Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [105] [106] [107] [108] [109] [110] [111] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Quậy Sóng Đông Hải

Nguyễn Xuân Nghĩa (Tham khảo)

Cho Êm Nội Loạn....

Có một cách thăm dò mạch địa chấn nằm ngoài Đông hải của Việt Nam là tìm vào vết rạn bên trong Hoa lục.





Nhưng trước hết, ta cần hiểu ra một quy luật đặc thù của Trung Quốc: chủ nghĩa dân tộc chi phối các quyết định kinh tế quốc gia nhiều hơn là thế giới bên ngoài có thể nghĩ. Đấy là sức mạnh mà cũng là một mâu thuẫn của xứ này, mâu thuẫn giữa thị trường và tư tưởng!

Bây giờ xin đi vào chuyện.

Trung Quốc đang chuẩn bị Đại hội đảng của Khoá 18, dự trù tổ chức vào quãng tháng 10, 2012. Y như Đại hội 16 vào tháng 11 năm 2002, Đại hội tới sẽ bầu ra lớp lãnh đạo thuộc thế hệ thứ năm để thay thế lớp người như Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc, Ôn Gia Bảo hay Úy Kiện Hành, gọi là "thế hệ thứ tư" sau các thế hệ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân.

Nhìn trong viễn cảnh dài, thì những thành tựu sau cải cách của Đặng Tiểu Bình từ 1979 đã đi hết sự vận hành dễ dãi ban đầu - như dễ vặt những trái thấp nhất - và bắt đầu có trở ngại.

Đầu tiên là tham nhũng và lạm phát, nguyên do chính của "Sự cố Lục Tứ", vụ Thiên an môn ngày bốn tháng Sáu năm 1989 khiến mấy ngàn người bị tàn sát trên quảng trường này tại Bắc Kinh. Sau đó là tình trạng thất quân bình giữa các địa phương và lại lạm phát năm 1998. Thế hệ thứ tư lên lãnh đạo từ cuối năm 2002 và cầm quyền từ đầu năm 2003 có thấy ra vấn đề. Những ưu tiên mới của họ là hạn chế lạm phát, tái phân tài nguyên phát triển cho các tỉnh bên trong để san bằng thất quân bình, và chuyển dần mục tiêu từ lượng sang phẩm...

Nhưng hai sự kiện đã đình hoãn và đẩy lui ý hướng cải cách đó.

Thứ nhất, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2001. Từ đó đà tăng trưởng vọt lên nhờ buôn bán nhiều hơn với bên ngoài đã đẩy lui ưu tiên tái phối trí đầu tư cho các tỉnh bị khóa trong lục địa và chứng minh giá trị của chiến lược hướng ngoại - lấy xuất cảng làm đầu máy. Sự kiện đó củng cố ưu thế lẫn quyền lợi và quyền lực của các tỉnh duyên hải, và phe cánh Giang Trạch Dân, thường được gọi là "Cánh Thượng Hải" vì đa số xuất thân hoặc lập thành tích từ Thượng Hải.

Tranh luận nội bộ về hướng nội hay hướng ngoại vì vậy không dứt khoát.

Sự kiện thứ hai, vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ rồi nạn Tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009 khiến nỗ lực cải cách càng bị trì hoãn, thậm chí cản trở. Nhu cầu tăng trưởng cao để chống suy trầm dẫn tới việc kiềm chế hối suất đồng bạc, tăng chi và bơm tín dụng để kích thích sản xuất. Với hậu quả là thổi lên bong bóng đầu cơ và rủi ro lạm phát. Và gây ra bài toán lưỡng nan, hai mặt đều khó: kềm hãm lạm phát có thể giảm đà tăng trưởng.

Thế hệ lãnh đạo thứ tư lâm thế kẹt và phải chuyển giao trách nhiệm cải tổ cho thế hệ kế tiếp.

Bây giờ, ba chục năm sau bước ngoặt của Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo Trung Quốc đang gặp thách đố sinh tử: không thể phát triển bền vững và tăng trưởng hài hòa nếu không cải tổ từ kinh tế xã hội lên tới chính trị. Việc chuyển hướng tăng trưởng từ lượng sang phẩm đã được Hội nghị Ban chấp hành thông qua từ tháng 10 năm ngoái, sẽ chỉ được áp dụng trong thực tế sau Đại hội 18. Từ nay đến đó, làm sau không gặp thêm sóng gió thì đã là may!

Nhưng làm sao không gặp được khi đà tăng trưởng sẽ giảm?

Tăng trưởng dưới 8% một năm là có thể khủng hoảng vì không tạo đủ việc làm cho 14 triệu người trẻ mỗi năm đến tuổi đi vào thị trường lao động. Khi lạm phát lại tăng vọt, còn hơn con số chính thức, thì thất nghiệp và vật giá là hai lưỡi dao cùng bén! Nó gợi lại hình ảnh Thiên an môn 1989.

Mà vấn đề không chỉ có hai vế kinh tế, là đạp thắng hay tống ga.

Do nhu cầu tăng chi để kích thích kinh tế vì Tổng suy trầm, hai năm qua các chính quyền địa phương đã vay bừa phứa (Xin đọc lại bài "Những Món Nợ Giấu Kín - Của Tầu và Của Ta" đã yết ngày 20110119 trên Dainamax). Bị hạn chế thì họ lập ra 8.000 công ty đầu tư giả hiệu để vay tiền ngân hàng của nhà nước. Năm 2008 vay nợ của địa phương là gần 130 tỷ Mỹ kim, qua năm sau thì tăng gấp sáu - gần 900 tỷ - và ngày nay con số thật có thể lên tới một phần ba của Tổng sản lượng Nội địa, là gần 2.000 tỷ đô la. Mà vẫn còn tăng, ngày một mạnh hơn: riêng trong quý một năm nay, các "công ty đầu tư" của địa phương đã hốt 40% lượng tín dụng mới cấp phát! Nghĩa là trong hệ thống quyền lực của cái xứ độc tài này, chẳng ai bảo được ai cả! Các cơ sở đảng ở địa phương rút ruột ngân hàng của nhà nước để "phát triển kinh tế địa phương và tạo ra việc làm" là... hợp cách và phải đạo, mà trung ương kiểm soát không được!

Hậu quả là ngày nay nhiều địa phương bị nguy cơ vỡ nợ, cần chính quyền trung ương bơm tiền để chuộc nợ. Trước khi bàn giao di sản cho lãnh đạo mới, thế hệ Hồ-Ôn phải dọn sạch món nợ thối này! Mà chẳng thấy mấy ai bị truy tố về tội lấy tiền làm ẩu - một vụ Vinashin, lũy thừa 500!

Ngoài chuyện kinh tế và cơ chế thì hậu quả xã hội của chiến lược phát triển cũ nay đã mười mươi: công nhân đòi tăng lương nếu không thì biểu tình! Và biểu tình lại lan rộng từ thành phần bất mãn về những bất công xã hội hay tham ô cửa quyền qua các thành phần sắc tộc thiểu số. Phản ứng của dân Hồi giáo, Tây Tạng hay Mông Cổ, vụ Nội Mông có loạn, v.v... là những thí dụ thời sự.

Khi dân bất mãn còn gài chất nổ như vụ Phủ Châu vừa qua tại tỉnh Giang Tây và giới trẻ lại liên kết với nhau để phả mùi hoa nhài từ Trung Đông vào Hoa lục, thì vấn đề hết là kinh tế xã hội mà trở thành chính trị.

Lãnh đạo Bắc Kinh phải vừa đàn áp - thí dụ là chuyện Ngải Vị Vị bị cầm tù và hệ thống Internet bị kiểm soát - vừa mua chuộc, như xét lại để diễn giải lại và kín đáo bồi thường các nạn nhân vụ Thiên an môn 1989. Dù vậy, họ vẫn chưa yên tâm. Có thể chính nỗi lo ấy khiến họ phải ngó ra ngoài để "xả sức ép".

Nhu cầu đó lại thỏa mãn đòi hỏi của phe cực hữu Maoist, lẫn các tướng lãnh trong quân đội khi các lãnh tụ đang đấu tranh cho vây cánh sẽ lên nắm quyền - vào trong Bộ Chính Trị - sau Đại hội 18.

Đây là những nguyên nhân sâu xa ở bên trong khiến Bắc Kinh bắt đầu quậy sóng Đông hải.

Nó đi ngược với chiều hướng ngoại giao hòa hoãn mà Bắc Kinh bày tỏ từ đầu năm nay, với đỉnh cao là kỳ họp ngày 14 Tháng Tư cùng các nước tân hưng như Ấn Độ, Liên bang Nga, Brazil và Nam Phi; và ngày chín Tháng Năm trong khuôn khổ Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế với Hoa Kỳ tại thủ đô Washington.

Từ cùng một sự việc, chúng ta có thể nêu ra hai giả thuyết khác nhau.

Giả thuyết thứ nhất, bi quan hay thực tế, thì coi đó là trò "một đồng một cốt": cả hai mặt âm dương - hòa hoãn hay hung hăng, Thiện hay Ác - đều thuộc về một thực thể bá quyền. Chế độ muốn có điều kiện tiến hành cải cách thì phải khơi dậy tinh thần dân tộc của quần chúng đối với "bọn xấu nước ngoài." Chỗ lùi an toàn nhất của đảng khi gặp khó khăn: cho dân chúng một liều thuốc phiện gọi là "chủ nghĩa Đại Hán"! Nếu tin vào giả thuyết đó thì phản ứng cứng rắn của thế giới sẽ phá vỡ trò ma và càng phơi bày ra nhược điểm sinh tử của chế độ.

Giả thuyết thứ hai, gọi là lạc quan, thì cho rằng mâu thuẫn nội bộ đã bung ra ngoài.Tức là qua những vụ khiêu khích liên tục, xu hướng cực hữu và bành trướng ngang nhiên thách đố xu hướng ôn hoà và đối thoại quốc tế khi phá vỡ chủ trương hoà dịu về đối ngoại.

Từ bên ngoài, các thành phần phản chiến, ôn hòa hoặc nhu nhược của xứ khác thì có thể thiên về giả thuyết lạc quan ấy. Và cho rằng thế giới - hay Hoa Kỳ - mà càng phản ứng mạnh với thái độ ngang ngược của Bắc Kinh thì càng củng cố thế lực của phe cực đoan. Chi bằng vẫn cố gắng tìm giải pháp hòa dịu và hợp tác để tạo thế mạnh cho xu hướng ôn hoà trong nội tình Hoa lục.

Cho đến nay, nhiều quốc gia có vẻ ngả theo giả thuyết lạc quan vì lo sợ hậu quả của một vụ đối đầu. Các cường quốc hay những nước ở xa có thể tính toán như vậy và rủi ro sai lầm thật ra lại không đến nỗi sinh tử cho họ.

Trong quá khứ người ta đã chứng kiến những mâu thuẫn tương tự.

Thí dụ như đợt lạm phát năm 1993 rồi khó khăn nội bộ sau đó khiến Bắc Kinh hung hăng uy hiếp Đài Loan trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên vào Tháng Ba năm 1996. Với lý cớ là Hoa Kỳ cấp chiếu khán nhập nội cho Tổng thống Lý Đăng Huy tham dự một phiên họp của hội ái hữu trường Đại học Cornell "với tư cách cá nhân", Bắc Kinh cho pháo kích qua đầu dân Đài Loan ngay trước ngày họ đi bầu.

Chính quyền Bill Clinton bèn gửi hàng không mẫu hạm tới vùng biển này. Mọi chuyện liền êm. Bắc Kinh đành bắn tiếng vớt vát: "quý quốc có dám hy sinh San Francisco hay Los Angeles để bảo vệ Đài Bắc không?"

Chính là lời dọa nạt đó càng khiến người ta thiên về giả thuyết lạc quan!

Những nước nhỏ ở gần, như Việt Nam hay các lân bang Đông Nam Á, thì phải thận trọng hơn vì họ không có thế mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Úc Đại Lợi.

Tuy nhiên, họ cũng biết, hoặc phải biết, là nếu mà lùi mãi thì gặp rủi ro lớn hơn. Cho đến khi chủ quyền bị thôn tính trong thực tế: Bắc Kinh sẽ quyết định là những gì thuộc thẩm quyền của mình, từ lưỡi bò, lãnh hải đến tài nguyên nằm sâu dưới đáy biển, đến từng dự án đầu tư của quốc tế hay một mẻ lưới của ngư phủ....

Phi Luật Tân đã biết ra điều ấy khi hồ hởi hợp tác với Bắc Kinh từ cuối năm 2004 và sau đó phải bẽ bàng rút lui vào năm 2008 và nay cầu cứu Hoa Kỳ! May là họ có một thỏa ước phòng thủ với Mỹ, cũng tương tự như Thái Lan hay Singapore. Nhiều nước Đông Á cũng đã thấy như vậy và cùng chờ xem phản ứng của Hoa Kỳ, bao giờ quan tâm nhiều hơn đến Đông Á....

Câu hỏi cuối. Việt Nam có thể làm gì trong hoàn cảnh này?

Thật ra, chúng ta có hai vấn đề lồng làm một.

Thứ nhất là vấn đề Trung Quốc của Việt Nam.

Nó nằm tại Hà Nội, trong hệ thống lãnh đạo hiện hành. Ta không quên Hà Nội và Bắc Kinh vừa tăng cường hợp tác quốc phòng vào Tháng Tư, một tháng trước khi Đông hải nổi sóng! Và trong khi Bắc Kinh khai thác phản ứng dân tộc - chủ nghĩa Đại Hán - làm lợi thế tuyên truyền và lý do xâm lược, thì Hà Nội lại cấm đoán phản ứng ái quốc của người Việt. Lại còn tiếp tục thực hiện những dự án do Trung Quốc đề xướng và gây bất lợi cho Việt Nam.

Nếu người dân có quyền tự do lên tiếng thì Hà Nội có thêm thế mạnh trong việc đối thoại với Bắc Kinh, nhưng lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam không muốn có thế mạnh đó. Tại sao vậy?

Thứ hai là vấn đề Trung Quốc của thế giới.

Nó nằm tại Đông Á, từ eo biển Đài Loan, Điếu Ngư đài xuống tới Hoàng Sa, Trường Sa qua Vịnh Thái Lan đến Vịnh Bengal vào Ấn Độ dương, nó liên quan tới cả chục quốc gia ngoài siêu cường Châu Á là Hoa Kỳ. Các quốc gia trong khu vực rộng lớn này đều quan tâm với vấn đề Trung Quốc và muốn có một sự phối hợp trong phản ứng. Đấy là một lợi thế cho Việt Nam vì tạo điều kiện cho sự hợp tác quốc tế để có một tiếng nói chung. Và nhất là tránh cho Việt Nam một sự chọn lựa giả tạo là "theo Mỹ hay theo Tầu".

Cho nên, muốn tận dụng được giải pháp quốc tế cho một vấn đề của quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam phải dứt khoát với Trung Quốc. Nếu không, người dân phải dứt khoát với đảng. Và đừng quá hãi sợ Trung Quốc!

Chỉ vì ngay giữa khúc quanh cải tổ này, chính Bắc Kinh cũng chẳng muốn gây ra khủng hoảng, hoặc chiến tranh đâu. Họ trông cậy vào sự đớn hèn của các nước chung quanh sẽ giúp họ đạt mục tiêu!
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:
.
Ở nhiều nơi trên thế giới, mọi người biểu lộ tình cảm với Trung Quốc...
Xin các bạn lưu ý! Đây là "tình cảm" tẩy chay, căm ghét... được thể hiện trong các hình bạn Vodanhthi đã đưa lên
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

TS NGUYỄN THỤY ANH:

Sách là phương tiện tốt nhất để hiểu và dạy con



SGTT.VN - TS Nguyễn Thuỵ Anh sinh năm 1974, tốt nghiệp ngành sư phạm đại học tổng hợp Moscow – Nga, năm 2002 bảo vệ luận án tiến sĩ giáo dục học ngành giáo học pháp. Hiện nay, ngoài công việc của một chuyên gia tư vấn giáo dục, chị còn là dịch giả tiếng Nga, tác giả của nhiều đầu sách cho thiếu nhi. Đặc biệt, câu lạc bộ Đọc sách cùng con tại Hà Nội – một tổ chức phi lợi nhuận do chị làm chủ nhiệm đang tạo ra sự chú ý đặc biệt…

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=143281
Tiến sĩ  Nguyễn Thụy Anh



Những người sinh giữa thập niên 70 của thế kỷ trước thường có tuổi thơ trải qua trong một bối cảnh giáo dục bao cấp khó khăn, khắc nghiệt. Sự trợ lực nào giúp chị vượt qua những điều đó để đến với sách một cách độc lập và có kỹ năng?

Bố là người giúp tôi xây dựng thói quen, sở thích và kỹ năng đọc. Việc chăm mua sách cho con với đồng lương eo hẹp, ăn còn chưa đủ – đó đã là một cố gắng đầy cảm động từ phía cha mẹ. Sau này, bố tôi rất hay vờ như vô tình quan tâm, kiểm tra cách đọc của tôi: đố con nói lại một chi tiết nào đó trong sách, kinh ngạc thán phục khi tôi nhớ được, hoặc có khi lại tỏ ra… không tin rằng tôi có thể hiểu một đoạn văn nào đó khiến trẻ con hiếu thắng ra sức bày tỏ suy nghĩ của mình về những vấn đề mà cuốn sách nói tới. Sau này bố tôi dạy tôi cách đọc nhanh để lấy thông tin, cách ghi chép vắn tắt, cách nhớ bằng hình ảnh, cho phép được “bôi bẩn sách” bằng cách dùng bút màu gạch chân những từ quan trọng… Bố tôi cho rằng, sách là người thầy lớn để con có được vốn tri thức, phát triển từ vựng và sử dụng ngôn ngữ chính xác, phong phú. Và ông đã đúng.

Thời của chúng tôi có điều may mắn và cũng là không may so với thời của các con chúng ta bây giờ, là sự lựa chọn không nhiều về nguồn cung cấp thông tin, tri thức, hình thức giải trí… Phim ảnh ít, trò chơi điện tử không có, những cuốn sách in giấy đen, bìa không đẹp, hình vẽ không màu và đầy vết gián nhấm nhưng được xuất bản một cách cẩn trọng – rất ít lỗi morasse, lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp… là những người bạn thân thiết duy nhất của tuổi thơ. Ngày ấy truyện tranh rất ít, những câu chuyện toàn chữ là chữ khiến trẻ ngày nay rất sợ lại giúp trí tưởng tượng của chúng tôi trở nên phong phú.

Gần đây, khi bàn về văn hoá đọc, nhiều chuyên gia lo lắng về thực trạng người trẻ Việt Nam đang ngày càng ít quan tâm đến việc đọc sách. Theo chị, nguyên nhân cơ bản nằm ở đâu?

Nếu có thực trạng nói trên thì để tìm hiểu nguyên nhân cơ bản phải có những nghiên cứu và số liệu thống kê cụ thể. Ở đây tôi chỉ có thể đoán thôi. Thời đại của văn hoá nghe nhìn, của cuộc sống số, đương nhiên người trẻ có nhiều điều để quan tâm, và sách chỉ là một trong số đó. Cuộc sống bận rộn và tốc độ hơn – đôi khi người ta chỉ có thể đọc những cuốn sách chuyên môn phục vụ sát sườn cho công việc đã là một kỳ tích rồi. Ngoài ra, thiết nghĩ, việc các bạn trẻ thờ ơ với sách, nhất là sách văn học còn có thể do một nguyên nhân sâu xa nữa là: cách dạy văn và cảm thụ văn học ở nhà trường có vấn đề. Cách tiếp cận môn văn hoặc các tác phẩm văn học trong chương trình học ở một số nơi còn nhiều thụ động, định kiến, rập khuôn… sẽ khiến học sinh chai lì cảm xúc, mất kỹ năng – năng lực cảm thụ văn chương, không có động cơ tìm đến với sách văn học. Ở trường đã thế, ở nhà thì nhiều phụ huynh quan tâm đến việc học của con thông qua điểm số, thành tích hơn là để tâm đến quá trình phát triển tâm lý của con, nhiều người quên rằng những cuốn sách chính là phương tiện tốt nhất để hiểu con, dạy con và rèn con.

Dường như chị đang muốn giải quyết vấn đề từ gốc rễ môi trường gia đình. Và câu lạc bộ Đọc sách cùng con, như tên của nó, hướng đến “kích hoạt” việc đọc của con trẻ từ nơi… các bậc phụ huynh?

Vâng, có thể nói như vậy, mặc dù động cơ ban đầu của chúng tôi khi thành lập câu lạc bộ rất đơn giản: chia sẻ thông tin về sách giữa các phụ huynh để tiết kiệm thời gian cho bố mẹ trong việc lựa chọn sách cho con, sau đó mới nghĩ đến việc chia sẻ và phổ biến kỹ năng đọc sách cho con, đọc sách cùng con và dùng sách dạy con.

Nhưng theo chị, liệu việc xử lý từ phía gia đình có “vá víu” được sự khiếm khuyết trong cách đào tạo của nhà trường hiện nay – làm cho học sinh không còn thì giờ và cảm hứng để truy cầu tri thức, như chị nói, “mất động cơ” tìm đến với sách?

Gia đình và nhà trường có những chức năng riêng và đều ảnh hưởng quan trọng đến việc giáo dục trẻ. Đương nhiên, muốn xây dựng một văn hoá đọc hiệu quả như chúng ta kỳ vọng phải có sự liên hệ chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, đồng thời có sự quan tâm thiết thực của xã hội. Chẳng hạn, ở Nga, thay vì giao bài tập hè cho học sinh tiểu học, giáo viên đề nghị các em xây dựng một danh sách những đầu sách cần và nên đọc trong mùa hè cho riêng mình. Bố mẹ cùng con vào thư viện chọn sách và theo dõi việc đọc của trẻ.

Ngoài ra, người ta không quên chức năng của các thư viện thiếu nhi của xã, phường. Những buổi sinh hoạt đọc sách, giao lưu với các nhà văn, diễn kịch, múa rối theo nội dung sách… được tổ chức thường xuyên hàng tuần, hàng tháng ở các thư viện nhỏ cũng là cách khuyến đọc hợp lý và không quá phức tạp, tạo cho trẻ thói quen đọc. Đây cũng là những hoạt động chúng tôi đã và sẽ tổ chức, tuy chưa thật sự có hệ thống do khó khăn về kinh phí. Việc “xử lý từ phía gia đình” như anh nói không có mục đích “vá víu” khiếm khuyết của nhà trường mà đơn giản là những việc cần làm, không thể không làm! Nhiều bậc phụ huynh thường kêu ca nhà trường mà không thấy trách nhiệm của mình trong việc chung sức với nhà trường, thầy cô giáo giải quyết những vấn đề giáo dục, nuôi dạy trẻ.

Trẻ con cần khởi đầu cho niềm đam mê đọc bằng việc được sống trong không gian sách, tiếp xúc với sách và cùng cha mẹ khám phá những trang sách. Điều đó phải chăng quá lý tưởng trong thời buổi này?

Đó là lý tưởng chứ không phải là “quá lý tưởng” để nghĩ rằng không thể làm được điều ấy. Thực tế cho thấy, bố mẹ chỉ cần tâm lý một chút thôi và hiểu sâu sắc ích lợi của việc làm sao cho con trẻ yêu thích đọc sách là sẽ tìm được phương pháp tốt cho việc này. Chính vì cuộc sống giờ đây đa chiều hơn, nhiều lựa chọn hơn mà quan niệm, ý thức cũng như kỹ năng dành cho việc đọc sách không còn giống thời xưa nữa.

Theo tôi, cha mẹ cũng không nên cực đoan, chỉ đề cao việc đọc sách mà ép trẻ từ bỏ những loại hình giải trí và cập nhật tri thức khác. Tôn trọng sự cân đối, hài hoà và ý kiến cá nhân của trẻ – đó là bí quyết để các bậc phụ huynh có được tiếng nói chung với con trong việc chọn sách, đọc sách và không chỉ việc này.

“Tìm được tiếng nói chung với con” đòi hỏi một sự am hiểu tâm lý con trẻ. Nhưng trong thời buổi hiện nay, sự thay đổi các giá trị diễn ra nhanh chóng, khoảng cách ngôn ngữ giữa các thế hệ bị đẩy xa hơn. Cho nên, để tìm được sự “hài hoà hay cân đối”, cần một kỹ năng và kiên nhẫn nhất định từ phía người lớn?

Thời nào giữa các thế hệ cũng có những khoảng cách lớn – về ngôn ngữ, cảm xúc, sở thích và thời nào việc nuôi dạy trẻ cũng đòi hỏi một sự kiên nhẫn. Nhà giáo Hồ Ngọc Đại từng nhấn mạnh quan điểm “hiểu trẻ để dạy trẻ” mà tôi rất tâm đắc. Tôi nghĩ, trong quan hệ giữa bố mẹ và con cái, cái sự “hiểu” ấy nên là hai chiều – hiểu trẻ và cho trẻ cơ hội hiểu mình. Sự đồng cảm hoặc có ý thức đạt được sự đồng cảm như thế là chìa khoá cho sự “hài hoà cân đối” trong việc hướng dẫn chứ không áp đặt, thấu hiểu chứ không phủ nhận cực đoan, chia sẻ chứ không phán xét. “Tiếng nói chung với con” tôi hiểu với nghĩa như vậy.

Làm sao để những đứa trẻ (không may) có cha mẹ không quan tâm tới việc đọc sách có cơ hội tham gia câu lạc bộ Đọc sách cùng con?

Câu lạc bộ của chúng tôi hướng tới cha mẹ nhiều hơn là con trẻ và tôi tin rằng những gì chúng tôi đang làm, thật ra rất đơn giản và còn ít ỏi, nhưng góp phần thay đổi quan niệm của những bậc phụ huynh chưa coi trọng việc đọc sách của con và cùng con. Tôi nhấn mạnh cụm từ “cùng con” là nhấn mạnh mối quan hệ gần gũi, giao lưu về mặt tinh thần giữa bố mẹ và con cái mà gần đây nhiều người coi nhẹ. Câu lạc bộ coi trọng các hoạt động có tính chất tuyên truyền và tư vấn kỹ năng nhằm gây hiệu ứng tâm lý xã hội, vì thế thành viên sẽ là những người nhận được thông tin chứ không nhất thiết phải tham gia cụ thể những sinh hoạt offline. Trong năm tới, chúng tôi hy vọng có thể tổ chức thường xuyên những buổi sinh hoạt đọc sách cho các lứa tuổi – khi ấy, các cháu nhỏ sẽ có điều kiện tham gia nhiều hơn.

Thị trường sách Việt Nam cũng đang thiếu những “món” phù hợp cho bạn đọc nhỏ tuổi…

Khách quan mà nói, thị trường sách của mình bây giờ rất phát triển và phong phú, sách nào cũng có. Quan trọng lại không phải là thiếu mà là... nhiều –thừa và thiếu. Chính vì thế mà tôi thấy cần có câu lạc bộ Đọc sách cùng con để các bố mẹ chia sẻ lựa chọn của mình, cũng như kỹ năng sử dụng những cuốn sách mua được. Nghĩa là, mua sách gì, sách gì thực sự hữu ích, cách sử dụng sách – là những điều bố mẹ cần quan tâm.

Trong phần giới thiệu sách của câu lạc bộ, tôi muốn xây dựng mục Chuyên gia khuyên và mục Phụ huynh khuyên, nghĩa là chọn sách trên cơ sở lý thuyết về tâm sinh lý trẻ, kết hợp với tham khảo phản hồi từ phía các cháu. Trên thực tế, nhiều bố mẹ chọn sách theo ý thích của mình mà không lường được phản ứng của trẻ!

Sự trải nghiệm thực tế từ việc điều hành câu lạc bộ giúp ích gì cho chị trong việc viết ra những cuốn sách dành cho bạn đọc nhỏ tuổi?

Qua câu lạc bộ, tôi có điều kiện tiếp xúc với các bậc phụ huynh, các cháu nhỏ, chia sẻ với họ những câu chuyện rất riêng tư của mình trong việc nuôi dạy con. Đó là nguồn cảm hứng, cũng là chất liệu để tôi viết những câu chuyện cho các bé.

Nếu tạo được cho trẻ có thói quen đọc sách và tình yêu với sách thì bạn sẽ thấy, dùng sách để dạy trẻ dễ dàng hơn rất nhiều so với các phương pháp khác, lại cho những kết quả bất ngờ thú vị đáng yêu!

Cám ơn chị.


Nguyễn Vinh
thực hiện phỏng vấn


Các tác phẩm đã xuất bản

– Bộ sách 9 tập cho thiếu nhi Bố ơi, vì sao? (9 tập, Alpha Books & NXB Mỹ Thuật 2010): Nông thôn và thành thị, Tình yêu là gì?, Tổ quốc, Vì sao phải uống sữa?, Vì sao phải đi
vệ sinh đúng lúc?, Bác sĩ là bạn con, Vì sao mẹ hay nổi nóng?, Vì sao mẹ phải đi làm?,
Chú lính “một câu”. Hiện đang viết những tập tiếp theo.
– Sách cho trẻ mầm non Bài học của bé (2 tập, NXB Trẻ, 2010)
– Tập truyện ngắn Gió trắng (NXB Văn Học, 2010)
– Tuần đêm, tiểu thuyết dịch từ tiếng Nga, Sergey Lukianenko (NXB Trẻ, 2010)
– Olga Berggoltz của tôi, dịch thơ (NXB Trẻ, 2010).
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đua thông tin cùng Trung Quốc, Việt Nam không được hài lòng với huy chương bạc

Tác giả: HUỲNH PHAN

Việt Nam cần xem lại chiến lược thông tin và hiện đại hoá công tác này để có thể đưa những quan điểm của Việt Nam ra trước dư luận quốc tế - Gs Carl Thayer khuyên.

Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, ở thời Chiến Quốc,Tào Tháo đã đánh bại đội quân Tây Lương hùng mạnh với dũng tướng "Cẩm" Mã Siêu, bằng kế ly gián viên đại tướng "hữu dũng" này với Hàn Toại - vị huynh đệ kết nghĩa của người cha quá cố của Mã Siêu. Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tào Tháo đã viết một bức thư riêng cho Hàn Toại, trong đó tẩy xoá những từ quan trọng, khiến Mã Siêu nghi ngờ Hàn Toại có ý định hàng Tào, và chú cháu trở giáo đánh nhau...

Ngày nay, cách thông tin kiểu hư hư thực thực, úp úp mở mở, đã khiến cho nội bộ quân Tây Lương lục đục, sức mạnh bị suy yếu, dẫn đến thất bại, dường như đã được hậu duệ của Tào Tháo sử dụng lại trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Carl Thayer về câu chuyện này, cũng như tiền đồ của cách tiếp cận đa phương đối với cuộc tranh chấp này.

Chính xác, minh bạch khi công bố thông tin

Chắc Giáo sư có theo dõi những thông tin đăng tải trên truyền thông Việt Nam trong những ngày vừa rồi, cũng như gặp lại trên đó một số đồng nghiệp Việt Nam của mình. Dường như, hành động quá trớn của Trung Quốc đã khiến cho Việt Nam, bất kể là giới lãnh đạo, giới nghiên cứu, truyền thông, hay dư luận, không thể "nhẫn nhịn" lâu hơn nữa. Thế nhưng, liệu điều đó đã đủ để dư luận quốc tế hiểu rõ thực chất điều gì đang diễn ra ở Biển Đông hay chưa?

Giáo sư Carl Thayer: Giới lãnh đạo Việt Nam dường như đang ở vị thế khó xử, bởi cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề Biển Đông là thông qua kênh ngoại giao.

Một mặt, lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng Đại sứ quán Trung Quốc hẳn sẽ phản đối mạnh mẽ mỗi khi họ đọc được các bài phê phán Trung Quốc trên báo chí Việt Nam. Thế nhưng, mặt khác, nếu chính phủ Việt Nam không cho phép truyền thông Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong việc thông tin về Biển Đông, điều đó khiến cho các loại tin đồn và nhận định của báo chí nước ngoài sẽ định hướng dư luận trong nước.

Gần đây đã có dấu hiệu rằng báo chí trong nước đã vào cuộc nhiều hơn trong câu chuyện liên quan tới Biển Đông. Vietnamnet Bridge (bằng tiếng Anh) đã cho đăng tải một loạt bài viết thú vị xung quanh sự kiện 26.5, trong đó nếu rõ quan điểm của các học giả và cựu quan chức. Chẳng hạn, những bình luận của Thiếu tướng Công an Lê Văn Cương là khá sắc sảo.

Theo tôi, Việt Nam cần xem lại chiến lược thông tin và hiện đại hoá công tác này để có thể đưa những quan điểm của Việt Nam ra trước dư luận quốc tế. Chứ chỉ có các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao là chưa đủ. Mỗi bộ liên quan phải có một website dễ truy cập và luôn đăng tải thông tin cập nhật. Các tư liệu bằng hình ảnh, kể cả video, cần được phân phát kịp thời. Việt Nam cũng cần phải kịp thời dịch các tư liệu liên quan ra tiếng nước ngoài.

PetroVietnam, chẳng hạn, đã cho phân phát bản báo cáo vắn tắt về sự sự kiện 26.5 dưới dạng Power Point. Theo tôi, bản báo cáo này cần phải được trình bày một cách chuyên nghiệp hơn, và lẽ ra phải được dịch ngay ra tiếng Anh và phân phát với một số lượng lớn.

Việt Nam đã tổ chức được hai cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, và mời được nhiều học giả nước ngoài đến trình bày tham luận cùng với các đồng nghiệp Việt Nam. Những tham luận này lẽ ra phải được đăng tải ngay lên một website mà cả thế giới có thể dễ dàng truy cập được. Cuốn kỷ yếu của cuộc hội thảo lần thứ nhất phải chờ một năm sau mới được xuất bản. Còn cuốn kỷ yếu của hội thảo lần thứ hai vẫn chưa thấy xuất hiện.

Hơn nữa, tham luận của các học giả Việt Nam lại không được dịch ra hai thứ tiếng quan trọng nhất là tiếng Hoa và tiếng Anh.

Trong "cuộc đua về thông tin" Việt Nam không được phép hài lòng với "huy chương bạc", hay vị trí "á hậu".

Hơn nữa, tính chính xác, minh bạch và nhất quán trong việc công bố thông tin cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, trong sự kiện 26.5 lúc đầu thông tin nói rằng đây không phải là lần đầu Trung Quốc quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí. Nhưng sau đó, lại có thông tin rằng đây là lần đầu. Điều đó khiến cho giới quan sát bị lẫn lộn, và một số người đã suy diễn rằng tại sao lần này Việt Nam lại quyết định đưa chuyện này ra công khai, còn những lần trước thì không.

Bình luận về cuộc tuần hành hoà bình thể hiện lòng yêu nước và phản đối hành vi xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của tàu Hải Giám Trung Quốc, như Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã nói với phóng viên BBC rằng "Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc."

Với tư cách là một chuyên gia về Biển Đông và Việt Nam, ông có nhận xét gì?


Giáo sư Carl Thayer: Duy trì sự thống nhất trong nước là vô cùng quan trọng trong chiến lược đối phó với của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần giải thích những hành động và chính sách của mình cho người dân. Rõ ràng là chính phủ không thể công bố những tư liệu mật liên quan tới kế hoạch ngoại giao. Thế nhưng chính phủ phải vạch ra những nét chính trong chiến lược và chính sách đối ngoại nói chung, và công bố để dư luận biết. Các quan chức chính phủ cũng cần phải phát biểu trước sinh viên đại học và trả lời những câu hỏi của họ.
Việt Nam có tổ chức những cuộc họp nội bộ về Biển Đông, nhưng rất ít thông tin được công bố cho đông đảo người dân được biết.  Đây là những vấn đề rất phức tạp, và nếu chính phủ không giải thích rõ những chính sách của mình cho công chúng, có nguy cơ các loại tin đồn, hay thông tin thất thiệt, sẽ tràn vào Việt Nam.

Cùng lúc đó, Việt Nam phải tổ chức những cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc, và cố đạt được thoả thuận rằng hai bên sẽ kiềm chế để không xảy ra những sự cố có chủ ý như sự kiện tàu Bình Minh 02. Việt Nam cũng có thể lặng lẽ thúc đẩy hợp tác với các cường quốc quan trọng, như Nhật Bản (Lực lượng Phòng vệ Bờ biển) và Ấn Độ, như một tín hiệu với Trung Quốc rằng sự hiếu chiến tiếp tục của họ sẽ chỉ thúc đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông.

Kiểu thông tin lập lờ của Trung Quốc

Khi Giáo sư nói "... có nguy cơ các loại tin đồn, hay thông tin thất thiệt, sẽ tràn vào Việt Nam", có phải ông định ám chỉ về tường thuật của một tờ báo tiếng Anh của Trung Quốc vào ngày 4.6 vừa rồi về cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước Trung Quốc và Việt Nam bên lề Đối thoại Sangri-La 2011.

Tờ này viết: "Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói hôm Thứ Sáu rằng tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) cần phải được giải quyết mà không có sự tham gia của một bên thứ ba nào".

Tờ báo này cũng đã từng đưa tin rằng nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đồng ý với cách tiếp cận song phương của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, khi tường thuật cuộc gặp song phương giữa ông và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề Cấp cao ASEAN 17.

Hay Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã từng phải giải thích trên báo Quân Đội Nhân Dân rằng quan điểm của ông cũng bị hiểu lầm khi báo chí Trung Quốc đưa tin rằng ông vui mừng trước việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, trong khi thuật ngữ ông dùng là "khả năng quốc phòng".


Giáo sư Carl Thayer: Anh hiểu đúng ý tôi. Nói như vậy, tôi muốn gián tiếp dẫn chiếu tới các bài tường thuật kiểu đó của báo chí Trung Quốc. Điều quan ngại của tôi là những thông tin lập lờ như vậy sẽ được các nhà báo và học giả khác trích dẫn và chúng sẽ được lặp đi lặp lại trong các bài viết của họ, khiến cho những độc giả Việt Nam hay đọc những bài viết từ nước ngoài trở nên lẫn lộn trong nhận thức.

Ngoài ra, tôi cũng muốn ám chỉ một số blog và mạng của một số người Việt Nam ở nước ngoài, những người thường có thói quen phóng đại, hoặc đưa ra những khẳng định mang tính thất thiệt.

Việt Nam phải giữ vững khối liên kết trong ASEAN

Có những ý kiến cho rằng cách tiếp cận đa phương đối với việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dường như không còn giữ được cái đà của năm 2010 tại Hà Nội,  nếu xét tới tình trạng "dậm chân tại chỗ" của tiến trình thực hiện Tuyên bố về Nguyên tắc Ứng xử trên Biển Đông (DOC), phần nào đó ở ADMM Jakarta, cũng như không khí của cuộc Đối thoại Sangri-La vừa rồi.

Giáo sư có nghĩ như vậy không, và Giáo sư giải thích điều này thế nào?


Giáo sư Carl Thayer: Có những dấu hiệu rất lẫn lộn đối với việc liệu ASEAN và Trung Quốc có đạt được tiến bộ trong việc phê chuẩn những hướng đi cụ thể để thực hiện DOC hay không. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc muốn vấn đề này được giải quyết theo kiểu song phương và chỉ giữa những nước có liên quan trực tiếp.

Khi DOC được phê chuẩn năm 2002, để chiều lòng Trung Quốc, tuyên bố này đã không đề cập rõ ràng tới Trường Sa hay Hoàng Sa. Nói cách khác, phạm vi của DOC còn khá mập mờ. Trung Quốc sẽ không cho phép gắn Hoàng Sa vào bất kỳ tuyên bố nào về Biển Đông do họ đang chiếm giữ quần đảo này, và cho rằng vấn đề Hoàng Sa đã giải quyết xong.

Cùng lúc đó, Indonesia, với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, đã tuyên bố sẽ tiếp cận Trung Quốc liên quan đến một bộ qui tắc ứng xử (COC) và sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại Cấp cao Đông Á. Trách nhiệm chính của ASEAN là "kéo" Trung Quốc vào câu chuyện này. Và điều đó có nghĩa là các ngoại trưởng sẽ đóng vai trò tiên phong.

Còn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) không có trách nhiệm trực tiếp và tất cả những gì mà hội nghị này có thể làm là hỗ trợ cho tiến trình ngoại giao đang diễn ra.

Tuyên bố chung của ADMM tại Jakarta đã tái khẳng định cam kết của các quốc gia ASEAN trong việc thực thi đầy đủ và một cách hiệu lực DOC, và tiến tới việc thông qua COC. Tuyên bố này cũng tái khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận, trong đó có Công ước về Luật Biển 1982.

Đối thoại Sangri-La chỉ dừng lại ở tầm một diễn đàn tranh luận. Tuy nhiên, trong bài diễn văn khai mạc Thủ tướng Malaysia Dato' Sri Najib Tun Razak đã tuyên bố: "Tôi cũng cảm thấy lạc quan rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm thoả thuận được một bộ qui tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn để thay thế cho Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông."

Theo Giáo sư, trong khi Trung Quốc dường như đang thành công trong việc lôi kéo một số nước ASEAN về phía mình thông qua những cam kết viện trợ khổng lồ, Việt Nam  cần phải làm gì để đảm bảo được sự đoàn kết nội khối, cũng như kéo lại sự quan tâm của các cường quốc bên ngoài đối với chủ đề Biển Đông đã trở nên căng thẳng hơn trong thời gian gần đây?

Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam có một nhiệm vụ khó khăn là duy trì khối đoàn kết ASEAN. Chỉ còn có 7 tháng nữa thôi dưới vai trò chủ tịch của Indonesia để duy trì xung lực cho việc đối thoại với Trung Quốc. Bởi sau đó là Brunei (2012), Campuchia (2013), Myanmar (2014) và Lào (2015) sẽ lần lượt làm chủ tịch ASEAN, và những quốc gia kể trên không có lợi ích trực tiếp, hoặc có lợi ích quá nhỏ, ở Biển Đông.

Điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm là trước hết phải giữ vững khối liên kết với những quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm Philippines, Malaysia và Brunei, và vận động Indonesia duy trì vai trò dẫn dắt trong vấn đề này. Việt Nam cũng cần tham vấn các quốc gia ASEAN khác và thuyết phục họ cần phải kiên định. Cuối cùng, Việt Nam cần phải vận động các cường quốc chủ chốt duy trì áp lực đối với Trung Quốc để quốc gia này phải biết kiềm chế các hành động đơn phương.

Ngoài ra, Việt Nam cũng phải nhìn xa hơn DOC và COC để hướng tới phương án khai thác chung, và lựa chọn cách thức nào cho phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.

Việt Nam cần nhớ bài học Vịnh Bắc Bộ

Trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Việt Nam bên lề Đối thoại Sangri-La 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã khẳng định rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không can dự vào sự cố xảy ra với tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam (Tàu Bình Minh 02).

Giáo sư hình dung thế nào nếu những đi theo bảo vệ Bình Minh 02 không tự kiềm chế được  mà có những hành động đáp trả đối với tàu Hải Giám của Trung Quốc đang cắt cáp thăm dò? Trong trường hợp đó, liệu sẽ xảy ra một điều gì đó tương tự như Sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 hay không?


Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc có 5 cơ quan nhà nước phụ trách các vấn đề về biển, bên cạnh lực lượng Hải quân thuộc PLA. Một số nhà quan sát cho rằng các tàu Hải Giám của Trung Quốc có thể đã hành động độc lập.

Tuy nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh đã biện hộ rằng hành động của những con tàu này là hoạt động "bình thường". Như vậy, Trung Quốc đã sử dụng tàu dân sự để gây khó dễ cho những quốc gia không có sức mạnh dân sự tương đương khi đối phó với Trung Quốc, như Việt Nam trong trường hợp vừa rồi.

Việt Nam cần phải tham vấn các chuyên gia về luật pháp quốc tế xem có đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hay không. Việt Nam cũng phải cực kỳ cẩn trọng khi tính tới hành động đáp trả tương xứng. Trong chuyện này, Việt Nam cần nhớ bài học lịch sử từ sự kiện vịnh Bắc Bộ (Sự kiện vịnh Bắc Bộ được cho là cuộc tấn công của hải quân nhân dân Việt Nam chống lại vụ xâm nhập vịnh Bắc Bộ của hai tàu khu trục Mỹ. Thực tế, chỉ có cuộc tấn công ngày 2/8/1964 nhưng chính quyền Mỹ đã bịa ra thêm một cuộc tấn công thứ 2 để thúc đẩy Quốc hội Mỹ ra nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống Johnson mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin rằng, tàu chiến Mỹ cố khiêu khích một cuộc tấn công để Johnson có cớ leo thang chiến tranh - NV).

Một việc quan trọng khác Việt Nam cần làm là cải thiện năng lực kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của mình, cũng như tăng cường khả năng hiện diện dân sự cần thiết trên biển để khẳng định chủ quyền. Tất nhiên, để làm được điều này cần thời gian.

Việt Nam có thể cử đội tàu có vũ trang hộ tống các tàu thăm dò dầu khí. Với khả năng thông tin liên lạc và kinh nghiệm cao hơn, Việt nam cũng có thể sử dụng sự tiếp ứng của không quân, như Philippines đã làm, khi tàu Trung Quốc tiếp cận tàu thăm dò của Việt Nam. Nhưng phải hết sức tỉnh táo khi quyết định "can thiệp" để tránh bạo động và sự trả đũa của Trung Quốc.

Bản gốc trên Tuần VietNamNet
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Một cái nhìn rất sáng, sâu,xa. Những lời khuyên có vẻ chân thành, khách quan. Có ai nghe ông này không ?
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

CÒN LẠI TÌNH YÊU
[06.06.2011 11:16 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) “Em đi hàng đầu, tay giơ cao quyển sổ mở có hình tấm bản đồ nước CHXHCN Việt Nam - mà em đã dùng bút dạ đỏ khoanh hai trái tim vào quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa - thiêng liêng như đang nâng lá cờ Tổ quốc. Em cứ đi như thế, rất lâu, dưới nắng hè gay gắt làm ai cũng phải nheo mắt lại. Người em gầy, mắt em cận, mặt em nhợt nhạt và nhễ nhại mồ hôi.”

http://nhipcauthegioi.hu/uploads/2007/images/1307350868.nv.jpg
Tác giả (ngoài cùng, bên trái) trong đoàn tuần hành - Ảnh: Lê Tuấn Anh (sachxua.net)


Tôi biết đây sẽ là một bài viết rất kém của mình, bởi vì tôi không đủ khả năng để thể hiện hết những gì mình đã chứng kiến hôm qua, 5-6-2011. Tôi chỉ có thể nói, đó là một ngày nắng chói chang, vàng rực đường phố, cây lá rất xanh và màu cờ, màu áo thì rất đỏ.

