Trang trong tổng số 11 trang (106 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

@HXT!
Hôm nọ chị có nói chuyện với Bà già cô đơn, Bích Thuần í mà , bạn ấy đang hỏi thăm để đưa mấy đứa cháu tham gia đấy,chị sẽ thông báo cho bạn ấy đọc trang này, Thuần hỏi chị kỹ lắm, khi chị nói em ấy ngạc nhiên là chưa biết gì về việc này, hy vọng là sẽ tham gia được em ạ!Thậm chí còn nhiệt tình nữa (BT rất nhiệt tình)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

http://i324.photobucket.com/albums/k330/nxbtrithuc/NCB-Trich%20sach/Thumoi_Toadam_CHAOLOPMOT-2792010.jpg
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hội thảo: CHÀO LỚP MỘT - Giới thiệu Bộ sách Lớp 1 "Giáo dục hiện đại"
Gửi lúc: 15:03, Ngày 22/09/2010
Hội thảo có chủ đề CHÀO LỚP MỘT là buổi ra mắt chính thức Bộ sách lớp Một này. Chương trình diễn ra hồi 18:00 đến 19:30, thứ Hai, ngày 27 tháng 9 năm 2010, tại Hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hà Nội, với sự tham dự của diễn giả chính: Nhà văn – nhà nghiên cứu sư phạm Phạm Toàn và Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – Đại diện Nhóm Cánh Buồm, Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh – Đại diện Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2010

Hội thảo

CHÀO LỚP MỘT!
Giới thiệu Bộ sách lớp Một “Giáo dục hiện đại”

18h, thứ Hai, ngày 27 tháng 9 năm 2010 – L’Espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội



“Giáo dục Tiểu học ổn định và bảo đảm chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, mỗi gia đình ổn định, và cả xã hội cùng ổn định”

Đây là hàng chữ được đóng khung và xuất hiện trang trọng trên trang bìa phụ của mỗi cuốn sách trong Bộ sách giáo khoa lớp Một do tập thể tác giả Nhóm Cánh Buồm biên soạn, Nhà xuất bản Tri thức xuất bản và ấn hành tháng 9/2010.

Bộ sách giáo khoa mới cho lớp Một, gồm các cuốn: Sách học tiếng Việt, Sách học Văn, Sách học Lối sống, Sách học Tin học, Sách học Tiếng Anh. Bộ sách mới này được soạn lại bắt đầu từ lớp Một, với ý nghĩa: một là, muốn tiến hành cải cách nền Giáo dục phổ thông, cần phải bắt đầu từ lớp học mang tính nền tảng đó của toàn thể bậc phổ thông; hai là, có tổ chức đúng việc học của trẻ em từ bên dưới thì sau đó mới dần dần tổ chức đúng các lớp trên.

Tất cả nội dung của từng cuốn sách trong cả bộ sách đều quán triệt một tư tưởng: tổ chức các việc làm của học sinh để các em tự mình tìm đến các khái niệm, tự mình tạo ra những kỹ năng cần thiết. Bộ sách tạo cho người học ngay từ lớp Một đã có phương pháp tự học, cái tài sản tinh thần sẽ đi theo các em suốt những năm học đường và có thể sẽ theo các em suốt đời.

Tập thể các tác giả thực hiện Bộ sách này mang tên Nhóm Cánh Buồm – tự chọn cho mình sứ mệnh của những cánh buồm như những trang giấy trắng tung gió chuyên chở theo một nền Giáo dục hiện đại. Với chủ trương xã hội hoá triệt để sản phẩm của mình, họ đưa lên mạng www.hiendai.edu.vn những việc đã thực hiện được, để các độc giả đều tiếp cận được và chính xã hội những người “thẩm định” những cuốn sách này. Bộ sách đến nay đã hoàn chỉnh được năm cuốn, công việc biên soạn sách sẽ còn được tiếp tục cho đến khi hoàn thiện bộ sách giáo khoa phổ thông – đó là mong muốn của những người mang niềm vui đến trường cho học sinh, để các em có thể thực sự cảm thấy đi học là hạnh phúc, thấy sách giáo khoa là những gì các em cùng với người dạy làm ra trong giờ học.

Hội thảo có chủ đề CHÀO LỚP MỘT là buổi ra mắt chính thức Bộ sách lớp Một này. Đến với chương trình, các vị khách công tác trong lĩnh vực giáo dục, các nhà nghiên cứu sư phạm, các độc giả quan tâm tới giáo dục, và đặc biệt là đông đảo các phụ huynh có con, cháu đang hoặc sắp bước vào lớp Một sẽ tham gia vào không gian đối thoại, thảo luận cởi mở với nhóm tác giả của Bộ sách.

Chương trình diễn ra hồi 18:00 đến 19:30, thứ Hai, ngày 27 tháng 9 năm 2010, tại Hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hà Nội, với sự tham dự của diễn giả chính: Nhà văn – nhà nghiên cứu sư phạm Phạm Toàn và Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – Đại diện Nhóm Cánh Buồm, Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh – Đại diện Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

Nhà xuất bản Tri thức trân trọng cảm ơn L’Espace – Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội đã giúp đỡ chúng tôi tổ chức chương trình này.

