91
THỬ TÌM HIỂU
THẾ NÀO LÀ MỘT BÀI THƠ HAY-[1]1. Thử Tìm Hiểu Thế Nào Là Một Bài Thơ HayNgười ta đã bàn luận nhiều về đề tài:”Thế nào là một bài Thơ hay?”. Người thích bài này, kẻ ưa bài kia, thật khó mà định nghĩa thế nào là một bài Thơ hay, nhưng hầu như tất cả mọi người đều đồng ý Thơ là tuyệt đỉnh của Văn chương, Thơ ít chữ nhưng nói nhiều hơn văn xuôi và vì vậy không phải ai cũng làm được một bài thơ hay, dù có nhiều kẻ suốt đời nặng lòng với Thơ.
Người viết bài này hoan nghênh tất cả các bài Thơ do nhiều tác giả khổ công sáng tác, chỉ không hoan nghênh những bài Thơ dùng từ rất kêu nhưng xét giá trị từng câu, toàn bài thấy vô nghĩa.
Vâng, nó vô nghĩa! Có nghĩa là người đọc không hiểu tác giả bài Thơ muốn nói lên cái gì, ám chỉ cái gì, hoặc gởi gấm cái gì trong những hàng chữ kia. Có thể những ông, bà tác giả đó nguỵ biện rằng người đọc không đủ trình độ hiểu Thơ của họ. Nói như thế với một em bé trình độ tiểu học thì có thể chứ với những người đã có trình độ Ðại học VN hoặc đã có làm Thơ thì đúng là nguỵ biện và quá cao ngạo, kiêu căng.
Ðể tôi kể bạn nghe một giai thoại về Thơ. Có một ông nhà thơ ở miền Nam trước 1975, sau đó sang hải ngoại, làm được một số bài thơ và được bè bạn cũng có, tự ông ta cũng có, dùng ống đu đủ thổi lên như hàng Thi vương, Thi bá, độc nhất vô nhị. Có một người quen ông ta, một bữa lấy 4 câu thơ của ông ta ở mấy chỗ khác nhau, cho một cái tựa và đặt liền vào nhau như một bài thơ. Người này , nhân lúc trà dư tửu hậu đem ra , nói là thơ mới làm, nhờ ông ta nhuận sắc dùm. Ông ta đọc xong bài thơ, hét toáng lên rằng:”Thơ gì vô nghĩa thế này ? Tao không biết mày định nói cái gì ? Vứt thùng rác cho rồi !” Người bạn lúc đó mới ôn tồn nói:”Thưa thi hào, chính là thơ của đại gia đấy !”Nhà thơ vẫn không tin và người bạn phải lấy cuốn Thơ của ông ta xuất bản ra chỉ vào những câu ông đã trích. “Ðại thi hào” ngồi ngẩn tò te ra, mắc cở . Vậy mà lâu nay có ai nói cho ông ta biết đâu hoặc có nói, ông ta cũng không chịu nhìn nhận một sự thực.
Về định nghĩa thế nào là một bài thơ hay. Nếu trả lời cho đầy đủ kèm theo những dẫn chứng thì có thể phải cả cuốn sách mới đủ. Nhưng tôi chỉ sơ lược mấy điểm chính để các bạn chưa từng làm Thơ hoặc có ý định sẽ vào làng Thơ, nắm được thế nào là một bài thơ hoặc câu thơ hay.
LỜI HAY, Ý ÐẸP, TRUYỀN CẢMLời thơ trong sáng, tự nhiên, không cố ý gọt dũa, hoặc có gọt dũa, nhưng người đọc không thấy, ta gọi tắt là lời hay.
Ý thơ hàm súc, dồi dào, gọi tắt là ý đẹp.
Ðọc lên thấy xúc động, nao nao, xao xuyến trong tâm hồn, tức là thơ có sức truyền cảm.
Ðó là thơ tả tình. Thí dụ: (trích truyện Kiều)
Một mình nàng, ngọn đèn khuya
Áo dầm giọt lệ, tóc se mái sầu
Hoặc:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần đến dâu!
Ðến như thơ tả cảnh thì đọc câu thơ lên thấy như vẽ trước mắt ta phong cảnh tác giả muốn phô diễn. Thí dụ:
Chim hôm thoi thót về rừng
Ðoá trà mi đã ngậm trăng nửa vành
Hoặc:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Chỉ có một ngọn đèn khuya , chiếc áo nàng đang mặc đẫm nước mắt và mái tóc bù rối của nàng mà người đọc tưởng tượng ra được một thiếu phụ đang trải qua những đau thương , cay đắng của cuộc đời. Chỉ có 14 chữ mà nói lên được cái tâm sự dằng dặc cả mấy trang nếu phải viết bằng văn xuôi.
Hai câu sau tả cảnh cũng thế. Một buổi chiều hiu hắt, u buồn, chim lặng lẽ về tổ, đoá trà mi cô đơn dưới ánh trăng thượng tuần. Vẫn có hoa và trăng nhưng hoa và trăng nhuốm vẻ tiêu điều như lòng người. Cái buồn của nhân vật như lây sang ta, đó chính là truyền cảm.
Hai câu chót là bức tranh của Claude Monet hoặc của Vincent van Gogh đưa tầm mắt ta ra xa đến tận chân trời, toàn mầu xanh tươi, chỉ điểm vài cánh lê trắng muốt.
Thật tài tình. Và thật thơ.
Không chỉ trong những đoạn tả cảnh, tả tình mà còn là những đoạn Mượn Cảnh Tả Tình, có nghĩa người đọc chỉ cần chú ý vào không gian, thời gian, sự vật xung quanh nhân vật mà thấy rõ được tâm sự nhân vật, cái rất khó tả cho đúng. Chúng ta hãy đọc lại đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” sau đây sẽ nhận ra điều đó:
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm, đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng!
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày mong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Nhớ người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một mầu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Bình giải sơ lược:
Sáu câu đầu tác giả tả nàng Kiều trong hoàn cảnh tồi tệ nhất là ở “thanh lâu” (thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần), Kiều bẽ bàng cho thân phận ngay cả khi ngắm áng mây buổi sớm, nhìn ngọn đèn leo lét ban tối. Cảnh ấy, tình này làm cho lòng nàng đòi đoạn, đứt ruột (như chia tấm lòng).
Bốn câu kế, Kiều nhớ đến Kim Trọng, người yêu đầu đời và trọn đời. Nhớ đến đêm trăng sáng năm xưa cùng chàng thề thốt, nay biệt vô âm tín mà tấm thân nhơ nhuốc này biết bao giờ gột rửa để trở nên trong sạch, xứng đáng với chàng?
Bốn câu kế:”Nhớ người tựa cửa...” Kiều nhớ cha mẹ. Không biết giờ này lấy ai thay mình phụng dưỡng song thân? Như ông Lão Lai ngày xưa, thấy cha mẹ buồn liền ra sân múa hát, làm trò hề cho cha mẹ vui cười lên mà khuây khoả tuổi già. Quay đi quay lại, ấy vậy mà cha mẹ trăm tuổi lúc nào không hay (có khi gốc tử đã vừa người ôm).
Tám câu sau cùng tả cảnh nhưng là cảnh có tâm hồn người hàm chứa trong đó: cửa bể, con thuyền, ngọn nước, hoa trôi, bèo dạt... trong khi tạo vật vẫn vô tình với nỗi buồn của con người:” Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Hoặc như trong “Cung Oán Ngâm khúc”:
Cầu Thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Quán Thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia, cỏ này!
Tuồng huyễn hoá đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!
Nơi bến đò xưa, cây cầu bắc trên dòng nước chảy không ngừng vẫn “trơ mặt với phong sương”, cũng như cạnh đó, quán trống, trong nắng chiều yếu ớt, gió thu lạnh lẽo hun hút thổi làm cảnh trí càng thêm tiêu sơ. Nàng cung nữ, vì nhớ đến thân phận hẩm hiu của mình, nhìn hoa cỏ, núi sông đều thấy một mầu tang thương. Tất cả do “Tạo hoá đành hanh quá ngán” bày ra và rốt cuộc kiếp người trôi nổi chỉ còn lại một nấm cỏ khâu xanh rì!
ÂM ĐIỆU, TIẾT TẤUNhiều nhà ngôn ngữ học quốc tế sau khi nghiên cứu về tiếng Việt đã cho rằng tiếng Việt khi nói có âm điệu như hát (singing language).
Sở dĩ có được kết luận đó vì tiếng Việt có các thanh bằng, trắc khác nhau nên khi nói, các từ ngữ lên xuống theo các thanh cho âm điệu và tiết tấu.
Thi sĩ tiếng Việt khi làm thơ lại càng cần phải để ý đến các thanh bằng trắc này để cho bài thơ có âm điệu tiết tấu hay, dễ đọc và quyến rũ. Chính bởi thế thơ có niêm luật, niêm là dính, luật là những chữ phải bằng hay phải trắc hay phải hợp vận.Thí dụ hai câu lục bát:
Bằng bằng trắc trắc bằng bằng (vần)
Bằng bằng trắc trắc bằng bằng (vần) trắc bằng
Thành Tây có cảnh Bích câu
Cỏ hoa họp lại một bầu xinh sao
Đua chen thu cúc, xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông!
Những chữ 1,3,5 (nhất, tam, ngũ) bất luận, luật là bằng nhưng có thể trắc, và ngược lại.(Vì bài này không chủ trương dạy cách làm thơ, quí bạn đọc muốn nghiên cứu tường tận hơn về niêm, luật bằng trắc, vận có thể đọc trong sách Việt Nam Văn học sử yếu của GS Dương quảng Hàm hoặc các sách Văn học sử khác.).
Người làm thơ cần đặc biệt chú ý đến vần vì nếu thơ không có vần (hợp vận), sẽ không được gọi là thơ, sẽ chỉ như văn xuôi được cắt ra những đoạn 6 hoặc 7, 8 chữ v.v.... Có người đã ví một cách ngộ nghĩnh là thơ không vần như mặc quần không áo, nó thiếu phần quan trọng để thành những câu thơ như tác giả của nó mong muốn. Hơn nữa, vần dùng tài tình cho người đọc thơ thấy tài của tác giả mà không phải ai cũng có thể làm được. Những bài thơ nổi tiếng thường là những bài thơ vần được sử dụng chặt chẽ, khít khao và tài tình.
Thí dụ: Bản dịch “Lầu Hoàng Hạc” của Tản Đà tiên sinh từ nguyên tác Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu:
Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh, cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!
Thơ tự do không bắt buộc phải có vần nhưng cũng cần vần khi có thể để cho câu thơ nổi nang hơn, có chất thơ hơn. Còn thơ mới, vần chữ cuối câu hay cước vận, bắt buộc phải có vận, hợp vận
Thí dụ:
Nào còn đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những chiều mưa chuyển động bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới.
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng...
(Hổ nhớ rừng - Thế Lữ)
Hoặc một đoạn đầu trong bài “Nắng Quê Hương” của tác giả bài này:
Em sang đây mang giùm anh chút nắng
Nắng Sàigòn - Hànội - Nắng Quê Hương
Nắng ngày xưa em nhặt ở sân trường
Đem hong gió Thu vàng hay ép sách.
TÓM TẮTMột bài Thơ hay phải hội đủ ba yếu tố: Lời hay, Ý đẹp, và Truyền cảm. Có cả ba yếu tố thiết yếu này, người ta gọi tắt là một bài thơ hay, một bài thơ có hồn. Khi thi sĩ cảm hứng, tứ thơ tuôn tràn, hồn thơ lai láng. Chính kẻ viết bài này, có nhiều lần bút không kịp ghi tứ thơ trên giấy, phải dùng những chữ viết tắt mà chính tác giả mới đọc được, ghi vội ra vì nếu để giây phút đó qua đi, sẽ không thể hoặc khó có thể làm được bài đã định. Sau giây phút “xuất thần” đó, bây giờ mới thong thả coi lại bài thơ từ đầu tới cuối và chỉnh những từ không vừa ý. Thường chỉ chỉnh sơ sài, dăm ba từ bị thay thế cho thích hợp, nhưng cái cốt lõi đầu tiên, cái khung, cái hồn của bài thơ thì không bao giờ thay đổi, bởi nó đã hay hoặc vừa ý (với chính nhà thơ.)
Thi sĩ phải có hứng sáng tác, thơ mới hay. Hứng là cái sáo diều hoặc sợi dây đàn treo trong không gian, một làn gió nhẹ thổi qua đủ làm nó phát ra thanh âm. Tâm hồn thi sĩ cũng ví như cái sáo hoặc sợi dây đàn đó, một ý tưởng mới, một cảm nghĩ mới, một sự việc mới xảy ra trước mắt khiến nhà thơ muốn dùng bút ghi lại sự việc hoặc những cảm nghỉ của mình trong khi người không có tâm hồn thi sĩ, không để ý tới sự việc xảy ra, cũng không có những cảm nghĩ mà nhà thơ có. Ðó chính là “Cái sáo hoặc sợi dây đàn” của thi sĩ. Nó vô cùng bén nhạy nên thi sĩ mới có hứng thơ. Với nhà văn, hứng viết văn cũng tương tự thế. Do đó, chúng ta phân biệt hai loại, nếu ghi thường: văn xuôi; nếu ghi có vần điệu tiết tấu: Thơ. Cả hai đều là văn chương, tuy co những nét đặc thù khác hẳn nhau.
Ðể làm rõ nét cái hứng của thi nhân, chúng tôi xin đưa ra trường hợp Thi sĩ Ôn như hầu Nguyễn gia Thiều.
Tất cả chúng ta nhìn các cung nữ thời xưa, lúc son trẻ được nhà vua vời vào cung làm cung phi đều là chuyện bình thường bởi vua có quyền sinh sát toàn dân. Vua muốn là Trời muốn vì vua là Thiên tử, con Trời. Riêng tác giả “Cung oán ngâm khúc” lại có cái nhìn khác. Thi nhân nghĩ chỉ vì phải phục vụ cho những sắc dục tham lam, bất chính của nhà vua mà các cung nữ này bị giam trong cung cấm, uổng phí cả một đời thanh xuân khi nhà vua chỉ dùng các nàng cho một đêm vui rồi không bao giờ đoái hoài tới nữa làm nhiều cung phi chết già trong cung cấm. Nhà vua, sau khi thoả mãn, ân ái một đêm, lại đi tìm những bông hoa hương sắc khác để tủi hổ, bẽ bàng, đau khổ cho hàng trăm, hàng ngàn cung phi mà họ không biết kêu cứu vào đâu được.(Ngán thay cái én ba nghìn). Từ đó thi nhân viết cuốn “Cung oán ngâm khúc” để thay cho các cung phi nói lên nỗi lòng đòi đoạn nơi cung cấm, may ra tiếng nói có thấu đến cửu trùng, các nàng được giải thoát khỏi cuộc sống tối tăm, chết dần, chết mòn, được trở về nơi thôn dã sống với gia đình và biết đâu lại có được một tấm chồng để nương tựa suốt cuộc đời còn lại.