Tôi đã thấy những bạn trẻ đứng dưới nắng như thế, từ 8h sáng, giơ cao cờ, những khẩu hiệu in lên giấy A4, ảnh Bác Hồ và ảnh tướng Giáp với nụ cười mạnh mẽ và quả đấm giơ lên: “Không sợ”. Tôi thấy hàng rào cảnh sát cơ động nai nịt, mũ bảo hiểm, khiên, dùi cui, đẩy các bạn lùi dần từng bước, từ dưới chân tượng Lenin, bật dần khỏi vườn hoa, ra vỉa hè và xuống lòng đường. Có những dân phòng trẻ, xô đẩy rất hung hãn. Có những dân phòng già hơn thì ôn tồn đạo mạo: “Được rồi, được rồi, ghi nhận. Thế thôi, xong. Về, về đi”, hệt như nói với trẻ nít. Ngay cả trong những phút ấy, tôi vẫn nghe các bạn nhắc nhau: “Đừng chửi, đừng nổi nóng”, “hết sức giữ bình tĩnh”, “ôn hòa anh em ơi”... Hàng người cứ bị đẩy lùi từng bước một, mặc cho các bạn trần tình: “Chúng em có làm gì đâu?”, “Các anh giăng dây đi vậy, cho cái ranh giới để chúng em biết chỗ mà đứng”.

Tôi thấy một dân phòng trẻ tuổi, gần như chỉ chờ lệnh ban ra là lấy hơi, giơ hai tay xông tới, sấn sổ đẩy các bạn cùng trang lứa với mình lại. Nhưng tôi cũng tin rằng, ngoài một số ít vị nhiệt tình quá mức đó, các nhân viên an ninh, cảnh sát cơ động, dân phòng... đều không chủ trương “chơi rắn”, vì nếu không, sẽ không có chuyện các phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia được tự do cứ việc mướt mồ hôi mà bấm máy tanh tách thế kia.

Và rồi đoàn người ấy xuống đường, rùng rùng bước đi.

Qua những con phố đông đúc, chật chội của thủ đô. Qua những cửa hàng hào nhoáng và những quán ăn vỉa hè nhếch nhác. Qua những hàng xà cừ xanh, bằng lăng tím và phượng đỏ. Qua một ngã tư, nơi một vài người đi xe máy dừng chờ đèn đỏ đã vỗ tay hưởng ứng đoàn ra mặt. Tôi đã nghe các bạn nhắc nhau “đi gọn lại”, “chậm thôi”, “đừng giẫm lên cỏ”, “đi lên vỉa hè”. Các bạn hát “Quốc ca”, “Nối vòng tay lớn”, “Dậy mà đi”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Rồi đọc vang “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” bằng âm Hán – Việt - đành vậy, vì có tới ít nhất hai bản dịch tiếng Việt. Nhưng tiếng hét đến lạc cả giọng “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!” của các bạn, ai có thể xem thường?

Những chiếc xe cảnh sát vẫn áp sát, tiếng loa văng vẳng: “Các lực lượng đi bộ không đi xuống lòng đường. Các phương tiện giao thông tiếp tục di chuyển, không dừng lại, không đi lên vỉa hè”. Tôi mỉm cười, vì thật ra chính vào lúc đó, chúng tôi rất có cảm giác như mình đang được bảo vệ, giá các anh ấy gọi thẳng ra là “đoàn biểu tình” có phải hay hơn dùng cụm từ “các lực lượng đi bộ” không? Một bạn trẻ bỗng “nhân thể” hô lên: “Phản đối Trung Quốc xâm lược. Phản đối công an đi ngược chiều”. Ai cũng cười. Tôi thấy anh công an trẻ, rất đẹp trai, đi bộ song song với đoàn, quay đi cười rung rung vai.

Tôi biết tôi viết kém, vì ngay đến cái tựa đề, tôi cũng phải mượn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cũng vì tôi thích vở kịch “Còn lại tình yêu” của ông, viết về người anh hùng Nguyễn Thái Học. Nhà văn viết rằng, con người làm cách mạng bất thành ấy, trước khi chết đã nói thế này: “Chỉ một mình mình tốt thôi thì nguy hiểm lắm. Người tốt bao giờ cũng yếu đuối và dễ vỡ. Những người tốt phải liên kết lại với nhau, như thế thì bọn xấu mới không làm hại được. Cái ấy gọi là chính trị đấy”. Chính trị, theo ý nghĩa đó, thật tốt đẹp thay vì là cái gì xấu xa, đáng sợ như người ta vẫn đang cố gắng làm cho thế hệ trẻ ở nước mình nghĩ. Chính trị, đơn giản như một sinh viên kinh tế đã nói với tôi, đó là vấn đề tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người (lưu ý là tạo cơ hội bình đẳng chứ không tạo sự bình đẳng), bảo vệ người tốt và chống lại cái xấu, bảo vệ người yếu và chống lại kẻ bạo ngược.

Cuối cùng thì điều đọng lại sau cuộc biểu tình bị cho là “không tồn tại” kia, là gì? Đó là tình yêu.

http://nhipcauthegioi.hu/uploads/2007/images/1307351522.nv.jpg
“Em đi hàng đầu, tay giơ cao quyển sổ mở, thiêng liêng như đang nâng lá cờ Tổ quốc…” - Ảnh: Mai Kỳ


Và tôi thấy một bạn trẻ, rất trẻ, có lẽ tôi nên gọi là em. Em cầm cuốn sổ tay, mở rộng, trên trang bìa lót của quyển sổ có hình tấm bản đồ nước CHXHCN Việt Nam, mà em đã dùng bút dạ đỏ khoanh hai trái tim vào quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Em đi hàng đầu, tay giơ cao quyển sổ mở, thiêng liêng như đang nâng lá cờ Tổ quốc. Em cứ đi như thế, rất lâu, dưới nắng hè gay gắt làm ai cũng phải nheo mắt lại. Người em gầy, mắt em cận, mặt em nhợt nhạt và nhễ nhại mồ hôi.

Tôi đi lùi lại, tụt xuống cuối đoàn, bởi vì tôi không muốn ai nhìn thấy tôi trào nước mắt.

Đoan Trang, từ Hà Nội
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Cảm ơn Tuấn Khỉ vì 2 bài rất hay!
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Chia Cắt

Giờ mới hiểu nỗi đau chia cắt
Khi sợ nhau, sợ thật, sợ mình.
Giặc chưa cướp trong lòng đã mất
Thù chưa sang đã tự hy sinh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

T kh...

Cảm ơn nhưng chẳng nhấn thank
Lò cò mấy chữ cho nhanh nhẩy...bài.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Tuấn Khỉ đã viết:
Chia Cắt

Giờ mới hiểu nỗi đau chia cắt
Khi sợ nhau, sợ thật, sợ mình.
Giặc chưa cướp trong lòng đã mất
Thù chưa sang đã tự hy sinh.

Chia sẻ

Thế kỷ mười ba
Quân Nguyên Mông đến Tu La
Dân sợ quá xếp hàng dài chờ từng nhát chém
Chỉ nghe oai thù đã vô cùng khiếp đảm
Trước khi thể xác chết, hồn vía chẳng còn

Ngày nay nước Việt
...
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [105] [106] [107] [108] [109] [110] [111] ... ›Trang sau »Trang cuối