Gia Định tam thập cảnh - Mai khâu túc hạc

Cửu cao thanh sạ bá vu thiên,
Chuyển hướng Mai Khâu hảo khế miên.
Tuyết cách bất lao hành tị giặc,
Sương linh mạn liễm học tham Thiền.
Tự khoa nhã tháo đồng thanh bạch,
Thả hứa phương danh cộng bảo tuyền.
Mộng lý ký bằng Lâm sử sĩ,
Mạc lai u hác nhiễu khiêm triền.

 

Dịch nghĩa

Tiếng hạc kêu ở chín đầm bỗng nghe vẳng trên trời cao,
Hạc đổi hướng bay đến gò Cây Mai là nơi đậu ngủ tốt.
Lông tuyết chẳng phải nhọc nhắn đi tránh tên đạn,
Cánh sương tuỳ ý xếp lại để học tham thiền.
Tự khoe tiết tháo cao nhã, đồng trong trắng,
Lại hẹn danh thơm cùng giữ vẹn toàn.
Trong mộng gửi nương xử sĩ họ Lâm,
Đừng đến chốn thanh u mà quấy nhiễu mãi.


Hiện nay ở Mai khâu, vẫn còn một ngôi chùa cổ tục gọi là chùa Gò (Phụng Sơn tự), toạ lạc số 1408 đường 3 tháng 2, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được Thiền sư Liễu Thông tạo lập vào đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1904, Thiền sư Tuệ Minh cho xây cất lại. Nhiều tượng thờ ở chùa do nhóm thợ Sa Đéc tạo tác vào những năm đầu thế kỷ XX. Chùa được đại trùng tu vào năm 1960 và sửa chữa nhỏ những năm gần đây. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Chùa có khoảng 40 pho tượng thờ, nhiều pho tượng quí như bộ Di-đà tam tôn, bộ Ngũ hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện...

Khu đất của chùa là một di tích khảo cổ học. Tài liệu của Bảo tàng thành phố cho biết vào các năm 1988 và 1991, các nhà khảo cổ học đã tìm được những mặt người bằng đất nung, đồ gốm... thuộc văn hoá Ốc Eo.

Ở đây cũng đã tìm thấy một tượng Phật bằng đồng theo phong cách Thái Lan. Chùa đã được Bộ Văn hoá công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Người ta kể rằng dưới thời Gia Long, sư tổ Liễu Thông (1753-1840) người Thanh Hoá, trên đường tầm đạo đi qua gò đất ở phía nam trấn Phiên An này, thấy cảnh trí thích hợp nên dừng chân rồi dựng chùa và đặt tên một cách nôm na là chùa Gò. Một hôm có một con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng ở đầu gò, kêu liên tiếp ba ngày rồi bay mất. Sư tổ cho là điềm lành, đổi tên chùa thành tên chữ Phụng Sơn tự.

Từ giai thoại này, một nghi vấn được nêu lên là nếu cái tên Phụng Sơn tự đã có thời Gia Long, thì tại sao Trịnh Hoài Đức là người thời Gia Long, lại không biết mà gọi là chùa Ân Tông? Đến năm 1960, trên gò còn bốn cây Bạch Mai. Nay trên gò, bên cạnh Chùa, chỉ còn một cây Bạch Mai già cỗi có mang tấm biển đề là trồng năm 1909, hơn chín mươi năm!

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Khuê (II)

Chín đầm tiếng hạc vẳng lưng trời
Đổi hướng gò Mai đến ngủ ngơi,
Tránh đạn nhọc gì lông tuyết sẵn
Tham Thiền xếp lại cánh sương thôi
Tự khoe tiết sạch lo gìn giữ
Lại hẹn danh thơm lại đổi dời
Hồn mộng gửi nương lâm xử sĩ
Nơi này u nhã chớ đùa chơi.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Hoài Anh

Chín đầm tiếng hạc vút từng trên,
Chuyển hướng gò Mai đậu ngủ yên.
Lông tuyết chẳng cần lo tránh ná,
Cánh sương xếp lại học tham thiền,
Tự khoe tiết nhã cùng trong sạch,
Còn hẹn danh thơm giữ vẹn tuyền.
Trong mộng gửu nương Lâm xử sĩ,
Chốn thanh đừng đến quấy thêm phiền.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời