35.00
2 bình luận
Đăng ngày 27/03/2023 06:59, số lượt xem: 635

Không thể nói chàng là người đa tình
Cũng không phải là người khô như ngói
Chàng là người thế đấy
Giả vờ thôi…

Hỡi kẻ đa tình nhưng rất đỗi xa xôi
Ta chỉ lả lơi với rụt rè của vầng trăng lên muộn
Với cành me chua dan díu rủ khuya đêm
Và ta cần một giấc của thơ men.

Xin gác bỏ tròn đôi mắt mở
Nào thấy gì đâu khi hồn đã lang thang
Hãy ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt
Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân.

 

Ảnh đại diện

Về bài thơ Thi sĩ

Xin gác bỏ tròn đôi mắt mở
Nào thấy gì đâu khi hồn đã lang thang
Hãy ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt
Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân.
Thú thực, khi đọc hai câu thơ cuối: Hãy ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt/ Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân, tôi không khỏi rùng mình, nổi gai ốc trong người. Chính lúc giai nhân theo lời khẩn cầu của nhà thơ ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt ấy, cũng vừa kịp để người đẹp chứng kiến Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân. Nhà thơ bằng ngôn từ, đã tạc nên một tượng đài diễm lệ. Đó là khi ánh trăng êm dịu cuối cùng lụi tắt, nhường chỗ cho bóng tối mỏng manh như hơi thở trước khi những tia mặt trời đầu ngày lan trên mặt đất. Trong khung cảnh của ánh trăng lụi tàn ấy, bóng thi nhân gục xuống. Bởi tâm hồn, tinh lực đã vắt kiệt mình theo ánh trăng kia, mà chứng tích là bài thơ tuyệt bút để đời.
Đinh Ngọc Diệp
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Về bài thơ Thi sĩ (Đăng toàn văn)

Tôi được nhà thơ Trần Tất Tiến tặng tập thơ “Giấc mơ lá đỏ” là tập thơ thứ 6 của anh, do Nxb Hội Nhà văn vừa ấn hành năm 2022. Theo tôi đây là một tập thơ khá, rất đáng đọc. Trong tập thơ này, nhà thơ Trần Tất Tiến đã rạch ròi, quyết liệt với những bề bộn, khuất khúc của cuộc đời. Đồng thời anh lại rất đỗi dịu dàng, dào dạt yêu thương trong địa hạt thơ tình. Ngẫm cho cùng, hai thái độ, giọng điệu, tính cách ngỡ như mâu thuẫn ấy chỉ là hai mặt thống nhất của cùng một bản chất, ấy là bản chất thiện chân thi sỹ. Chính vì tình yêu sâu đậm với những giá trị tốt đẹp, nên con người ta mới quyết liệt phản ứng, đấu tranh với những gì xấu xa, vô đạo.
Cái bản tính thiện chân thi sỹ ấy biểu hiện tập trung và ấn tượng nhất ở bài thơ “Thi sĩ”. Bài thơ xinh xắn, gồm ba khổ thơ, mỗi khổ có bốn câu. Ngay từ khổ thơ đầu, nhà thơ đã minh định chàng thi sĩ là như thế này:
“Không thể nói chàng là người đa tình
Cũng không phải là người khô như ngói
Chàng là người thế đấy
Giả vờ thôi”
Có vẻ như tác giả đang ỡm ờ đánh đố người đọc? Lẽ thường, nếu một người không là thế này ắt phải thế kia mới đúng chứ? Lại còn “Chàng là người thế đấy/ Giả vờ thôi” là nghĩa làm sao?
Ta đọc tiếp xuống khổ thơ thứ hai, bắt gặp câu “Hỡi kẻ đa tình nhưng rất đỗi xa xôi” có phải là chồng chất thêm sự khó hiểu hay không?
Để giải mã được chỗ khó này, đặng thấu cảm cả đoạn thơ trên và của bài thơ theo thiển ý, phải bắt đầu từ ý thơ “kẻ đa tình nhưng rất đỗi xa xôi”. Đó là gì nếu không phải là tác giả đang nói với người đẹp (giai nhân nói riêng) và với phái đẹp (nói chung) vốn là đối tượng miêu tả, ngợi ca của thi nhân tự cổ chí kim. Gọi người đẹp/ cô gái là “kẻ đa tình” thì đúng rồi, vì chức phận của phụ nữ tạo hoá sinh ra là để yêu thương. Nhưng sao lại “rất đỗi xa xôi”? Xa xôi... thì làm sao có thể thi nhân gợi tình, gợi tứ, gợi mộng tưởng khiến hồn mình “treo ngược ở cành cây” (thơ Sóng Hồng), để cho ra đời những thi phẩm hay, bất hủ? Ấy vậy mà, trong câu thơ này, nhà thơ đã đúng. Vì, do đặc điểm của sáng tạo thơ, nên hình tượng “em” trong một bài thơ, vừa là “em” cụ thể, vừa là hình bóng các “em” khác nữa lồng ghép, tổng hoà trong đó. Nên tình cảm của thi sĩ với cô gái/ nguyên mẫu để làm thơ, vừa gần gũi, lại vừa xa xôi, vừa rất thật, lại vừa giả vờ thôi là như thế.
Tiếp tục khai triển ý thơ trên, nhà thơ bộc bạch nỗi lòng:
Ta chỉ rụt rè với vầng trăng lên muộn
Với cành me chua dan díu rủ khuya đêm
Và ta cần một giấc của thơ men.
Không chỉ nặng lòng với người đẹp, nhà thơ còn giao cảm vầng trăng muộn, dan díu cành me với động từ rủ được hiểu là cành me chủ động rủ nhà thơ vào cõi khuya đêm, hứa hẹn cả hai chủ thể được cùng nhau khám phá bao nhiêu xúc cảm quyến rũ mê hồn. Tất cả những sự dan díu với thiên nhiên, ngoại giới phong phú và rộng lớn ấy chính là để nhà thơ đạt đến cảnh giới một giấc của thơ men, tức thời điểm cảm hứng sáng tạo được đẩy lên cao trào, nhà thơ sinh hạ bài thơ hay.
Khổ thơ cuối khép lại bài thơ một cách không thể viên mãn hơn, đẹp đẽ hơn. Cũng như toàn bộ bài thơ, khổ cuối gồm những thi ảnh/ hình tượng nhiều hàm ý cho người đọc suy tưởng. Với tôi, khổ thơ cuối tiếp tục là lời nhắn gửi, tỏ bày của nhân vật trữ tình của bài thơ với người đẹp, người khởi nguồn sáng tạo cho thơ mình:
“Xin gác bỏ tròn đôi mắt mở
Nào thấy gì đâu khi hồn đã lang thang
Hãy ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt
Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân”.
Thú thực, khi đọc hai câu thơ cuối: “Hãy ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt/ Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân” tôi không khỏi rùng mình, nổi gai ốc trong người. Chính lúc giai nhân theo lời khẩn cầu của nhà thơ “ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt” ấy, cũng vừa kịp để người đẹp chứng kiến “Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân”. Nhà thơ bằng ngôn từ, đã tạc nên một tượng đài diễm lệ. Đó là khi ánh trăng êm dịu cuối cùng lụi tắt, nhường chỗ cho bóng tối mỏng manh như hơi thở trước khi những tia mặt trời đầu ngày lan toả trên mặt đất. Trong khung cảnh của ánh trăng lụi tàn ấy, bóng thi nhân gục xuống. Bởi tâm hồn, tinh lực đã vắt kiệt mình theo ánh trăng kia, mà chứng tích là bài thơ tuyệt bút để đời.
Bằng ngôn từ, nhà thơ đã dựng một tượng đài diễm lệ. Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân  lại là phút sinh hạ, toả sáng của cái đẹp vĩnh hằng. Tôn vinh cái đẹp, cũng là tôn vinh sự dâng hiến của các thi nhân.
Đinh Ngọc Diệp
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

15.00
Trả lời