hàng loạt các cuộc khởi nghĩa khác nổi lên phối hợp. Lạng Giang có quân của Hoàng Thiêm Hữu. Quảng Oai có Hoàng Cự Liêm. Kiến Thuỵ (Hải Phòng) có Nguyễn Sư Cối và Đỗ Nguyên Thổ khởi binh đông hàng vạn. Thanh Hoa có Đồng Mặc xưng Lỗ lược tướng quân, đánh giết được tướng Minh là Tả Địch, khiến tướng khác là Vương Tuyên Thế cùng quẫn phải thắt cổ tự tử. Trường Yên có Đỗ Cối và Nguyễn Hiệu. Khoái Châu có Phạm Tuần. Thái Nguyên có Ông Lão, Chu Sư Nhan, Bùi Quý Thăng…

Ngay tại ngoại vi thành Đông Quan cũng có Lê Nhị nổi lên giết được Đô ty Lư Vượng, Lê Khang khởi binh tiễu trừ nguỵ binh. Quân Minh cùng nguỵ binh phải rút cả vào thành. Nhân dân Đại Việt một lần nữa gần như tiến tới tổng khởi nghĩa chống giặc. Ngoài ra, nhà Hậu Trần còn liên minh được với nước Lão Qua (thuộc Lào), nước Bát Bách (Chiềng Mai, Thái Lan ngày nay), nhờ hai nước này cung cấp lương thực, voi ngựa để đánh quân Minh.

Phong trào khởi nghĩa toàn quốc lúc này tuy rầm rộ nhưng vẫn có điểm yếu cố hữu của những phong trào toàn dân có tổ chức lỏng lẻo. Dù có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhưng cũng chỉ có quân của nhà Hậu Trần và vài ba cuộc khởi nghĩa khác có lực lượng thống nhất về hành động, thủ lĩnh có năng lực chỉ huy, quân sĩ có kỷ luật. Còn lại đa số cũng chỉ là những người dân cầm vũ khí, không có năng lực chiến đấu khi phải đối đầu với đội quân có kỷ luật. Và ngay chính trong hàng ngũ quân Hậu Trần thì chất lượng quân lính cũng không đồng đều. Thời gian không đủ nhiều để Trùng Quang đế và các tướng lĩnh có thể huấn luyện tốt cho tất cả những tân binh mới gia nhập.

Vì vậy, khi xét tương quan lực lượng thì quân Hậu Trần không đến nỗi quá thua kém quân Minh về số lượng nhưng nếu tính về lực lượng quân chính quy thì quân ta chỉ có tầm 3-4 vạn quân, còn lại chỉ là quân trợ chiến, sẽ dễ dàng tan rã nếu chiến đấu độc lập với quân chính quy. Còn các lực lượng khởi nghĩa khác chỉ đủ năng lực quấy rối, kìm chế quân Minh ở một số nơi chứ vẫn không đủ lực để phối hợp với quân Hậu Trần.

Tháng 9.1409, nhận thấy việc chuẩn bị thuỷ quân đã đủ, Trương Phụ tung quân tiến đánh nhà Hậu Trần. Bấy giờ Đông Quan đã bị quân ta uy hiếp trầm trọng nhưng Trùng Quang đế vẫn không tung quân phá thành vì để làm điều đó, đòi hỏi một sự hy sinh đáng kể trong khi Trương Phụ đóng quân ở Bắc Giang mới là lực lượng hùng mạnh đáng lo nhất. Khối quân của Trùng Quang vẫn đóng ở Bình Than, còn vua Giản Định thì đóng ở Hạ Hồng. Trương Phụ đem quân xuống, trước tiên tiến đến Đông Quan đánh dẹp các quân khởi nghĩa đang bao vây quân Minh dưới trướng Mộc Thạnh. Quân Minh với lực lượng đông mạnh hơn tuyệt đối, bắt đầu từ Đông Quan đánh toả ra xung quanh. Các quân khởi nghĩa ở ngoại vi Đông Quan dù kiên cường chiến đấu nhưng nhanh chóng bị đánh tan, nhiều người bị tàn sát.
Củng cố được thành Đông Quan rồi, Mộc Thạnh cùng Trương Phụ bắt đầu đem quân nhằm thẳng vào lực lượng của nhà Hậu Trần, lá cờ đầu của phong trào chống Minh lúc bấy giờ. Một giai đoạn khó khăn mới lại đến với nhà Hậu Trần khi phải đối đầu trực tiếp với hai tướng lão luyện hàng đầu của nước Minh.

Quốc Huy
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 94

ĐẶNG DUNG HUYẾT CHIẾN QUÂN MINH
Ở CỬA HÀM TỬ


Vua Trùng Quang lên ngôi trong một bối cảnh khá đặc biệt. Trùng Quang thừa kế lực lượng nhà Hậu Trần đã được các tướng lĩnh gây dựng lên tương đối vững mạnh, trở thành điểm tựa cho toàn bộ phong trào khởi nghĩa chống Minh trên cả nước. Vua có tình nhân từ, đã thu phục được lòng người, giúp cho nhà Hậu Trần giữ được sự thống nhất về tổ chức, lực lượng. Thế nhưng Nhân Hoà đã có, Thiên Thời lại mất. Khi Trương Phụ kéo viện binh sang, tình thế lúc này đã khó khăn cho quân ta rất nhiều so với lúc Đặng Tất vừa chiến thắng quân Minh ở Bô Cô. Giặc có quân đội chính quy đông mạnh, đã từng bước tìm cách giành lại thế trận.

Tháng 9.1409, Trương Phụ hội quân với Mộc Thạnh ở Đông Quan, đánh dẹp ngoại vi thành Đông Quan rồi bắt đầu kế hoạch phản kích toàn diện nhằm vào quân Hậu Trần và các lực lượng khởi nghĩa khác. Trước tiên, quân Minh nhằm vào khối quân Hậu Trần đóng ở Hạ Hồng (thuộc Hải Dương ngày nay) do Nguyễn Suý cùng Giản Định đế chỉ huy. Quân ta chống không nổi, Nguyễn Suý và Giản Định phải chia quân rút lui. Thượng hoàng Giản Định bỏ thuyền lên bộ tách ra đi đường khác, đến đóng ở trấn Thiên Quan (nằm ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình và Gia Viễn, Ninh Bình ngày nay). Trùng Quang đế hay tin, nghi ngờ thượng hoàng Giản Định muốn ly khai nên sai Nguyễn Suý cầm quân đuổi theo nhưng không kịp.

