Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Vương Trọng
Đăng bởi NguyễnTháiHoàn vào 09/02/2011 18:45, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi NguyễnTháiHoàn vào 09/02/2011 18:55
Bài thơ lục bát thật vần tặng chị Bùi Thị Vấn
Và trung đội dân quân thị trấn Đô Lương
Giá như ngày ấy anh về
Hẳn là hiểu được người quê hương mình!
Giữa chừng câu chuyện lặng thinh
Chị nhìn ánh nắng lung linh ngoài trời
Là khi hồi tưởng, chị ơi?
Cái thời đạn xới, cái thời bom rung
Bao đêm bóng tối mịt mùng
Xe đi vang động một vùng quê hương
Ngọn đèn thị trấn Đô Lương
Cùng người thức suốt chặng đường chiến tranh
Ba mươi cô gái hiền lành
Tấm áo gụ, tấm quần xanh dịu dàng
Mà gan dạ, mà hiên ngang
Đội bom đứng giữa mênh mang đêm dài
Dáng người hay dáng tượng đài
Vươn cao nòng súng nhô vai lặng thầm
Sương đêm mái tóc ướt đầm
Mắt như sao sáng thấu tầm gần xa
Đón quân vào, đợi quân ra
Ngọn đèn - ánh lửa quê ta dõi nhìn.
Tuổi đôi mươi với niềm tin
Qua trăm ác liệt, vượt nghìn khó khăn
Nắm mì luộc, cũng bữa ăn
Ngủ đêm trận địa, chiếu chăn cần gì.
Bất ngờ gọi dậy là đi
Tiếng cười con gái có khi sáng đường
Sau ca tiếp đạn tải lương
Khỏa chân xuống nước sông Lường thảnh thơi!
- Làm sao gặp được chị ơi
Ba mươi cô gái của thời chiến tranh
Người thì con đã trưởng thành
Người thì lỡ bước chưa đành sang ngang?
Ngoài trời nắng vẫn chang chang
Tiếng ve đầu hạ đổ vàng vườn quê
Chị nhìn, ánh mắt say mê:
- Giá như ngày ấy anh về Đô Lương!
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Lại Gia ngày 16/03/2012 16:42
Ngắn gọn thì thấy đây là câu chuyện tình dang dở của một anh lính với người con gái thanh niên xung phong.Đẹp và lãng mạn thế dẫu duyên số không đến được với nhau.Vâng cái "giá như" trong đời người ai ai cũng từng ít nhất một lần thốt lên hai chữ ấy.Có nghĩa là mọi chuyện xảy ra rồi chỉ nuối tiếc mà thôi.Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy,tình yêu đôi lứa có cái gì đó ý nghĩa thiêng liêng và cao cả lắm.Đơn sơ,mộc mạc và giản dị nhưng kỉ niệm thì khó mà phai mờ."Ba mươi cô gái hiền lành" có lẽ trong ba mươi cô gái đó sẽ là một cô gái mà anh lính thương yêu.Cô nào cô nấy đều "gan dạ","hiên ngang" vai đeo súng lặng thầm canh gác soi đường dẫn lối cho các anh đi mặc bom rơi đạn lạc.Mái tóc các chị đã ướt dầm dề vì sương khói nhưng có hề chi,ánh mắt các chị sáng như những vì sao lấp lánh trên bầu trời tập trung "đón quân vào,đợi quân ra".Vì một niềm tin tất thắng nên dẫu đang ở "tuổi đôi mươi" các chị vẫn hi sinh quên mình vì tự do độc lập của đất nước,năm tháng gian khổ đến nỗi chỉ là "nắm mì luộc" ăn tạm bợ qua ngày,sẵn sàng "ngủ đêm trận địa,chiếu chăn cần gì".Khó khăn là thế nhưng các chị vẫn cười nói vui vẻ "sau ca tiếp đạn tải lương",lại còn "khoả chân xuống nước sông Lường thảnh thơi".Hình ảnh toát lên vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng và lạc quan yêu đời của các chị.Tác giả băn khoăn,day dứt vì làm thế nào để gặp lại các chị hồi đó khi bây giờ "người thì con đã trưởng thành/người thì lỡ bước chưa đành sang ngang",thậm chí có người đã...nằm lại ở chiến trường!Đọc đến đây có lẽ không ai có thể cầm được nước mắt về "ba mươi cô gái" thanh niên xung phong.Họ là hình ảnh bất diệt và là niềm tự hào của đất nước chúng ta những người "phụ nữ Việt nam trung hậu,đảm đang"."Giá như ngày ấy anh về Đô Lương",vâng chỉ là giá như thôi,duyên phận đã định sẵn rồi,trai tráng lên đường ra trận biết bao người nằm xuống,mấy ai trở về để mà hứa hẹn điều gì hả "chị"?!Một trong những bài thơ lục bát rất hay của nhà thơ Vương Trọng xứng đáng là một trong những bài viết về đề tài chiến tranh hay nhất phải không các bạn?Hầu hết bạn bè của Du đều đồng tình với quan điểm ni và họ có nói rằng Vương Trọng sinh ra đã có duyên nợ gì đó với cụ Nguyễn Du rồi thế nên làm thơ lục bát hay lắm.Vài chữ nông cạn,bình luận nhảm của thế hệ hôm nay mong mọi người thông cảm!