Thơ » Việt Nam » Trần » Trần Thánh Tông
景清幽物亦清幽,
十一仙州此一州。
百部笙歌禽百舌,
千行奴僕橘千頭。
月無事照人無事,
水有秋含天有秋。
四海已清塵已靖,
今年遊勝昔年遊。
Cảnh thanh u vật diệc thanh u,
Thập nhất tiên châu thử nhất châu.
Bách bộ sinh ca, cầm bách thiệt,
Thiên hàng nô bộc, quất thiên đầu,
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự.
Thuỷ hữu thu hàm thiên hữu thu.
Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tịnh,
Kim niên du thắng tích niên du.
Cảnh thanh nhã, vật cũng thanh nhã,
Đây là một trong mười một châu thần tiên.
Trăm giọng chim là trăm bộ sáo đàn,
Nghìn ngọn quít là hàng nghìn hàng tôi tớ.
Trăng nhàn hạ soi người nhà hạ,
Nước mùa thu lồng trời mùa thu.
Bốn biển đã trong, bụi đã lắng,
Cuộc đi chơi năm nay hơn hẳn cuộc đi chơi năm trước.
Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Vanachi ngày 06/07/2008 02:03
Cảnh thanh u, vật cũng thanh u,
Mười một châu tiên, đây một châu.
Trăm tiếng đàn ca: chim sánh giọng,
Nghìn hàng tôi tớ: quất nhô đầu.
Trăng vô sự chiếu người vô sự,
Nước ngâm thu lồng trời ngậm thu.
Bốn bể đã trong, nhơ đã lắng,
Năm nay chơi, thú vượt năm nao.
Gửi bởi thienpht ngày 18/03/2013 08:27
Có 1 người thích
Trong bài thơ này của Trần Thánh Tông cùng hai bài thơ thời nhà Trần của Phạm Sư Mạnh "Hồ giá Thiên Trường thư sự" (khoảng một trăm năm sau đó) đều nhắc đến giống quýt hương đặc sản nổi tiếng của vùng đất bãi ven sông Châu ngày nay: Quýt hương Văn Lý, Lý Nhân. Quýt hương Lý Nhân thơm, ngọt lịm khác thường cùng với vỏ quýt và món rươi từng được biết đến trong nhiều tác phẩm văn học xưa và nay.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc đắp đê chặn lũ, không cho nước sông Hồng vào sông Châu đã làm cho vùng đất Lý Nhân không còn được phù sa màu mỡ bồi đắp hàng năm nữa, chất đất thay đổi dần và giống quýt này hiện nay ngày càng mai một, suy tàn và vắng bóng dần trên thị trường sau gần một nghìn năm tồn tại. Quyết tâm bảo vệ nguồn gien quý hiếm này vẫn là mục tiêu của chính quyền và nhân dân Lý Nhân.
Theo báo: Trường Tiểu học Văn Lý.
Gửi bởi thvanly ngày 15/02/2014 20:40
Thời nhà Lý, các đời vua vẫn tổ chức lễ hội tịch điền tại phủ Lỵ Nhân, (Hà Nam ngày nay).
Thời nhà Trần, hàng năm vua tôi thường tổ chức nhiều chuyến đi từ kinh đô Thăng Long dọc theo sông Hồng và sông Châu về phủ Thiên Trường, kinh đô thứ hai thời đó.
Thời nhà Lê, việc đi lại giữa kinh đô Thăng Long và Lam Kinh hoặc các chuyến đi chinh phat Chiêm Thành đều đi qua sông Hồng, sông Châu.
Ccác chuyến đi dọc theo hai bên bờ sông Châu trù phú đã đem lại nhiều cảm xúc cho thi ca, để lại nhiều tác phẩm văn học cho đến ngày nay.
Gửi bởi Trương Việt Linh ngày 30/06/2016 15:23
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Trương Việt Linh ngày 06/03/2017 10:07
Thanh u cảnh vật hữu tình
Châu tiên mười một đây dành một châu
Trăm chim đàn sáo vang trời
Hàng ngàn ngọn quít nhô đầu đón ai
Nước thu lồng lộng bóng trời
Trăng nhàn soi tỏ thảnh thơi dáng người
Biển trong bụi đã lắng rồi
Chơi nay vui hẳn hơn hồi chơi xưa
Gửi bởi Lương Trọng Nhàn ngày 01/01/2019 20:54
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Lương Trọng Nhàn ngày 29/11/2020 18:23
Cảnh thanh mà vật cũng thanh,
Đây là một cảnh, mười thành thần tiên.
Trăm chim trăm bộ sáo riêng,
Hàng nghìn ngọn quít là thiên tôi đòi.
Người nhà trăng hạ nhàn soi,
Nước thu lồng lộng màu trời mùa thu.
Biển xanh trong lắng bụi mù
Chơi nay hơn hẳn ngoạn du năm nào.
Gửi bởi hongha83 ngày 21/07/2019 19:49
Cảnh thanh u, vật cũng thanh u
Mười mấy châu tiên, ấy một châu
Trăm tiếng đàn chim, đàn nhạc hát
Nghìn hàng đám quýt đám quân hầu
Trăng vô sự chiếu người vô sự
Nước có thu lồng trời có thu
Vừa bốn bể trong vừa bụi lặng
Độ xưa so với độ này thua
Gửi bởi hongha83 ngày 21/07/2019 19:51
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi hongha83 ngày 27/03/2020 08:15
Cảnh thanh, vật cũng đẹp sao!
Mười hai tiên cảnh, đây nào kém thua
Giọng chim, trăm tiếng nhạc hoà
Nghìn hàng cây quýt tựa gia nô hầu
Trăng nhàn, người chẳng lo âu
Nước thu soi bóng trời thu hữu tình
Bốn phuơng biển cả thanh bình
Năm nay du hứng bội phần hơn xưa