Trang trong tổng số 8 trang (74 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hoa Phong Lan đã viết:

Cảm giác lạc lõng giữa cuộc đời tràn ngập không gian. Không lẽ mình lại là kẻ "lập dị" đến vậy? Mình giống cha, mà ngày xưa có ai bảo cha là người lập dị đâu nhỉ?
Đã từ khi nào việc "biếu tiền" nhân dịp này nọ trở thành một chuyện "tất lẽ dĩ ngẫu" ở VN này vậy? Hồi trước chỉ có con cái biếu tiền cha mẹ ông bà nhân dịp tết, rồi ông bà lại lì xì mừng tuổi cho các cháu. Chuyện phụ huynh học sinh biếu tiền thầy cô của con mình nhân 20/11 rõ ràng là không có lý do chính đáng mà. Chuyện học trò bồi dưỡng thầy một chút tiền "uống nước" cũng chẳng có lý do gì chính đáng cả.
Mình biết là tất cả cái XH này đều vận hành bằng tiền. Nhưng mình không muốn cản trở thiên hạ, kệ họ, mình chỉ là không muốn nhận và gia đình mình cũng không muốn nhận mà thôi.
Vậy mà những người rất thân thiết của mình lại nhìn mình bằng anh mắt rất lạ khi mình từ chối nhận những khoản tiền đó, và bảo chị hai mình trả lại những khoản tiền đó.
Mình chán ghét cái cảnh chị hai và khách cứ đùn đẩy nhau trước cửa nhà, bởi vậy đã bao lần mình bảo chị hai không tiếp phụ huynh ở nhà mà chẳng được.
Họ cứ đến, rồi lại cứ phải trả lại, điên hết cả người.
Chị hai cũng quá mệt mỏi vì chuyện ấy, lại quay sang trách cứ mình rằng anh "khác người" quá. Rằng thiên hạ họ thế cả, một mình anh liệu có làm nổi chuyện gì. Đến người thân nhất đầu gối tay ấp còn nói như vậy thì bảo sao mình không có cảm giác cô độc giữa cuộc đời đầy NGƯỜI này.

Chẳng có con THÚ nào cả. Chỉ một mình mình là một con THÚ hoang sót lại.

Hic, bạn đừng trách chị Hai. Cũng thật khó lắm bạn ạ. Đôi khi ngay chị Hai cũng dằn vặt chẳng kém gì bạn.
Mình nhớ năm ngoái mình viết cái này, tiểu phẩm... Nhưng ko được đăng, vì anh biên tập viên bảo là, văn hoá phong bì là văn hoá của VN rồi, không nên xoáy vào vấn đề đó làm gì! Hic.

Gửi vào đây để bạn đọc nhé?

.......................

Tiểu phẩm 20-11

Lá thư

19-11, tôi đi đón con gái bé học lớp 3 từ trường về. Về đến nhà, chưa kịp rửa chân tay mặt mũi gì, nó đã phụng phịu: “Bố ơi, sao mẹ lâu về thế?”, rồi mặt mày ỉu xìu như bánh đa nhúng nước khi tôi thông báo, đến tuần sau mẹ mới kết thúc đợt công tác dài ngày ở Tây Nguyên. Nó thở dài sườn sượt như bà cụ non:
- Chán thật! Sao mẹ lại quên cơ chứ!
- Quên gì, con?
- Mẹ quên viết thư cho cô giáo!
- Thư nào? Sao lại phải viết thư?
- Năm nào mẹ cũng viết thư cho cô giáo. Năm nay thì mẹ quên. Hôm nay các bạn con cũng gửi thư cho cô giáo hết cả rồi. Mai là 20-11 mà bố, bố không nhớ à?
Thôi chết tôi rồi! Năm nào, ngày này, mẹ nó cũng ở nhà lo lắng chu đáo hết cả. Tôi thì bận bịu việc cơ quan, việc học hành của con cái, đối phó, à quên đối ngoại với thày cô giáo là việc của vợ tôi. Mà sao năm nay nàng lại quên được nhỉ? … À không, phải rồi, đầu tháng, trước khi lên đường đi Tây Nguyên, nàng có để một cái gói to đùng ở góc tủ. May quá, con bé không nhắc thì tôi cũng quên! Quà biếu cô nhân ngày 20-11, được bọc giấy xanh nơ trắng hẳn hoi. Tôi vui vẻ bảo con:
- Con yên tâm, bố có quên đâu! Mai bố con mình qua nhà thăm cô giáo, có quà mẹ chuẩn bị đây rồi!
- Thế còn thư?
- Thư à? Ái chà, lại còn phải viết thư nữa à? Con viết hay là mẹ viết?
- Mẹ, bố ạ!
Chết rồi. Mẹ nó văn hay chữ tốt mới viết thư chúc tụng cô được, chứ tôi lấy đâu ra lời hay ý đẹp mà viết đây! Cuối cùng, tôi nghĩ ra một kế:
- Thế này nhé, năm nay con viết mới hay, nhá, cho tình cảm! Con lớn rồi, con viết chữ đẹp hơn cả bố còn gì!
- Thế viết gì hả bố?
- Thì… chúc mừng cô nhân ngày 20-11, rồi con thích chúc cô điều gì thì con chúc. Con tự nghĩ ra mới tuyệt chứ. Cô sẽ rất vui đấy!
Con bé có vẻ thích ý tưởng đó của tôi. Cả buổi tối, nó bỏ xem “Cô gái xấu xí” để ngồi hì hục viết thư cho cô giáo. Cuối thư, nó còn hí hoáy vẽ gì đó xanh xanh đỏ đỏ, rồi vừa tủm tỉm cười, nó vừa cho thư vào phong bì, vuốt ve lá thư, nắn nót viết mấy chữ bên ngoài: “Thư của con gửi cô giáo”.

