TỪ BÀI THƠ “TRÊN ĐỒI VỌNG CẢNH” CỦA TRƯƠNG ĐĂNG DUNG, NGHĨ VỀ MỘT SỨ MỆNH THƠ CA VÀ NHÀ THƠ

NGUT Lê Thái Phong viết riêng cho Hà Tĩnh Online

“Em ngồi bên anh nhìn dòng sông

chảy từ phía chân trời

đầy nắng, mưa và gió.

Không một cành khô, lá khô

sông thanh thản kéo trời

trôi theo mình lặng lẽ.

Không mang theo những gì để trở thành bất tử

sông chảy vô tư bên những lăng mộ im lìm

những đền đài quạnh quẽ.

Đang mùa xuân hay đã sang hè

mà hoa tím rụng đầy mặt nước

chảy về đâu, sông ơi

sao chỉ thấy một con thuyền thấp thoáng?

Em nhìn anh và nhìn dòng sông

anh có thực và dòng sông có thực,

anh nhìn em và nhìn dòng sông

em có thực hay dòng sông có thực?

Anh sợ đến một ngày dòng sông ngừng trôi

đất khô cứng, những giọt buồn hoá đá,

anh sợ đến một ngày hồn anh từ cõi lạ

trở về đây mà không có dòng sông.”

Huế, 4.2007

    PGS-TS Trương Đăng Dung không là nhà thơ chuyên nghiệp, anh là nhà nghiên cứu, lý luận văn học tên tuổi hàng đầu, còn là nhà dịch thuật và vốn là Viện phó Viện Văn Học Việt Nam, nhưng những bài thơ của anh thực sự “có mặt” sáng giá trong làng thơ. Chỉ riêng số 9-2007, Tạp chí Thơ của Hội nhà văn Việt Nam, Trương Đăng Dung có những năm bài in ở đầu, bài nào cũng mang vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật đặc sắc: có giọng điệu lạ trong thơ đương đại Việt Nam và tập trung vào chủ đề: sự giới hạn của kiếp người và nỗi mong manh của Cái Đẹp. “Trên đồi Vọng Cảnh” là bài thơ trong số đó.

    Đồi Vọng Cảnh nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, là thắng tích tuyệt vời mà tạo hoá ban tặng thành phố Huế nói riêng, dân tộc ta nói chung. Mượn cách nghĩ của Lý Bạch, Nguyễn Trãi, thì đồi Vọng Cảnh là cõi tiên trên trời rơi xuống cho nước non mình. Thế mà, gần đây, người ta đã thiết kế để xây nên khối gạch đá sắt thép khổng lồ làm khách sạn trên đó, huỷ hoại sinh thái quần thể đồi- ngọc- quí Trời Đất phú cho ta ấy! Một đồi Vọng Cảnh ở Huế, một hồ Gươm- Hà Nội đang bị xâm thực. Các nhà Khoa học xã hội, các thức giả hàng đầu và báo chí- một cơ quan quyền lực Nhà nước, đã lên tiếng kêu cứu gay gắt. Tiếng nói của họ có phong cách ngôn ngữ riêng, mang sức mạnh riêng. Với tư cách nhà thơ- người mang trong mình nỗi niềm, nghĩ suy sâu nặng với mọi buồn vui của cõi đời, Trương Đăng Dung, đến Huế-tháng 4/2007, thổn thức nên thơ. Tựa đề là “Trên đồi Vọng Cảnh” nhưng chạy suốt năm khổ thơ là hình tượng dòng sông Hương mộng mơ. Ý tưởng lo lắng sẽ mất Vọng Cảnh là tâm trạng chung những người có lương tri, nhưng riêng Trương Đăng Dung – nhà thơ, thì gửi sâu kín trong tứ thơ: “Trên đồi Vọng Cảnh” ngắm vọng Hương Giang. Đồi Vọng Cảnh- dòng Hương Giang trong tâm thức Trương Đăng Dung là cặp bài trùng Tạo hoá sinh ra, là đôi tình nhân từ buổi sơ khai ghép hoà hai nửa để nên Một nguyên sơ, Trọn vẹn. Chính vì thế, hình ảnh gây cảm xúc xuất lộ ngay ở khổ một: Em ngồi bên anh, một đôi tình nhân trên đồi Vọng Cảnh ngắm vọng Hương Giang.

    Bên nhau, với tình yêu, đôi trai gái nhận ra, không phải bằng bộ óc mà bằng “trái tim nghĩ suy”: dòng sông “đầy nắng, mưa và gió”, “Không một cành khô, lá khô/ sông thanh thản kéo trời/ trôi theo mình lặng lẽ”. Hình hài dòng sông Hương từ cụ thể (nắng, mưa, gió) đi dần đến nét đẹp tinh thần, hồn vía (không một cành khô, lá khô/…thanh thản kéo trời/ trôi theo mình lặng lẽ). Hương Giang của Trương Đăng Dung là dòng sông- tâm thức rất đẹp và đi vào miền triết lý: “Không mang theo những gì để trở thành bất tử/ sông chảy vô tư bên những lăng mộ im lìm/ những đền đài quạnh quẽ”. Tự nó, Hương Giang là bất tử, bởi nó là Cái Đẹp, nên không cần cậy nhờ ngoại lực siêu phàm nào bên ngoài nó để “trở thành bất tử” nữa! Những ông Hoàng, bà Chúa, kể cả Thánh Nhân phải cậy nhờ công trình kiến trúc, đền đài, lăng mộ đồ sộ để lưu tên. Hương Giang và đồi Vọng Cảnh là Cái Đẹp nên vĩnh hằng!