*****

 Chương trình

Hội thảo CHÀO LỚP MỘT

GIỚI THIỆU BỘ SÁCH LỚP MỘT “GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI”

18:00 – 19:30, thứ Hai ngày 27 tháng 9 năm 2010
Hội trường L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hà Nội

Diễn giả chính:
Nhà nghiên cứu Phạm Toàn, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam
& Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh

 Đơn vị tổ chức:
Nhóm Cánh Buồm, Nhà xuất bản Tri thức & Câu lạc bộ đọc sách cùng con




Thời gian





Nội dung Chương trình

17:30 – 18:00





Đón tiếp

Ghi danh và phát tài liệu.

Trưng bày, giới thiệu Bộ sách tại Sảnh tầng 1.

18:00 – 18:15







Khai mạc.

Đại diện NXB tuyên bố lí do, giới thiệu về chương trình, về Nhóm tác giả bộ sách.

18:15 – 18:30





Đại diện Nhóm Cánh Buồm trình bày

Ts. Nguyễn Thành Nam giới thiệu chi tiết về nội dung bộ sách

Thuyết trình & trình chiếu băng, hình minh hoạ

18:30 – 19:00





Thảo luận

Trao đổi, chia sẻ, trả lời các thắc mắc xoay quanh Bộ sách giáo khoa.

19:00 – 19:10





Kết thúc toạ đàm

Đại diện NXB phát biểu tổng kết.

19:10 – 19:30





Giao lưu

Gặp gỡ, chia sẻ tại Sảnh trưng bày.

Mua sách với giá chiết khấu đặc biệt, nhận quà tặng.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhóm Cánh Buồm và bộ sách giáo khoa dành cho xã hội phê duyệt



SGTT.VN - Một nhóm bao gồm những phụ huynh và một số trí thức đã tập hợp lại cùng nghiên cứu về giáo dục hiện đại và đã biên soạn ra một bộ sách giáo khoa mới.

Nhà giáo Phạm Toàn, hoa tiêu của “con tàu” có tên Cánh Buồm cho biết, cách đây hơn ba năm, ông cùng một nhóm trí thức và nhà giáo tâm huyết khoảng 20 người đã lập ra nhóm nghiên cứu về giáo dục hiện đại. “Tránh những đề xuất về cải cách trước đây không được mấy ai quan tâm, chúng tôi bàn với nhau phải làm một cái gì đó trực quan, để cho xã hội thấy và xem xét”, ông Toàn nói. Ý tưởng về một bộ sách giáo khoa mới trên nền tư tưởng của GS Hồ Ngọc Đại hình thành với đầy đủ triết lý, phương pháp, phạm vi kiến thức và cả mục tiêu giáo dục được hình thành.

Suốt năm 2009, nhóm viết xong bộ sách lớp một. “Mỗi tuần đều giảng thử, thảo luận, sửa chữa rồi viết lại. Gần như phải mở một trường sư phạm thu nhỏ”, ông Toàn nói. Nhưng điều khó nhất đối với nhóm không phải là viết sách mà tìm nơi để thực nghiệm. Ông cho biết đã đến hàng chục cơ sở giáo dục và trường học nhưng ở đâu cũng bị từ chối. Khi tưởng như tuyệt vọng thì chính bà Nguyễn Bích Hà (hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Huyên) chủ động gặp và đề nghị mời ông về tiến hành với điều kiện làm cho trường một bộ sách khoa học công nghệ từ lớp một trở lên. Điều kiện thứ hai bà Hà đưa ra là nhóm chỉ làm thực nghiệm buổi chiều, buổi sáng học sinh vẫn học chương trình chính thống. Ai hỏi thì bảo là dạy nâng cao. “Chúng tôi gọi môn văn là giáo dục nghệ thuật, môn tiếng Việt là dạy ngôn ngữ… vừa là một cách tránh phiền phức, đồng thời lại đúng với mục tiêu đề ra. Với môn tin học, mục tiêu là làm cho học sinh hiểu cái máy tính là một công cụ lao động chứ không phải cái máy chơi game”. Sau đó, năm 2008 tình cờ nhóm lại được câu lạc bộ Đọc sách cùng con có mong muốn hợp tác và dạy thử cho con họ. Vậy là một bộ ba được hình thành hoàn chỉnh: phụ huynh – nhà trường – nhà giáo dục.

Theo nhà giáo Phạm Toàn, hiện nay Cánh Buồm có tổng cộng 15 thành viên chính thức, nhiều người trong số đó là những nhà khoa học rất tâm huyết như tiến sĩ vật lý Nguyễn Thành Nam ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, thạc sĩ sư phạm Nguyễn Thị Thanh Hải (nguyên là biên tập viên ở nhà xuất bản Giáo Dục), tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh… Nhóm dự định sẽ thành lập trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục hiện đại trực thuộc hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật để có “chính danh” hơn.

