Hồ Chí Minh (1890 – 1969)
Hồi trẻ có tên là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành. Khi hoạt động ở nước ngoài lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh.
Người sinh ngày 19 tháng Năm 1890, trong một gia đình trí thức nghèo, gốc nông dân. Thân phụ là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng và từng làm việc cho triều Nguyễn, nhưng bị cách chức vì có tinh thần yêu nước thương dân, ông thường có thái độ chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp. Thân mẫu cụ bà Hoàng Thị Loan là con gái một nhà Nho làm nghề dạy học nên cũng được học ít nhiều, bà tính tình hiền hậu, đảm đang, quen việc đồng áng, dệt vải, hết lòng săn sóc chồng, dạy dỗ các con. Chị của Người là Nguyễn Thị Thanh và anh là Nguyễn Sinh Khiêm đều vào tù ra tội nhiều lần vì có tham gia chống thực dân Pháp.
Quê hương của Người (làng Kim Liên quê nội liền kề với làng Hoàng Trù quê ngoại, đều thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), trong lịch sử dựng nước vốn là địa phương giàu truyền thống đấu tranh, chống các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, hết hạn hán gió Tây đến bão táp, lũ lụt trắng đồng. Quê hương Nghệ An cũng là một vùng đất có truyền thống đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm xuyên qua chiều dài lịch sử giữ nước của dân tộc. Thừa hưởng những ảnh hưởng tốt đẹp của gia đình và quê hương, ngay từ nhỏ Người đã bộc lộ lòng yêu nước, thương đồng bào. Người rất khâm phục cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885-1896), phong trào Đông Du của Phan Bội Châu (1904-1908), Cuộc vận động cải cách do Phan Chu Trinh khởi xướng (1905-1908), Cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám đứng đầu (1885-1913). Nhưng vượt qua những hạn chế của các nhà yêu nước đi trước, năm 1911 Người quyết định vượt biển sang phương Tây, quê hương của những cuộc cách mạng dân chủ, nơi có nền khoa học và kỹ thuật phát triển để thực hiện mục đích là dành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào.
Vốn có tinh thần yêu nước thương dân, gắn bó sâu sắc với những truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương, gia đình, dân tộc, trước khi xuất dương tìm đường cứu nước Người đã có thời gian học tại các trường học tại Vinh, Huế nên có điều kiện chủ động và nhanh chóng hoà nhập vào xã hội phương Tây. Cuộc khảo sát dài ngày và phong phú đã giúp nâng cao nhận thức của Người về kẻ thù, về tình nhân loại kết hợp với hữu ái giai cấp, về sức mạnh đoàn kết chiến đấu. Đó là nền tảng để Người nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác Lênin, chân lý của thời đại.
Hoạt động đầu tiên có tiếng vang lớn của Người trên đất Pháp, bản yêu sách của nhân dân Việt Nam là gửi tới Hội nghị Versailles của các nước mới đánh bại Đức trong chiến tranh thế giới I (1914-1918) lần thứ nhất đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Yêu cầu chính đáng trên bị làm ngơ làm cho Người càng nhận rõ: “ có giải phóng được giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”.
Chính vào lúc phong trào cách mạng Pháp đang dâng cao dưới ảnh hưởng tốt đẹp của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) và thông qua những đại biểu của những người cùng khổ nhất của nước Pháp, Người đã bắt gặp chân lý cứu nước là chủ nghĩa Mác Lênin. Luận cương của Lênin về vấn đề thuộc địa với những vấn đề đặc biệt quan trọng về con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc; về quyền bình đẳng tự do thật sự giữa các dân tộc; về tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản và nhân dân lao động các nước v.v…đã làm cho Người vô cùng phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng. Người tin theo Lênin và tán thành Quốc tế III. Từ đến với chủ nghĩa Mác Lênin, trở thành người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam và là một trong số những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp (1920).
Từ năm 1921 đến 1930, với những hoạt động phong phú và sáng tạo ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc…vừa ra sức học tập nâng cao trình độ lý luận cách mạng vừa tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp và của Quốc tế cộng sản, viết sách, báo, mở lớp huấn luyện đào tạo, truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam một cách hệ thống…Người đã xuất hiện trên vũ đài chính trị thế giới với tư cách một chiến sĩ cách mạng quốc tế và là người sáng lập ra chính đảng kiểu mới ở Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là thời kỳ hình thành về cơ bản đường lối, chiến lược của cách mạng Việt Nam. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào những điều kiện cụ thể của Việt Nam, kết hợp đúng đắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, Người khẳng định cách mạng Việt Nam từ đây coi chủ nghĩa Mác Lênin là cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam định hướng, là mặt trời soi sáng con đường dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi. Thời kỳ này, Người đã tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa (1921), trực tiếp thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (1925), ra báo Người cùng khổ (1922), báo Thanh niên (1925), viết các tác phẩm Con rồng tre (1922), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường cách mệnh (1927).
Từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3 tháng Hai 1930) trong những năm tiếp theo, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động cách mạng, có thời gian bị bắt và tù đày trong nhà lao đế quốc Anh ở Hồng Kông (1931-1932), Người vẫn theo dõi sát sao phong trào cách mạng trong nước, kịp thời đóng góp với Trung ương Đảng ở trong nước nhiều ý kiến cụ thể để chỉ đạo tốt đường lối của Đảng.
Ngày 8 tháng Hai 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài Người trở về Tổ quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp vào tháng Năm 1941. Người đã cùng Trung ương Đảng điều chỉnh chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, tạm thời gác lại nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi là Việt Nam độc lập đồng minh vào ngày 19 tháng 5 năm 1941. Bằng tầm cao trí tuệ, với hoạt động đổi mới và sáng tạo Người đã vận dụng thành công học thuyết Mác Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam đưa tới thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945 có ý nghĩa lịch sử và có tính chất thời đại mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Người khẳng định: “Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác Lênin ở một nước thuộc địa”.
Trong thời gian chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để tiến tới cách mạng tháng Tám, Người đã lược dịch cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Bôn-xô-vích Liên Xô; biên soạn một số tài liệu như Cách đánh du kích, cách huấn luyện cán bộ quân sự, ra báo Việt Nam độc lập. Người cũng đã chỉ thị tổ chức đội tự vệ võ trang ở Cao Bằng.
Tháng Tám 1942 với tên gọi mới là Hồ Chí Minh, Người sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam bên đó và lực lượng của Đồng minh. Vừa qua biên giới, Người đã bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam hơn một năm, qua gần 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Thời gian Người đã viết tập thơ Ngục trung nhật ký, một tác phẩm lịch sử và văn học vô giá.
Tháng 9 năm 1943 chính quyền Tưởng phải trả lại tự do cho Người. Chưa có điều kiện về nước, Người đã tiếp xúc với các tổ chức chống Nhật, chống Pháp của người Việt Nam ở Trung Quốc, đồng thời chắp lại liên lạc với Trung ương Đảng ở trong nước.Tháng 7-1944 Người về Pắc Bó (Cao Bằng) sau đó về Tân Trào (Tuyên Quang) trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám 1945.
Sau ngày Tuyên ngôn độc lập (ngày 2 tháng Chín 1945) tình hình đất nước vô cùng khó khăn, vì giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Theo lời kêu gọi của Người, toàn thể dân tộc Việt Nam: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu trở lại đời nô lệ” đã vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Với tinh thần Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, Hồ Chí Minh trở thành linh hồn cuộc kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng do Hồ Chí Minh đứng đầu , nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội (1954). Sau giải phóng miền Bắc, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân hai miền Nam, Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.
Hồ Chí Minh là linh hồn của hai cuộc kháng chiến cứu nước, Người chủ trương tiến hành chiến tranh nhân dân , dựa vào sức mạnh chính nghĩa và truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh thắng bọn xâm lược.
Đặc trưng tư tưởng của Hồ Chí Minh là kết hợp nhuần nhuyễn triết học phương Đông với triết học phương Tây, nắm vững nền văn hoá dân tộc và tiếp thu một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta.
Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng và một hiện thực của sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải thể chế độ thực dân trên phạm vi toàn thế giới; đồng thời cũng là biểu tượng và hiện thực cho những lý tưởng, khát vọng độc lập cho mỗi dân tộc, tự do cho mỗi người, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước. Sau khi chiến thăng chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã lãnh đạo khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, cải tạo xã hội chủ nghĩa từng bước vững chắc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Hồ chí Minh là người đầu tiên vạch ra con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và phác thảo mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo Người, Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc.
Nêu cao tư tưởng đạo đức; trung với nước, hiếu với dân; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, Người đã trở thành một mẫu mực đạo đức không riêng cho nhân dân Việt Nam, mà cho cả nhân loại yêu chuộng hoà bình, tiến bộ.
Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đào luyện con người mới xã hội chủ nghĩa. Chiến lược trồng người cùng với việc chăm lo cho một Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước vững mạnh của dân, do dân, vì dân thể hiện khát vọng dân giàu nước mạnh xã hội văn minh của Người.
Người dành nhiều công sức, vun đắp, phát triển tình hữu nghị, đoàn kết nhân loại tiến bộ nhằm biến những khát vọng của các dân tộc được làm chủ vận mệnh mình trở thành hiện thực, đồng thời khẳng định được bản sắc dân tộc của mình trong sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc. Hồ Chí Minh là một vĩ nhân đã tác động và thúc đẩy lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới tiến lên phía trước trong quá trình phát triển nhân loại. Người là vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một danh nhân văn hoá thế giới. Cống hiến to lớn, nhiều mặt của Người đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong tầm nhìn của nhân loại tiến bộ, tư tưởng đạo đức, tư tưởng văn hoá và nhân văn của Người để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập tự do của Người đã trở thành chân lý của thời đại, ngọn cờ chiến đấu của các dân tộc bị áp bức.
Nhân loại trên con đường vươn tới sự phát triển tự do và hoàn thiện của mỗi người và của mọi người, đã tìm thấy trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh một giá trị trường tồn. Đúng như ý kiến của nhà văn Úc Allan Asbolt: “Nếu chúng ta muốn đối phó một cách hợp lý và mạnh mẽ với những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội đang gặp phải, chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người: Kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích và bình tĩnh trong những lúc khó khăn, linh hoạt về tư duy và chính trị khi xây dựng khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa, khiêm tốn và gần gũi với nhân dân, nhất là với công nhân và nông dân; có sự đồng cảm để đạt tới sự hoà giải dân tộc; có tinh thần quốc tế mạnh mẽ; sự sáng tạo và nhạy bén về văn hoá, một sự hiểu biết có phân tích về lịch sử, đặc biệt là về cách thức mà những biến đổi lịch sử đã diễn ra; và phẩm chất mà Hồ Chí Minh có một cách dồi dào – đó là sự lạc quan của ý chí.
http://www.cpv....g.vn/index.htmlKhi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)