Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Trương Nam Hương
Đăng bởi Biển nhớ vào 22/03/2007 11:16
Em không đến mùa thu năm ấy nữa
Em không đến trường cả mùa thu năm sau
Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu
Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay kí ức
Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng
Biết em còn đến lớp với tôi không
Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã
Nắng kí thác đời mình trên sắc lá
Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi
Tôi quá tuổi học trò từ ấy em ơi
Chiều nay trước cổng trường rươm rướm mắt
Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
Con gái tôi tan lớp giục tôi về.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Phan Quốc Vũ ngày 26/06/2021 10:41
Có 1 người thích
TRƯƠNG NAM HƯƠNG sinh ngày 23-10-1963, quê cha tại Huế, quê mẹ tại Bắc Ninh.
Đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
- Khúc hát người xa xứ (thơ)
- Cỏ, tuổi hai mươi (thơ)
- Ban mai xanh (thơ)
- Ngoảnh lại tháng năm (thơ)
- Viết tặng những mùa xưa (thơ)
- Hè phố tuổi thơ (truyện dài)
- Máu người màu đất (trường ca)
- Thơ tình Trương Nam Hương
GIẢI THƯỞNG:
- Giải thưởng thơ tạp chí Văn Nghệ Quận Đội
- Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam
- Giải thưởng Văn học 20 năm TP. HCM
XA LẮC MÙA THU
Em không đến mùa thu năm ấy nữa
Em không đến trường cả mùa thu năm sau
Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu
Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay kí ức
Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng
Biết em còn đến lớp với tôi không
Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã
Nắng kí thác đời mình trên sắc lá
Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi
Tôi quá tuổi học trò từ ấy em ơi
Chiều nay trước cổng trường rươm rướm mắt
Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
Con gái tôi tan lớp giục tôi về.
Mười mấy, hai mươi năm về trước, khi thi sỹ TRƯƠNG NAM HƯƠNG là một nhân vật nổi tiếng thì tôi chỉ là đứa bé một tuổi trong làng văn học Việt Nam, tôi cũng từng đam mê chữ nghĩa, nên thầy NGUYỄN THÔNG (tức nhà báo Nguyễn Thông) có dặn dò tìm TRƯƠNG NAM HƯƠNG với tư cách anh ấy là cựu học sinh - người cùng học Trường Dự Bị Đại Học TP. Hồ Chí Minh như tôi đã đang học thời bấy giờ.
Ấy vậy mà thời gian cuốn hút mỗi người về mỗi ngả, anh và tôi chỉ có vỏn vẹn mấy lần gặp nhau ở ngoài đời, hầu như chỉ toàn là gặp trên báo, bây giờ là qua mạng. Trong lòng tôi luôn cảm ơn anh ấy đã đét cho tôi một roi ở đít để ngộ ra rằng: thơ mình còn bé bỏng, non nớt, chả ra gì cả, viết chưa có đều tay.
Hôm nay khi lần lại anh ấy, tôi vẫn còn nghe canh cánh bên lòng bài thơ XA LẮC MÙA THU dường như nó đã trở thành bất tử theo thời gian trong lòng người có quan tâm, ái mộ nó. Thế thì tại sao XA LẮC MÙA THU được mệnh danh là bài đinh, cũng là bài nói lên sự nghiệp cao nhất về thơ của TRƯƠNG NAM HƯƠNG thời ấy và bây giờ? Có lẽ đây là lập trường riêng của bản thân tôi khi phân tích, mổ xẻ, và tìm hết cái tâm lý của nhà thơ để nói ra chân tướng của nó cho dù lớp tro tàn thời gian có vô tình lướt qua hay lấp vội lên thơ anh nhưng không bao giờ che được bài thơ này.
XA LẮC MÙA THU, một cái tựa nghe cũng như là huyền thoại hay có tính chất lịch sử nào đó, tác giả viết:
“Em không đến mùa thu năm ấy nữa/ Em không đến trường cả mùa thu năm sau/ Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa/ Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu” làm khơi gợi kỷ niệm đẹp thời học sinh, sinh viên biết mấy, thuở ấy có em áo dài, có tóc dài Cửu Long quấn quanh sông ngòi chằng chịt hoà với hương thơm đê mê của cái mùi đặc tính thiếu nữ, và những đường cong tuyệt mỹ ấy để lại tâm trí ta sự kín đáo, thu hút và hay hay làm sao! Chính là hình ảnh cô gái Việt Nam đang lẩn khuất đâu đây trong thơ HƯƠNG – anh đang mơ về dĩ vãng tuyệt vời như một giấc liêu trai của một nhà tiểu thuyết vĩ đại. Ngôn ngữ ở đây anh dùng là ngôn ngữ kể chuyện, lời nói bình dị mà day dứt, khe khẽ mà nhớ nhung, lập luận mà không gàn dở để nói về thời gian, về một người thiếu nữ mà anh yêu thích. Vậy thì, “mùa thu năm ấy” và “mùa thu năm sau” đã dạy cho ta thế nào là ly biệt và những nỗi nuối tiếc khôn cùng. Con người, thật hạnh phúc và bất hạnh biết bao, biết được niềm vui và nỗi buồn, nhưng điều day dứt nhất là tác giả không nắm giữ nổi một bóng giai nhân! Thơ hay khi tình dang dở là vậy, nên dẫu lý do gì thì HƯƠNG đã khơi lại màu thời gian càng tuyệt đẹp, thi vị trong cái tâm lý yêu đương. Đến câu thơ xuất sắc: “Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa” đầy tính sáng tạo, vì lá mà rụng xuống đời, với tốc độ bay của nó mà cũng có thể xẹt lửa thì cách nói ngoa ngữ rất tuyệt diệu đã tạo nên tính hình tượng của lá: vẽ vòng vèo nhũng nét cọ lá trong không gian. Và ta có thể nghĩ ngợi thêm phải chăng lá đã vẽ đôi tim tình nhân thơ mộng?
