Nói đến những bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử, không thể không nhắc đến
Bẽn lẽn. Thi phẩm này đã được người đọc đón nhận và phê bình dưới nhiều góc độ cảm thụ: “Chỉ trong mười hai câu đã kết tinh lại biết bao rung cảm say sưa, mà nhất là biết bao ảo thuật quái dị. Mỗi chữ trong đây đều có một linh hồn, mỗi chữ là một “hoạt động lực”, nó bắt tay nhau mà nhảy lên một bản khiêu vũ thần tiên” (Trần Thanh Mại); “
Bẽn lẽn vừa mang tính cách hồn nhiên của thi pháp Hàn Mặc Tử, vừa mang ý đồ thể hiện sự lưỡng lự dấn thân, hiến thân của tư tưởng văn hoá và nghệ thuật của cả xã hội đương thời?” (Đỗ Trọng Khơi); “
Bẽn lẽn chính là khởi đầu cho thiên tài thơ ca Hàn Mặc Tử”, “góp phần tạo nên một hồn thơ dị biệt” (Mai Văn Hoan); vân vân và vân vân...
Nói chung, mỗi ý kiến, mỗi lời bình đều có những khám phá mới với cách đọc “đồng sáng tạo”.
Nhưng
Bẽn lẽn mà phần lớn bạn đọc đang có trong tay đều chưa phải là văn bản gốc. Lâu nay, chúng ta thường biết
Bẽn lẽn nằm trong tập
Gái quê được in lần đầu tại nhà in Tân Dân vào tháng 10 năm 1936, và là tập thơ duy nhất của Hàn Mặc Tử được xuất bản khi nhà thơ còn sống. Nhưng tập thơ được “trình làng” này cho đến nay cũng đã thất truyền. Nhiều nhà phê bình trong và ngoài nước vì yêu thơ Hàn Mặc Tử dày công truy tìm những mong
Gái quê được “châu về hợp phố”, song mọi điều chỉ mới dừng lại ở một chữ tâm. Kể cả gần đây, khi trả lời phỏng vấn báo
Thanh niên (16/9/2012) nhà phê bình Đặng Tiến từ Pari cho biết có một bản đánh máy, từ gia đình bà Hoàng Thị Kim Cúc, là nhân vật “áo trắng” trong bài
Đây thôn Vỹ Dạ được người cháu Hoàng Thị Quỳnh Hoa đinh cư tại Mỹ lưu giữ và sau đó được chuyển về nước để xuất bản, thì cũng theo Đặng Tiến “dĩ nhiên là không bằng được bản gốc in năm 1936 nguyên gốc... dĩ nhiên là phải khảo sát kỹ càng văn bản, nếu cần thì ghi chú”.
Sở dĩ chúng tôi phải dông dài như vậy là muốn nói
Bẽn lẽn hiện hành chưa phải là bản gốc, nếu cứ căn cứ vào tập
Gái quê, dù đã được nổ lực đến đâu. Mà khi không có văn bản gốc trong tay thì việc cảm thụ, phê bình dù tinh tế đến đâu cũng khó gần với ý đồ tác giả, do yếu tố dị bản.
Gần đây, cất công đi tìm
Bẽn lẽn mà không quá lệ thuộc vào thi tập
Gái quê, chúng tôi đã tìm thấy văn bản gốc. Mới hay thi phẩm này được in lần đầu trên tuần báo
Ngày nay, số 24 ra ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại trang 206, ở mục
Thơ mới bên cạnh truyện dài
Lạnh lùng của Nhất Linh.
Từ bản in lần đầu này, so với những bản được in về sau chúng tôi thấy có mấy điểm cần nói:
- Thứ nhất: có hai câu thơ thường bị in sai trong các tập thơ Hàn Mặc Tử sau này, hoặc các sách báo khác, là câu thứ 5 (câu đầu khổ 2): “vi lau rào rạt” thường bị in là: vi vu dào dạt hoặc vi lô dào dạt... và câu cuối cùng: “nghi ngờ tới” bị in là nghi ngờ đến.
- Thứ hai: Lời đề tặng thi sĩ Baudelaire; đây là điểm quan trọng nhất mà hầu hết các bản in sau này không ghi rõ.
Sở dĩ chúng tôi cho đây là điểm quan trọng vì nếu chúng ta phân tích, bình phẩm
Bẽn lẽn mà bỏ qua điều này chắc chắn không thấy hết ý định của tác giả. Vì sao Hàn Mặc Tử tặng
Bẽn lẽn cho Baudelaire? Vậy nên, không thể đọc thấu đáo
Bẽn lẽn mà bỏ qua Baudelaire.
Về Baudelaire, chỉ cần một thao tác bàn phím chúng ta có vô số thông tin. Ở đây chỉ vắn tắt: ông là nhà thơ lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX thuộc trường phái tượng trưng chủ nghĩa. Ảnh hưởng của ông trong thơ lãng mạn Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX là điều khỏi phải bàn. Với Baudelaire, trí tưởng tượng là “bà hoàng của mọi khả năng”. Nó thay thế cho sự kiện bằng “một thể hiện theo truyền thuyết về đời sống bên ngoài”, cho hành động, sự mơ mộng. Quan niệm thi ca này loan báo quan niệm của hầu hết các thi sĩ theo sau ông. Phải chăng
Bẽn lẽn là kết quả của sự loan báo ấy, “là tạo dựng một thế giới của những ảo giác, hoà trộn rất nhiều yếu tố thực, hư, chồng chất ảo thị và ảo ảnh” rất... Baudelaire ở Hàn Mặc Tử? Để rồi “Cảm hứng Baudelaire”, mỹ học của chủ nghĩa tượng trưng trở về sau rất rõ trong sáng tác của Hàn mặc Tử. (có thể đọc
Nỗi buồn của trăng và
Bẽn lẽn, hay
Cái xác chết và
Cô gái đồng trinh để thấy rõ điều đó)
Sinh thời Chế Lan Viên từng tâm sự “Tử trong thời gian chúng tôi gần chỉ thấy nói về Baudelaire” (Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến (2006), Baudelaire, chủ nghĩa tượng trưng và thơ mới). Vậy mà một thi phẩm Hàn Mặc Tử tặng riêng Baudelaire, cũng là chìa khoá để giải mã thêm “mười hai câu đã kết tinh lại biết bao rung cảm say sưa” - nói như Trần Thanh Mại - tiếc thay, lại ít ai biết đến.
Đông Hà, 18 tháng 2/2016
Nguyễn Hùng
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]