Nhà văn Nguyên Ngọc: Dân chủ không phải cái đem choThu Nhi (thực hiện) Thứ ba ngày 26 tháng 3 năm 2013 5:15 AM
Giải phóng đích thực bao giờ cũng là tự giải phóng. Dân chủ không phải là cái đem cho. Hơn ở đâu hết, trong giáo dục điều ấy càng rõ và thiết yếu.
- Được biết ông từng đứng lớp, bằng quan sát của mình, theo ông, có khác biệt nhiều không giữa học trò giỏi và học trò kém? Đó có phải là ở thái độ và kết quả học tập?
- Trước đây tôi có đi dạy, gần đây có đứng lớp, chưa nhiều, và có làm việc với sinh viên, cũng chưa thật nhiều lắm. Nhưng cũng đủ để tôi nhận ra một điều, đối với tôi là hết sức thú vị, tôi đã nhiều lần kiểm tra, thấy là đúng.
Điều ấy thế này: Nói chung không có học trò kém, có lẽ trừ một số ít trường hợp rất cá biệt, ở rất ít người có thể bị "tai nạn" tổn thương về mặt sinh lý thế nào đấy. Còn thì ở mỗi người, mỗi học sinh, mỗi sinh viên đều có một điểm gì đó đặc sắc.
- Nếu mỗi người đều có những tiềm năng đặc biệt thì theo ông tại sao trên thực tế, có người xuất sắc, có người không?
- Sở dĩ điều đó không bộc lộ ra có lẽ chủ yếu là vì hai nguyên nhân: Thứ nhất, chúng ta muốn mọi người đều giống nhau. Muốn đào tạo nên những người giống hệt nhau, có những đặc sắc y như nhau, mà nhân loại thì đa dạng đến vô tận, thậm chí trong suốt lịch sử không bao giờ có hai người hoàn toàn lặp lại.
Thứ hai, ta còn dở, không nhận ra được cái đặc sắc tiềm ẩn trong từng người. Và điều này còn quan trọng hơn nhiều, chính người đó, em học sinh hay sinh viên đó cũng không nhận ra được chỗ đặc sắc riêng của mình, chính em cũng yên trí mình tầm thường, vô vị, thậm chí u mê, dốt nát, và yên phận với số kiếp "trời đày", "bẩm sinh" ấy, thường khi suốt đời.
- Vậy tức là nền GD của chúng ta đã sai ngay từ cách đặt vấn đề?
- Tôi nghĩ chính sự khác biệt của từng cá thể chứa đựng toàn bộ ý nghĩa, thiên chức, có thể cả nội dung của công cuộc thiêng liêng mà ta gọi là GD. Giáo dục trước hết phải bắt đầu bằng niềm tin rằng mọi người, mỗi người đều đặc sắc, đều chứa sâu trong mình, giấu kín trong mình một năng lực nào đó.
Tạo hóa không bất công với ai hết, ai cũng giỏi về một cái gì đó, người cái này, người cái khác. Không có niềm tin ấy thì không thể, cũng không nên làm GD.
Ý nghĩa của GD, thiên chức của nó, điều khiến nó là nghề cao quý nhất là ở chỗ nó làm công việc khó khăn và thú vị nhất, hay ho và hạnh phúc nhất: Tìm cho ra, phát hiện và giải phóng cái đặc sắc chìm ẩn trong mỗi học sinh, sinh viên.
Hoặc nói cho đúng hơn, GD là giúp cho mỗi con người, mỗi học sinh, mỗi sinh viên trước hết tin rằng mình là đặc sắc. Rằng mình có đặc sắc riêng, tự mình dò tìm và nhận ra được cái đặc sắc ấy, và tự giải phóng nó, vì mình và vì xã hội, để cho mình tự tin làm người đàng hoàng, và đem cái đặc sắc của mình cống hiến cho xã hội.
Như vậy, hiểu cho thật đúng, GD là một cuộc tìm kiếm và giải phóng. Người thầy tìm kiếm cái đặc sắc riêng ở mỗi người học. Người học tự tìm kiếm trong chính mình, tìm kiếm cho ra chỗ đặc sắc riêng của mình, cùng với, hợp tác khăng khít với người bạn lớn là người thầy. Một cuộc dò tìm, tự dò tìm đẹp nhất trong mọi dò tìm, khám phá ở đời.
