24.50
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
2 bài trả lời: 2 thảo luận
6 người thích

Đăng bởi Kitten84 vào 17/10/2009 00:07, đã sửa 3 lần, lần cuối bởi Kitten84 vào 02/11/2009 05:37

Bao năm rồi anh tìm em
trong những bình minh không có mặt trời
trong những lâu đài chỉ có cánh dơi
trong những giấc mơ không đầu không cuối.

Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời
sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,
anh hỏi ngọn núi
núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi,
anh hỏi con người
người trả lời anh bằng nước mắt rơi!

Thôi em đừng khóc
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ
bàn tay ta bất động giữa đất dày
bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy.

Em ở lại
một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi
ta cùng nghe tiếng muôn loài hấp hối
tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi.

Anh nhìn vào mắt em
thấy hình anh ở đó
nếu mắt em khép lại
ảnh hình kia chỉ còn lại trong em
anh không còn thấy anh trong hiện tại
chỉ thấy em với những hình những ảnh
của mùa hè đang qua
một góc vườn và mấy khóm hoa
chiếc ghế bỏ quên cơn mưa mùa hạ
tóc bà bạc xoá
thấp thoáng bên khung cửa
nắng nhoà.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Cuộc đời không số phận

Cuộc đời không số phận
Trần Thanh Hà

 Số phận - tình yêu - hạnh phúc, những vấn đề muôn thuở của sự sống nhân gian. Những tác phẩm bất hủ của nhân loại đều là nỗi niềm suy tư của các thế hệ nhà văn về các vấn đề muôn thuở đó. Chúng ta xót thương cho thân phận làm người phải đối diện với khổ nạn, cô đơn tuyệt vọng... khi đọc "Những người khốn khổ" của Victor Huygo, "Chuông nguyện hồn ai" của Hemingway, "Trăm năm cô đơn" của Marquez hay "Truyện Kiều" của Nguyễn Du... Nhưng, khi đọc tác phẩm của Kafka chúng ta thực sự ngỡ ngàng khi nhà văn đặt ra một vấn đề hoàn toàn mới lạ. Đó là sự phi lý. Cái phi lý của số phận mà con người phải chấp nhận. Bàn tay đao phủ của Định mệnh giáng xuống thân phận chúng ta tàn nhẫn, lạnh lùng và bất ngờ mà ta không thể vượt thoát. Hiểu tác phẩm của Kafka, ta đau xót đến ngàn lần, nhức nhối đến ngàn lần cho cuộc sống làm người. Cảm giác ấy lại đến với ta khi đọc bài thơ "Ảo ảnh" của Trương Đăng Dung.

 Thơ Trương Đăng Dung bộc lộ những suy ngẫm của anh về cuộc đời không số phận. Bài thơ này cũng vậy. Cuộc đời không số phận mà nhà thơ muốn nói đến là niềm xót xa của anh vì kiếp người ngắn ngủi. Con người bất lực, nhỏ nhoi trong trò chơi con tạo. Sống - chết mong manh vô cùng. Bởi vì mong manh đến thế nên tất cả thoáng hiện, chợt mất như ảo ảnh mà thôi. Tình yêu, hạnh phúc tưởng cầm trên tay mà tuột mất bao giờ; xác thân, kiếp người tưởng còn hiện hữu ai ngờ chỉ là cát bụi phù du. Vô hạn và hữu hạn, mất và còn, có và không... là những phạm trù anh đề cập đến. Bài thơ có 5 khổ gồm 30 câu thơ đã khái quát được triết lý nhân sinh và thân phận làm người.
 Khi con người nhận thức cũng là lúc cô đơn hiện diện, lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc kiếm tìm. Trong bóng tối âm u, quờ quạng trong lâu đài hoang phế, cùng tận nỗi cô đơn, một tâm hồn đi tìm một tâm hồn. Cuộc kiếm tìm của anh về cái đẹp, ánh sáng, niềm tin mịt mù, thăm thẳm:
"Bao năm rồi anh tìm em
trong những bình minh không có mặt trời
trong những lâu đài chỉ có cánh dơi
trong những giấc mơ không đầu không cuối".
 Điều tưởng chừng như đơn giản mà sao xa xăm đến thế. Nhà thơ hiểu rằng cuộc sống không có tình yêu vô nghĩa như không có mặt trời trong buổi bình minh, không xó bóng người trong lâu đài cổ tích... Không có tình yêu là không có sự sống. Khát vọng cháy bỏng được đến bến bờ hạnh phúc làm nhà thơ cất lên câu hỏi lòng, mà hỏi lòng cũng bằng không, anh hỏi sông, hỏi núi như những chứng nhân đã trải bao thăng trầm. Song, câu trả lời không có. Giá như dòng sông kia "chỉ biết trôi", như ngọn núi kia "chỉ biết ngồi" thì con người đỡ đau khổ bao nhiêu:
"anh hỏi con người
người trả lời anh bằng nước mắt rơi!"
 Câu trả lời về hạnh phúc không phải chỉ một lần mà đến hai lần đau xót. Đau xót vì ta không vô cảm, vô tri như dòng sông, ngọn núi tồn tại giữa nhân gian. Hồn ta loay hoay, thao thức để mà đau; và khi ý thức, nhận ra thân phận lại thêm một lần xót đắng. Từ một vấn đề rất riêng tư của cuộc kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc riêng mình, trái tim nhân hậu của nhà thơ chợt đau cái đau chung với mọi người. Cái bất chợt ấy quý giá biết dường nào! Từ thương mình đến thương người, từ hiểu mình đến hiểu người, một quá trình thi nhân chọn phần thua thiệt. Thua thiệt vì lẽ, gánh nỗi đau cho người để trĩu nặng hồn mình thêm một lần nữa. Khổ thơ thứ hai như một tiếng khóc thầm khi nhà thơ nhận ra cuộc đời này chẳng mấy ai hạnh phúc. Nếu có chăng thì hạnh phúc chỉ hiện hình như ánh chớp. Bởi lẽ, cả đời người so với vũ trụ chỉ là một phần tám trăm chớp mắt, vậy hạnh phúc sẽ được tính bằng gì?
 Quan niệm về đời người của nhà thơ như phảng phất tư tưởng Phật giáo. Theo triết lý nhà Phật thì bản chất con người là khổ, "đời là bể khổ", "vị mặn của máu, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển". Nhưng, theo Phật thì con người khổ bởi tham vọng, bởi ham muốn. Và muốn giải thoát, con người phải rũ bỏ luỵ trần. Với Trương Đăng Dung nỗi khổ đau của con người là do con người cảm thức được cái hữu hạn của kiếp sống:
"Thôi em đừng khóc     
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ"...
 Những dòng thơ xa xót, buồn thương về kiếp người hư ảo. Nhà thơ an ủi em, cũng là an ủi mình và an ủi phận người. Lời an ủi thấm đầy yêu thương và truyền cho ta nghị lực. Ẩn đằng sau câu chữ là một niềm mong ước trao cho mọi người và cũng là triết lý sống của anh: Đời người ngắn ngủi là thế, khổ đau là thế nhưng con người đừng gục ngã. Biết đối diện với thực tại, dẫu biết rằng kết thúc cuộc hành trình của một đời là cái chết. Quy luật muôn đời của tạo hoá là vậy, con người sao cưỡng lại được. Nhưng không phải con người sống để mà chết đi. Điều nhà thơ muốn nói, cao hơn thế: Con người sống để yêu thương.
 Trong giây lát đời người, niềm yêu thương trở thành diệu vợi. Dù hạnh phúc đời người thật bẽ bàng trước sự sinh sôi của côn trùng và thật hiếm hoi trong những bàn tay tìm nhau run rẩy. Vậy nên, khát khao được sẻ chia trở thành mãnh liệt vô cùng:
"Em ở lại
một lần nữa cùng anh..."
 Em, trong khoảnh khắc cuối cùng không chỉ là tình yêu, không chỉ là nỗi đam mê mà trở thành tất cả. Dù chính phút giâu đang cầm hạnh phúc trên tay mà nhà thơ đã đau nỗi đau chia lìa. Con người bị tước đoạt, bị mất sạch bởi thời gian định mệnh. Tất cả đang tàn phai, vụt mất: "kiếp người ngắn ngủi", "trăng sắp lụi", "muôn loài hấp hối"...;Nếu gọi theo thời gian là hồi cuối kết, còn gọi theo không gian là những gì sắp chuyển thành hư vô. Tiếng thời gian gõ nhịp, tiếng đời lăn não nề; muốn trốn chạy cái mất mát, muốn cột cánh thời gian thì tiếng muôn loài, tiếng côn trùng vẫn vang lên thách thức như tiếng chuông nguyện hồn. Sự sống dần tàn phai, cái tưởng chừng bất tử như vầng trăng như tình yêu đôi ta cũng đang lụi dẫn; trong khi đó cõi chết lại lên tiếng với bao lời hoan ca của côn trùng trong cát bụi. Ranh giới mất - còn khó lòng phân định. Vậy nên, dầu có tha thiết đến bao nhiêu thì cũng không tránh khỏi một ngày:
"chỉ thấy em với những hình những ảnh
của mùa hè dang qua
một góc vườn và mấy khóm hoa
chiếc ghế bỏ quên cơn mưa mùa hạ
tóc bà bạc xoá
thấp thoáng bên khung cửa
nắng nhoà."

