Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [28] [29] [30] [31] [32] [33] [34] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tomorrow

Đồ Nghệ đã viết:
.

Giật mình nghe học sinh lên mạng kể chuyện đánh nhau


...
Chia sẻ với phóng viên trong vụ việc nữ sinh tại Nghệ An bị đánh hội đồng lần này, rất nhiều độc giả đồng tình rằng, ngoài việc cần có sự quan tâm hơn nữa của gia đình, nhà trường thì các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn hơn nữa mới mong khiến tình trạng này không tái diễn.


Theo Cao Thùy Thơm
Vietnamnet
http://dantri.com.vn/c20/...g-ke-chuyen-danh-nhau.htm
Có lẽ đúng như vậy, bởi Tomorrow biết một câu chuyện có thật tại lớp 11C  trường PTTH Lê Viết Thuật - TP Vinh - Nghệ An (năm 2008), một học sinh nữ của lớp này cũng vì ghen tuông với một bạn nữ của lớp khác cùng trường, đã thuê một đám bạn trai khác trường (còn có thể gọi như một bọn đầu gấu, dân xã hội đen) phóng xe máy đến tận trường túm vào đánh cô bạn gái kia, bảo vệ nhà trường cũng bị doạ đánh, sau vụ việc đó cả trường xôn xao, nhà trường đã quyết định đuổi học nữ học sinh này, được biết sau đó được bố mẹ chuyển cho con vào Nam để tiếp tục học, chẳng lẽ khi xử lý đuổi học là chỉ không cho học ở trường đó thôi sao? tại sao hồ sơ học bạ của học sinh đó vẫn có thể được trường khác cho nhập học, nước ta vẫn có các trường giáo dưỡng đấy thôi. Nhưng... bao giờ cũng vậy...chuyện gì cũng có thể xảy ra, đáng buồn và thật sự đáng lo ngại.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giận! Suýt tí nữa thì bọn tớ đã giận bác Shrek rồi. Bởi vì vào lúc 15:51 ngày 18.9.2010 ở chủ đề này, bác giới thiệu với bọn tớ một đoạn phim Trung Quốc, mà bác lại bảo đấy là phim Lý Công Uẩn gì gì đó. Thế là bác xem thường bọn tớ rồi nhá. Bác tưởng bọn tớ mắt kém à? Nhìn vào thì biết ngay là hàng Tầu, Tầu tuốt luốt từ đầu đến ngón chân cái, chứ không dừng ở "rốn" như bác bảo đâu nhá.

Nhưng thôi, sau đó không giận nữa, bởi vì bác cũng bị nhầm như bao nhiêu người khác thôi. Sở dĩ bọn tớ nói “như bao nhiêu người khác” là vì biết bao nhiêu người khác ở TPHCM này bị nhầm, khi vào dịp kỷ niệm ngày QĐND VN vừa qua, các cơ quan văn hóa đã cho dựng nhiều pa-nô tuyên truyền, nhưng lại lấy ảnh của QĐND TQ gắn vào, rồi “edit” chút xíu.

Nhiều blogger (trong đó có Tomasek) đã nhận ra vụ việc động trời này, nên đăng ảnh để chứng minh:

http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/Xa%20hoi%20va%20cuoc%20song/f1db8d64.jpg


Và một ảnh nữa, chụp tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận ủy và Ủy ban Nhân dân Quận 4:

http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/Xa%20hoi%20va%20cuoc%20song/5dab788d.jpg

Bác Shrek hay vân du đây đó, vậy bác có nhìn thấy pa-nô này tại ngã tư-Phú Nhuận (Tp.HCM) không?

http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/Xa%20hoi%20va%20cuoc%20song/5dfccfc0.jpg

Đấy, nhiều người vẫn bị nhầm lẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam, nên bọn tớ thôi… không giận bác nữa. Hehe.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

cỏ hoang đã viết:

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân nói với BBC:

"Cần cho nó vào trong kho, để đánh dấu rằng trong điện ảnh Việt Nam đã từng có một sự kiện ngu dốt đến như vậy."
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/viet...ietfilm_controversy.shtml
Tôi thì không thích "tồn kho" nên "hoả táng" thì hơn...vì một sự kiện ngu dốt bởi nhiều người ngu dốt.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC”, MỘT SỰ KIỆN “HẬU NHÂN VĂN”



Blog Nguyễn Trọng Tạo: Chỉ vì tập bản thảo thơ Về Kinh Bắc mà cả tác giả (Hoàng Cầm) và người cầm nó (Hoàng Hưng) cùng bị bắt giam tháng 8.1982. Hoàng Cầm 18 tháng, Hoàng Hưng 39 tháng. Đến thời đổi mới, năm 1989, tôi phụ trách xuất bản của Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên xin phép anh Hoàng Cầm in tập thơ này, theo bản chép tay của tác giả, lời tựa của Nguyễn Thụy Kha. Sách đang chuẩn bị đưa in  (với số lượng trên 1 vạn bản) thì nhận được điện tín của Hoàng Cầm có nội dung: “Đề nghị anh Tạo và anh Tường ngừng in VKB – Hoàng”. Tôi nói với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là cứ in, coi như việc đã xong. Anh Tường suy nghĩ rồi nói: “Tiếc quá, nhưng miềng phải tôn trọng anh Cầm thôi”. Tôi đoán chắc anh Hoàng Cầm bị CA dọa. Sau đó, tình cờ tôi gặp nhà thơ CA Lê Hoài Nguyên ở báo Văn Nghệ, anh khuyên tôi chưa nên in, vì trong hồ sơ ông Cầm đã khai nhận là thơ “phản động”. Tôi có nói in để giải oan cho tác giả. Nhưng rốt cuộc kế hoạch đành dang dở…
Bài viết của nhà thơ Hoàng Hưng đã làm sáng tỏ vụ án ngớ ngẩn này.


