Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [77] [78] [79] [80] [81] [82] [83] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

letam

Tuấn Khỉ đã viết:
letam đã viết:
Nhân chuyện này tôi cũng xin hóng hớt một tý. Ở TK có 1 anh là GV dạy Anh văn THCS. Cách đây hơn 20 năm, anh cũng nghiên cứu  về vật lý, khác xa chuyên môn của anh. Anh sáng chế ra động cơ đốt trong có hiệu suất đạt 100%.
Nếu có bất cứ người nào bảo tôi rằng anh ta sáng chế ra bất cứ thứ gì đạt hiệu suất 100% thì tôi, thậm chí còn không cho phép anh ta được trình bày để làm mất thì giờ của tôi nữa.
Vậy mà người ta cứ ừ hữ để anh theo đuổi rất lâu, tốn bao công sức và tiền của. Anh kể đã gặp cả ông Nguyễn Hoàng Phương và Nguyễn văn Hiệu...Chả biết có đúng không? Hình như họ làm như vậy lại đỡ tốn thời gian hơn vì khỏi phải mất công giải thích. Tôi cũng nghĩ anh bị hoang tưởng. Báo địa phương lâu lâu lại có bài về anh (có lẽ để hoàn thành kế hoạch??)
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Việc giải thích cho những nhà "phát minh" dạng này hiểu ra vấn đề là rất khó. Lịch sử khoa học đã ghi nhận những hoang tưởng kéo dài vài thế kỷ. Nổi tiếng nhất là những phát minh động cơ vĩnh cửu chạy mãi không cần năng lượng, viên đá triết lý có thể biến mọi thứ thành vàng, bài toán Fermat lớn...

Những nhà "phát minh" này, về bản chất rất thông minh, nhưng lại không nắm vững các nền tảng cơ bản chung của khoa học. Khi bị chỉ ra sai lầm, họ sẵn sàng nhanh chóng tạo ra một nền tảng đầy đủ, hoàn toàn mới thoạt nghe rất có lý để bảo vệ luận điểm của mình. Tìm ra cái sai trong những "nền tảng" mới này của họ không hề dễ và rất mất thời gian vì nó cũng rất lô gic, chặt chẽ.

Các nhà khoa học lớn và nổi tiếng như Gauss, Cauchy, Fermat, Einstein, Edison, Nguỵ Như Kon Tum, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Hoàng Phương... rất hay nhận được những "công trình có vẻ đúng" như vậy. Giải pháp duy nhất của các cụ là ừ hữ cho xong chuyện. Có cụ như Cauchy, vì nhận được nhiều quá, thường bỏ ngay vào thùng rác. Không loại trừ trong hàng vạn công trình ảo tưởng, cũng có những công trình bị loại bỏ oan ức. Cauchy, Gauss đã từng loại bỏ những công trình mà sau này người ta thấy là đúng và rất vĩ đại. Tuy nhiên, ta có thể hiểu được tại sao các cụ buộc phải làm vậy.

Về nguyên tắc, ai có con thì phải đặt tên và nuôi nấng, ai có phát minh thì phải đấu tranh cho nó. Nếu quả thực nó có một ảnh hưởng lớn tới khoa học, hãy tự mình đi đến cùng! Nếu mãi mà không đi được thì phải xem lại bản chất vấn đề. Sự giúp đỡ của người khác cũng chỉ có hạn, đặc biệt trong trường hợp không công bố chi tiết công trình. Thật sự chẳng có gì để nói về một công trình vĩ đại nhưng không công bố.

Báo chí, và nói rộng ra, các phương tiện thông tin, truyền thông... nếu không có trí, có tâm, sẽ chỉ làm cho những nhà phát minh dạng này ngày càng trọng bệnh, xã hội ngày càng mất thì giờ và ngớ ngẩn vì những chuyện tương tự.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

haanh8354

letam đã viết:
Nhân chuyện này tôi cũng xin hóng hớt một tý. Ở TK có 1 anh là GV dạy Anh văn THCS. Cách đây hơn 20 năm, anh cũng nghiên cứu  về vật lý, khác xa chuyên môn của anh. Anh sáng chế ra động cơ đốt trong có hiệu suất đạt 100%. Tự mày mò vẽ và viết báo cáo, anh gửi ra HN. Ngày đầu, địa phương cũng cấp kinh phí cho đi. Nhưng người ta bắt anh làm đi làm lại cho đúng tiêu chuẩn nên tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để đánh máy, in tài liệu và đi lại. Ở đây nhiều người cổ vũ cho anh, ngược lại cũng rất nhiều người cho rằng anh bị mắc bệnh hoang tưởng. Anh cho rằng người ta không hiểu anh vì phát minh của anh đi trước thời đại, vì đố kỵ cho rằng 1 người không tiếng tăm không thế có những phát minh kiểu đó. Có người bảo anh gửi ra nước ngoài, anh cũng nghe nhưng không được vì hải quan giữ lại không cho đi. Anh cũng từng ra HN gặp 1 số cán bộ khoa học nổi tiếng, ai cũng động viên cố gắng thêm.
Sau nhiều năm kiên trì, rồi một ngày anh cầm đến khoe tờ giấy chứng nhận phát minh sáng chế người ta cấp cho anh. Anh mừng lắm và tràn trề hy vọng, mơ có ngày nào đó một công ty nước ngoài biết đến và mua bản quyền. Tuy vậy, cũng lâu rồi sự việc chỉ dừng ở đó. Có điều, anh giữ bản vẽ rất kỹ, không cho ai xem nên không biết cụ thể ra sao (vì sợ ăn cắp công trình). Công trình của anh về lý thuyết dường như là không tưởng. Vậy mà anh lập luận ra sao mà chẳng thấy ai phản biện. Hay họ cho rằng những công trình kiểu này không đáng quan tâm, vì tác giả là những người quá bình thường. Nếu như anh làm ra một động cơ như vậy để chứng minh thì dễ nói. Hoặc họ biết anh hoang tưởng và không muốn bệnh nặng thêm nên an ủi chăng. Cũng có thể người ta công nhận đại đi để rất lâu sau hậu thế không thể chê trách tiền nhân đã bỏ sót nhân tài như cuộc đời rất nhiều nhà khoa học trước đây?
Ngay cái việc: “ anh giữ bản vẽ rất kỹ, không cho ai xem nên không biết cụ thể ra sao (vì sợ ăn cắp công trình)” . Có thể suy ra anh ta đã hoang tưởng đến mức nào rồi.
Một sinh viên thi đỗ vào đại học phải học môn hình học họa hình là “môn củ khoai lang nhất” có sinh viên phải thi lại ba bốn lần mới thoát “chết”, rồi lại tiếp tục chiến đấu với môn học vẽ kỹ thuật tơi bời khó lửa; ra trường vài năm đầu còn mắc lỗi sai cơ bản về vẽ là "chuyện thường ngày ở huyện!".

Có người bỏ công ra cả đời nghiên cứu, đến khi nghiên cứu thành công, CÔNG BỐ trước bàn dân thiên hạ, thì đã có công trình tượng tự như vậy có người CÔNG BỐ trước đó 2 giây đồng hồ rôi,  thôi thế là công cốc, coi như XONG!
Nhỡ chuyến “tàu bay giấy”…đành  phải cam phận thôi, người ta đến đích trước rồi, người ta không kiện là ăn cắp bản quyền đã là phúc đức bảy mươi nhăm đời rồi!

“Anh là GV dạy Anh văn THCS. Cách đây hơn 20 năm đã vẽ, thiết kế ra động cơ đốt trong” thì đến bố thằng Tây cũng không tin được, khi mà anh ta cứ giấu giếm sợ ăn cắp bản quyền!
Ý kiến của em thiên về nhận định: “họ biết anh hoang tưởng và không muốn bệnh nặng thêm nên an ủi”… đây là việc làm nhân đạo, khi một bệnh nhân sắp chết vì căn bệnh hiểm nghèo, bác sĩ và gia đình sẽ không nói…anh sắp "ò  í e" rồi, hãy chuẩn bị tinh thần để nghe ...nhé!

Những người làm khoa học chân chính sẽ không bao giờ “ đố kỵ cho rằng 1 người không tiếng tăm không thế có những phát minh kiểu đó”, trừ các nhà khoa học "chân …giả"!

Mà những nhà khoa học chân … "gỗ" và những ông bố bà mẹ luôn giáo huấn con cái kiểu “trứng khôn hơn vịt” … thì không nên bàn ở đây, mất thời giờ, dành thời gian làm thơ sướng hơn!
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

THĂM GIÁO SƯ HOÀNG TỤY
Nguyễn Thành Nam
 
Sau khi nhận giải thưởng Giáo dục, giáo sư Hoàng Tụy gửi thư cho nhóm Cánh Buồm, bảo cho anh chị em quân mình rằng là giáo sư có món quà cho cả nhóm là mấy hộp mực in.
Chiều nay thứ 3 (5/4/2011), nhóm Cánh Buồm (CB) rủ nhau đi thăm GS. Hoàng Tụy. Trời thì dễ chịu, người thì vui được đi thăm một bậc đàn anh luôn ở bên ta, thấu hiểu mọi việc ta đang âm thầm làm. Nhiều bạn trong nhóm CB, dù chưa được trò chuyện với GS. Hoàng Tụy, nhưng đã quen lắm với cảm giác GS luôn ở gần mình, vì nhóm vẫn thường nhận được email của giáo sư hỏi thăm tình hình công việc.
Thực ra dự định của nhóm là sau buổi sinh hoạt chuyên môn sáng thứ bảy như thường lệ cả nhóm sẽ tới thăm giáo sư. Nhưng cũng bởi hôm đó cuộc thảo luận về nội dung hội thảo Tự học - Tự giáo dục - 10/2011 đã kéo dài quá trưa nên việc đến thăm GS đành phải dời sang một ngày khác, định là vào cuối tuần tiếp theo để mọi người đều có thể sắp xếp được thời gian.
Nhưng lịch gặp thày được định lại vào hôm nay thứ ba, vì thày bận nhiều việc, chưa kể sức khỏe rất thấp. Thày viết mail nói không biết làm cách gì để chuyển tặng nhóm hai hộp mực in. Thế là hai đồng chí Toàn và Nam đã thay mặt nhóm đến thăm GS. Hoàng Tụy luôn vào buổi chiều. Bạn Toàn nói với thày Tụy rằng hôm nay thì chỉ có hai người đến thăm thày được thôi vì cả nhóm vẫn bận đi kiếm sống. Thày Tụy hỏi lại thế là việc soạn sách chỉ làm ngoài giờ thôi à? Bạn Toàn ghé tai thày nói gì bằng tiếng Pháp, lọt tai đồng chí Nam chữ idéaliste nhìn hai ông điếc gật gù, đồng chí Nam cảm thấy một cụ 80 với một cụ 86 có vẻ cùng xúc động.
Sau đó, thầy Tụy cùng bạn Nam và bạn Toàn trò chuyện trong khoảng một giờ đồng hồ, bắt đầu từ vấn đề giáo dục và cho đến lúc chia tay cũng vẫn một nội dung giáo dục.
Câu chuyện với GS chiều nay khiến đồng chí Nam thật sự ngạc nhiên. Ấn tượng nhất là điều thày Tụy kể về chuyện trước hội nghị trung ương VI, tức là trước thời đổi mới. Hồi đó cố tổng bí thư Lê Duẩn đã dành hẳn ra nửa tháng mời một số trí thức xuống Đồ Sơn để nghe họ nói và trao đổi với họ về những vấn đề hệ trọng của đất nước. GS. Hoàng Tụy là một trong năm người được mời tham gia cuộc thảo luận đó. Mặc dù cuộc thảo luận phải dừng lại sau hơn một tuần do cụ Nguyễn Lương Bằng đột ngột qua đời, nhưng việc tổng bí Lê Duẩn dành ra nửa tháng để trò chuyện với anh em trí thức cho thấy các nhà lãnh đạo thực sự muốn lắng nghe.
Vào lúc đó, chúng tôi đã nói rất thẳng thắn, và ngay sau hội nghị TW6, ông Phạm Văn Đồng lại nói trực tiếp với tôi là những phát biểu của các anh ở Đồ Sơn rất có ích cho Đảng, kì này chúng tôi sẽ chuyển mạnh - lời GS. Hoàng Tụy
Tại sao một chuyện như vậy lại có thể diễn ra trong một giai đoạn tập trung cao độ nhất của nền chuyên chính vô sản?
... là vì là những lãnh đạo khi đó, dù cho có phạm sai lầm này nọ, nhưng họ thực sự là những người cách mạng, họ vào sinh ra tử vì có lí tưởng, chứ không phải vì lợi ích cá nhân, đó là điều cơ bản nhất. Chính nhờ những người lãnh đạo vẫn biết lắng nghe như vậy nên lúc đó dù tình hình đất nước rất bi thảm mà vẫn không bị mất niềm tin - GS. Hoàng Tụy nói với giọng trầm xuống.
Trả lời thắc mắc của đồng chí Nam là liệu có cách gì tác động vào hệ thống giáo dục hiện nay để khiến nó dịch chuyển dù là một chút theo hướng tích cực, thầy Hoàng Tụy cho rằng đó là một vấn đề hệ trọng, và nhiều khi sự tác động có tính quyết định chưa hẳn đã nằm trong tay những người làm giáo dục, những người làm giáo dục chỉ có thể tác động từ góc độ giáo dục mà thôi. Dù thế nào thì mình vẫn cứ phải làm theo lương tâm của mình...
Đồng chí Nam nhớ là bạn Toàn có nói thêm: ... Và cố gắng để không sai lầm trong công việc của mình.
Chia tay GS. Hoàng Tụy, đồng chí Nam định thay mặt nhóm nói lời cảm ơn về cái phong bì thày Tụy cho, nhưng giáo sư khua tay, hai ông cụ và một gã trung niên nhìn nhau mỉm cười. Trên đường về, đồng chí Nam còn nghe cụ già tám mươi sau lưng mình lẩm bẩm : Anh Tụy hơn tôi sáu tuổi!