Sáng hôm sau, tôi đổi ý, đưa con đến lớp và tặng quà cô luôn tại lớp, vì chiều tối có cuộc họp, sợ không đủ thời gian qua nhà thăm cô. Cô giáo rất vui vẻ. Con bé nhà tôi hai tay đưa cô tấm phong bì, nét mặt mới âu yếm làm sao! Bọn bạn xung quanh hỏi í ới: “Thư của ấy đấy à? Thư của nhà tớ, hôm qua mẹ tớ đưa rồi!”. Tôi nghĩ thầm, cái vụ thư từ này dễ thương thật, không biết ai phát kiến ra đầu tiên! Ngày bé, tôi và lũ bạn chỉ có vài bông hoa tặng thày cô, lúng ba lúng búng mấy câu chúc tụng chứ có biết đường thư từ hay ho thế này đâu!

Chiều, vợ tôi gọi điện ra, hỏi:
- Anh tặng quà cô giáo chưa?
- Rồi. Đồng chí chỉ huy cứ yên tâm, chúng tôi ở nhà mọi điều cứ là răm rắp, không sai lệnh tẹo nào!
Nàng cười trong điện thoại, hỏi tiếp:
- Thế anh để vào phong bì bao nhiêu? Hôm nọ em dặn, anh cứ ậm ừ. Em sợ anh để ít quá là không hay, năm nào em cũng…
- Hả? Anh…
Thốt nhiên, tôi sáng ra mọi sự! Trời ơi, sao tôi lại có thể lú lẫn thế nhỉ? Văn hóa phong bì phong bao vốn là nếp quen từ bấy lâu, sao tôi lại để một phút lãng đi mà không nghĩ ra, “thư” của bọn nhóc là loại thư nào! Chết rồi, lần này thì chết chắc… Vợ không mắng thì hẳn cô giáo cũng sẽ không hài lòng. Tôi lặng người bên máy, mồ hôi túa ra khi nghe tiếng con gái lanh lảnh ngoài ngõ. (Chiều nay tôi nhờ bà nội cháu đi đón vì bận họp).
- Bố ơi, bố ơi…
Thôi xong! Cô khiển trách. Con gái sẽ giận dỗi. Rồi bà nội tướng nhà tôi sẽ nói gì đây?
- Bố ơi, con về rồi
- Ừ, thế hôm nay cô có nói gì về bức thư của con không?
- Cô đọc to lên trước lớp, bố ạ.
(Trời, nghĩa là sao? Cô giáo đưa cả ra trước lớp nữa cơ à? Cô giận đến thế sao?)
- Cô…. Có … Nhắn.. gì bố không?
- Không ạ. Cô bảo, cô rất vui khi đọc thư của con. À, cả hạnh phúc nữa. Và cô cảm ơn con. Cô bảo thế đấy, bố ạ! Bố biết không, cô chỉ đọc mỗi thư của con thôi! Vì các bạn khác toàn nhờ bố mẹ viết cả mà. Bố nói thật đúng!
Nói rồi, nó “la lá la la” một bài hát và nhảy chân sáo vào nhà cất đồ.

Tôi ngồi lặng bên bàn nước, nghĩ mãi về những cái phong bì và những bức thư…

TA.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

NanLan

Hú vía mình lại tưởng cô giáo khiển trách. Thực sự là cô giáo rất vui cơ mà.
Vấn đề tế nhị nhỉ, có "chọc ngoáy" gì đâu, thế mà cũng không cho đăng bài.
Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

@ Hoa Xuyên Tuyết: Đọc xong tiểu phẩm của bạn, thấy mắt và sống mũi ...cay cay. Hay thật. Mà mình cũng cùng thắc mắc như NamLan là sao lại không dám đăng nhỉ, có gì là "xoáy" đâu cơ chứ? Cái thứ "văn hoá PB" thật đáng sợ cùng những hệ luỵ của nó, nhưng mà nếu gia đình có người thân đau ốm, đặc biệt là lâm bệnh nặng phải nằm viện, mới thấy thật khủng khiếp khi có sự phân biệt đối xử trắng trợn giữa những con bệnh "thường xuyên gửi thư" và những ngườ bệnh không "đủ sức" để "viết" và "gửi thư" đi...Tuy vậy, cũng có nhiều bác sĩ, hộ lý, y tá tuyệt vời mà mình đã gặp và cảm phục y đức của họ.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

Nguyệt thu đã viết:
Không đâu! Đệ hoàn toàn không cô đơn trong lối hành xử ấy. Ở nhà tỉ vẫn có một người y chang đệ! Thậm chí còn cấm luôn học sinh và đề nghị thẳng thắn với giáo viên của trường mình đang công tác không đến thăm nhà vào không chỉ dịp 20/11 mà còn cả Tết Nguyên đán nữa kia!:)
Mới đầu, người ta tưởng...giả bộ. Sau mấy lần mang đến mà bị bắt mang về, bị họ bảo gàn, thì dần người ta lại quen đi. Bây giờ thì đã thoải mái rồi, tỉ cũng không bị cái cảnh lúc ở nhà một mình, gặp khách tới phải một hai chối từ và bắt họ cầm về cái thứ mang đến nữa!:D

Tỉ hoàn toàn hiểu tâm lý của "Chị Hai", vì tỉ từng bị đặt vào cảnh ngộ đó. Phải ở trong cảnh rồi mới thấy, bực dọc lắm cơ! Vừa thấy phiền cho mình, vừa áy náy thay cho họ. Nghĩ lâm thế mình cũng vậy: mang quà đến mà bị chối từ, phải mang về thì...vừa ngượng với thiên hạ chung quanh vừa tức, nhất là khi hành động đó cũng không xuất phát từ sự bợ đỡ hay để toan tính nọ kia, có khi là lòng thành, có khi là tặc lưỡi: họ làm thì mình cũng...nên làm! (là tâm lí "bầy đoàn", nhỉ? :P). Đôi khi tỉ đã chọn một hạ sách khi phải có mặt ở nhà trong những ngày đó: đóng cửa im ỉm, ai gọi cứ mặc, vờ như đang không có ai ở nhà. Họ gọi mãi rồi cũng phát chán và quay đi! :D

May là điều đó bây giờ tỉ không còn phải chịu đựng nữa. Riết rồi người ta cũng quen với cái thói "đỏng đảnh" đó của mình! ;) Mà tỉ thấy như vậy lại thật thanh thản. Lý luận như người nhà tỉ: không vay thì không phải trả. Nhận thêm của người ta mình cũng có giàu lên đâu? Mà có khá hơn chút đỉnh trên nỗi khổ, nhọc nhằn của người khác thì cũng chẳnge sướng sung gì. Rồi, hơi "Phật tử" tí: vậy cho kiếp sau nhẹ nhàng!:P

Đệ hãy động viên "Chị Hai", đừng có bực dọc khi Chị Hai nói thế! Tại đệ không làm người trực tiếp chối từ nên đệ không thấy bực mình vì cái "công quả" khổ sai này đó thôi! :)

Cái này đệ trả lời mail của Thiên Nga, thấy có ý giống với tỉ nên "post" vô đây.

Cả ngày 19 đã phải mang cả nhà đi sơ tán rồi, người ta đến không thấy gọi điện thoại liên tục, tưởng là người ta sẽ ko đến nữa, ai dè tôi ngày 20 trở về nhà thì người ta keo đến đông như hội.
Giá kể người ta chỉ đến nói chuyện không thôi thì vui. Đằng này lại như thế.

Nhiều lúc tớ bực mình định đuổi người ta về hoặc vất đồ của người ta ra đường, nhưng nghĩ thương chị hai lại thôi.

Tớ cũng định hỏi người ta cho ra nhẽ rằng: Bây giờ tại sao bác không đến biếu tiền thầy cô giáo cũ của bác mà lại đến biếu tiền thầy cô giáo của con mình. Theo lẽ bác cho là đúng thì phải làm việc đó trước khi làm việc này.

Nhưng lại cũng thôi, chẳng nói gì. Ngày 20/11 đáng lẽ là rất vui vì hai vợ chồng làm nghề giáo, nhưng cuối cùng lại thành cái ngày mà hai vợ chồng chán chẳng muốn nhìn mặt nhau.

Thiên Nga gãy cánh đã viết:
Lao Lan! nay minh doc bai viet cua Lao ve chuyen qua cap nhan ngay 20/11 to thay rang Lao lam vay la dung nhung nhu vay cung rat la kho xu cho chi Hai nha lao.Minh cung la mot phu huynh va nam nay minh cung mang phong bi va qua cap toi nha cac thay co giao cua con minh  voi tam long thanh va cung may man la khong bi ai choi tu minh cung thay nhe long.Theo minh co le vao nhung ngay nay gia dinh ban nen dong cua ve ben ngoai hay di dau do choi do phai tiep don phu huynh thi do kho xu hon lao a. Minh rat la nguong mo gia dinh cua Lao day.Bo minh ngay truoc ben quan doi rat la quan phiet va phan doi gay gat chuyen nhan qua cap hoac phai mang di dau do chay chot nhung bay gio bo to danh phai im lang khi thay chi em chung to chi tien vao nhung viec khong hay ho cho lam du rat dau long va that vong nhung bo to cung thay duoc cai mat trai cua xa hoi ngay nay boi hieu qua cua no hien hien ngay truoc mat ong cu. Minh vao bang dd nen khong chia se duoc voi Lao trong dien dan.Mong Lao se som qua di nhung cam giac kho chiu nay.
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:

Hic, bạn đừng trách chị Hai. Cũng thật khó lắm bạn ạ. Đôi khi ngay chị Hai cũng dằn vặt chẳng kém gì bạn.
Mình nhớ năm ngoái mình viết cái này, tiểu phẩm... Nhưng ko được đăng, vì anh biên tập viên bảo là, văn hoá phong bì là văn hoá của VN rồi, không nên xoáy vào vấn đề đó làm gì! Hic.

Gửi vào đây để bạn đọc nhé?

.......................

Tiểu phẩm 20-11

Lá thư


Quái lạ nhỉ!
Biên tập báo chí ở ta làm sao vậy nhỉ?
Tớ ước gì chị hai tớ sẽ không phải nhận những bức thư toàn ảnh in sẵn mà sẽ được nhận những bức thư giống như trong tiểu phẩm ấy. Vì tớ biết chị hai tớ cũng rất vui khi nhận được một bức thư như vậy.

Tớ sẽ lấy tiểu phẩm của bạn, in ra rồi gửi cho tất cả các phụ huynh học sinh, hy vọng rằng sẽ có gì đó thay đổi trong tâm lý của họ... hi hi... 20/11 qua rồi, nhưng tết Nguyên Đán lại sắp đến, không thể đưa cả nhà đi sơ tán nguyên một tuần trời được.
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hic, em thực sự cũng ko hiểu nữa, bác Đồ Nghệ, chị Lan và bạn hiền ạ. Em thấy đây là câu chuyện cảm động, nhưng cũng có nhắc nhở ý nhị về chuyện phong bì thôi. Nhưng anh biên tập viên anh ấy bảo thế. Nên em cũng ngại chả gửi báo khác nữa. Cái này em viết từ năm ngoái rồi.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hôm nay bạn hiền ra có bắt được xe ngay ko? Khổ thân quá. Tớ lại cũng lấn bấn nên sau đó đến 10h rồi mới ngồi yên được, thì ko dám gọi điện, sợ bạn mệt và còn đoàn tụ với chị hai và Mún Gấu nữa. :)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

Xuống lầu, ra ngay ngoài ngõ có mấy bước thì có một em Mai Linh rước luôn... hì... :)
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Lối cũ, ngẩn ngơ

Một buổi sáng không phải cuối tuần nhưng mình lại được dịp lang thang. Lần này là trở về vùng kỷ niệm...
       Quái! Sao phố hôm nay đông lạ? Ngày thường, giờ này lẽ ra mọi người đã phải ngồi yên vị trong văn phòng, trong lớp học mới phải chứ?!

***

       Gió từ sông Hương đưa lên, rờn rợn. Nước sông vẫn chưa lấy lại được sắc trong xanh. Mấy đợt mưa lụt cuối tháng 10 đã phủ lên mình sông tấm áo mang màu của đất rừng miền Trung, bàng bạc. Sông vẫn hiền, sóng lăn tăn gờn gợn, chỉ vừa đủ cho lòng người nao nao... Tự dưng nghĩ: trong dòng người qua cầu đông đúc sáng nay, có ai cứ để mắt xuống dòng sông bên dưới mà nghĩ lẩn thẩn như mình không nhỉ? :)

        Qua Cửa Ngăn, vào Nội thành. Lạc vào một không gian yên tĩnh hơn nhiều. Không gian thật thân quen với mình. Rẽ trái, theo đường 23 tháng 8, Ngọ Môn đó, mới hơn 8h sáng nên vẫn còn mang dáng dấp cô tịch. Ngang qua khỏi Ngọ Môn, bất chợt ngẩn ra nhìn hai hàng cây giao đầu nhau ở góc giáp đường Lê Huân: lá rụng đâu hết, chỉ còn ánh lên màu xám bạc của thân, cành. Nghĩ: chúng thật hòa hợp với không gian của Nội thành, với những tường rêu bao quanh Đại Nội. Chợt nhớ tới một bài tản mạn về phượng Huế hôm nào, chăm chú nhìn: đoạn đường này quá ít phượng, phần lớn là xà cừ bên phía Kỳ Đài, bên phải là điệp chăng?

         Vào đường Lê Huân. Vẫn những hàng điệp đã thưa thớt lá. Con đường về nhà này gắn biết bao kỷ niệm của mình từ thuở ấu thơ, theo chân Ông bà Nội, Ba Mẹ, các Chú, Cô, lon ton đi xem Hội chợ ở phía Đình Thương Bạc. Rồi những ngày lớn hơn chút, cùng em gái dung dăng, dắt tay em đi ra rạp Tân Tân xem phim Na Tra, lúc về, vẫn còn khóc thút thít vì thương Na Tra xẻ thân lấy xương đền nghĩa cha, lấy thịt trả ơn mẹ... Xa hơn chút nữa, cùng bạn bè của ngôi trường nữ trung học, đạp xe đi ra cửa thành, sang khu đồi phía tây thành phố, khám phá các lăng tẩm Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh...

         Nhẩn nha vừa đi vừa nghĩ ngợi, đến ngã tư Lê Huân - Nhật Lệ, rẽ trái theo Thạch Hãn, rồi rẽ phải qua Nguyễn Trãi, ngược lên cống Vĩnh Lợi mà bây giờ họ gọi là "cầu". Lòng thầm dự định một cuộc lang thang tiếp sau khi xong việc cần làm... Cái cống thân quen này, mình đã đi qua nó cả hàng ngàn lần, từ thời thơ bé đến tận những ngày trưởng thành. Chỉ duy nhất nó là mình thấy cái cảm giác về sự chật hẹp, chen chúc là không thay đổi theo thời gian, còn lại thì... những con đường Nguyễn Trãi, Đặng Nghi( giờ là Hoàng Diệu), ngày xưa với mình là quá dài, quá rộng, đi bộ thấy miệt mài đến mỏi - khi lớn khôn, đi xa, trở về, lại thấy nó vừa hẹp, vừa ngắn đến ngỡ ngàng! Những gương mặt bắt gặp trên đường, lạ hoắc lạ huơ. Với họ, mình là người lạ; với mình, họ cũng chẳng thể quen! Cảm giác lạc lõng nơi chính nơi mình sinh ra, lớn lên lại bắt đầu xâm chiếm hồn mình - như mỗi lần trở về nơi đây lại vậy!

***

      Một đám tang buồn. Cũng phải thôi, vì người ra đi cũng có thể gọi là đang còn trẻ: 56 tuổi đời. Loanh quanh với nhang khói, đôi lời hỏi thăm, câu chuyện về người đã mất, những người còn lại ngẩn ngơ, rồi từ giã ra về. Nhưng không hẳn là về, bởi không nén nổi cái ước muốn được nhìn lại những nơi chốn cũ.

       Quanh vào ngõ ngắn, nhìn mấy ngôi nhà xưa nay đã đổi khác quá nhiều. Chẳng có ai quen để cất một câu chào hỏi! Quay ra, theo con đường Tôn Thất Thiệp, con đường chạy sát tường phía Tây bao quanh Thành Nội, đến trước cổng nhà Ông Bà xưa... Dừng xe, ngồi trên yên, ngóng vào chiếc giếng xưa cuối sân - chiếc giếng Ông Nội xây năm mình ra đời, chiếc giếng mà có lần Ba mình điên tiết vì cô con gái ngỗ nghịch, cho vào chiếc tăng của lính, thòng xuống dọa cho chết khiếp! Cây hoa mộc góc vườn không còn, cây khế ngọt không còn, cây bát bát cũng không còn... Bao thứ khác không còn! Khu vườn của những trưa nghịch ngợm, chiều cổ tích và đêm tò mò khám phá...vườn hàng xóm, sao giờ nhỏ bé quá thế này? Người ta đã cắt đất bán bớt? Qua hơn 30 năm đổi chủ, giờ sao hiu hắt, lạ xa... Chẳng trách mình vẫn cứ chần chừ, cố tránh những lúc có dịp phải ghé về vùng đất cũ. Bởi mỗi lúc quay đi, lòng quá ngậm ngùi!

        Phải về thôi. Đến lúc phải về rồi. Nhưng đã định thì phải đi đến cùng cho ngày hoài niệm....

***

        Không trở lại đường Hoàng Diệu mà chạy thẳng đến Cống Thủy Quan. Những kỷ niệm của thuở ban đầu biết xao động trước ánh mắt của một người, gắn bó với nơi đây... Con đường người ấy vẫn đi mỗi chiều và về mỗi tối, sau khi đứng xem, cổ vũ mình đánh cầu lông cùng lũ bạn - một đám choai choai mới lớn, dưới ánh đèn đường, mà bây giờ mọi người gọi là tuổi teen! Dừng lại bên cống, nhìn xuống dòng nước, không thấy hoa muống tím nhưng bên tai lại như nghe thấy một giọng Sài Gòn ngọt ngào: "Áo em tím như màu hoa rau muống. Mỗi sáng, mỗi chiều anh vẫn đứng đây nhìn và nhớ đến màu áo em!". Tự nhiên thấy cay cay nơi sống mũi. Người năm xưa giờ không biết dạt về đâu, còn không? Hay đã ra đi từ trong khói lửa, dạo ấy...

        Về thôi, chào nhé, hai chữ Thủy Quan còn đó, khắc trong đá đinh ninh!

***

       Không còn can đảm để truy tìm theo dấu vết các kỷ niệm nữa rồi. Còn một chút nữa cho quá khứ, trên đường về: rẽ xuống con đường men hồ Thủy Hà, không còn là đường đất, đã là đường bê tông, nhưng cái vẻ quanh co của đường như vẫn còn bởi những hàng rào chè tàu, những khóm cây ven đường của xóm Tri Vụ - may mà mình vẫn còn nhớ cái tên này - ngó nghiêng: chỗ nào ở đây mà xưa, bên kia bờ nhánh con nước nhỏ, mình đứng trước nhà thầy giáo dạy lớp vỡ lòng, gọi "Mạ ơi! Mạ, con đây!" khi thấy Mẹ đi phía bờ bên nay? Dáng áo dài trắng, quần đen của Mẹ, ngẩn ra nhìn con, rồi lật đật quay lui cống Thủy Quan, vòng lại lối mòn, sang với đứa con gái cưng đang réo Mẹ!

Nước mắt từ đâu kéo đầy mi. Nhớ quá người Mẹ mãi trẻ đẹp trong lòng con vì đã ra đi ở tuổi 28 của đời người...


        Về thôi, về đi thôi. Quá khứ đã xa rồi. Hãy để tất cả ngủ yên, ru êm trong ký ức...


NT, Huế-01/12/2009
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

NanLan

Buồn quá chị à, chia sẻ với chị nhé. Đọc xong nước ở đâu cũng kéo đầy mi mắt em đây này.
Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 8 trang (74 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối