Như nhiều người đã biết, Hàn Mặc Tử qua đời để lại một tác phẩm dang dở, đó là kịch thơ
Quần tiên hội mà ông mới viết được 41 câu. Cùng với 41 câu đó là một bản đề cương vở kịch mà nhà phê bình Trần Thanh Mại đã công bố trong cuốn sách của ông viết về cuộc đời và sự nghiệp của Hàn (1941). Theo đó thì
Quần tiên hội chỉ mới xong hồi I, hồi II. Ba hồi nữa, năm mươi năm sau mới được thành hình mà lại do một tác giả khác. Tác giả đó là nhà thơ Đơn Phương, tên thật là Trần Hồng Phương, sinh năm 1945 tại Hóc Môn (Nam Bộ). Điều đặc biệt là Đơn Phương cũng mắc bệnh phong cùi như Hàn Mặc Tử, phải vào nằm hẳn trong trại cùi Bến Sắn từ năm 1960. Ở đây gặp ông Nguyễn Văn Xê là người bạn của Hàn Mặc Tử hồi hai người còn ở chung với nhau tại trại hủi Quy Hoà. Ở trại cùi BẾN SẮN, Đơn Phương kết thân với một số người đồng bệnh cũng ham thích thơ văn như ông và họ đã coi việc sábg tác thơ văn là nguồn an ủi nhiệm mầu đối với những người không may bị vi trùng Hansen tàn phá cơ thể. Đơn Phương có thơ đăng trên các báo tại Sài Gòn từ năm 1967; năm 1971, ông cho ra đời tập thơ Thương Quê, được nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Kiên Giang ân cần giới thiệu.
Đã là thi nhân, lại mắc bệnh phong cùi thì việc say mê thơ Hàn Mặc Tử là điều dễ hiểu, nên từ năm 1972, Đơn Phương nẩy ra ý định viết tiếp vở kịch thơ mà Hàn Mặc Tử bỏ dở dang. Trong một chiếc chòi nhỏ lợp lá, trông ra bờ sông Thủ Thiêm, thuộc phạm vi trại an dưỡng Thanh Bình của những người bị bệnh cùi ở khu An Khánh, bàn tay cụt ngón của ông đã miệt mài làm việc. Trên cơ sở 41 câu thơ di cảo của Hàn Mặc Tử và bản đề cương còn lại, ông đã khai triển thành 195 câu, rồi 526 câu. Trải qua các bước sơ thảo, phát triển, cuối cùng Đơn Phương đã hoàn thành kịch bản vào năm 1988 với 700 câu, được phân thành 5 hồi, với 10 nhân vật là: Thi sĩ, Thương Thương, Hoa Khôi, Nguyệt Tiên, Thiềm Tiên, Lan Tiên, Tiên Tiên, Hồng Tiên, Đào Tiên, Cúc Tiên cùng một số lời chim tiếng vượn như: Chim Bạch Hạc, Anh Võ, Hoạ Mi, Vượn I, Vượn II và tiếng hợp xướng, đơn xướng của vạn loài, tinh tú, rừng tùng, không gian, tiếng tiêu, tiếng suối, lời trăng, lời sao, lời gió… Bản thảo của Đơn Phương được tác giả trao cho học giả Võ Long Tê là người chuyên nghiên cứu về Hàn Mặc Tử. Được ông Võ khuyến khích và giúp đỡ ý kiến về kịch thuật. Đơn Phương đã hoàn chỉnh tác phẩm và năm 1991 kịch thơ
Quần tiên hội được nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh in ra.
Theo tôi, tuy là đồng bệnh và đồng nghiệp với Hàn Mặc Tử, Đơn Phương hẳn phải tạo cho mình một bản sắc thi ca riêng biệt; điều đó có thể nào ta sẽ tìm hiểu trong một dịp khác. Ở đây, vì là tiếp nối công trình của Hàn Mặc Tử, nên lời thơ và phong cách của Đơn Phương đã rất ăn ý, nhịp nhàng với không khí
Quần tiên hội của người xướng xuất, điều đó tưởng cũng là một điểm son, không có tài dễ gì thể hiện:
Được tin tiên nữ về trần
Đám Tiên Trai ấy khóc gần trắng đêm
Lệ rơi, chảy ướt cung thiềm
Rủ nhau bỏ động đi tìm tình yêu
…Tình yêu là trái gì ngon?
Mà sao tiên cả, tiên non cũng tìm
Không gian vắng lặng đường chim
Cung thương, dạ khúc biết tìm đâu ra!
… Mi ơi! Mi ơi! Mi ơi! Mi!
Gẫm mãi không ra sự diệu kỳ!
Coi sót gì không trong gió thẳm?
Xem thơ còn rớt dấu chân đi?
Tập kịch thơ, có thể nói là công trình tim óccủa một nhà thơ tật nguyền, ra đời đã 5 năm, tiếc thay đã chìm mất, không gây một tiếng vang nào giữa cái chợ thơ hỗn độn, xô bồ hiện nay. Nó cũng giống nhiều tập thơ khác, in ra là để tặng bạn bè, may mắn lắm thì được một dòng giới thiệu trên một tờ báo nào đó, thậm chí thơ có in ra mà không ai biết đến! thơ đăng báo và thơ xuất bản thành tập càng lúc càng trở nên quá tải do đó, gây được một tiếng vang cũng không phải là một chuyện dễ. Đối với
Quần tiên hội của Đơn Phương, chúng tôi nghĩ rằng: hãy khoan nói đến chuyện thơ hay hay dở, chỉ nghĩ đến một hình ảnh một người mắc bệnh nan y, ngồi trong cái chòi nhỏ trông ra bờ sông cô quạnh, cố gắng kẹp cây bút bằng những ngón tay cùi cụt để chép đi, chép lại những vần thơ, điều đó cũng để cho chúng ta thương cảm và trân trọng. Giá như được phép có một lời khuyên, xin khuyên Đơn Phương: Trên đầu sách, cứ mạnh dạn đề một tên Đơn Phương mà thôi, bên dưới chú thêm là viết tiếp kịch
Quần tiên hội theo đề cương của Hàn Mặc Tử là được. Khỏi cần đề hai tên Hàn Mặc Tử - Đơn Phương như đã làm, sợ có người hiểu nhầm chăng?
Tô Kiều Ngân
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]