Thứ năm ngày  7/4/2011
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Ấn Độ qua một chuyến đi

Đàm Thanh Sơn*

Cây bao báp trong viện TIFR
Khi tôi sang Ấn Độ, nhiều người nói với tôi, tinh thần của những người làm khoa học ở đó cao hơn bao giờ hết, vì lương của họ mới được tăng đáng kể và vì Chính phủ đang đầu tư mạnh mẽ vào khoa học. Cảm giác chung khi gặp giới khoa học ở đây là họ lạc quan về tương lai, “ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”, một cảm giác mà ở phương Tây không phải lúc nào cũng gặp.

Mấy hôm trước tôi có dịp thăm hai cơ sở nghiên cứu của Ấn Độ: Tata Institute for Fundamental Research (Viện nghiên cứu cơ bản Tata - TIFR) ở Mumbai và Indian Institute of Science (Viện khoa học Ấn Độ) ở Bangalore. Khi được mời sang Ấn Độ tôi nhận lời ngay vì Ấn Độ là tổ quốc của nhiều người tôi rất phục, ví dụ Subrahmanyan Chandrasekhar và Mahatma Gandhi. Tôi học hỏi được thêm nhiều qua chuyến đi này.

Sự phát triển kinh tế của Ấn Độ có phần nào giống của Việt Nam. Từ độc lập đến khoảng 1990 họ theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng từ khoảng 1990 Ấn Độ tiến hành cải cách kinh tế. Đến nay đây là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Mặc dù GDP trên đầu người của Ấn Độ vẫn còn rất thấp (theo thống kê của IMF, World Economic Outlook Database 2010, thì chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút), nhưng nền khoa học của họ rất phát triển.

Cảm giác của tôi khi thăm viện TIFR là sự chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường có lẽ đã diễn ra khá thuận lợi đối với Viện này. Những tòa nhà kiểu khu tập thể xây những năm 60-70 ở Nga và Việt Nam tồn tại một cách hài hòa bên cạnh các công trình kiến trúc hiện đại.

Cuộc hội thảo tôi tham gia ở TIFR chỉ có ba ngày nhưng đã lôi kéo được nhiều nhà khoa học ở Mỹ và Anh. Nhiều người trong số họ (phần lớn không phải là gốc Ấn Độ!) đã từng làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) ở TIFR. TIFR lôi kéo được nhiều postdoc phương Tây: thường họ ở đây dưới một năm, sau khi tốt nghiệp PhD và trước khi làm postdoc ở nơi khác. Nhưng chỉ mấy tháng ở Ấn Độ cũng đủ làm cho họ gắn bó nhiều với đất nước này.

Khoa học cơ bản Ấn Độ có uy tín cao trong xã hội trước khi “đổi mới”. Có lẽ Việt Nam trước đây cũng đã từng như vậy. Nhưng ở Việt Nam, sự mở cửa về kinh tế đi cùng với sự giảm sút về uy tín của khoa học cơ bản. Nhiều doanh nhân Việt Nam nay không tin
Chỉ có thể đánh giá nghiên cứu cơ bản bằng chuẩn mực thế giới. Nó chỉ bõ công làm nếu ta thêm được, dù chỉ một chút thôi, vào kho tàng kiến thức của nhân loại.
(Homi Bhabha, nhà vật lý nổi tiếng người Ấn Độ)
khoa học cơ bản là cần thiết, và phần lớn các sinh viên xuất sắc nhất cũng đi học các ngành khác. Tôi cảm thấy rằng, khác với Việt Nam, uy tín của khoa học cơ bản Ấn Độ không những không giảm sút khi kinh tế của họ chuyển sang kinh tế thị trường, mà còn tăng lên. Khi tôi sang Ấn Độ, nhiều người nói với tôi, tinh thần của những người làm khoa học ở đó cao hơn bao giờ hết, vì lương của họ mới được tăng đáng kể và vì chính phủ đang đầu tư mạnh mẽ vào khoa học. Cảm giác chung khi gặp giới khoa học ở đây là họ lạc quan về tương lai, “ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”, một cảm giác mà ở phương Tây không phải lúc nào cũng gặp.

Tại Bangalore tôi thăm Viện khoa học Ấn Độ (Indian Institute of Science). Đây là một viện rất “tinh túy” với lịch sử 100 năm nghiên cứu và đào tạo sau đại học. Nhưng từ năm học 2011-2012 họ bắt đầu có chương trình đào tạo cấp đại học. Với chỉ tiêu nhận vào chỉ hơn 100, hiện nay họ đã có hơn 10.000 học sinh nộp đơn! Một phần, chắc là do dân số Ấn Độ cao, nhưng sự quan tâm của công chúng vào các ngành khoa học cơ bản chắc chắn là rất đáng kể.

Bangalore sẽ là nơi cư trú của một viện khoa học mới của Ấn Độ: International Center
Một cơ sở khoa học, dù đó là một phòng thí nghiệm hay một viện hàn lâm, phải được chăm sóc tỉ mỉ như ta trồng cây… những cây nổi trội nhất bao giờ cũng mất ít nhất 10 đến 15 năm. (Homi Bhabha)
for Theoretical Sciences (Trung tâm quốc tế về các khoa học lý thuyết - ICTS). Viện này được xây dựng theo mô hình của ICTP (Trung tâm quốc tế về vật lý lý thuyết) ở Trieste, Ý và Kavli Institute for Theoretical Physics (Viện Kavli về vật lý lý thuyết) ở Santa Barbara, Mỹ. Nó sẽ là nơi giao tiếp giữa khoa học Ấn Độ và khoa học thế giới, và là nơi giao tiếp giữa các ngành khoa học ở Ấn Độ. Cảm giác nổi bật là Viện này được xây dựng hết sức bài bản, với sự tham gia của cộng đồng khoa học Ấn Độ và thế giới. Việc quản lý Viện là trách nhiệm của một giám đốc và Ban quản lý gồm 12 thành viên; ngoài ra Viện còn nhận được sự giúp đỡ và giám sát chặt chẽ của một Ban tư vấn quốc tế bao gồm 13 nhà khoa học kiệt xuất của thế giới.

http://www.tiasang.com.vn/Portals/0/VietTotal.Articles/bangalore-hiresson2.jpg

Con đường rợp bóng cây trong Viện khoa học Ấn Độ tại Bangalore

Theo báo chí Mỹ, mức độ tham nhũng ở Ấn Độ rất cao. Tôi có hỏi một giáo sư Ấn Độ về vấn đề này. Ông ta khẳng định đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng nói rằng ông ta vẫn lạc quan vì Tòa án Tối cao Ấn Độ là một cơ quan chống tham nhũng rất mạnh mẽ và cũng là một cơ quan rất có quyền lực. Cũng phải nhấn mạnh Tòa án ở Ấn Độ là một trong ba nhánh độc lập của quyền lực. Điều này không khỏi làm tôi suy nghĩ. Muốn chống tham nhũng thì phải có cơ chế để chống, phải có cơ quan vừa độc lập, vừa có quyền và vừa muốn làm điều đó. Hi vọng vào một ngày không xa tôi cũng có thể nói một cách lạc quan như vậy về Việt Nam.

Quan sát trong ngành hẹp của tôi, người Ấn Độ về nước làm việc rất nhiều với mức lương thấp hơn nhiều lương họ được trả ở phương Tây. Trong khi đó, ở Trung Quốc có rất nhiều vị trí với lương cao ngang ở Mỹ, nhưng chỉ lôi kéo được những người gốc Trung Quốc về làm vài tháng trong một năm thôi, chứ họ không về hẳn. Tôi có hỏi một giáo sư về vấn đề này. Ông ta nói: Đó là vì Ấn Độ có dân chủ. Câu trả lời của ông cũng làm tôi suy nghĩ nhiều. Đôi khi người ta nói dân chủ chỉ là một thứ mà khi kinh tế phát triển lên cao thì dân chúng mới đòi hỏi. Nhưng ở đây ta có một thí dụ rõ ràng về tầm quan trọng của dân chủ ở các nước còn đang ở mức phát triển thấp. Trung Quốc bị thiệt thòi so với Ấn Độ về phương diện này, nhưng bù lại họ có rất nhiều tiền. Tôi thấy con đường khoa học của Việt Nam giống Trung Quốc hơn Ấn Độ, nhưng tôi tự hỏi Việt Nam làm thế nào có được nhiều tiền như Trung Quốc để lôi kéo người về?
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

vịt anh

MỘT BUỔI "ÁP VONG GỌI HỒN" TẠI SỐ 1 ĐÔNG TÁC KIM LIÊN HANOI
Published on 07/28,2009
Xuân-Hợp

