Đăng ngày 27/03/2023 07:02, số lượt xem: 981

Chân không tất, áo sờn màu muối bạc
Chiếc xe tàng bao muối nặng sau ga
Muối đê muối đê… giọng rao như lạc
Giữa phố phường mỗi sáng mai qua.

Đi rất vội mỗi ngày một bao muối
Tiền lãi lời đếm nhạt ngón tay nhăn
Đời không thể thiếu gừng cay muối mặn
Tiếng rao khản lời sau vệt bánh xe lăn.

Rồi một buổi tôi bỗng nghe giọng khác
Một giọng người con gái – Muối đây
Em đi thay cha – giọng em nước mắt
Muối tan vào mặn chát tuổi thơ em.

 

Ảnh đại diện

Lời ngỏ từ Tiếng rao người bán muối

Đề tài viết về người lao động mang tính chất làng nghề truyền thống không phải chờ đến nhà thơ Trần Tất Tiến mới được khởi xướng. Về thăm vùng biển Tĩnh Gia năm 1984, Nguyễn Duy nhà thơ xứ Thanh đã viết bài “Muối trắng” nặng tình người làm:
“Li ti đại dương
Trong đất
Trong cây
Trong sự sống muôn loài
Trong miếng ăn ngày ngày
Dù bát canh suông
Hay quả cà nén dặm
Trong cái nhớ đêm đêm hồ dễ mà quên lời dặn thuỷ chung
Gừng cay muối mặn
Trong nỗi xót xa như muối xát lòng
Ở lại đây với ống muối mặn mòi
Vẫn những con người
Chịu tất bật, chịu đen da cho muối trắng
Nếm muối chảy ròng ròng qua mặt
Và nghe muối kết tinh trên thịt da mình”
Từ “Muối trắng” đến “Tiếng rao người bán muối” có những khoảnh khắc không lời. Nghệ thuật thơ làm ta trăn trở, day dứt trước những số phận con người, trước cõi đời vì sự mưu sinh. “Tiếng rao người bán muối” của Trần Tất Tiến xao xác bồn chồn, trầm buồn khắc khoải. Bài thơ như một truyện ngắn đầy khoảng trống:
Chân không tất áo sờn màu muối bạc
Chiếc xe tàng bao muối nặng sau ga
Chân không tất giản dị, thô kệch, những trần trụi đời thường đi vào thơ có sức gợi. Bàn chân ấy đi qua bao nẻo đường, chấp nhận bỏng rát trời hè, và giá lạnh của mùa đông. Người đọc liên tưởng bàn chân thô ráp ấy nứt nẻ, sần sùi chai sạn vì miếng cơm manh áo. Chiếc áo chưa rách mà chỉ “sờn” vì lớp bụi thời gian. Còn “màu muối bạc” có ảnh hưởng của không gian và thời gian, của sự chà xát cuộc đời. Xe của người bán muối là “chiếc xe tàng” không phanh, không chuông, không chắn bùn, chắn xích. Cả người và chiếc xe gồng lên, có sức liên tưởng trong tư duy người đọc. Câu thơ mang tính hàm súc, dồn nén vào trong. Như thế là người bán muối phong phanh đạp xe ngửa ngực thở hỗn hễn, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn rao lạc cả giọng:
“Muối đê, muối đê… giọng rao như lạc
Giữa phố phường mỗi sáng mai qua”
Tiếng rao còn được nhắc lại ở các khổ thơ sau. Nhà thơ dùng nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh tiếng rao của người bán muối: “Muối đê, muối đê…” ngắn gọn va đập vào tâm hồn người đọc. Tiếng rao đó kèm với lời bình “giọng rao như lạc” vì muối vẫy gọi sự sống, duy trì và kéo dài sự sống nên mỏi mệt trầm bổng. Âm thanh đó quen thuộc, neo đậu, chà xát vì nó không còn tròn trĩnh nữa. Tiếng rao như tiếng nấc khắc khoải, nghẹn ngào. Với quan sát tỉ mỉ, với cảm nhận tinh tế, nhà thơ Trần Tất Tiến đã chép vào thơ một nốt nhạc trầm buồn, đầy trải nghiệm.
Nếu Nguyễn Duy có chiều sâu triết lý, gân guốc, tưởng tượng:
“Em đi bỏ lửng cánh đồng
Xơ gan hột lúa, nát lòng củ khoai”
hoặc:
“Ruột ta thắt mặt ta nhăn