Tại trấn Thiên Quan Trương Phụ đã kéo quân tới trước. Trương Phụ tự mình thống lĩnh kỵ binh, Mộc Thạnh cầm bộ binh. Các tướng Minh là Chu Vinh, La Văn dẫn thuỷ binh chia nhau mở cuộc vây bắt lớn. Quân Minh có lực lượng áp đảo hoàn toàn so với quân của Giản Định, truy đuổi rất gấp. Giản Định vừa đến trấn Thiên Quan trú trong nhà dân, thấy quân Minh kéo tới chỉ còn cách bỏ trốn vào trong rừng. Quân Minh lục soát nhà dân rồi bao vây cả khu rừng, rốt cuộc Giản Định cùng các tướng Trần Hy Cát, Nguyễn Nhữ Lệ, Nguyễn Yến đều sa lưới giặc. Trương Phụ sai quân giải cả về kinh đô Kim Lăng nước Minh, sau vua Minh đem giết đi. Nguyễn Suý tới chậm, phải dẫn quân rút lui về Thanh Hoa bảo toàn lực lượng.

Liền sau khi đánh bắt được Giản Định, Trương Phụ một mặt sai đô đốc Giang Hạo cầm quân đóng lại Hạ Hồng, mặt khác lại tổ chức một chiến dịch lớn tiến đánh khối quân của vua Trùng Quang đang đóng ở vùng Bình Than – Khoái Châu. Vua Trùng Quang lệnh cho Đặng Dung đem quân giữ Hàm Tử quan, để gây áp lực cho thành Đông Quan từ phía nam, lực lượng còn lại do Trùng Quang và Nguyễn Cảnh Dị chỉ huy vẫn đóng giữ tại Bình Than để uy hiếp Đông Quan từ mặt đông.

Cách bố trí quân như vậy là để buộc Trương Phụ phải chia nhỏ lực lượng để giữ thành Đông Quan, không thể dồn đánh một trận lớn được. Nhưng vì quân ta ít nên trong hai khối quân ở Hàm Tử và Bình Than cũng chỉ có một khối được ưu tiên mà thôi. Đó là khối quân của vua Trùng Quang. Còn quân của Đặng Dung ở Hàm Tử thì yếu hơn, chỉ tầm 1 vạn quân, chủ yếu giữ thế phòng thủ. Trương Phụ có trong tay hơn 8 vạn quân, cũng không ngần ngại chia quân làm hai cánh. Một cánh quân Minh do Đô chỉ huy Từ Chính chỉ huy tiến đánh Bình Than. Còn Trương Phụ đem quân thuỷ bộ tiến đánh Hàm Tử.

Từ Chính đem quân đến đánh Bình Than, quân Hậu Trần nghi binh rút lui tránh đi, rồi xuôi dòng sông Thái Bình đến đánh Hạ Hồng, đánh bại được quân của Giang Hạo đóng tại đây. Giang Hạo rút chạy về hướng Bình Than, quân ta thừa thế đuổi theo ráo riết. Nguyễn Cảnh Dị cùng vua Trùng Quang tổ chức bao vây quân Minh ở Bình Than, đánh phá dữ dội. Quân Minh không chống nổi, Đô chỉ huy Từ Chính bị quân ta giết chết, thuyền trại quân Minh bị đốt gần hết. Trận này quân Hậu Trần toàn thắng, chiếm lại được căn cứ Bình Than. Qua đó, cả vùng ven biển đông bắc vẫn được giữ vững.

Trong khi đó tại mặt trận Hàm Tử quan, tình hình không được thuận lợi. Đặng Dung đóng quân ở Hàm Tử, cho quân đóng cọc dưới sông, dựng luỹ trên bờ phía đông sông Hồng, dàn thuyền thành các đội phòng thủ và mai phục rất bài bản. Trương Phụ đem đại quân tới, thấy trận thế quân Hậu Trần đã vững, chưa dám đánh ngay, đóng quân chờ gió tây bắc. Lúc này vào khoảng cuối tháng 8 Âm lịch (9.1409 dương lịch), đang mùa lúa sớm. Quân Hậu Trần bị thiếu lương thực, trưng mua trong dân không đáp ứng đủ. Tình hình nghiêm trọng khiến Đặng Dung phải ra lệnh chia quân đi gặt lúa sớm làm quân lương. Trương Phụ dò biết tin, tung quân đánh lớn.

Ngày 29.9.1409, quân Minh chia đường thuỷ bộ tiến đánh dữ dội vào Hàm Tử quan. Trương Phụ sai các tướng Trần Húc, Du Nhượng chỉ huy thuỷ quân, thuyền lớn thuyền nhỏ dàn trận dày kín mặt sông tiến đánh. Kỵ bộ quân Minh thì dưới quyền chỉ huy của Chu Quảng, Phương Chính cũng tiến đánh dọc bờ phía tây, phối hợp với thuỷ quân. Trương Phụ dẫn đi thuyền lớn theo sau đội thuỷ quân làm hậu viện, khí thế rất dữ dội. Đặng Dung sai Nguyễn Thế Mỗi đem 600 chiến thuyền dàn trận ngênh địch. Thuỷ quân giặc Minh lợi dụng nước triều chảy xuôi và gió mùa đông bắc mà chèo nhanh xáp vào trận địa quân Hậu Trần, dùng súng lớn súng nhỏ bắn tới tấp, cung tên từ các thuyền và từ bên bờ phía tây cũng bắn như mưa.

Quân Hậu Trần mặc dù có chuẩn bị tốt và chống trả rất kiên cường nhưng vì bị áp đảo hoàn toàn về số lượng nên dần núng thế. Nguyễn Thế Mỗi thấy không chống nổi, lệnh cho quân quay thuyền chèo rút lui. Quân Minh cố sức chèo nhanh đuổi theo. Thuyền quân Hậu Trần nhỏ gọn nên lướt qua được bãi cọc đã bố trí sẵn, còn thuyền quân Minh có những chiếc to lớn đi trước bị vướng cọc nối nhau vỡ đắm. Đặng Dung lúc này mới phát pháo lệnh cho các thuyền nhỏ mai phục ở các kênh rạch xông ra đánh tạt sườn. Thế trận dằn co, quân Minh chết trận rất nhiều nhưng số lượng vẫn áp đảo quân ta. Kỵ binh, bộ binh giặc được các thuyền chở vượt sông đánh vào chiến luỹ quân Hậu Trần. Quân tướng nhà Hậu Trần không nao núng, dựa vào chiến luỹ mà đánh hạ rất nhiều quân giặc. Đặng Dung lấy ít địch nhiều vẫn giữ được thế trận ngang ngửa với quân Minh, khắp chiến trường gươm giáo tua tủa, tên đạn bay rợp trời.

Đương lúc giằng co thì Trương Phụ đích thân cầm đầu đội thuyền chiến lớn từ hậu quân đến tiếp viện. Đặng Dung vốn đã tung hết lực lượng mà mình có ra để cố sức chống cự, đến khi Trương Phụ đem binh tới thì thế trận đã an bài. Quân Hậu Trần ít không địch nổi nhiều, Đặng Dung cố gắng cầm cự đến lúc trời chập tối liền hạ lệnh rút lui. Quân Minh thừa thế chém giết. Cả trận quân Hậu Trần mất hơn 400 chiến thuyền, hàng ngàn nghĩa sĩ tử trận. Tướng Phan Đê cùng khoảng 200 quân ta bị giặc bắt sống. Quân Minh tuy thắng trận nhưng cũng chết nhiều vô kể, nhất là thuỷ quân thiệt hại nặng vì vướng cọc của quân ta. Đặng Dung lợi dụng trời tối cho quân rút lui về Nghệ An. Trương Phụ cũng không dám tung quân truy kích quá xa, sợ trúng mai phục lần nữa.

Đặng Dung thua trận tại Hàm Tử, chẳng những lực lượng bị hao tổn mà còn khiến cho khối quân của Trùng Quang đế ở Bình Than rơi vào thế nguy hiểm. Trương Phụ chiếm được Hàm Tử là có thể uy hiếp được các tuyến sông quan trọng ở vùng đông bắc, có thể hình thành thế bao vây căn cứ Bình Than, chặn đường rút lui của Trùng Quang ra biển hay về nam. Bởi vậy, khi hay tin Hàm Tử quan thất thủ, Trùng Quang cùng Nguyễn Cảnh Dị cũng bàn nhau rút lui về Nghệ An lo việc phòng giữ.

Trương Phụ thừa thắng, đem quân thuỷ bộ tiến về nam. Nhưng hắn chưa thể rảnh tay dốc đòn tổng lực mà còn phải chia quân đánh dẹp từng cuộc khởi nghĩa một trong tổng số hàng loạt các cuộc khởi nghĩa ở đồng bằng sông Hồng. Quân Minh chiêu dụ, mua chuộc bọn vong bản về phe chúng, đua nhau chỉ điểm, bắt giết đồng bào để được nhận tiền bạc, quan tước. Mặt khác Trương Phụ theo chính sách tàn ác mà Minh Thành Tổ đã từng áp dụng với chính dân nước Minh là “một người có tội dây dưa đến mười họ”, theo đó mà thả sức tàn sát nhân dân vô cùng ghê rợn.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã chép những dòng đầy đau thương: “Phụ đi đến đâu, giết chóc rất nhiều, có nơi thây chất thành núi, có chỗ moi ruột quấn vào cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò. Thậm chí có đứa mổ bụng lấy thai, cắt lấy hai cái tai để nộp theo lệnh. Kinh lộ các nơi lần lượt đầu hàng. Những dân còn sót lại bắt hết làm nô tỳ và bị đem bán, tan tác khắp bốn phương cả.” Thế nhưng sự giết chóc, tàn sát của quân Minh chỉ làm cho nhân dân sợ hãi nhất thời, mà càng nuôi mối thù sâu vậy. Đó cũng là mối hoạ mà bọn giặc tự gieo cho chúng về sau. Người Việt lúc này ai ai cũng thù hận quân Minh đến tận xương tuỷ. Họ đã chẳng cần thiết phải có một nhà quý tộc họ Trần nào đó nổi lên mới đi theo mà chống giặc nữa. Lúc này, bất cứ ai có khả năng hiệu triệu toàn dân, đem lại độc lập cho người Việt, họ đều mong muốn hưởng ứng.

Quốc Huy

https://3.bp.blogspot.com/-yqpaUnzDvQM/XOQArOdbA6I/AAAAAAACBhY/LCdyjyueAZk1guNjv5p7tAPHtwm2ucvMgCLcBGAs/s640/94.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 95

VỪA SA LÂY TẠI ĐẠI VIỆT
NHÀ MINH  LẠI BỊ QUÂN NGUYÊN
CHÉM SỨ, PHÁ ĐỒN


Cuối năm 1409, Trùng Quang đế cho rút quân về Nghệ An lo việc phòng thủ lâu dài. Trương Phụ tranh thủ đánh dẹp các lực lượng khởi nghĩa ở vùng Kinh lộ để lấy vùng này làm bàn đạp vững chắc cho cuộc tấn công tổng lực vào vùng Thanh Nghệ, tiêu diệt nhà Hậu Trần, dập tắt sự phản kháng của nhân dân ta. Do các lực lượng khởi nghĩa ở các nơi rời rạc thiếu đồng bộ nên lần lượt bị quân Minh nhanh chóng đánh bại.

Một số ít cuộc khởi nghĩa không bị tiêu diệt, tan rã thì cũng phải rút lui vào núi cao, rừng sâu để lẫn tránh. Quân Minh lại dùng chính sách chiêu dụ và khủng bố một cách rất tàn bạo, khiến cho nhân dân vùng Kinh lộ phải ngậm đắng nuốt hờn. Chiến sự kéo dài liên miên khiến cho việc hậu cần của quân Minh gặp khó khăn. Liệu thế không thể dứt điểm nhanh, Trương Phụ sai quân thay phiên lập đồn điền tự cung tự cấp lấy một phần lương thực.
Trong bối cảnh đó, quân Hậu Trần tại vùng Thanh Nghệ cũng không thể ngồi yên chờ giặc đến. Nghĩa quân cố gắng tranh thủ từng ngày để củng cố lực lượng, tích trữ quân lương, rèn đúc vũ khí. Đặng Dung sau khi bại trận ở Hàm Tử vẫn còn lại một phần quân lực kịp rút lui. Ông đã cố gắng điều động quân dân xây dựng một hệ thống chướng ngại dọc các tuyến sông chính từ bắc vào nam để ngăn chặn quân Minh. Quân dân ta cùng nhau đổ đá, đóng cọc phong toả các tuyến sông, cửa sông, đồng thời bố trí các cánh quân mai phục chờ chặn giặc.

Nguyễn Cảnh Dị dẫn hàng trăm chiến thuyền đánh phá các nơi dọc sông Thái Bình để tạo vùng đệm với quân chủ lực của Trương Phụ. Hạm đội nhà Hậu Trần chia thành các toán quân nhỏ đánh phá các thuyền buôn nước Minh ở vùng biển đông bắc, đánh cả sang vùng biển Khâm Châu để cướp lương thực và quấy rối, buộc giặc phải chia quân đi đánh. Hai cánh quân của Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đóng vai trò tiền tiêu che chắn cho toàn bộ lực lượng nhà Hậu Trần ở tuyến sau đang cố gắng tăng cường lực lượng, vật chất.

Do sự đánh phá của Nguyễn Cảnh Dị, Trương Phụ quả nhiên phải cầm quân hướng ra biển để đối phó. Ngày 9.10.1409, quân của Trương Phụ đụng trận với quân của Nguyễn Cảnh Dị tại cửa biển Thái Bình. Thuyền quân Minh hành quân gặp thuyền do thám của quân Hậu Trần, bèn chèo nhanh đuổi kịp, đánh bắt cả. Trương Phụ thấy 300 chiến thuyền của Nguyễn Cảnh Dị đóng gần đó, thúc quân vây đánh. Quân Minh trước tiên bắn tên và đạn đá, rồi chèo thuyền đâm thẳng vào hàng ngũ quân Hậu Trần. Nguyễn Cảnh Dị liệu thế khó thủ thắng, lệnh cho quân quay thuyền rút lui, chỉ để lại một đội thuyền đánh chặn hậu và rút sau. Quân Minh đánh hăng, khiến quân chặn hậu của ta tổn thất nặng, Ninh Vệ đại tướng quân Phạm Tất Lật bị giặc bắt. Nguyễn Cảnh Dị dẫn số thuyền còn lại rút về nam. Sau trận này, thuỷ quân nước Minh cũng chia nhau tuần tiễu vùng biển từ Khâm Châu trở xuống nước ta rất nghiêm ngặt. Các chiến thuyền của quân Hậu Trần vì thế phải rút khỏi vùng biển.

Mặc dù những hoạt động của quân Hậu Trần không giúp tạo nên một chuyển biến rõ ràng tương quan lực lượng, nhưng đã khiến cho quân Minh phải mất nhiều thời gian để đối phó. Trương Phụ sau khi tạm thời bình định được các châu lộ gần Đông Quan, kiểm soát lại được vùng biển đông bắc thì liền tập trung lực lượng kéo xuống đánh quân Hậu Trần. Thế nhưng một lần nữa kế hoạch của hắn bị chậm trễ trước mưu kế của Đặng Dung. Chỉ riêng việc tháo dỡ chướng ngại vật, phá cọc, dỡ đá khỏi các tuyến sông đã bị quân ta lấp chặn cũng khiến quân Minh rất vất vả. Lại thêm Đặng Dung giỏi dùng thuỷ quân mai phục.

Giặc hành quân đông thì sông bị tắt nghẽn bởi vật cản, hành quân ít để khai thông đường thuỷ thì bị phục kích. Trương Phụ phải tiến quân chậm chạp, mất gần nửa tháng mới tiến được đến Thanh Hoá đóng doanh trại. Trùng Quang đế sai sứ giả là Đoàn Tự Thuỷ đến trại quân Minh giảng hoà, xin được phong tước để làm kế hoãn binh. Trương Phụ lật lọng nói rằng trước đã tìm con cháu họ Trần nhưng không gặp, nay chỉ biết nhận lệnh đánh dẹp không cần biết chuyện khác. Sứ giả Đoàn Tự Thuỷ bị giặc bắt giết. Việc giảng hoà không thành.

Trước sức tấn công của Trương Phụ, quân Hậu Trần đều lần lượt rút dần khỏi Thanh Hoá, về Nghệ An cố thủ. Chỉ riêng các lực lượng thuỷ quân dưới trướng của Đặng Dung vẫn bám trụ ở các con sông tại Thanh Hoá và cả ở hạ lưu sông Hồng dùng chiến thuật tập kích, gây cho quân Minh khá nhiều phiền toái. Đặng Dung cầm quân thoắt ẩn thoắt hiện, lúc đánh trong sông, lúc vòng ra biển. Quân Minh chẳng biết đâu mà lần theo dấu vết. Việc không hoàn toàn xác lập được một chiến tuyến rõ ràng khiến cho Trương Phụ gặp khó khăn trong huy động hậu cần và tập kết các mũi tấn công lớn. Nhờ sự bám trụ kiên cường của Đặng Dung, quân Minh không thể bình định được Thanh Hoá để làm bàn đạp tấn công Nghệ An.

Sang đầu năm 1410, gần 4 tháng kể từ khi Trương Phụ kéo viện binh sang, quân Minh vẫn chưa thể giành được lợi thế mang tính quyết định. Giữa lúc đó, ở nước Minh lại có việc binh đao lớn. Quân Bắc Nguyên dưới sự chỉ huy của Khả hãn Bản Nha Thất Lý (Bunyashiri) từ những năm trước đã thường xuyên đem quân đánh phá biên giới nước Minh. Minh Thành Tổ Chu Đệ đã sai sứ đến giảng hoà. Nhưng Bản Nha Thất Lý đã giết sứ giả nước Minh, tiếp tục các cuộc cướp phá. Chu Đệ phái 10 vạn quân dưới quyền chỉ huy của Kỳ quốc công Khâu Phúc đi đánh báo thù. Quân Minh bị quân Bắc Nguyên đánh tan tác tại trận Lỗ Luân.

Lúc này Chu Đệ hết sức tức giận và càng nhận rõ sức mạnh đáng sợ của các bộ tộc Bắc Nguyên, liền lên kế hoạch điều động 50 vạn quân đi đánh. Trương Phụ là một trong những tướng giỏi nhất của nước Minh và hiện đang nắm giữ một lực lượng tinh nhuệ đáng kể tại chiến trường Đại Việt cũng được vua Minh triệu hồi gấp về nước. Tháng 2.1410, Trương Phụ cùng các thuộc tướng là Vương Hữu, Chu Vinh, Thái Phúc, Lâm Thiết Mộc Nhi cùng các quân lính đã điều động tiếp viện cho Mộc Thạnh trước đó đều nhận lệnh phải quay trở về nước, hành quân đến thành Bắc Kinh hội quân với Chu Đệ để đối phó với quân Bắc Nguyên. Mộc Thạnh với các lực lượng còn lại phải tự gánh lấy nhiệm vụ đối đầu với nhà Hậu Trần.

Trương Phụ nhận quân lệnh không thể không về. Nhưng trước khi rút quân, hắn cố gắng mở một cuộc hành quân lớn để giải toả sức ép cho số quân Minh còn lại dưới trướng của Mộc Thạnh. Lực lượng lớn nhất ngoài quân Hậu Trần lúc bấy giờ là quân của Nguyễn Sư Cối ở Đông Triều. Sử nước Minh ghi có đến 2 vạn quân, nhiều khả năng là phóng đại để tô điểm cho chiến công của tướng Minh. Trương Phụ coi lực lượng của Nguyễn Sư Cối là cái gai ngay sát cạnh Đông Quan cần phải nhổ bỏ nên đã đích thân cầm quân mở cuộc càn quét lớn. Nghĩa quân vốn không có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, chỉ trong một đợt càng quét đã bị quân Minh đánh tan, thương vong đến hàng ngàn quân cùng nhiều tướng lĩnh chủ chốt. Trương Phụ sai gom xác nghĩa quân chết trận cùng xác tù binh bị hành quyết chất thành gò đống, lấy đất phủ lên trên để khủng bố tinh thần nhân dân.

Rõ ràng tình thế lúc này đã buộc vua Minh lựa chọn giữa hai mặt trận bắc và nam. Việc chỉ để Mộc Thạnh lại với đám quân ít ỏi chắc chắn sẽ tạo thời cơ thuận lợi cho quân Hậu Trần đánh bại quân Minh. Trương Phụ biết rõ điều đó, bởi vậy hắn vẫn chưa cam tâm rút hết quân như lệnh, mà cố gắng gởi một bản tấu về vua Minh, lên kế hoạch về xếp đặt lực lượng cho chiến trường Đại Việt :

“Nhận được sắc chỉ mang quân trở về nước, bọn thần tuân mệnh lên đường. Nay đầu sỏ giặc là Trần Quí Khoáng, bọn đồ đảng Nguyễn Suý, Hồ Kỳ, Nguyễn Cảnh Dị vẫn đóng tại Diễn Châu, Nghệ An, sát Thanh Hoá. Đặng Dung lãnh quân ngăn chặn cửa sông Thần Đầu, Phúc Thành chiếm cứ đường huyết mạch Thanh Hoá, ra vào vùng cửa biển Đại An cướp phá. Nếu điều động hết số quân trước đây trở về, sợ Kiềm quốc công Mộc Thạnh binh ít không địch nổi, khiến công sắp thành phải bỏ lỡ. Nay muốn lưu lại Đô đốc Giang Hạo, Đô Chỉ Huy sứ Du Nhượng, Hoa Anh, Sư Hữu lãnh 4 Đô ty Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây ; 2 hành Đô ty Tứ Xuyên, Phúc Kiến ; các binh đoàn Hộ vệ cùng các đơn vị lập công chuộc tội thuộc các xứ Kinh Châu, Nam Xương, Vũ Xương, Quảng Tây dưới quyền điều động của Thạnh. Riêng thần suất lãnh quan quân tuỳ tòng, đơn vị Hổ Bôn quan quân tại kinh Trực Lệ, cùng 4 Đô ty Hồ Quảng, Quí Châu, Tứ Xuyên, Chiết Giang trở về. Ngoài ra Thạnh nắm giữ đại quân một mình, xin cho Vân Dương bá Trần Húc giữ chức Phó, để cùng bàn bạc việc quân.”(theo Minh Thực Lục)

Lời của Trương Phụ được vua Minh chấp nhận. Như vậy là Trương Phụ dù rút quân nhưng vẫn để lại một lực lượng khá hùng hậu giao lại cho Mộc Thạnh tiếp tục cuộc đàn áp nhân dân ta. Tháng 3.1410, Trương Phụ phải rút quân về nước. Mộc Thạnh lĩnh ấn soái thay thế. Tương quan lực lượng bấy giờ thay đổi rõ rệt. Quân Hậu Trần không còn là bên quá thua thiệt về quân số như khi Trương Phụ còn ở nước ta nữa. Vả lại, những tướng lĩnh còn lại của quân Minh cũng không giỏi bằng Trương Phụ và các thuộc tướng của hắn. Tận dụng thời cơ, nhà Hậu Trần bắt đầu có những hoạt động giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-Vbg3-6q5sj0/XOokcEt6ShI/AAAAAAACDU8/Tp7R13O4QSIaIqCqcWhAHyZ7W5Ma8bLVwCLcBGAs/s640/95.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 96

HỒ NGUYÊN TRỪNG
LÀM GIÁN ĐIỆP CHO NHÀ MINH


Tháng 3.1410, Mộc Thạnh thay Trương Phụ lĩnh ấn “Chinh di tướng quân”, tiếp tục thực hiện việc đàn áp các phong trào khởi nghĩa của nhân dân Đại Việt. Dù Trương Phụ đã rút quân, vẫn còn một lực lượng khá mạnh được để lại cho Mộc Thạnh. Quân Minh bấy giờ ở nước ta vào khoảng hơn 4 vạn quân, cùng với hàng vạn nguỵ binh. Mộc Thạnh vẫn đủ lực lượng chiến đấu và tiếp tục cố gắng duy trì thế chủ động trên chiến trường. Về phía quân Hậu Trần cũng muốn chớp thời cơ Trương Phụ rút quân mà chiếm lại đất đai. Lúc này chiến tuyến giữa quân Minh và quân Hậu Trần vẫn ở thế đan xen vào nhau. Quân Hậu Trần không chỉ giữ thế phòng thủ vùng Thanh Nghệ. Các nhánh quân ta vẫn cố gắng bám trụ ở đồng bằng sông Hồng, đánh phá tuyến sau của Mộc Thạnh. Mũi tấn công của Mộc Thạnh đã tiến sâu vào Thanh Hoá, nhưng tại các vùng hạ lưu sông Hồng quân Hậu Trần vẫn hiện diện. Tháng 6.1410, lần lượt nổ ra những trận đánh lớn giữa ta và giặc.

Ngày 13.06.1410, quân Minh dưới sự chỉ huy trực tiếp của Mộc Thạnh đụng trận với quân Hậu Trần do vua Trùng Quang đế trực tiếp chỉ huy tại sông Ngu Giang (Nga Sơn, Thanh Hoá). Trận này quân Minh chủ động dùng thuỷ quân tấn công, quân Hậu Trần bị thua phải rút lui. Quân Minh truy đuổi đến Cổ Hoằng (Hoằng Hoá, Thanh Hoá). Trận này quân Hậu Trần mất 3.000 quân, tướng Lê Lộng bị giặc bắt. Thế nhưng quân Minh vẫn không thể kiểm soát được vùng Thanh Hoá. Bên cạnh lực lượng quân Hậu Trần, còn có lực lượng nghĩa quân của Lỗ Lược tướng quân Đồng Mặc kiên cường chiến đấu, giết giặc rất nhiều. Đồng Mặc đánh bắt được tướng Minh là Tả Địch, vây bức khiến cho một tướng khác là Vương Tuyên cùng kế tự vẫn. Nhờ có sự tương trợ của nghĩa quân Đồng Mặc, quân Hậu Trần vẫn giữ vững được Thanh Hoá. Vua Trùng Quang đế thấy Đồng Mặc lập được công lớn, phong cho chức Phủ quản quận Thanh Hoá. Qua đó, việc hiệu lệnh cũng được thống nhất. Nghĩa quân của Đồng Mặc trở thành một bộ phận của quân Hậu Trần.

Ngày 14.06.1410, một cánh quân Minh khác dưới quyền chỉ huy của đô đốc Giang Hạo tiến đến Hạ Hồng (thuộc Hải Dương ngày nay) gặp phải quân Hậu Trần dưới trướng Nguyễn Cảnh Dị đón đánh. Trận này quân Minh đại bại, Nguyễn Cảnh Dị thúc quân đuổi theo quân Minh đến tận bến Bình Than, đốt phá thuyền trại quân Minh gần hết. Một nhánh quân Minh khác cũng thua to tại sông Tranh (Ninh Bình ngày nay), tướng giặc là Tô Toàn bị đâm chết tại trận. Các trận thắng này đã cổ vũ phong trào khởi nghĩa ở các nơi. Các cuộc khởi nghĩa lúc này có khác biệt lớn về khả năng chiến đấu. Bên cạnh nhiều cuộc khởi nghĩa có tổ chức lỏng lẻo, quân tướng không được trang bị và huấn luyện tốt, dễ dàng bị quân Minh đánh tan thì cũng xuất hiện một số cuộc khởi nghĩa có chiều sâu về tổ chức. Ở phủ Thái Nguyên có khởi nghĩa Ông Lão, ở Thanh Hoá có Nguyễn Ngân Hà, ở Thanh Oai có Lê Nhị đều là những nhân vật nổi trội trong đám hào kiệt, đủ sức đương đầu với quân Minh.

Vừa chiếm được một số lợi thế trên chiến trường, một lần nữa Trùng Quang đế và bộ chỉ huy nhà Hậu Trần thử dùng biện pháp ngoại giao, hy vọng rằng vua Minh sẽ bỏ việc đô hộ ở nước ta mà chuyên tâm lo việc biên phòng ở phương bắc chống lại các bộ tộc Bắc Nguyên. Trùng Quang chủ động lui quân về Nghệ An, tạm ngưng chiến và củng cố lực lượng. Hành khiển Nguyễn Nhật Tư và Thẩm hình viện sứ Lê Ngân được vua Trùng Quang giao trọng trách sang kinh đô Kim Lăng nước Minh bàn việc điều đình và cầu phong. Thế nhưng đáp lại thiện chí đó, vua Minh Chu Đệ đã nhẫn tâm cho bắt giết sứ giả. Qua đó một lần nữa thể hiện quyết tâm cướp nước ta của vị bạo chúa này. Việc điều đình thất bại, vua tôi nhà Hậu Trần hết sức căm giận sự ngang ngược của giặc, lại tiếp tục đẩy mạnh tiến công. Trên khắp các mặt trận từ Thanh Hoá trở ra, quân Hậu Trần cùng các lực lượng khởi nghĩa khác liên tiếp đánh phá các đồn trại quân Minh. Mộc Thạnh phải vất vả chống đỡ.

Khí thế quân dân ta dâng cao khiến cho quan tướng nước Minh phải tìm kế mua chuộc, dụ dỗ bên cạnh việc đánh phá, tàn sát. Thượng thư Hoàng Phúc nước Minh lúc này giữ chức Bố Chính ty trong bộ máy cai trị ở nước ta đã tăng cường cấp ruộng đất, tăng bổng lộc cho đám nguỵ quan hòng khích lệ đám tay sai này ra sức phục vụ cho quân Minh. Đồng thời Hoàng Phúc cũng dâng sớ xin vua Minh nới lỏng chính sách cai trị ở “quận Giao Chỉ”, hòng giảm bớt sự chống đối trong dân chúng. Chu Đệ thấy tình hình đã nghiêm trọng, mà binh lực nước Minh bấy giờ phần nhiều tập trung ở phía bắc để đánh quân Bắc Nguyên, bèn chủ trương thi hành chính sách chiêu dụ, hoà hoãn.

Vua Minh xuống chiếu ân xá: “Giao Chỉ đã thuộc về Chức phương [tức thuộc bản đồ nước Minh] mà liền mấy năm chưa được yên nghỉ. Nghĩ thương dân ấy sau cơn khốn khổ, đặc cách ban ân khoan thứ, xót thương, ngõ hầu khiến cho triệu dân đều được thấm nhuần đức trạch.”

Lại dụ cho các quan lại cai trị và dân chúng nước ta rằng: “Người Giao Chỉ đều là dân của trời, đã vỗ về chúng, thì chúng đều là con đỏ của trẫm. Chúng nhất thời đi theo bọn giặc, nghe nói bị giết, trẫm thực thương xót trong lòng, sao lại nỡ để chúng như vậy? Vả lại, bọn gây tội ác chỉ có mấy đứa thôi, còn trăm họ nơi bãi biển, hang núi,bị chúng cưỡng bức, uy hiếp, hoặc giúp chúng lương thực, hoặc bị chúng đem theo làm giặc ở các nơi, đều là bắt đắc dĩ, bị chúng làm cho lầm lỡ chứ không phải là do bản tâm. Nếu biết hối hận sửa bỏ lỗi lầm, đều cho được đổi mới. Làm ác chỉ có mấy đứa, trăm họ không có tội gì. Trong đó, người nào hiên ngang dũng cảm, có kiến thức, có thể bắt được mấy đứa kia đem dâng thì nhất định sẽ ban cho quan to, tước cao. Còn bọn làm ác, nếu biết tẩy rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, thì chẳng những được khoan tha tội lỗi, lại còn chắc chắn được làm quan vinh hiển nữa”.

Đối với các nguỵ quan, vua Minh càng ra sức mua chuộc bằng danh lợi, chức tước và xuống chiếu phủ dụ: “Các ngươi tài năng khôi kiệt, tư chất đôn hậu, sáng suốt nhìn xa, trước đã thành tâm gắng sức, tận trung với triều đình, nghĩ tới công lao của các ngươi, đặc ân thăng cho chức vụ vinh hiển. Nay nghe các ngươi biết làm tròn nghĩa vụ,ốc sức lập công, bắt giết bọn phản nghịch, giữ vững đất đai, nghĩ đến lòng trung thành ấy, xiết nỗi vui mừng khen ngợi. hiện nay, bọn giặc còn sót chưa dẹp yên hết, các ngươi hãy lập thêm nhiều công, ra sức quét sạch bọn chúng để tiếp nối công tích trước đây. Ta đặc cách sai người sang uý lạo ban thưởng. Các ngươi hãy kính cẩn phục tùng mệnh lệnh ân sủng này”.(theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Đầu năm 1411, nhận thấy rằng những đòn tấn công của quân ta đã khiến quân Minh phải khốn đốn và thay đổi chính sách cai trị, nhà Hậu Trần lại một lần nữa kiên trì việc ngoại giao. Lần này, Mộc Thạnh đã nhân nhượng, để cho sứ bộ Đại Việt do Hành khiển Hồ Ngạn Thần, Thẩm hình viện sứ Bùi Nột Ngôn đem cống phẩm và thư cầu phong sang Kim Lăng. Thái độ của vua Minh lần này đã có chuyển biến khác trước. Hắn không còn ngang ngược bắt giết sứ giả, mà chuyển sang đem quan tước ra dụ dỗ. Vua Minh sai Hồ Nguyên Trừng, nguyên là Tả tướng quốc triều Hồ đã đầu hàng và đang làm quan cho Minh triều giả cách đến gặp sứ bộ hỏi han chuyện quê nhà, kỳ thực là ngầm dò la tin tức và làm thuyết khách cho nước Minh. Hồ Ngột Ngôn dao động, đem việc nước thổ lộ với Hồ Nguyên Trừng, lại nhận chức Tri phủ Nghệ An của vua Minh phong cho. Vua Minh cũng xuống chiếu phong cho vua Trùng Quang chức Bố chính sứ Giao Chỉ, Trần Nguyên Tôn làm Tham chính. Lại phong cho các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý, Hồ Cụ làm Đô chỉ huy, Phan Quý Hữu làm Phó sứ ty Án sát.

Chu Đệ lại cho người đem thư cho vua Trùng Quang dụ rằng: “Bọn các ngươi dâng biểu xin hàng, nay chấp nhận lời xin, mỗi người được nhận chức quan, nếu quả thành thực thì một phương hưởng phúc, vĩnh viễn thái bình. Nếu ôm lòng man trá không có lòng thành, đại quân tiến đánh thì chính các ngươi để hoạ lại cho dân chúng, hối cũng không kịp.”(theo Minh Thực Lục)

Từ góc độ của vua Minh mà nói, đây đã là một sự xuống nước khá rõ ràng. Nhưng từ góc độ của vua tôi nhà Hậu Trần, việc vua Minh đem những chức tước ra chiêu dụ chẳng khác nào một sự sỉ nhục, và như vậy có nghĩa là việc điều đình đã thất bại. Bởi vì mục tiêu của nhà Hậu Trần là khôi phục lại nước Đại Việt cùng vương triều Trần, chứ không phải nhận lấy chức tước của vua Minh trong một “quận Giao Chỉ”. Việc Hồ Ngạn Thần đi sứ mà nhân chức tước của giặc, lại đem quân cơ tiết lộ đã bị sứ giả Bùi Nột Ngôn đi cùng trình báo lên với Trùng Quang đế. Vua hết sức bất bình, liền hạ lệnh bắt giam và đem Hồ Ngạn Thần giết đi. Qua đó, Trùng Quang đế đã thể hiện tinh thần quyết chiến đến cùng với quân Minh, hòng giành lại độc lập hoàn toàn cho Đại Việt.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-_fHW6zhSKn8/XPtWBWO9AYI/AAAAAAACH_c/qMOsrFE2ZLwH5IBadq2EKAJADMKrt4TQQCLcBGAs/s640/96.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 97

NHÀ MINH GIẤU LƯỠI GƯƠM HIỂM ÁC
NHÀ TRẦN DÙNG KẾ TĂM ĂN DÂU


Đầu năm 1411, vua nước Minh ra một số chính sách mang tính chất chiêu an và dùng chức tước mua chuộc vua tôi nhà Hậu Trần. Điều đó xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn của nước Minh. Ở phương bắc chiến tranh lớn với Bắc Nguyên đòi hỏi Chu Đệ phải tập trung phần binh lực lớn về hướng bắc. Phương nam vì thế trở nên mỏng yếu, nền đô hộ ở Đại Việt của Minh triều trở nên lung lay. Tóm lại, việc giảng hoà của vua Minh chỉ là một bước đi tình thế. Đi cùng với đó là việc củng cố bộ máy nguỵ quyền trên đất nước ta, chứng minh rằng quyết tâm đô hộ, đồng hoá nhân dân Đại Việt của bạo chúa Chu Đệ vẫn không thay đổi.

Trước sự phản kháng mạnh mẽ của quân dân Việt, người Minh liên tiếp tổn hao nhân mạng và tiền của không hề nhỏ. Sự tổn thất này vượt lên trên tất cả những nguồn lợi mà giặc Minh thu được từ việc đô hộ nước ta. Điều này đã khiến trong nội bộ Minh triều xuất hiện những ý kiến bất đồng với chủ trương cố sống cố chết không chịu trao trả độc lập cho Đại Việt của vua Minh. Tiến sĩ Giải Tấn, người từng làm Hàn lâm đại học sĩ trong triều đình nước Minh, được cử sang nước ta nhậm chức Tham nghị. Khi đến nhậm chức, nhận thấy tình hình lòng dân đều tỏ ý phản kháng, Giải Tấn đã nói thẳng với các quan tướng Minh ở Đông Quan: “Giao Chỉ chia đặt làm quận huyện không bằng để nguyên như cũ, nên phong tước chia đất cho các thổ hào để họ cai quản lẫn nhau. Chia đặt quận huyện dẫu có cái được cũng không bù được những cái mất, cái lợi không chữa được cái hại”.

Lời có Giải Tấn thể hiện cái nhìn sâu sắc, biết mình biết người nhưng rất tiếc lại nói ra không hợp thời khi mà hầu hết bạn đồng liêu xung quanh ông và cả vua của ông đều là những con người tham công, hiếu chiến. Từ Đông Quan, các quan lại đô hộ mật tâu lời của Giải Tấn về cho Kim Lăng. Chu Đệ nghe được, đùng đùng nổi giận xuống lệnh bắt ngay Giải Tấn dẫn về nước, rồi giao cho Cẩm Y Vệ giam giữ. Giải Tấn không lâu sau đó bệnh chết trong ngục. Đó là một sự dằn mặt các ý kiến trái chiều của vua Minh. Sau việc này, văn võ bá quan Minh triều đều chỉ ngậm tăm mà thi hành những chủ trương bạo ngược, hiếu chiến đối với Đại Việt.

Bên cạnh những sự hoài nghi trong nội bộ Minh triều về cuộc đô hộ, thì trong hàng ngũ nguỵ quan cũng không thiếu những người bất bình. Giáo thụ Lê Cảnh Tuân, người từng là Giám sinh Quốc tử giám, vì nghe lời dụ dỗ “phù Trần diệt Hồ” mà từng bước trở thành kẻ tay sai cho giặc. Nay trước những hành động ngang ngược, bất chấp lý lẽ của quân Minh đã không có kìm nén được, viết một “Vạn ngôn thư” gởi cho viên Tham nghị Bùi Bá Kỳ, văn ngôn là một bức kiến nghị các sách lược thượng, trung, hạ sách cho quân Minh, nhưng lồng vào đó các lời khuyên thực thi những lời hứa của quân Minh năm xưa khi mới tiến quân vào đánh nhà Hồ. Bức thư đó cũng bị quan lại nước Minh trình tấu về Kim Lăng. Chu Đệ không ngần ngại bắt giải Lê Cảnh Tuân sang Kim Lăng, cũng giam vào nhà ngục của Cẩm Y Vệ để bịt miệng. Sau Lê Cảnh Tuân bị giam 5 năm trong ngục, cuối cùng bệnh chết trong đó.

Lúc bấy giờ, Mộc Thạnh và quân tướng nước Minh rất cố gắng phối hợp với đám nguỵ quân, nguỵ quan chống trả các đợt tấn công của quân Hậu Trần. Tuy quân Minh chiến đấu rất hiệu quả, nhưng cũng núng thế dần trước khí thế của quân ta. Quân Hậu Trần không còn mở những cuộc hành quân lớn nhằm thẳng vào Đông Quan như trước, mà tổ chức những chiến dịch quy mô nhỏ hòng lấn đất dần. Các châu huyện thuộc các phủ Kiến Bình, Trấn Man, Tân Yên, Kiến Xương, Phụng Hoá (các vùng này thuộc các hướng đông bắc, đông nam đồng bằng sông Hồng) dần dần về tay quân Hậu Trần. Bên cạnh đó, một dải giang sơn từ Thanh Hoá trở vào trở thành vùng hậu phương vững chắc cho nhà Hậu Trần.

Trong vùng lãnh thổ này, bản sắc Đại Việt vẫn tồn tại và phát triển qua thời gian. Còn tại các vùng quân Minh chiếm đóng, nhân dân vẫn hết mức trông chờ được giải phóng khỏi ách đô hộ, dù cho vua Minh đã ra một số chính sách nới lỏng việc cai trị, hòng thu phục nhân tâm.
Tình hình khách quan thuận lợi cho nhà Hậu Trần không kéo dài lâu, vì cuộc chiến giữa nước Minh và quân Bắc Nguyên dưới trướng khả hãn Bản Nha Thất Lý đã định đoạt xong trong năm 1410. Các bộ tộc Bắc Nguyên tuy thiện chiến nhưng rời rạc về tổ chức. Trong khi liên minh bộ tộc Thát Đát (Tatar) của Bản Nha Thất Lý kiên quyết chống Minh thì bộ tộc Ngoã Lạt (Oirat) lại chấp nhận hoà nghị với nước Minh, liên binh tấn công Thát Đát. Bản Nha Thất Lý cuối cùng chống không nổi trước quân Minh đông đến 50 vạn người dưới quyền tổng chỉ huy của chính Chu Đệ, lực lượng bị tiêu diệt gần hết. Do đó, quân Minh chiếm ưu thế hoàn toàn ở phương bắc, lập tức chia quân hướng mũi giáo về nam.

Vua Minh thi hành một chính sách tráo trở hai mặt. Hắn dùng chiêu bài dụ dỗ, mua chuộc các tầng lớp nhân dân bằng việc giảm nhẹ thuế khoá, tăng bổng lộc cho nguỵ quan, đem chức tước ra để chiêu hồi những lực lượng khởi nghĩa. Nhưng ngay sau khi tình hình trong nước thuận lợi, một đạo viện binh lớn lập tức được chuẩn bị tiến sang Đại Việt hòng đàn áp thẳng tay nhân dân ta. Và một khi việc dùng binh thuận lợi, sẽ không có chuyện bạo chúa Chu Đệ khoan dung cho người Việt bất cứ điều gì.

Tháng 2.1411, Trương Phụ lại lĩnh ấn “Chinh Di tướng quân” nhận lệnh đem một đạo viện binh lớn tiến sang nước ta. Lực lượng quân Minh lần này bao gồm binh mã của 6 đô ty Tứ Xuyên, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Quảng, Vân Nam, Quý Châu, cả thảy có 14 vệ quân. Theo quân chế nước Minh, 14 vệ quân sẽ có quân số 78.400 lính (mỗi vệ có 5.600 lính). Tuy nhiên, Minh Thực Lục lại chỉ chép có 2.400 lính. Nhiều khả năng sử nước Minh đã dùng thủ thuật quen thuộc là nói giảm quân số để đề cao chiến công của tướng Minh, khoả lấp thất bại nếu có khi đi chinh phạt.

Dù đã hạ lệnh cho quân tiếp viện, nhưng việc gom quân, chuẩn bị cũng mất hàng tháng trời. Bởi vậy, vua Minh vẫn dùng thủ đoạn dụ dỗ để che giấu đi lưỡi gươm hiểm ác của mình. Tháng 3.1411, vua Minh xuống “chiếu dụ Giao Chỉ”:

“Trẫm nhận mệnh trời, cai trị muôn phương, vĩnh viễn che chở soi xét tình cảnh kẻ dưới, lòng đầy sự thương yêu, sớm chiều canh cánh. Nghĩ rằng Giao chỉ đã được sáp nhập vào bản đồ, nhưng suốt năm chưa được yên ổn nghỉ ngơi, sau buổi khốn khó giặc giả bèn ban ân khoan hồng như sau :

- Kể từ ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 trở về trước, những người Giao Chỉ tụ tập trong núi rừng đều được xá tội, quân cho trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ, quan lại quân dân phạm tội chưa bị phát giác cũng được tha.

- Ngoài thuế lương thực, các loại thuế vàng, bạc, muối, sắt, cá, hoa quả được miễn trưng thu trong vòng 3 năm. Vàng, bạc vẫn cấm không được khai thác

- Nội bộ trong dân được phép giao dịch bằng vàng, bạc, tiền đồng nhưng không được đưa ra khỏi lãnh thổ.

- Những Thổ quan Giao Chỉ có tài năng rõ ràng về việc cai trị quân dân, hãy tâu lên cho biết tên để thưởng cờ biển làm bằng. ”(theo Minh Thực Lục)

Như vậy là vua tôi nước Minh sau nhiều phen khốn đốn vẫn kiên quyết không từ bỏ việc cướp nước ta. Việc binh đao giữa hai nước vẫn liên miên mãi không ngừng vì dã tâm của giặc. Vua tôi nhà Hậu Trần lại phải đương đầu với một cơn sóng dữ mới nữa.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-YS3fD6dk73w/XRnYyC3FWzI/AAAAAAACIcY/dL12aqnGsSgIP-b-gP4N7mv3IHPatvu3QCLcBGAs/s640/97.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối