Đọc câu chuyện “Yêu Quan Vân Trường hơn Quang Trung”, chợt nhớ tới bài viết từ rất lâu của tác giả Uông Thái Biểu đăng trên báo Công an Nhân dân và được đăng lại trên
www.vietbao.vn (ngày 05 tháng 10 năm 2005) nay xin được trích lại để mọi người cùng suy ngẫm.
"Thế hệ trẻ dốt sử: Vì đâu nên nỗi?
Nhà sử học Dương Trung Quốc (NSH DTQ) đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng những lời khẳng định: Vấn đề này không có gì mới. Những cảnh báo trong thời gian gần đây thực ra chỉ là sự bộc lộ tiếp theo của quá trình đã diễn ra từ rất nhiều năm trước. Xin dẫn lại một vài thông tin để minh chứng cho điều tôi vừa nhận định.
Năm 1996, trong một cuộc điều tra có chủ đề: “Thanh niên TPHCM trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc”, một kết quả thu lại đã làm cho tất cả mọi người hoảng hốt. Trong số 1.800 em được hỏi có 39% không biết Hùng Vương và 65% không biết Trương Định là ai. Nhưng cũng trong số đó, có đến 85% biết rất rõ về Michael Jackson và 65% thì nhớ chi tiết cuộc đời và sự nghiệp của Madonna...
Quả thật, việc học sử và sự hiểu biết lịch sử của giới trẻ rất đáng báo động và những hồi chuông đã gióng lên từ nhiều năm trước. Những bài thi tuyển sinh về môn lịch sử với nội dung mù mờ và có phần bông phèng như báo chí đã dẫn gần đây chỉ là “nói thêm cho rõ” về thực trạng đó.
Chúng tôi được biết, không chỉ riêng Việt Nam chúng ta mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, sự hiểu biết lịch sử của giới trẻ cũng đang báo động?
Không những học sinh phổ thông mà ngay cả giới sinh viên của nhiều quốc gia cũng hiểu biết rất mù mờ về lịch sử. Năm 1987, Tổ chức Bảo trợ khoa học xã hội và nhân văn ở Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng, 2/3 học sinh năm cuối bậc trung học của quốc gia này, khi kiểm tra đã không xác định được thời gian diễn ra cuộc nội chiến ở chính nước Mỹ.
Có một chuyện nữa, GS Games Loewen khi hỏi các sinh viên giai đoạn hai ngành Xã hội nhân văn của Trường đại học Vermout nơi ông giảng dạy rằng, những phe nào đã tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì có tới 22% trong số sinh viên được hỏi cho câu trả lời hết sức buồn cười: “Đó là Nam và... Bắc Triều Tiên”(?!). Kết quả đó khiến cho vị giáo sư khả kính phải than phiền rằng: “Nếu lịch sử không được giảng dạy tốt, chúng ta sẽ có một xã hội đần độn!”.
Lời cảnh báo của GS G.Loewen cũng như thực trạng của nền giáo dục môn sử đã khiến cho nước Mỹ lo ngại và họ đã tìm cách ứng phó tức thời. Nhiều tiểu bang của Mỹ đã bổ sung một học trình pháp lệnh thêm một năm học thứ ba về môn lịch sử. Năm 1989, chính Tổng thống Mỹ đương thời là G.Bush-cha đã phát thông điệp xác nhận môn lịch sử là một trong những môn học quan trọng của nền giáo dục Mỹ, cùng với toán, văn, vật lý và địa lý...
Tôi nhắc lại những điều đã cũ trên đây để muốn nhấn mạnh thêm, vấn đề chúng ta đang nhắc đến không có gì mới. Chỉ có điều, ở nước ta, sự khắc phục tình trạng đó tỏ ra quá chậm trễ, trong khi với các quốc gia khác, người ta khắc phục nhanh chóng khi phát hiện ra vấn đề.
Trước thực trạng nêu trên, ông có cho rằng giới trẻ đang quay lưng lại với bộ môn lịch sử và điều quan ngại sâu sắc hơn là thờ ơ với quốc sử?
Không, tôi không nghĩ như vậy. Có rất nhiều dữ liệu cần phải diễn giải và nhiều dẫn chứng để khẳng định rằng, giới trẻ không quay lưng lại với bộ môn lịch sử và thờ ơ với lịch sử của dân tộc mình và quá khứ nhân loại. Bằng chứng là toàn xã hội, đặc biệt là giới trẻ, đang có chung làn sóng bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trước hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Lịch sử” đấy, lịch sử của đất nước trong thời chiến tranh giải phóng dân tộc sống động thông qua số phận con người cụ thể với những niềm vui và nỗi buồn có thật...
Thế thì lỗi từ đâu và từ ai, thưa ông?
Đó mới chính là điều mà chúng ta cần phải quan tâm và cùng nhau tìm hướng giải quyết, trong đó có trách nhiệm trực tiếp của giới sử học chúng tôi. Những người làm sử, dạy sử đã mang đến cho lớp trẻ những sản phẩm mà rất có thể là chưa phù hợp về nội dung và hình thức. Điều dễ thấy nhất là chúng ta mang đến cho các em lịch sử qua sách giáo khoa, qua giờ giảng dạy, trong những đề thi và các cuộc chơi những câu hỏi mang nặng tính đánh đố, trong khi đó, ở thời đại thông tin hiện nay, mọi tri thức đều có thể trở nên “bội thực”.