Cha ta thì cứ không răng cười đùa
Ta đi mơ mộng trên đời
Để cha cuốc đất một đời chưa xong”
Thì Trần Tất Tiến cũng có nhiều dấu hiệu triết lý, thứ triết lý đời thường mà day dứt:
“Đi rất vội mỗi ngày một bao muối
Tiền lãi lời đếm nhạt ngón tay nhăn
Đời không thể thiếu gừng cay muối mặn
Tiếng rao khản lời sau vệt bánh xe lăn”
Tứ thơ xô nhanh, đẩy mạnh theo tiếng rao và nhịp thơ lăn bánh. Câu “Tiền lãi lời đếm nhạt ngón tay nhăn” là một câu thơ có sức nặng. Lãi lời thì ít lắm, bán muối thì phải “mặn” nhưng người bán chỉ đếm “nhạt” thôi. Nếp nhăn của thời gian đọng lại, ngưng tụ lại ở hình ảnh “ngón tay nhăn”. Hình ảnh gợi lên về tuổi tác, về nhọc nhằn, về mưu sinh của người bán muối. Câu thơ buồn xao xác, nó gợi về cuộc đời, về kiếp người sóng gió của thời gian. Cặp từ trái nghĩa “mặn – nhạt” làm câu thơ nối truyền thống với hiện tại, giữa thực và hư, giữa đời và thơ.
Đến khổ thơ thứ 3, tứ thơ đột ngột thay đổi, như dòng suối róc rách chảy đến ngọn thác tung mình trắng xoá:
“Rồi một buổi tôi bỗng nghe giọng khác
Một giọng người con gái – Muối đây
Em đi thay cha – giọng em nước mắt
Muối tan vào mặn chát tuổi thơ em”.
Con thay cha, cha truyền nghề cho con? Bài thơ không lý giải cụ thể, chất tự sự mang đến những nốt nhạc không lời. Người cha đó còn mất, buồn vui ta không biết nhưng chắc chắn một điều ông không theo nghiệp bán muối rong nữa. Thay thế người cha là người con gái bé bỏng tội nghiệp. Tiếng rao muối khoẻ hơn, đúng ngữ âm hơn “Muối đây” được xác định rõ hơn chứ không khắc khoải bồn chồn như tiếng rao của người cha “Muối đê, muối đê” nữa. Em rao muối mà giàn dụa nước mắt. Nước mắt của tuổi hờn, nghèo khổ hay niềm khao khát đến trường của em chỉ là mơ ước. Câu thơ cuối “Muối tan vào mặn chát tuổi thơ em” là câu thơ hay nhất. Nghệ thuật ẩn dụ, chuyển đổi cảm giác làm người đọc cảm nhận cái mặn chát của muối hay mặn chát của cuộc đời không chỉ tan vào sự hữu hình mà nó tan vào chính cuộc đời mặn chát của em. Không còn cái truyền kiếp như trong tác phẩm của Nam Cao về số phận con người trong vòng bế tắc của cái lò gạch cũ nữa, câu thơ vẫn có chiều sâu dự báo trong tương lai. Nó đặt ra trách nhiệm của người cầm bút, những vấn đề văn minh trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Ngành Nông nghiệp, nghề làm muối biển, người làm muối nghĩ gì trước tuổi thơ của các em?
“Thơ là cái nhuỵ của cuộc sống”, “Thơ là tiếng nói đồng chí đồng tình” (Tố Hữu). Thơ là hành động để ta biết sống, biết yêu, biết ngợi ca, trân trọng và biết cảm ơn chia sẻ. Xin cảm ơn những ngày gian khổ, những ngày đói khiến ta tìm ra lửa, những ngày đau ta lại có nụ cười, những ngày buồn ta lại có niềm vui. Thơ hay là găm ở người đọc một lớp phù sa để ta một ngày hằng sống, một ngày hằng yêu, nâng ta đi trên những nẻo đường của cuộc sống, nơi đó ta đồng vọng, tri ân với kiếp những con người để ta còn biết mình có trách nhiệm trước cộng đồng. Thông điệp chuyển tới người đọc vì trái tim nhà thơ cùng nhịp đập với số phận con người để cùng ta đi, cùng khát vọng với “Người đi cuối chân trời”.
Ts. Trịnh Văn Chiến
Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Chất Thiền trong thơ Trần Tất Tiến

Trong tập thơ “Về người ơi miền hư không” những câu thơ Thiền của nhà thơ Trần Tất Tiến rất ít, nhưng mỗi khi nó xuất hiện thì rất đặc biệt, tựa một vì sao bỗng rực sáng trên bầu trời, lôi cuốn sự chú ý của bạn đọc kỹ tính, ưa tìm cái riêng biệt trong thơ. Đây là thế mạnh của Trần Tất Tiến và có thể sẽ đưa ông đến thành công bởi sự khác biệt, riêng có này.
Trong “Bài thơ vu vơ” đề tặng nhà thơ Văn Đắc, ông viết:
“Ta rút kiếm gác lên cành thông reo
Rồi thong thả ngồi bên khe buông gió
Đời quý nhất là vô danh
Mời khách uống một chén rượu đục mà vui với cảnh”
Chữ “ta” ở đây có khi là chủ thể, cũng có khi là khách thể vừa trải qua một trận giao đấu cam go, mệt mỏi. Điều anh ta mong đợi là hoà bình, là an lành bên thiên nhiên cây cỏ, gió mây. Đó chính là mục tiêu sống, mục tiêu chiến đấu của anh ta chứ không phải chiến đấu để được vinh danh. Cái quý nhất là “vô danh”, thậm chí “danh” không quan trọng bằng có bạn quý tâm giao, tri âm, tri kỷ để “mời uống một chén rượu đục”. Từng ấy thôi cũng đã thấy chất Thiền xuất hiện trong thơ Trần Tất Tiến giữa đời sống hôm nay. Có biết và hiểu được “Đời quý nhất là vô danh” mới là người sống trong Thiền định với ý nghĩa nhà Phật đã trao gửi con người “sắc sắc, không không” bởi sự cống hiến trong tranh đấu với áp bức cũng chỉ nhằm đem lại sự công bằng, yêu thương, an lành cho con người mà thôi.
Thơ Trần Tất Tiến không dùng ngôn ngữ mạnh, chỉ như gió thoảng mây bay, nhưng ẩn phía sau là tính triết lý sâu sắc, gói gọn trong ít từ không cần lý giải dài dòng hay dẫn dắt lê thê. Trong bài “Lời hoa” ông viết:
“Em này! Sao người không ngắm
Bay ngang ngọn gió vô tình
Một mai mưa rầy cánh thắm
Lại buồn nỗi em nát tan”
Chất Thiền xuất hiện trong những vần thơ nói về tình yêu đôi lứa thật ý nhị, tinh tế, rất xưa như kiểu: “Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”. Dù vậy, câu ca dao về tình yêu đôi lứa của người xưa còn mạnh bạo hơn nhiều thơ của Tiến, bởi cái “liếc” ấy là vừa xem xét, dõi theo, sở hữu, còn cái “ngắm” của nhà thơ chỉ là nâng niu, e dè, trân trọng, chỉ “ngắm” để thu về trong tâm não những vẻ đẹp mà kẻ ngắm từng rất si mê. Từ khi nhận ra sự vô tình của Em mà nhà thơ ví như hoa thì nhà thơ bỗng lo lắng cho em vô chừng. Lo bởi “Một mai mưa rầy cánh thắm/ Lại buồn nỗi em nát tan”. Đẹp thế, yêu đến thế, trân quý Em đến thế, cũng chỉ “ngắm” thôi, và lo một ngày hoa kia sẽ tàn. Cái xa xót rất nhân văn đó được nhà thơ thể hiện qua những dòng thơ chân thực và ngôn từ giản dị nhưng bạn đọc đã tìm ra vẻ đẹp Thiền trong cách yêu của nhà thơ. Chính tình Thiền này mới khiến người trong cuộc thấy tình chân giá bởi vô nghiệm yêu. Khi vô nghiệm yêu thì phương trình sẽ luôn luôn hấp dẫn là vì vậy.
Bài thơ “Tiếng rao người bán muối” là một bài thơ đặc biệt về số phận con người đã được Ts. Trịnh Văn Chiến (nguyên BTTU) thẩm bình với những câu hỏi đặt ra cho những người có trách nhiệm với cuộc sống, với đồng loại còn yếu thế, thiệt thòi mỏi mòn trong mưu sinh làm sao để giúp họ thay đổi số phận. Phải khẳng định bài thơ “Tiếng rao người bán muối” đưa nhà thơ Trần Tất Tiến lên một vị trí ấn tượng trong lòng bạn đọc bởi nhà thơ “nghe” và thấu được nỗi buồn nhân thế, chia sẻ với họ bằng thơ:
“Rồi một buổi tôi bỗng nghe giọng khác
Một giọng người con gái: “Muối đây”
Em đi thay cha, giọng em nước mắt
Muối tan vào mặn chát tuổi thơ em”
Bài thơ là một thông điệp gửi đến công chúng về những diêm dân với một nghành nghề càng làm càng cơ hàn, đời này nối đời sau và trách nhiệm của xã hội trước những người diêm dân từng đi trong bao ngày đông tháng giá: “Chân không tất áo sờn màu muối bạc/ Tiền lãi lời đếm nhạt ngón tay nhăn”. Điều này cho thấy thơ ông nếu không chứa chất Thiền thì cũng đi gần với thơ Thiền mà nhà Phật từng nói: “Thương người như thể thương thân” là vì vậy.
Lấy tít bài thơ “Về người ơi miền hư không” Trần Tất Tiến hẳn đã suy tư, cân nhắc cẩn trọng để làm tít đề cho cả tập thơ. Thông điệp ông muốn gửi tới bạn đọc từ sự trải nghiệm dằng dặc đời phong trần của mình rằng cuối cuộc đời chính là miền hư không. Phải khẳng định Trần Tất Tiết đã đem chân lý nhà Phật: “sắc tức là không, không tức là sắc” vào thơ cùng với chất Thiền rất rõ nét và là yếu tố nổi trội trong thơ ông:
“Ta nghe tiếng chuông chùa
Cánh đồng rơm phơi nắng cạn
Tiếng chuông chùa thâm trầm
Thức tỉnh những khách trọ trần gian
Gọi mê đắm trở về bờ giác
Nhắc người trí trá mải mê tranh giành
Những chuyện sân, si mở lòng buông bỏ
Để trở về
Lắng tiếng chuông chùa thinh không”
Phật không ban cho con người những thứ con người khẩn cầu. Phật chỉ giác ngộ cho con người phải có tấm lòng yêu thương con người, buông bỏ tham, sân, si. Mức phổ độ chân lý nhà Phật cho tất cả giai tầng xã hội, không phân đẳng cấp bởi trong mọi điều luật thì luật nhân quả bao trùm rộng khắp không gian địa cầu và Trần Tất Tiến đã bằng trải nghiệm đời người, lên tiếng gọi “Người ơi về miền hư không” để gửi thông điệp tới bạn đọc.
Viên Lan Anh
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Bài đã đăng Báo Thanh Hoá, số 101 (17/2/2023)

25.00
Trả lời