Trại văn đến với trại gà
Trại gà hốt hoảng ngỡ là… cáo thăm
Đó là những câu đầu tiên nhà thơ Vân Long nói vui về bài thơ “Ở nhà máy gà” (Tiếng Việt 3, tập hai). Có thể nói, với mỗi nhà thơ, sự ra đời của một bài thơ thường gắn liền với một ấn tượng nào đấy. “Ở nhà máy gà” của tác giả Vân Long gắn với một kỷ niệm thú vị…
Ở nhà máy gà” sau khi “đến với trại gà
Khoảng những năm 1975-80, nhà thơ Vân Long chuyển công tác từ Sở Văn hoá Hải Phòng về Ty Văn hoá Thông tin Hà Tây. Lúc đó, nhà thơ Bế Kiến Quốc đang phụ trách mảng thơ, nên nhà thơ Vân Long được giao phụ trách mảng văn xuôi. Để khuấy động phong trào văn nghệ, Ty Văn hoá Thông tin thường tổ chức trại sáng tác, sinh hoạt trại có nội dung đưa các văn nghệ sĩ đi thực tế.

Nhà thơ Vân Long kể lại: “Khi tôi về công tác ở tỉnh Hà Tây, tỉnh đang mở nhiều khu chăn nuôi theo kiểu công nghiệp. Lúc đó thực phẩm lại hết sức khan hiếm, chúng tôi phải nghĩ cách nào đó để vừa đưa anh em đi thực tế, đồng thời lại tạo cơ hội để các trại viên có chút bồi dưỡng…ngoại khoá. Và tôi đã nảy ra ý tưởng đến thăm trại chăn nuôi gà công nghiệp!”.

Vậy là, trong những ngày ở “nhà máy gà”, các văn nghệ sĩ vừa được tiếp xúc với công nghệ chăn nuôi mới: nuôi gà kiểu công nghiệp, ấp trứng trong lò điện, lại vừa được chiêu đãi trứng và thịt gà (đương nhiên đó đều là những thứ phẩm không đáp ứng được quy chuẩn xuất ra thị trường). “Buổi sáng, người ta luộc cho mỗi anh em chúng tôi hàng chục quả trứng thay chất bột. Giữa cái thời tem phiếu, hàng hoá khan hiếm đó thì số trứng này đủ cho một gia đình ăn mấy ngày!…đúng là lúc no dồn lúc đói góp!

Những con gà thấy toán khách thăm, mắt nhìn hau háu…chắc là rất hoảng! Tôi liền tức cảnh: ‘Trại văn đến với trại gà/ Trại gà hốt hoảng ngỡ là… cáo thăm!”.

Những ngày “trại văn đến với trại gà”, ngoài những phút tếu táo, những bữa ăn sáng thuần trứng luộc, đã để lại trong mỗi nhà văn nhiều cảm giác thú vị.

Nhà thơ Vân Long nghĩ, nếu những đứa trẻ con cháu mình mà được đến những nơi này chắc thích thú lắm! Với trẻ con nông thôn, con gà và những ổ trứng với chúng là vô cùng quen thuộc, hàng ngày chúng còn chăm chút, yêu thương những chú gà nhiếp ấy, nhưng gà công nghiệp thì sống tập thể và từ thức ăn đến cách ấp trứng đều công nghệ hoá… Nếu kể lại cho các em chuyện con gà rất quen mà rất lạ này hẳn là bổ ích và làm vui chúng!

Vậy là với giọng thơ hóm hỉnh, khơi thác trí tưởng tượng của trẻ bằng những hình ảnh đối lập, mới lạ, bài thơ Ở nhà máy gà ra đời!
Những chú gà công nghiệp
Thật khác chú gà nhà
Được ấp trong lò điện
Tự mổ vỏ mà ra

Người đầu tiên chú thấy
Áo choàng trắng thướt tha
Chắc là mẹ mình đấy!
Mẹ đẹp như tiên sa!

Anh em đông hàng ngàn
Chẳng biết ai ra trước

Chẳng biết ai là út
Chẳng ai đòi phần hơn!

Mẹ chiều cả ngàn con
Giải trấu thay đệm mới
Thắp đèn làm lửa sưởi
Máng ăn ăm ắp đầy

Gà mà chẳng ở chuồng
Cả dãy nhà rộng đẹp
Bè bạn cứ vàng ươm
Hát suốt ngày liếp nhiếp.

(Tiếng Việt 3, tập II)
…để trẻ tiếp xúc với nền sản xuất công nghiệp mới.