Lần đến câu thơ: “Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu”, ta đã biết buổi tiệc tương ngộ và chia tay của con người càng làm nao lòng thời áo trắng, có thể khóc sướt mướt vì người ấy đã ra đi và bỏ lại mình anh trơ trọi gót chân lạnh giá, là lạ làm sao! Ở đây, ngôn ngữ thơ rất chân thành: tất cả đều xa ta khi em đã xa ta.
Nhịp thời gian lần hồi đến đoạn thơ:
“Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu/ Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc/ Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay kí ức/ Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng/ Biết em còn đến lớp với tôi không/ Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã/ Nắng kí thác đời mình trên sắc lá/ Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi” thì ta lại bắt gặp nét thơ, hồn thơ, tứ thơ và sự sáng tạo mới lạ một cách dâng trào: “Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu/ Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc/ Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay kí ức/ Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng” làm ta ngỡ ngàng đến tìm hiểu, đọc, suy ngẫm và phát hiện ra mọi vật mà Trương Nam Hương dùng có hình ảnh biết chuyển động, biết tính người: “Tháng năm buồn; Câu thơ chở” và điều dồn nén về một nỗi khổ đau trong cái cơn khóc ái tình: “trong vốc tay kí ức; ngấm vô lòng”. Sự dụng công của tác giả đến độ phải bật ra niềm đau đớn ấy với cảnh cũ, với người xưa khuất bóng mà cụ đại thi hào NGUYỄN DU có viết: “Người buồn cảnh cũng vui đâu bao giờ”! Và những câu thơ: “Biết em còn đến lớp với tôi không/ Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã/ Nắng kí thác đời mình trên sắc lá/ Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi” là sự hoài niệm tuổi yêu đương, tuổi áo trắng, tuổi biết yêu mà chưa dám nói năng chi nhiều, chỉ nhìn, nhìn và nhìn ngây dại bấy…! Ta hãy nhìn những cụm từ: “Nắng kí thác đời mình; mùa thu đánh tráo” đều đồng mô tả cái trạng thái của con người khi mà tác giả cố ý dùng vật để có cái nét thơ ngoa ngữ thật hay. Đến đây thì sự tế nhị trong thơ ấy, cái ý tại ngôn ngoại ấy càng để cho bao lớp người mê thơ, sáng tác thơ học tập lấy, nghĩa là chớ viết những điều gì quá thô, quá mộc, quá trơ trụi mà ép chết một câu thơ, đoạn thơ và cả bài thơ.
Đọc đến đoạn thơ lớn tuổi này, ta thấy tác giả viết: “Tôi quá tuổi học trò từ ấy em ơi/ Chiều nay trước cổng trường rươm rướm mắt/ Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất/ Con gái tôi tan lớp giục tôi về.” thì sướng bấy! Tại sao? Vì theo XUÂN DIỆU: “Ta thấy em xinh, khẽ lắc đầu/ Bởi vì ta có được em đâu!” để chứng minh HƯƠNG là một người biết yêu, biết hối tiếc mà là cách tỏ tình một cách giàu tâm lý yêu đương. Với câu thơ: “Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất” đã làm nên đoạn thơ hay khi nó ghép lại những điều tác giả muốn nói: khóc, hối tiếc, thể hiện hành động chiều theo định mệnh khi con gái anh giục anh về với cuộc sống thực tại, với gia đình riêng và với nghĩa vụ của mình.
Xét về tính nghệ thuật, TRƯƠNG NAM HƯƠNG rất điêu luyện trong cách dùng từ, có cái tài viết ngoa ngữ, nói lên được khát khao của thời học sinh, sinh viên và giọng thơ trong trẻo, nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình.
Có thể nói, ta thực sự hạnh phúc để có một TRƯƠNG NAM HƯƠNG như thế này với dòng thơ như thế này để người đời còn nhắc đến tên tuổi anh, không phải bởi cái loại thơ thơ nào khác nữa. Đó là lý do tại sao tôi hy vọng anh nắm trọn cái sở trường này để một ngày không xa TRƯƠNG NAM HƯƠNG sẽ bật ra một tập thơ về thời hoa mộng tuyệt vời nữa.
Chân thành cảm ơn một người anh trong làng văn học Việt Nam! Chúc gia đình anh hạnh phúc và thành công trong cuộc sống!