Đọc bài thơ “Màu hoang” của nhà thơ Trần Tất Tiến, tôi liên tưởng đến bài thơ “Giấc mơ hoàng hôn” của anh viết trước đó không lâu và được đăng trong tập “Lan man cánh buồm”. Nhà thơ có những giấc mơ rất thực và rất xa vời.
“Ta vẫn gặp giấc mơ mùa đi theo tiếng gió
Những giấc mơ màu hoa trong trang sách học trò
Một nửa thoáng qua cũng làm nên thảng thốt
Những đêm hè ta ngồi đếm sao sa.
Những ngôi sao trên bầu trời bao la
Nghe gần lắm với tay là bắt được
Xoè bàn tay chơi trò chơi cút bắt
Đom đóm bay ra cuống quít với bạn tình
Lập loè dẫn bờ ao thì thòm tiếng ếch
Tiếng con trẻ gõ vào trăng cổ tích
Đánh thức giấc mơ gầy.
Ta vẫn gặp giấc mơ lên trang sách của ngày
Những giấc mơ không đầu không cuối
Mộng mị như người say
Nhưng có một điều ta không bao giờ quên
Giấc mơ nào cũng hiện khuôn mặt đêm
Áp lên khuôn mặt ngày tình tự.
Xưa như từ thuở vân hà
Khi mặt trời sinh ra cùng vũ trụ
Đã bắt đầu có ngày và đêm
Cặp đôi bất tử
Uyên ương hơn mọi tình của đá.
Hồn nhiên như thanh mai trúc mã
Em bình minh, anh nắng hạ
Lại giao duyên trong buổi muộn chiều về
Để hoá thân vô vàn tình yêu tuổi trẻ
Thít chặt vào giấc mộng mỗi hoàng hôn”.
Đọc bài thơ “Giấc mơ hoàng hôn” của anh, tôi cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thoát lắm. Nó rất thật với đời sống ở cả quá khứ và hiện tại. Không ai trong mỗi chúng ta là không có một thời ấu thơ ngồi bên bậu cửa chơi trò nu na nu nống, hay nằm trên chiếc chõng tre giữa sân nhà trong đêm hè trăng sáng, ngửa mặt lên trời đếm những vì sao: “Một ông sao sáng; hai ông sáng sao…”
“Những giấc mơ màu hoa trong trang sách học trò
Một nửa thoáng qua cũng làm nên thảng thốt
Những ngôi sao trên bầu trời bao la
Nghe gần lắm với tay là bắt được
Tiếng con trẻ gõ vào trăng cổ tích
Đánh thức giấc mơ gầy”.
Quả thực sang bài thơ này, tôi có cảm giác như anh viết rất nhanh, bởi tư liệu thì có sẵn mà cảm xúc thì dâng trào và bút pháp có sự phong phú hơn ở lối tu từ, so sánh và nhân hoá trong thơ. Ở đây anh không bóng bảy, mượt mà như thơ của Hàn Mặc Tử: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”, mà anh đi thẳng vào vấn đề:
“Xưa như từ thuở vân hà
Khi mặt trời sinh ra cùng vũ trụ
Đã bắt đầu có ngày và đêm
Cặp đôi bất tử.”
Vâng, anh đã mang hết dòng sông trăng nhẹ nhàng, mây lững lờ trôi, mang hàm ý dáng vẻ thanh cao, tao nhã, dịu dàng của người con gái vào trong “thuở vân hà” và tôi rất khoái đoạn kết của bài thơ:
“Em bình minh, anh nắng hạ
Lại giao duyên trong buổi muộn chiều về
Để hoá thân vô vàn tình yêu tuổi trẻ
Thít chặt vào giấc mộng mỗi hoàng hôn”.
Hai bài thơ đều hướng về một chân trời hoàng hôn nào đó của Vũ trụ rất xa xôi.
20/7/2022
Phạm Xuân Quý
Phó Chủ tịch Hội KH Thuỷ lợi tỉnh Thanh Hoá.