Con gái tôi và lá thư gửi cho một ông vua
SGTT.VN - Vài ngày trước khi kết thúc năm học, con gái tôi, sau khi đã soạn xong sách vở ngày mai của một học trò lớp bốn, ăn xong bữa ăn thêm buổi tối và uống sữa, đã ngồi bên bàn học, gọi điện thoại cho mẹ ở cách xa vài ngàn cây số. Sở dĩ con chọn thời điểm này, là bởi con gái muốn yên tâm bàn bạc lâu với mẹ về một việc quan trọng.
Con gái muốn xin ý kiến mẹ để viết một lá thư gửi cho một ông vua đã chết cách đây cả ngàn năm. Đó là ông vua Lý Thái Tổ. Đây là một nhiệm vụ của đứa bé lên chín lên mười, bởi, con được cô giáo giao công việc này, trong bài tập làm văn cuối năm học.
Con không hề hứng thú và càng không biết con phải viết lá thư này để làm cái gì, có tác dụng gì. Con muốn xin ý kiến mẹ về một việc con sẽ miễn cưỡng làm.
Riêng mẹ thì hiểu lý do. Hội chứng lễ hội tràn lan trong xã hội, những tệ nạn núp bóng truyền thống ngày càng lộng hành, những màn quảng cáo ăn theo vụ lợi ngày càng khiến những ký ức về lịch sử của dân tộc trở nên bóng loáng, trở nên hoành tráng và trở nên phong trào hoá. Và hơn tất thảy, là sự trì trệ, “dĩ hoà vi quý” trong tư duy đã giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận mọi sự kiện miễn rằng nó khoác áo văn hoá và núp dưới bóng lịch sử, thậm chí có những phong trào được tung hô như một cơn lên đồng tập thể. Và sẵn sàng có một đám đông bị ảnh hưởng bởi chính những trào lưu ấy khi họ không tự đánh giá được hoặc không đủ năng lực nhận chân một vấn đề, một giá trị. Con gái tôi chỉ là một hạt cát trong cơn cuồng phong đó. Con đang đi học, và cô giáo là người quyết định cuốn con vào cơn lốc ấy, tay trắng, bởi không kèm theo một chút kiến thức cho con, không một lời dặn dò, càng không có một mục đích nào rõ rệt.
Cô chỉ bảo rằng, em nào viết hay, sẽ được đưa lên trường trao giải thưởng.
À hoá ra bài tập làm văn của cô giáo giống một cuộc thi có thưởng. Ai đọc nhiều tin tức, xem nhiều tivi, nghe nhiều loa phường sẽ viết giống được cái yêu cầu của cô.
Tôi không thể giải thích với con tất cả những lý do xem ra có vẻ “vĩ mô” đã tác động để cho ra đời một đề văn xem chừng có vẻ “vô hại” và “mới mẻ” ấy. Tôi chỉ chắc chắn một điều rằng, đây không đơn giản là một cuộc thi. Với một người mẹ, nó là một trong những thứ xây dựng lên thế giới của con gái. Và với cô học trò lớp bốn, đây là một trong những cơ hội học tập. Vậy phải làm sao để nó không chỉ là một việc vô nghĩa và miễn cưỡng, với những thông tin con chỉ học vẹt được trên báo đài?
Tập làm văn là một cách rèn luyện chữ nghĩa, nhưng nó sáo rỗng nếu con sẽ ra rả nói hay viết tràn chữ về những thứ con không hề thấy nó liên quan gì tới cuộc sống của con và tâm hồn con. Bởi khi đó, trong bài tập làm văn của con sẽ là chữ của người khác, ý của báo đài, thông tin của tivi chứ không có chữ nào được viết từ cảm nhận của một đứa trẻ thậm chí còn đang không hiểu vì sao mình phải viết thư cho một ông vua xa lạ đã chết từ đời nào.
Tuy nhiên mẹ cũng hiểu rằng, trên đời này câu hỏi ngốc nhất cũng có thể được nhận một câu trả lời thông minh nhất. Vấn đề là, ta là ai, ta sẽ mang gì tới trong những câu trả lời. Và điều gì sẽ làm một đề văn xa lạ trở nên gần gũi và thân thiện với một đứa bé.
Mẹ hỏi con gái, con có biết Lý Thái Tổ là ai không? Con bảo, con thấy báo đài hay nói đó là ông vua mà một ngàn năm trước đã dời đô về Hà Nội. Mẹ giải thích, “dời đô” có thể hiểu là ngày xưa, “thủ đô” của chúng ta nằm ở tận tỉnh Ninh Bình, và Lý Thái Tổ đã quyết định chuyển “thủ đô” về Hà Nội bây giờ. Vì thế, giờ đây chúng ta là người Hà Nội, chứ nếu không, con đã có hộ khẩu là người dân Ninh Bình rồi, đúng không con? Qua điện thoại, con gái tôi bật cười, con bảo là con sẽ viết trong thư cho ông Lý Thái Tổ vì điều đó.
Mẹ gợi ý ngay, viết thư thì giống như con viết thư cho bà Oanh đó, con hãy viết những cái gì con nhìn thấy, con suy nghĩ, những gì mà con thấy là bà Oanh sẽ quan tâm về cuộc sống hiện nay của con. Nên thư cho ông Lý Thái Tổ cũng giống thư cho bà Oanh thôi con ạ, hồi ông Lý Thái Tổ sống, Hà Nội không kẹt xe tắc đường như bây giờ và cũng không có xe máy như bây giờ đâu, con ạ… Con gái khúc khích nói, nhưng con viết thế, cô giáo có hài lòng không mẹ?
Đây là câu hỏi quan trọng nhất mà mẹ muốn chỉ dạy cho con. Điều mà vì nó, tồn tại những bài văn mẫu, tồn tại những quy tắc kiểu xin – cho tại nhà trường, tồn tại sự sợ hãi của trò và quyền lực đáng sợ của cô giáo. Và tồn tại những lo âu của những em bé như con gái tôi, khi phải liếm ghế, khi phải tụt quần ra cho cô giáo đánh đít, khi phải đi học thêm. Và là lý do mà cơn bệnh thành tích trong ngành giáo dục mãi mãi chưa có liều thuốc đặc trị.
Trẻ em, có phải chúng đi học chỉ để cho giáo viên hài lòng không?
Mẹ trả lời, đây là bài tập làm văn của con mà, đây cũng là lá thư của con, con cứ viết những gì con nghĩ, mẹ thích con như thế lắm con ạ, đó mới thực sự là một bài văn do con viết ra, nếu không, nó đã trở thành bài viết của cô giáo, đúng không? Con hài lòng, mẹ cũng sẽ hài lòng. Còn cô giáo chấm điểm thì khác, nếu cô giáo chấm điểm thấp một chút cũng không sao. Miễn là con thích bài tập làm văn của con. Và mẹ nghiêm túc đề nghị con gái một việc: Mà sao con không hỏi trong thư xem vua Lý Thái Tổ có đẹp trai hay không? Nếu con quan tâm, con cứ hỏi.
Con gái yên tâm và hăm hở, thấy rất thú vị và thấy nhiều điều sẽ nói trong bài tập làm văn sáng mai hoàn thành. Còn mẹ yên tâm rằng có thể con gái sẽ không viết như mẹ gợi ý, nhưng cũng sẽ không viết như báo đài ra rả tuyên truyền. Con sẽ viết theo cách con cảm nhận. Mẹ khuyến khích con tự tin vào những gì con quan tâm và con cảm nhận, theo cách của một đứa bé gái. Cho dù có thể, cô giáo sẽ không chấm cho con điểm cao.
Và thực tế quả như mẹ dự đoán. Không có món quà nào dành cho một cô bé viết một lá thư hiện đại cho một ông vua xa xưa. Nhưng con gái đã không buồn vì điểm văn ấy, đó mới là điều làm mẹ đỡ lo âu mỗi khi nghĩ đến việc, cả thời học sinh của con sẽ sống và xây dựng quan điểm của con lúc ở bên cô, nhiều hơn tất cả thời gian ở bên mẹ cộng lại.
TRANG HẠMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)