Năm nay tôi 75 tuổi, cán bộ kỹ thuật về hưu,đã qua cấp đại học,dân tộc kinh,không tôn giáo,chỉ thờ cúng tổ tiên cha mẹ,không nhạo báng những tư duy tín ngưỡng tâm linh.Quê hương tôi ở HàTinh ra miền bắc Hanoi học tập và công tác từ năm 1954.
Thể theo nguyên vọng của con cháu trong họ tộc và gia đình liệt sỹ muốn tiếp cận với tổ tiên ông bà cha mẹ đã về cõi âm,mong được lời chỉ bảo và những vấn vương của con cháu như:Chiến tranh nên phần mộ của ông bà bị thất lạc,phần mộ liệt sỹ chưa tìm ra,muốn tìm hiểu thêm về thế giới tâm linh của những người đã khuất.
Bắt nguồn tự nhiên tôi đã đến tìm hiểu qua bạn bè và số 1 Đông Tác nên biết rõ có một tổ chức do hai cơ quan đứng đầu :Đó là khoa hình sự Bộ công an và Viện khoa học nhà nước: Bộ môn nghiên cứu tiềm năng con người.Tổ chức này đã tập hợp những người có khả năng ngoại cảm đặc biệt về đây để trắc nghiệm những vấn đề liên quan đến tâm linh,cơ quan này được nhà nước cho phép hoạt động công khai,ưu tiên cho các gia đình thân nhân liệt sỹ đã có công cho tổ quốc.Người dân Hanoi và các tỉnh khắp đất nước đã về đây không xa lạ với địa chỉ này.
Có thông tin chính xác,tôi đã đăng ký thủ tục và được chấp nhận từ giữa năm 2008 nhưng do khá đông nên phải xếp hàng chờ đợi đến lượt theo giấy báo.Mãi tới tháng 4-2009 mới có giấy báo và hẹn ngày , địa điểm cụ thể kèm theo những lời chỉ dẫn cần lưu ý trước v.v...
    Đúng ngày giờ quy định ,từ quê hương Ha Tĩnh xa xôi một oto 14 chỗ ngồi đã đưa chúng tôi ra số 1 Đông Tác Kim Liên Hanoi.Một tòa nhà bề thế 4 tầng có biển hiệu cơ quan chu đáo.Theo chỉ dẫn chúng tôi lên tầng 4,tẫng 4 là nơi biện lễ của người tham dự,một điện thờ không to lớn lung linh nhưng thật trang nghiêm thành kính,các gia đình liệt sỹ tự đặt hương hoa quả trái lên bàn và làm thủ tục tự khấn vái cầu xin.(không được lễ xôi thịt thực phẩm tươi sống, chỉ hoa quả....) Sau đó ghi tên những vong cần gặp vào một trang giấy có sẵn tại ban thờ,không hạn chế số vong gọi nhiều ít. Sau thủ tục đầu tiên ấy
chúng tôi xuống tầng hai. Tầng hai này là một phòng lớn rộng rãi như hội trường khoảng 100 met vuông,sàn lát gạch hoa ,không kê bàn ghế,được trải kín 16 chiếc chiếu rộng.(Mỗi hộ  đến tự chọn một chiếu để ngồi thiền).Cuối phòng là một ban thờ phật có đủ hương hoa ,cạnh kê một bàn của nhà ngoại cảm làm việc ghi chép ...Một lần nữa các gia đình lên khấn lễ trước khi vào cuộc
Đúng giờ, nhà ngoại cảm thông báo một số chi tiết như :
- gia đình ngồi theo cụm ( không quá 5 người theo thông báo , thực tế từ 10 - 12 người )
- Trật tự ngồi thiền , tập trung tư tưởng cao độ , không nhòm ngó sang gia đình khác
- Tắt điện thoại và bỏ hết bùa ngải nếu ai đó mang theo trong ngườin .
Chỉ 20 phút sau tôi trộm ngó sang các gia đình ngồi cạnh đã thấy 2/3 số hộ , vong đã nhập vào người thân , vong nhập vào người cứ lắc lư chao đảo , có vong khóc rất to , có vong ôn tồn nhỏ nhẹ nói chuyện , có vong quát tháo khuơ tay khuơ chân hò hét , mỗi vong một đặc tính không ai giống ai . Cả hội trường bấy giờ ồn ào như ong vỡ tổ , tiếng khóc lóc thảm thương của vong hiện về hòa lẫn tiếng rì rầm cầu xin của con cháu khi nhận ra bố mẹ , ông bà đã hiện hữu trước người thân .
Lạ Thay ! tất cả 14 gia đình vong về cả chỉ còn 1-2 gia đình là không động tĩnh gì . Riêng gia đình tôi là 1 trong 2 hộ đó. Nóng ruột , người trưởng tộc bức xúc lên tầng 4 khấn vái ở điện lại trở về khấn ở tầng 2 , gặp nhà ngoại cảm xin cầu cứu giúp sức , chỉ bảo . Đã 2h trôi qua , sắp kết thúc buổi áp vong , ngồi mỏi cả người nhưng không thấy gì ! Tôi tự nghĩ có lẽ mình không đủ đức tin nên vong không về , tôi quay lại đứa cháu là sỹ quan quân đội đến muộn bảo có bùa ngải không thì bỏ ra . Cháu tôi nói có bùa hộ mệnh nên đã phải bỏ ra . Tôi lại đến cầu khẩn nhà ngoại cảm và được trả lời : Vong nhà ông đã về đủ cả , cứ ngồi thiền và tập trung tư tưởng . Quả thật 3 phút sau một cháu gái mặt tím tái đã bắt đầu đu đưa chao đảo , mọi người vái lạy xin xưng vong nhưng lại thất vọng vì cháu tôi tỉnh táo trở lại  bình thường .
Nhà ngoại cảm vẫn đi lại qua các cụm ngồi và chỉ vào con gái tôi nói : Vong đã nhập , và nhà ngoại cảm nói những câu vỗ về : con cháu ở xa hàng trăm km về đây quá vất vả , vong đã thương về với người thân . Cứ thế con gái tôi biến sắc mặt , gật gù chao đảo , và tôi biết rằng vong đã nhập vào con tôi .
Cấm dùng điện thoại di động , nhưng không cấm quay phim chụp ảnh nên tôi bắt đầu tác nghiệp ghi hình buổi áp vong của gia đình tôi  . thật kỳ lạ , tôi kể ra đây để các nhà khoa học nghiên cứu giải thích , bạn bè trao đổi. Riêng nhà tôi thì tin tuyệt đối chỉ mình tôi vẫn lăn tăn suy ngẫm và còn lâu mới có lời giải đáp cho bản thân. Tôi chỉ nói : có điều lạ mà không thể giải thích được .Mong bạn đọc cho biết về suy nghĩ của mình khi đọc và xem clip này :






