Trò đùa trẻ con, nỗi đau của nhà giáo dục
TTCT - Cuối tuần qua, cả giới phụ huynh và học sinh đều xôn xao vì dòng tin trên một trang web giả mạo loan báo trong sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm nay có ba môn thể dục, giáo dục công dân và công nghệ. Điều rốt cục là một trò đùa của một người được cho là học sinh lớp 12 khiến nhiều nhà giáo dục đau lòng, bởi sau đó là dư vị đắng cả về sự thiếu tường minh lẫn những lệch lạc còn tồn tại của một nền giáo dục.
Tin đồn Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp năm 2013 loang ra trên mạng xã hội và các diễn đàn của học sinh khối 12 từ tối 22-3. Biên tập viên của tờ báo mạng cho biết bản tin công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT đăng tải từ năm ngoái bỗng có lượng đọc tăng chóng mặt trong tối đó và hôm sau.
Tin đồn chạm đúng mối quan tâm đặc biệt của cả giới nhà giáo, phụ huynh và học sinh về chuyện thi cử cuối năm, càng lúc càng lan. Điều cốt lõi gây xôn xao dư luận chính là việc “bài báo” đưa tin sẽ thi ba môn mà giới học trò (và cả nhà trường) xếp vào diện môn phụ: thể dục, giáo dục công dân, công nghệ. Đây là những môn được cả xã hội từ lâu mặc định là không bao giờ được sử dụng để thi tốt nghiệp THPT.
Bởi có sẵn một cơ chế tạo tin đồn Vấn đề là không chỉ năm nay mới có những ồn ào từ tin đồn về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hầu như năm nào cũng vậy, trước kỳ thi tốt nghiệp hàng tháng trời, trong dư luận học sinh đã có đủ mọi đồn đoán, từ việc năm nay sẽ thi những môn nào cho đến... nội dung đề thi! Thậm chí trò đùa “lộ đề thi” năm nào cũng tái diễn nhưng năm nào cũng gây sốt. Trò đùa đoán định môn thi cũng phổ biến nhưng đạt trình “siêu lừa” như năm nay quả là hi hữu.
“Theo quy chế, Bộ GD-ĐT sẽ công bố môn thi trước ngày 31-3 nhưng trước 31-3 có nhiều ngày lắm. Học trò thì vừa do sốt ruột, vừa “sợ” nên nóng lòng muốn biết sớm ngày nào hay ngày đó, thành thử dễ bị lừa. Từ trước đến nay tin tức về môn thi trước hết đến với học sinh, giáo viên chủ yếu thông qua kênh báo chí, sau đó nhiều ngày các trường mới được nhận thông báo chính thức của sở GD-ĐT, thường là thông qua một văn bản hướng dẫn thực hiện kỳ thi” - thầy Đặng Đình Đại, hiệu trưởng Trường THPT Wellspring (Hà Nội), nói.
Nhìn lại thì thấy thời điểm thông báo về kỳ thi tốt nghiệp từ trước đến nay mỗi năm một khác. Các năm 2004, 2005, 2006, cứ đúng ngày 31-3 bộ mới công bố. Từ năm 2007, xu hướng công bố ngày càng sớm hơn, từ 30-3 rồi 27-3, 25-3. Hai năm vừa qua (2011, 2012) lại công bố vào 23-3. Điều này thêm một lý do để giới học trò dễ dàng tin tưởng vào một “bài báo” công bố môn thi tốt nghiệp được tung ra vào ngày 22-3.
“Theo em, Bộ GD-ĐT nên tuyên bố về thời điểm nhất định sẽ thông báo môn thi tốt nghiệp. Chẳng hạn có thể chọn một giờ mặc định (ví dụ 8g sáng) trong ngày 30-3. Cứ đến giờ đó, ngày đó, trên website của bộ sẽ hiện lên thông báo môn thi tốt nghiệp, dẫu hôm ấy là thứ bảy hay chủ nhật” - Phương Đông, học sinh lớp 11D2 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đề xuất.
Nhiều nhà giáo chua chát nhận thấy học trò dễ bị lừa không chỉ do tính mơ hồ của thời điểm công bố mà ngay cả với các môn thi, học trò cũng dễ dàng tin vào “tin vịt”.
“Thời tôi còn dạy học ở Cao Bằng (những năm 1970), chỉ một lần duy nhất Bộ GD-ĐT chọn môn giáo dục công dân làm môn thi tốt nghiệp. Về sau môn này chưa bao giờ được chọn lại. Nhưng từ tiền lệ đó cộng với những lo ngại về sự suy thoái đạo đức học đường, đạo đức xã hội xuất hiện đầy rẫy trong các diễn đàn chính thức, phi chính thức về giáo dục, nhiều người cho rằng một ngày đẹp trời nào đó Bộ GD-ĐT đưa môn này vào thi tốt nghiệp trở lại là điều hoàn toàn có thể” - thầy Đại phân tích.
Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, một lý do khác góp phần tạo nên cơ chế tin đồn là sự thiếu tường minh trong quy định môn thi của quy chế thi tốt nghiệp. Trong giới giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông có một cách hiểu bất thành văn là hằng năm bộ sẽ chọn sáu trong tám môn làm môn thi tốt nghiệp THPT. Ba môn cố định là văn, toán, ngoại ngữ. Ba môn còn lại bộ sẽ chọn trong số các môn lý, hóa, sinh, sử, địa.
Nhưng những quy định đó căn cứ vào văn bản nào của bộ thì không ai chỉ ra được. Khoản 1 điều 6 quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm thông tư 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6-3-2012 quy định môn thi chỉ có một câu: “Môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT công bố chậm nhất vào ngày 31- 3 hằng năm”.
“Không mấy ai để ý đến chi tiết này. Cá nhân tôi sau khi có tin đồn sẽ thi các môn thể dục, giáo dục công dân, công nghệ mới giật mình giở quy chế ra xem thì mới thấy đúng là không có căn cứ nào để biết chắc các môn đó không phải là môn thi tốt nghiệp” - cán bộ khảo thí một sở GD-ĐT nhận xét.
Nỗi sợ hãi sinh ra từ học lệch Theo nhiều học sinh, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay chỉ mang tính hình thức với tỉ lệ đỗ phổ biến là 98-99% nhưng “sợ” thi là một cảm giác thường trực ở phần lớn các em mà căn nguyên do học lệch. “Tất cả học sinh lớp em đều học ban D, mục tiêu là kỳ thi đại học nên chỉ học kỹ toán, văn, tiếng Anh. Các môn hóa, sinh, sử, địa gần như được “thả”. Các môn giáo dục công dân, công nghệ học cũng như không, trong tiết thường là ngồi chơi. Môn thể dục thì sau màn khởi động thầy bỏ đi đâu đấy, mặc trò muốn làm gì thì làm” - một học sinh tâm sự.
Các thầy cô thì có “ý tốt” là làm như thế để tạo điều kiện cho học sinh tập trung ôn thi đại học tốt, nhưng đây chính là mảnh đất gieo mầm cho thái độ phân biệt môn chính - môn phụ, thậm chí còn có môn “phụ của phụ” - những môn mà học sinh đoán chắc chẳng bao giờ thi tốt nghiệp.
Chính vì thái độ học lệch này mà những năm trước, sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, trên mặt báo tràn ngập tâm trạng rối bời của những sĩ tử tương lai. “Năm nào cũng thế, khi thông báo các môn thi có sử và địa, học sinh lại náo loạn cả lên” - thầy Đại nói.
Theo cô Mã Thị Tới - giáo viên Trường THPT Trương Định, môn địa thậm chí còn là môn dễ lấy điểm nhưng học sinh vẫn “choáng” khi phải thi chủ yếu do các em bỏ bẵng không ngó ngàng gì tới trong suốt gần cả năm học trước đó. Còn cô P.H.Thanh, Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Năm ngoái sau khi công bố môn thi tốt nghiệp, mấy hiệu sách gần trường tôi cháy hàng cuốn Atlas địa lý vì học sinh dồn ra mua đông quá. Cả năm học chẳng em nào ngó ngàng gì, đến khi thi mới đổ xô đi mua sách”.