* * * * * * *



Hoàng Hưng viết:

GẦN ĐÂY TRÊN MẠNG XUẤT HIỆN MỘT SỐ TƯ LIỆU MỚI VỀ PHONG TRÀO NHÂN VĂN – GIAI PHẨM. TIỂU LUẬN MANG TÊN “VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HỌC KHÔNG THÀNH” CỦA NHÀ VĂN LÊ HOÀI NGUYÊN, NGUYÊN ĐẠI TÁ CỤC AN NINH TƯ TƯỞNG VĂN HOÁ BỘ CÔNG AN (A 25), LÀ MỘT TƯ LIỆU QUAN TRỌNG GÓP VÀO LỊCH SỬ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ CỦA NƯỚC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI. TRONG TIỂU LUẬN TRÊN, TÁC GIẢ XẾP VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC” 1982[1] VÀO MỤC “HẬU NHÂN VĂN”. CHÍNH ĐIỀU NÀY ĐÃ GỢI HỨNG CHO TÔI QUYẾT ĐỊNH VIẾT VỀ VỤ “VỀ KINH BẮC” VỚI TƯ CÁCH NGƯỜI TRONG CUỘC, MONG GÓP THÊM PHẦN HOÀN CHỈNH TƯ LIỆU VỀ PHONG TRÀO LỊCH SỬ NÀY.

Vụ án “Về Kinh Bắc” chắc đã được khởi động từ quãng giữa năm 1982, khi anh Nguyễn Mạnh Hùng, TS Kinh tế, GS đại học ở Canada, cũng là nhà văn VN hải ngoại có bút hiệu Nam Dao, đang làm việc/thăm chơi ở Hà Nội, xin nhà thơ Hoàng Cầm một bản chép tay tập thơ Về Kinh Bắc (VKB) để đem về Canada. Nguyễn Mạnh Hùng được chính quyền VN coi là “Việt kiều yêu nước”, đã đóng góp tích cực cho phong trào ủng hộ miền Bắc, chống Mỹ và chính quyền miền Nam từ khi còn là sinh viên ở Canada. Sau khi đất nước thống nhất, anh đã nhiều lần về nước, có tham gia tư vấn cho chính phủ về kinh tế. Mặt khác, anh lại quan hệ thân thiết với các nhà văn trong nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm, đặc biệt với nhà thơ Hoàng Cầm mà anh yêu mến.

Việc Hoàng Cầm cho Nguyễn Mạnh Hùng một bản chép tay VKB chẳng có gì cần bí mật, khi chưa hề có văn bản hay chỉ thị miệng của cấp thẩm quyền nói rằng tập thơ bị cấm lưu hành. Vả lại, ở cái quán rượu 43 Lý Quốc Sư mà Hoàng Cầm sống nhờ vào đó từ nhiều năm, lúc nào cũng chật khách trầm ngâm say và âm u khói thuốc, trong đó hầu hết là những người yêu văn nghệ “ngoài luồng”, và không ít “đặc tình” (cộng tác viên, nói nôm na là chỉ điểm của CA), “cá chìm” (tiếng lóng để chỉ trinh sát công an thường phục), thì có gì liên quan đến ông Hoàng “thơ chui” này mà giữ kín được! Nhưng muốn hiểu vì sao có vụ án Về Kinh Bắc, phải ngược thời gian lên mười năm trước, khi một số bài trong bản thảo VKB bắt đầu được truyền tay hơi rộng trong giới yêu thơ, trong đó ba bài Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi (thường được gọi là bộ ba cây-lá-quả) được mến mộ nhất – phần quan trọng vì chúng được xì xầm diễn giải như lời oán trách của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị” đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy chồng… Theo Hoàng Cầm kể, thì năm 1974, CA Hà Nội có kêu tác giả lên răn đe về việc lưu truyền những bài thơ “có nội dung xấu” ấy. Hoàng Cầm phải ngưng, nhưng sau 1975, với không khí hào hứng của những ngày “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, VKB lại có thêm độc giả ở miền Nam, và đến 1979, sự giao lưu với nước ngoài bắt đầu được cởi mở hơn, một số Việt kiều đã có được một số bài thơ chép tay của nhà thơ, trong đó dĩ nhiên “bộ ba cây-lá-quả” vẫn đứng đầu bảng. Hoàng Cầm có kể đích danh một nữ bác sĩ xưng tên là Cần Thơ ở Pháp đã xin ông gửi cho một số bài thơ, sau này bà cho biết bà là đệ tử của thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai. Trong khi xét hỏi bản thân tôi, một sĩ quan CA cho biết: VKB bắt đầu thành vấn đề nghiêm trọng chính là vì mấy bài thơ này được in trên một tờ báo ở Pháp kèm theo lời bình mang tính chống đối chính trị. Theo Hoàng Cầm thì CA có đọc cho ông nghe bài viết ấy trên báo Đất Mẹ (Quê Mẹ?)

Tóm lại, chậm nhất là vào mùa thu 1982, một chuyên án VKB đã được mở ra, với mục đích ngăn chặn việc đưa bản thảo này ra nước ngoài và bắt tội tác giả của nó, hoặc đơn giản chỉ là mượn cớ việc chuyển bản thảo này ra nước ngoài để trừng trị tác giả cho bõ ghét. Theo Hoàng Cầm thì khả năng 2 là chính, ông nhất định cho rằng chính Tố Hữu là người chủ trương, vì căm ghét Hoàng Cầm đã dám chê thơ ông ta (vụ phê bình tập Việt Bắc năm 1956), chưa kể đã “dám nổi tiếng” hơn ông ta trong kháng chiến! Và cũng theo Hoàng Cầm, để làm việc này, Tố Hữu đã sử dụng một số “CA riêng” của mình.

Thế là trong lúc một cái lưới đang giăng ra xung quanh quán rượu Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư, thì tôi ở SG ra, vô tình chui vào đó, trở thành con cá to (?) cuối cùng để CA cất vó!


(còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC”, MỘT SỰ KIỆN “HẬU NHÂN VĂN”

(phần 2)

Vì sao định mệnh lại chọn tôi làm con cá oan nghiệt kia? Suốt mấy năm trời trong trại giam tôi vẫn tự hỏi, vì xét theo logique, tôi chẳng thể nào hình dung mình có ngày “ách giữa đàng đâm quàng vào cổ” như thế.

