Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Từ Thái Bình đến Tiên Lãng



Đầu năm 1998, sau khi vụ Thái Bình nổ ra, tôi có viết một bài nhỏ trong mục này, trên tờ báo này, để “Xin cám ơn Thái Bình”, trích :“Xin cám ơn Thái Bình, bởi vụ việc xảy ra ở Thái Bình, tuy đáng buồn, nhưng đã đưa đến “một bài học quý giá” cho Đảng, cho Nhà nước và cho nhân dân, như Chủ tịch nước Trần Đức Lương phát biểu hôm 26-2-1998 tại Hội nghị cán bộ tỉnh Thái Bình … Bài học đó, …cơ bản nhất hẳn vẫn là bài học về nhân dân, của nhân dân, và còn là một bài học cần thiết trong bối cảnh phát triển hiện nay, như một thứ cơn sốt vỡ da.”
“Xin cám ơn Thái Bình vì trong những “thời điểm rối ren vừa qua”, thậm chí tình trạng “vô chính phủ”, Thái Bình vẫn giữ được tính “giàu truyền thống cách mạng” của mình. Nghĩa là chống “tệ tham nhũng và mất dân chủ đã xảy ra phổ biến trong đội ngũ cán bộ các cấp”, chống “nhiều việc làm trái pháp luật”, tố cáo “nhiều khoản thu của nhân dân không theo quy định”… Nhưng Thái Bình vẫn làm việc đó với – và vì – ý thức cách mạng và muốn gìn giữ công sức đóng góp của nhân dân trong nhiều thế hệ.”
“Xin cám ơn Thái Bình, không có nghĩa là cổ vũ những Thái Bình khác. Nhưng vì tin rằng “bài học Thái Bình” sẽ là một kinh nghiệm tốt, để đừng bao giờ có thêm những Thái Bình nữa.”
(Tb. CGvDT, số 1148, ngày 8-3-1998, trang 2)
*
Mười bốn năm sau, Mùa Xuân 2012, nổ ra vụ Tiên Lãng; lần này, với đúng nghĩa của từ nổ : có súng đạn, có máu, có nước mắt, có đổ nát… như mọi người đã rõ ! Vậy thì cái được gọi là “Bài học quý giá” ở Thái Bình có thực là một bài học ? Và niềm “tin rằng “bài học Thái Bình” sẽ là một kinh nghiệm tốt, để đừng bao giờ có thêm những Thái Bình nữa” cách đây 14 năm của tôi – và chắc không chỉ của riêng tôi – đã không thành sự thật ? Hay cái mà tôi lạc quan gọi là “cơn sốt vỡ da cần thiết” mang tính tích cực thì thực chất lại là một căn bệnh trầm kha chẳng những chưa thể cứu chữa mà còn ngấm ngầm di căn lan rộng ngày càng nghiêm trọng với nguy cơ dẫn đến thối rữa và mục ruỗng ?

Ai cũng có thể thấy, vụ Tiên Lãng xảy ra, tuy bất ngờ, không ai muốn, nhưng lại như một minh họa đầy sức nặng cho lời phát biểu của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay nhân dịp khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (ngày 26-12-2011) : “Chúng ta đã tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ, trưởng thành; song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân… Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp… Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Vì thế điều mà ai cũng đang mong chờ từ vụ Tiên Lãng, sau khi mọi sự thật và bản chất của vụ việc đã và sẽ được phơi bày, đó là nó sẽ mở ra tương lai nào cho dân tộc này ?
*
Trong niềm mong chờ đó từ phiên tòa Tiên Lãng chắc hẳn sẽ diễn ra, tôi nhớ đến phiên tòa xử người nông dân nổi dậy Giắccu trong cuốn tiểu thuyết “Giắccu, người nông dân nổi dậy” (Jacquou, le croquant) của nhà văn Pháp Eugène Le Roy viết năm 1899 lấy cảm hứng từ các sự kiện thực sự diễn ra trong các cuộc nổi dậy ở phía tây nam nước Pháp vào đầu thế kỷ XIX, đã được dựng thành phim và đã được chiếu trong những năm 1980 tại Việt Nam (cuốn tiểu thuyết này sau đó cũng được dịch đăng một phần lớn trên báo CGvDT và sau đó Nhà Xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản toàn văn vào tháng 11-1986). Xin trích giới thiệu lại với Bạn đọc bài biện hộ cho Giắccu của trạng sư Phôngơravơ (Fongrave) trước tòa án sau khi Giắccu và các bạn nổi dậy bị bắt vì tội đốt lâu đài của Bá tước Nănxắc (de Nansac) để chống lại sự hà hiếp của Bá tước này. Một bài biện hộ xuất sắc, thấu tình, đạt lý, và nhờ áp lực của cuộc Cách mạng Tháng Bảy (30-7-1830) tại Paris đánh đổ giai cấp phong kiến và thiết lập nên chế độ quân chủ tư sản diễn ra cùng lúc với phiên tòa, Giắccu được tha bổng :
“Dõi qua lịch sử các thế kỷ, tôi hình như tìm thấy vài vết tích của một nền công lý tiềm ẩn trong các biến cố. Hẳn nhiên đây không phải là nền công lý cao cả và nghiêm minh mà nhân loại ao ước, nhưng đây là một hệ quả báo thù, nghĩa là đàn áp sẽ dẫn đến hận thù, áp bức sẽ đưa đến nổi loạn, bạo lực sẽ kêu gọi bạo lực, và bất công sẽ gây ra việc vi phạm những luật lệ của công lý.”
“Nội vụ đang được trình bày với quý ngài chỉ là một giai đoạn trong cả một chuỗi dài nổi dậy của những người nông dân do bị thúc đẩy bởi những đối xử tàn bạo, những ngạo ngược vô cùng, và bởi sự đàn áp thảm khốc nhất…[…]”
Khi được chánh án nhắc nhở không được tìm hiểu nguồn gốc gia tài của Bá tước Nănxắc, trạng sư Phônggơravơ nói : “… Tôi hoàn toàn nhìn nhận nguyên tắc quyền sở hữu phải được tôn trọng… Do đó tôi tôn trọng cái gia tài mà người nông dân chân chính và cần cù gây dựng được, và tôi cũng tôn trọng loại của cải là kết quả cụ thể của lao động. Nhưng khi một gia sản được xây dựng trên sự thiệt hại chung, khi của cải kiếm ra là nhờ lừa bịp, thì với tư cách là người và là trạng sư, tôi có quyền bêu riếu và khinh bỉ nó.”
Tiếp đó, sau khi trưng ra những cơ cực, những bạo ngược mà người dân quê sống xung quanh lâu đài bá tước phải chịu đựng, ông trạng sư kêu lên :
“Đấy, thế mà chúng ta đang sống vào thời 40 năm sau bản Tuyên ngôn Nhân quyền ! Và bây giờ, thưa các ngài, những người nông dân sống xung quanh Bá tước Nănxắc cứ phải chịu đựng mãi sao ? Họ đã biết nói : “Không ! […]”
“Thưa các ngài, chẳng có gì ngạc nhiên khi công lý và lòng nhân đạo bị chà đạp và xúc phạm như thế, thì nông dân sẽ nổi dậy và xét xử những kẻ thủ phạm ! May mắn là, trong nội vụ này, họ dừng lại ở những hành động trả thù về mặt vật chất !”
“Nếu tra cứu lịch sử, chúng ta thấy rằng, cho đến cuộc Cách mạng vốn như là một sự tổng hợp, tất cả các cuộc nổi dậy của nhân dân đều xuất phát từ các chế độ bạo chúa của những người có quyền […]”