Nhà thơ Vân Long cho rằng, với trẻ con, bên cạnh dòng truyện cổ tích, nuôi dưỡng trí tưởng tượng và giáo dục hướng thiện, lên án cái ác…cần cho trẻ tiếp xúc với cuộc sống công nghiệp ở dạng trẻ thơ, để cân bằng lại!

Bài thơ Ở nhà máy gà đã vẽ nên bức tranh sinh động và hấp dẫn về những chú gà công nghiệp thể hiện được quan niệm đó!

Là một nhà thơ không chuyên về mảng văn học thiếu nhi nhưng nhà thơ Vân Long lại viết rất nhiều cho thiếu nhi ở cả hai thể loại thơ và truyện. Với cả hai thể loại ấy ông đều muốn làm sao để trẻ tiếp xúc được với cuộc sống công nghiệp, làm sao đưa được cái mới trong đời sống hoà hợp với thiên nhiên quen thuộc để trẻ em hoà nhập dần vào đời sống xã hội.

Chính vì vậy nên không chỉ trong Ở nhà máy gà mà với những trường hợp khác nhà thơ Vân Long cũng khai thác ở khía cạnh đó. Trong tập thơ thiếu nhi Ngàn cây số hoa của ông phần nhiều các bài thơ đều tìm được những góc nhìn độc đáo về các hình thức sản xuất mới, đặt bên cạnh những hình ảnh quen thuộc, đem đến cho trẻ những đối sánh thi vị, đầy hứng thú. Như khi viết về những chú ong “công nghiệp” được chuyển bằng máy bay từ vùng này tới vùng khác, mở rộng diện trường lấy mật hoa, nhà thơ Vân Long viết:
Đã từng lên tàu hoả
Đã từng đáp ô tô
Cô ong xinh xinh ấy
Đi tàu bay nữa cơ
….
Ơ này những đoá mây
Cũng hồng tươi tím biếc
Hoá ra ở giữa trời
Mật cũng nhiều phải biết!

Bác khổng lồ hạ cánh
Sân bay người xôn xao
Khách nào mà sang thế?
Xách va li bé tí
Những cô ong vẫy chào”

(Trích Nghìn cây số hoa, NXB Đồng Nai, 1996)
Xuất phát từ lòng yêu trẻ

Lấy cảm hứng chính từ cuộc sống, nhưng nhà thơ Vân Long khẳng định, cái gốc của việc làm thơ cho thiếu nhi vẫn phải là lòng yêu trẻ, yêu cái trong sáng, ngây thơ và ngộ nghĩnh của chúng. Ông nói: “Chơi với trẻ con là một điều rất thú, có khi mình buồn vì những âu lo cuộc sống chỉ cần thấy nụ cười trẻ thơ là những lo âu đó như tiêu tan hết. Khi chơi với con tôi, và bây giờ là những đứa cháu, tôi học được ở chúng rất nhiều. Trẻ con rất thích những từ đồng âm khác nghĩa, có khi nghĩa đi rất xa so với từ nhưng chính điều đó làm phát triển trí thông minh của chúng, bản thân mình khi chơi cùng trẻ con, “nghịch ngợm” chữ nghĩa cùng chúng cũng tạo ra cho mình nhiều ý tưởng, sự linh hoạt trong suy nghĩ. Như khi giải nghĩa cho trẻ: mộc nhĩ là tai của gỗ, từ đó lại khiến mình liên tưởng tới trại nuôi nấm, sản xuất nấm của các cô bộ đội phục viên sau chiến tranh…
Tai gỗ nâu hồng bé nhỏ
Xoè ra nghe đủ chuyện rừng:
Những đôi chim vừa kết tổ
Những con suối thèm mênh mông

Tai gỗ mượt mềm lấp ló
Xoè ra nghe đủ chuyện người:
Cô bộ đội Trường Sơn ấy
Đang làm cây nấm sinh sôi.…

(Trích Mộc nhĩ – tai của gỗ)
“Mỗi đứa trẻ là một kho báu để người lớn vừa hồi tưởng vừa khám phá lại mình. Viết cho trẻ em là để “hồi lại” cái phần trong sáng của tâm hồn mình mà cuộc sống bon chen đã làm vẩn đục, bởi thế khi viết cho thiếu nhi tôi như được thơ trẻ lại!” Trong câu chuyện, nhà thơ Vân Long đã nói ý nghĩ ấy không chỉ một lần!


Yên Khương
"Điên để trắng và đen không đảo ngược
Điên để tình và hận mãi song đôi"
(Đoàn Thị Lam Luyến)