 Thời gian mang bàn tay đao phủ cướp đi tất cả. Bóng hình anh và em chỉ là ảo giác. Chiếc ghế bên góc vườn trơ trọi vì không còn tình nhân và em trẻ trung, duyên dáng, yêu kiều của hôm nay được cuộc đời biến thành cụ bà với mái đầu bạc xoá. Lời thơ xót thương cho em một thuở, xót thương cho cái đẹp chóng tàn. Cả bài thơ như một câu hỏi buồn: còn lại gì trên đôi tay cho con người bước vào vĩnh cửu? 5 hổ của bài thơ đặt ra 5 vấn đề: khát vọng, hạnh phúc, kiếp người, tình yêu và cái đẹp. Cuộc kiếm tìm mòn mỏi của thi nhân tưởng gặp rồi mà bỗng lại là hư không. Thoắt hiện , vụt mất... tất cả chỉ là ảo ảnh. Dường như ảo ảnh đi suốt đời người. Trong quá khứ "anh đi tìm em", cũng chỉ gặp những ảo ảnh; trong hiện tại bên em mà anh đang nghe rời rã của sự tàn phai - mà tàn phai là nhạt nhoà là phôi pha là ảo giác; và tương lai chẳng còn gì nữa, sắp sửa anh và em trở thành hư vô. Bài thơ là cả một nỗi niềm thân phận. Nhà thơ bàng hoàng, quặn xót khi nhận ra cái hư không của kiếp người. Con người khát vọng là thế, yêu thương là thế... tại sao không tránh được khổ đau và cái chết? Tại sao những gì ta quý thương, trân trọng, tôn thờ bỗng một ngày vĩnh viễn ra đi? Thật là phi lý! Biết phi lý đến là vậy, mà nào ta có làm được gì.
 Nếu như quan niệm tôn giáo ru ngủ con người biết làm quen với cái chết để chờ kiếp sau đầu thai thì quan niệm của Trương Đăng Dung khác hẳn. Cái nhìn của nhà thơ là cái nhìn tỉnh táo, trực diện; đó là cảm nhận của con người sống thực tại và hết lòng với đời. Vì quá yêu cuộc đời này mới nhận ra kiếp người ngắn ngủi, mới thương những cuộc đời không số phận, mới thấy cái phi lý đeo đẳng loài người. Không phải như quan niệm nhà Phật cho đời là ảo, là không để con người thoát ly hiện tại; ngược lại, nhà thơ muốn nói với bạn đọc rằng: dù ta có ý thức được cái ảo ảnh cuộc đời nhưng hãy sống thật sự. Cái thật ấy phát xuất từ tấm lòng biết chia sẻ, cảm thông; biết trân trọng, nâng niu tình người và biết yêu thương đời bằng cả trái tim.
 Nét độc đáo của bài thơ "Ảo ảnh" ở chỗ bài thơ vừa là một câu hỏi vừa là một câu trả lời. Nhà thơ giúp ta nhận ra cái mong manh của kiếp sống, cái nhỏ nhoi của thân phận đồng thời lại như chất vấn ta sẽ làm được gì trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy?
 Tác phẩm là một văn bản mở, mỗi người tự tìm câu trả lời cho riêng mình. Hãy đọc bài thơ giữa đêm khuya thanh vắng và lắng nghe câu trả lời vọng từ thẳm sâu hồn ta.


Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 3, năm 2006
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

"Ảo ảnh" của Trương Đăng Dung - Hành trình kiếm tìm cô đơn giữa cuộc đời vô nghĩa

Đọc bài thơ “ Ảo ảnh” của Trương Đăng Dung, ngay từ nhan đề đã gợi lên một cái gì mong manh, xa vời, hư ảo. Cuộc đời là một tuồng ảo hóa. Hạnh phúc, tình yêu chỉ như những ảnh hình không có thật…

Chính vì thế mà hành trình của con người trong kiếp nhân sinh trở nên bơ vơ, lạc loài với một sự bấn loạn trong nội tâm:

“Bao năm rồi anh tìm em

trong những bình minh không có mặt trời   

trong những lâu đài chỉ có cánh dơi

trong những giấc mơ không đầu không cuối



Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời

sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,

anh hỏi ngọn núi

núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi

anh hỏi con người

người trả lời anh bằng nước mắt rơi”

Cuộc kiếm tìm ở đây được đặt trong một không gian hoang phế, rệu rã, ma quái với “ những bình minh không có mặt trời”, “ những lâu đài chỉ có cánh dơi”, “ những giấc mơ không đầu không cuối”. Thế giới trong thơ Trương Đăng Dung là vậy. Đó là một nơi tối tăm và trì đọng, phi lý và bất an, một cõi người xù xì, gân guốc với  đầy rẫy những điều khủng khiếp và tởm lợm. Cách nhìn ấy có lẽ ít nhiều mang dấu ấn của F. Kafka ( Nhà văn vĩ đại mà Trương Đăng Dung đặc biệt yêu mến) và cũng ít nhiều mang cảm quan của chủ nghĩa hậu hiện đại. Giữa một thế giới đổ vỡ và hỗn tạp như thế, con người chừng như bị bỏ rơi. Không hy vọng, không niềm tin, không nơi bấu víu, không một lời đồng cảm sẻ chia, con người mang trong mình một khối cô đơn khổng lồ. Nói như J.P. Sartre: “ được ném vào thế giới hiện sinh như một thách thức, con người là một thực thể đơn côi, bé nhỏ và bơ vơ”. Muôn đời “ sông chỉ biết trôi”, muôn đời “ núi chỉ biết ngồi”. Còn loài người ư ? Bao đau khổ, lo toan làm thành nước mắt. Vậy “ em” ở đâu? Hạnh phúc ở chốn nào? Ai trả lời “anh” câu hỏi ấy? Hành trình kiếm tìm chừng như tuyệt vọng. Con người chìm vào bi kịch cô đơn. Để rồi trên con đường mờ mịt ấy, chợt nhận ra rằng cuộc đời là vô nghĩa. Sự tồn tại của kiếp người chỉ như ảo ảnh, ngắn ngủi vô thường như áng mây trôi:

“Thôi em đừng khóc

rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,

một ngày kia hết mọi buồn vui

chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ

bàn tay ta bất động giữa đất dày

bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy”
Những câu thơ phảng phất tinh thần của Vạn Hạnh Thiền Sư: “ Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô” ( Thân như bóng chớp có rồi không/ Cây cối xuân tươi thu não nùng), phảng tinh thần của Nguyễn Gia Thiều trong khúc ngâm “ Cung oán”: “ Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy/ Kiếp phù sinh ngó thấy mà đau/ Trăm năm có nghĩa gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Viết những câu thơ trên, Trương Đăng Dung thể hiện được sự chiêm nghiệm sâu sắc của mình về quy luật cuộc đời, về ý nghĩa kiếp người, về sự chóng vánh ngắn ngủi của thời gian trần thế. Thấu hiểu sâu sắc điều này, nhà thơ vẫn mong: “Em ở lại / một lần nữa cùng anh trong mùa trăng sắp lụi”. Để “ anh” và “ em” “cùng nghe tiếng muôn loài hấp hối/ tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi”, để “ Anh nhìn vào mắt em / thấy hình anh ở đó”, để khi không còn tồn tại, anh vẫn  nhìn thấy em với những ảnh, những hình. Dẫu biết kiếp người như  ảo ảnh, dẫu biết chân nghĩa cuộc đời mờ mịt xa xôi , con người vẫn không dừng chân, vẫn không ngừng tìm kiếm, vẫn trông chờ vào hạnh phúc và tình yêu.

Trương Đăng Dung thường nói, ông làm thơ từ những trăn trở, suy tư tận thẳm sâu tâm hồn mình, từ những thôi thúc bên trong không thể không giãi bày. Bài thơ “ Ảo ảnh” có lẽ cũng được viết ra từ sự thôi thúc bên trong ấy. Đó là những boăn khoăn, day dứt của nhà thơ về con người trong hành trình kiếm tìm cô đơn giữa cuộc đời vô nghĩa.


Hồ Tấn Nguyên Minh

15.00
Trả lời