Về bộ sách giáo khoa do nhóm thực hiện, theo TS Nguyễn Thành Nam, muốn tiến hành cải cách nền giáo dục phổ thông, cần phải bắt đầu từ lớp học mang tính nền tảng là lớp một, đồng thời có tổ chức đúng việc học của trẻ em từ bên dưới thì sau đó mới dần dần tổ chức đúng các lớp trên. Nội dung của từng cuốn sách trong bộ sách thể hiện xuyên suốt một tư tưởng: tổ chức các việc làm của học sinh để các em tự mình tìm đến các khái niệm, tự mình tạo ra những kỹ năng cần thiết. Bộ sách nhằm tạo cho người học ngay từ lớp một đã có phương pháp tự học, cái tài sản tinh thần sẽ đi theo các em suốt những năm học đường và có thể sẽ theo các em suốt đời. Chẳng hạn, các tác giả quan niệm lối sống mới cho trẻ em được hình thành theo một trục chính là năng lực sống đồng thuận. Đó là học để biết cùng tìm cách sống hoà hợp giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Đó cũng là lối sống hàng ngày, ngay ngày hôm nay, từ lớp một, và ý thức sống đó sẽ có tác động tới lối sống mai sau. Từ quan niệm này, cuốn Sách học lối sống được soạn để tổ chức việc học của trẻ em ở trường phổ thông thay thế hoàn toàn cách dạy “luân lý” hoặc “đạo đức” trước đây. Và cuốn sách với các phương pháp học để hình thành lối sống ở trẻ đã mở ra hướng dạy và cách học cụ thể trong nhà trường hiện đại hoá: tổ chức cho học sinh tự tìm ra cách đi tìm lối sống có đạo đức. Hiện nay bộ sách chỉ mới hoàn chỉnh được năm cuốn lớp một, công việc biên soạn sách sẽ còn được tiếp tục cho đến khi hoàn thiện bộ sách cho cả ba bậc phổ thông.

Sách soạn xong rồi, ai thẩm định? Ai dùng? Ông Phạm Toàn thẳng thắn nói: “Chúng tôi chủ trương gửi sách cho xã hội duyệt”. Ông cho rằng vinh dự và trách nhiệm của cả nhóm nằm trong việc nộp bản thảo và công bố lần đầu tại nhà xuất bản với tính chất một bộ sách tham khảo trình ra cho toàn xã hội để mọi độc giả đều tiếp cận được và xã hội thẩm định những cuốn sách này. Ngoài ra, nhóm Cánh Buồm cũng khẳng định bộ sách không nằm trong bất kỳ công cuộc kinh doanh nào. “Một bộ phận quan trọng tham gia xét duyệt sẽ là các vị phụ huynh: nếu các bậc cha mẹ mua sách in hoặc chép từ trang thông tin này về dạy con em mà thấy tốt, thì chắc chắn đó là sách có ích”.
NHƯ THUẦN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tự làm sách giáo khoa



TT - Ngày 27-9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo có tên “Chào lớp một!”. Ở đó, lần đầu tiên một nhóm những nhà giáo đã giới thiệu bộ sách giáo khoa mang tính thử nghiệm với phương pháp học và hành hoàn toàn mới so với chương trình chính thống đang được giảng dạy ở bậc tiểu học.

Từ bốn tháng trước, Chào lớp một!, đã được triển khai vào buổi học tự chọn của Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội. Đây là bộ sách nằm ngoài chương trình sách giáo khoa (SGK) của Bộ GD-ĐT và chỉ là một phần dự án nghiên cứu của nhóm Cánh buồm với một triết lý giáo dục mới mẻ - “Đi học là hạnh phúc”.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=450716
Từ trái qua: TS Nguyễn Thuỵ Anh, nhà giáo Phạm Toàn, TS Nguyễn Thành Nam. (Ảnh: Việt Dũng)



Chào lớp một! - học như chơi!
Bộ sách lớp 1 của nhóm Cánh buồm (do nhà giáo Phạm Toàn sáng lập với thành viên ban đầu khoảng hơn mười người được đào tạo sư phạm ở nhiều lĩnh vực) đã biên soạn bao gồm sáu cuốn: sách học văn, sách học tiếng Việt, sách học lối sống, sách học tiếng Anh, sách học tin học, sách hướng dẫn tổ chức việc học. Cuốn sách tiếp theo cho lớp 1 là sách học khoa học - công nghệ đang được biên soạn.

Theo TS Nguyễn Thành Nam - đại diện nhóm Cánh buồm, bộ sách trên được viết ra theo quan niệm hoàn toàn mới về SGK của chương trình giáo dục hiện đại. Theo đó SGK tồn tại ở ba hình thái: thứ nhất là các việc làm của thầy và trò trong tiết học để đến với tri thức; thứ hai là cái đọng lại trong trí óc học sinh sau mỗi tiết học; thứ ba là cuốn sách được in ra, thực chất đó chính là “biên bản dự kiến các việc làm của giáo viên và học sinh, những cái đọng lại trong trí óc học sinh”.

Với quan điểm trên, điều quan trọng với chương trình - SGK của Cánh buồm là phương pháp và cách tổ chức học tập. Giáo viên và học sinh không nhất thiết phải có cuốn SGK được in ra mà có thể tự hình thành cách thức triển khai tiết học.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự khác biệt giữa việc triển khai dạy học chương trình chính thống và cách làm của nhóm Cánh buồm, nhà giáo Phạm Toàn nói: Có thể bắt đầu tiết học với cách đổ một chậu nước ra sân, lấy phấn trắng vẽ xung quanh vũng nước và vào nhà chơi. Một lúc sau, cho học sinh quan sát. Các em sẽ nhận xét vũng nước bị co dần và biến mất. Công việc của các em là cùng thầy cô giáo đi tìm lời giải cho hiện tượng đó... Cách học đó không cần thiết phải kè kè bên mình một cuốn SGK được in với nội dung dài dòng, cồng kềnh, thậm chí khó hiểu. Học sinh học như chơi, chơi mà học.

Môn văn mà nhóm Cánh buồm thiết kế bao gồm các tiết học mà học sinh được tham gia vào các trò chơi đóng vai. Học sinh đóng vai những cảnh ngộ trong đời sống, qua đó tạo cho các em lòng đồng cảm với những tình cảm người được biểu hiện qua các hình thức nghệ thuật. Theo nhà giáo Phạm Toàn, môn văn về lâu dài sẽ bao gồm tưởng tượng - liên tưởng, sắp xếp tác phẩm theo bố cục.

Một tiết học văn cũng đơn giản, dễ hiểu. Ví dụ thầy hướng dẫn trò nhắm mắt tưởng tượng cảnh một người thân bị ốm, khi đó mình có cảm giác gì, mình nên thể hiện thái độ ra sao... Cách đó vừa giúp học sinh có thói quen chia sẻ, đồng cảm với người khác, vừa giúp các em phát triển khả năng hình dung, tưởng tượng...

Tương tự, ở môn lối sống, TS Nam cho biết đây là môn học thay thế môn đạo đức, thay vào việc dạy cho học sinh cách nói đạo đức, sẽ dạy cho học sinh các giải pháp tìm đồng thuận giữa các đối tượng trong cộng đồng.

Nhà giáo Phạm Toàn nói: tiết học có thể là 35 phút, có thể 45 phút, áp dụng được với nhiều đối tượng, trong đó mỗi lớp học có thể tạo nên cuốn SGK riêng (cách tổ chức học), theo một nguyên lý chung.

Hi vọng vào một đề án cải cách giáo dục
Theo chương trình mà nhóm tác giả Phạm Toàn đã thiết kế và trình lên Ban Tuyên giáo trung ương, chương trình phổ thông cơ sở sẽ bao gồm tám năm. Học sinh học hết phổ thông cơ sở được trang bị đủ kiến thức để có thể đi làm. Bậc học tiếp theo là chuyên khoa cơ bản, gồm bốn năm. Học xong hai năm đầu, học sinh có thể chuyển sang học nghề cấp 1, học hết hai năm tiếp theo chuyển sang học nghề cấp 2. Nếu không học nghề, học sinh có thể tiếp tục vào đại học hoặc học dự bị đại học.

Sau khi hoàn chỉnh bộ sách lớp 1, nhóm Cánh buồm sẽ tiếp tục biên soạn sách lớp 2 vào các năm 2010-2011, lần lượt biên soạn đến bộ SGK cho lớp 8. Song song với việc biên soạn SGK, nhóm sẽ tổ chức dạy thực nghiệm để thu thập dữ liệu, giúp cho việc điều chỉnh, cải tiến chương trình ngày một tốt hơn.

TS Nguyễn Thành Nam cho biết: Mong muốn của nhóm là được phép thành lập một trường thực nghiệm để triển khai chương trình và khẳng định hiệu quả của công nghệ giáo dục đã được nhóm nghiên cứu, xây dựng. Nhưng đây là việc khó khăn và lâu dài. Hiện tại được sự ủng hộ của ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên, nhóm đã triển khai 3 tiết/tuần đối với học sinh lớp 1 của trường (bố trí vào buổi học thứ hai trong ngày). Kết quả ban đầu, học sinh hứng thú và có phản ứng tốt.

TS Nam cho biết tới đây, nhóm Cánh buồm sẽ mở rộng hơn, bao gồm những người tốt nghiệp sư phạm và có thời gian nghiên cứu, giảng dạy, có tâm huyết với giáo dục.

Chia sẻ tại buổi ra mắt bộ sách Chào lớp một!, nhà giáo Phạm Toàn nói: “Chúng tôi chỉ mong âm thầm làm những việc nhỏ, xung phong là những viên đá lát đường để hi vọng có một công nghệ giáo dục được nhiều người đi theo và vượt lên chúng tôi...”.

TRỊNH VĨNH HÀ

Bộ GD-ĐT chưa có ý kiến về Chào lớp một!

Trả lời Tuổi Trẻ về việc nhóm tác giả Cánh buồm ra mắt bộ SGK Chào lớp một!, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay mới chỉ biết về điều này không lâu, nên chưa có dữ liệu để đánh giá và bày tỏ ý kiến. Còn ông Nguyễn Anh Dũng, phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, bày tỏ quan điểm: Việc xây dựng một chương trình, nhiều bộ sách đã được thảo luận, nhưng nếu áp dụng sẽ phải sửa luật. Và cho dù được phép có nhiều bộ SGK cũng phải bám sát một chương trình thống nhất trên toàn quốc.

Hiện tại các chương trình, SGK của các nhóm nghiên cứu đưa ra chỉ có giá trị ở khía cạnh nghiên cứu, không được phép đưa vào chương trình chính khóa của Bộ GD-ĐT.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Môi trường học tập trong mơ



TT - Hồ hởi, hi vọng, đồng cảm... là những phản hồi của bạn đọc về bộ sách giáo khoa Chào lớp một! của nhóm Cánh Buồm. Và trên hết, bạn đọc mong bộ sách này sớm được áp dụng và mở ra xu hướng có nhiều bộ sách giáo khoa để lựa chọn.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=451778
Bộ sách Chào lớp một! của nhóm Cánh Buồm - (Ảnh: Việt Dũng)



Quan trọng là rèn kỹ năng cho trẻ
Đọc thông tin về bộ sách giáo khoa Chào lớp một!, tôi thật sự đồng cảm và thầm biết ơn những người đã biên soạn bộ sách này. Trước hết, đó là sự táo bạo về ý tưởng, sự nóng lòng muốn có những đột phá trong giáo dục và là tâm huyết dành cho sự đổi mới giáo dục. Nếu học sinh lớp 1 được đến trường theo đúng tiêu chí “mỗi ngày đến trường là hạnh phúc” như của nhóm tác giả thì không còn gì bằng. Vì vậy, cần ủng hộ những cách làm trên và mạnh dạn xem xét, cải thiện phù hợp với thực tế.

Hiện tại, bộ sách lớp 1 nói riêng và các khối lớp khác vẫn còn quá hàn lâm từ nội dung đến đề mục, tên sách. Giáo viên dạy phải dựa theo sách nên dần khô cứng. Tính ứng dụng của sách đang sử dụng chưa cao. Ví dụ ở môn đạo đức, hằng ngày các em trả bài thuộc lòng, tức là chỉ nhớ mà không thực hiện.

Ngược lại, ở môn lối sống mà nhóm tác giả đưa ra, chỉ riêng hai chữ “lối sống” chân phương đã thể hiện được tính ứng dụng, tính thực tế. Bởi lối sống bắt nguồn từ cách biểu hiện, từ đó sẽ trở thành hành vi, hành vi lặp lại sẽ thành thói quen. Trẻ sẽ dễ thích nghi với bài học và tích lũy vốn sống cho mình.

Lớp 1 là môi trường xã hội đầu tiên của trẻ. Phụ huynh chỉ mong mỏi trẻ biết chào hỏi lễ phép và ứng xử đúng đắn trong những tình huống cụ thể. Về kiến thức sách vở, chỉ cần trẻ biết nhận diện mặt chữ và đếm số là đủ. Dạy kiến thức cho trẻ thì dễ, rèn cho trẻ kỹ năng mới là quan trọng.

Dương Thu Trang(giáo viên, TP.HCM)

Hi vọng lãnh đạo ủng hộ
Là giáo viên tiểu học đang dạy khối lớp 1, tôi rất đồng tình với công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Cánh Buồm, dù chưa được đọc qua bộ sách do nhóm thực hiện. Giáo viên tiểu học hiện nay dạy quá nhiều môn, riêng khối lớp 1 đã phải học chín môn, từ tiếng Việt, toán, nhạc, họa đến thủ công... Giáo viên vừa là họa sĩ, nhạc sĩ, vận động viên thể dục, công việc rất nặng nề. Vì vậy, các giáo viên thường nói với nhau: chỉ ước sao cho lớp mình dạy còn 30 em/lớp và chương trình học thật nhẹ nhàng.

Đọc báo về bộ sách Chào lớp một!, tôi liên tưởng đến một môi trường học tập trong mơ: học sinh được vừa chơi vừa học, không chỉ ngồi hoàn toàn trong lớp mà được dịch chuyển thoải mái, được học thực hành nhiều hơn lý thuyết. Các em cũng không phải đi học thêm để theo kịp bài vở trên lớp. Những bộ bàn ghế trong lớp học được thiết kế nhẹ nhàng để dễ di chuyển, chia nhóm và tổ chức các hoạt động thú vị. Cứ nhìn vào một lớp học hiện nay, học sinh phải ngồi nghiêm chỉnh đúng tư thế, phải giơ tay và phát biểu

trong kỷ luật, tôi nghĩ cứ để các em được hoạt náo, thể hiện đúng bản chất độ tuổi của mình thì đã sao. Hi vọng các nhà lãnh đạo ủng hộ cái mới, nhất là khi cái mới có tác động hết sức tích cực đến các em thiếu nhi.

Đ.T. (giáo viên, TP.HCM)

Hãy để các em được bay bổng sáng tạo
Đây là hình thức học hay nhất mà các trường quốc tế đang hướng tới. Từ trước đến nay, VN đang đi theo lối mòn là học lý thuyết nhiều hơn thực hành. Bởi vậy không ít học sinh sinh viên thụ động không dám đưa lý thuyết vào thực tiễn đời sống. Học giáo dục công dân phải chính bản thân các em trải nghiệm bằng những mẩu chuyện thực tế hay giả cảnh thì các em mới thấu hiểu, nhận thức hết được cái hay cái tốt. Rất mong sách sớm xuất bản để giảm tải áp lực học tập cho các em thiếu nhi. Hãy để cho tuổi thơ của các em được bay bổng sáng tạo.

La Tấn Nguyên (latannguyen@...)

L.TRANG (Báo Tuổi Trẻ) ghi

Cái đe là cái gì?
“Đi học là hạnh phúc” không phải là một triết lý giáo dục mới mẻ mà thật ra nó là tâm nguyện của hầu hết các bậc làm cha làm mẹ. Chúng tôi luôn mong muốn con mình vào lớp 1 và hoàn thành những bậc học tiếp theo bằng niềm vui thích trong học hành: khám phá những điều mới mẻ, tìm được câu trả lời cho những câu hỏi “tại sao...?” của mình. Nhìn vào giáo trình của chúng ta hiện nay, tôi thật sự buồn và thất vọng. Đọc bài báo này tôi le lói một tia hi vọng rằng năm sau khi con tôi vào lớp 1, cháu (may mắn) được tiếp cận với bộ sách giáo khoa này.

Nhưng phản hồi của một quan chức Bộ Giáo dục - đào tạo và phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục như bài báo đưa tin quả thật làm tôi thất vọng.

Nếu bộ có những tiêu chuẩn nhất định về kiến thức cho học sinh tiểu học như phải biết làm toán mấy con số, phải biết làm bài văn tả cảnh... thì cứ tổ chức kỳ thi tiểu học đi, còn chọn giáo trình nào thì hãy để cho sở giáo dục - đào tạo các tỉnh thành, thậm chí các trường tự chọn.

Tôi mở cuốn Vở bài tập tiếng Việt 1, tập 1 của Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành cho năm học 2010-2011, trang 2, bài 1, học về chữ e. Tôi mang đi hỏi cả chục phụ huynh về năm hình vẽ xung quanh chữ e, có một hình vẽ giữa bụi tre và cái xe đạp, tất cả phụ huynh đó đều không biết là hình gì. Cuối cùng tôi hỏi mẹ tôi (bà trên 60 tuổi), bà bảo đó là cái đe. Trời ạ, tôi (35 tuổi) và các phụ huynh khác cùng lứa tuổi với tôi, có ít nhất một bằng đại học còn không biết thì làm sao đứa trẻ 6 tuổi biết. Cái đe không phổ biến, thậm chí đã biến mất khỏi cuộc sống ở nhiều địa phương, tại sao lại đưa vào giáo trình lớp 1. Nếu bộ làm một cuộc khảo sát, tôi tin hầu hết chúng tôi sẽ chọn giáo trình của nhóm Cánh Buồm. Sao bộ không nhanh chóng vào cuộc đi. Chúng tôi còn phải đợi đến bao giờ nữa về một sự cải cách hiệu quả trong giáo dục?

Phạm Thị Hải Thi (haithi75@...)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hai Bà Trưng mà như vậy sao?



(LĐ) - Nói đến truyện tranh lịch sử VN, nhiều người cho rằng hình ảnh mà các họa sĩ múa bút có thể chưa đẹp lắm, nội dung thì đôi khi hơi dông dài, dù có thể lược giản qua nét vẽ. Tuy nhiên, khi cầm cuốn truyện tranh "Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh", chính nhiều bậc phụ huynh đã phải giật mình vì hình ảnh Hai Bà Trưng... phản cảm quá mức.


http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/2batrungmacyem.jpg



Thật khó hình dung cảnh Hai Bà ra trận trên lưng voi với chiếc... yếm đào, váy đụp, đi chân đất! Trưng Trắc khoác chiếc bào màu đỏ cho khác với Trưng Nhị. Chưa hết, tóc Hai Bà đều búi tó chỉ gọn lỏn một chấm đen phía trước, hai bên gần như chẳng có sợi tóc nào, sau và trước cũng gần như... trọc lốc, nên thoạt nhìn, có người còn lầm tưởng là... đàn ông, hoặc đại diện cho một bộ lạc thượng cổ nào đó ở Trung Quốc! Ở nhà cũng vậy, Hai Bà lúc tập võ hay bắn cung cũng đều vận chiếc yếm đào hở lưng, váy xòe, đi chân không, mặt mày dữ tợn. Nếu đây là những hình ảnh ước lệ, thì những hình ảnh hài hước trong tranh Đông Hồ cũng còn ý nhị hơn nhiều khi diễn tả trang phục người phụ nữ trong “Hái dừa”, “Đánh ghen”- cũng yếm thắm, váy đụp, nhưng tóc dài đen phủ ngang vai và dáng vẻ người nữ khá duyên dáng.

Cho đến khi lên ngôi vua, Trưng Trắc cũng vẫn mặc bên trong chiếc yếm thắm, bên ngoài khoác chiếc áo khoác đơn giản (!). Trong truyện tranh này, Hai Bà ăn mặc dân dã là vậy, các nhân vật nam phục trang còn thô sơ hơn- cởi trần, chỉ đóng khố. Tranh vẽ còn không ngại lột tả đoạn quân của Mã Viện... cởi truồng giao chiến với quân của Hai Bà, trong khi đoạn này có thể lướt qua bằng phần chữ, không cần phải “tả thực” thô bạo như vậy. Ở những đoạn cần diễn tả cảm xúc như khi nghe tin Thi Sách chồng mình bị giết hại, nét mặt Trưng Trắc lại vô cảm đến bất ngờ.

Tác giả những hình ảnh này là họa sĩ Nguyễn Đông Hải, lời phỏng theo tác phẩm dự thi của Nguyễn Thị Thu Hương, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Đây cũng chính là một trong số những tác phẩm truyện tranh hưởng ứng cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo SGK, do NXB Giáo dục VN phối hợp với Hội Nhà văn VN và Hội Khoa học lịch sử tổ chức. Điều đáng nói là cả ba đơn vị cùng phối hợp thực hiện, mà để sai sót về hình ảnh đến mức nghiêm trọng như vậy, thử hỏi, khi học sử bằng tranh, học sinh cấp 1 sẽ nghĩ gì khi hình ảnh Hai Bà Trưng oai phong, hùng dũng, lẫm liệt trong trí tưởng tượng lại được tái hiện một cách dung tục như vậy? Liệu tác giả có nghiên cứu trang phục của thời Hai Bà, từ áo bào, kiểu tóc, giày dép cho đến vũ khí và cả trang phục của binh lính hay căn cứ vào đâu để có thể “phăng” những hình ảnh kỳ dị như vậy?

Viết truyện lịch sử đã khó, làm truyện tranh lịch sử lại càng khó hơn - trong lời giới thiệu mở đầu cuốn truyện, nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết như vậy. Hơn nữa, truyện tranh cho thiếu nhi luôn đòi hỏi bút vẽ phải khắt khe, cẩn trọng, vì chỉ cần chểnh mảng đã có thể... giết chết một hình tượng, một nhân vật lịch sử. Đây cũng chính là điều mà NXB Giáo dục nên xem lại ở khâu biên tập hình ảnh.

MINH THI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

Vodanhthi đã viết:

Nhóm Cánh Buồm và bộ sách giáo khoa dành cho xã hội phê duyệt



SGTT.VN - Một nhóm bao gồm những phụ huynh và một số trí thức đã tập hợp lại cùng nghiên cứu về giáo dục hiện đại và đã biên soạn ra một bộ sách giáo khoa mới.

Nhà giáo Phạm Toàn, hoa tiêu của “con tàu” có tên Cánh Buồm cho biết, cách đây hơn ba năm, ông cùng một nhóm trí thức và nhà giáo tâm huyết khoảng 20 người đã lập ra nhóm nghiên cứu về giáo dục hiện đại. “Tránh những đề xuất về cải cách trước đây không được mấy ai quan tâm, chúng tôi bàn với nhau phải làm một cái gì đó trực quan, để cho xã hội thấy và xem xét”, ông Toàn nói. Ý tưởng về một bộ sách giáo khoa mới trên nền tư tưởng của GS Hồ Ngọc Đại hình thành với đầy đủ triết lý, phương pháp, phạm vi kiến thức và cả mục tiêu giáo dục được hình thành.

..................................................

NHƯ THUẦN

Con trai tôi hiện đang học lớp 7, trường tiểu học và trung học cơ sở Thực Nghiệm thuộc Trung tâm công nghệ giáo dục, nay thuộc Viện khoa học giáo dục Việt Nam (sáp nhập năm 2009). Do giáo sư Hồ Ngọc Đại sáng lập cách đây hơn 30 năm, và đây cũng chính là ngôi trường mà Giáo Sư Ngô Bảo Châu theo học hồi nhỏ. Trước đây trường có giảng dạy theo bộ sách riêng, nhưng sau vì nhiều lý do khác nhau, nên khi con tôi bắt đầu vào học lớp 1(năm 2003) Nhà trường từ từ chuyển sang học chung bộ sách giáo khoa do bộ giáo dục phát hành. Một lý do mà các phụ huynh đi trước nói lại là khi các em chuyển cấp sang các trường khác thì điểm thi thường kém hơn, vì một "cái đầu đầy" với một "cái đầu thông minh" khi đi thi sẽ có kết quả khác nhau, là chuyện thường thôi, nên vợ chồng tôi vẫn quyết tâm cho con theo học trường TN, tôi muốn con tôi có "cái đầu thông minh" hơn là một "cái đầu đầy". Sau 7 năm cháu theo học ở trường, tôi đã không hối hận vì lựa chọn của mình, cháu năng động, tự tin, ngoại ngữ khá tốt. Học theo bộ sách chung, nhưng phương pháp giảng dạy vẫn trên nền tư tưởng của GS Hồ Ngọc Đại, với mô hình mỗi lớp có 35 học sinh (trong khi trường KL , 60 hs/lớp) học đi đôi với hành, sinh hoạt ngoại khoá, tham quan...Quan hệ thày trò thân thiện, gần gũi, học sinh rất ngoan , không phải học thêm, bài tập chủ yếu làm ở lớp, vào giờ tự học buổi chiều (học cả ngày ở trường nên bố mẹ rất yên tâm)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

GD của chúng ta đang làm cho các em học sinh biến thành 1 trong hai dạng:
1. "một cái đầu đầy" những thứ bỏ đi
2. "một cái đầu rỗng tuyếch"

Thực tế cả 2 loại đầu như trên đều không có khả năng cống hiến cho XH tương lai.

Theo triết lý GD hiện đại của những nước tiến bộ, cấp GD PT chỉ nên cung cấp cho các em "kỹ năng sống" và "khả năng tự tư duy", họ không bao giờ cố tình nhét đầy vào đầu các em bởi vì theo "nguyên tắc RỖNG", các em sẽ tự điền đầy nó theo năng khiếu và sở thích, khi đó mới có những trí tuệ tuyệt vời.
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cần những thay đổi có hệ thống



TT - Quyết định chọn nhóm Cánh buồm để thực nghiệm việc thay đổi phương pháp giảng dạy tại trường vì cho rằng Cánh buồm có nhiều quan điểm giáo dục tương đồng với mình, PGS-TS NGUYỄN BÍCH HÀ - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội - đánh giá:

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=456563
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội trong một giờ học thực nghiệm bộ sách giáo khoa Chào lớp 1- (Ảnh: Việt Dũng)



- Có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại khi nhìn vào thực tiễn dạy học hiện nay. Chủ trương tổ chức dạy học hai buổi/ngày ở tiểu học của Bộ GD-ĐT được xem là giải pháp nâng chất lượng giáo dục toàn diện, nhưng thực tế các buổi học thứ hai ở nhiều nhà trường chỉ là “nơi trông trẻ an toàn và có tổ chức”.

Nhu cầu phát triển, hoàn thiện nhân cách trẻ đang đặt ra nhiều thách thức trong môi trường chịu chi phối nhiều bởi Internet, game online, lối sống vị kỷ, văn hóa tiêu dùng và nhịp sống bận rộn, những bất ổn của các gia đình khiến con trẻ trở nên cô độc.

Nhưng các môn giáo dục công dân, đạo đức trong nhà trường lại không thu hút, mang lại những điều bổ ích cho học sinh. Các môn học khác không kích thích được trí tò mò, tìm hiểu khám phá, giải phóng sức sáng tạo cho trẻ, bởi phương pháp dạy học không phù hợp, chủ yếu dạy chay, hạn chế thực hành.

Môn văn học được dạy theo khuôn mẫu khiến trẻ không được biểu đạt những cảm xúc chân thành, riêng tư theo cách của mình. Trẻ cần một không gian nghệ thuật ngôn từ khác với cách dạy văn truyền thống, tư liệu văn chương phải được mở rộng, gần gũi với trẻ... Những thiếu hụt trong môi trường dạy học hôm nay sẽ là nguy cơ mà thanh thiếu niên phải đối diện trong tương lai.


* Để giải quyết những bất cập đó, theo bà, vấn đề nào được xem là “gốc rễ” phải thay đổi: triết lý giáo dục, phương pháp dạy học hay chương trình - sách giáo khoa?

- Theo tôi, cần phải có những thay đổi mang tính hệ thống, đồng bộ, từ dưới lên, kiên trì và liên tục, không chỉ là triết lý giáo dục, phương pháp dạy và học, không chỉ chương trình hay sách giáo khoa, cũng không chỉ ở quy mô một lớp học, mà còn phải trong phương pháp luận sư phạm, trong tư duy quản lý và tổ chức của nhà lãnh đạo một cơ sở giáo dục, nhất là trong cả tư duy và thực hành của phụ huynh - trong đó có cha mẹ, anh chị em, ông bà của học sinh - và cộng đồng.

* Một triết lý giáo dục theo suy nghĩ của bà là gì?

- Triết lý giáo dục mà chúng tôi đang theo đuổi là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Nhân bản là giá trị nhân văn, yêu thương bản thân, đồng loại. Nhân bản còn bao gồm cả thái độ sống có trách nhiệm với môi trường, hướng tới một nền sinh thái nhân văn, bền vững. Dân tộc là hiểu và trân trọng giá trị dân tộc mình, thể hiện ở nếp nghĩ, cách sống hằng ngày và trong lý tưởng dấn thân đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, đất nước.

Khai phóng là luôn rộng mở tinh thần đón nhận cái mới, cái khác, hướng tới sự tự do về tư tưởng, giải phóng sức sáng tạo của từng cá nhân, tạo nên sức bật của cộng đồng.

Đi theo một triết lý giáo dục như thế, điều tôi phải nghĩ đến là xây dựng một môi trường học mà ở đó trẻ em thấy hạnh phúc, tràn đầy niềm vui, không có nước mắt. Có như vậy mới tạo cho trẻ niềm yêu sự học suốt đời cũng như phương pháp luận tư duy và con đường, cách thức, những kỹ năng cụ thể để có thể học suốt đời.

Một người hiểu được giá trị và lợi ích của việc học, có phương pháp học tập hiệu quả và luôn duy trì được động cơ, niềm say mê học suốt đời là cái đích mà chúng tôi hướng tới.


* Để làm được điều đó, theo bà, nhà trường hiện nay cần phải làm gì?

- Tôi không thể phát biểu thay cho các nhà trường, vì mỗi trường học có điều kiện riêng về vật chất, nhân lực và định hướng của lãnh đạo nhà trường. Các trường ngoài công lập lại có những điều kiện đặc thù riêng.

Tôi chỉ có thể phát biểu về những gì chúng tôi đang làm. Muốn đạt được những mục tiêu đã đặt ra, chúng tôi cần xây dựng một ngôi trường biết học, trong đó không chỉ học sinh học mà giáo viên cũng phải học; hiệu trưởng, nhân viên cũng phải học và nhất là phụ huynh càng phải học.

Giáo viên và nhà quản lý chúng tôi học không ngừng để bắt kịp với thời đại, với những thành tựu tiên tiến trong giáo dục trên thế giới. Còn phụ huynh học để trưởng thành cùng con. Chỉ có những phụ huynh có tinh thần, thái độ học cùng con mới có thể thật sự hỗ trợ tích cực cho nhà trường và cùng con mình làm chủ được nền giáo dục mới.


* Với quan điểm mang đến cho học sinh từ lớp 1 những kỹ năng sống cần thiết, khắc phục những nhược điểm mà các nhà trường hiện nay đang vấp phải, bà đã triển khai những gì ở ngôi trường mình đang điều hành?

- Chỉ nói kỹ năng sống không thôi là chưa đủ, mà cần phải nói kỹ năng và giá trị sống. Nếu không có giá trị sống, không xác định được cho mình những giá trị nào trong số rất nhiều giá trị là các giá trị sống cơ bản, thì kỹ năng dù có tốt đến đâu cũng sẽ là một người lệch hướng, sống một cuộc sống lệch lạc, thiếu ý nghĩa cho bản thân mình và cho xã hội.

Ngược lại, nếu có triết lý sống đúng đắn mà không tìm được con đường tư duy và làm chủ những kỹ năng thực tế cũng không thể thực hiện được những hoài bão của mình. Vì vậy từ nhỏ trẻ cần được dẫn dắt để xác định những giá trị sống, biết cách tìm kiếm các con đường, phương cách để đạt được và duy trì những giá trị đó, cũng như rèn luyện những kỹ năng thực tế phù hợp.

Quan niệm về mối gắn kết chặt chẽ giữa giá trị và kỹ năng sống của trường chúng tôi khá tương hợp với quan niệm biên soạn môn lối sống của nhóm Cánh buồm. Đó là việc gợi ý cho trẻ đi tìm sự đồng thuận để có thể chung sống tốt trong một cộng đồng.

TRỊNH VĨNH HÀ
thực hiện
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 11 trang (106 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] ›Trang sau »Trang cuối