DƯ VỊ ẨM THỰC XỨ “MƯỜNG TRỜI”
Đến xứ “mường Trời”- Lai Châu, thưởng thức các món ăn dân tộc, dư vị đậm đà của mỗi món ăn sẽ níu chân du khách. Để dù đi xa, mỗi người vẫn muốn trở lại trong vòng xòe đoàn kết, muốn đi thăm lễ hội: Nàng Han, Then Kin Pang, Căm Mương, Gầu Tào... Muốn nhìn thấy cô gái má ửng hồng kẹp cá trên bếp than mời khách quý nơi xa... – đó là lời tâm sự không của riêng ai nếu có dịp đến với mảnh đất phên dậu Tổ quốc.
Ở nơi đây, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác yên bình khi sống giữa những bản làng văn hóa, bao quanh là trập trùng đồi núi. Con suối nhỏ róc rách chảy đầu bản, những người dân hiếu khách thường “trổ tài” làm món ăn đặc sản quê mình thết đãi bạn phương xa. Đến với dân tộc Thái ở xã Mường So (huyện Phong Thổ), du khách được tận mắt xem các mế tìm thân tre để làm cơm lam, những chàng trai vạm vỡ quăng chài bắt cá bên suối. Em gái nhỏ nhanh tay giã mắc khén làm “chẩm chéo” và khéo léo mổ, nhồi rau thơm vào bụng cá rồi dùng kẹp tre nướng trên than hồng, mùi cá nướng thơm nức cả gian bếp. Ở miền “đất gió” này, không thể không kể đến vị mát ngọt của bát canh rêu và món rêu nướng. Rêu phải là loại được lấy ở các dòng nước chảy trong vắt nơi thượng nguồn con suối. Các bà, các chị đập rêu trên tảng đá nhẵn bên suối cho đến khi rêu hết sỏi, sạn rồi rửa lại nhiều lần. Sau đó rêu được xé tơi, nấu thành canh hoặc ướp mắc khén, tỏi, ớt, gừng, sả, lá chanh và gói trong lá dong đem nướng. Thực khách lần đầu thưởng thức thì lạ miệng, ăn quen sẽ “nghiền” lúc nào không biết. Bên chén rượu ngô thơm nồng, chủ khách quý mến gắp cho nhau miếng rêu nướng, đậm tình núi rừng.
Từ huyện Phong Thổ, quý khách nên đi tiếp đến cao nguyên Sìn Hồ. Trong không khí mát mẻ của vùng đất cao hơn 1.600m so với mực nước biển; khách sẽ được gia chủ mời món thịt gà nấu với gừng, bánh chưng đen, bánh mật... những món ăn đã từ lâu dân tộc Dao, Hoa thường kỳ công chế biến mỗi khi có khách quý đến thăm nhà. Ở các bản dân tộc Mông, quý khách lại được thưởng thức món thịt ba chỉ lợn xông khói cả tảng, sau đó người dân mới thái mỏng, xào trên bếp lửa, ăn cùng cơm gạo đỏ. Hơi ấm nóng của các món ăn rất phù hợp với cái se lạnh đặc trưng của đất trời nơi đây. Còn nếu đến với huyện Mường Tè, các cô gái Hà Nhì lại trổ tài bằng món thịt lợn luộc giã cùng lá chua chát, món thịt trâu, thịt bò sấy trên gác bếp, sau đó ủ tro nướng, xé thớ uống rượu để lại hương vị đặc trưng riêng của vùng đất xa xôi. Dòng sông Đà nước chảy xiết nổi tiếng với giống cá lăng nấu canh chua tuyệt ngon, càng ngon hơn nếu chủ nhà hiếu khách trổ tài làm món gỏi cá chiêu đãi khách.
Trở lại thị xã Lai Châu và huyện Tam Đường với món thắng cố đượm mùi thảo quả, món xôi nhuộm màu tím, đỏ, vàng bằng lá cây rừng... Xôi chín, đổ chõ xôi ra, hương thơm của gạo quyện với mùi núi rừng tỏa lan cả mâm cơm. Rồi hương rượu Xà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ), rượu Sùng Phài (huyện Tam Đường) uống cùng với măng rừng luộc, nấm hương xào làm du khách say tình người, say lòng mến khách. Quyến luyến mãi bước chân chẳng nỡ ra về.
Về đến huyện Than Uyên, du khách gặp những nụ cười niềm nở trên môi người hái chè, người trồng lúa. Dòng Nậm Mu hiếu khách tiếp đón bằng món quà của suối: tôm Nậm Mu ngọt đậm đà, cá suối Nậm Mu rán giòn, thơm ngậy...
Các món ăn như ngon hơn dưới bàn tay khéo léo của gia chủ tẩm ướp các gia vị được chế biến từ thiên nhiên. 22 dân tộc anh em xứ này ai cũng quý người nên mỗi dịp có khách đến, cả nhà thường nấu những món ăn đặc biệt và lạ miệng đón khách phương xa. Bên bếp lửa bập bùng nơi nhà sàn, người chủ ân cần tiếp đãi khách, các bà, các mẹ miệng móm mém cười, kể cho khách nghe những huyền tích về vùng đất mình sinh sống... không khí ấm cúng, vui vẻ, chất phác như chính tâm tình con người miền núi.
Không đơn thuần là những món ăn ngon, ẩm thực Lai Châu còn chứa cả nét văn hóa của mỗi dân tộc, chứa đựng tình người, tình đất nơi đây.
Yêu trả góp một kiếp người, anh ạ!
Cũng sống rồi cũng chết cũng hư không...