Cuối cùng, khi bị ông chánh án yêu cầu kết thúc phần bào chữa, ông trạng sư kết luận :
“Thưa các ngài, tôi xin kết thúc. Cũng giống như những người nổi dậy này, mà tôi còn có thể kể thêm nữa; cũng giống như những con người vô danh trong Lịch sử đã cố gắng, qua nhiều thế kỷ, lật đổ những tai ách đè nặng trên vai mình, hay nói đúng hơn, lật đổ tảng đá của ngôi mộ đang đè phủ mình; cũng giống như tất cả những người khốn khổ đó đã được hậu thế xóa tội, nên những con người này phải được các ngài tuyên trắng án. Những gì họ làm, cha ông họ cũng đã làm. Bị đẩy đến đường cùng bởi những tàn bạo, những áp bức liên tục, những chà đạp nhân phẩm, họ đã nổi dậy. Bởi vì luật pháp chẳng đếm xỉa gì đến họ, bởi vì những người phải bảo vệ họ chống lại những xúc phạm và những bạo ngược đã bỏ rơi họ, bởi vì người ta đã coi họ như là những kẻ sống bên ngoài pháp luật và công lý, tôi xin mạnh mẽ nói rằng tội của họ có thể tha thứ được; tôi còn có thể nói : Họ vô tội ! Họ nghèo khổ, ốm yếu và bị áp bức, họ muốn có được những quyền lợi tự nhiên và nói một cách nào đó, họ là những con vật muốn trở lại làm người : Ai có thể kết án họ ?”
“Thưa các ngài bồi thẩm, tôi tin tưởng giao phó sinh mạng của những bị cáo này vào tay các ngài, chắc rằng vào lúc mà nhân dân thủ đô đã đánh đuổi những kẻ muốn cướp đoạt tất cả mọi thứ tự do của chúng ta, các ngài sẽ trả họ về với gia đình. Giắccu và các bạn của anh ta đã làm ở quy mô nhỏ điều mà nhân dân Paris đã làm; vì thiếu pháp luật, họ phải dùng đến bạo lực để phục vụ cho công lý. Hãy tha bổng họ, thưa các ngài ! Cuộc Cách mạng, toàn thắng ở Paris thì không thể bị kết án ở đây ! Hãy tha bổng họ, và các ngài sẽ thỏa mãn được ước vọng của những người đồng hương của mình, họ sẽ ca tụng các ngài vì đã xử án không phải như là những luật gia lạnh lùng, nhưng như là những con người có quả tim không chai đá trước những gì liên quan đến con người !”
*
Xin giới thiệu, nhưng cũng như muốn gởi gắm một hy vọng, hay mãnh liệt hơn, một niềm tin, không phải chỉ vào một phiên tòa! Bởi vì sự nghiệp cách mạng để giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động, người nghèo… khỏi mọi đàn áp, bóc lột, bất công… đã được thực hiện trên toàn đất nước thống nhất này kể từ ngày 30-4-1975 thì không có lý do gì lại bị chận lại ở Tiên Lãng !

Nguyễn Thanh Long

(Tuần báoCông Giáo và Dân Tộc, số 1843, ngày 3-2-2012, mục Sổ tay hàng tuần, trang 1 và 48 –
Stht 04-2012)

Lời thêm vào của ĐN:
Cần bãi miễn tư cách 2 thẩm phán xét xử vụ Đoàn Văn Vươn ngay lập tức

Cuối cùng thì quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng chính thức bị kết luận là trái pháp luật. Như thế cũng có nghĩa là bản án của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng tuyên bác đơn của ông Đoàn Văn Vươn để cho UBND huyện Tiên Lãng thắng kiện là một bản án trái pháp luật. Đây không phải là một sai sót nghiệp vụ thông thường mà là một sự cố ý ra bản án trái pháp luật. Vì vấn đề trong vụ án nầy rất đơn giản, người bình thường có thể thấy, thẩm phán không thể không nhận ra. Trong trường hợp này, cần xem xét miễn nhiệm tư cách thẩm phán của vị thẩm phán này ngay lập tức (cho đến nay vẫn chưa biết tên vị này). Ngoài ra, có thể xem xét khởi tố hình sự tội “Ra bản án trái pháp luật” theo Điều 295 Bộ luật hình sự (Điều 295: Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm).
Với thẩm phán Ngô Văn Anh của Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng, việc lừa người dân để họ rút đơn kháng cáo là một sự vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức, không xứng đáng là người nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tiếp tục làm việc nữa. Trường hợp này cũng cần xem xét bãi miễn tư cách thẩm phán.