Ngoài lý do học lệch vì mọi học sinh đổ dồn vào mục tiêu thi đại học, các môn phụ cũng như môn “phụ của phụ” chịu sự kỳ thị còn do bản thân nội dung môn học nhàm chán và giáo viên thiếu trau dồi nghề nghiệp. “Em sợ môn công nghệ ngay từ khi được học ở lớp 6. Nghe tên thì hay, ai dè mở sách ra toàn dạy cắm hoa, rồi nhận xét người này người kia mặc có đẹp không... Lên lớp 7 thì học trồng trọt, chăn nuôi, đọc ù tai mà học xong có đứa không biết cầm cái xẻng! Nếu thi tốt nghiệp môn này chắc cả lớp em trượt” - H.L., một học sinh Trường THPT Việt Đức, nhận xét.
Năm nào cũng có đến cả triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, năm ngoái ít hơn một chút cũng có tới trên 963.000 thí sinh. Trong khi cả xã hội nháo nhào, một triệu thí sinh đi kèm là một triệu gia đình nóng ruột nóng gan, thì website của Bộ GD-ĐT vẫn cứ bình thản coi như không hề có “con vịt cồ” làm rối tung dư luận. Các tờ báo xông vào tìm hiểu và tự làm công việc “giải độc” dư luận.
Trên mạng, quá trình “giải độc” được “nhân giống vô tính” trong “lượt về” y hệt như quá trình “đầu độc” dư luận ở “lượt đi”: “Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật và không phải là kênh phát ngôn chính thức từ Bộ GD-ĐT. Hiện bộ chưa công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013... Lãnh đạo bộ này chưa hề ký quyết định công bố sáu môn thi tốt nghiệp năm 2013, và dự kiến ngày 28-3 Bộ GD-ĐT mới công bố”.
Nếu học sinh, phụ huynh có nghe theo chỉ dẫn của báo chí “Những thông tin liên quan đến kỳ thi luôn được Bộ GD-ĐT công bố công khai tại website:
http://moet.gov.vn” thì nay vẫn chỉ thấy một sự im ắng như không hề có gì xảy ra. Trang chủ của bộ là các bản tin về thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ Đoàn, Hội (25-3); hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2013 (25-3); chung kết giải bóng đá nam Bộ GD-ĐT lần thứ 2-2013 (25-3)... Có vẻ như đối với bộ hoặc đã không hề có một cuộc khủng hoảng dư luận, hoặc bộ có biết nhưng chủ trương thông tin là “chỉ những gì chính thức mới xứng đáng là tin”!
Cách “cầm trịch” thông tin như thế không thích hợp với thời đại kỹ thuật số mà dư luận có thể bị nháo nhào chỉ trong tích tắc. Khái niệm mà khoa học truyền thông gọi là “xử lý khủng hoảng” có lẽ chưa được bộ thấy đó là quan trọng. Nhưng, tiềm ẩn trong vụ khủng hoảng dư luận này còn là một vấn đề khác, đại sự hơn.
Mấy chục năm qua, bộ vẫn vô hình trung tạo ra một thái độ học tập kiểu “xổ số” với việc mỗi năm mỗi chọn sáu môn thi tốt nghiệp, từ đó dẫn đến thái độ đứng lớp và học hành theo kiểu “bên trọng - bên khinh” đối với các môn học.
Dư luận tự hỏi liệu nhiệm vụ “đại sự” hằng năm của bộ lẽ nào lại chỉ là tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông/cơ sở và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng? Và khi nào thì những “kế sách trăm năm” sẽ được thường xuyên đặt lên hàng đầu thay cho những “kế sách một năm” như thế?
THƯ HIÊN - THIÊN DI Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)