Nguồn: http://hoptranxuan.vnweblogs.com/post/8554/173679
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Như thường lệ đối với những chuyện như thế này: có người tin, người không tin và có cả sự bán tín bán nghi... :D
Nhưng nếu "vong nhập" mà "hành" người như thế này thì nên cẩn thận vấn đề sức khoẻ và tính mạng của người thân đang còn sống hơn, nhỉ? :)

Trong cuộc đời của NT, đã chứng kiến khá nhiều chuyện tâm linh ngay từ chính gia đình mình và bản thân mình cũng có đôi lần rơi vào cảnh ngộ kỳ lạ. Thực không biết như thế nào. Thôi thì chuyện gì của mình, mình thấy thực sự thì hãy giữ lòng tin cho mình vậy. :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

haanh8354

Bài văn lạ: Thầy giáo Huế 'cãi' thầy Nghệ An
Cập nhật lúc 10/04/2011 01:40:00 PM (GMT+7)
Từ Thừa Thiên - Huế, độc giả Trường Tiến, một giáo viên, gửi tới VietNamNet suy nghĩ về câu chuyện giáo dục sau  khi đọc bài viết của một thầy giáo dạy Toán ở Nghệ An về câu chuyện bài văn lạ của nữ sinh Hải Phòng.  Theo độc giả Trường Tiến,  ở Việt Nam không nhiều phụ huynh/giáo viên là người đồng hành với con cái/học sinh, là người luôn gần gũi và xa cách đúng mực với trẻ... để trẻ phát triển với sự giúp đỡ đúng lúc và tế nhị của người lớn.

Tuổi trẻ: Giàu thông tin, nhưng còn bản lĩnh?

Có những nguyên lý cơ bản  mà người lớn ai cũng biết , đôi lúc còn lợi dụng để biện hộ cho hành vi sai trái của mình nữa. Ví dụ:

“Mỗi cá nhân phát triển theo mỗi cách, mỗi phương diện nhất định, không cá nhân nào giống hoàn toàn với cá nhân nào”.

Giai đoạn phát triển vị thành niên là giai đoạn “có vấn đề” trong đời người mà chính bản thân họ, gia đình và xã hội buộc phải “chịu đựng” (tôi nhấn mạnh chữ “buộc phải chịu đựng”, vì chẳng ai muốn cả).

Xét khách quan theo nhiều góc độ, thế giới hôm nay là thời điểm tốt nhất cho giới trẻ phát triển hết sức mạnh tiềm ẩn trong họ nhờ tiến bộ lớn lao của khoa học, đặc biệt là công nghệ tin học.

Nhưng đồng thời, thế giới hôm nay cũng là môi trường tệ hại nhất cho sự phát triển toàn diện của giới trẻ, do những luồng thông tin xấu, những cám dỗ và bất trắc của thế giới người lớn ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, đến vô thức của trẻ) từ rất sớm, đến nỗi trẻ không kịp chuẩn bị sẵn sàng về cảm xúc và nhận thức để tiếp nhận cách hữu hiệu trẻ dễ bị “sốc phản ứng”. Đây là nguyên nhân của “tuổi vô ơn” (l’âge d’ingrat – từ vựng Victor Hugo dùng để nói về tuổi này)

Trên các phương tiện thông tin hiện nay, người ta hay khai thác những sai sót thường xảy ra (do bồng bột, vụng suy nghĩ, chưa chín chắn ... của tuổi mới lớn), khiến không ít người – nếu không muốn nói là nhiều người mà phần lớn là những bậc bề trên có trách nhiệm gán cho giới trẻ nhiều điều ‘xấu nhất” – thậm chí là “hư hỏng”.

Và rồi đi đến kết luận: giới trẻ bây giờ thường là ích kỷ, ăn chơi, rắc rối, kiêu ngạo, liều lĩnh ... hơn “thời của học lúc xưa” .

Điều này vô hình trung dẫn đến những định kiến về giới trẻ, tạo nên vết hằn trong tâm trí người lớn, khiến họ ngày càng khó nhận biết sự thay đổi lớn lao nơi người trẻ , càng khó hiểu sâu về giới trẻ và thật khó tìm ra giải pháp thích hợp để giải quyết.

Thế là, nơi thế giới người lớn nói chung, tồn tại một “thiếu sót lớn” đối với giới trẻ. Đó là sự từ chối nhìn nhận lòng nhiệt thành, cái hăng hái nhiệt tình, sự đam mê tìm theo và lao vào những thách thức của những điều mới mẻ, những giá trị mới điều này rất cần thiết cho những sáng tạo khoa học, nghệ thuật...

Hậu quả tất yếu sẽ là ranh giới của sự thông hiểu của người lớn đối với giới trẻ ngày càng xa, dài, rộng và sâu. Những bài học về đạo đức luân lý của người lớn trở nên ít hữu hiệu nơi giới trẻ.