Đồ Nghệ.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

(Dân trí) - Thành phố Hải Phòng vừa phân công ông Đan Đức Hiệp phụ trách tổ công tác xử lý những vấn đề liên quan đến vụ cưỡng chế đầm tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng, thay vì giao cho Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại như trước đó.

Chi tiết bấm xem tại đây!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đồ Nghệ đã viết:
Lời thêm vào của ĐN:
Cần bãi miễn tư cách 2 thẩm phán xét xử vụ Đoàn Văn Vươn ngay lập tức

Cuối cùng thì quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng chính thức bị kết luận là trái pháp luật. Như thế cũng có nghĩa là bản án của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng tuyên bác đơn của ông Đoàn Văn Vươn để cho UBND huyện Tiên Lãng thắng kiện là một bản án trái pháp luật. Đây không phải là một sai sót nghiệp vụ thông thường mà là một sự cố ý ra bản án trái pháp luật. Vì vấn đề trong vụ án nầy rất đơn giản, người bình thường có thể thấy, thẩm phán không thể không nhận ra. Trong trường hợp này, cần xem xét miễn nhiệm tư cách thẩm phán của vị thẩm phán này ngay lập tức (cho đến nay vẫn chưa biết tên vị này). Ngoài ra, có thể xem xét khởi tố hình sự tội “Ra bản án trái pháp luật” theo Điều 295 Bộ luật hình sự (Điều 295: Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm).
Với thẩm phán Ngô Văn Anh của Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng, việc lừa người dân để họ rút đơn kháng cáo là một sự vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức, không xứng đáng là người nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tiếp tục làm việc nữa. Trường hợp này cũng cần xem xét bãi miễn tư cách thẩm phán.

Đồ Nghệ.
Nếu tôi có thể có quyền...

Nếu tôi có thể có quyền
Tôi xin cách chức vụ liền một thôi
Sau cùng tôi cách chức tôi
Về nhà học vợ làm người thường dân.

Sống cho ngay thẳng một lần
Chết đi mới được thành phân bón đời!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tiên Lãng và cơ hội đổi mới quản lý công chức

Bài đăng trên VietNamNet Cập nhật 13/02/2012 06:05:00 AM (GMT+7)

Vụ Tiên Lãng cho thấy bộ máy quản lý rất đông nhưng kém hiệu quả, một bộ phận công chức tha hóa đang lũng đoạn chính sách và luật pháp.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/02/12/22/20120212222928_0.jpg
Lãnh đạo TP Hải Phòng và một số bộ, ban ngành tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì
chiều 10/2 về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng. Ảnh: Chinhphu.vn



Trong vụ Tiên Lãng, sai phạm được câu kết từ chính quyền cấp xã đến cấp huyện, được sự che chắn của cấp thành phố, sự đồng lõa giữa chính quyền với tòa án. Các tổ chức dân bầu từ HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đến các đoàn thể xã hội có rất nhiều nhưng im hơi lặng tiếng dù cho hàng ngàn bài báo đã lên tiếng.

Thực trạng đó cho thấy sự thật là bộ máy quản lý của chúng ta rất đông nhưng yếu kém về hiệu quả. Một bộ phận công chức đã bị tha hóa mà dân gọi là “cường hào mới”, đang lũng đoạn chính sách và luật pháp của nhà nước. Những thiệt hại của dân trong lĩnh vực đất đai dễ thấy, dễ tính ra bằng tiền, nhưng còn những thiệt hại vô hình khác về thời gian do giao thông ách tắc, do phải đi lại nhiều ngày mới được việc khi đến công sở, thiếu tin tưởng để an tâm đầu tư, thậm chí mất cơ hội làm ăn... thì khó mà đo đếm được. Song rõ ràng nó để lại di chứng không dễ khắc phục.

Xử lý nghiêm các vi phạm nhiều mặt của chính quyền địa phương qua vụ Tiên Lãng là đòi hỏi cấp thiết có ý nghĩa chính trị để bước đầu lấy lại niềm tin của người dân. Kết luận của Thủ tướng về vụ việc Tiên Lãng là hợp lòng dân. Song để rút các ngòi nổ đang tiềm ẩn ở nhiều nơi, một yêu cầu vừa cơ bản vừa cấp thiết đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung luật và xây dựng lại đội ngũ công bộc của dân.

Thực tế ghi nhận những năm 1990, Chính phủ đã thực lòng cam kết cải cách hành chính (CCHC). Thế hệ công chức những năm đầu đổi mới kinh tế khá nghiêm túc trong học tập và trong công vụ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Những nỗ lực đó đã tạo nền tảng cho tiến bộ về thể chế kinh tế, mở đường cho tăng trưởng ngoạn mục trong điều kiện Việt Nam còn bị cấm vận, khai mở con đường hội nhập kinh tế thế giới.

Song khoảng mươi năm gần đây, CCHC có thể nói là mất đà, tụt dốc. Hệ lụy là kinh tế giảm tăng trưởng, lạm phát bị xếp hạng cao nhất châu Á, môi trường ô nhiễm, tài nguyên đang cạn kiệt, giáo dục xuống cấp. Thực tiễn thành công và chưa thành công đã cho thấy: luôn có sự song hành giữa kinh tế - xã hội và hành chính, trong đó hành chính có vai trò tích cực hay là trở ngại trong thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hiện nay, đội ngũ công chức không chỉ sa sút về chuyên môn mà còn xuống cấp về đạo đức. Báo chí đã nêu nhiều vụ việc cho thấy sự tha hóa của công chức. Song có lẽ đó mới là phần nổi của tảng băng. Nhiều công chức hạn chế về hiểu biết chung đã đành, mà chuyên môn và kỹ năng quản lý cũng yếu kém.