Cần phải nói thêm rằng, có hai phẩm chất để tạo nên sự hấp dẫn của lịch sử, đó là tính chân thực và sự công bằng. Khi đến với lịch sử, tất cả mọi người, trong đó có giới trẻ, đều muốn tìm trong đó cái nghĩa lý ấy. Nói cách khác, đó là tìm cái chất “ngụ ngôn” của lịch sử. Trong khi đó, lịch sử mà ta đã và đang mang đến cho lớp trẻ là một thứ “lịch sử vô nhân xưng” nói về những biểu tượng, những khái niệm nhiều hơn là nói về những con người và số phận của con người, những mốc năm tháng và sự kiện dày đặc, những kết quả bằng số từ khô khan... Tất cả những cái đó đã làm cho lịch sử trở nên xơ cứng, xa lạ và giảm tính hấp dẫn.
Bên cạnh đó, sự phản chiếu của xã hội đương đại, sự tác động của đời sống thực tại cũng có sức chi phối rất lớn đối với giới trẻ khi họ tiếp xúc với bộ môn sử. Làm sao chúng ta có thể hấp dẫn giới trẻ bằng các đạo lý tốt đẹp qua các trang sử khi mà nó trở nên xa lạ với đời thực hàng ngày các em phải chứng kiến.
Chúng ta dạy con em mình phải biết tôn trọng và giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, trong khi nạn xâm hại di tích với động cơ thực dụng, trục lợi chưa được ngăn chặn? Chúng ta dạy con em “đền ơn đáp nghĩa”, “ăn quả nhớ người trồng cây” trong khi biết bao nhiêu người có công chưa được đền đáp?... Vì vậy, những hiện tượng đáng buồn sau kỳ thi về môn sử không chỉ bắt nguồn trong nhà trường, mà còn bắt nguồn từ ngoài xã hội.
Vậy nhận thức của giới lãnh đạo, những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử về vấn đề này như thế nào?
Tôi xin nhắc lại một chuyện cũng đã cũ. Năm 1996, một trong những thành viên của Hội Sử học Việt Nam là Hội Giáo dục lịch sử tổ chức đại hội. Trong đại hội, chúng tôi đã nhận được một lá thư chào mừng của một đồng nghiệp người Đức, Tiến sĩ Rainer Riemenschneider. Trước câu hỏi mà anh đặt ra, tôi xin dẫn lại vài ý trong lá thư của vị đồng nghiệp nêu trên như sự chia sẻ chung một thực tiễn.
Tiến sĩ Rainer viết: “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi việc đều chuyển động nhanh chóng và đi vào chiều sâu. Điều này tạo nên một thách thức đối với các nhà sử học, các nhà nghiên cứu cũng như những nhà giáo dục chúng ta trên thế giới. Bổn phận của chúng ta đối với tất cả mọi người là góp phần bằng bài giảng lịch sử ở mọi cấp học vào việc đào tạo những công dân có trách nhiệm, tự do suy nghĩ, nhạy cảm với những yêu cầu của sự đoàn kết, yêu hòa bình và sự hiểu biết giữa các dân tộc trên thế giới...
Một trong những điều kiện quan trọng nhất là những nhà cầm quyền ở tất cả các nước phải thừa nhận giá trị của nghề nghiệp chúng ta, phải làm cho việc giảng dạy lịch sử trở thành một trong những ưu tiên, trong những nỗ lực của cả dân tộc. Tương lai của nhân loại không thể tách rời khỏi sự hiểu biết và ý thức về bản thân mình, tức là về lịch sử của mình...”.
Cũng xin nói thêm rằng, xét đến tận cùng, lâu nay lịch sử mới chỉ được dùng như một “lợi khí” của những tầm nhìn ngắn mà thôi. Vì thế, giá trị nghề nghiệp của những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử hình như vẫn chưa tương xứng với những chức nghiệp đối với xã hội.
Thực trạng và những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh “dốt sử” đã rõ. Vậy, chúng ta đã làm gì và còn phải làm gì để cho giới trẻ ngày càng học bộ môn lịch sử tốt hơn và yêu nền quốc sử hơn?
Có thể nói rằng, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy việc học sử của giới trẻ bằng nhiều hình thức. Ví như, Nhà xuất bản Giáo dục đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo cải tiến sách giáo khoa môn lịch sử bằng sự tranh thủ cộng tác với các giới chuyên môn cùng các hội nghề nghiệp.
Nhiều nhà xuất bản khác như Kim Đồng, Trẻ... cũng đã đầu tư để làm những bộ tranh truyện công phu và khá thành công. Truyền hình Việt Nam vừa đưa ra một chương trình làm phim hoạt hình khai thác đề tài lịch sử.
Phim truyện lịch sử dẫu chưa thành công nhưng đã thể hiện sự khao khát và lòng mong muốn của các nhà làm phim Việt Nam đối với thể tài này. Các sân chơi có thưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã dành một sự quan tâm đáng kể khi đưa vào nhiều câu hỏi về tri thức lịch sử.
Mới đây, ngày 11/8/2005, Nhà xuất bản Giáo dục đã tổ chức phát động cuộc thi làm sách tranh truyện lịch sử bổ trợ theo chương trình của sách giáo khoa. Đó là những nỗ lực rất đáng được ghi nhận, tuy nhiên, cũng mới chỉ là những bước khởi động tích cực trước một thực trạng đã và đang được báo động..."
TB: 05 năm sau bài viết trên, mọi chuyện vẫn "vũ như cẩn", những sản phẩm văn hoá kiểu như " Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long" xuất hiện ngày càng nhiều. Mà những sản phẩm này hoàn toàn do người nhớn tạo ra (đã có tư vấn từ các chuyên-xờ-gia), vậy lẽ nào ta lại trách tụi trẻ !!?
BQ chứ hổng phải AQ