Các nhà tâm lý, phân tâm học nhắc chúng ta rằng người lớn, những người đã qua thời vị thành niên-thanh niên-trưởng thành, hãy đặt mình vào vị trí của giới trẻ cùng tinh tế kiểm tra những khác biệt và ranh giới của 2 thế giới “Lớn-Trẻ” này sẽ là biện pháp hữu hiệu khiến giới trẻ “có vẻ” chấp nhận những giá trị của người lớn.

Giáo dục là thực hiện những phương tiện riêng biệt nhằm phát triển và hoàn thiện hữu-thể-người bao gồm: đức - trí – thể - mỹ.

Bề ngoài trẻ tỏ ra “non nớt” không hiểu hết thế giới người lớn, nhưng thật ra, người trẻ đang dần hiểu thế giới thật này. Thế nên, mẫu gương “Nói đúng-Sống đàng hoàng-Cư xử tử tế” của người lớn chính là môi trường tốt nhất cho sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ.
Đối tượng của giáo dục là những hữu-thể-người có nhân vị, nên khó có thể áp dụng phương cách dạy-học-trả bài theo “luật định " vốn chỉ dùng cho việc truyền thụ kiến thức vô hồn), cần phải tạo một môi trường làm thăng tiến các khả năng của trẻ, trẻ cần nơi người lớn một “cuộc đồng hành” cùng sống, cùng suy nghĩ, cùng trao đổi, cùng làm và cùng chịu trách nhiệm, chứ không cần những “điều lệnh”: Em/con phải làm thế này thế nọ! Em/con phải như thế này thế nọ. Nơi người trẻ, khả năng tự điều chỉnh là cực cao!

Qua thực tế, ở Việt Nam, không nhiều phụ huynh/giáo viên là người đồng hành với con cái/học sinh, là người luôn gần gũi và xa cách đúng mực với trẻ... để trẻ phát triển với sự giúp đỡ đúng lúc và tế nhị của người lớn. Trái lại, với sự nhạy cảm vốn có nơi người trẻ, đôi lúc người lớn vô tình khiến trẻ “sốc phản ứng” với sự chăm sóc quá đáng, với sự nhiệt tình chỉ dẫn không đúng lúc, với những lời khuyên bảo đúng nhưng thiếu tế nhị ...

Thêm nữa, bề ngoài trẻ tỏ ra “non nớt” không hiểu hết thế giới người lớn, nhưng thật ra, người trẻ đang dần hiểu thế giới thật này. Thế nên, mẫu gương “Nói đúng-Sống đàng hoàng-Cư xử tử tế” của người lớn chính là môi trường tốt nhất cho sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ.

Cha ông ta đã nói : “Cha nào con nấy”, thật chí lý biết bao. Thế giới trẻ là gương phản chiếu rõ nhất thế giới người lớn.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Sóng thần, động loạn và suy nghĩ về lòng dân
Phạm Duy Nghĩa

Năm Tân Mão, mới chớm bắt đầu đã chứng kiến vô số cảnh báo đầy bất trắc. Tiền mất giá, động đất, sóng thần, những cuộc nổi dậy của nhân dân Ả-Rập, tuy xa mà thật gần, đều là những sức ép bắt buộc phải cải cách nền quản trị quốc gia ở bất cứ nơi đâu. Liệu những biến động lan nhanh và quá đỗi bất ngờ ấy có là dịp để suy nghĩ lại về các thiết chế quản trị quốc gia ở đất nước chúng ta?

Nhà kinh tế trẻ nổi danh Acemoglu cho rằng sự khác nhau về thể chế chính là một nguyên nhân giải thích vì sao các quốc gia trở nên giàu hay nghèo, dân chủ hay chuyên chế. Những nhóm lợi ích thâu tóm được quyền lực trong quốc gia thì cũng thâu tóm luôn các nguồn tài nguyên, và ngược lại. Vì lợi riêng, họ cản trở nhân dân, không cho dân biết, không cho dân bàn, không cho dân tham gia quyết định các chính sách quốc gia.

Câu chuyện ấy thật cũ, nhà cai trị nào từ cổ chí kim mà chẳng khoe rằng mình thấu hiểu lòng dân, thậm chí chiều theo lòng dân, lòng dân là ý trời (thiên ý, dân tâm). Chỉ có điều khác với trước đây, Internet và thời đại của điện thoại đi động đã làm cho tri thức, hiểu biết và đủ loại thông tin lan đi quá nhanh. Lỡ tay nhấn nút trên bàn phím, vô tận những điều tưởng như thâm cung bí sử có thể bị lật tẩy bẽ bàng và dễ dàng trở thành những chủ đề đàm tiếu trong dân gian. Hóa ra, đằng sau nhằng nhịt những lời hoa mỹ ấy, lợi ích kinh tế đã gắn kết những người cai trị lại với nhau. Thể chế đã ra đời như một thỏa hiệp giúp cho sự cai trị của họ.

Lòng dân cũng tựa như cái lò-xo hay cái nồi hơi, càng đè nén càng tăng tích tụ năng lực phản kháng. Người dân thường lo có cái ăn, cái mặc, có công ăn việc làm, con cái được học hành và cuộc sống được yên ổn, khi những giá trị tối thiểu ấy bị đe dọa thì sức ép phản kháng tăng nhanh. Bởi thế, “chăm lo cho nhân dân”, tuy là cách nói trịch thượng của vua chúa ngày xưa coi nhân dân như con trẻ, song thoảng khi vẫn được lặp lại trong cách nói của nhiều người cai trị ngày nay. Muốn cai trị, tránh động loạn, các nhà cai trị phải thỏa hiệp. Dân chủ đã ra đời như thế, có dáng dấp của những lựa chọn tập thể mang tính thỏa hiệp, hơn là quà tặng của giới cầm quyền và càng không thể được nhập cảnh dễ dàng vào một quốc gia chỉ với vài lời tuyên bố.