Riêng việc ban hành văn bản hành chính đã bộc lộ hàng loạt yếu kém và ẩn giấu động cơ vụ lợi. Mức thấp là sai về ngữ pháp, không đúng giữa tên của văn bản với nội dung bên trong, mức cao là sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa tầng tầng lớp lớp văn bản cụ thể hóa luật của các cơ quan hành chính mà điển hình là luật Đất đai với 200 văn bản hướng dẫn thi hành. Ngay cả khi các quy định trong quản lý đất đai đã có cũng bị nhiều công chức bóp méo hoặc bỏ qua thực thi. Như Tiên Lãng đã không có dự án sau thu hồi đất, không lập hội đồng đền bù, không thực hiện thỏa thuận với dân…

Nhiều công chức tiếp dân không giả dối, hách dịch thì cũng lươn khươn, vô cảm. Số người tận tụy với công việc đang mai một. Ai cũng thấy cơ chế quản lý có nhiều lỗ thủng song lại chưa thấy chính đội ngũ công chức là nhóm người can dự trách nhiệm rất lớn trong dự thảo luật, trong thực thi luật thông qua ban hành các văn bản dưới luật và tổ chức thực thi chúng. Đội ngũ này đang bị tha hóa bởi nhiều nguyên nhân, mà trực tiếp là 3 nguyên nhân sau:

- Do tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức không được coi trọng trong nhiều năm qua. Chuẩn mực của nghề này bị suy giảm dần, nhất là trong quản lý đất đai và thuế khóa. Đặc biệt những năm gần đây, số người từ các đoàn thể chính trị - xã hội… luân chuyển - nghĩa là được bổ nhiệm thẳng ngay vào các cơ quan hành chính khá nhiều và thường được bố trí ở những vị trí quan trọng. Diễn biến này ảnh hưởng xấu đến tính chuyên nghiệp của hành chính, nhất là khi họ được ngồi ở vị trí lãnh đạo các sở chuyên ngành. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn, họ vô tình hay hữu ý “bẻ ghi” các hoạt động vốn đòi hỏi sự chuyên sâu về nghiệp vụ và kỹ năng quản lý.

Nên có nghiên cứu xem hiện nay tỷ lệ “luân chuyển” từ ngoài vào hành chính chiếm bao nhiêu % trong đội ngũ công chức và đã ảnh hưởng ra sao đến tính chuyên nghiệp của nghề công chức. Bởi đây là nghề đòi hỏi tính hợp pháp và hợp đạo lý trong thực thi pháp luật. Một quyết định hành chính sẽ không khả thi khi lợi ích công cộng lại nhỏ hơn sự thiệt hại của dân. Thậm chí nếu nó chỉ mang lại lợi ích cho nhóm nhỏ có quyền và có tiền thì lại càng không thể chấp nhận được.

- Nhiều năm qua, ngành nội vụ nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng chưa được đặt đúng tầm. Tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu thường chú tâm chất vấn các bộ liên quan đến quản lý kinh tế, việc làm, giao thông, y tế, giáo dục mà ít thấy sự yếu kém của Bộ Nội vụ trong quản lý chất lượng đội ngũ công chức. Tiểu sử các ông quan “cờ” ở Sóc Trăng cho thấy học vấn của họ thấp nhưng được cất nhắc nhanh chóng. Nếu không vỡ lở vụ đánh cờ bạc tỷ sẽ không lộ ra sự lỏng lẻo chuẩn mực trong bổ nhiệm công chức. Nếu các bộ và chính quyền địa phương yếu kém, trước hết nên xem xét trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong quản lý công chức thông qua trách nhiệm xây dựng chiến lược và quy hoạch đội ngũ công chức, đặc biệt trong giám sát chuẩn mực nghề nghiệp khi tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ lương và kỷ luật công chức trong các cơ quan công quyền.

- Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chưa rõ ràng. Nhiều người đòi được toàn quyền song lại không thấy đòi phải được quy trách nhiệm.

Nếu nhận thức rằng muốn tái cơ cấu kinh tế, ổn định xã hội, trước hết phải CCHC thì cần đặt đúng vai trò của Bộ Nội vụ. Nên chăng bắt đầu từ việc củng cố đội ngũ công chức ngành nội vụ. Cơ cấu lại ngân quỹ tiền lương và có chính sách khác để các đoàn thể xã hội phát huy được vai trò của họ. Việc làm này vừa giúp cho các đoàn thể đóng được vai trò của họ và cải thiện tiền lương công chức.

Ai cũng biết yếu kém về chuyên môn còn bồi lên được, hỏng về thái độ, về động cơ thì rất khó cải thiện. Chúng ta đang cần sự cam kết chính trị thật lòng củng cố đội ngũ công chức.

Nguyễn Thu Linh
(Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Tuấn Khỉ đã viết:
letam đã viết:
 
Để xem hồi sau như thế nào. Đừng để xử lý theo hướng tự nhận do trình độ yếu kém. Thực chất là các quan tham nhũng với nhau. Đây là nguyên nhân cơ bản, chắc chắn thế.
Sống Dần

Nguyên nhân ta chẳng biết đâu
Có khi nó ở xa sâu vô cùng.
Bới lên sợ lộn lung tung
Thôi thì hãy cứ chung chung tạm thời.
Sống dần cho đến hết đời
Bao nhiêu mặc kệ tương lai sau này.
Viết dăm ba chữ hôm nay
Đêm nằm ngẫm thấy hay hay ngủ khì.
Anh Vươn chống lại chính quyền, tội khi quân (!)
Các vị lãnh đạo giải quyết trăm công ngàn việc, sơ suất là điều không thể tránh khỏi, nên kiểm điểm và rút kinh nghiệm(!)
!!!!!!!!!!!!

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vận dụng tình tiết giảm nhẹ ở vụ Tiên Lãng như thế nào?

Bài đăng trên Thanh Niên Online 13/02/2012 3:06

Trong kết luận về vụ Tiên Lãng, Thủ tướng có kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND H.Tiên Lãng. Vậy xin quý báo cho biết, với tội danh mà cơ quan điều tra khởi tố trước đó đối với các bị cáo (giết người và chống người thi hành công vụ), cơ quan tố tụng có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ như thế nào? Liệu có thể xử trắng án đối với các bị cáo? (Hoàng Minh Quang, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Luật sư Phan Trung Hoài - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam - trả lời: Một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng là kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hải Phòng xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi đưa vụ án "giết người, chống người thi hành công vụ” ra xét xử. Về mặt pháp lý, những tình tiết giảm nhẹ có thể bao gồm: Điểm (đ) “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”; điểm (p) “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thuộc khoản 1 điều 46 bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS). Đồng thời, có thể áp dụng tình tiết khác được coi là tình tiết giảm  nhẹ và cần được ghi trong bản án theo quy định tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4.8.2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Tuy nhiên, bản chất các sự kiện, tình tiết pháp lý đã được đánh giá và xem xét trên góc độ pháp lý hoàn toàn mới, trong đó các quyết định thu hồi đất, các bản án hành chính sơ thẩm, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và quyết định cưỡng chế được Thủ tướng kết luận đều là các quyết định không đúng pháp luật. Đến lượt mình, việc tổ chức, huy động lực lượng cưỡng chế tham gia và sử dụng vũ lực nhằm thực hiện quyết định cưỡng chế cũng không hợp pháp. Do đó, theo chúng tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hải Phòng cần mở rộng hướng xem xét toàn diện bối cảnh và nguyên nhân xảy ra vụ án, động cơ, mục đích và hành vi vi phạm của các bị can để có đường lối xử lý trách nhiệm hình sự phù hợp.

Cần xem xét về tính hợp pháp của việc tổ chức đoàn cưỡng chế, nhận thức và hành vi của các bị can nhằm chống trả, gây thương vong một số thành viên trong đoàn cưỡng chế có hội đủ các dấu hiệu đặc trưng của tội danh "giết người, chống người thi hành công vụ” hay không. Rõ ràng, bối cảnh vụ án hiện nay đang trong giai đoạn tiến hành điều tra, nhưng dưới ánh sáng mới từ kết luận của Thủ tướng coi quyết định cưỡng chế và việc tổ chức đoàn cưỡng chế là không hợp pháp, có thể coi đây là “sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Trong trường hợp này, có thể mạnh dạn xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho các bị can theo quy định tại khoản 1 điều 25 bộ luật Hình sự năm 1999.

T.T.Bình
(thực hiện)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đưa chuyện đổi giờ học vào đề kiểm tra lớp 10

Bài đăng trên VietNamNet 13/02/2012 06:28:00 AM (GMT+7)

- Đề bài kiểm tra yêu cầu học sinh lớp 10 của một trường THPT tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nêu quan điểm và suy nghĩ về việc đổi giờ học. Không chỉ bày tỏ bức xúc, có em còn thẳng thắn “đây là quy định coi chúng em là “chuột bạch trong thí nghiệm”.

Phân tích

Một ngày sau khi Hà Nội thực hiện việc đổi lịch học mới, trong tiết học Giáo dục công dân của học sinh lớp 10 một trường THPT thuộc quận Hoàn Kiếm, cô giáo đã cho học sinh được thể hiện quan điểm về việc này.

Gần 30 bài viết, có bài chỉ là những gạch đầu dòng, một câu chuyện ngăn ngắn, nhưng cũng có em phân tích tỉ mỉ  những khó khăn của bản thân và gia đình khi thực hiện quyết định này và tỏ ý không ủng hộ.

Từ chuyện giờ học dở dang, vào lúc 14h30, kết thúc sau 19h, mùa hè nắng, mùa đông thì quá lạnh đến chuyện đói bụng rồi những nguy hiểm có thể xảy ra với bạn nhà xa, một học sinh lấy ví dụ từ chính nỗi khổ mà giáo viên dạy Toán của lớp em để làm minh chứng cho bài viết:

“5h sáng dậy đi chợ, nấu cơm, đưa con đi học. 6h15 nhanh chóng đến trường để 6h30 có mặt ở trường chuẩn bị 7h dạy. Sau đó là 11h30 tan, về nhà thì ngại mà ở trường lại mệt, lại còn dạy thêm nên không biết phải làm thế nào đành phải mang cặp lồng cơm đi dạy để ăn. Học sinh học buổi sáng cũng mang luôn cơm để ăn rồi học thêm luôn.

Sau 19h, giáo viên đi về, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ tắm rửa rồi đến 23h vào bàn soạn giáo án nhanh chóng để 1h30 đi ngủ rồi 5h sáng lại dậy! Cứ như thế, như thế!...”

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/02/12/16/20120212161230_11.jpg
Tiết học muộn của học sinh Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa). Ảnh: Văn Chung



Một học sinh khác đưa thêm lí do: “Gia đình nào bận bịu mà không có điều kiện cho con cái lái xe riêng hay cho đi xe ôm thì đúng là vấn đề đau đầu”.

Em khác lại nêu khó khăn nảy sinh: “Học sinh ngày nay ai cũng phải đến những lò luyện thi, những lớp học thêm vào buổi tối. Đối với những học sinh ca chiều, phải học đến 19h thì sẽ rất khó khăn để tiếp tục học thêm. Hãy thử tưởng tượng mà xem, học sinh phải học đến 19h tối thì làm sao có thể đến lớp học thêm để học tiếp được, nếu học thì có lẽ đến 22h mới về nhà được. Việc này sẽ rất nguy hiểm và bất tiện cho học sinh và gia đình họ”.

“Chưa kể học sáng phải dậy rõ sớm đi học →mệt, không được ngủ bù →tiếp thu bài không hiệu quả, không kịp ăn sáng →thường xuyên phải ăn sáng ở ngoài →tốn tiền chi tiêu” – một em khác phân tích.

Không giảm được ách tắc

Từ góc nhìn và trải nghiệm của bản thân, nhiều học sinh cho rằng việc đổi lịch học sẽ không giảm được ùn tắc giao thông.

L.Q.T cho rằng: “Giờ học và giờ làm của học sinh và bố mẹ chênh lệch nhau làm việc sinh hoạt gia đình rất bất tiện. Ngoài ra, đến giờ tan học, bố mẹ lại tụ tập trước cổng trường đón con, điều này vẫn dẫn đến ách tắc giao thông”.

Vẫn với cách phân tích kiểu toán học, L.U.M đưa ra suy nghĩ: “Trường hợp các trường gần nhau cùng tan một giờ vẫn gây ra ùn tắc, mất trật tự giao thông→chưa triệt để”.

“Vào buổi đầu tiên thay đổi giờ học, em vẫn không thấy được giao thông giảm ách tắc. Buổi tối không thể học thêm hay khó làm bài tập về nhà vì 19h mới được tan học” – học sinh L.M.N ghi ngắn gọn trong bài của mình.

Là “chuột bạch thí nghiệm”

“Em chỉ là một học sinh bình thường nhưng theo em nghĩ việc đổi giờ học cho học sinh lệch với giờ di làm của cán bộ công nhân viên chức là một quyết định mang tính chất coi chúng em là học sinh nói riêng hay công dân thành phố nói chung là “chuột bạch thí nghiệm”.

Bất cứ vấn đề gì cần đưa ra thử thì chúng em đều là những người áp dụng và thực thi mệnh lệnh: từ việc cải cách sách giáo khoa cho học sinh, từ việc cấm học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi quy định để giảm tai nạn giao thông....Cho đến bây giờ là việc thay đổi giờ học để giảm ách tắc giao thông trong giờ cao điểm” – T.H.A bức xúc viết trong bài của mình.

Cũng trong bài của T.H.A có đoạn: “Tuy chỉ là mọt học sinh, em chưa tìm được biện pháp giải quyết nào cho giao thông của thành phố nhưng: nếu không tắc vào giờ này thì đường cũng tắc vào giờ khác, giờ cao điểm không ở giờ này thì nó cũng vào giờ khác”.

Đồng quan điểm, N.H.A cho rằng: “Việc tắc đường là do cơ sở vật chất và ý thức người dân. Vậy cớ sao lại liên quan đến ngành giáo dục? Cơ sở vật chất xuống cấp quá tải thì đã đành, những tại sao ý thức người dân không thay đổi? Sao không chịu khó tìm cách thay đổi ý thức người dân, thay đổi thiếu xót trong giao thông? Sao lại cứ xuề xòa rồi bê nguyên trách nhiệm của mình bằng việc thay đổi giờ học một cách vô lí như vậy?

Chưa biết hiệu quả thế nào nhưng đã thấy bao hậu quả. Tại sao không đưa việc thay đổi giờ học ra hỏi ý kiến học sinh mà tự quyết định. Rồi người chịu ảnh hưởng cũng là chính là học sinh. Thế có gọi là bất công không ạ?”

Cuối bài viết T.H.A mong mỏi: “Xin hãy xem xét và nghĩ cho chúng em một chút, dù chỉ là một chút thôi, hiểu được cho chúng em về việc điều chỉnh giờ học”.

Đã đọc các bài viết, giáo viên - Bí thư đoàn trường chia sẻ tâm sự một cách ngắn gọn: “Âu đó cũng là những lời cô và trò đều muốn nói thôi. Hà Nội đã đẩy lịch học tan sớm hơn 1 tiếng (từ sau 19h đến sau 18h). Dẫu vậy, mình vẫn mong trở lại lịch học như cũ (tan sau 17h15) hơn”.

Phong Đăng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vụ án Nọc Nạn

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Vụ án Nọc Nạn (tiếng Pháp: l’Affaire de Phong Thanh) - tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào ác bá và quan chức chính quyền thực dân Pháp cùng tham quan Nam triều. Vụ án gây thiệt mạng 5 người, là một ví dụ điển hình của chính sách phân chia và quản lý ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp, sau này, được chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với chính quyền thực dân Pháp.

Diễn tiến vụ việc

Nhà Hương chánh Luông khẩn đất

Trước 1900, một nông dân đến khai phá khu rừng ở rạch Nọc Nạn, được 73 ha. Năm 1908, nông dân này chết, để lại đất cho con là Hương chánh Luông. Khi khai phá, Bạc Liêu còn hẻo lánh, việc đo đạc ruộng đất, lập bản đồ đất đai chậm trễ hơn so với các tỉnh khác ở Nam Kỳ.

Năm 1910, Hương chánh Luông chính thức làm đơn xin khẩn 20 ha đất, chịu đóng thuế trên diện tích này, được chính quyền chấp nhận bằng văn bản. Năm 1912, gia đình Luông lại làm đơn xin đo đạc và cấp bằng khoán (giấy chứng nhận sở hữu đất) chính thức cho toàn bộ diện tích đất canh tác 73 ha. Chủ tỉnh Bạc Liêu chấp thuận, trao cho Luông bản đồ phần đất.

Năm 1916, Tăng Văn Đ. kiện lên chủ tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu không cấp đất cho Luông, với lý do Đ. cũng góp sức khẩn hoang. Nhà chức trách xử Đ. thua kiện, vẫn cấp giấy tờ đất cho Luông, nhưng cắt 4,5 ha cho Đ.. Luông được cấp tờ bằng khoán tạm số 303 đề ngày 7 tháng 8 năm 1916.

Bóng đen Hoa kiều Mã Ngân

Luông qua đời, người con trai cả là Biện Toại thừa kế phần đất trên. Năm 1917, Hoa kiều giàu khét tiếng Bạc Liêu là Mã Ngân, thường gọi là Bang Tắc, muốn tranh chiếm đất đai nhà Biện Toại. Là người rành rẽ luật lệ, Bang Tắc mua lại phần đất giáp ranh Biện Toại của bà Nguyễn Thị Dương, nhưng trong hợp đồng ghi bán phần đất với ranh giới, bao trùm luôn khoảnh đất anh em Biện Toại đang sử dụng. Bang Tắc biết rõ đất của nhà Biện Toại mới chỉ có bằng khoán tạm.

Tranh chấp đất nổ ra, hai phía thưa kiện nhau bốn lần lên chủ tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam Kỳ, lên cả Toàn quyền Đông Dương. Năm 1919, Bang Tắc sai tá điền đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu của Biện Toại để dằn mặt. Anh em Biện Toại không phản kháng, chờ nhà chức trách phân xử. Viên quan phủ H. ở quận Giá Rai, theo dư luận nghi ngờ, đã nhận tiền của Bang Tắc, yêu cầu chia đôi phần đất: Biện Toại một nửa, Bang Tắc một nửa.

Cũng năm 1919, quan phủ Ngô Văn H. được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng phái viên (commission administrative), có trách nhiệm khảo sát đất đai, chính thức cấp bằng khoán đất ở làng Phong Thạnh. Hội đồng này xác nhận phần đất của gia đình Biện Toại thuộc về Nguyễn Thị Dương, và nay là của Bang Tắc.

Ngày 13 tháng 4 năm 1926, Thống đốc Nam Kỳ ký Nghị định bán sở đất 50 ha trên phần đất của Biện Toại với giá 5.000 đồng cho Bang Tắc. Đến đây, chính quyền chính thức công nhận phần đất mà gia đình Biện Toại đã hai đời khai thác và sử dụng là của Bang Tắc. Anh em Biện Toại vô cùng căm phẫn, chống đối ra mặt. Bang Tắc không dám làm to chuyện, bèn bán sở đất 50 ha cho một người rất quyền lực: bà Hà Thị Tr., mẹ vợ anh ruột quan phủ H.

Bà Hà Thị Tr (mẹ vợ anh ruột quan phủ H) thả câu nước đục.

Bà Tr. bắt đầu đòi anh em Biện Toại phải nộp địa tô, coi họ như tá điền trên chính phần đất họ đã khai khẩn. Ngày 6 tháng 12 năm 1927, bà Tr. xin được án lệnh của tòa, cho phép tịch thu tất cả lúa của anh em Biện Toại. Ngày 13 tháng 2 năm 1928, lính mã tà gặp anh em Biện Toại để thực thi lệnh tịch thu lúa, anh em Biện Toại kháng cự. Ngày hôm sau, mã tà lại tới, anh em Biện Toại lại kháng cự, lính mã tà phải rút.

Trước thái độ cứng rắn của anh em Biện Toại, hương chức làng đã tự ý bắt giữ bà hương chánh Luông (mẹ Biện Toại) trong 24 giờ. Thương mẹ, Biện Toại hứa không kháng cự. Bà Luông được thả. Tối 14 tháng 2 năm 1928, anh em nhà Biện Toại họp, làm lễ lạy ông bà tổ tiên và bà Luông, gọi là báo hiếu lần chót. Họ trích huyết thề ăn thua, không sợ chết, rút thăm để ông bà chỉ định ai là người hy sinh đầu tiên. Lần đầu, cô em gái tên Trọng rút được thăm. Anh em yêu cầu bốc lại. Lần thứ hai, Trọng vẫn rút được thăm. Cô nói: “Ông bà đã dạy, em xin liều chết!”

Thảm kịch đồng Nọc Nạn

Sáng 16 tháng 2 năm 1928, khoảng 7g, hai viên cò Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Đến gần đống lúa, Tournier yêu cầu hương chức làng mời một người trong gia đình ra chứng kiến. Mười lăm phút sau, cô Nguyễn Thị Trọng, em gái Biện Toại đi ra, dắt theo một bé gái 14 tuổi, tên là Tư. Tournier đuổi Trọng, vì cho cô là phụ nữ và còn nhỏ tuổi, không thể chứng kiến việc đong lúa. Trọng không đi, còn yêu cầu đong lúa xong phải ghi biên nhận.

Tournier từ chối, tát tai Trọng. Cô lập tức rút ra cây dao nhỏ. Tournier đập báng súng, làm cô ngất đi. Bouzou tước dao khỏi tay Trọng. Trong lúc lấy dao, ông này bị một vết thương nhỏ không đáng kể ở tay. Đứa cháu tên Tư bèn chạy về cấp báo. Anh em Biện Toại từ nhà chạy ra, mang theo dao mác gậy gộc. Họ chia thành hai tốp, tốp đầu do Mười Chức, em ruột Biện Toại, dẫn đầu. Tốp thứ nhì do bà Nghĩa (vợ Mười Chức) dẫn đầu, tổng cộng năm đàn ông, năm phụ nữ. Tournier ra lệnh cho lính chuẩn bị ứng phó, bắn chỉ thiên, nhưng Mười Chức không dừng lại. Tournier bèn bắn Mười Chức. Bị thương nặng, nhưng Mười Chức vẫn gắng nhào đến đâm lưỡi mác trúng bụng Tournier, rồi mới ngã xuống.

Bạo lực trở nên không thể kiểm soát. Bouzou rút súng bắn bị thương nặng bốn người phía Biện Toại. Hết đạn, Bouzou lại lấy súng của Tournier bắn tiếp, làm nhiều người thương vong. Sáng hôm đó, Mười Chức và vợ đang mang thai (bà Nghĩa), một người anh tên Nhẫn, đều chết. Nhịn, Liễu (hai em Mười Chức) bị thương nặng. Ba ngày sau, Nhịn chết tại bệnh viện. Về phía nhà cầm quyền, Tournier thiệt mạng ngày 17 tháng 2 tại bệnh viện Bạc Liêu.

Phiên tòa

Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco, theo lời nhờ của nhà báo Lê Trung Nghĩa.

Diễn biến phiên tòa

Ông phủ Tâm, viên chức phụ trách đất đai tỉnh Bạc Liêu, nói giấy tờ lưu trong sổ bộ của nhà chức trách về tờ biên lai cấp đất cho hương chánh Luông năm 1910 đã bị mất cắp. Điều này gây ra nghi ngờ có khả năng hồ sơ trong văn khố cũ bị thủ tiêu, có lợi cho những kẻ cường hào.

Hương thân làng Phong Thạnh Hồ Văn Hi xác nhận Tournier nổ súng trước. Mười Chức đâm Tournier sau khi trúng đạn.

Lâm Văn Kiết, thành viên Hội đồng phái viên, xác nhận phần đất do Hương chánh Luông và con là Biện Toại khai khẩn trước. Công tố viên nói ông Kiết không dám cãi cấp trên của mình là tri phủ H., người theo phe bang Tắc và là chủ tịch Hội đồng phái viên.

Tri phủ Ngô Văn H. cho rằng vấn đề đất đai quá phức tạp, mất thì giờ, nên ông đã buông xuôi. Công tố viên rất giận dữ, cho rằng lề lối làm việc của ông H. quá bừa bãi, không thể viện lý do mất thì giờ mà không phân xử rạch ròi. Bị luật sư chất vấn, ông H. thú nhận anh ruột của ông có hùn vốn làm ăn với Bang Tắc. Sau vụ án, ông H. bị bãi chức tri phủ.

Bang Tắc ra làm chứng, nói không hối hận gì. Viên hội thẩm bức xúc: “Dân chúng nói đáng lý ra ông phải chết thay cho viên cò Tournier”.

Trước khi buộc tội, công tố viên Moreau đề nghị tòa thận trọng, nhắc lại vụ án Ninh Thạnh Lợi năm 1927. Ông cho rằng vụ này chứng tỏ bất ổn xã hội về đất đai đang gia tăng hết sức nghiêm trọng. Ông nói tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur) đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Moreau đề nghị tòa tha bổng Biện Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con là Tia, giảm nhẹ cho cô Trọng và Miều (em rể Biện Toại, chồng Liễu).

Biện hộ của luật sư

Luật sư Tricon nhận định nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa. Ông cho rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế, những người trong Hội đồng phái viên chỉ ngồi một chỗ, chưa hề bước ra sở đất mà họ xem xét, chỉ quyết định dựa trên báo cáo.

Luật sư Tricon ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại: họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý, nói: Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur).

Luật sư Zévaco ca ngợi lời buộc tội của công tố viên, cho rằng chính sách của nhà nước thì tốt, nhưng người thừa hành xấu đã làm cho chính sách trở nên xấu đối với dân chúng. Zévaco nói nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo và vạch rõ hành động của cặp bài trùng Bang Tắc-tri phủ H. đã dẫn đến tấn thảm kịch Nọc Nạn.

Luật sư Zévaco xin tòa tha thứ cho các bị can, nói: Lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó.

Án tuyên

Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trọng, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì có tiền án ăn trộm.

Làn sóng công luận

Báo chí Sài Gòn bấy giờ đua nhau phản ánh vụ Nọc Nạn. Nhà báo xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, kể cả giới thực dân, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ bị áp bức quá lộ liễu. Họ là những tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đưa họ đến đường cùng.

Các phong trào yêu nước bấy giờ đang sôi nổi. Hai năm trước (1926) vừa xảy ra đám tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Đảng Lập hiến của ông Bùi Quang Chiêu cũng vừa ra đời. Dù theo chủ trương Pháp-Việt đề huề, ông Bùi Quang Chiêu chính là người chủ trương tờ báo tiếng Pháp La Tribune Indochinoise. Phóng viên báo này, Lê Trung Nghĩa, là người đã nhờ hai luật sư Tricon và Zévacon biện hộ cho gia đình Biện Toại.

Tại phiên tòa, trừ tờ La Dépâche l’Indochine, tất cả báo chí Sài Gòn đều có mặt: L’Écho Annamite, Đông Pháp thời báo, L’Impartial, l’Opinion, Le Courrier Saigonnais, Le Phare, La Tribune Indochinoise.

Sau phiên tòa, các nhân sĩ và đồng bào ở Phong Thạnh như các ông Huỳnh Minh Trí, Nguyễn Duy Biện, Nguyễn Viết Trọng ở Giá Rai, Bùi Văn Túc ở Long Điền, làm tiệc cảm ơn hai vị luật sư và các nhà báo Pháp và Việt, theo truyền thống trung hậu và hào hoa cố hữu của người Bạc Liêu. Bà Hương chánh Luông cũng tham dự buổi tiệc này.

Dư âm Nọc Nạn

Trong các tác phẩm văn nghệ

Vụ án Nọc Nạn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn nghệ sau này

   Bài vè Nọc Nạn, được dân gian sáng tác sau vụ án không lâu
   Vở cải lương Máu thắm đồng Nọc Nạn của tác giả Phạm Ngọc Truyền
   Phim truyền hình năm tập Đồng Nọc Nạn, đạo diễn Trần Vịnh, kịch bản Chu Lai, nhà sản xuất Đài truyền hình Bạc Liêu năm 2004
   Bộ phim truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam, do TFS sản xuất năm 1997, cũng có đề cập đến vụ án Nọc Nạn trong một tập phim.

Di tích cấp quốc gia Nọc Nạn

Di tích Nọc Nạn, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam, hiện ở ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Di tích gồm hai phần: sân phơi lúa và khu mộ ông bà Tám Luông (Hương chánh Luông), cách nhau khoảng 300 m. Sau khi song thân mất, anh em ông Biện Toại đắp một nền mộ rộng khoảng 700 m2, cao 50 cm để an táng và xây nhà mồ. Sau sự kiện Nọc Nạn, những người thiệt mạng được chôn rải rác gần đó, đến năm 1963 được quy tập về khu mộ. Những người anh em ông Mười Chức mất sau này cũng được an táng tại đó.

Hiện nay, Bảo tàng Bạc Liêu còn lưu giữ ảnh những người đã bị giết trong vụ Nọc Nạn và những người tham gia cuộc đấu tranh của anh em Biện Toại. Ngoài ra còn có ảnh chân dung các luật sư biện hộ cho gia đình nạn nhân. Nhà nước Việt Nam đã đầu tư trùng tu và mở rộng khu di tích lên khoảng 3 ha, gồm các hạng mục khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và binh lính chính quyền, với kích thước người thật.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Tuấn Khỉ đã viết:
(Dân trí) - Thành phố Hải Phòng vừa phân công ông Đan Đức Hiệp phụ trách tổ công tác xử lý những vấn đề liên quan đến vụ cưỡng chế đầm tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng, thay vì giao cho Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại như trước đó.

Chi tiết bấm xem tại đây!
 
Bị la ó quá nên phải thay. Ông nào thì cũng thế thôi, bởi với bộ máy như vậy nếu có ông nào đi lề trái thì đã bị xe tông chết từ lâu rồi.
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

letam đã viết:
Tuấn Khỉ đã viết:
(Dân trí) - Thành phố Hải Phòng vừa phân công ông Đan Đức Hiệp phụ trách tổ công tác xử lý những vấn đề liên quan đến vụ cưỡng chế đầm tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng, thay vì giao cho Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại như trước đó.

Chi tiết bấm xem tại đây!
 
Bị la ó quá nên phải thay. Ông nào thì cũng thế thôi, bởi với bộ máy như vậy nếu có ông nào đi lề trái thì đã bị xe tông chết từ lâu rồi.
Thế làm sao bây giờ? Chẳng lẽ sẽ dần chết hết?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] ... ›Trang sau »Trang cuối