Đang miên viễn với thực thể Cái Đẹp ở khổ thơ thứ hai, nhà thơ bỗng giật mình trở về thực tại:

Đang mùa xuân hay đã sang hè

mà hoa tím rụng đầy mặt nước

chảy về đâu, sông ơi

Sao chỉ thấy một con thuyền thấp thoáng?

    Như đã nói, các bậc thức giả, nhà báo, nhà khoa học kêu cứu cho đồi Vọng Cảnh (cũng như Hồ Gươm) nhưng bằng con số, bằng phép tính, phép chứng minh, phản bác…Nhà thơ (và nhà nghệ thuật nói chung) tư duy bằng trái tim, cảm xúc bằng bộ óc thông qua hệ thống hình tượng nghệ thuật đa tầng, đa nghĩa… “Chảy về đâu sông ơi” là tiếng thơ thổn thức cho Cái Đẹp bị vi phạm. Nhà thơ và Thơ ca đích thực luôn trăn trở trước sinh mệnh của nó. Thi sĩ Hồ Chí Minh trong Vãn cảnh (Cảnh chiều hôm - Nhật kí trong tù) đã khát vọng vĩnh cửu hoá Cái Đẹp qua hình tượng bông Hoa Hồng bị quên lãng ngoài nhà lao Tưởng Giới Thạch:

“Hương hoa thấu nhập lung môn lý,

Hướng tại lung nhân tố bất bình.”

(Hương hoa bay vào thấu trong ngục,

Tới kể với người trong ngục nỗi bất bình)

“Hoa tím rụng đầy mặt nước” và “một con thuyền thấp thoáng” đơn côi là cảm xúc xa xót cho Cái Đẹp biến thành hình ảnh, thành thơ!

    Phát triển mạch thơ từ khổ đầu: Anh- em, đồi Vọng Cảnh- sông Hương, đến khổ thơ thứ bốn: “Em nhìn anh và nhìn dòng sông/ anh có thực và sông có thực/ anh nhìn em và nhìn dòng sông/ em có thực hay dòng sông có thực?” đã đào sâu, mở rộng triết lý, tư tưởng của bài thơ. Bốn dòng thơ, dòng nằm ở vị trí thứ nhất và thứ ba được điệp lại, chỉ thay một chữ “Anh”, “ Em”. Trong mắt “Em”, anh và dòng sông là có thực, nhưng trong cái nhìn sâu thẳm của Anh, thì em và dòng sông liệu có thực? Hỏi đấy, nhưng cảm xúc thì xót xa, triết lý thì sâu thẳm: Tình yêu và dòng sông (tức Cái Đẹp) thật mỏng manh!!! Liệu chúng có tồn tại trên cõi đời!!!

Đi tận cùng nỗi đau và triết lý, bài thơ kết lại thật bàng hoàng:

Anh sợ đến một ngày dòng sông ngừng trôi

đất khô cứng, những giọt buồn hoá đá,

anh sợ đến một ngày hồn anh từ cõi lạ

trở về đây mà không có dòng sông

     Nguyễn Tuân trong tuỳ bút Sông Đà nức danh đã từng giả định lạ lùng: một ngày nào đó sông Đà bỗng cạn khô, thuyền bè đi lại và con người đang tắm giặt bị trơ khấc giữa dòng; Nguyễn viết thế để ngợi ca cái quí giá, đẹp đẽ vô hạn của Đà Giang. Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh (Độc Tiểu Thanh ký) còn có trong tay “mảnh giấy tàn”- tàng thư của nàng sót lại. Còn Trương Đăng Dung, hoảng sợ cái ngày sông Hương ngừng trôi, đất khô cứng và, kinh sợ nhất: không còn cái gọi là CON NGƯỜI,với dấu hiệu bản chất là biết VUI và BUỒN, bởi “giọt buồn” đã “hoá đá”.

    Tiếp nhận bài thơ "Trên đồi Vọng Cảnh" của Trương Đăng Dung, ta trách giận những người định huỷ hoại Vọng Cảnh, hồ Gươm và những thắng tích trời ban cho giống nòi ta vì những tính toán thiển cận, lời lãi kiểu con buôn thời kinh tế thị trường, ta xót xa cho sự mong manh của Tình yêu và Cái Đẹp, ta động thấu sâu xa niềm trắc ẩn trước cuộc đời, con người mà Thơ ca đưa lại. Mặc dầu biết thơ văn, nghệ thuật, nói như ai đó, không bao giờ trực tiếp thay đổi được một thể chế, nhưng mỗi một chúng ta, phải chăng nhờ có nó, biết sống Người hơn…
                                                                                                                 LTP.