Đánh thức
- Điều đó mang đến cho việc giảng dạy và học tập những ý nghĩa mới, khác hơn rất nhiều với những gì chúng ta đang cảm thấy, và dường như thấy sai ở một chỗ nào đó chưa xác định được?
- Có rất nhiều khía cạnh sâu sắc khi GD được nhìn và hiểu như vậy.
Trước hết GD sâu đậm tính nhân văn, và GD cũng dân chủ sâu sắc nhất. Nhân văn thì quá rõ rồi, vì nó nhằm giải phóng những gì tốt đẹp nhất ở con người. Con người càng đậm chất người khi biểu lộ được tất cả những gì tốt đẹp nhất trong mình.
Dân chủ, vì giải phóng đích thực bao giờ cũng là tự giải phóng. Dân chủ không phải là cái đem cho, dân chủ đem cho thì không phải là dân chủ, dân chủ là giúp cho người ta vùng lên tự giải phóng. Hơn ở đâu hết, trong GD điều ấy càng rõ và thiết yếu.
Như vậy GD quả là công cuộc vô cùng khó khăn, phức tạp, tinh tế (còn gì phức tạp, tinh tế hơn con người, từng con người), nhưng cũng là công việc luôn mới mẻ và đầy hạnh phúc, hạnh phúc nhất.
Luôn mới và hạnh phúc vì mỗi lần ta lại đứng trước một con người, một thế giới mới, khác biệt, chưa từng có, vô cùng bí mật, để mà bắt đầu một cuộc dò tìm và khám phá, giải phóng mới, chưa từng có.
Đi học là hạnh phúc vì được làm cuộc dò tìm trong thế giới của chính mình, đối với chính mình, cũng hết sức bí ẩn, tự khám phá và tự giải phóng. Nói theo cách nào đó, đi học là "tự sinh ra mỗi ngày".
Giáo dục là sáng tạo, sáng tạo không ngừng. Mỗi lần lại tạo ra và tự tạo ra tác phẩm mới, chưa từng có. Tôi thường nghĩ đến Tchékov khi bàn đến GD, khi nói về dạy và học. Định nghĩa công việc của người nghệ sĩ tạc tượng trên đá, Tchékov bảo: Tạc một khuôn mặt vào tảng đá là tước đi khỏi tảng đá tất cả những gì không phải là khuôn mặt.
Bởi vì khuôn mặt vốn đã có trong tảng đá rồi, giấu kín trong đó rồi. Người nghệ sĩ là người tin sự hiện diện còn chưa bộc lộ, còn bị giấu kín ấy, nhìn thấy nó qua đá, và bằng động tác gọi là "sáng tác" lột nó ra khỏi tảng đá vốn nhốt nó.
Mỗi lần lại đánh thức, mỗi lần làm một cuộc đánh thức, và vì là đánh thức những gì tốt đẹp nhất, hay ho, mạnh mẽ nhất trong từng con người giữa vô số người vốn vô cùng đa dạng, nên chẳng có cuộc đánh thức nào giống cuộc nào. Vừa cơ bản vừa sáng tạo không ngừng. Giáo dục vì thế là một khoa học và một nghệ thuật, khoa học và nghệ thuật khó nhất và đẹp nhất.
- Tức là GD phải luôn sáng tạo, không khô cứng, không áp đặt?
- "Thao tác" chủ yếu của GD là khêu gợi, GD tuyệt đối đối lập với áp đặt. Bởi vì, dù có giỏi đến mấy người thầy cũng chỉ có thể giải phóng được tiềm năng của người học bằng tác động sao đó, cho người học tự giải phóng được chính mình.
Như ai cũng đã biết, đối với một người là vậy, mà đối với một dân tộc cũng vậy, không tự giải phóng, không tự mình vùng dậy, bằng sức lực của chính mình thì chỉ là giải phóng giả, rốt cuộc nô lệ vẫn mãi nô lệ! Mãi tăm tối, âm u. Giáo dục bằng áp đặt thì chỉ làm cho người ta u mê thêm.
Thu Nhi (thực hiện)
Nguồn VNN.VN
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm