Văn hóa đọc đang chuyển đổi
TTO - Văn hóa đọc không lụi tàn mà đang chuyển đổi và sẽ không ngừng nhận được sự quan tâm của cộng đồng, động lực đọc cần phát khởi từ mỗi cá nhân; gia đình nên chú trọng rèn trẻ đọc sách... - đó là những nội dung được đúc kết tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam”.Hội thảo diễn ra sáng 16-9 tại thư viện Khoa học tổng hợp TP. HCM, do Vụ Thư viện (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và Ban điều hành dự án giáo dục SachHay.com tổ chức.
Không lụi tàn mà đang chuyển đổi"Chúng ta không quá bi quan về văn hóa đọc hiện nay nhưng cũng chưa thể lạc quan. Thực chất là văn hóa đọc đang chuyển đổi. Đọc không còn là đọc sách báo truyền thống mà đọc cả trên mạng" - đó là nhận định của bà Vũ Dương Thúy Ngà - phó vụ trưởng Vụ Thư viện thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần dùng chính những tác phẩm của mình để chứng minh rằng văn hóa đọc không hề lụi tàn: "Mỗi năm tôi có gần 100 đầu sách được tái bản, có đầu sách tái bản nhiều lần trong một năm. Cuốn Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIX hơn 1.000 trang, được in 2.000 bản năm tôi 70 tuổi, NXB lo lắng rằng sách này khó bán. Vậy mà 2 tháng sau sách được tái bản. Hay bộ 8 tập Lê Quý Đôn tuyển tập, in đến tập thứ 8 thì tập thứ 4 không còn sách để bán. Xã hội còn đọc nhiều, đọc say sưa lắm!".
Văn hóa đọc được các đại biểu mổ xẻ với nhiều góc độ.
Bà Nguyễn Thế Thanh - đại biểu HĐND TP.HCM - lưu ý giá trị của văn hóa đọc: "Những cuốn sách có giá trị giúp người đọc cảm thấy vui, được tiếp thêm ý chí, yêu thêm cuộc đời, hoặc buồn, hoặc khóc vì những điều có ý nghĩa. Nếu xem đó là giá trị của văn hóa đọc là thì giá trị đó hiện nay đang kém hơn so với các thời kỳ trước, dù hiện nay, sách rất nhiều, lực lượng tác giả đông đảo".
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhấn mạnh thái độ đọc: "Văn hóa đọc không chỉ là chịu khó đọc mà còn là đọc với thái độ tôn trọng những giá trị văn hóa mà người trước để lại, là giữ gìn để những người sau cũng có thể đọc được. Tôi rất buồn khi thấy những tài liệu ở thư viện bị viết bậy hay bị xé vài trang".
Không thể thiếu sự cộng hưởng Nhiều giải pháp được các đại biểu đưa ra để phát triển văn hóa đọc: xây dựng tủ sách trong các doanh nghiệp, khuyến khích xây dựng tủ sách gia đình, truyền thông dành nhiều "chỗ" hơn cho sách, tổ chức giờ học về cách đọc sách ngay trong nhà trường, tổ chức nhiều hơn nữa những buổi thảo luận về sách...
Thư viện trở thành "điểm nóng" trong cuộc thảo luận. TS Quách Thu Nguyệt trăn trở: "Cả nước hiện có 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyên, 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở, hệ thống các thư viện trường học phổ thông, đại học... nhưng chúng ta không khỏi chạnh lòng vì hiệu quả hoạt động không xứng đáng với niềm kỳ vọng".
Củng cố mạnh mẽ hoạt động của thư viện để thư viện trở thành điểm đến hấp dẫn là điều nhiều đại biểu tha thiết.
Bạn trẻ vẫn luôn là "nhân vật chính" trong câu chuyện văn hóa đọc. Có ý kiến cho rằng cần kéo bạn trẻ rời khỏi màn hình máy tính để gắn với sách. Nhưng cũng nhiều người cho rằng phương tiện đọc, cách thức đọc đã thay đổi, vì vậy, điều quan trọng hơn vậ̃n là định hướng bạn trẻ đọc gì, đọc thế nào.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh: "Hãy làm mọi cách để các bậc cha mẹ hiểu rằng gia sản lớn nhất họ có thể để lại cho con cái là thói quen đọc sách".
* TRUNG UYÊNĐóng góp của các đại biểu góp phần hoàn thiện Dự thảo “Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” mà Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang phối hợp với các bộ ngành có liên quan để soạn thảo, nhằm sớm trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành.Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)