Chưa có đánh giá nào
3 bình luận
Đăng ngày 03/04/2023 12:04, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 23/04/2023 10:14, số lượt xem: 429

Mọi việc bắt đầu từ một chiều đông
Xác xơ cánh quạ
Rủ bóng xuống cánh đồng cỏ úa
Một dòng ngươi đi tìm lá đỏ
In những giấc mơ đổi đời.

Bên này thành phố lên đèn
Xua những khối màu xi măng ngã xám
Người phụ nữ dắt con nhỏ đi tìm con chó lạc
Cún đâu rồi, cún ơi…

Dòng sông chảy qua bên tả ngạn
Những bia đá rêu phong
Từ thưở đàn chim còn đang phân vân đôi cánh
Đậu xuống khai sinh một miền cổ tích
Để hữu ngạn dòng sông bồi đắp những toà thành.

Ta lạc vào dòng người
Đi như trôi về vùng đất không có điểm cuối
Họ gồng gánh những của nả
Địu con thơ trên lưng
Họ bảo
Họ bị lạc nhau từ kiếp trước
Nhưng vẫn còn giữ được nửa lá bài
Làm vật khớp nhau để nhận ra nhau
Ở phía luân hồi
Nơi cuối cánh rừng đêm nay.

Ta giơ hai bàn tay
Trong tay ta không có con bài nào cả
Hai bàn tay trống trơn
Túi áo trống rổng
Nhưng ta không thể quay lại
Dòng người cuốn ta đi
Dọc theo bờ suối trắng
Những đàn cá cứ đuổi theo bóng người đang trôi nhanh vùn vụt
Có tiếng vọng lên từ khe sâu
Cá bảo
Các người cứ đến chân cầu vồng
Sẽ thấy vô vàn những lá bài đã được nửa kia ghép lại
Đó là nơi thuỷ tộc của loài rồng
Dong cánh buồm lá đỏ đưa người về mây gió.

Thành phố vào đêm
Ngát mùi hương hoa sữa
Những vì sao mờ dần như tàn lửa
Nhấp nháy những phận người đã tìm thấy nhau
Nhờ vào nửa lá bài.

Người phụ nữ tìm con chó lạc
Không thấy
Đứa con gái nhỏ của chị
Cũng lạc mẹ tự lúc nào
Vào dòng người cứ đi như bào ảnh
Mãi về phía cánh rừng
Chị rền rĩ
Bống đâu rồi, bống ơi…

Tôi hỏi chị có gì nhận dạng
Chị đưa cho tôi một nửa lá bài
Mà bé gái đang cầm một nữa
Trời sắp sáng rồi
Có kịp đến nơi chân cầu đêm nay?

Thành phố rạng ngời những ánh bình minh
Những cửa sắt bắt đầu kêu cọt kẹt
Đường ngoại ô những bà già ngực lép
Đang còng lưng đạp ngược chiếc xe rau.

Tôi giơ nửa lá bài còn nguyên lúc ban đầu
Lên ánh nắng ban mai màu mận nhú
Nửa lá bài của tôi mang dòng chữ
“Nhà ngươi
Sẽ tìm được nửa lá đỏ
Kiếp sau…”

Tháng 6/2022

 

Ảnh đại diện

Lá đỏ - một thoáng trong tôi

Thi nhân viết “Lá đỏ” trong cơn mơ
bài thơ lấy làm tên chung cho cả tập
nguòi viết lời bình không mơ khó mà ảo diệu.
bài thơ như một vở kịch
có thắt mở, tình tiết đan xen
số người tham gia đông như một dòng chảy
không gian nửa hư nửa thực, mênh mang.

Thời điểm dòng người ra đi
một chiều mùa đông
xác xơ bóng quạ
trên tay cầm nửa lá bài
họ đi tìm sự đổi đời mà vận số được in trên lá đỏ
đi để hàn gắn sự thất lạc từ kiếp nào
mà người kia cũng cầm một nửa
dòng người cứ đi theo hướng phía vô cực.

Cảnh dàn dựng
cánh đồng - thành phố - dòng sông
từ thành phố người phụ nữ dắt con đi tìm chó lạc,
tay em bé cũng có nửa lá bài.
nơi thành phố một số người nhờ nửa lá bài đã tìm lại nhau
nhưng trọng tâm câu chuyện
nguòi mẹ tìm chó lạc mà rốt cuộc lại lạc mất con
bi kịch cuộc đời
mãi đi tìm cái mất nhỏ lại mất đi cái mất lớn.

Hay hơn nữa là “Tôi” cũng được chị ấy trao cho nửa lá bài
chị mong nhà thơ sẽ khớp được với nửa kia
đem về cho chị sự đoàn tụ
nhưng lá bài “Tôi” cầm trên tay
đã định sẵn
chờ ánh sáng màu mận nhú soi vào đọc rõ
“Nhà ngươi
sẽ tìm thấy nửa lá đỏ
kiếp sau”

Kết cục như tiền định một mối tình
một cuộc nhân duyên táo bạo
chỉ những nhà thơ mới dám mơ như vậy
rất thơ mà cũng rất đời.
“Lá đỏ”
dòng người đi tìm lá đỏ một chiều đông ảm đạm
cánh đồng cỏ úa
xác xơ bóng quạ lạnh đến rợn người
nhưng
hạnh phúc và những ước vọng đổi đời
mãi là nỗi khát khao đang chờ họ ở phía trước.
Nhà thơ Trần Tất Trừ
Hội viên Hội VHNT tỉnh Thanh Hoá.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Linh ảnh và huyền vi trong bài thơ Lá đỏ của Trần Tất Tiến

Đọc bài thơ “Lá đỏ” của Trần Tất Tiến, tôi như người đi thi gặp phải bài toán khó, bởi chỉ mới lướt qua tiêu đề bài thơ, trong đầu tôi lại cứ âm vang bài hát “Lá đỏ” do nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ thơ của Nguyễn Đình Thi, sáng tác từ tháng 12/1974: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ” làm phân tâm khi đọc hiểu và cảm nhận được thơ anh.
Với Nguyễn Đình Thi đó là một nơi đẹp đẽ, đứng trên cao nguyên lộng gió có thể cảm nhận được một khoảng không gian vô cùng khoáng đạt. Từ đó có thể mở tầm nhìn ra một khoảng không bao la rộng lớn. Và đó cũng chính là mạch cảm xúc tương tự như trong thơ của Tố Hữu: “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (Nước non ngàn dặm). Từ Trường Sơn Nguyễn Đình Thi đã nhận thức rõ mình và cũng chính là nhận thức được sức mạnh của nhân dân của dân tộc Việt Nam. Và hiển hiện trước mắt chính là một vẻ đẹp lạ lùng với ào ào lá đỏ. Và cũng chính là bao nhiêu lá đỏ cũng là bao nhiêu tâm tình. Chính những chiếc lá đỏ trên nền trời xanh ấy đã chạm vào trái tim của nhà thơ. Nó làm nên trận mưa lá đỏ đổ xuống như chính sức sống của người Trường Sơn - của dân tộc Việt Nam anh hùng bất khuất. Có thể nói “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi là khúc tráng ca khắc hoạ hình ảnh kiên cường của con người Việt Nam một thời đánh giặc, giải phóng quê hương, thống nhất non sông đất nước.
Nhưng “Lá đỏ” của Trần Tất Tiến lại ở trong một trạng huống khác hẳn, anh phác hoạ những hình tượng mới mẻ trong cuộc sống hiện đại đầy bươn trải, lo toan, thơ anh toát lên một phong cách mới, vừa cụ thể hoá vừa trừu tượng hoá với lối diễn dịch đầy ẩn dụ, mang tính triết lý siêu phàm, hãy nghe anh tâm sự về những phận đời mưu sinh:
“Mọi việc bắt đầu từ một chiều đông
Xác xơ cánh quạ
Rủ bóng xuống cánh đồng cỏ úa
Một dòng người đi tìm lá đỏ
In những giấc mơ đổi đời”
Phải chăng ở đây, Lá đỏ là một ẩn dụ mà ở đó là bến bờ Hạnh phúc, nơi cuộc sống tột cùng phú quý. Trong đoàn người mưu sinh ấy lại nổi lên hình ảnh cụ thể của: Người phụ nữ dắt con nhỏ đi tìm con chó lạc; Cún đâu rồi cún ơi… khi thành phố đã lên đèn. Nhưng đoàn mưu sinh ấy đã không dừng lại ở hai bên tả và hữu ngạn của dòng sông, bởi ở những nơi đó, hộ đều có lý do để không dừng lại, để rồi tác giả phải hoá thân vào dòng người đó:
“Ta lạc vào dòng người
Đi như trôi về vùng đất không có điểm cuối”
Để rồi dần khám phá ra những thực tế phủ phàng, rằng đoàn người ấy dẫu đem theo của nả và cả những đứa con, nhưng không phải đi tìm Lá đỏ, mà lang thang, trôi nổi theo kiếp luân hồi, trong khi người lạc vào dòng người đó chẳng có một lá bài hộ mệnh nào cả, và cứ thế để: “Dòng người cuốn ta đi/ Dọc theo bờ suối trắng”. Ở đây tác giả đã dùng Màu trắng được coi là đại diện cho sự hoàn hảo, vì nó là màu sắc tinh khiết và hoàn thiện nhất. Đó là màu đại diện cho sự tươi sáng và xoá bỏ mọi dấu vết của hành động trong quá khứ. Nó giống như một mảnh giấy trắng chưa được viết. Nó để tâm trí cởi mở và tự do với bất cứ điều gì nó có thể tạo ra trên đường đi. Với phương pháp nhân hoá bằng lời của cá:
“Các người cứ đến chân cầu vồng
Sẽ thấy vô vàn những lá bài đã được nửa kia ghép lại
Những vì sao mờ dần như tàn lửa
Nhấp nháy những phận người đã tìm thấy nhau
Nhờ vào nửa lá bài”
Đến đây hình ảnh người phụ nữ dắt con nhỏ đi tìm con chó lạc lại xuất hiện trong thơ anh một lần nữa, nhưng lại đậm nét hơn về tình mẫu tử:
“Người phụ nữ tìm con chó lạc
Không thấy
Đứa con gái nhỏ của chị
Cũng lạc mẹ tự lúc nào
Vào dòng người cứ đi như bào ảnh”
Ôi chao, đọc đến đoạn thơ này của anh, tôi cảm thấy hơi lành lạnh, bởi tác giả sau những mô tả dẫn dắt người đọc, anh đã dùng tới hình bóng của bọt nước, chỉ cái không lâu bền, chóng qua, như Kinh Kim Cương có câu: Nhất thiết hữu vi pháp như mộng ảo bào ảnh (Việc đời như giấc chiêm bao, như giọt nước, như cái bóng). Nhưng rồi quay về với thực tại, những hình ảnh cụ thể lại hiện lên nguyên vẹn:
“Thành phố rạng ngời những ánh bình minh
Những cửa sắt bắt đầu kêu cọt kẹt
Đường ngoại ô những bà già ngực lép
Đang còng lưng đạp ngược chiếc xe rau”
Chỉ có điều bà già trong thơ anh, dẫu có nhọc nhằn vất vả để kiếm kế sinh nhai nhưng vẫn được tự do, khác xa người mẹ trong “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm:
“Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng”
Nhưng cũng chẳng bán được đồng nào bởi gót giày đinh của giặc Pháp, vậy cho nên:
“Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ”
Vâng! Cuộc sống không bao giờ đơn giản, đường đời chẳng bao giờ phẳng phiu. Trần Tất Tiến đã có cách nhìn đặc biệt trong một không gian và thời gian đặc biệt, vừa thực hoá vừa ảo hoá, lúc cụ thể khi trừu tượng, với khả năng ấy soi vào hiện thực sẽ thấy được nhiều góc khuất nhiều linh ảnh và vô vàn huyền vi khác của tạo hoá và sự biến hoá ấy đã làm cho thơ anh lung linh biến ảo đa chiều để đi tới hồi kết:
“Tôi giơ nửa lá bài còn nguyên lúc ban đầu
Lên ánh nắng ban mai màu mận nhú
Nửa lá bài của tôi mang dòng chữ
Nhà ngươi
Sẽ tìm được nửa lá đỏ
Kiếp sau”
Tóm lại, đọc “Lá đỏ” của Trần Tất Tiến, tôi cảm thấy như mình đang chơi trò đuổi hình bắt bóng, tìm được hình lại hoá ra bóng, tìm được bóng lại hoá ra hình, tạo nên cuộc kiếm tìm vô tận từ cuộc đời với tác phẩm và từ tác phẩm với cuộc đời.
Thanh Hoá, tháng 7 năm 2022
Xuân Quý
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Thuỷ lợi Tỉnh Thanh Hoá

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Lá đỏ

Lá đỏ
Bài thơ được viết trong cơn mơ với không gian rộng rãi, đa chiều và nhiều lớp nhân vật. Dù người mẹ chỉ thoáng xuất hiện nhưng là nhân vật điển hình: “Chị đi tìm con chó nhỏ bị lạc cuối cùng lại lạc mất đứa con gái vào dòng người đi tìm Lá đỏ chứa bao ước mơ và khát vọng ở phía Luân hồi”. Chị mong nhà thơ tìm giúp em bé lạc nhờ vào nửa lá bài, và như một nhân duyên tiền định, tác giả rất có thể là tương lai của em bé ở kiếp sau…. Đó là giấc mơ ảo diệu của nhà thơ và những người đọc sách thường có được giấc mơ táo bạo và lãng mạn như vậy…
Ts. Trần Tư Bách
Người bạn văn chương

Chưa có đánh giá nào
Trả lời