1.
Nguyễn Du viết Kiều
Văn tế thập loại chúng sinh
Thương cánh cò cánh diệc bến sông
Dòng sông mênh mang nước dọc
Mà đời cò mấy gang
Lá khô xào xạc vô vàn
Nhà xa hiu hắt
Gió thổi gấp trời cao lên chót vót
Tóc mai dầy nhuốm màu gió sương
Mười lăm năm lưu lạc
Mãi làm khách xứ người
Để cho tiếng đàn ngón dây nhỏ máu
Một phận người mấy phận long đong.
2.
Ta nghe tiếng chuông chùa
Cánh đồng rơm phơi nắng cạn
Người nghèo đến chùa cầu an
Người giàu đến chùa cầu danh
Tiếng chuông chùa thâm trầm
Thức tỉnh những khách trọ trần gian
Gọi mê đắm trở về bờ giác
Nhắc người trí trá mải mê tranh giành
Những chuyện sân si mở lòng buông bỏ
Để trở về
Lắng tiếng chuông chiều thinh không
Có âm thanh nào chạm sâu vào lòng người
Như tiếng chuông chùa chiều muộn
Trên cánh đồng một làng quê bóng tre.
3.
Lời nhà tu hành
Trí giả Đại sư ba tháng chỉ giảng một chữ Diệu
Con người bị kẹt trong thân tứ đại
Để tôn thờ cái “ta” vô chủ
Niềm tin có một cái “ta” độc lập
Chỉ là một ảo ảnh cô đơn
Nhưng ta sẵn sàng nát thân cung phụng
Chiều chuộng sự ngông cuồng
Vì ta muốn được bất tử
Đó là căn nguyên lớn nhất
Gây nên nỗi thống khổ niềm đau
Mãi mãi là giấc mơ hư ảo.
Con người loay hoay tìm hiểu sự thật của chân lý
Có phải Cõi về là vĩnh hằng mang điều kỳ diệu nhất
Đem đến cho đời vẻ đẹp bi tráng và bình đẳng
Đó là khoảnh khác con người được quý trọng ngang nhau
Không ganh tỵ
Cõi thế vô thường
Trả vay oan gia sám hối
Dù có đến 3 toà lâu đài
Con người cũng sẽ chỉ ngủ yên trên 1 cái gường mỗi tối.
4.
Lời thở than của rừng
Về những cánh rừng không tên, không bàn chân thú
Buồn mơ về giấc mơ hoang dã
Rừng thưa bóng lá
Ánh sáng lọt xuống đám rêu xanh
Cỏ cây hằn cũng có tình riêng
Ta nghe tiếng vọng từ vách đá
Như tiếng của ngàn xưa gọi tới
Về những cánh rừng mồ côi
Đứng trơ giữa trời
Đàn thú không còn nơi ẩn nấp...
Rừng ngước nhìn những cánh chim xa xôi
Nhưng cánh chim không nhà không cửa
Bộ lông đẹp thì người giương cung
Tiếng hót hay thì người đan lồng
Đậu trên cao thì thần linh ghen ghét
Nay đây mai đó
Trong khoảng trời cao rộng
Ta ngồi u nhàn
Nghe gió thổi
Muốn rửa sạch mọi lo nghĩ
Tạ lòng loài chim lang thang
Loài thú phiêu bạt
Bất ngờ vừng trăng
Kích hoạt vào gương mặt đêm côi cút
Đang lên cơn bòn rút của xác xơ
Những cánh rừng không tên, không bàn chân thú.
5.
Giấc mơ của nhà thơ
“Hãy làm cho kiếp người được sống như trong mộng”
Cuộc sống để làm gì
Nếu không phải là trời cao
Nếu không phải là biển rộng
Thì cuộc sống chính là để sống
Với những giấc mơ tiên
Hạnh phúc ở nơi thái độ
Không phải ở nơi phương tiện
Hạnh phúc cần chi quá nhiều thứ
Sao quá bận lòng
Nhưng hạnh phúc không thể thiếu những bức hoạ thánh thần
Những bản nhạc phiêu linh
Những vần thơ ma quái lên đồng
Và hạt gạo của Phiden (1)
Trong nền văn minh thế giới
Hít vào – nỗi lo, nhà thơ tỉnh giấc
Thở ra – nụ cười, lo lắng nhẹ như nhiên
Sáng láng giấc mơ tiên…
6.
Thói kiêu ngạo vốn là một bản chất người
Không biết nên bỏ hay không nên bỏ
“Tố nhân bất khả hữu ngạo thái
Nhiên bất khả vô ngạo cốt” (2)
Ta dạy các em Tiên học lễ
Đó là cái Lễ của gia phong
Của thái bình làng quê, đất nước
Nhưng cái ngạo cốt của con người
Vốn là khát vọng vươn lên
Là hiên ngang khí phách
Như một dân tộc biết ngạo nghễ trước kẻ thù
Như kẻ sĩ biết ngạo nghễ trước thói cường quyền đè ngang dân chủ
Cái cốt cách ngạo nghễ luôn sẽ là một chứng nhân
Làm nên lịch sử
Nên ta không thể dạy các em
học quỳ gối
trước khi học ngẩng cao đầu
Để vươn tới những chân trời khát vọng.
7.
Phận người trong Thập loại văn tế có thức tỉnh ta không?
Lời nhà tu hành có thức tỉnh ta không?
Tiếng chuông chùa chiều muộn có thức tỉnh ta không?
Nhà thơ mơ gì về những cánh rừng không bàn chân thú
Với thói kiêu ngạo muôn đời
Về thôi người ơi – Miền hư không nhắn nhủ
Hãy về thôi – Về với chính con người.
Tháng 3/2022
(1) Lời của Phi-đen Caxtro: “Tất cả nền văn minh của nhân loại chỉ chứa đựng trong một hạt gạo”
(2) Làm người không nên có cái thói kiêu ngạo, nhưng cái cốt cách kiêu ngạo thì không nên là không có – Lời cổ nhân
Đăng bởi Trần Tất Tiến vào 03/04/2023 20:54