Nguồn:
http://boxitvn.wordpress....%B5n-c-c%E1%BB%A7a-cc-em/
“Làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”!Đăng bởi bvnpost on 05/09/2010
Mạc Văn Trang
image Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945 có thể coi là bản Tuyên ngôn của nền giáo dục mới của Việt Nam. Bao nhiêu thế hệ giáo viên, học sinh, sinh viên (GV, HS, SV) đã đọc đi đọc lại, nghe mãi bức thư nổi tiếng ấy, nhưng có những điều rất giản dị, cơ bản mà Bác Hồ đã chỉ ra, lại không được quan tâm thực hiện. Ở đây chỉ xin bàn đến một điều. Đó là “… một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Nhiều nhân tài từng nói, cái thiên bẩm/ năng khiếu/ năng lực sẵn có … ấy chỉ là tiền đề/ mầm mống/chỉ là 01% của tài năng, còn 99% là do học tập, lao động, khổ công rèn luyện để lĩnh hội những giá trị văn hóa của dân tộc và nhận loại nhằm sáng tạo ra những giá trị mới… Vâng, thì chính là người GV, nói rộng ra là cả nền giáo dục có sứ mệnh quan tâm phát hiện, chăm sóc, vun trồng cái 01% năng lực sẵn có đó ở mỗi HS, SV để từ đó nó lĩnh hội được 99% kia và ra hoa, kết trái cho đời. Có điều cuộc đời này cần có muôn vạn loài hoa trái khác nhau, loại nào cũng phải có màu sắc, hương vị …riêng mới khẳng định được sự tồn tại của nó. Phải chăng cái 1% “năng lực sẵn có” đó chính là cái vốn tối thiểu, nhưng cốt lõi nhất, vi diệu nhất, quí giá nhất, tạo hóa ban cho mỗi người, để làm nên giá trị đặc trựng, độc đáo của mỗi cá nhân? Các nhà Tâm lý học cho rằng, mỗi con người là một cá thể độc đáo, cá biệt, có một không hai, không lặp lại. Ngay cả những người sinh đôi cùng trứng, họ giống nhau về mặt sinh học, nhưng cá tính cũng có những điểm khác biệt.
Một GS Tâm lý học ở ta, có lần tâm sự: thì ra những thứ phê bình, góp ý, chỉnh huấn, viết kiểm điểm… từ hồi còn là Thiếu sinh quân ở Việt Bắc rồi ở khu Học xá Trung quốc những năm 50 (thế kỷ trước) đến nay… nó cứ “truội” đi đâu hết. Thằng nào cũng thành tài cả, nhưng cái tính khí chẳng thay đổi: thằng nóng tính, thằng lầm lì, thằng rụt rè, thằng tinh nghịch, thằng đa tình… nay già rồi vẫn thế!
Thực ra, trước áp lực của dư luận, của kiểm duyệt, sự áp đặt của tổ chức… cái tính khí, cá tính của mỗi người cũng phải thích ứng, tự điều chỉnh, hoặc bằng các hình thức che giấu, ức chế đi, đến khi được tự do mới lại bung ra… đúng bản chất tự nhiên của nó.
Trong một bức thư khác gửi các cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc nhở: “…Cách giáo dục trẻ (…) phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng”…
Hai điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trên gắn kết với nhau làm một. Nền giáo dục phải phát hiện và “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của mỗi trẻ em; muốn vậy “cách giáo dục phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung” của mỗi trẻ em.
Giáo dục học hiện đại ngày nay thì gọi đó là nền giáo dục có tính nhân văn sâu sắc, giáo dục hướng vào sự phát triển năng lực sáng tạo, cá tính độc đáo của từng HS, SV; đó cũng là quan điểm, phương pháp giáo dục cá biệt hóa. Nói đầy đủ hơn, quá trình xã hội hóa cá nhân, để trẻ em từ con người sinh học thành con người xã hội, con người nhân loại, cũng đồng thời là quá trình trẻ em trở thành chính mình…
Từ quan điểm giáo dục trên của Hồ Chí Minh, thử nhìn vào thực tế giáo dục ta xem có điều gì chưa ổn?
Trước hết việc Bộ GD&ĐT chỉ dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất, quy định thời gian biểu bắt buộc hoàn thành chương trình cho tất cả HS lớp Một từ Hà Nội cho đến những vùng sâu, xa, vùng các em HS dân tộc ít người, chưa biết tiếng phổ thông, là sự áp đặt, bất chấp “năng lực sẵn có của các em”, khiến nhiều em đã không những không thể “phát triển hoàn toàn” mà còn thui chột cả “những năng lực sẵn có”! Chỉ nói về hiện tượng những em học từ lớp Một, đến lúc lên lớp Năm mới phát hiện ra em chưa biết đọc, biết viết. Đó không phải là trường hợp cá biệt mà khá phổ biến ở những vùng khó khăn, đến nỗi Bộ GD&ĐT phải có chỉ thị cho các trường ra soát và thực hiện biện pháp cho những em này học “sáng Năm, chiều Một!”. Tội nghiệp cho các em, thì vẫn chỉ là học lại lớp Một thôi, bỏ phí hoài, thui chột cả mấy năm tuổi thơ trong tối tăm, tủi hổ!
Mới đây thôi, một ông bạn than phiền: đọc bài văn con mình tả mẹ nó mà không nhận ra đấy là vợ mình! Vợ mình thấp, mập, đen … vậy mà nó tả mẹ nó cao dong dỏng, mặt trái xoan, da trắng mịn… Thì ra cô giáo cho chúng một bài văn mẫu, chúng phải học thuộc và bắt chước theo mẫu đó mới được điểm cao! HS phải tả người mẹ lý tưởng, chứ không tả người mẹ thực của mình. Mẹ là chỉ có tốt, đẹp, dịu hiền… Một chị kể, con làm bài văn “tả ông em” bị cô phê “lạc đề” và cho 3 điểm, nghĩ cứ thấy ấm ức thay cho con. Khi cô ra đề, thằng bé hỏi: con không biết ông thì tả thế nào? Cô bảo: làm văn là phải bịa ra như thật! Thế là nó viết: ông em chết. Người ta cho ông vào cái hòm đỏ, rồi đặt ảnh ông lên bàn thờ. Các thợ kèn thổi tò tí te điếc cả tai… Mọi người đến cho nhiều vòng hoa và phong bì… Thì ra nó tả đám ma ông cụ hàng xóm mới mất. Rõ là cô xui HS bịa (sáng tạo) nhưng phải đúng ý cô! Đại loại: ông em tóc bạc trắng, râu dài, mắt đeo kính ngồi đọc báo… Ông em rất hiền từ…! Không biết từ bao giờ nền giáo dục của ta đã có quy định không thành văn cái “LỀ PHẢI” cho HS, SV men theo và cái khuôn cho sự tưởng tượng, tư duy như vây? HS không thể tả “mẹ em lắm điều, chẳng có chuyện gì cũng nói cả buổi, rất khó chịu”, “Bố em mỗi lần nhậu say xỉn lại chửi mắng vợ con”, “Ông em lẩn thẩn rất hay quên”… Không, đã làm văn, “điển hình hóa” là chỉ có tốt, đẹp! Rồi đến các nhân vật lịch sử: đã yêu nước, cách mạng là chỉ có tốt đẹp, từ trong ra ngoài; còn tên “phản động” thì phải xấu xa từ đầu đến chân! Đến khi HS, SV bất chợt thấy người ta đưa ra bằng chứng về nhân vật lịch sử yêu nước, cách mạng nào đó có cả mặt xấu cần phê phán, thì bị lên án là “nói xấu”, làm HS, SV hoang mang!… Mới đây, một anh bạn, GS ở Viện Tâm lý học kể rằng, con gái anh là SV học Tâm lý học ở Singapore, hốt hoảng gọi điện về: “Bố ơi, người ta ra đề “Hãy nói về mặt xấu của lòng yêu nước”, thì con biết làm thế nào!?” Đó! Cách giáo dục một chiều đã dẫn một SV giỏi xuất sắc của ta đến tình cảnh như vậy! Nhân tiện nói về ra đề, xin kể thêm hai ví dụ thực tế. Tôi sang Ba Lan chơi, đến thăm gia đình người quen ở Vacsava, chị bảo, trẻ con bên này nó “kinh” lắm. Con gái em học lớp Năm, GV ra bài tập “làm đơn kiến nghị” mà nó dám làm đơn gửi ông Chủ tịch quận phản đối việc mở rộng con đường trước cửa trường. Nó viết: theo như bản vẽ (lấy ý kiến nhân dân) thì khi mở rộng con đường mới sẽ phá bỏ mất con đường dành riêng cho xe đạp. Hiện vẫn có nhiều HS đến trường bằng xe đạp, không có đường dành riêng, nếu xảy ra tai nạn thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn!… GV gửi đơn của nó đến Chủ tịch quận. Một tuần sau, Chủ tich quận gửi thư cảm ơn và hứa quan tâm xem xét ý kiến của em… Thằng cháu tôi vừa rồi thi vào Đại học Kiến trúc Vacsava. Cháu có năng khiếu vẽ lại theo học thêm do thầy của chính trường đó dạy. Các bức vẽ của cháu dược thầy khen, còn đem ra phân tích cho các bạn khác học… Cháu xem rất nhiều sách, lục tìm trên mạng các mẫu, hì hục vẽ suốt ngày đêm, hết bức này đến bức khác, lòng háo hức, tin tưởng… Nhưng hôm đi thi về, cu cậu tiu nghỉu, buồn thiu! Thì ra đề bài là một đoạn văn mô tả cảnh thành quách, lâu đài, thí sinh phải đọc, hiểu cặn kẽ, cảm thụ văn học sâu sắc, rung cảm mới tưởng tượng, tái tạo được bức họa kiến trúc từ ngôn ngữ văn học! Trong khi đó, cu cậu lại học dở chừng mới sang Ba Lan, cảm thụ văn học bằng tiếng Ba Lan còn hạn chế. Tôi cảm thông với cháu, thầm nghĩ, một anh Tây dẫu khá tiếng Việt mà yêu cầu vẽ bức tranh từ hai câu trong Kiều “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng…” cũng không đơn giản! Thì ra để học nghề kiến trúc trước hết không phải là vẽ!
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cách học và cách làm bài của HS, SV ta (cho đến học viên các học viên cao cấp, luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ) chủ yếu vẫn là sao chép lại tài liệu giáo khoa, bắt chước theo bài mẫu. Học như vậy làm sao phát triển được những năng lực riêng, phát huy được cá tính sáng tạo? Tính tích cực, chủ động, sáng tạo của tư duy sẽ thui chột đi, thay vào đó là kho trí nhớ tài liệu, những tín điều, một số sơ đồ tư duy khuôn mẫu khiến ai nói, viết về cùng vấn đề cũng na ná giống nhau! Người học thụ động đến nỗi nghĩ khác đi, nói khác đi một tí là run sợ! Không biết do uy quyền của GV hay áp lực thành tích học tập hay do cái gì mà người học lại sợ hãi đến thế? Tôi đã từng rất ngạc nhiên, khi thấy một trung tá, Anh hùng đặc công, đầy chiến công và thương tích lại run lập cập, toát mô hôi khi trả lời một câu hỏi thi vấn đáp đơn giản trong chương trình cao học. Tôi đã gặp anh để tìm hiểu. Anh tâm sự: em vào sinh ra tử mấy chục trận, nếu run thế thì chưa đánh đã chết, thắng sao được. Khi mình hiểu rõ kẻ địch, chọn đúng cách đánh, nắm chắc thắng thì vững tin lắm… Còn thi thế này, kiến thức các thày không biết đâu mà lần, em nói sai, không đúng ý các thày thì chết!… Thì ra người học không tự tin nói điều mình nghĩ là đúng, là phải mà cố gắng nói những điều “đúng ý các thầy”! Anh hùng đặc công còn thế, không trách GV bảo HS liếm ghế thì cả lớp liếm ghế; bảo cả lớp tát một bạn thì cả lớp lần lượt lên tát; bảo em phải lết bằng gối thì lết, hai gối toét ra vẫn cứ lết!… Rồi thậm chí học đến lớp 11 – 12, hiệu trưởng bảo đi bán trinh, làm điếm cũng không dám phản đối!… Nền giáo dục của ta đã đào luyện con em của một dân tộc anh hùng thành những kẻ ươn hèn như vậy ư?! Tại sao lại ra nông nỗi như thế?
Hồi tháng 2/2010, sáng đi tập thể dục qua cổng một ngôi trường rất nổi tiếng của Hà Nội, tôi nhặt được cuốn Sổ liên lạc của em H. một HS nam, lớp 8 vứt đi, nước mưa đã ướt nhòe. Tôi vẫn giữ cuốn sổ đó, đã đọc lại nhiều lần và ngẫm nghĩ rất nhiều. Phải nói cô giáo chủ nhiệm là người quản lý HS rất chặt chẽ, cứ sáng thứ hai HS nộp Sổ liên lạc, chiều thứ sáu cô lại trả Sổ cho HS đem về cho bố/mẹ xem và ký vào. Quyển sổ này ghi từ tuần thứ 04 (7/9 – 13/9/2009) đến tuần thứ 24 (25/11 – 30/1/2010). Cô chủ nhiệm dạy môn Toán, lớp có 13 GV dạy 13 môn khác nhau, mà những điều khen, chê trong các tiết dạy đều được ghi đầy đủ trong Sổ liên lạc. Chắc cô phải xây dựng được một ê- kíp cán sự rất trung thành, mẫn cán để theo dõi, ghi chép những điều từng GV khen/chê trong mỗi tiết đối với từng HS trong số hơn 40 em của lớp. Chữ ghi ở mục “khen”/”chê” và tổng số điểm để xếp loại hạnh kiểm cuối tuần, rõ ràng là chữ của HS. Cô chỉ ghi kết luận cuối cùng và yêu cầu phụ huynh HS điều gì đó. Mấy tuần đầu điểm các môn của em H. đều 6, 7, 8, 9, và hóa 10, Sinh 10… Riêng Toán có 4 điểm. Tuần đầu điểm hạnh kiểm 120/100, trên cả tuyệt vời! Nhưng những tuần sau đó em bị “chê” ngày càng tăng: nói chuyên riêng, nghịch trong giờ…, không làm bài tập Toán, quên vở, đá bóng vỡ cửa kính, đùa nhau làm ngã bạn, không đeo khăn quàng đỏ… Những khuyết điểm như thế cứ lặp đi lặp lại, mỗi tuần điểm “chê” càng tăng lên. Đã 3 – 4 lần cô yêu cầu phải viết kiểm điểm, phụ huynh ký vào… Cùng với những điểm “chê” ngày càng nhiều thì điểm các môn học và điểm hạnh kiểm cứ thấp dần. Đến tuần thứ 24, điểm Toán là 01 và điểm hạnh kiểm 0/100, mời phụ huynh đến trường viết cam kết!… (Xem ảnh phía dưới). Và đến đây thì quyển Sổ liên lạc bị vứt đi! Trường hợp này đúng như dân gian thường than thở: “Trẻ càng lớn càng hư, càng giáo dục nhiều càng hỏng!” Có phải lỗi ở trẻ em hay lỗi ở cách giáo dục, lỗi của nền giáo dục? Nhà giáo dục đã không quan tâm nâng niu, vun đắp, phát triển những mầm mống tốt đẹp sẵn có ở mỗi HS để nó thăng hoa, mà cứ chăm chú kiểm soát, trừng trị những cái “sai”, cái “xấu” của HS bằng những biện pháp bên ngoài giáo dục. Nhân cách HS bị săm soi nát vụn, tổn thương, các em không đủ tự tin để sống đúng là mình một cách tự nhiên, đàng hoàng…
Tôi lại nhớ đến một GV cấp 2 mấy năm liền là Chiến sĩ thi đua vì năm nào cũng có nhiều sáng kiến. Nổi tiếng nhất là sáng kiến “4 như” của cô. Đại loại: “Vượt khó như em Ngân; Học chăm như em Hiệp; Chữ đẹp như em Vệ; Văn thể như em Hùng”… Thế mà cô “nhân” ra cả lớp có đến 8 em vượt khó, 100% các em học chăm; 100% vở sạch, chữ đẹp; 100% HS hăng hái tham gia văn thể!… Sáng kiến của cô lại được “nhân” ra trong ngành! Dường như nền giáo dục của ta muốn khép HS, SV theo một số khuôn mẫu do người lớn lựa chọn. Em phải ra sức phấn đấu theo mẫu người khác mình! Em nào cựa quậy ra khỏi cái khung mẫu đó là bị “chê”, bị điểm kém, bị… (HS thuận tay trái đều phải viết tay phải…)
Lâu nay chúng ta đã làm giáo dục bằng những thủ đoạn, những biện pháp ở bên ngoài giáo dục, làm sai lạc bản chất, tính chất của giáo dục, đã tạo ra một môi trường giáo dục mà HS, SV không được phép tự do tò mò, khám phá, thử và sai để đi tìm chân lý mà chỉ có “nói đúng”, “viết đúng”, “làm theo mẫu nhất định”! Một nền giáo dục mà nhân cách HS không được tôn trọng, thiếu dân chủ, tự do sáng tạo thì làm sao có thể “làm phát triển hoàn toàn những năng lưc sẵn có của các em” một cách “tự nhiên”… như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Sau những thành công trên con đường học tập, nghiên cứu, Ngô Bảo Châu đã cho chúng ta một kết luận: “Từ trải nghiệm làm việc ở Pháp cũng như ở Mỹ tôi hiểu ra rằng môi trường học tập lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của những nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn xếp ở vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng trong các nhà khoa học không phân biệt già trẻ cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.”. (Phát biểu tại buổi lễ tối 29/8/2010).
3/9/2010
M. V. T.
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he