Làm cho người dân trở thành những công dân tích cực, không thờ ơ với chính trị, tích cực tham gia xây dựng và giám sát các chính sách điều hành quốc gia là cách hầu như duy nhất để cải thiện nền quản trị quốc gia. Muốn vậy, như người ta thường nói, người dân phải được biết, được tham gia bàn luận, được tham gia quyết định và được tham gia giám sát chính quyền, càng chặt chẽ, nghiêm khắc càng tránh được động loạn và những cuộc biểu tình.

Rất nhiều cố gắng minh bạch hóa nền hành chính và tăng sự tham gia của người dân đối với chính quyền, rõ nhất ở cấp địa phương (dân chủ cơ sở) đã được thực hiện ngày càng thành công ở Việt Nam. Cũng như sức ép của cái lò xo hay hơi nóng từ nồi hơi, yêu cầu của nhân dân đang hối thúc cải cách từ dưới lên, làm cho chính quyền địa phương ngày càng phải thân thiện với nhân dân, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, và hy vọng ngày càng trở thành thực sự của nhân dân.

Chúng ta mong sức ép ấy cũng ngày càng đeo bám dai dẳng và trở nên đủ mạnh để tiếp tục hối thúc cải cách trách nhiệm giải trình và cung cách làm việc của các cơ quan Trung ương cấp quốc gia, bắt họ phải chịu trách nhiệm trả lời trước quyền lực nhân dân. Năm nay, bản Hiến pháp 1992 đang được đem ra để bàn luận, hy vọng những cơn sóng thần, động đất và biến động dữ dội từ thế giới Ả-Rập có thể gợi thêm suy nghĩ cho người dân và những người cầm quyền trên đất nước chúng ta.
(Đăng trên tạp chí thuộc Bộ Khoa học công nghệ-Việt Nam.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chủ trương bị đảo ngược: trường học đã thua cao ốc!

Hãy hiến đất cho trường



SGTT.VN - Bạn đọc Lê Tự Hỷ đã gửi đến toà soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị một “bức thư mở” nhân đọc thông tin lãnh đạo UBND thành phố đồng ý cho ngân hàng Công thương xây cao ốc làm trụ sở tại khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn. Bức thư thể hiện tâm tư với sự nghiệp giáo dục của đất nước của một người tự giới thiệu đã làm trong ngành giáo dục 40 năm. Sài Gòn Tiếp Thị xin trích đăng:

http://thoangsaigon.com/wp-content/uploads/2011/01/Coll%C3%A8ge_Chasseloup-Laubat.jpg
Trường Lê Quý Đôn trước 1975



http://sgtt.vn/Uploads/Images/6/91f/691fe6a2d241f874fed6a92342afc6b4.jpg
và hiện nay, với bao nhiêu quán xá kinh doanh bao vây môi trường học tập



Trường Lê Quý Đôn là một công trình kiến trúc lâu đời, được dành cho một khuôn viên rộng mà chỉ một số ít trường ở nước ta có được. Nhiều trí thức yêu nước và cách mạng đã từng học tập tại đây, như cụ Cao Triều Phát (chủ tịch hội Liên Việt Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp), cụ Trần Văn Giàu (nguyên bí thư Xứ uỷ Nam bộ)… Đáng lý ra, khuôn viên ấy phải được đầu tư xây dựng nhiều hơn nữa để có đủ điều kiện cơ sở vật chất thành một trường trung học chất lượng cao trong nền giáo dục vốn đang có nhiều vấn đề về chất lượng. Với tư cách là người đã từng phục vụ trong ngành giáo dục nước nhà trong gần 40 năm, tôi kính mong UBND TP.HCM và những người có trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục suy nghĩ lại và có tiếng nói, quyết định trách nhiệm hơn.

Nhiều người so sánh: ở nước ngoài, nhiều người giàu đã hiến tặng rất nhiều tiền, tài sản dành cho sự phát triển của giáo dục. Chẳng hạn, ở Mỹ, ông bà Stanford, vào năm 1891 đã hiến tặng toàn bộ tài sản gồm vùng đất 8.180 mẫu Anh (tức 3.310ha) và tiền bạc để xây dựng nên đại học Stanford, mà ngày nay là một trong những đại học hàng đầu của Mỹ và cả thế giới. Những tỉ phú khác trong hiện tại như Bill Gates, Warren Buffet... đã và đang hiến tặng các số tiền rất lớn cho sự nghiệp giáo dục của Mỹ và thế giới. Sự giàu mạnh của nước Mỹ, một phần là do lòng hảo tâm của các người giàu hiến tặng nhiều tài sản, tiền bạc cho giáo dục. Còn những người giàu của Việt Nam ta thì sao?

Đối với ngân hàng Công thương, tôi mong các vị lãnh đạo ngân hàng hãy làm một nghĩa cử đẹp: nhường hẳn phần đất mà các vị đang định xây cao ốc cho trường Lê Quý Đôn. Không những thế, mà các vị nên tài trợ cho trường Lê Quý Đôn xây dựng các công trình tại phần đất ấy để phục vụ cho việc học tập của học sinh. Được vậy thì các công trình ấy sẽ được vĩnh viễn mang tên “Phần hiến tặng của ngân hàng Công thương”, để lại tiếng thơm muôn đời trong lịch sử phát triển giáo dục của trường Lê Quý Đôn nói riêng và cả nước nói chung. Đấy là một trong những thắng lợi và vinh quang đích thực của ngân hàng Công thương, mà hôm nay quý vị đã tạo ra.

Lê Tự Hỷ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [77] [78] [79] [80] [81] [82] [83] ... ›Trang sau »Trang cuối