Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Vũ Thị Minh Nguyệt » Người tình trong mơ (2011)
Giữa chiều ngồi lặng thẩn thơ
Tim buồn hoá đá, hững hờ tháng năm
Thì thôi, kệ ánh trăng rằm
Thì thôi, một cuộc chơi lầm người chơi
Thì thôi, hoá đá sao trời
Thì thôi, hoá đá nụ cười, niềm đau
Thì thôi, hoá đá mưa ngâu
Thì thôi, thanh thản một câu tạ từ
Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]
Tác giả: Việt An
Hoá đá
Giữa chiều ngồi lặng thẩn thơ
Tim buồn hoá đá, hững hờ tháng năm
Thì thôi, kệ ánh trăng rằm
Thì thôi, một cuộc chơi lầm người chơi
Thì thôi, hoá đá sao trời
Thì thôi, hoá đá nụ cười, niềm đau
Thì thôi, hoá đá mưa ngâu
Thì thôi, thanh thản một câu tạ từ
Vũ Thị Minh Nguyệt
Tác giả Vũ Thị Minh Nguyệt có khá nhiều bài thơ hay viết về tình yêu. Chị viết về tình yêu với nhiều cung bậc khác nhau. Bài thơ “Hoá Đá”, giống như một cung trầm đầy đau khổ, dằn vặt, day dứt về một mối tình.
Tình yêu - ngọt ngào, cay đắng, hạnh phúc và khổ đau. Đích đến của tình yêu là hạnh phúc. Ai cũng mong tình yêu thăng hoa ngọt ngào, ngập tràn hạnh phúc. Song, điều đó không dễ dàng, bởi không ít người đã phải đi trên con đường tình yêu, ngổn ngang đỗ vỡ, và tận cùng nỗi đau.
Khi sự đau khổ đã lên đến tột đỉnh, mọi cảm xúc dường như chết lặng. Hình tượng “hoá đá” trong bài thơ, là cách diễn tả thật hay, gây xúc động ngay từ những câu thơ đầu:
“Giữa chiều ngồi lặng thẩn ngơ
Tim buồn hoá đá, hững hờ tháng năm”
Niềm đau đóng băng, trái tim hoá đá, không còn nữa khái niệm về không gian, về thời gian. Những lúc như thế, người ta dường như muốn buông xuôi, phó mặc cho số phận, chấp nhận tình yêu lỡ làng, như là một nhầm lẫn cay đắng ở đời:
“Thì thôi, kệ ánh trăng rằm
Thì thôi, một cuộc chơi lầm người chơi”
Tác giả dùng từ “thì thôi..” lặp lại nhiều lần, càng làm nỗi đau thêm khắc khoải. “Thì thôi…”, như là cam chịu, như là an ủi…cho vơi nhẹ cõi lòng. Nhưng, mỗi lần nhủ lòng, niềm đau lại như nhân lên. Sự mất mát quá lớn của tình yêu, hệ lụy đau khổ của sự đổ vỡ, chia ly…không chỉ “hoá đá” con người, mà dường như “hoá đá” cả vũ trụ:
“Thì thôi, hoá đá sao trời
Thì thôi, hoá đá nụ cười, niềm đau”
Đến đây, tôi bỗng liên tưởng đến hai câu thơ của Đỗ Trọng Khơi , như là lời an ủi , đành lòng cho một mối tình tan vỡ , để rồi chấp nhận “gói ngày làm đêm”, như là chấp nhận một sự thật vô lý:
“Khi tình quá một gang tay
Thì nghiêng vạt áo gói ngày làm đêm”
(Đỗ Trọng Khơi)
Trong thơ Minh Nguyệt, nỗi đau của sự đổ vỡ được đẩy lên đỉnh điểm , để rồi như thanh thản khép lại lòng mình:
“Thì thôi, hoá đá mưa ngâu
Thì thôi, thanh thản một câu tạ từ”
Vâng, “thì thôi” vậy, khi mà “tim buồn hoá đá”. “Thì thôi” vậy, khi mà “ánh trăng rằm”, “sao trời, nụ cười, niềm đau” cũng “hoá đá”. Đến cả “mưa ngâu”, như là nước mắt, cũng “hoá đá” mất rồi…thì còn gì nữa cho một mối tình? Còn gì nữa, khi đã nhủ lòng: “Thì thôi, thanh thản một câu tạ từ”?
Đọc đến câu thơ cuối, mọi chuyện tưởng như đã khép lại, nhưng không, tình yêu vẫn còn đó, như một giá trị vĩnh hằng. Hình tượng “hoá đá”, không làm cho nỗi đau tình mất đi, mà ngược lại, nỗi đau trở lên vĩnh cửu với thời gian. “Hoá đá”là sự kết tinh, đông kết lại, để trở thành bất biến. Điều muốn quên, đã trở thành điều luôn nhớ, vì tình yêu ấy, khổ đau ấy, đã “hoá đá” trong lòng. Tương tự như vậy, Thu Nguyệt cũng đã viết:
“Xa nào anh có hay đâu
Đá từ lúc ấy bắt đầu hóa em...”
(Thu Nguyệt)
Chừng nào còn đau khổ, chừng ấy vẫn còn yêu. Tình yêu mãi còn đó, thao thức, trăn trở trong lòng mỗi người, dù đó là mối tình ngọt ngào, hay cay đắng. Phải chăng đây là ý nghĩa hàm xúc, sâu xa của bài thơ.
Nếu nói thơ ca giống như một bản nhạc, thì bài thơ “Hoá đá” là một bản nhạc trầm buồn, với nhiều khoảng lặng , lắng đọng cảm xúc. Tôi tin rằng, mỗi người yêu thơ, sẽ tìm thấy trong bài thơ này, một chút gì đó thấp thoáng của riêng mình, như là một sự đồng cảm, sẻ chia...và đấy là sức sống thực sự của bài thơ, là tấm lòng của tác giả dâng tặng cho cuộc đời.
Gửi bởi phanthuymai ngày 30/08/2011 22:16
Giữa muôn đời tịch lặng
Vĩnh hằng dáng đá ngồi
Tượng đá kết thành đôi
Còn người chia hai ngã
Em đi xa càng xa
đá tràn trề lệ đá
Những ngày thương mến nhau
Tượng hình đâu tan rã