Bởi lẽ thứ nhất: từ khi Hoàng Cầm hoàn thành VKB (mùa xuân 1960) cho đến tháng 8 năm 1982, đã có hàng trăm bản chép tay của nó được lưu truyền, mà không thấy ai làm sao, cũng không ai phổ biến lệnh cấm dù chỉ là lệnh miệng. Lý lẽ này tôi lặp đi lặp lại trong các buổi hỏi cung, tôi còn vặn lại người cán bộ xét hỏi: “Để một tài liệu ‘phản động’ tự do lưu truyền trong 20 năm như thế thì trách nhiệm của cơ quan an ninh ra sao?”. Tất nhiên họ không trả lời được. Và hậu quả của sự “cứng đầu” cộng với ngây ngô của một anh nhà-giáo-nhà thơ-đi-làm-báo tưởng rằng trên đời có thứ gọi là công lý, là tôi phải nhận đến 39 tháng tù trong khi “đầu vụ” chỉ có 16 tháng!

Lẽ thứ hai là quan hệ của tôi với tác giả VKB vốn không có gì mật thiết. Là một trong số những nhà thơ trẻ nổi bật của “thế hệ chống Mỹ”, nhưng vì “trót” đọc được tiếng Pháp, tôi sớm giác ngộ về “CNXH với bộ mặt người” qua những sách báo tiếng Pháp ở ngay trong Thư viện Quốc gia (Nhà nước cho rằng rất ít người biết tiếng Pháp nên không kiểm duyệt bỏ những ấn phẩm tiếng Pháp “nhạy cảm” được nhập vào đó theo con đường viện trợ, trao đổi). Đó là thuyết “chủ nghĩa hiện thực không bờ bến” của Roger Garaudy, một nhà lãnh đạo ĐCS Pháp, những tư tưởng “xét lại” của George Lukacs, nhà lãnh đạo cộng sản Hungary, tiểu thuyết “Docteur Jivago” của B. Pasternak, các tài liệu về Đại hội ĐCS LX lần thứ XX, về những biến động ở Hungary, Tiệp Khắc… Những sách vở ấy cộng với thực tế nhiều phũ phàng mà tôi va chạm trong mấy năm dạy học và “đi thực tế sáng tác” ở vùng công nghiệp Hải Phòng, Quảng Ninh, cộng với sự đổ vỡ niềm tin chiến thắng sau Tết Mậu Thân và cái chết của “Bác”, khiến tôi ngày càng hoài nghi sự đúng đắn của chế độ. Tất nhiên tôi cũng nhìn lại phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm bằng con mắt hoàn toàn khác những gì Đảng dạy. Vì thế, cuối năm 1969, khi đã viết một số bài thơ “ngoài luồng” không thể công bố, tôi tìm đến làm quen với anh Văn Cao qua dịch giả Dương Tường. Chính Văn Cao là người đã khuyến khích tôi tiếp tục lối thơ “bàng thống” mà tôi đang bước vào. Anh trở nên thân thiết với tôi, và đã đứng chủ trì buổi tiếp bạn bè văn nghệ trong ngày cưới tôi đầu năm 1975. Với Hoàng Cầm thì khác. Không chỉ “có vấn đề” về tư tưởng, ông còn tai tiếng là con nghiện (thuốc phiện) và chủ quán rượu chui. Tôi – một nhà thơ trẻ đang được ưu ái, lại là nhà giáo và nhà báo của ngành giáo dục (Báo Người Giáo viên Nhân dân), cũng thấy ngại dây dưa! Mãi sau khi đã chuyển vào SG công tác, tư tưởng ngày càng “diễn biến hòa bình” do tác động của cuộc sống và sách vở tàn dư của chế độ SG, trong một lần ra Hà Nội vào cuối những năm 1970 hay đầu 1980, tôi mới tìm đến Hoàng Cầm, cũng do Dương Tường đưa dắt. Chính lần ấy, tôi được nhà thơ khoe một bản thảo VKB do ông chép tay chữ rất đẹp, bay bướm uyển chuyển, có mấy phụ bản tranh của Bùi Xuân Phái vẽ các cô gái quan họ. Đó là tập bản thảo mà ông đã bán cho ông Lâm chủ quán cà phê chuyên sưu tầm tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, nay ông mượn lại, có lẽ để khoe với những người bạn mới, có thể là Việt kiều chăng? Nhân dịp, tôi đã xin nhà thơ chép cho ba bài Cây – Lá - Quả đem về SG khoe vài người bạn văn nghệ “chui” vốn là dân SG cũ (trong đó có anh Phương Kiến Khánh, sau trở thành nhà thơ Chân Phương ở Mỹ).

Trong chuyến ra Hà Nội tháng 8 năm 1982, định mệnh xui khiến tôi lại đến với Hoàng Cầm ngoài chủ ý. Một bữa tôi gặp Dương Tường trên phố, anh sốt sắng bảo tôi đến an ủi Hoàng Cầm vì nhà thơ vừa trải qua một bi kịch: con gái yêu của ông là nữ diễn viên kịch Hoàng Yến chết đột ngột – nghe đâu là tự tử. Tôi đến chơi, lại nghe ông than là vừa bị mất tập bản thảo VKB mượn lại của Lâm cà phê (chắc hẳn CA đã lấy đi làm hồ sơ cho vụ án VKB đang chuẩn bị). Ông tỏ ra rất tiếc xót, vì khó có cơ hội làm lại một tập đẹp như thế. Tôi hứng lên, nói sẽ làm lại cho ông một tập đẹp hơn thế. Ông bảo tôi đến gặp Trần Thiếu Bảo ở phố Bát Đàn, nhờ ông này mua giấy và bút bi loại tốt để ông chép. Trần Thiếu Bảo nhận lời ngay. (Chỗ này, nhân thể nói bài nghiên cứu của tác giả người Đức Heinz Schutte công bố trên talawas 31/7/2010 có chỗ lầm: ông cựu giám đốc NXB Minh Đức sau khi ra tù không bị chỉ định cư trú ở Nam Định cho đến chết, ông đã được về lại HN từ lúc nào đấy, và vào năm 1982, ông đang chuẩn bị mở quán ăn để sinh sống tại số 5 (?) Bát Đàn. Thế là việc chép tay VKB tiến hành. Tôi đồng thời đến xin Văn Cao một phác hoạ làm bìa tập thơ VKB, và xin Bùi Xuân Phái mấy phụ bản. Ít ngày sau, tôi vui sướng có trong tay một bức hoạ mấy cái lá bay (chắc là “lá diêu bông”) của Văn Cao và 4 phụ bản màu nước của Bùi Xuân Phái vẽ những cô gái quan họ nón quai thao áo tứ thân. Có một chi tiết mà những ngày đó tôi đã bỏ qua. Trong thời gian này, tôi hầu như ngày nào cũng đến quán rượu Hoàng Cầm để giục nhà thơ chép cho xong tập thơ. Một tối, tôi trông thấy trong quán có một người quen, anh nguyên là giáo viên cùng dạy học với tôi ở Hải Phòng, nhưng đã chuyển về HN, nghe đâu làm ở bộ CA, vì anh là cháu ruột ông tướng CA nổi tiếng Nguyễn Công Tài. Thấy tôi, anh cất giọng lè nhè như của người say rượu bảo: “Cái ông Hưng này đến là rách việc”. Tôi hồn nhiên không để ý, chỉ cười rồi đi ra. Sau khi bị bắt tôi mới đoán rằng anh bạn đồng nghiệp cũ có lòng tốt cảnh báo để tôi khỏi sa bẫy. Nhưng lúc đó tôi hoàn toàn ngây thơ và tự tin việc xin thơ Hoàng Cầm chẳng có vấn đề gì mà phải đề phòng!

Ngày Hoàng Cầm hoàn thành việc chép VKB, tôi muốn nhân đó có một cuộc liên hoan nhỏ với các bậc đàn anh để ăn mừng và cũng là để chia tay lên đường vào lại SG. Ông Trần Thiếu Bảo đề nghị làm ngay tại nhà ông ấy, như cũng để khai trương quán của ông. Đầu bếp là Phan Tại, nhà viết kịch cũng là đồng phạm của ông trong vụ xử án “gián điệp phản động NV-GP” năm 1960. Trong bữa ăn vui vẻ tình cảm dạt dào giữa những người cùng tâm sự (có Hoàng Cầm, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại; tôi tuy vong niên nhưng được các đàn anh cư xử như kẻ ngang hàng), ông Bảo khoe mọi người hai cái “bìa” cho tập VKB và tập thơ của tôi mà ông trình bày theo lối siêu thực (Trước đó ít lâu, tôi có khoe một tập bản thảo thơ “chui” của mình cho một số bạn văn nghệ ở HN, trong đó có Nguyễn Thuỵ Kha, tập thơ gây ấn tượng khá mạnh vì sự phá cách của nó. Ông Bảo xin mượn ít hôm). Sau liên hoan, ông Bảo đề nghị tôi cho ông mượn tiếp tập ấy cùng với tập VKB vừa mới hoàn thành.


(còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC”, MỘT SỰ KIỆN “HẬU NHÂN VĂN”

(phần 3)

Những ngày sau đó, tôi lo chuẩn bị để lên đường, nên định bụng trước khi đi mới đến nhà ông Bảo lấy lại hai tập thơ. Không hiểu sao ông Bảo rất sốt ruột, ngày nào cũng đến nhà bà chị tôi (là nơi tôi ở nhờ trong thời gian lưu lại HN) thúc giục tôi tới lấy! (Sau mới ngã ngửa ra là Trần Thiếu Bảo bị CA khống chế, phải làm chỉ điểm cho họ, ít ra là trong vụ VKB này. Nếu vì lý do gì đó mà tôi không đến lấy hai tập bản thảo, thì vụ án bị hẫng to!)

Hoá ra họ đã sắp xếp rất chu đáo để “cất vó” VKB mà tôi là một con cá hẩm hiu ở đâu đến chui đầu vào lưới. Sau này một anh CA quen thân với gia đình anh cả tôi còn cho biết họ đã bí mật theo dõi, quay phim tôi suốt nửa tháng trời mà tôi không hề để ý!

Chiều 17/8/1982, sau khi sắp xếp xong hành lý để đi chuyến tàu tối xuống HP và sáng hôm sau đi tàu biển vào SG, tôi đến nhà Trần Thiếu Bảo lấy lại 2 tập thơ. Vào trong quán, tôi thấy hai người đàn ông đang ngồi uống nước. Sau vào trại giam đi “cung” mới biết đó là ông Khổng Minh Dụ ở A25, sau này sẽ là Thiếu tướng Cục trưởng và cũng là “nhà thơ”, và anh Thuận, trợ lý của ông, sau này sẽ là Cục phó Cục chống Bạo lọan. Tôi cứ hồn nhiên cầm tập thơ đi ra, lên xe đạp phóng. Được một đoạn, bỗng có hai anh thanh niên đèo nhau xe gắn máy ép tôi vào lề đường. Hai anh nhảy xuống, giữ tôi lại, bảo: “Cái xe đạp anh đang đi là xe của chúng tôi bị mất cắp”. Tôi kinh ngạc, vì tôi đang đi chiếc xe của bà chị ruột. Đang cãi qua cãi lại, thì một công an mặc sắc phục ở đâu tiến tới, nói: “Các anh lộn xộn gì thế, mời về đồn giải quyết”. Đồn CA gần đấy là đồn Hàng Bạc. Vào trong đồn, anh CA xưng là đồn trưởng, yêu cầu tôi bỏ hết các thứ trong túi xách ra. Thấy tập bản thảo của Hoàng Cầm, anh ta hỏi: “Cái gì thế này? Thơ à? Thơ của ai đây?”. Tôi đáp: “của Hoàng Cầm.” “Hoàng Cầm là ai? Anh ngồi đây đợi, cái này tôi phải xin ý kiến cấp trên”. Tôi ngu đến mức vẫn chưa biết đây chỉ là một màn bi hài kịch dàn dựng sẵn.

Sau khoảng 20 phút chờ đợi, anh đồn trưởng bước vào, bảo: “Đây là ý kiến cấp trên”. Anh giở ra một tờ giấy, đọc: “Lệnh bắt và khám xét khẩn cấp” vì tội “lưu truyền văn hoá phẩm phản động”. Thế là nhanh như cắt, hai anh thanh niên “mất xe đạp” lúc nãy hiện nguyên hình là CA, áp giải tôi lên xe bịt bùng, đưa về… Hoả Lò!

Ngày 20/8/1982 thì đến lượt Hoàng Cầm bị bắt. Còn Nguyễn Mạnh Hùng, khi ấy đang ở SG chuẩn bị bay về Canada. May được Dương Tường kịp báo hung tin, anh gửi ngay tập bản thảo VKB cho Cao Xuân Hạo giữ, ra sân bay vô tang. (Tuy nhiên, khi khám xét hành lý của tôi, CA thu được một bức thư Hoàng Cầm nhờ tôi đưa cho Nguyễn Mạnh Hùng khi vào SG, thư dán kín nên tôi không biết nói gì trong đó). Hùng bị cấm cửa về VN trong suốt 20 năm. Chuyến anh trở lại VN sau 20 năm ấy, lần đầu tiên hai người “đồng phạm” bất đắc dĩ chúng tôi mới gặp nhau.

Sau khi tôi và Hoàng Cầm bị bắt, tin đồn lung tung, có cả tin tôi bị bắt vì mang thuốc phiện lậu! Theo nhà báo Trần Đức Chính, TBT tờ báo của Hội Nhà báo VN, thì có tờ báo hồi ấy đăng tải cả một chuyện vụ án mang tên “ Vụ án hai ông Hoàng” với nhiều tình tiết ly kỳ! Gần đây, một số sách báo ở nước ngoài và trên mạng vẫn viết là Hoàng Hưng bị bắt vì âm mưu chuyển tập thơ VKB vào sứ quán Pháp! Mới biết trí tưởng tượng của người ta phong phú thật!

Kết cục của vụ án tóm tắt như sau: Hoàng Cầm sau mấy tháng bị giam thì kiệt sức vì bị khủng bố tinh thần liên tục mà lại không có nàng tiên nâu trợ lực, phải nhận tội phản động, chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống chế độ, để mong sớm được ra.

Tôi không thể nào quên cái buổi sáng ấy trong Hỏa Lò. Sau mấy tháng không thuyết phục được tôi thừa nhận VKB là “phản động”, CA để tôi nghỉ một hơi dài. Rồi bỗng một hôm tôi lại được gọi đi “làm việc”. Người CA đưa tôi vào một phòng hỏi cung, nhưng không có ai trong đó. Mà lại có một tập giấy thếp viết sẵn để trên bàn. Tôi tò mò giở ra, thì… trời ơi, đó là bản tự khai của Hoàng Cầm, tôi nhận ra chữ viết rất nắn nót, đẹp, của ông. Tôi đọc lướt, càng đọc càng hoang mang vì ông nhận tuốt tuột các ý tưởng chống Đảng, đả kích chế độ… trong tập thơ. Để cho tôi một mình đọc xong, người ta mới đưa tôi trở lại phòng giam. Và họ bố trí rất khéo, để như tình cờ tôi gặp Hoàng Cầm đang ngồi ở cổng chờ (giữa khu trại giam và khu “làm việc” có một cái cổng lớn, sau khi “làm việc” xong phạm nhân ngồi đó chờ “quản giáo” ra nhận để đưa vào buồng giam). Tôi xông đến bên ông, hỏi gay gắt: “Anh nhận tội phản động thật à? Sao lại thế?” Hoàng Cầm cúi đầu xuống, không nói gì, từ khóe mắt ông lăn ra những giọt nước mắt. Đến tận hôm nay, nhớ lại những giọt lệ tủi nhục của nhà thơ đàn anh, lòng tôi vẫn còn đau. Với tôi, tự buộc mình phải hèn để có thể tồn tại là điều không gì đau hơn cho một kẻ sĩ.

Nhưng trong lúc Hòang Cầm ngong ngóng CA thực hiện lời hứa (?) cho về vào dịp Tết, thì một số trí thức Pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh vận động đã gửi thư cho Lê Đức Thọ đề nghị thả nhà thơ. Tin đến tai Tố Hữu, ông “bạn thơ” quý hoá phán một câu xanh rờn: “Nước ngoài can thiệp hả? Thế thì giam thêm 1 năm nữa cho biết!” (theo lời Hoàng Cầm kể, Hoàng Hưng ghi, đăng trên talawas mở đầu tập VKB 5/4/2007). Thế là Hoàng Cầm bị giam tổng cộng 16 tháng (20/8/1982 – trước Noel 1983).

Còn bản thân tôi, chỉ vì tội bướng, mà bị CA lục tung nhà trong SG suốt một ngày trời. Họ tìm ra một số trang nhật ký bằng văn vần làm từ đầu thập kỷ 1970 mà CA nhận định là “phản động gấp 100 lần thơ Hoàng Cầm” (lời ông Khổng Minh Dụ)[2]. Sau gần ba năm điều tra rất công phu mà không tìm thấy gì chứng tỏ tôi nằm trong đường dây liên lạc với bọn “văn nghệ sĩ phản động hải ngoại”, cuối cùng, nhờ là “cán bộ nhà nước phạm tội lần đầu”, tôi được đặc ân “chỉ xử lý hành chính nội bộ chứ không bị truy tố ra toà” (lời viên CA khi công bố lệnh “tập trung cải tạo” dành cho tôi). Mãi đến cuối năm 1985, nhờ không khí chính trị có phần nới lỏng trước Đổi mới, và nhờ người anh ruột là Bác sĩ phục vụ các cán bộ cao cấp đứng ra bảo lãnh, tôi mới được về sau 39 tháng tù, với cái lệnh tha mang tội danh được cải thành “lưu truyền văn hoá phẩm đồi trụy” (!) Không hiểu sao lại có sự cải đổi từ “văn hoá phẩm phản động” sang “đồi trụy” như thế? Chắc là CA không muốn có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ có tội danh “phản động” trong luật pháp VN, cũng như họ không bao giờ thừa nhận có “tù chính trị” vậy. (Những người bạn vong niên của tôi bị tù đầy trong vụ án “xét lại” khi ra tù không ai được cầm lệnh tha hay giấy ra trại!)


(còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC”, MỘT SỰ KIỆN “HẬU NHÂN VĂN”

(phần cuối)

Một điều an ủi lớn cho tôi: bị nhà nước bỏ tù, nhưng tôi được đồng nghiệp bạn bè cảm thông. Thời gian tôi bị bắt, có chuyện được coi là hy hữu: Báo NGVND, cơ quan tôi, hết sức bênh vực tôi. Báo còn trả lương đều đặn và gửi quà cho tôi, bất chấp CA phàn nàn; phải 2 năm sau, khi CA công bố lệnh tập trung cải tạo với tôi, báo mới đành ngưng việc ấy và Bộ Giáo dục mới ra quyết định “cho ông Hoàng Hưng thôi việc vì vi phạm pháp luật bị tập trung cải tạo” (chứ không “buộc thôi việc” như thường thấy trong các vụ tương tự). Người có vai trò lớn trong chuyện này là nhà báo Trường Giang, Bí thư Chi bộ Đảng, Thư ký Toà soạn báo NGVND. Ở SG, gia đình tôi lâm vào cảnh “vợ dại con thơ” cực kỳ khốn đốn, có những bữa phải ăn chuối trừ bữa, nhưng bù lại đã nhận được sự thông cảm yêu thương của tất cả bà con khu phố, kể cả anh cảnh sát khu vực, của các thầy cô gíao dạy cháu Hoàng Ly.

Sau khi ra tù, Hoàng Cầm mất hằng năm trời sống trong trạng thái thường trực hoảng loạn, hậu quả của thời gian tù ngục. Nhờ sự động viên của bạn bè văn nghệ ông mới dần dần hồi phục. Sau Đổi mới, thơ Hoàng Cầm bắt đầu tái xuất, nhưng riêng VKB còn bị CA  ngăn trở dài dài cho đến tận năm 1994 mới ra mắt được. Hoàng Cầm trở thành gương mặt của truyền thông không thua gì các “sao”, cuối cùng ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học (2007). Tuy nhiên, cho đến khi ông qua đời (tháng 5/2010), chính quyền không hề có một lời minh oan hay xin lỗi, đừng nói gì đến bồi thường cho những năm tù đầy oan ức của ông.

Còn tôi, ngay sau khi tôi ra tù, GS Nguyễn Văn Hạnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, thầy dạy cũ của tôi ở Khoa Văn Đại học Sư phạm, ngỏ ý sẵn sàng nhận tôi làm việc ở cơ quan Bộ. Nhưng tôi chọn tiếp tục nghề báo, và năm 1988, tập Ngựa biển bao gồm hầu hết những bài thơ trong tập bản thảo của tôi bị CA tịch thu năm 1982, là tập thơ “ngoài luồng” đầu tiên tự xuất bản ở nước ta sau Đổi mới, nhờ được anh Trương Văn Khuê, Giám đốc NXB Trẻ cương quyết bảo vệ. Từ đó tôi in thơ bình thường. Riêng tập thơ Ác mộng viết về những trải nghiệm tù đầy thì đến nay vẫn bị các nhà xuất bản từ chối. Tuy nhiên một số bài trong đó đã được công bố nhờ sự “chịu chơi” của nhà thơ Quang Huy, Giám đốc NXB Văn Hoá – Thông Tin, rồi sau đó bài Người về được đưa vào những tuyển thơ quan trọng nhất; bản tiếng Anh của nó (Nguyễn Đỗ và Paul Hoover dịch) được đưa vào dự án Tổng tập văn học thế giới của một tập đoàn xuất bản quốc tế danh tiếng. Riêng có chuyện xuất cảnh thì tối kỵ. Chắc người ta ngại tôi ra ngoài sẽ trở thành nhân chứng sống cho “thành tích nhân quyền” của chế độ. Mãi đến năm 2000, do một đồng nghiệp bảo lãnh trực tiếp với ông Tổng cục trưởng An ninh, tôi mới được ông đích thân cho phép ra khỏi nước mà không kèm “điều kiện” nào.

Có hai chuyện thú vị về “hậu vụ án VKB”:

Năm 2002, khi tôi về hưu tại báo Lao Động, do khiếu nại của tôi, báo Lao Động và Tổng LĐLĐVN đã kiến nghị Bộ Lao Động TBXH trả lương hưu cho tôi theo cả thời gian làm việc trước khi bị bắt (quy định phi lý phi nhân của Bộ này là vứt bỏ hết thời gian làm việc của cán bộ công nhân viên trước khi họ bị kỷ luật hay bắt giam, như đã áp dụng với nhà văn Bùi Ngọc Tấn). Lý do được nêu rõ trong công văn: Ông Hoàng Hưng bị bắt giam vì cầm tập thơ VKB của Hoàng Cầm mà thời đó coi là phản động, nay xã hội đã có nhìn nhận khác, quyền lợi của ông HH phải được trả lại. Kiến nghị bị từ chối. Nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga, Đại biểu quốc hội, bèn đưa thẳng hồ sơ cho bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng, thế là Bộ này quay 180 độ, đổi ngay quyết định, phá lệ!

Năm 2005, trên một chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội, tình cờ tôi ngồi ngay bên cạnh một viên CA trực tiếp hỏi cung tôi trong vụ VKB. Quả đáng tội, hồi đó ông và tôi đã từng khá căng thẳng với nhau. Nay ông giữ một chức vụ quan trọng trong ngành an ninh. Ông vui vẻ chủ động bắt chuyện. Ông nói nhiều chuyện về văn nghệ, rồi bỗng bảo tôi thế này: “Tập thơ VKB hay thật! Anh phải viết một kịch bản phim về nó đi! Tôi biết chỉ có anh là viết được thôi!”

Lạy Trời! So với bao nhiêu người chịu oan khiên cho đến lúc chết mà chẳng ai biết đến, như ông Lê Nguyên Chí trong vụ NV-GP chẳng hạn, thì Hoàng Cầm và tôi thế là còn có phúc lắm! Nhớ lại lời ông CA họ Khổng phán khi tôi cãi rằng nhật ký của tôi để trong nhà, có lưu truyền đâu mà các ông bắt tội? Ông nói ngay: “May cho anh đấy! Anh mà lưu truyền thì đi tù không có ngày về”.


Kỷ niệm 25 năm ngày ra tù (30/10/1985 – 2010)
HOÀNG HƯNG

(1) Lê Hoài Nguyên nhớ nhầm là năm 1983
(2) Tôi chỉ còn nhớ vài đoạn, đại khái như sau:

…Các anh bảo chúng tôi
Đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp
Chúng tôi đi
Vì không sợ chết
Chúng tôi chết
Vì sợ sống hèn
Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?
…Chúng tôi đấy
Đều ngoan ngoãn cả
Anh vừa lòng chứ ạ?
Vâng, chúng tôi cứ khoanh tay ngoan ngoãn ngồi nhìn
Sự nặng nề ngu độn của các anh
Cứ chầm chậm dìm con tàu xuống biển
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Sinh viên hát Rap “Bản sắc Việt Nam”


Bằng ngôn từ đơn giản, trong sáng cùng với nhịp điệu rộn rã hòa quyện giữa nhạc cụ dân tộc và Hiphop, bài hát "Bản sắc Việt Nam" của Tằng Quốc Anh chính là lời chào dành cho những du khách lần đầu đến Việt Nam.
Vài ngày nay, bài hát dài gần 4 phút này đã thực sự trở thành tâm điểm của cư dân mạng, khiến nhiều người vốn không thích Rap vẫn phải chăm chú lắng nghe. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, lần đầu tiên nghe thấy một bài hát Rap tiếng Việt có ý nghĩa thực sự.
Từ đầu đến cuối bài hát là những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam như hồ Gươm, tranh Đông Hồ, phố cổ Hà Nội, vịnh Hạ Long cùng những cậu bé đeo khăn quàng đỏ đứng chào cờ, những người đạp xích lô, bán hàng rong nở nụ cười hiền hậu cùng lời chào: "Welcome to Vietnam" được thể hiện một cách dí dỏm.
"Chào mừng các bạn đến với đất nước chúng tôi mảnh đất hình chữ S / Việt Nam nơi tôi sinh ra tương lai không xa sẽ chính là nơi của điểm hẹn!" - câu kết bài hát của rapper Tằng Quốc Anh như thay lời các bạn trẻ Việt Nam gửi đến thế giới lời chào mời ghé thăm Việt Nam nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lời bài hát: "Bản sắc Việt Nam" - Characteristic of Vietnam

Welcome to Viet Nam! Bản sắc Việt Nam 2010
Welcome to Viet Nam! Đất nước Việt Nam một dân tộc phi phàm
Welcome to Viet Nam! Người dân Việt Nam con rồng cháu tiên
Welcome to Viet Nam!!!
Bạn chưa từng có dịp được đặt chân đến với đất nước Việt Nam
Hãy để bài hát của tôi làm hướng dẫn viên đưa bạn đi thăm quan
Dân tộc Việt Nam người dân mến khách chào đón các bạn cùng vô vàn
Từ xưa đến nay dẫu có đổi thay nhưng kiến trúc cổ vẫn hiên ngang
Làng tranh Đông Hồ, khu phố cổ, Hồ Gươm lắng đọng nét nên thơ
Đất nước Việt Nam lịch sử lâu đời người người bên nhau xây ước mơ
Nét đẹp Việt Nam luôn chỉ có một, những buổi chiều tà hoàng hôn xuống
Hoa sữa thơm nồng, ly trà ấm ngồi sum vầy bên nhau tan rét đông
Con cháu vua Hùng, con cháu Bác Hồ nhiệt huyết trong tim và con rồng
Đời đời kiếp kiếp gắn chặt bên nhau chảy chung một dòng máu Lạc Hồng
Đất đai màu mỡ đồng lúa xanh rờn trải dài thơm mát bên dòng sông
Bản sắc Việt Nam năm 2010!
1000 năm qua người dân Việt Nam bên nhau dựng xây và giữ nước
Mở mang bờ cõi bốn phương sát cánh không còn một bóng quân xâm lược
Lịch sử hào hùng khắc ghi trong tâm muôn vàn người con của đất Việt
Qua bao tháng năm thì vẫn reo vang bài ca mang tên sự bất diệt
2010 con cháu Lạc Hồng về đây trong tâm lòng thành kính
Tay nắm chặt tay tự hào một dòng máu đỏ đang chảy trong tim mình
54 dân tộc anh em hằn sâu tục ngữ ca dao: "Lá lành đùm lá rách"
Một manh áo rét sẻ chia cũng đủ ấm lên tình người trong giá lạnh
Từ Bắc chí Nam, địa đầu cho đến tận cùng của Tổ quốc
Tôi vẫn sẽ đi và hát cho mọi người nghe những câu ca thân thuộc
Chào mừng các bạn đến với đất nước chúng tôi mảnh đất hình chữ S
Việt Nam nơi tôi sinh ra tương lai không xa sẽ chính là nơi của điểm hẹn!

Nguyễn Lê

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/X...ieu-tre/2010/09/3BA2088A/



Thật là một thú chơi của lớp trẻ rất đáng khuyến khích và động viên.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bài của nhà báo Lê Phú Khải:

TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG
ANH KHÔNG VỀ ĐẠI LỄ



Anh không về đại lễ đâu em
Dù Hà Nội ngàn năm hay vạn năm cũng thế
Khi vua Lý lại mang mão áo vua Tần!
Khi trong phim Việt Nam chỉ thấy sắc màu Trung Quốc!
Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc
Ông bà ta là thế!
Nên mới còn non nước Việt hôm nay
Hãy gửi cho anh một gói cốm màu xanh
Để anh nuốt vào lòng cả mùa thu Hà Nội
Gửi cho anh một cành liễu Hồ Tây
Để hồn anh mênh mang cùng sương khói . . .
Tưởng nhớ Người xưa đốt hương trầm là đủ
Hãy để những tỉ đô la xây bệnh viện, công viên
Để ngàn năm Thăng Long không thành ngàn mụn ghẻ
Để không còn những bộ phim
Ngộ độc cả ca dao, băng huyết cả tâm hồn


(TP.HCM 17.9.2010 )
Lê Phú Khải

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

"Phong phú" như… cô chửi trò!



Hiệu trưởng một trường THCS thừa nhận, tại trường của cô đã từng xảy ra chuyện GV mắng học trò: “Học ngu như em thì mai mốt có nước đứng đường”. Vì câu nói đó mà HS đã có ý định tự tử, may là PH can thiệp kịp.

Ngoài kiến thức, khi đến trường, học sinh (HS) còn học được ở thầy cô giáo những điều hay lẽ phải để sống ở đời. Nhưng trong nhiều trường hợp, cách ứng xử phản giáo dục của giáo viên (GV) đã để lại những vết sẹo trong tâm hồn HS.

Phản sư phạm
Chị Hoa (Q.5) ngao ngán kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện mà chị xếp vào loại “nhắc lại là thấy giận đùng đùng” vừa xảy ra chưa đầy một tháng. Là người chăm chút cho chuyện học của con nên chị đã bao quyển vở nháp của cháu đẹp như những quyển vở khác. Vì vậy, khi cô giáo bảo lấy vở nháp ra, cháu luống cuống tìm không thấy, cứ tưởng đã để quên ở nhà. Chuyện này khiến cô giáo tức giận, khẻ luôn mấy thước vào tay con bé, kèm theo câu: “Mất trí rồi hả, cho chừa cái tật đuểnh đoảng!”. Phản ứng của cô khiến con bé vô cùng bấn loạn, vừa tan trường là leo tót lên xe ôm đi một mạch về nhà, trùm mền nằm khóc, nhất định không chịu ra khỏi phòng, cũng không chịu đi học. Chị nói: “Để quên vở là chuyện nhỏ, GV có lời nói và hành vi như vậy là phản sư phạm quá!”.

Chị Hiền, một phụ huynh (PH) có con học lớp 2 tại Q.9, kể: “Đầu năm cháu được các bạn bầu làm lớp trưởng. Nghe chuyện này tôi rất lo vì cháu học không giỏi, không học trước, cũng chẳng học thêm, sợ không cáng đáng nổi. Y như rằng, chỉ được vài ngày là cháu có biểu hiện “lo ra”. Rồi cháu kêu đau bụng, không ngủ được, nửa đêm ngồi dậy thở dốc. Dỗ mãi, cháu mới khai: đã hai lần bị cô giáo chê trước lớp “lớp trưởng gì mà chậm như rùa!”.

Chuyện GV hoặc vô tình hoặc cố ý trong cách cư xử, lời nói, gây stress cho HS là khá phổ biến. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.4 kể: có GV không kiềm chế được tức giận đã gọi HS là “con mọi đen” khiến cả HS, PH đều bị sốc và phản ứng dữ dội. “Không được trắng trẻo, xinh xắn như các bạn khác đã là thiệt thòi với trẻ, GV không chia sẻ thì thôi, ai nỡ gọi trẻ đầy “miệt thị” như vậy, khiến trẻ càng bị tổn thương” - vị hiệu trưởng nói.

Lại có trường hợp, PH chưa kịp đóng tiền bán trú, cô giáo đã nêu đích danh HS trước lớp. Đến giờ cơm trưa, HS này còn được “đặc cách” cho ngồi chờ “bố mẹ đến đóng tiền thì mới được ăn”. Đáng nói là khi PH phản ánh với Ban giám hiệu, thay vì rút kinh nghiệm, an ủi HS, GV này lại xuống lớp… đôi co: “Tại cha mẹ cô (gọi HS bằng cô) không đóng tiền nên tôi mới cho cô về! Họp PH, cha cô ngồi ngay bàn đầu, sao không biết!”.

Hiệu trưởng một trường THCS khác thừa nhận, tại trường của cô đã từng xảy ra chuyện GV mắng học trò: “Học ngu như em thì mai mốt có nước đứng đường”. Vì câu nói đó mà HS đã có ý định tự tử, may là PH can thiệp kịp.

Giáo viên cũng cần có... kỹ năng sống
Trường học luôn được xem là “pháo đài” vững chắc của đạo đức nên lẽ ra phải là môi trường an toàn cho trẻ, nhưng thực tế vẫn có những “cơn sóng ngầm” do chính những thầy cô giáo đáng kính tạo ra. Cô H., một GV ở Q.3, lý giải: “Thầy cô giáo cũng là những người bình thường, cũng phải chịu áp lực bởi cuộc sống cơm áo hàng ngày nên có những lúc không kiềm chế được lời nói, hành động”. Đó cũng là một cách lý giải. Nhưng, phải nhìn nhận một thực tế là ban giám hiệu nhiều trường thường đánh giá năng lực sư phạm của GV thông qua điểm số mà HS đạt được cao hay thấp, GV có “trị” được HS, có cách buộc HS phải “vâng lời” không, mà không cần biết biện pháp thực hiện của GV như thế nào. Khi GV để xảy ra “sự cố”, HS bị stress, PH thưa kiện, sự việc cũng không được tìm hiểu và rút kinh nghiệm đến nơi đến chốn… Đó mới là nguyên nhân chính khiến những lời nói, hành động xúc phạm nhân phẩm HS vẫn còn “đất sống”.  

Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam (ĐH Sư phạm TP.HCM) ví von: “Tâm hồn trẻ thơ như “tờ giấy trắng” và người lớn chúng ta là “họa sĩ”. Nếu ta vẽ lên đó những nét vẽ đẹp thì tâm hồn của các em sẽ đẹp, còn ta vẽ lên đó những nét u tối thì sự u tối đó sẽ lưu lại trong tâm hồn các em đến suốt cuộc đời”.

Đã có ý kiến của PH cho rằng: phải có cách “bồi dưỡng” tâm hồn cho GV, phải giáo dục, tập huấn lại kỹ năng sống cho họ. Nghe có vẻ... sốc nhưng nhiều hiệu trưởng rất đồng tình, vì “nhiều GV trẻ (nói riêng) còn thiếu trải nghiệm, nhiều GV (nói chung) lại không có kỹ năng nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm”.

MINH NHẬT - HỒNG LIÊN (Báo Phụ nữ TPHCM)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [28] [29] [30] [31] [32] [33] [34] ... ›Trang sau »Trang cuối